Những người trotskistes – tấn bi kịch Việt Nam

Thưa quý vị, thưa các bạn,

Lịch sử cận đại VN đầy rẫy bi kịch. Các phương tiện truyền thông, chính thống cũng như phi chính thống, nếu có nhắc tới thì chỉ nói đến những bi kịch lớn: Cải cách ruộng đất, Nhân Văn Giai Phẩm, cuộc di tản cả triệu người sau năm 1975...

Nhưng lịch sử Việt Nam không phải chỉ có những bi kịch lớn ấy. Bên cạnh chúng còn nhiều bi kịch bị quên lãng. Những bi kịch này sẽ chìm nghỉm trong dòng đời, sẽ mai một hoàn toàn, nếu như không có những ngòi bút rỉ máu xuống những trang giấy để chúng vĩnh viễn tồn tại, để cho hậu thế được biết về chúng, ngõ hầu tránh những lặp lại trong tương lai.

Hận thù có thể xóa bỏ, nhưng tội ác thì không được quên. Tội ác được quên lãng sẽ quay lại, chắc chắn là thế.

Những kẻ gây ra những bi kịch được biết đến và không được biết đến ấy luôn kêu gọi sự xoá bỏ hận thù, trong sự mong muốn vết tích những việc làm nhơ nhuốc của chúng, của phe đảng chúng được tẩy xóa, được cạo sửa, làm cho chúng biến mất trong trí nhớ của dân tộc.

Trong ý nghĩa ấy, tôi chào mừng và cảm ơn sự ra đời của cuốn sách mà các bạn đang cầm trong tay của tác giả Trần Mỹ Châu với sự cộng tác của nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến.

Trong cuốn này người đọc sẽ thấy được dù chỉ một mảnh vỡ nhỏ nhoi trong tấn bi kịch ít được biết đến nhất, cũng là tấn bi kịch bị xuyên tạc nhiều nhất, là tấn bi kịch của nhóm nguời yêu nước mang tên “những người trotskistes Việt Nam”.

Những tài liệu lưu trữ của chính quyền thuộc địa được bạch hoá đã cho ta thấy đủ rõ: những người trotskistes Việt Nam trong thực tế là những chiến sĩ đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tội thay, họ đã bị vu cáo là tay sai đế quốc, bị tiêu diệt không phải bởi quân xâm lược, mà bởi những bạn đường khác chính kiến.

Sự kiện những người trotskistes VN bị sát hại vì sao, bị sát hại như thế nào, đòi hỏi những công trình nghiên cứu nghiêm túc, với sử quan khoa học, không thiên vị. Điều giờ đây chúng ta đã biết, đã có thể khẳng định là: những người trotskistes VN không phải và không hề là những người chống lại sự nghiệp giải phóng dân tộc.Giết họ là tội ác. Do sự che giấu và bóp méo lịch sử của ngành tuyên truyền dối trá, thế hệ trẻ hôm nay hầu như không biết đến những chiến sĩ anh hùng ấy: Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Hồ Hữu Tường, Lương Đức Thiệp... và rất nhiều người khác nữa.

Mà chẳng cứ thế hệ trẻ, ngay thế hệ chúng tôi, những người đã già, cũng chẳng biết bao nhiêu về tấn bi kịch xảy ra cho họ. Nếu có ai gọi là biết thì đó là sự biết sai lạc qua những tài liệu giả mạo.

Vì thế mà cuốn sách của tác giả Trần Mỹ Châu lại càng có ích. Nó bổ xuyết cho lỗ hổng kiến thức về lịch sử. Nó chiêu tuyết cho những tên tuổi bị bôi nhọ.

Tôi có quen biết vài người được nhắc đến trong cuốn sách như Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Giàu..., tiếc thay, trong những hồi ký về vụ tàn sát những người trotskistes trong thời kỳ Việt Minh vừa cướp được chính quyền ờ Nam Bộ, lại là những người được coi là những hung thần đã giết hoặc ra lệnh giết họ. Những người này, qua những câu chuyện tình cờ được nghe, cho biết những dị bản khác của vụ tàn sát, dưới một ánh sáng khác, có thể coi như sự chối tội, sự đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan. Chúng để lại những khoảng trắng trong lịch sử VN thời cận đại. Tôi hi vọng những khoảng trắng ấy rồi sẽ được làm rõ nhờ những người có tâm huyết với lịch sử như tác giả cuốn sách này. Nhân tiện cũng cần nói thêm rằng nhà cầm quyền cộng sản có thói gán tội trotskistes cho cả những người chẳng dính dáng gì tới chủ nghĩa trotsky như Trương Tửu, Nguyễn Hữu Đang, Minh Đức... trong vụ án nguỵ tạo gọi là “Nhân văn - Giai phẩm”.

Tôi có đưa một bài viết của Trần Văn Thạch về báo chí Việt Nam năm 1937 được đăng trên tờ La Lutte cùng năm ấy lên mạng xã hội Facebook để làm một so sánh báo chí thời Pháp thuộc với báo chí thời nay. Kết quả bất ngờ: chỉ trong vòng một ngày đã có hơn một trăm Facebookers đọc và thích (like) bài viết 77 năm trước của tác giả Trần Văn Thạch. Thật vui mừng khi thấy những dòng chữ của ông được đón nhận như vậy. Nó có ý nghĩa: ông vẫn còn sống bên chúng ta.

Bi kịch của một cá nhân lớn không kém bi kịch của một đám đông. Hơn bi kịch của đám đông, nó được cảm nhận rõ ràng hơn, đau đớn hơn.

Một lần nữa, tôi nói lời cảm ơn tác giả và những ngưòi đã góp sức cho việc ra đời cuốn sách về một người con xứng đáng của nước Việt: Trần Văn Thạch.

Xin cảm ơn quý vị và các bạn.