Chương 11: Mấy Nét Tổng Quát Về Nền Văn Học 1954-1975 - Văn Học & Tính Cách Tự Do

Tính cách tự do

Vừa rồi, trong khi nói về tâm trạng của thời kỳ 1954-75, rất nhiều lần chúng tôi nhắc đến thời tiền chiến, đối chiếu với tâm trạng tiền chiến. Thực ra cái thái độ tinh thần phản ánh trong nền văn học Miền Nam thời 54-75 không phải chỉ khác với thái độ thời tiền chiến hay thời kháng chiến 45-54. Nghĩa là không phải chỉ có sự khác nhau giữa lớp trước lớp sau, sự khác nhau qua thời gian. Cùng một thời với nhau, Nam Bắc cũng khác nhau nhiều lắm. Cái khác Nam Bắc nói đây không phải là cái khác do địa phương mà là do chế độ chính trị, xã hội gây nên. Dưới chế độ Miền Bắc, mặc dù trải qua bao nhiêu tai ương thảm khốc trong mấy chục năm trời, cũng không làm gì có chuyện băn khoăn dao động tinh thần, có suy tìm triết lý, tôn giáo, không làm gì có những tiếng kêu bi lụy thống thiết. Ít ra không thể có những bộc lộ trong văn chương theo chiều hướng ấy. Trong tác phẩm văn chương Miền Bắc chỉ có những con người lúc nào cũng tin chết vào đảng, vào chủ nghĩa Mác Lê, vào lãnh tụ v.v..., những con người đơn sơ, chắc nịch.

Ngoài hai điểm trên, Miền Nam và Miền Bắc còn có một chỗ khác nhau sâu xa nữa. Là ở Miền Nam hiển nhiên có thái độ tự do, cởi mở, khoáng đạt hơn ngoài Bắc nhiều.

Đọc truyện của Miền Bắc thấy toàn những nhân vật lúc nào cũng nhảy choi choi lên đòi đánh thằng Mỹ, đòi hi sinh, đòi phục vụ, đòi giúp đỡ bà con xóm giềng v.v..., nam phụ lão ấu người nào người ấy đều tốt cả, như mới được túm cổ từ trong sách luân lý giáo khoa, trong tài liệu học tập của nhà nước lôi ra, hễ cấp nhỏ thì tốt vừa, cấp lớn thì tốt hơn, cấp càng lớn càng tốt, và đồng chí bí thư thì bao giờ cũng là kẻ tốt nhất, kẻ toàn thiện: vừa tử tế, vừa khôn ngoan, vừa hết lòng vừa can đảm, đủ mọi bề. Sự tình như thế làm cho cả nhân vật lẫn tác giả đều có vẻ gì ngô nghê. Và độc giả ở bên ngoài chế độ, độc giả Miền Nam chẳng hạn, đọc những tác phẩm như thế họ có cảm tưởng đọc những loại truyện kể cho nhi đồng với mục đích giáo dục. Rồi đến khi tiếp xúc với bộ đội, với cán bộ cộng sản, với đảng viên cộng sản từ Bắc vào, mục kích những nhác nhớn, gian lận, tham nhũng trong cơ quan, trộm cắp trong xí nghiệp v.v..., họ hoang mang. Cộng sản nào trong sách? Cộng sản nào ở ngoài đời, quanh đây? Ủa, sao mà nhiều thứ cộng sản vậy? Cộng sản nhan nhản ngoài đời hồi gần đây, thứ cộng sản này thì sờ mó được, thì sống động, thực; còn loại cộng sản nói trong sách đã có bao giờ nhập thế hiện xuống một nơi nào ở trần gian chưa? Nơi nào? Trung Quốc chăng? Nga xô chăng? Ở đâu cũng đầy tham nhũng, lười lĩnh, gian lận, vô trách nhiệm, năng suất xuống thấp hết cỡ... Cái cộng sản trong sách là “hiện thực”, hiện thực khoa học, hiện thực xã hội chủ nghĩa; vậy thì thứ cộng sản ngoài đời, sờ sờ trước mắt, thứ cộng sản sờ mó được ở khắp Miền Nam sau 1975 đây là giả tưởng? là siêu thực? Ôi ly kỳ.

