6. Đồ quân ăn cướp

Gà vừa gáy sang canh hai. Bên ngoài, trời tối như mực. Quang cảnh im lặng, nặng nề sâu lắng. Đứng gió, oi bức. Con Mực sủa mấy tiếng vội vã rồi hực hực liên hồi. Con Vá hùa theo thúc bách lắm. Chân chúng nó cùng một lúc cào cào xột xạt ngoài sân, sát hành lang nhà trước làm cho đất cục khô và sỏi đá văng dội vách cây bổ kho nghe lốp cốp lốp cốp... Ông Hương Sư lật đật bỏ giò xuống nền gạch tàu mát lạnh về đêm. Ông vói tay chộp lấy ngay cây chỉa ba dựng thường xuyên ở đầu giường, bước tới khều nhẹ chân thằng Vẳng. Nó đang ngái ngủ khò khò ngon lành như bất cần đời ở chái hiên nhà. Nó ngồi phóc dậy như bị điện giựt. Ông Hương Sư khe khẽ:

- Suỵt! Suỵt! Tao đây. Có động tịnh bên ngoài. Hai con Mực và Vá đang hực hực sủa vang trời về hướng bến sông từ nảy giờ cũng khá lâu. Suỵt!

Thằng Vẳng phóng nhanh như chớp đến cửa buồng, xán lại chụp cây song hồng nắm chặt trong tay. Nó nhón gót, bám theo sát sau lưng ông Hương Sư, đang chầm chậm tiến ra phía ngạch cửa trước. Ông nhíu mày, đưa mắt nhìn qua khe cửa lá sách. Ông tập trung tối đa. Trời ba mươi chẳng thấy gì ngoài màn đen đêm tối dầy đặc. Hai con chó Mực và Vá một mực trung thành, đánh hơi biết trong nhà chủ chúng nó đã thức nên mừng húm. Chúng quấn quít chạy tới chạy lui, tiếp tục sủa, rồi thỉnh thoảng khịt khịt mấy cái trước hàng ba tỏ vẻ tự tin. Một đỗi sau, không thấy có động tịnh gì khác, ông Hương Sư bảo thằng Vẳng lên ván mạ ngủ lại để sáng sớm hôm sau còn trăm ngàn việc đăng đăng đê đê phải làm. Nó dựng cây song hồng ở đầu ván mạ, ý như nó muốn có ngay trong tầm tay cho vững bụng, một khi phải cần đến cái vũ khí phòng thân hữu hiệu này. Xong, nó lật đật chui vào nốp, không kịp nói lời nào với ông Hương Sư.

Trong khi đó, ông Hương Sư cũng quày quả trở về giường. Nhưng ông không ngủ được, cứ thao thức trằn trọc mãi đến hừng đông sáng. Vì ông không an tâm. Việc hai con Mực và Vá sủa rùm trời rùm đất hồi nảy làm ông hoài nghi có một cái gì bất ổn. Tù và trùm vạn Chẩn vang dội, thúc hối từ đầu miễu Thành Hoàng. Trùm vạn Chẩn cứ đúng giờ này, không sai chạy một giây một phút, túc tù và để tập hợp mấy chị đàn bà con gái đi cấy mướn chuẩn bị lên đường. Ông Hương Sư choàng dậy nặng nhọc sau một đêm không yên giấc. Ông bước tréo lại bàn tròn đặt giữa nhà, nấu nước pha trà như thói quen ở thôn quê mỗi sáng. Uống xong, ông gọi thằng Vẳng xuống bếp lụt cơm nguội ăn sáng qua loa cho chắc bụng, trước khi nó bắt đầu một ngày dài làm lụng kham khổ cực nhọc. Còn trẻ, dậy sớm, thằng Vẳng dụi lia lịa đôi mắt. Nó từ từ bước qua ngạch cửa ăn thông xuống nhà bếp như người không hồn hay đang mộng du.

Chẳng mấy chốc, ơ cơm nguội chiều hôm trước với chút ít tép bò riêm mặn còn để giành lại, chẳng còn gì cả. Nó đã cẩn thận vét sạch nồi, ăn ráo trọi. Có tiếng người đi chợ sớm lao xao ngoài bờ tre, càng lúc càng nhỏ dần để tan biến trong tấu khúc líu lo yêu đời của chim chóc vừa mới thức giấc trong vườn. Ông Hương Sư chít khăn chéo trắng, mở cửa bước ra sân lúa trước nhà, chú tâm quan sát. Nơi đây, nhân công chất đầy ngùn ngụn những bó lúa sớm ba tháng vừa gặt sốt dẻo hai ba ngày trước. Ông đi tới đi lui, đi xuôi đi ngược, để mắt chỗ này góc kia không sót một chỗ nào. Rồi bỗng dưng ông nhíu đôi mày gần như đâu vào nhau, ra dáng suy nghĩ hung lắm. Ông đưa ngón trỏ đếm cẩn thận từng dãy lúa được chất ngay hàng thẳng lối đẹp mắt. Ông đếm đi đếm lại đôi ba lần cho chắc ý rồi bất thần gọi vọng vào nhà réo ngược thằng Vẳng:

- Vẳng ơi Vẳng! Ra ông bảo.

Thằng Vẳng như con lật đật. Nó có đôi chân cheo, nhanh nhẹn lẹ làng như sao xẹt những đêm ba mươi tối trời. Chẳng mấy chốc, nó đã đứng sừng sững trước mặt chờ đón sự chỉ bảo của ông Hương Sư. Hướng về nó, ông nói:

- Bây nhớ không? Chỗ góc này, ngày hôm qua đâu có hủng sâu hút như vậy kìa! Tao cố ý bảo thằng Năm Đực chất bằng mặt làm dấu để dễ kiểm soát mà.

Thằng Vẳng không biết có để ý hay không đến lời nói của ông Hương Sư, nhưng nó vẫn gật đầu lia lịa ra chiều đồng ý. Ông Hương Sư tiếp:

- Mất toi cũng mươi bó lúa hồi hôm lúc hai con Mực và Vá hực hực liên hồi về phía bến sông. Đây đây... trộm còn để lại kia kìa cái nắp lu chúng đập bể làm hai phòng ngừa ông cháu mình ra ngoài rượt đuổi để phản ứng đối phó. Cũng may mình kịp suy nghĩ, nếu không, chắc sẽ mang họa vào thân. Hướng về phía thằng Vẳng đang lăng xăng quanh đấy, ông dặn dò:- Tối nay, ông cháu ráng mà thức canh lúa nhé. Thế nào đám đạo tặc, quen cái quen nước cũng sẽ đến lần nữa. Lúa thóc mình vẫn còn đầy ngoài sân đó. Quến bọn bất lương tham lam của người.Rồi ông khẳng quyết:

- Ít nhất tụi nó cũng hai ba đứa. Để ông ra bến sông xem dấu chân chúng nó là biết ngay. Tụi nó cả gan thật. Làm ăn thì luồng lách, không chịu làm ăn. Làm như chúng nó kỵ hai chữ lương thiện sao mà!

