Ngày 30-4-1975 và Tôi


Hôm qua, ngày 22-4, 8 giờ sáng, tôi đang lui cui đánh máy nơi buồng văn, bỗng đứa cháu gái nội chạy vô báo có khách đến kiếm và đang đứng chờ ở cổng ngõ sau, tôi đang áo thun quần đùi, cũng không kịp và cần thay y phục tử tế khác, lòng bực tức vì khách nào đây đến phá đám, làm tôi đang viết và bị mất hứng…, tôi ra đến cửa thì gặp một cô tươi tắn, miệng cười cười bày hàm răng cửa có một lằn nhỏ phân hai, lễ phép xin tôi cho đẩy xe vào sân trong và tự giới thiệu: “Cháu, đại diện báo Giải Phóng, đến xin cụ một bài về ngày Ba Mươi tháng Tư…
. Tôi không đợi dứt lời, vụt nói:

- Xin lỗi cháu, ăn mặc sỗ sàng như vầy, tiếp… nhưng tôi không biết nịnh!

- Không cần phải nịnh đâu. Xin cụ cứ viết như suy nghĩ…

Tôi đã từng bị xí gạt, vừa rồi có một người dắt một ông kia lại nhà, bảo tôi ưng nói vài câu để ông ấy cho đứa con quay phim thâu tiếng nói và thâu luôn ảnh, điện vẫn điện của tôi, quay phim vừa xong, ông ấy lòn tay dưới bàn tôi đang ngồi, trao cho tôi một bì thơ dày dày, khách ra về, tôi lấy ra đếm, vỏn vẹn năm chục ngàn (50.000), tôi tức tức mà khách đã đi xa, nay cháu đến như vầy, và tôi đang tức khí, xin nói thật với cháu, cháu hãy về hỏi lại nhà báo tiền nhuận bút là bao, như phải chẵn thì tôi sẽ viết, chớ xin lỗi cháu, với tuổi 92, tôi quen sỗ sàng, tôi là con đ. có hạng, trả đúng giá thì tôi mới chịu ngủ!

Tôi vừa buông mấy tiếng kém nhã ấy thì có hai ông nhà văn bạn thân xô cửa bước vào, cô nọ cười cười vì vẫn quen biết, đẩy xe ra về, tôi tần ngần vì mấy tiếng lỡ lời lấy lại không kịp, nhưng trối kệ, tôi đang bực mình vì việc nhà rối rắm, thu xếp chưa xong, và trối kệ, người ta đã trách tôi “có gì nói ra hết, không biết ngưng đúng lúc”, với tuổi nầy, đang đợi giấy của Diêm vương, mặc cho búa rìu, thương thì nhờ, và phải sao chịu vậy. Bữa nay, cứ việc đánh máy vài trang chờ cô răng có lằn hở… và lòng dặn lòng, nếu cô ấy đến, sẽ khuyên bịt một kẽ vàng cho thêm duyên, lại nữa răng hở, có bao nhiêu tiền, đều lọt ra ngoài, không khá.

Sáng 30-4, súng cứ nổ, chó mèo chạy núp kẹt xó, gà không dám gáy, người người nín thở. Xe thiết giáp kéo vô dinh Độc Lập, cán nhào cửa sắt, cán nhẹp kỳ đài, tướng Minh đầu hàng vô điều kiện. Ông Trà làm chủ. Ngày 28-4, Hương lên tivi xin nhường chỗ cho Minh để dễ điều đình với người đất Bắc, bữa sáng ngày 29-4, có tin bi đát đổi lại làm tin hy vọng, nhưng hy vọng hão, tin có bốn hỏa tiễn bắn vào Sài Gòn, hỏa tiễn rơi nơi góc đường. Cống Quỳnh nơi xóm rạp Khải Hoàn hay gì gì đó, một trái bắn qua xóm Tôn Đản, nhưng trái nầy không nổ…