Nhất định là ở Miền Bắc không thiếu những tác giả có tài, có thể tạo nên nhân vật sống động, nhưng họ đâu có phép làm như vậy? Nhân vật sống động thì phải giống thực tại, mà giống thực tại thì xa chủ trương lãnh đạo rồi, nguy hiểm cho họ biết bao. Họ đành... hiện thực xã hội chủ nghĩa vậy.

Để kết thúc cuốn VIẾT VÀ ĐỌC TIỂU THUYẾT, Nhất Linh kể một câu chuyện: Cuốn Đồi thông hai mộ là một cuốn truyện hết sức tầm thường, theo ông nếu cuốn ấy xuất bản trong Nam thì có lẽ không ai thèm đọc. Thế nhưng ở Miền Bắc người ta giấu giếm chuyền cho nhau xem; không những thế có người còn thức luôn mấy đêm chép tay để đọc và đưa cho các bạn bè tin cẩn đọc, cứ thế một ngày một lan rộng. Vì sao mà người Miền Bắc lại khác thường, lại ham sách dở đến thế? Nhất Linh nghĩ: “Vì họ đã chán ngấy những tiểu thuyết hết ca tụng cái nọ đến ca tụng cái kia, đều đều một giọng.” 1 Cuốn VIẾT VÀ ĐỌC TIỂU THUYẾT đã được đăng dần trên tạp chí VĂN HÓA NGÀY NAY từ trước năm 1960. Mười lăm năm sau, điều tác giả nói về độc giả Miền Bắc lại diễn ra ngay dưới mắt đồng bào ta ở trong Nam: sau 1975, cán bộ, bộ đội, đồng bào từ Bắc vào Sài Gòn lại tìm đọc vồ vập các loại thơ văn, tìm nghe say mê các loại ca nhạc ra đời trong Nam trước 1975, đọc xong nghe xong lén lút mang ra Bắc chuyền cho nhau thưởng thức, báo hại nhà nước kêu lên inh ỏi là có CIA đánh phá lung tung trên mặt trận văn hóa, phải huy động lực lượng phản công đi, phản công lại nhiều đợt mà không dứt điểm nổi. Văn thơ ấy ca nhạc ấy lén lút mang từ Miền Nam về, thứ hay có mà tất nhiên thứ dở cũng nhiều. Thì ra Miền Bắc vẫn cứ còn kỳ cục. Sau ba mươi năm được lãnh đạo một cách khoa học, sáng suốt, sau ba mươi năm thấm nhuần chủ nghĩa tiến bộ nhất, họ vẫn cứ còn giữ cái ham mê kỳ cục nọ. Bảo rằng đây chỉ là vấn đề tò mò: thấy của lạ thì ham, người Bắc muốn tìm biết những món trong Nam, cũng như người Nam muốn...

- Ðâu có! Chuyện ngược lại không hề xảy ra. Văn phẩm ngoài Bắc đem vào phổ biến đầy dẫy ở Sài Gòn, đâu có xảy ra cảnh tranh đọc vồ vập? Đành phải kết luận như Nhất Linh bằng cái lý do chán ngấy “chủ nghĩa” văn nghệ ca tụng vậy.

Ngoan ngoãn hè hụi viết mãi những tác phẩm như thế năm này qua năm khác, riết rồi cũng đến một lúc các tác giả Miền Bắc đánh bạo lên tiếng xin đổi kiểu. Và dĩ nhiên họ bị mắng mỏ ngay. Lời qua tiếng lại giữa những Hoàng Ngọc Hiển, Tô Hoài, Kiều Vân, Hà Xuân Trường v.v... trên các tạp chí văn nghệ và chính trị ở Hà Nội trong mấy năm 1979, 1980, 1981... rốt cuộc rồi chẳng đi tới đâu. Một bên muốn “miêu tả sự vật như nó vốn tồn tại và đang tồn tại”, một bên nhất định bắt “miêu tả sự vật như nó phải tồn tại”, nhất định bắt duy trì thứ chủ nghĩa “hiện thực phải đạo”, duy trì nền “văn nghệ phải đạo”: “Sự lấn át của bình diện cái phải tồn tại đối với bình diện cái đang tồn tại trong sự phản ánh nghệ thuật là một đặc trưng của cái cao cả (le sublime) như là một phạm trù mỹ học.” Gớm, trịnh trọng quá. Sự thực đi vào thế giới những nghệ phẩm như thế, ở đâu cũng thấy lổn nhổn toàn những cái “cao cả”, cái lớn cái bé cái lỡ cỡ, cái gì cũng toàn “cao cả” do đám thợ hót sản xuất bừa bãi rụp rụp như thế, cảm tưởng cuối cùng không phải là một cảm tưởng cao cả, mà là một cảm tưởng trước cảnh... lố lăng (le grotesque), cũng một phạm trù mỹ học nữa!

