Chuyện kể của một nữ sinh

Nguyễn Văn Sâm

Mấy ngày nay tôi và ba tôi giận nhau. Lý do thiệt là kỳ cục với người ngoài cuộc nhưng mà rất hữu lý đối với cha con tôi. Chuyện là bốn năm năm nay tôi học trường Tiểu học Thị Nghè vì nhà tôi gần chợ Thị Nghè, băng qua vài ba con lộ đá đỏ là tới trường liền. Tháng rồi tôi thi đậu Tiểu học. Đậu cao. Ba tôi khi đãi tiệc bà con trong nhà mừng vụ nầy nói là với sức học của tôi, tôi sẽ thi đậu vô trường Gia Long không khó. Tôi nói con sợ sẽ không đậu vô Gia Long đâu ba, ở đó thị thành, người giỏi nhiều. Với lại con thích thi vô trường Trưng Vương thôi. Con quen với vài chị lối xóm học ở đây rồi. Đạp xe đi chung cho tiện. Cả nhà quay qua lõ mắt ngó tôi ngạc nhiên vì trước nay tôi chưa từng khác ý cha bao giờ.

Cha để ly nước xuống bàn, nước trong ly sóng sánh nhiều, nói: Trưng Vương thầy cô cũng như học sinh đều là người Bắc sợ con lạc lõng trong đám Bắc kỳ đó, với lại sợ con không nắm được bài vở khi thầy cô cắt nghĩa rặc ròng bằng tiếng Bắc...

Tôi nói: Lý do nữa là từ nhà mình ở chợ Thị Nghè nầy qua cầu, đạp xe chừng 5 phút là tới trường Trưng Vương, còn đạp cả nửa tiếng mới tới trường Gia Long, mất nhiều thời giờ quá. Trưa chiều gì trời cũng nắng chang chang, đạp xe xa mệt mà lại sợ tai nạn xe cộ. Lúc nầy xe nhà binh Mỹ chạy ẩu xị lắm. Tụi con gái đạp xe máy lọng cọng, lớ quớ bị cán lốp bốp hoài hà....

Bà nội giảng hòa, giọng binh cháu gái: Thôi thì con nó nói cũng có lý, Tại sao lại bắt nó làm chuyện nó không thích. Bộ ngày trước bây si mê một cô áo tím Gia Long nào hay sao mà làm dữ vậy trời!

Ba tôi thua bà nên còn hậm hực, quay ra hỏi đố con:

‘Con biết chả chiên là gì không mà đòi...’

Tôi tiếp... là trứng rán đó, người Nam mình kêu là chiên hột gà.

‘Con biết quả na, cái thìa là gì không?’

Mãng cầu đó, con mua của bà đội khăn mỏ quạ màu nâu ở góc chợ bao nhiêu năm nay. Cái thìa là cái muỗng lớn đó.

Má tôi cười: Thôi xong. Duyệt! Chắc bộ sau nầy tao có cháu ngoại nói tiếng trọ trẹ quá.

Tôi mắc cở đứng dậy, dùng dằng đi vô buồng nhưng liếc thấy ông già tôi coi bộ không vui.

Tôi cũng cưỡng không thèm làm lành với ba cho tới khi nằn nì ông chở đi góp đơn thi Đệ Thất.

Tôi nói:

- Ba biết đường hông con chỉ, trên con đường đi ngang trước cửa Sở Thú đó.

Ba gầm gừ:

- Nuôi cho con lớn rồi để nghe con cãi lý. Muốn ngang nào được ngang nấy.

Tôm ôm ba, cười cầu tài:

- Thôi mà ba, dầu sao cũng xong rồi, con sẽ học ở đây bảy năm. Con đi xe máy, khỏi mất công ba đưa đón tới lui. Bằng mà con không thể học được vì không hiểu bài hay theo bạn bè hư hỏng thì con chịu tội với ba.

Và cuối cùng thì cha con tôi làm hòa, Ba không bao giờ phàn nàn trường Bắc trường Nam gì nữa mà còn nói một câu nghe được ớn: Hồi trước ba cản con nhưng con muốn sống theo ý con thì ba thấy cũng phải. Ai cũng có quyền thể hiện là mình khi thể hiện đó đúng đắn. Dầu là cha cũng không có quyền cản con của mình.