Trọn ngày 28-4, giới nghiêm 24 trên 24, nhưng dân chúng vô tích sự, vẫn nượp nượp ra đứng đầy đường để nghe ngóng, tiếng súng ven đô vẫn tiếp tục nổ, Lý Quí Chung lên làm bộ trưởng bộ Thông tin, Huỳnh Tấn Mẫm được trả tự do, Nguyễn Bá Cẩn, anh của Thiệu, ôm mấy thùng đồ xưa đã bay chạy từ đêm 28-4, Võ Văn Mẫu lên làm thủ tướng, Mẫu đây là cọp chớ không phải Mẫu là mẹ, Nguyễn Văn Huyền, luật sư lên làm phó tổng thống, kẻ hèn nầy nằm nhà, nhớ lại lúc còn làm đứng bàn ông Chánh ở Cần Thơ, Huyền là con thầy thuốc Phát, cưới vợ là con ông đốc phủ Chi, kẻ hèn nầy có dự tiệc cưới năm ấy, và đêm nay 28-4, tình hình bi đát vẫn bi đát như y… Sáng 29-4, nhớ lại, đêm qua 28-4, 18 giờ 30, có ba chiếc máy bay bay đến bắn pháo vào phi trường Tân Sơn Nhứt và bắn vào dinh Độc Lập, sau rõ lại đó là máy bay ngoài Bắc hay từ Đà Nẵng bay vào, mà tin đồn lại đồn đó là tướng Nguyễn Cao Kỳ phản đối.

Sáng 30-4, tiếng súng nổ lớn hơn mấy ngày trước, tiếng nổ từ Hàng Sanh, nghe đồn sẽ đánh chiếm đài Phát thanh… Thiếu tướng Lâm Văn Phát lên làm tổng trưởng tòa Đô thành, tướng Vĩnh Lộc thế cho tướng Cao Văn Viên, tướng Viên đã chạy mất, một chuẩn tướng tên Nguyễn gì gì đó khuyên quân sĩ bỏ súng đứng yên tại chỗ để xin đầu hàng vô điều kiện, 12 giờ có tin bác sĩ Hồ văn N. chạy vô dinh Độc Lập ủng hộ tướng Minh,… qua 14 giờ 30 có tiếng súng nổ thật giòn ngoài tường nhà trước và không sợ vì đó là tiếng súng ăn mừng hoàn toàn đã hết giặc, binh Bắc chiến thắng, đêm lại vẫn thiết quân luật từ 18 giờ cho đến 6 giờ sáng ngày mai.

Nay xin nói qua tình đời. Đúng tình đời, xanh như lá, bạc như vôi. Nuôi một thằng anh em dính dấp bà con xa, cậy nó trốn trong nhà lấy đồ cổ ra phiên âm chữ Hán, kể nó lánh mặt người khác. Dì Chín, vợ nó, dắt con lên, mình lấy tiền mua phở mỗi tô một cắc bạc (0$10) đãi, cách nhiều năm sau, dì Chín mãn phần, mình xách gậy đến điếu tang, con của dì Chín, thằng ăn phở năm xưa, từ trong buồng ra làm mặt lạ, hỏi: “Ông là ai?”, mình đứng dậy nói lớn: “Hỏi lại cha mầy thì biết” và chính cha nó đã gạt mình “Anh Hai có bao nhiêu sách cấm, hãy đưa cho em giữ giùm”, mình đưa bao nhiêu thùng giấy đựng nào Chị Tập, nào Phi Lạc sang Tàu, nào tập san trọn bộ Văn, trọn bộ Nhân loại, bị lấy luôn không trả, nay hai đứa em của mình lên đây để thăm dượng Chín, đau bán thân bất toại, mê man khi tỉnh khi mê, vì nay dượng lập phòng ngủ có máy lạnh chứa khách nhận đô la, khách Đài Loan dâng đồ bổ, dưỡng xực bổ quá đứt gân máu, hai em mình lên thăm dưỡng vì đảng với nhau, xin hỏi khi mình xẩy cái lô bô, hai em có lên thăm như thăm dượng Chín?