Ông Hương Sư đã ngoài sáu mươi tuổi nhưng trông còn sõi. Đi đứng lanh lẹ. Nói năn rổn rảng. Ông vẫn tiếp tục làm ruộng nương để sinh sống nhưng làm cầm chừng, mỗi năm năm bảy công một mẫu để có lúa ăn quanh năm. Ông không trực tiếp làm như ngày xưa bươn chải trong gió sương lao nhọc để gầy dựng sự nghiệp. Mà nay đôi lúc cảm thấy chân dùn gối mỏi, nhứt nhứt ông đều mướn người làm thế. Bà Hương Sư qua đời từ lâu. Ông ở vậy, cam phận gà trống nuôi con vì ngao ngán cảnh trong gia đình con ông con bà, dòng này dòng nọ, phía cha phía mẹ, không cùng chung máu mủ ruột rà, suốt năm không tránh được hục hặc phiền toái. Thật phức tạp vô cùng.

Ông có người con trai út duy nhứt, Tư Sang và hai cô con gái lớn Hai Thập, Ba Nhị. Cả hai đều được ông gả về làm dâu xa, một người tận làng Tân Uyên tỉnh Biên Hòa và một người tuốt dưới phía biển Lộc Thuận tỉnh Bến Tre, lúc bà Hương Sư còn sanh tiền. Ông Hương Sư nuôi nấng dạy bảo Tư Sang từ trong trứng nước. Ông cho ăn học đến nơi đến chốn ở tỉnh nhà rồi lên thủ đô Sài Gòn, đổ “còm mi” ngạch hành chánh, làm việc ở tòa bố tỉnh Chợ Lớn với tham biện Tây. Tư Sang được cấp nhà công chức trong công viên tòa bố tỉnh, mênh mông ăn thông từ đường Nguyễn Trãi phía trước qua đường Hồng Bàng phía sau. Vợ Tư Sang là giáo viên chánh ngạch, xuất thân từ trường Sư Phạm, tùng sự tại trường tiểu học bổ túc Đỗ Hữu Phương. Trường này nằm ngay cổng sau tòa bố, cách nhau bằng đường rầy xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho. Việc đi lại hằng ngày rất tiện lợi.

Ông Hương Sư sống cô độc hiu quạnh một mình ở xóm Phú Thứ nên nhận nuôi thằng Vẳng lúc còn nhỏ hếu để sai vặt trong ngoài, đỡ tay đỡ chân và nhứt là hủ hỉ sớm hôm. Trong khi đó, bà Hai Muối, má thằng Vẳng lên Chợ Lớn giúp việc vợ chồng Tư Sang, trông nom nhà cửa, con cái và quán xuyến bếp núc. Do hoàn cảnh góa bụa, yếu đuối thế cô, bà Hai Muối rất túng quẩn, trước đây tạm sống qua ngày với cái nghề bầm dập xúc tép rong, vó tép mòng. Bữa đực bữa cái, hôm có hôm không, bấp bênh khốn đốn. Tuy thế, nhờ nhấm mớ tép rong tép mòng chắt chiu hằng ngày, bà tích trữ để làm mắm ruốc bán trong lối xóm. Mắm ruốc bà Hai Muối nổi tiếng trong làng không thua gì mắm ruốc của bà giáo Thảo sau này ở Vũng Tàu. Hôm nào trong xóm có ai mướn nhổ mạ, cấy lúa, giã gạo, xay bột, tẻ nếp, giữ trẻ... bà mừng húm. Đây là những cơ hội may mắn đối với bà để cải thiện những bữa cơm hằng ngày đỡ dằn vật cồn cào. Những lúc hiếm hoi đó, bà không một chút đắn đo, giao đứt thằng Vẳng cho mấy đứa trẻ trong xóm chỉ lớn hơn nó năm ba tuổi trông coi. Căn nhà lá rách trước dột sau, nhìn bên này thấu suốt bên kia, gió lùa tứ phía, phó mặc nắng mưa năm tháng tàn phá, may nhờ sự sắp xếp của ông Hương Sư nên bà Hai mới có cơ hội ngàn vàng trong đời. Bà cầm chắc sẽ thoát khỏi định mệnh của mình, một định mệnh quá đỗi nghiệt ngã khắc khe.

Thằng Vẳng lúc nhỏ khó tánh. Mồ côi sớm, gia đình lại nghèo rớt mồng tơi, nó không biết thân biết phận cứ khóc la không dứt. Mới ngủ đó, không hơn một khắc đồng hồ, nó lại mở mắt trao tráo đòi vú mẹ. Mấy đứa trẻ giữ nó ham chơi, bỏ mặc nó bò lăn bò lóc, tha hồ la lết khắp chòi củi, sân phơi lúa. Một hôm, nó khóc quá, con Bê lớn hơn nó năm bảy tuổi gì đó, ẵm để nó ngồi trên cối xay, quây bồ bồ hăm cho nó sợ để thôi khóc. Chẳng may, nó thọt chân mềm mại vào lỗ ngổng và cối xay nghiến dập chân trái. Thầy thuốc Nam trong xóm, ông Ba Kiệt bó thuốc tới bó thuốc lui, dây dưa cả tháng trường nhưng vẫn không sao chữa lành hẳn. Có lẽ do cái nghề thầy thuốc vườn, loại cha truyền con nối, học chưa tới lắm. Rốt cuộc, thằng Vẳng mang tật suốt đời. Chân nó đi chấm phết, cà thọt cà thọt khó khăn. Từ dạo đó, làng xóm gọi nó là “quách cà que” Tôn Tẩn hay nhà sư thọt! Xét ra cũng không có gì quá đáng.

Mặt mày thằng Vẳng trông lém lỉnh. Hai mắt nó nhỏ ti hí như mắt lươn, nhưng đen huyền sắc bén và sáng long lanh. Người xưa có thói quen cho rằng người nào có đôi ngươi đen huyền, chém cha thế nào cũng thuộc vào hàng lì lọm khó bì được. Nó thường nhìn xuống khi đứng trước người đối thoại, tưởng chừng như không thấy gì cả ngoài thềm đất. Nhưng thực ra nó đang liếc chéo đó. Đừng lầm! Vì nó nhìn thấy rõ tất cả những gì chung quanh. Thằng Vẳng sống với ông Hương Sư đã mười năm dư. Ông rất thương mến nó, dù ông không hài lòng ưng ý lắm về tánh tình và cốt cách lém lỉnh của nó. Đã nhiều lần, ông Hương Sư bảo nó không được liếc xéo ở đuôi mắt nữa. Việc này thể hiện một sự bất chánh, một hành động không lương thiện trong con người nó. Nhưng khổ nỗi, nó không thể bỏ được vì đã thành một thói quen bất trị rồi... Tuổi già gần đất xa trời, chẳng còn ham muốn bám víu gì thêm nữa trên thế gian phiền hà lắm chuyện, ông cũng xí xóa bỏ qua. Vả lại, ông cần có sự hiện diện của nó để đỡ quạnh hiu buồn chán. Và cũng để có người sai bảo lặt vặt những khi cần đến mà tuổi già khó thể tự đảm đương được.

