Nghệ thuật Đờn Ca Tài Tử Nam bộ ở Long An

I/. Sự hình thành nghệ thuật ĐCTTNB ở Long An
(Tỉnh Long An ngày nay bao gồm cả 2 tỉnh Chợ Lớn và Tân An xưa):

1. Điều kiện tự nhiên thuận lợi:

Địa bàn Long An đất đai phì nhiêu, giàu tiềm năng phát triển công, nông nghiệp và thương mại, dịch vụ, rộng 4500 km2 thuộc đồng bằng châu thổ của 2 sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Trong đó,vùng Đồng tháp mười chiếm khoảng 3000 km2 mới được khai thác sản xuất lúa cao sản sau ngày giải phóng miền Nam, với nhiều kênh rạch kết nối với dòng phù sa sông Cửu Long chảy ra cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp. Các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức, Đức Hòa tỉnh Long An ngày nay, trước kia thuộc tỉnh Chợ Lớn. Do đặc điểm địa lý là vùng đệm, giao thông thủy, bộ thuận tiện kết nối giữa 2 miền đông và tây Nam Bộ, lại có ưu thế đặc biệt là ở ngay trung tâm kinh tế, văn hóa của Nam Bộ (Chợ Lớn Sài Gòn). Vì vậy, phong trào Đờn ca tài tử (ĐCTT) ở đây hình thành khá sớm và phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ. Đồng thời là nơi qui tụ nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ nổi tiếng khắp các nơi đổ về.

2. Nguồn gốc phát sinh phong trào ĐCTT ở Long An:

Vào nửa sau thế kỷ 19 đã có những nghệ nhân nhạc Lễ và nhạc Sân khấu Hát bội nổi tiếng khắp vùng như 4 ông: Sâm, Hồ, Ngô, Đạo ở vùng Cần Đước, Cần Giuộc, Chợ Lớn Sài Gòn, mà dân gian có câu: “Sâm, Hồ, Ngô, Đạo nhứt vĩ quán chi” (các nghệ nhân đời sau xem bốn ông là bậc Thầy, mỗi bản nhạc của họ tấu lên có thể quán xuyến được tất cả những tinh hoa của nghệ thuật âm nhạc). Hai xã Mỹ Lệ và Long Sơn huyện Cần Đước đến nay vẫn còn địa danh di tích “Gò Trường hát”, “Xóm Trường” là những nơi đào tạo nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên và tập tuồng cho những “gánh” hát Bội vang bóng một thời. Thế hệ nối tiếp cũng duy trì được tiếng tăm có 4 ban nhạc Lễ gồm: Nhạc Tho (Cần Giuộc), Nhạc Thời (Bình Chánh), Nhạc Viên, Nhạc Hộ (Cần Đước). Các thành viên của 4 ban nhạc Lễ này về sau, khi phát triển phong trào ĐCTT có nhiều người rất nổi tiếng cả về nhạc Lễ và nhạc tài tử Nam Bộ. Có thể kể đến những nghệ nhân tên tuổi như: Chín Láo, Sáu Thoàng, Chín Chiêu, Năm Tịnh, Chín Phàn, Mười Lăng, Bảy Quế, Hai Biểu, Năm Giai, Tám Nhứt, Tư Tuội, Năm Lòng Ba Tu, Ba Lựa, Tư Kỷ, Hai Sủi, Sáu Giỏi, Bảy Lung…(Cần Đước), Năm Khiết, Tư Huyện, Hai Phát, Sáu Quý, Bảy Hàm, Ba Đồng, Tư Bé, Út Nghiêm,… (Cần Giuộc).