Nhưng nói mỹ học làm gì cho to chuyện, trịnh trọng, đao to búa lớn; tham luận, trao đổi, phê bình, góp ý làm gì cho mất công, cho hao tâm tổn trí. Vấn đề vốn giản dị: Một mặt quần chúng chán nghe ca tụng, nghệ sĩ chán ca tụng; nhưng mặt khác giới lãnh đạo giới cầm quyền không chán được ca tụng thì ca tụng chủ nghĩa cứ tiếp tục đúng. Làm sao khác được.

Chính sách độc tài bủa giăng những ràng buộc làm trở ngại sáng tác, làm cho giới biên khảo xuyên tạc sự thật, lâm vào cái cảnh phải dối trá với độc giả. Làm người sống thẳng thắn theo lương tâm dưới một chế độ như thế đã khó, huống hồ là làm một văn nghệ sĩ. Trong lãnh vực văn học nghệ thuật, đã rõ “không gì quí bằng tự do”.

Còn tại Miền Nam, quốc gia ở trong tình trạng chiến tranh liên miên, Miền Nam có kiểm duyệt, giới cầm bút nhiều lần kích bác chống đối kiểm duyệt, sự chống đối có lúc khá ồn ào vào những năm cuối cùng của chế độ. Tuy vậy, Miền Nam có tự do là điều không thể chối cãi. Một thứ tự do tương đối, có hạn chế, nhưng là tự do rộng rãi hơn hẳn ở những phần đất hay ở những thời nước nhà thuộc quyền cộng sản.

Thật vậy, vừa rồi chúng tôi có nói đến sự chống đối kiểm duyệt ồn ào trước 1975, nhưng ngay vào độ ấy văn sĩ vẫn được dõng dạc nói lên những điều họ cảm nghĩ mà không ngại xúc phạm đến người cầm quyền. Tập san NHÀ VĂN số xuân Ất Mão (tháng 2 năm 1975) đăng lời tuyên bố của Thanh Lãng trả lời một cuộc phỏng vấn: “Tết năm nay, đối với Trung tâm Văn Bút Việt Nam là một cái Tết tha hương, vì cũng như nhân dân Miền Nam, nhà văn Việt Nam đang sống trong một nhà tù lớn, một chốn ly thân, trong thân phận vong thân.” (trang 115). Trong cái “nhà tù lớn” ấy báo NHÀ VĂN được in, và phổ biến rộng rãi, nhà văn Việt Nam Thanh Lãng vẫn yên lành tiếp tục viết văn, tiếp tục chống nhà cầm quyền bằng tuyên bố này nọ và bằng những hình thức hoạt động khác.

Ngay trong trường hợp bị “trù ẻo” thực sự như báo Đối Diện của linh mục Nguyễn Ngọc Lan chẳng hạn thì rốt cuộc cả tờ báo lẫn chủ báo cũng vẫn cứ nguyên lành, đến cuối cùng, dù có vất vả. Hồ Hữu Tường mang cái án tử hình, khi còn ngồi tù ngoài Côn Đảo đã có truyện đăng trên nhật báo ở Sài Gòn. Đối lập như Nhất Linh vẫn ra báo in sách, cho đến chán thì nghỉ. Đại khái thì sự ngăn cản vẫn... lành.

TINH THẦN HÀI HƯỚC

Thế cho nên ở Miền Nam trong thời kỳ này bùng lên một không khí nghịch ngợm, thịnh phát một nền văn chương trào phúng phong phú hiếm thấy, có lẽ trong văn học Việt Nam chưa bao giờ có một thời kỳ “vui vẻ” như thế này: số lượng các tác giả hài hước, hoặc viết bằng văn xuôi hoặc viết bằng văn vần thật nhiều (Thần Đăng, Tú Kếu, Hà Thượng Nhân, Sức Mấy, Đạo Cấy, Kiều Phong, Thương Sinh, Chu Tử...); tạp chí, nhật báo thường thường dành nhiều trang cho các loại khôi hài; lại có hẳn những tờ báo chuyên chọc cười suốt từ đầu đến cuối (CON ONG, MUỖI SÀI GÒN...).