Sau Hiệp định Đình chiến Genève 1954, đất nước bị chia đôi lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới mà cây cầu Hiền Lương là biểu tượng cảnh cốt nhục chia lìa. Nhưng dù sao đồng bào hai miền Nam Bắc cũng khấp khởi vui mừng dù tình cảm và nhận thức đôi bên đều khác biệt. Vì hòa bình tạm thời được tái lập sau mấy thập niên nồi da xáo thịt, gà nhà bôi mặt đá nhau. Chém giết, chết chóc, phân ly chia lìa nay đã thuộc về dĩ vãng đau buồn, tuy khó phai nhòa trong ký ức tập thể. Mừng vui không mấy chốc, ông Hương Sư qua đời để lại nhà cửa, vườn tược, ruộng đất mênh mông không người trông coi quán xuyến. Hai cô con gái, Hai Thập và Ba Nhị bị cột chưn cột cẳng ở quê chồng cách ngăn vạn dặm, không thể đảm đang được, trong khi Tư Sang đã có cơ sở vững vàng ở Chợ Lớn.

Lúc bấy giờ, quân đội viễn chinh Pháp bắt đầu cuốn cờ hồi hương, trao trả chủ quyền lại cho Chính phủ Việt Nam. Lần này không phải là những lời hứa suông như bao lần trước đây, mà đã là một sự thật lịch sử của miền Nam. Một hệ thống hành chánh mới được thiết lập ngay sau đó trên toàn quốc. Với ngạch “còm mi” hành chánh, cộng thêm nhiều năm thâm niên công vụ không chút gợn, không mảy may tai tiếng, Tư Sang được cấp trên đề bạt giữ chức vụ Quận trưởng quận Gò Dầu Hạ, tỉnh Tây Ninh. Một sự đề bạt hợp tình hợp lý và đúng thời điểm đối với con người mẫu mực có thừa ấy. Tuy nhiên, vợ con anh vẫn tiếp tục ở nơi căn nhà công chức trong khuôn viên rộng thênh thang của tòa bố tỉnh Chợ Lớn. Nơi nầy quanh năm rợp bóng cây xanh, loại cây cổ thụ từ bao đời chứng kiến lắm đổi thay. Lý do tình hình an ninh ở đây dù sao cũng đảm bảo hơn nơi vùng nông thôn. Nơi đây đám cán bộ cộng sản được đảng bí mật gài lại, không đi tập kết miền Bắc theo tinh thần Hiệp định Genève để chờ ngày ngốc đầu dậy chống phá Miền Nam, đã bắt đầu có những hoạt động lén lút khả nghi.

Do hoàn cảnh đặc biệt đó, thằng Vẳng được tín nhiệm thay thế Tư Sang trông nom sự nghiệp ông Hương Sư để lại. Lúc này nó đã lớn gộc rồi, tỏ ra chỉnh chạc, đạo mạo không thua một thầy tu khổ hạnh. Nó lăm le dạm cưới con Hai Bèn, con ông Năm Hương từng làm từ đình Phú Thứ một thời gian dài. Nhờ cái tật cà thọt ở chân lúc thiếu thời, thằng Vẳng được miễn thi hành nghĩa vụ quân sự. Và cũng nhờ đó, nó thối thoát không trực tiếp tham gia những tổ chức ngoại vi mọc lên như núm sau đó không lâu của đám cộng sản nằm vùng. Toàn là những tổ chức mang những cái tên hấp dẫn quyến rủ nhưng bên trong che đậy ý đồ hắc ám, chém giết hận thù.

Xóm Phú Thứ lúc này thuộc vùng xôi đậu. Có thể nói nửa chợ nửa quê nhưng phần nửa quê chiếm phần lớn đất đai. An ninh bấp bênh, thay đổi như mưa nắng, đêm ngày. Nhứt là về đêm không sao kiểm soát được. Nhiều gia đình trong xóm lần lượt kẻ trước người sau tản cư ra chợ Gò Đen hay quận lỵ Bến Lức để tránh lưới đạn đôi bên. Tình cảnh này nhiều khi nặng nề đến nghẹt thở. Dù vậy, thằng Vẳng cắn răng chịu trận. Nó phú mặc cho định mệnh ra sao thì ra. Gia đình nó tiếp tục ở lì nơi ngôi nhà quen thuộc bấy nay, không hề có ý định phiêu lưu khỏi lũy tre trước mặt. Nó cố bám ruộng bám vườn, bám đất ông Hương Sư để lại, tạm thời sinh sống qua ngày tháng. Mặc những hiểm nguy lắm lúc cận kề và những phiền phức dằn co níu kéo của đôi bên. Và đôi khi cái chết suýt soát trong đường tơ kẽ tóc. Chính nó cũng không biết có một sức mạnh thiêng liêng vô hình nào đã giúp nó vượt thoát giai đoạn khó khăn ấy. Vì thế đương nhiên nó được đám cộng sản nằm vùng sau này ca ngợi là thành phần bám trụ bám đất, xa gần, ít nhiều tiếp tay với chúng. Nó được chúng ví như nước sông mương, kinh rạch vì một khi những nguồn nước này cạn khô thì con cá cộng sản sẽ toi mạng.

Với thời gian, vợ chồng chắt mót, “tích tiểu thành đa”, chịu cực chịu khổ, ngày ngày làm việc xuyên suốt một mạch chẳng chịu nghỉ một buổi đứng nào. Cả hai cố tâm khai thác cơ ngơi, ruộng vườn sản nghiệp của ông Hương Sư mà nó đang quản lý do thời cuộc đẩy đưa. Giờ đây, thằng Vẳng trở nên khá giả hơn bà con hoặc trang lứa trong xóm. Tuy nhiên, nó có một nỗi buồn không thể nào vơi được là bà Hai Muối không còn nữa. Bà chết tức tưởi rất thảm thương vì đạp nhằm lựu đạn nội hóa do mấy thằng du kích cóc nhái lon con trong xóm bạ đâu gài đấy, nhân lúc bà trở về quê thăm thằng Vẳng.

Thời cuộc tiếp diễn với nhiều biến chuyển bất ngờ không sao lường trước được. Chiến cuộc ngày càng thêm khốc liệt do mộng xâm lăng cuồng ngông và tham vọng xích hóa quá đà của nhóm lãnh đạo cộng sản khát máu miền Bắc. Từ dạo đó, xóm Phú Thứ trở nên ảm đạm trầm thống, hắc hiu buồn tênh. Ngay cả Đô thành Sài Gòn Chợ Lớn nhiều lúc cũng ngột ngạt khó thở. Bọn cộng sản chủ trương đẩy mạnh công tác phá hoại nội thành. Các ban ám sát thường xuyên gây rối. Tình hình sôi sục nguy biến đó đưa đến chính sách quân sự hóa hệ thống hành chánh. Biện pháp này giúp miền Nam đủ sức đối đầu với quân phiến loạn vô hình, thường ẩn núp trong sanh hoạt hợp pháp hằng ngày của quần chúng nhân dân. Bàn giao lại cho vị đại úy tân Quận trưởng, Tư Sang từ giã Gò Dầu Hạ. Nơi đây anh để lại nhiều kỷ niệm tốt đẹp qua những thành tích mở mang trường ốc, xây dựng đường sá, cầu cống, thiết lập nhà máy điện dù chỉ chạy vài giờ mỗi tối, tổ chức và khuyến khích những sinh hoạt an sinh xã hội, phát huy kiến thức chuyên môn trong lãnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, cùng dân chủ hóa các cấp làng xã... Anh trở về tùng sự tại Tòa Đô Chính Sài Gòn chờ ngày về nghỉ hưu. Nhờ vậy, Tư Sang không thuộc diện phải trình diện học tập cải tạo “mười ngày” sau ngày Miền Nam bị cộng sản hoàn toàn cưỡng chiếm.