Về sân khấu Hát bội, đến những thập niên 50, 60, thế kỷ 20, khi mà sân khấu cải lương phát triển cực thịnh, mà vẫn còn tồn tại 2 gánh “đại ban” Hát bội có truyền thống nối tiếp nhiều đời của Bầu Thơ ở xã Mỹ Lệ và Bầu Tồn ở xã Phước Vân, huyện Cần Đước. Nối tiếp truyền thống âm nhạc dân tộc, những thập niên cuối thế kỷ 20 miền đông Nam Bộ, mà khu vực trung tâm là Chợ Lớn, Tân An, nhất là Cần Đước xuất hiện rất nhiều danh cầm, danh ca, được các hãng đĩa và đài phát thanh, truyền hình thu, phát, quãng bá rộng rãi như: Hai Biểu, Ba Tu, Văn Vĩ, Minh Vương, Út Bạch Lan, Mỹ Châu… Do đó dân gian có câu: “Tiếng đồn Cần Đước nổi danh/Giai kìm, Quýnh gáo, Quế tranh, Lòng cò”[1] Ở phía bờ Tây sông Vàm Cỏ, hai làng Chí Mỹ và Thuận Lễ (thuộc huyện Tân Thạnh, tỉnh Tân An xưa), nay là xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, có hai anh em ông Cao Văn Soi (Bảy Soi) và Cao Văn Giỏi (Chín Giỏi - là cha của nhạc sĩ Cao Văn Lầu - lớn lên ở đất Bạc Liêu tác giả bài Dạ cổ hoài lang, tiền thân của bài Vọng cổ) cũng đã nổi tiếng với nghề nhạc Lễ và Hát bội. Nối tiếp đời sau có các nghệ nhân tên tuổi như: Nhạc Xuyên, Bảy Quấc, Tư Giỏi, Bảy Trác, Mười Ráng, Bảy Đặng, Tám Bì, Hai Nghĩa, Sáu Khương (Châu Thành và thị xã Tân An), Lê văn Phụng, Nhạc Nhung, Hai Bê, Năm Phương (Thủ Thừa )…

Những nghệ nhân trong các ban nhạc lễ và những gánh hát bội, ngoài thời gian hoạt động chuyên môn phục vụ Lễ Hội, họ phải luyện tập cho tay nghề ngày một thêm điêu luyện. Trong nhạc Lễ có 2 phe: Văn và Võ. Phe văn chỉ gồm nhạc khí đờn cây. Cho nên trong không gian sinh hoạt tập dợt hòa nhạc đờn cây làm nảy sinh nhu cầu nghe nhạc hòa tấu “nhạc nhẹ” không sử dụng bộ gõ (phe võ). Đây chính là mầm móng ra đời của nhạc tài tử.

Hầu hết các nhạc sư, nhạc sĩ tiền bối đều xuất thân từ các dàn nhạc Lễ và sân khấu Hát Bội. Bởi nghề chính của họ là phục vụ nhạc Lễ và Hát Bội, còn hòa đờn cây là để đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí giữa bạn tri âm với thính giả mộ điệu. Về sau, các ban nhạc Lễ cũng hòa đờn nhạc tài tử ngay trong đám tang, vào lúc không phục vụ lễ bái, phúng điếu để kiếm thêm thu nhập do một số khách mộ điệu trả thù lao, mà họ gọi là món quà tinh thần gửi cho người quá cố cùng thưởng thức. Bài bản của nhạc Lễ, nhạc Hát Bội gần giống nhau, chỉ khác cách trình tấu và ở một số hơi điệu mà thôi. Lúc mới ra đời, phong trào chơi đờn cây chỉ có hòa nhạc. Về sau, không biết thời điểm nào, ai là người đầu tiên nghĩ ra việc soạn lời ca theo nhạc, để rồi dần dần trở thành phong trào ĐCTTNB nói chung cũng như ở Long An nói riêng.