Một thằng bạn mày khác, năm bạn thất nghiệp, bụng đói, đến nhà, cho một bữa cơm quèn, biếu hai đồng bạc (2$00) cầm bằng bạc trăm, mới đây mình lại nhà, bạn cho một ly cà phê sữa, mình ra về, bạn viết báo, “già nữa chết ai nào tiếc như tiếc Huỳnh Bá Thành”. Bạn ôi, qua chúc cho em sống đến tuổi nầy bạn sẽ hiểu già thì yếu là lẽ tự nhiên và có mấy ai lại khỏi chết?

Già thì già mặt già mày… già còn được cô Bảy, cô Sáu, cô Năm nhắc nhở, Bà Bảy, bà Năm Cần Thơ đều là Nghệ sĩ Nhân dân, Sáu Ngọc Sương vẫn còn bóng bẩy, cả ba đều có cảm tình nhiều với già nầy, chúc bạn được như vậy.

Có từng lâm cảnh phong ba bão táp 30-4-1975, đọc lại Truyện Kiều, mới thâm thúy. Đã viết bài dẫn giải không thể Truyện Kiều sáng tác năm 1802, như Lê Thành Khôi và Trần Trọng Kim đã viết, vì phải đến năm 1813 tác giả Truyện Kiều mua được tập Thanh tâm tài nhân, năm 1813 về sau, không rõ chắc năm nào, tức cảnh sanh tình lấy chuyện một gái lành bị trầm luân rồi phổ biến lấy việc cũ đã thấy từ năm 1802 sẽ viết lại sự biến đổi Mạt Lê, Dứt Trịnh, Tây Sơn sớm mất, nhà Nguyễn lên, và “lời quê lượm lặt”, chuyện đời còn diễn… sống chết không mừng không tiếc, mặc cho búa rìu. (viết ngày 4-4-1993). S.

Tái bút.

Cách một thời gian, ngày 30-4 đã qua, việc hơi êm êm, một bạn đồng song cũ trường Chasseloup, tài ba đức hạnh hơn mình nhiều, đốc phủ sứ thiệt thọ, từng ngồi chủ tỉnh Biên Hòa, đã bỏ chức tước, ưng làm coi bút toán cho một nhà bào chế dược Tây, từ Cần Thơ lên thăm tôi, trao một bài tám câu, gởi cho một bạn học cũ đi ra Bắc trở về chức Bộ trưởng Giáo dục, thơ gởi không có trả lời, như vầy:

“Tiếng Ngụy đánh mang hổ phận mình,
Rằng oan nhưng cũng khó thanh minh.
Sen chung bùn bẩn sen càng đẹp,
Ngọc nhuốm màu chàm ngọc vẫn xinh.
Có miệng mà câm lời biện bạch,
Cam lòng đành nuốt thẹn trung trinh.
Như ai đoái tưởng người dân tốt,
Cho lén nhìn xem ánh hiển vinh”.

Tôi là hạng con cóc, è ạch họa như vầy:

“Tiếng Ngụy đầy tai, há một mình?
Đũa quơ cả nắm, lọ thanh minh?
Lỡ làng thôn âp, còn gì tốt?
Chờn chợ thị thành, đã mất xinh.
Oán, giận, trách, hờn âu quá muộn,
Gìn vàng giữ ngọc vẹn kiên trinh.
Qua cơn thử thách già thêm nữa,
Khổ lụy, phong trần, nhục lẫn vinh”.


Hôm nay 29-4-1993, vào giờ trưa, bỏ giấc nghỉ lưng ngọ, ngồi vào bàn máy và viết để cho thấy vào tuổi 92 nầy, trí óc vẫn còn minh mẫn, và vẫn viết tiếp việc đã 18 năm qua, nhưng chưa đến gián đoạn.