***

Trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Tân Thanh được cất sơ sài vội vàng với cột mù u, kèo tre, mái lá dừa nước còn khen khét mùi nắng. Nền đất hãy còn lởm chởm nơi này chỗ kia. Mấy góc nhà ẩm ỉ chèn nhẹt. Giữa trụ sở, một bàn cây cũ kỹ mốc cời với năm sáu cái ghế đẩu sình đất lem luốc. Quang cảnh trông nghèo nàn thảm đạm, trừ mấy lá cờ màu máu và biểu ngữ vải đỏ chữ vàng mới toanh, viết nguệch ngoạt mấy khẩu hiệu “Đảng cộng sản Việt Nam muôn năm”, “Hồ Chủ tịch sống mãi trong sự nghiệp chúng ta” hay “Thành công đại thành công”. Trụ sở mới này được cất trên nền cũ của Nhà Hội kinh dinh bề thế ngày xưa, thời thực dân thuộc địa thịnh trị. Nhà Hội này về sau trở thành bình địa do mấy lần đụng độ đẫm máu, la liệt xác chết giữa quân đội viễn chinh Pháp và Việt Minh cộng sản. Cuộc đất bị bỏ hoang hơn hai thập niên vì nơi đó không biết bao nhiêu oan hồn uổng tử. Và dân làng do thói quen dị đoan thâm căn cố đế không hề đặt chân đến. Nay trụ sở được tạm thời xây cất trên đó. Đám vô tổ vô tông, vô tâm vô thần này coi trời đất chẳng ra cái thá gì. Ông Trời chúng nó còn gọi là thằng Trời này thằng Trời nọ kia mà! Hà huống là những người khuất mày khuất mặt vô danh tiểu tốt, lục lục thường tình. Trụ sở nằm đối diện nhà ông Hương Sư. Ngôi nhà bây giờ do thằng Vẳng được tính nhiệm trông nom quán xuyến.

Bảy Rồi, bí thư Xã ủy kiêm chủ tịch Ủy ban Nhân dân, khoan thai khom xuống phủi chiếc ghế đẩu, bụi đất bay tung toé quyện tròn theo những tia nắng sớm ban mai xuyên qua kẽ vách. Mụ kéo chiếc khăn rằn cũ đã lên nước xạm màu mồ hôi lâu năm để trên bàn. Mụ chễm chệ ngồi trên ghế, rút một giò lên gọn lỏn. Cái phương cách ngồi khá đặc biệt này của những người từ trong xó, trong “R” vừa mới ra ánh sáng được bà con gọi là ngồi theo kiểu nước lụt. Mụ giở mấy tờ giấy cuốn kèn, hai đầu tưa rách, khệ nệ để ngay ngắn lên bàn. Đây là hồ sơ thưa gởi do mụ đứng ra giàn xếp hôm nay, mang ngang dọc đủ các kiểu chữ ký như cua bò, ngoằn ngoèo trên từng văn bản. Tập trung vuốt ngay ngắn mấy tờ giấy xong, mụ liếc tới liếc lui một chập không đầy vài giây đồng hồ như người thông thạo rành rọt. Rồi mụ hướng thẳng về phía vợ chồng thằng Vẳng đang ngồi im thin thít:

- Chào các đồng chí. Mời các đồng chí ổn định chỗ ngồi. Tôi xin long trọng khai mạc buổi họp. Đồng chí Vẳng trình ủy ban cứu xét trường hợp oan ức của đồng chí do việc đồng chí Nguyễn Văn Sang ở Chợ Lớn về sau ngày nhân dân toàn thắng Mỹ Ngụy, để thừa nhận ngôi nhà đồng chí Vẳng ở lâu nay. Suốt thời kỳ đánh Tây đuổi Mỹ Ngụy, đồng chí Vẳng là sở hữu chủ có đầy đủ chứng minh...

Mụ đưa mắt đảo nhanh một vòng phòng họp chỉ le hoe vài người trong xóm được mời với tư cách nhân chứng. Tất cả đều không lộ vẻ gì mặn mòi tha thiết với vụ kiện này. Họ là người cố cựu chớ đâu phải là người xa lạ nên thừa biết những gút mắc của vấn đề. Bảy Rồi rổn rảng thao thao:

- Báo cáo các đồng chí, nước nhà nay đã độc lập, sạch bóng quân thù sau đại thắng mùa Xuân. Tất cả bà con ở đây đều làm chủ tập thể thôn xóm làng mạc của mình. Không ai có quyền đuổi xô ai cả trên đất nước anh hùng truyền thống này. Người dân dưới chế độ Xã hội Chủ nghĩa có quyền ăn nói, phát biểu thoải mái, không phải rụt rè sợ sệt chi cả.

Qua phần vào đề rập khuôn và trình bày như két, mụ tiếp:- Hôm nay, đồng chí Vẳng đã thực sự thể hiện tinh thần làm chủ đó. Thời buổi này là thời buổi cách mạng thành công, đại thành công mà! Đâu còn như lúc phong kiến thực dân, đâu còn như trong chế độ Mỹ Ngụy, thời cường hào ác bá tay sai đế quốc dùng thế lực, tiền bạc đàn áp, khớp hầu khớp họng tầng lớp nghèo khổ bị bóc lột mãn đời mãn kiếp...

Lại đưa mắt hướng về phía thằng Vẳng, mụ dịu giọng:

- Tôi yêu cầu đồng chí Vẳng trình bày trước.

Thằng Vẳng lật đật đứng dậy, bước tới phía trước. Nó tỏ ra khúm núm do không quen ăn nói chỗ đông người. Bảy Rồi khoát tay lia lịa:

- Đồng chí cứ tự nhiên. Đã nói là nhân dân làm chủ mà. Đồng chí phải tỏ ra xứng đáng với tư cách làm chủ tập thể của mình. Trụ sở này không phải của ai cả. Không phải của chi bộ. Chẳng phải của tôi mà là của chung của bà con cô bác trong xã. Đồng chí là chủ. Tôi xin lập lại một lần nữa để đồng bào cùng nghe cho rõ. Đồng chí cứ tự nhiên ngồi trình bày, không cần đứng lên đứng xuống trông phong kiến dị họm, chẳng hợp tý nào với tác phong cách mạng.