Tuy nhiên căn cứ vào nội dung ca từ của những bài bản xưa nhất được in ấn lưu truyền trong dân gian kể cả các loại bản vắn, bản dài, phần lớn đều xuất xứ từ các thể loại văn học “Thơ tuồng, truyện tích”. Những bậc tiền bối sáng tạo ca từ cho phong trào ĐCTT chắc phải thuộc thành phần văn thân, trí thức, văn nhân, thi sĩ. Xem lại bối cảnh lịch sử xã hội giai đoạn cuối thế kỷ 19, ta thấy đời sống tinh thần của xã hội lúc bấy giờ, từ nông thôn đến phố thị, hễ vào những dịp Lễ hội Kỳ yên hoặc “Quan, Hôn, Tang, Tế” thì có các ban nhạc Lễ và các gánh Hát bội phục vụ. Còn trong lao động sản xuất, chủ yếu là nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cũng như trong sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian, thì người lao động bình dân sáng tạo các sản phẩm văn hóa tinh thần để phục vụ sản xuất, hoặc tự thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, vui chơi giải trí của mình lúc nhàn rỗi như: các làn điệu dân ca, ca dao, hò, lý đối đáp, huê tình…, hoặc kể truyện Tàu, chuyện cười, nói thơ Lục Vân Tiên hay ngâm vịnh truyện Kiều… Có lẽ nắm bắt được nhu cầu của xã hội, trên cơ sở kế thừa những tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, các loại nghệ thuật dân gian của cộng đồng người Việt, nhân dân Long An, mà nòng cốt là thành phần trí thức, văn nghệ sĩ đã sáng tạo thêm loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật mới là ĐCTT.

Nếu thống kê đầy đủ các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ đã có công đóng góp cho sự hình thành và phát triển nghệ thuật ĐCTTNB ở Long An từ trước đến nay (trên 1 thế kỷ) có lẽ phải có một công trình nghiên cứu nghiêm túc. Trong quá trình xây dựng bộ hồ sơ trình UNESCO xem xét công nhận ĐCTTNB Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, Long An cũng đã tập hợp được số liệu điều tra cơ bản sơ bộ ban đầu, còn nhiều việc phải tiếp tục, trước mắt cũng như lâu dài mới có đầy đủ cơ sở xác định đối tượng cần được bảo tồn và phát huy giá trị trong thời gian tới một cách hiệu quả lâu bền.

3. Quá trình hình thành hệ thống bài bản nâng giá trị nghệ thuật ĐCTT lên tầm bác học:

Để có được một nhạc mục ĐCTT gồm 20 bản Tổ và hàng trăm bản nhạc với những hơi điệu, nhịp điệu Bắc, Hạ, Nam Oán, được sắp xếp, phân loại một cách khoa học, làm cơ sở cho các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ đời sau nối tiếp luyện tập, truyền dạy và bảo tồn bộ môn nghệ thuật này ở Long An, trước tiên phải kể đến công lao đóng góp to lớn của các ông: Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi), Lê văn Tiếng và Trần Phong Sắc. Xem mấy quyển sách sưu tầm bài bản ĐCTTNB ra đời trước 1926 của một số tác giả tên tuổi như Phụng Hoàng Sang, Nguyễn Tư Bá, Đinh Thái Sơn…thì thấy không một quyển sách nào bài bản cổ nhạc được phân loại hơi, điệu, nhịp điệu, lớp lang một cách rành mạch như quyển “Cầm Ca Tân Điệu” mà nghệ nhân Lê Văn Tiếng biên soạn phần nhạc và nhà giáo, soạn giả Trần Phong Sắc soạn lời, do nhà in Joseph Nguyễn văn Viết Sài Gòn xuất bản năm 1926. Nói về thân thế, sự nghiệp của cụ Ba Đợi (Nguyễn Quang Đại) thì còn nhiều điều tồn nghi, cần tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ thêm. Tuy nhiên những ghi chép trong tài liệu của ông giáo Thinh[2] và những thông tin truyền khẩu từ các nghệ nhân nhạc Lễ, nhạc tài tử lão thành vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Cần Đước, Cần Giuộc, thì được biết cụ là một thành viên trong dàn Đại nhạc, Nhã nhạc cung đình Huế. Cụ vào Nam sau sự kiện binh biến, vua Hàm Nghi xuất bôn và ra Hịch Cần Vương phát động phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp 1885 trở đi.