Tiếng cười của thời này không phải ngẫu nhiên mà nở trong văn chương. Nó bắt nguồn từ ngoài đời. Ngoài cuộc sống, tự dưng bấy giờ thiên hạ cũng xài một thứ ngôn ngữ có nhiều tiếng dí dỏm: sức mấy, đi một đường lả lướt, rước đèn đều đều với em v.v... Nhạc sĩ hát “sức mấy mà buồn”, “bỏ đi tám”... Ngoài xã hội rộn ràng nghí ngố đùa giỡn, cho nên tiếng cười lọt vào thơ văn.

Tiếng cười đùa nổ với tiếng súng lớn nhỏ. Tiếng súng càng giòn tiếng cười càng rộ. Thật vậy, rõ ràng là càng về sau cười đùa càng tợn: đùa nàng Kiều-lá-đổ trong Quốc hội, giễu ông Tổng Ngọc trong chính phủ, ghẹo Quế tướng công trong quân đội, cụ VIP K.K. lôi Tổng thống độc diễn ra xử đi xử lại tơi bời, ai nấy lôi thơ gãi háng của Phó Tổng thống ra cười cợt mãi không thôi... Thật không còn kiêng nể gì nữa. Cười mệt nghỉ, cười chết bỏ.

Bảo súng càng giòn cười càng rộ, như thế có ý liên hệ chiến tranh với khôi hài, cái chết với tiếng cười. E khó tìm ra một tương quan giữa hai cái ấy. Tuy nhiên chiến tranh có làm cho cuộc sống đảo điên, cho xã hội hỗn loạn phần nào, cho kỷ cương buông thả, cho luật pháp lỏng lẻo hơn, cho nếp sống phóng túng tự do hơn, luông tuồng bừa bãi hơn. Cười nói ngả nghiêng trong khung cảnh ấy vẫn hợp hơn là trong bầu không khí trang nghiêm, gần như đạo hạnh, của Đệ nhất Cộng hòa. Có thế chăng?

Dù sao, mối liên hệ giữa tự do với tiếng cười thì hiển nhiên. Ở Miền Bắc không có văn chương hài hước. Thật ra, ở Hà Nội có lần phọt lên một tràng cười lớn: tức lúc Nhân Văn, Giai Phẩm ra đời. Thế rồi tịt. Chịu khó dai dẳng chỉ còn có ông cụ Tú Mỡ. Bao nhiêu cán bộ văn nghệ được đào tạo để làm thơ trào phúng đều chẳng ai thành công. Tạp chí Văn Học, xuất bản ở Hà Nội, số tháng 9-1965 bảo: “Có người ngại rằng thơ trào phúng sẽ sút kém khi nhà thơ Tú Mỡ trăm tuổi.” Cái ngại của người nào đó có giá trị tiên tri. Tú Mỡ luyện nụ cười từ thời Pháp thuộc, đưa ra trình bày dưới chế độ cộng sản, tuy đã mòn mỏi xệu xạo nhưng vẫn còn dùng được để đánh thằng Tây thằng Mỹ. Tú Mỡ đi rồi, quả sút kém to.

Hiện tượng mất tiếng cười ở Miền Bắc là cả một mối lo của nhà cầm quyền. Họ đôn đốc thúc dục cán bộ viết trào phúng, họ tổ chức những “đội ngũ” trào phúng, chỉ vẽ dạy bảo rất chăm: kết quả không được mấy. Trong đại hội văn nghệ lần thứ III hồi 1962 Nguyễn Tuân kêu gọi khẩn cấp: “Đừng khó ‘đăm đăm’... phải cười lên. Cười tủm tỉm hoặc cười nửa miệng, hoặc là cười phá lên, cười rộ lên, cái đó xin cứ theo tùy thích của mỗi người.” Yêu cầu mời mọc đến thế, vẫn không được hưởng ứng.