Như chưa bằng lòng lắm, mụ giải thích thêm:- Còn tôi đây, tôi chỉ là đại diện của đảng và nhà nước cách mạng, không hơn không kém. Tôi là tên nô bộc tận tụy, là người đầy tớ trung thành của các đồng chí thôi. Đồng chí Vẳng cứ tự nhiên...

Thằng Vẳng chẩm rải ngồi xuống. Sức nặng của nó làm cho cái băng cây lún đất, nghiêng hẳn qua một bên. Con vợ nó gần chúi nhủi phía trước. Nó đưa tay níu vợ lại, trong khi mụ Bảy Rồi vẫn lanh lảnh:

- Ậy! Ậy! Các đồng chí thấy đó. Đảng ta còn nghèo do đầu hôm sớm mai mới vừa tiếp thu cơ sở địch thuộc loại phồn vinh giả tạo. Nhà nước đa đoan công việc nên lượm thượm thiếu thốn phương tiện như vậy. Sau này, trụ sở xã nhà sẽ được xây cất đẹp đẽ hơn, khang trang hơn với đầy đủ tiện nghi hiện đại. Gương mặt mụ ta rạng rỡ hơn:

- Lúc đó, thứ gì mà đảng ta không có. Đánh đế quốc sừng sõ Mỹ Ngụy còn chạy dài dài... Thôi các đồng chí cũng nên thông cảm giai đoạn quá độ khó khăn buổi ban sơ này.

Thằng Vẳng hỉnh hỉnh mũi, nuốt nước miếng đằng hắng mấy cái nho nhỏ:

- Thưa đồng chí chủ tịch. Nhà em ở từ lúc nhỏ bảy tám tuổi quấn quít bên ông Hương Sư mãi cho đến khi em có gia đình, con cái lóc nhóc đầy đàn mà vẫn không rời căn nhà đó. Lúc chiến cuộc ác liệt, thiên hạ ùn ùn tản cư lánh nạn, tìm những nơi an toàn trú thân, em vẫn một mực ở lại gìn giữ nhà cửa, chăm sóc vườn tược mới được như hôm nay...

Nó ngẩng đầu, liếc xéo Tư Sang:

- Bỗng nhiên cậu Tư từ Chợ Lớn về ngỏ ý muốn lấy lại nhà. Cậu bảo sẽ cho tiền em cất nhà ra riêng ở nơi cuối vườn, sát bến sông. Trên đó, nghe đâu cẩu hưu trí rồi, gia đình lại không có công ăn việc làm vững chắc nên cẩu sợ bị nhà nước đưa đi kinh tế mới hay những vùng giản dân để lao động sản xuất. Cậu Tư bảo cậu là người duy nhứt thừa hưởng gia tài đồ sộ này của ông Hương Sư.

Ngừng một chập nó ngường ngượng:

- Ông Hương Sư lúc mất trong tay em, có trối trăn giao nhà cửa ruộng vườn lại cho em tiếp tục gìn giữ tu bổ, khai thác lấy huê lợi mà sinh sống. Hơn nữa, em cũng thuộc… tông tộc ông Hương Sư. Thằng Vẳng liếc chéo Tư Sang:

- Ông Hương Sư là... ông nội ruột của em. Em cũng có quyền thừa hưởng vì là cháu đích tôn huyết thống kia mà.

Tư Sang nảy giờ ngồi lặng im. Anh âm thầm quan sát, bực mình vì những lời giáo đầu trật thượng của mụ Bảy Rồi. Anh cố nén hờn căm chờ đến lượt mình phát biểu. Bỗng anh trố mắt ngạc nhiên về lời phân trần sau cùng của thằng Vẳng. Anh chính là con trai duy nhất của ông Hương Sư. Tại sao thằng Vẳng lại là cháu đích tôn được? Chưa kịp hoàn hồn, anh nghe tiếng mụ Bảy Rồi gằn từng tiếng một:

- Báo cáo các đồng chí. Xã ủy cũng như Ủy ban Nhân dân xã biết rõ rành mạch tông tích, lý lịch của từng người nên không lạ gì đồng chí Vẳng. Ở xã này từ lúc nhỏ, đồng chí đã bám trụ giúp đỡ cách mạng, đóng góp công của cho lực lượng võ trang nhân dân anh hùng, bách chiến bách thắng. Mụ giải thích tiếp:

- Đồng chí Vẳng dù không trực tiếp tham gia cơ sở cách mạng, nhưng qua quá trình liên hệ, đồng chí thực sự là một thành phần cách mạng. Đảng và Nhà nước mà tôi là đại diện ở đây, chỉ biết đồng chí Vẳng là sở hữu chủ của căn nhà, có khai hộ khẩu hợp lệ đúng tiêu chuẩn và luật lệ cách mạng tạm thời ấn định. Trong hộ khẩu đó, ngoài đồng chí và vợ con, không còn ai khác. Tôi cũng đã cho kiểm tra tờ khai gia đình thời Ngụy quân Ngụy quyền còn sót lại đầy đủ lúc chúng hoảng hốt tháo chạy, cũng chỉ thấy có bao nhiêu nhân sự đó thôi.

Thằng Vẳng được thể. Nó như được gãy đúng vào chỗ ngứa nên vội vàng đưa tay xin phân trần thêm cho rõ ràng hơn. Ý như nó muốn để mọi người tham dự buổi kiện cáo hôm nay không còn nghi kỵ nó nữa:

- Má em hồi xửa hồi xưa nghèo lắm, bần cố đến ba bốn đời. Cơm ăn mắm muối, bữa có bữa không, đói lên đói xuống. Trong làng ai nấy đều khinh khi miệt thị. Bỗng nhiên nó rươm rướm:

- Má em có một thời ở đợ nhà ông Hương Sư. Thời gian ấy, cậu Tư lớn đại rồi, lén lút bức bách lấy má em. Má em đã có thai với cậu Tư. Về sau, ông Hương Sư thấy mình cũng có một phần trách nhiệm trong sự lén lút đó nên nghĩ tình đem em về nuôi cho đến ngày ông qua đời. Trong khi đó, cậu Tư chẳng đặng đừng, rước má em lên Chợ Lớn ở với cậu mãi đến khi má em vô phước bị tai nạn qua đời.

Ngừng một lát để xua đuổi sự nghẹn ngào thể hiện qua đôi mắt long lanh đỏ sẫm, thằng Vẳng tiếp tục kể lể dong dài với giọng nghẹt mũi vì quá xúc động:

- Lúc còn sống, để giữ tiếng tăm cho cậu Tư là ba ruột của em, từng là một quận trưởng thời Ngụy, cùng để giữ danh giá cho gia đình ông Hương Sư, ông nội ruột bất đắc dĩ của em nên má em cam tâm im hơi lặng tiếng, âm thầm chịu đựng một mình. Bà không một lời hé môi tâm sự hay than thở dù bất cứ với ai, cả trong gia đình hay ngoài chòm xóm.

Thằng Vẳng ngước mặt lên, trái hẳn với thói quen của nó:- Thưa đồng chí chủ tịch. Đồng chí nhìn kỹ chắc thấy em hao hao giống cậu Tư như khuôn đúc phải không?

