Văn học miền Nam ở hải ngoại


Những tạp chí văn học nghệ thuật trước 1975 ở miền Nam Việt Nam. (Hình: RFA)


Cách đây vài năm một văn hữu đang chủ trương một tờ báo ảo trên mạng Internet ghé thăm tòa soạn tờ báo người viết này đang làm việc, nói vài ba chuyện văn nghệ, trong đó có văn học nghệ thuật miền Nam. Chúng tôi không nói nhất định về một điều gì, một vấn đề gì, nói cả về người sống lẫn kẻ đã ra đi, kẻ còn người mất. Có lúc anh nhắc đến báo này báo nọ của miền Nam, có lúc anh hỏi miền Nam có bao nhiêu tờ báo, hải ngoại có bao nhiêu tờ, Sài Gòn còn bao nhiêu nhà văn lớp trước, Little Saigon có được bao người cũ nay còn hiện diện. Khi anh hỏi liệu miền Nam có mấy chục tờ báo, tôi bảo hàng trăm. Khi anh hỏi trên khắp Âu Mỹ có bao nhà văn ta đang sống lưu vong, tôi bảo vài ba chục người. Anh lắc đầu, giơ bàn tay ra đếm. Anh chỉ đếm được không quá bốn người. Anh bạn tôi không phải dân ở thủ đô tị nạn, anh là người ở Minnesota cả hai ba chục năm nay. Anh Trần Văn Phê chợt nói anh có bà xã ngồi ngoài xe, tôi bảo anh cứ về đi, tôi sẽ cố ghi xuống giấy cho anh tên các tờ báo, tên mấy chục nhà văn rồi sẽ gửi cho anh. Anh về rồi tôi nghĩ có khi đó là một ý nghĩ hay, nên phổ biến rộng ra, biết đâu nhờ đó mà các sinh viên sau này để ý tìm tòi, rồi viết được một điều gì đó về báo chí cũng nên.

Tên những tờ báo ở miền Nam

Tên những tờ báo, đôi khi cũng là tên những nhà xuất bản của miền Nam trước đây:

A- Á châu, An Tiêm, Ánh Sáng, Âu Cơ.

B- Bách Khoa, Bình Minh, Bình Dân, Báo Đen, Buổi Sáng, Bốn Phương, Bút Thép.

C- Chân Trời Mới, Chiến Sĩ Cộng Hòa, Chỉ Đạo, Chính Luận, Chiêu Dương, Chính Văn, Công Báo VNCH, Công Luận, Cười, Con Ong, Chọn Lọc.

D- Da Vàng, Dân, Dân Chủ, Dân Đen, Dân Ta, Dân Tiến, Dân Chúng, Dân Ý, Diễn Đàn, Diều Hâu, Duy Tân, Duy Dân, Đa Minh, Đại Học, Đại Đoàn Kết, Đất Đứng, Đất Mới, Đất Sống, Đất Tổ, Đen Trắng, Đi Và Sống, Điện Ảnh, Điện Tín, Đời Mới, Đông Phương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Độc Lập, Đuốc Nhà Nam, Đường Sáng.

G- Giao Điểm, Gió Mới.

H- Hải Triều Âm, Hành Động, Hiện Đại, Hòa Bình, Hóa Giải [dấu sắc], Hồng, Hồng Lĩnh, Hương Quê, Hoàn Cầu, Huyền Bí, Học Báo.

K- Khởi Hành, Kịch Ảnh , Kỷ Nguyên Mới, Khai Phá.

L- Lá Bối, Lập Trường, Lẽ Sống, Lên Đường, Liên Minh.

M- Màn Ảnh, Mây Hồng, Minh Tinh, Minh Tâm, Mùa Lúa Mới.

N- Ngày Nay, Ngày Mới, Nghệ Thuật, Ngôn Luận, Người Dân, Nguồn Sáng, Nhân Loại, Nhân Chủ,

P- Phổ Thông, Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Đẹp, Phụ Nữ Tân Tiến, Phương Đông.

Q- Quan Điểm, Quyết Tiến, Quật Khởi, Quật Cường, Quyền Sống.

R- Rạng Đông.

S- Sài Gòn Mới, Sáng Tạo, Sáng Dội Miền Nam, Sinh Lực, Sóng Thần, Sống, Sống Mới, Sống Đạo.