Vốn là một nghệ nhân bậc thầy về nhạc cung đình và ca nhạc thính phòng Huế, vào hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp ở các tỉnh, thành đông Nam Bộ, nên được nhạc giới và nhân dân Nam Bộ rất ngưỡng mộ, trọng vọng và thường gọi ông là “Quan nhạc”. Do tập quán kỵ húy, nên người dân Nam Bộ nói trại tên ông là “Ba Đợi”[3]. Tuy nhiên, phải mất một thời gian nhất định, ông mới nghiên cứu, luyện tập để thích nghi, hòa hợp với lối chơi nhạc của các nghệ nhân dân gian bậc thầy ở Nam Bộ. Theo truyền khẩu của các thế hệ nghệ nhân miền đông Nam Bộ, cuối thế kỷ 19 phong trào ĐCTT vùng Cần Đước, Cần Giuộc phát triển mạnh mẽ, với nhiều danh cầm, danh ca nổi tiếng khắp Nam Bộ. Nhưng bài bản còn mang tính tự phát, nhiều dị bản khác nhau do tam sao thất bổn, cần được chấn hưng, thống nhất. Nhờ uy tín vượt trội về chuyên môn, cụ Ba Đợi cùng với các nghệ nhân tên tuổi đương thời đã sưu tầm, nghiên cứu và hệ thống hóa bài bản nhạc tài tử, chọn 20 bản tiêu biểu, xếp loại theo các hơi điệu: Bắc, Hạ, Nam, Oán, để các thế hệ đời sau lấy đó làm cơ sở nền tảng trong sáng tác, truyền dạy bộ môn âm nhạc này.

Phải chăng, từ đó những bậc tiền bối có công tạo ra 20 bản tiêu biểu của nhạc mục ĐCTTNB được nhạc giới hậu bối tôn vinh là bậc Hậu Tổ và 20 bản nhạc ấy cũng được gọi là 20 bản Tổ? Ngoài ra Cụ Ba Đợi còn hướng dẫn nhóm học trò của mình ở miền Đông Nam Bộ sáng tác một số bài bản, cho đến nay dân chơi ĐCTTNB vẫn còn ưa chuộng như bộ “Ngũ Châu” mà về sau được xem như là đối trọng với bộ “Tứ Bửu” của cánh chơi nhạc ĐCTTNB thuộc khu vực miền Tây Nam Bộ[4], và bộ “Bát Ngự ” (8 bản Ngự) khoảng năm 1898, 1899, nhân dịp vua Thành Thái ngự vào Sài Gòn, nhằm thể hiện mối hoài bão, cùng tỏ lòng ngưỡng vọng của nhân dân đối với Quân vương lúc nghinh giá[5]. Tám bản Ngự lúc mới sáng tác, hơi hướng còn nặng âm hưởng của nhạc Huế. Nhưng càng về sau này âm hưởng Huế nhạt dần, đến nay đã thuần chất Nam Bộ[6]. Về những đóng góp to lớn của nghệ nhân nhạc sư Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) đối với sự hình thành và phát triển nền cổ nhạc Nam Bộ, hầu hết giới ĐCTT miền đông Nam Bộ mà nòng cốt là các nhạc sư, nhạc sĩ lão thành như: Năm Ơn, Thanh Tuyền, Hai Dậu, Năm Giai, Bảy Bá, Tám Nhứt, Ba Lựa, Tư Bền, Út Hinh…đều thống nhứt đánh giá tại cuộc hội thảo khoa học do tỉnh Long An phối hợp với thành phố HCM tổ chức tại huyện Cần Đước năm 1996. Tuy nhiên cá biệt cũng có ý kiến trái chiều do thiếu nghiên cứu mà cho rằng cụ Ba Đợi là người miền Trung chỉ biết nhạc miền trung làm sao có thể đóng góp cho nhạc TTNB[7]. Đối với 2 ông: Lê Văn Tiếng và Trần Phong Sắc cũng được người đời, trước nhứt là dân Long An vinh danh là bậc tiền bối của ĐCTTNB, nhờ có công sưu tầm, biên soạn có hệ thống, in ấn, lưu truyền rộng rãi khắp Nam Bộ và cả nước quyển sách “Cầm Ca Tân Điệu” mà giới chơi ĐCTT coi như sách nghiệp vụ “gối đầu giường” lúc bấy giờ[8]. Đồng thời, nhờ đó tạo nên dấu mốc lịch sử quan trọng, nâng bộ môn ca nhạc dân gian ĐCTTNB lên tầm bác học. Tuy nhiên, để nghệ thuật ĐCTTNB có được giá trị như ngày nay, được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa đại diện của nhân loại (2013) còn có sự đóng góp sáng tạo, phát triển, hoàn thiện không ngừng của các thế hệ nghệ nhân nối tiếp. Sau khi được UNESCO vinh danh, thực hiện chương trình hành động của Bộ VHTT & DL, tỉnh Long An đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTTNB”.