Nhảy qua chuyện khác, có nhắc đến tướng Lâm Văn Phát, nay nhớ rõ lại tướng Phát là con của ông Lâm Văn Phận, ông nầy là thầy gác lớp gọi Rệp (répétiteur) trường cũ Chasseloup, nào dè cha làm giám thị con làm đến bực tướng, nghĩ lại ông Phận dạy con đáng công hơn mình có một trai duy nhứt, mình cắp ca cắp củm hà tiện từ xu từ cắc, con xài tiền như túi thủng đáy, cho biết mắc nợ khai thác lén sơn lâm nợ triệu nầy qua triệu kia, biết làm sao trả cho xiết, khuyên con xin chủ nợ bớt, con nằng nặc làm quân tử Tàu, nài trả cho đủ số đã lấy, thôi thì việc đâu còn có đó, nay bắc cầu nói qua tướng nầy theo điệu hát đâm bang của hát bội để giải buồn. Tôi không nhớ tướng Phát có bị đi học tập cải tạo cùng không, duy nhớ rõ sau ngày 30-4-75, một đêm nọ lối bảy tám giờ tối, tướng đi xe đạp tìm lại nhà báo hung tin “đốc phủ Thiện từ trần” và mời tôi kíp theo chân dự lễ truy điệu. Lúc ấy tôi độ trên bảy mươi nhưng còn khỏe lắm, tôi lật đật xách gậy, cuốc bộ lên nhà Thiện, nơi đường mài mại cái gì Dung hay gì gì đó. Cơ khổ đã từng lên đó ăn cháo vịt, thật ngon, chơi bài thiên cửu và khi khác nghe đờn ca tài tử, Thiện là bạn đồng song, ngủ chung một lầu, ăn chung một phòng, thế mà đã quên lửng số nhà và đường… Dung… Dung gì gì đó.

Thật đáng thương cho một đốc phủ như Thiện, trong sạch nhưng vì sạch nên nghèo trơ nghèo trớt, nhớ mại lúc chơi bài lúc nghe đàn, thì Thiện ở villa, nhưng nay quan tài quàn trong một căn bé thấp, mối đùn trước cửa một đống gần lấp cửa ra vào, đèn điện bốn cây lu lét chung quanh chiếc hòm chưng ngang ọp ẹp, tôi để gậy ngoài bệ cửa, bước vào xá dài bốn xá tiễn bạn tuy đứng đó mà tần ngần ngổn ngang bồi hồi ngao ngán, rồi lui bước ra lại chỗ tiếp khách lựa một ghế nhỏ nơi xó hóc, ngồi day mặt ngó quan tài bạn đốc phủ, nào ngờ ra đi quá sớm, chưa hơn tuổi cổ lai hi, và các bạn lương hữu đang tổ chức bữa đờn tiễn biệt, trước cái hòm hiu quạnh, là năm hay sáu danh cầm, Cao Hoài Sang đang là chức sắc lớn đạo Cao Đài thủ cây tỳ bà, Năm Thịnh, giáo sư dạy trường Quốc gia Âm nhạc thủ cây kìm, một ông ngồi bệt dưới đất thủ cây thập lục, hỏi lại đó là ông Năm An, một tay đàn tranh đồng chạn với ông hoàng Bửu Lộc, một ông hoàng nửa giòng vua Thành Thái, và một ông thổi cây tiêu vì ngồi khuất nên tôi không nhìn mặt duy nghe nói lại đó là một tay suy-tiêu ăn đứt giới ca-cầm buổi ấy. Tôi ngồi lặng nghe từ tiếng nắn nót cây tỳ cây tranh, lòng tôi thổn thức không rõ khi sau mình nằm xuống, có được cảnh nầy hay chăng? Và nhớ lại Thiện, khi còn là viên thơ ký dinh Hiệp-lý như mình, mình thường ăn hiếp, chọc phá, gọi Thiện là Thường-Sư-Đồ, lấy tích Thiện thuộc làu truyện Thuyết Đường và kể không sót tên các vị anh hùng đời Mạt Tùy, lúc Dương Đế nghe lời chú là tướng Dương Lâm tổ chức thi chức trạng nguyên võ, nơi gọi “Giang đô khảo võ”, lúc ấy anh hùng số 1 (Lý Ngươn Bá) đã chết, số 2 (Võ-văn Thành-Đô) đã bị Ngươn Bá xé tét tử mạng, số 3 Bùi Ngươn Khánh không còn, số 4 Hùng Hượt Hải đã chết, số 5 Ngũ Văn Thiệu, số 6 Ngũ Thiên Tích cũng đã chết, khiến nên số 7 là tiểu tướng La Thành giựt chức võ-trạng, nghĩ vừa tới đó thì trời đã quá khuya, vào xá xá thắp thêm một cây nhang. Nay tướng Phát ở nơi nao, mình còn đây và chừng nào sẽ gặp lại hồn anh đốc phủ Thiện?