Khi tôi lên lớp Đệ Tứ thì có dịp kể lại chuyện thi vô Đệ Thất kỳ khu nầy trong một bài luận văn với đầu đề : Hãy kể lại một quyết định quan trọng trong đời em và nói lý do sao em đã quyết định như thế. Cô giáo, GS. NTB Trân đã cho điểm cao nhất lớp với lời phê: Khi nghĩ là quyết định mình đúng và quan trọng với đời mình thì tranh đấu cho quyết định đó là điều cần phải có. Tôi ghi nhớ lời phê đó và lấy đấy làm phương châm của đời mình, đem theo trong cuộc sống với lòng cương quyết mà nhiều người lấy làm lạ.

Cũng nên kể thêm là do tự hào là học sinh Trưng Vương tôi tìm hiểu và sưu tầm được một số lớn những bài Vịnh Hai Bà Trưng. Tôi thích nhất là bài của ông Dương Bá Trạc.

Nước nhà gặp cơn bĩ,
Trách nhiệm gái trai chung.
Quyết lo đền nợ nước,
Há những vị thù chồng.
Tham tàn căm tướng chệt,
Tai mắt tủi nòi Hồng.
Em ơi đứng cùng chị,
Thù riêng mà nghĩa công.
Xin đem phận bồ liễu,
Đành liều với non sông.
Một trận đuổi Tô Định,
Quân Tàu đuôi chạy cong.
Lĩnh Nam bảy mươi quận,
Mặc sức mà vẫy vùng.
Mê Linh dựng nghiệp đế,
Độc lập nêu cờ hồng.
Bốn năm nước tự chủ,
Nhi nữ cũng anh hùng.
(Dương Bá Trạc)

Và bài của ông nhà Nho Hoàng Thúc Hội, ông nầy đoạt giải nhất cuộc thi thơ văn kỷ niệm lễ Hai Bà Trưng do một tờ báo tổ cuộc thi thơ năm 1932.

Ngựa Gióng đã lên không,
Rừng Thanh voi chửa lồng.
Nẩy chồi hoa lưu Lạc,
Mở mặt nước non Hồng.
Trăng dọi gương hồ Bạc,
Mây tan dấu cột đồng,
Nén hương lòng cố quốc,
Xin khấn một lời chung.

Nhiều, nhiều lắm chép gần đầy một tập trăm trang Olympic, có cả tuồng hát bội về Hai Bà mới được sáng tác gần đây tham dự Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc một năm nào đó khi tôi sắp thi Tú Tài 2.

Từ sưu tập thơ Hai Bà, tôi lấn sang sưu tập Thơ Vịnh Sử nên có dịp tìm hiểu thêm các nhân vật khác của nước nhà. Từ Thơ Vịnh tôi bắt qua Thơ Xướng Họa và cũng học đòi họa thơ hay viết truyện ngắn mỗi ngày trên phụ trương nhật báo Ngôn Luận để kiếm chút tiền tiêu vặt..

Mà lạ, càng đi sâu vào các ngõ ngách của văn chương xưa tôi càng yêu quê hương tổ quốc mình hơn, vậy mà bài vỡ học hành chỉ cần lướt sơ qua đã thuộc lòng...

Văn chương nó kỳ diệu vậy hay sao!

Trong trường lớp, khi cần ai ca hát thì thường là tôi được đề cử. Các bạn nói tên tôi là Kim Chung nên tiếng hát ngọt ngào như đào hát Kim Chung, như đào thương Bích Hợp khỏi cần tập luyện. Có dịp hỏi cha mẹ tại sao tôi có tên Kim Chung thì mẹ cười hiền:

- Hỏi ba mầy đó, ổng mê tiếng hát của đào gánh Kim Chung. Ngừng một lúc trầm ngâm mẹ nói thêm: Cũng may, nếu mà ổng mê giọng ca của kép đẹp trai Ngọc Toàn, hay các cách làm hề của Tư Vững, Ba Hội thì giờ con có tên chắc không được đẹp như bây giờ đâu.

Tôi an ủi Mẹ: Đấy là một sự hòa nhập Bắc Nam quá đẹp đấy mẹ ạ! Tuyệt vời rồi.

Tôi rời trường mang theo hình ảnh thầy cô bạn bè và cũng mang theo cách phát âm cùng cách nói của Miền Bắc tổ tiên luân lưu trong huyết quản nghe đâu từ thời cụ cố cụ sơ của phía Nội tận vùng Bắc Ninh quan họ xa tìt mù.

Mà quí vị độc giả hỏi gì tôi cơ? Kể thêm à? Thưa xin được chấm dứt ạ. Hẹn dịp khác nhé!