Tư Sang vừa xem trình diễn một màn giàn cảnh có tuồng tích lớp lang gay cấn như những tình tiết éo le trong các tuồng hát cải lương không bằng. Anh bối rối khi thằng Vẳng đánh anh một đòn chí tử bằng cách nhắc nhớ đến cái chức vụ quận trưởng Gò Dầu Hạ khi xưa của anh trước mặt đông đủ mọi người. Nguy hiểm và quan trọng hơn là trước mặt chánh quyền cách mạng vốn đa nghi còn hơn Tào Tháo, nhưng dám nghĩ dám làm không gớm tay. Chưa kịp định thần để tìm cách chống chế trước sự sắp bày ác ý, anh lại nghe mụ Bảy Rồi bắt đầu lên lớp:

- Đảng và Nhà nước vừa mới tiếp quản với bao nhiêu khó khăn trước mắt. Đám tàn dư Mỹ Ngụy, nhứt là bọn CIA được gài lại vẫn ngoan cố tiếp tục chiến đấu, chống phá cách mạng dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm gây khó khăn xáo trộn thêm, trong khi Đảng và Nhà nước ta phải đối đầu với nhiều việc quan trọng khác. Dù vậy, Đảng vẫn lắng tai nghe những oan ức của bà con nghèo khổ. Mụ gằn từng tiếng một:

- Lập trường trước sau như một của Đảng và Nhà nước vô sản là bênh vực người cô thế trước bất công. Cái xã hội ngày xưa gieo rắc bao nhiêu căm hờn tủi nhục đã cáo chung mà nạn nhân điển hình trước mặt bà con là gia đình đồng chí Vẳng đó.

Đến lượt Tư Sang được mụ Bảy Rồi gọi lên trình bày. Anh bình tĩnh cho biết những việc thằng Vẳng tố cáo anh hoàn toàn không đúng với sự thật. Anh bác bỏ luận cứ được nó dựng lên với ác ý. Quả thật, anh có nhờ thằng Vẳng trông giữ nhà cửa vườn tược của ba anh để lại sau khi qua đời. Và hằng tháng, anh đều có trả lương sòng phẳng, không hề thiếu một tháng nào. Nay hòa bình lập lại, anh có ý định đưa vợ con về nghỉ hưu ở xóm Phú Thứ, là nơi anh sinh trưởng và lớn lên hơn nửa thế kỷ nay. Anh chọn thái độ phân trần ôn hòa vì anh dư biết nhược điểm của mình một thời làm quận trưởng trong chính thể quốc gia. Anh cũng dư biết rằng càng đi sâu chống chế quyết liệt, không khéo thằng Vẳng lại bịa đặt thêm chuyện này chuyện nọ càng phiền phức nguy hiểm. Vì anh đang đứng trước miệng hùm hang cọp. Mụ Bảy Rồi kết thúc:

- Đảng ta lúc nào cũng thực tế và sáng suốt nên mới có ngày đại thắng hôm nay. Ba mươi năm mới có ngày này. Biết bao hy sinh và gian khổ. Dù làm chủ hoàn toàn đất nước nhưng bọn CIA và tàn dư Mỹ Ngụy vẫn chực chờ ngóc đầu dậy đánh phá cách mạng, gây rối trong quần chúng nhân dân. Đảng ta cương quyết trừng trị đích đáng những bọn phản động đó và lưu ý bà con phải cảnh giác tối đa. Mụ hướng về cử tọa:

- Quan điểm của Đảng và biện pháp của nhà nước ở nông thôn trong bước quá độ này là nhà ai ở đâu cứ ở đó, ruộng ai làm cứ tiếp tục khai thác chờ chỉ thị mới của trung ương. Chánh sách đó cũng giúp Đảng thanh lọc và ngăn chận những thành phần ác ôn, binh lính của chế độ cũ muốn trốn tránh địa phương mình, né đòn trừng trị của Đảng ta.

Mụ cười gằn ra chiều khoái trá, đảo mắt một vòng phòng họp, nhìn thằng Vẳng rồi nhếch mép:

- Đối với đồng chí Vẳng cũng là người trong tông tộc, dù không được nhìn nhận chính thức, nhưng qua lập trường của Đảng mà tôi vừa trình bày, đồng chí hãy tiếp tục là sở hữu chủ căn nhà ông Hương Sư để lại, tưởng cũng không phải quá đáng. Nếu so với bao nhiêu công sức, mồ hôi lao lực bấy nay đồng chí đã đổ ra để tu bổ giữ gìn...

Quay sang Tư Sang, mụ nghiêm nét mặt lạnh như tiền:

- Riêng về đồng chí Tư Sang, Xã ủy và Ủy ban Nhân dân xã chưa có phương tiện và chỉ thị cấp thêm hộ khẩu mới. Với diện tích trồng trọt hạn chế trong xã, thu hoạch hằng năm chỉ vừa để thỏa mãn nhu cầu của bà con cô bác trong xã nhà thôi. Đảng ta còn nghèo, tình hình còn phức tạp, Xã ủy không có cách nào khác hơn dù biết đồng chí gốc gác ở đây. Cuộc sống của đồng chí sẽ do ủy ban các cấp ở Chợ Lớn quản lý và giúp đỡ thích nghi.

Phiên họp bế mạc. Thằng Vẳng còn nấn ná ở lại trụ sở xã trong khi Tư Sang lủi thủi bước ra hiên lấy chiếc xe Honda cũ kỹ rồ máy. Tiếng máy nổ dòn xô đuổi bao nhiêu suy nghĩ và uất hận trong lòng anh. Anh không còn can đảm nhìn lại ngôi nhà tổ phụ, ẩn hiện những hình ảnh thời thơ ấu êm đẹp bị cuốn phăng theo chế độ nghiệt ngã xã hội chủ nghĩa...

***

Hai năm sau ngày cướp chính quyền, một phiên họp khoáng đại ở trụ sở Ủy ban Nhân dân xã để triển khai công tác hợp tác hóa nông nghiệp. Lúc này, chính quyền cộng sản chủ trương cấp bách việc hợp tác hóa để tiến tới tập thể hóa nông nghiệp trong toàn tỉnh nhà. Mụ bí thư Bảy Rồi vừa đi tham quan các hợp tác xã kiểu mẫu ở xã thí điểm về. Mụ phổ biến những kinh nghiệm mới thu thập. Bấy lâu nay, mụ ngắm nghé ngôi nhà ông Hương Sư mà thằng Vẳng bỗng nhiên trở thành chủ nhân ông sau buổi họp chớp nhoáng hai năm trước đây cũng ở trụ sở này. Nhìn quanh nhìn quẩn trong làng, mụ ta thấy chỉ có mỗi cơ ngơi kinh dinh đồ sộ này mới đáp ứng đúng tham vọng trước mắt của mụ. Nó nằm ngay trục lộ cái, ngày ngày dập dìu người qua kẻ lại. Nó chễm chệ đối diện Ủy ban Nhân dân xã, vừa thuận tiện để làm văn phòng, kho chứa lúa gạo và nông cụ của hợp tác xã, vừa tiện lợi trong việc giao dịch trao đổi, thu mua sau này.