(29-4-1993)

Viết tiếp ngày 10-5-1993

Bài “30 tháng 4 năm 75” viết bảy trang, nay đọc lại thấy bời rời lòng chảy như “cơm nếp mắc mưa”, nhưng gẫm lại tình đời suy thoái không mấy chốc. Nghĩ lại một đốc phủ trong sạch, khi chết, đám ma nhà héo mà còn được một pháp sư lớn chức, một giáo sư trường âm nhạc và nhiều danh cầm cao thủ, không tiếc công đến ngồi trước vong linh đàn lại nhiều bản lớn để tỏ tình tiễn biệt nhau. Bây giờ nói chuyện của mình, từ sau năm Giải phóng, sau ngày 30-4-75 cho đến nay, chính mình sạch sành sanh tiền gởi quỹ tiết kiệm, bị thằng Phạm Công Tước ẵm sạch với bao nhiêu tiền dành dụm mồ hôi xót mắt của nhiều người khác, tên Tước vẫn chưa bị bắt, rồi thêm nhiều thụt kết đoạt tiền khác, vụ dầu thơm, vụ thằng chệt Tàu trong Chợ Lớn, và nào những cao cấp tiêu lòn ăn cắp bạc của nhà nước, kể ra làm sao cho đủ, chỉ biết bọn tội phạm, hoặc đã chạy khỏi, hoặc đã vào tù, và mình sạch tiền lại phải đóng thuế và thuế ấy gánh phần nuôi cơm cho bọn tội phạm bị tù, và gánh luôn tiền nuôi từ thằng lưu manh đâm chém, giết hại sát nhơn, thằng con mất dạy lấy súng A.K. của cha để bắn vào bót cảnh sát, và gẫm thương thầm mấy cô gái bị buộc tội “mãi dâm” vân vân và vân vân, tôi đây làm sao thuộc Kiều cho bằng mấy ông ngoài kia, nhưng còn nhớ năm nọ, đời ông Trần Văn Hữu làm thủ tướng, tôi được tuyển giữ mục phê bình văn hóa trên đài phát thanh, lúc ấy không có kiểm duyệt, tự mình nghe cô đào Bắc ngâm vài câu Kiều rồi tự mình chế biến tìm câu dẫn giải, tán hươu tán vượn trả nợ xong nội mươi lăm phút rồi kéo nhau xuống két lãnh tiền sốt dẻo, và đêm ấy, cô đào đến trễ, tôi chưa kịp phân trần giáp mí, cô lên đài, mắt liếc nghiêng õng ẹo ngâm: “Bây giờ đất thấp trời cao, ăn làm sao nói, làm sao bây giờ”, tôi phê bình chiếu lệ rồi đưa nhau lãnh tiền, cô được 150 bạc, tôi được 300, nhưng đứng chờ xe đưa về nhà thì xe hư, hai tôi đành cuốc bộ, cô mời mọc: “Nhà em không xa, mời ông anh đến chơi cho biết”, rồi tôi che dù, cô đi sát mình để tránh giọt mưa vì cây dù quá nhỏ, khi đến nhà cô, nơi xóm lao động gần cầu sắt Đakao, tôi muốn lui về nhưng đã trót lỡ lời, tôi để cây dù ướt ngoài cửa bước và thì quá trễ, thấy ba bốn anh chàng mình trần đang nằm sấp dài nơi