II/. Trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTTNB của tỉnh Long An:

1. Đối với các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ:

Do lòng thiết tha yêu nghề, biết rõ giá trị nghệ thuật ĐCTTNB trong đời sống cộng đồng dân tộc, quý trọng, giữ gìn di sản văn hóa của tiền nhân dày công sáng tạo, mặc cho thế sự thăng trầm, bất chấp phận bạc của đời nghệ sĩ, họ vẫn sống chết với nghề, không ngừng sáng tạo và truyền dạy cho đời sau, giữ trọn lời thề “tơ vương đến thác” với tổ nghiệp.

2. Đối với trách nhiệm của cơ quan nhà nước:

Từ sau ngày miền Nam được giải phóng, cả nước thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào khắp nơi ca hát, mừng đất nước trọn niềm vui, thì phong trào ĐCTT ở Long An phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Từ thập niên 80 thế kỷ trước, đất nước đổi mới mang lại nhiều thành tựu kinh tế xã hội, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Các cấp chính quyền từ tỉnh, huyện đến cơ sở đều quan tâm chỉ đạo khá tốt công tác sưu tầm, nghiên cứu, nâng cao chất lượng nghệ thuật của bộ môn ca nhạc này. Xuất bản sách “Tìm hiểu nghệ thuật sân khấu cải lương” (tập 1), “Kỷ yếu hội thảo khoa học về Đức nghệ nhơn tiền phong nhạc Lễ, nhạc tài tử Nam Bộ Nguyễn Quang Đại”, “Long An tươi màu là mạ” (ca cổ tập 1), “Thử tự học đàn tranh”, “Bài ca tài tử Nam Bộ”. Xuất bản nhiều bộ dĩa CD, VCD, DVD nhạc Lễ, nhạc TTNB. Thực hiện công trình nghiên cứu về Văn hóa phi vật thể ĐCTTNB ở Long An… Xây dựng mạng lưới CLBĐCTT trực thuộc Trung tâm văn hóa các huyện thị, thành phố thuộc tỉnh. Tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức và kỷ năng chuyên môn ĐCTTNB, trong đó có một lớp chuyên về 8 bài Ngự. Phối hợp với thành phố HCM và các tỉnh Nam Bộ, tranh thủ sự hỗ trợ của các ngành chức năng trung ương tổ chức 2 cuộc hội thảo và 2 cuộc liên hoan ĐCTTNB cấp khu vực Nam Bộ.

Đặc biệt hằng năm, từ năm 1996 đến nay, nhân ngày giỗ cụ Ba Đợi (Nguyễn Quang Đại) tại đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, tỉnh Long An phối hợp với huyện Cần Đước tổ chức lễ hội, liên hoan, giao lưu ĐCTTNB mở rộng với sự tham gia của nhiều tỉnh thành phố khu vực Nam Bộ. Trong những dịp Lễ hội này, Chi hội VNDGVN tỉnh Long An phối hợp cùng Ban tổ chức Lễ hội công bố quyết định của BCH Hội VNDGVN về việc truy tặng và phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian, kèm kỷ niệm chương vì sự nghiệp VNDG cho các nghệ nhân ĐCTT, nhằm thể hiện sự tri ân đối với các nghệ nhân tiêu biểu, có những đóng góp xuất sắc cho nghệ thuật ĐCTTNB ở Long An. Qua đó, động viên, khuyến khích phong trào ĐCTTNB ở Long An phát triển ngày càng sâu rộng hơn nữa.