T- Tân Văn, Tân Phong, Tia Sáng, Tin Mới, Tin Sớm, Tin Văn, Tiến, Tiếng Chuông, Tiếng Vang, Tranh Đấu, Thách Đố, Thanh Niên, Thẳng Tiến, Thân Dân, Thần Chung, Thế Kỷ 20, Thi Ca, Thời Đại, Thời Luận, Thời Tập , Thời Báo, Thủ Đô, Tìm Hiểu, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Trình Bày, Trinh Thám, Trời Nam, Tự Do, Tư Tưởng.

V- Vạn Hạnh, Văn, Văn Hóa Tập San, Văn Hóa Ngày Nay, Văn Mới, Văn Nghệ, Văn Nghệ Tập San, Văn Nghệ Mới, Văn Học, Văn Hữu, Văn Hữu Á Châu, Văn Nghệ Học Sinh, Văn Nghệ Tiền Phong, Văn Nghệ Tự Do, Văn Xã, Văn Chương, Vấn Đề, Vận Hội Mới, Vui Sống.

X.- Xây Dựng,

Y- Ý Thức, Yêu, Yiễm Yiễm Thư Trang.

Các nhà văn nhà thơ dịch giả miền Nam ở hải ngoại

Nói chung là các cây bút từng có tiếng trước 1975, đang còn sống và viết tại hải ngoại, kể cả Âu Châu, Bắc Mỹ qua miền Nam và miền Tây Hoa Kỳ: Thái Văn Kiểm, Hồ Trường An, Kiệt Tấn, Đỗ Khánh Hoan, Vi Khuê, Tuyết Linh, Uyên Thao, Nguyễn Hữu Hiệu, Mặc Đỗ, Đặng Phùng Quân, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Thạch Chương, Túy Hồng, Hà Huyền Chi, Nhất Tuấn, Ký Giả Lô Răng Phan Lạc Phúc, Phan Lạc Tiếp, Nguyễn Văn Sâm, Diên Nghị, Duy Thanh, Trần Thiện Đạo, Viên Linh, Đỗ Tiến Đức, Trần Văn Nam, Nguyên Vũ, Phan Nhật Nam, Doãn Quốc Sỹ, Cao Thế Dung,… Giai đoạn hai mươi năm sau hầu như đa số cũng đã ra hải ngoại và ở lại.

Một Nền Văn Học của Những Người Vắng Mặt

Vài ý nghĩ của người viết bài này:

Văn Học Việt Nam Hải Ngoại trong những năm đầu tiên, sau khi miền Nam sụp đổ, là Một Nền Văn Học của Những Người Vắng Mặt. Sách truyện được bày bán trên các quầy sách báo trong các tiệm thực phẩm Á Đông, hay trong một số tiệm sách kiêm tiệm băng nhạc Việt ngữ ở Bắc Mỹ và Âu Châu hồi ấy, và cả sau này, hầu hết là sách truyện được viết từ trước 1975, khi tác giả và độc giả còn cùng sống trên một lãnh thổ. Sau 30 Tháng Tư họ ở trong tù. Và tác phẩm của những tác giả ấy đi theo độc giả ra khỏi nước, được sao chép phổ biến lại, còn họ thì vắng mặt. Một số ít những người viết có mặt cùng độc giả của mình, trong cộng đồng lưu vong, đã không thể có những tác phẩm mới trong những năm đầu. Đa số hiện diện qua những cuốn sách cũ – chuyện trò với độc giả bằng tác phẩm và tâm tư cũ; mà tác phẩm cũ không thể làm nên hiện diện mới – do đó họ cũng chẳng khác gì những người vắng mặt. Văn học hải ngoại cuối thế kỷ XX là nền văn học của những người vắng mặt. [Sau này dần dần người trong nước xuất ngoại nhiều hơn, vài chục năm sau hầu như đa số cũng có mặt ở hải ngoại, nếu họ có ý rời đất nước, tuy nhiên có một số khác nhất định không đi, dù là chỉ đi thăm, chẳng hạn nhà văn Văn Quang. Đã hơn bố chục năm qua, Văn Quang không hề xuất ngoại, dù chỉ đi thăm thân thuộc hay bằng hữu.

Cho tới thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, tức là 40 năm sau năm 1975, hầu như không ai còn thấy sự khác biệt giữa giai đoạn trước và giai đọan sau nữa: Văn học Hải Ngoại là Văn học Việt Nam, Văn học miền Nam là Văn học Việt Nam, trăm dòng là một dòng.

Trăm Dòng
Sinh ở đâu mà giạt bốn phương
Trăm con cười nói tiếng trăm dòng
Mai sau nếu trở về quê cũ
Hy vọng ta còn tiếng khóc chung.
(Thơ Viên Linh trong Thủy Mộ Quan)