sành gạch, kéo dọc tẩu… rồi thì “lỡ chân trót đã vào đây…” đêm ấy muốn được an toàn, tôi đành để lại cho cô đúng ba trăm vừa nhận lãnh khi nãy, gọi là tiền lễ mừng em lạc thành nhà mới, rồi về nhà thêm tội nói láo với vợ rằng chưa lãnh tiền, mặc dầu mai nầy tiền đi chợ ban nãy nơi nhà cô đầu răng đen mã tấu, đã cúng hết để mua đạo lộ đường xá với mấy thằng mình trần chờ dịp lật lưng mình và còn chuyện gì xảy ra khác nữa chưa biết được, nghĩ cho cái kiếp thất thời phải đóng cặp với một mụ đào hát quá ư tầm thường, bao nhiêu nghệ thuật tinh xảo của câu phong yêu hạc tắc “ba chữ” “ăn làm sao” “nói làm sao”, mụ đã ngâm trật lất: “ăn làm sao nói…” “làm sao bây giờ”, đứt đoạn và sai nghĩa nhưng đã trót lãnh 300 và đã trót cúng 300, thật là chí công và đúng nghĩa: câu điêu luyện “Bây giờ, đất thấp, trời cao,” “ăn làm sao…” “nói làm sao…” và nối lại cho dính liền hai chữ đầu “Bây giờ???”, và gẫm lại, nói ra đây đã quá lộ liễu tâm can, ví thử ngày 30-4-93, mình cứ nín thinh chẳng là vô sự, hoặc là cứ như bao nhiêu người khác, chúc mừng và nịnh bợ thì sẽ được chèo suôi mát mái, và trái lại, mình tuy không động đến việc lớn, mà đã thố lộ can tràng, kể lại tình cảnh đã xảy ra dân phu xích lô, trước kia nhà có tivi, nay đã bán từ lâu, nhà nọ ham được giá đã bán bộ ván gỗ để nay ngủ trên sàn gạch, lính tráng đời Ngụy, vì quá sợ, cổi cả áo treilly áo chiến, giày trận, cổi hết và bỏ hết tất cả nơi đống rác cho khỏi tội làm cho Mỹ Ngụy, và ngày nay vợ con không có chiếc chiếu rách lót lưng, mình đã lội ngược dòng và viết lại tình cảnh bo bo, nay thay rau muống, nhưng đã tìm được manh mối cảnh ngộ năm 1802, tác giả Truyện Kiều chưa có tài liệu đủ để thuật lại chuyện con đ. đời Minh và phải đợi đến năm vinh quang đi sứ sang Tàu và thâu gặp bộ chữ Hán Thanh tâm tài nhân, và khi ấy bao nhiêu uất ức, kham khổ vua chót Lê bỏ chạy, chúa chót họ Trịnh tiêu điều, vân vân và vân vân, âu là nghiệp chướng còn nhiều, và bao nhiêu chất chứa thấy lính Tây Sơn ngồi hát cô đầu mới nghĩ ra cảnh Hồ Tôn Hiến cũng biết say sưa và trót say cũng biết gả cho thổ quan lánh vợ, thật là “lời quê lượm lặt” quá vô duyên, và viết như vầy đúng là “bao quản lắm đầu” và mặc cho búa rìu lượng minh soi xét.