Và, cũng lại như trường hợp xảy ra ở trong Nam: văn chương ngoài Bắc phản ánh sinh hoạt ngoài đời. Văn “khó đăm đăm” là bởi người lo ngay ngáy. Trên báo Nhân Văn số 5, Trần Lê Văn phác họa một chân dung cán bộ: “Người anh khô đét lại, thẳng đờ như một cái áo quan, mắt chỉ biết trợn chứ không biết nhìn, mặt tái đi vì luôn luôn giận dữ với các loại khuyết điểm trên đời, hai hàm răng xít lại, dầu có cạy cũng chẳng ra một nụ cười”... “Đồng chí ấy nói đùa anh cũng vâng vâng dạ dạ vì lâu ngày anh quên cả nói đùa.” Trời đất, người “anh” như thế thì dù nhà nước, dù đảng có cù cũng đành chịu chứ trào phúng trào phiếc gì được!

Điều mỉa mai là đoản văn vừa trích từ báo Nhân Văn lại là một đoạn trào phúng có giá trị, ít ra có thể làm “anh” giận điên người. Thành thử, thực ra ở Miền Bắc vẫn có cười đấy, nhưng chỉ cười ở bên ngoài nền văn học chính thống mà thôi: cười trên báo “lậu” chống đối, cười trong những câu ca dao truyện tiếu lâm lưu truyền khắp dân gian. Nguyễn Tuân hướng về phía trước mời cười thì chỉ thấy toàn những mẫu người “khô đét, thẳng đờ, mắt trợn, mặt tái, răng xít lại”; nhưng sau lưng ông thì lúc nào cũng khúc khích tiếng cười trộm lén của quần chúng nghịch ngợm, tinh ma. Họ cười ¾ y như quần chúng từng cười xưa nay dưới mọi chế độ ¾ kẻ áp bức mình: các lãnh tụ, các ủy viên đảng từ tỉnh lên trung ương, các bộ trưởng, dân biểu, và chắc chắn cả những tay chân được hưởng nhiều ân sủng (như Nguyễn Tuân?). Ở Miền Bắc nhà cầm quyền cũng đôn đốc văn nghệ sĩ dùng tiếng cười như một vũ khí để đánh vào kẻ thù: hoặc thằng Pháp, thằng Mỹ, thằng địa chủ, hoặc những cán bộ thấp cổ bé miệng, những công nhân, nông dân kém ngoan ngoãn không hết mình hết sức cho đảng, cho nhà nước; nhưng tiếng cười theo lệnh chỉ huy phát ra hiếm hoi, rời rạc, đơn điệu, nhạt nhẽo. Trái lại, ở Miền Nam tự do hễ đã cười là cười các ông to bà lớn (dân biểu, nghị sĩ, tổng trưởng v.v...) còn công chức cán bộ cấp nhỏ đều được miễn. Cười như thế tiếng cười nghe ngạo nghễ, sảng khoái. Lắm khi, có thô lỗ. Thô lỗ vẫn là xấu, nhưng dù sao cũng không tệ như cái cười cầu tài. Nghệ thuật kỵ cái hèn.

CÁI KỲ DỊ

Tự do làm nở nụ cười; và cũng chỉ ở Miền Nam mới có cái tự do làm nảy sinh ra kỳ hoa dị thảo. Cái tầm thường thì có thể được chấp nhận dễ dàng, còn cái kỳ dị thường gặp phản ứng mạnh, phải chờ sự phán xét của thời gian. Nhưng dù chưa khẳng định được giá trị của nó vẫn phải nhận rằng thi ca của những Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, triết học của Kim Định, các thị kiến về tôn giáo, chính trị, văn hóa v.v... của Hồ Hữu Tường v.v... là những đóng góp độc đáo, phong phú. Những tài năng phóng khoáng, bất chấp khuôn khổ, không cần biết đến quan niệm chính thống ấy, sau khi Miền Nam sụp đổ thì hoặc phải bỏ nước mà đi (Kim Định) hoặc bị đày đọa thủ tiêu (Hồ Hữu Tường) hoặc bị đánh đập tơi bời (Bùi Giáng). Đến cái thân họ còn không giữ nổi, nói gì đến nghệ thuật cùng tư tưởng.

Chú thích

1 Nhất Linh, Viết và đọc tiểu thuyết, Ðời Nay xuất bản, Sài Gòn 1969, trang 100.Nhất Linh, Viết và đọc tiểu thuyết, Ðời Nay xuất bản, Sài Gòn 1969, trang 100.