Đồng bào tề tựu đông đủ. Sau màn chào hỏi xã giao, mụ Bảy Rồi oang oang trình bày chính sách của Đảng và Nhà nước ở nông thôn trong giai đoạn hiện tại. Cử tọa tỏ vẻ dè dặt, phát biểu ơ hờ, miễn cưỡng. Mấy năm nay, Đảng nói quá nhiều, nhưng thực tế, chính quyền như gà mở cửa mả, quanh quẩn bên mồ ma. Việc làm cù cưa cù nhầy, dặm chân một chỗ, không tiến tới đâu. Đảng chuyên môn nói phét, dối gian gạt gẫm, tham lam ăn quỵt trơ trẽn, khiến họ không còn nhẹ dạ non lòng tin tưởng như lúc đầu. Bảy Rồi hồ hởi phấn khởi đặt thẳng vấn đề trước cử tọa:

- Đồng chí Vẳng từ thời Mỹ Ngụy bám trụ ở xã nhà, giúp đỡ tiếp tay cách mạng trong những khúc quanh khó khăn của lịch sử. Sau ngày giải phóng, đồng chí vẫn tích cực tham gia mọi công tác, sinh hoạt đều đặn, chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương và đường lối Đảng. Đồng chí sẵn sàng hy sinh vì giai cấp công nông và nhân dân, xứng đáng là đứa con cưng hàng đầu của Đảng và Nhà Nước.

Đưa tay vuốt tóc, mụ chớp mắt nhìn tròng trọc cử tọa đang im thin thít rồi hướng về thằng Vẳng, mụ vui vẻ:

- Xã ủy và Ủy ban Nhân dân xã chưa có đủ phương tiện để xây cất trụ sở hợp tác xã mới. Vì thế, Xã ủy và Ủy ban Nhân dân yêu cầu đồng chí Vẳng vui lòng chấp nhận dành một phần ngôi nhà của đồng chí đang ở để làm trụ sở và kho chứa lúa gạo. Việc này chỉ tạm thời thôi trong khi chờ đợi xây cất một trụ sở xứng đáng hơn, có tầm vóc khang trang hơn.

Mụ trình bày thêm như để tranh thủ tình cảm của thằng Vẳng:

- Đồng chí hiện nay có một vợ và ba con còn nhỏ, cơ ngơi dinh thự lại đồ sộ như vầy, suy cho cùng thật phí phạm quá, trong khi Đảng và Nhà nước đang cần một diện tích tương đối để triển khai kế hoạch làm ăn qui mô xã hội chủ nghĩa. Việc này nhằm gây phúc lợi cho bà con cô bác xã nhà, xây dựng tương lai rực rỡ cho con cháu mai hậu, đúng theo lời dạy trước đây của Bác Hồ. Tôi tin chắc rằng, với truyền thống hy sinh cao cả và trung thành tuyệt đối của đồng chí Vẳng, hợp tác xã của chúng ta sẽ hình thành một ngày gần đây. Mụ bỗng dưng đứng phắt dậy:

- Xin bà con cô bác vui lòng hưởng ứng cho một tràn pháo tay nhiệt liệt nhiệt liệt... hoan nghinh đồng chí Vẳng.

Pháo tay lẹt đẹt. Thằng Vẳng được nâng lên tận chín từng mây xanh mây trắng. Nó không thể từ chối trước ý đồ của mụ Bảy Rồi định dùng áp lực đám đông, lấy thịt đè người. Vì nó thừa hiểu rằng mụ Bảy Rồi đã lấy quyết định từ mấy tháng trước. Những lời phong thanh nó đã nghe đâu đó trong mơ hồ hoài nghi nay đã thành sự thật. Một sự thật đau đớn. Một sự thật quá ư nhức nhối phũ phàng. Đôi tai nóng bỏng, nó như người mê sảng, ầm ừ dạ dạ. Nó ngượng ngập vâng vâng, lính quýnh như gà mắc đẻ...

Hợp tác xã thành hình đúng như đã hoạch định. Trụ sở được khánh thành ngay giữa mùa gặt. Lúa thóc chất đống ngùn ngụt cao tận trính nhà, chèn riết gia đình thằng Vẳng xuống tuốt phía sau hướng chòi bếp. Sự ra vào tự do, luông tuồng bất kể giờ giấc, xem vợ chồng thằng Vẳng như cỏ rác không bằng của đám “ba mươi” cách mạng về chiều. Thêm vào đó còn có lũ trẻ mất dạy, bất trị, mới tấn lên trong xóm dưới sự chỉ đạo anh minh của đảng, mắt nhìn chưa khỏi mũi, nổi lên hô hào làm chủ tập thể. Việc này khiến thằng Vẳng ngày càng xốn mắt chướng tai. Nhưng nó đành ngậm câm như hến vì không khéo nó sẽ bị kết tội phản động không chừng. Vườn tược không còn một chút huê lợi nào. Khi trái cây mới chớm lớn chưa kịp căn da, chúng lặt hái ráo trọi. Lớp chúng ăn, lớp không vừa miệng, chúng liệng bừa bãi không tiếc. Vì chúng đâu có công trồng tỉa chăm sóc để biết sự kham khổ cực nhọc của người trồng. Nhà cửa rác rưới tứ bề không ai quét dọn. Người nào cũng vỗ ngực đành đạch huênh hoang hãnh diện được làm chủ. Không ai chịu lép mình ở cái chéo đất bất hạnh, nhắm mắt đưa tay ra trước mặt đụng ngay lúc nhúc “anh hùng”, “ưu tú”, “tiên tiến” trong khí thế thừa thắng xông lên để làm tôi tớ cả! Quả thực, người xưa nói không sai: “cha chung chết, không ai khóc” là vậy! Cái đất nước Việt Nam ngàn đời dấu yêu với một lịch sử oai hùng lẫm liệt mà những tên sặc mùi dốt nát, một chữ bẻ hai không có như Út Tịch, Thị Riêng, Bảy Rồi, Trừ Văn Thố... trở nên anh hùng dân tộc thì tội nghiệp và đau đớn cho đất nước biết dường nào! Thằng Vẳng đâm ra chán ngán, lặng thinh hối hận về thái độ trở mặt hèn hạ đáng trách của nó đã vu oan Tư Sang ngày nào. Hai Bèn, vợ nó thì cằn nhằn cẳn nhẳn, lãi nhãi cự nự từ sáng đến tối không dứt. Nó biết lỗi, xuống nước nhỏ lặng thinh, không hề cãi lại. Hai Bèn tiếc không cản ngăn được chồng mình. Phải chi lúc đó vợ chồng nó để gia đình cậu Tư về ở chung, xúm xít đùm bọc nhau trong khó khăn đói khổ chắc không đến đỗi nào nhục nhã như ngày nay...