Tính đến nay, Long An đã có 20 nghệ nhân ĐCTTNB được truy tặng và phong tặng danh hiệu cao quý này, trong đó có 3 nghệ nhân vừa được nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Bên cạnh việc triển khai thực hiện đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTTNB trên địa bàn tỉnh, Long An cũng tạo mọi điều kiện giúp nhóm nghiên cứu của trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn thành phố HCM thực hiện đề tài nghiên cứu “Văn hóa cải lương Nam Bộ ở tỉnh Long An”. Những hoạt động nói trên tuy chưa đáp ứng yêu cầu, nhưng đã góp thêm động lực thúc đẩy mạnh mẽ phong trào ĐCTTNB ở Long An trong sắp tới.
_____________________________________

Chú thích:

[1]Các nghệ nhân nổi danh ở Cần Đước một thời: Năm Giai đờn Kìm, Sáu Quýnh đờn Gáo, Bảy Quế đờn Tranh, Năm Lòng đờn Cò (VTK).

[2]“Sơ lược tiểu sử Đức nghệ nhơn Nguyễn Quang Đại”, Kỷ yếu hội thảo khoa học về Đức nghệ nhơn tiền phong nhạc Lễ, nhạc tài tử Nguyễn Quang Đại, tháng 3- 1996, Sở VHTT Long An, tr, 28, 29.

[3]Những nghệ nhân, nhạc sư cùng thời với cụ Ba Đợi thường gọi ông là Cậu Ba Đại, như trong quyển “Bản đờn tranh và bài ca” của Phụng Hoàng Sang (1905), in lần thứ 2, Nxb. F.H scheider. SaiGon, tr 5, nhạc sư Nguyễn Tư Bá viết… “Còn những người nào muốn rõ biết cách thức cao xa nữa thì xin nhờ mấy người danh sư như là: Cậu Ba Đại, thầy Phạm đăng Đàng…”. Còn theo các nghệ nhân lão thành vùng Cần Đước truyền khẩu là do kỵ húy của cụ mà người dân nói trại thành cụ Ba Đợi (VTK).

[4]Ngũ châu là 5 hạt châu do nhóm nhạc Tài tử miền đông (Ba Đợi) khai sanh khoảng cuối thế kỷ 19, gồm 5 bản nhạc: Kim tiền bản, Ngự Giá, Hồ lan, Vạn liên, Song phi hồ điệp. Tứ bửu là 4 báu vật do nhạc sanh Hai Khị thuộc nhóm nhạc Tài tử Bạc Liêu sáng tác khoảng đầu thế kỷ 20 để đáp lại nhóm nhạc miền Đông gồm 4 bản: Minh hoàng thưởng nguyệt, Ngự giá đăng lâu, Phò mã giao duyên và Ái tử kê. (khác Ái tử kê trong bát ngự) (xem Nhạc Tài Tử Nam Bộ, 1997, Nhị Tấn, tr. 11, 12).

[5]Bộ bát Ngự gồm 8 bản nhạc: Đường Thái Tôn, Vọng phu, Chiêu Quân, Ái tử kê, Bát man tấn cống, Tương tư, Duyên kỳ ngộ, Quả phụ hàm oan. (xem Cổ nhạc tầm nguyên, (quyển 1), 1958, Võ Tấn Hưng,, tr. 24.

[6]So sánh khi nghe băng cassette 2 bài Duyên kỳ ngộ và Quả phụ hàm oan do nhạc sĩ Nhị Tấn đờn tranh song tấu cùng nhạc sĩ Bảy Tiểu đờn kìm, còn âm hưởng Huế với 2 bài này trong đĩa CD hòa tấu của nhóm nhạc sĩ: NNDG Ba Tu, Út Tỵ, Khắc Tùng, Quang Dũng, âm điệu thuần chất Nam Bộ. (VTK).

[7]Nhạc sư VB trong đĩa DVD tường thuật buổi nói chuyện chuyên đề về ĐCTTNB tại trường Đại học Hoa Sen, thành phố HCM ngày 4/ 6/ 2015.

[8]Lê văn Tiếng diễn cầm, Trần Phong Sắc diễn ca (1926) Cầm ca tân điệu, nhà in JoSeph, Nguyễn văn Viết, Saigon.