Lúc này, Bảy Rồi đã bắt đầu thực sự đổi đời để sống. Mụ đã làm một cuộc cách mạng về y phục và trang trí. Quần áo mụ bảnh bao láng mướt, sạch sẽ trắng tin.. Với tiện nghi đế quốc Mỹ Ngụy để lại, mụ mua sấm bộn bàng. Đã xa rồi hình ảnh bộ đồ bà ba đen mốc cời với chiếc khăn rằn bạt màu vắt vai hay quấn cổ. Dù vậy cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ, nghé ngọ già đời vẫn nghé ngọ, mụ không lột được cái xác đần độn bấy nay. Tuy nhiên, mụ cũng chưa thỏa mãn. Các đồng chí trung kiên ba đời bần cố đồng chạng với mụ nhưng nắm những chức vụ chánh yếu ở quận ở tỉnh, nay đương nhiên người nào cũng giàu có nức trứng. Tiền rừng bạc biển, của chìm của nổi chỉ nhờ tài... khéo lãnh đạo và quản lý! Cái chái nhà tạm hẹp té, ghép sát vách trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, nơi mụ ở từ ngày tiếp quản, không còn tương xứng với nếp sống mới của mụ nữa. Cây gai trước mắt mụ vẫn là sự hiện diện kỳ đà cản mũi của thằng Vẳng tại trụ sở hợp tác xã. Mụ đi thêm bước thứ hai khi đối đầu với thằng Vẳng trong phiên họp tối, trời mưa dai dẳng:

- Hôm nay, Xã ủy và Ủy ban Nhân dân mời đồng chí Vẳng để báo cáo một việc quan trọng. Hợp tác xã kiểm kê tồn kho cuối năm vừa rồi thấy thiếu mấy trăm giạ lúa và gạo. Bấy nay, lãnh đạo luôn luôn tín nhiệm và trông cậy nơi đồng chí làm tai mắt trông nom trong ngoài. Ngoài đồng chí và gia đình ra, không một ai khác thường trực tại đó cả. Tuy nhiên, Xã ủy và Ủy ban Nhân dân không bao giờ hồ đồ hoặc thiển cận nghi ngờ kết tội đồng chí. Trước sau vẫn như một, lãnh đạo tín nhiệm và xác nhận lòng ngay thẳng trong sạch của đồng chí.

Nhíu đôi mày làm cho vầng trán gợn lên mấy lớp nhăn vòng cung rũ đều xuống hai bên màn tang, mụ trịnh trọng chĩa đôi mắt soi bói đe dọa thẳng vào thằng Vẳng:

- Để tăng cường biện pháp kiểm soát ngăn chận mất mát có thể xảy ra sau này, nhất là để tránh mọi điều tra phiền phức và dai dẳng, đôi khi rất nguy hiểm có thể đưa đến tù tội, của công an huyện tiến hành lúc nào không biết, tôi thay mặt các đồng chí lãnh đạo xã đề nghị giúp đỡ đồng chí Vẳng phương tiện đầy đủ để dựng lại ngôi nhà nơi nền cũ của bà Hai ngày trước. Vợ chồng đồng chí sẽ sinh sống tự do riêng biệt, không dính dáng gì đến hợp tác xã nữa.

Mụ đứng phắt dậy, bước lại vách kéo nhẹ cánh cửa sổ chận những tia sét đang chiếu thẳng vào mặt khó chịu. Mụ chớp lia lịa hai mí mắt lươn ti hí. Nhờ lốp xốp ba mớ tài liệu chính trị thu hoạch cấp tốc nơi các khoá học tập bồi dưỡng hay bổ túc văn hóa ở huyện, mụ thao thao như con két mẹ:

- Đảng ta là đảng của nhân dân, phát xuất từ nhân dân mà ra, hy sinh sống chết cũng vì tương lai hạnh phúc tối thượng của nhân dân. Đảng không thể nhìn đồng chí, vợ đồng chí và mấy cháu nhỏ ăn uống ngủ nghê chật chội ở chòi bếp, hiên sau, vừa thiếu vệ sinh, vừa không hợp với nếp sống và phong cách của con người mới xã hội chủ nghĩa. Đồng chí phải được đãi ngộ xứng đáng, đúng tiêu chuẩn.

Thằng Vẳng lặng thinh tái mặt. Tai nó lùng bùng, mắt hoa lên nổi đôm đốm. Nó có miệng mà không nói thành lời. Nó dư biết từ ngày thành lập hợp tác xã đến nay, mụ Bảy Rồi giàu to như diều gặp gió, nhờ tài quản lý lương lẹo, móc ngoặc. Mọi thu xuất đều do mụ ta độc đoán quyết định, tha hồ bòn xén làm việc mờ ám. Hơn nữa, bè cánh phe phái làm ăn chia chác của mụ có mặt khắp các ban ngành, cấu kết thành một hệ thống tổ chức đóng kín không thua gì tổ chức đảng. Bất mãn, phẫn uất, nó chỉ biết ngậm câm, mặc dù trong thâm tâm, nó nguyền rủa mụ thậm tệ...

Căn nhà mới của nó được dựng lên vội vàng với sự “giúp đỡ” của mụ Bảy Rồi qua hệ thống phân phối vật dụng xây cất xã. Nói là giúp đỡ cho hợp với ngôn từ cách mạng chứ thật ra vỏn vẹn một gian ọp ẹp, giản đơn, trống trước trống sau, không thua gì trụ sở ủy ban ngày mới tiếp quản, nhứt là không thua gì nhà cửa ở những vùng kinh tế mới sau này. Thằng Vẳng càng chán nản bực tức khi thấy ít lâu sau đó, mụ Bảy Rồi từ giã cái chái lá sát trụ sở ủy ban, tự tiện dọn về ngôi nhà đẹp đẽ của ông Hương Sư... Nó lẩm bẩm không ngớt miệng, chưởi đổng từng chập như người điên dại, như kẻ mất hồn:

- Phải! Tao túng đức. Tao mang tội ăn giựt tài sản của cậu Tư nên không cầm được. Trời cao có mắt. Lưới Trời lồng lộng, tuy rất thưa, con mắt phàm phu tục tử nhìn không thấy, nhưng ổng không để lọt một tội ác nào.

Đôi lúc nó dong dài tâm sự cùng Hai Bèn hoặc với bà con thân tính cũng bất mãn không thua gì nó:

- Tội tao làm, tao chịu. Ông Trời công bình lắm. Ổng sẽ oánh tao. Có chết tao cũng không phiền trách gì. Tao bằng lòng chấp nhận công lý của Trời Đất. Nhưng tụi bây coi. Tụi bây rán chống con mắt mà chờ. Chúng nó đúng là đám ăn cướp giữa ban ngày thanh thiên bạch nhựt. Chúng nó toàn là lũ thất nhơn ác đức. Tội ác của chúng nó to lớn tầy trời, làm sao tránh khỏi được lưới Trời. Ông Trời nhứt định không để cho chúng nó sống lâu đâu... Đứa nào nhẹ dạ non lòng tiếp tục tin ở đám cộng sản ác ôn lật lộng này còn hơn bán lúa giống không bằng...

- Đ.M...e... ẹ...! Đồ quân ăn cướp!.