Một ngôi sao nữa rụng: Tiếc thương Mai Thảo

Nguyễn Văn Sâm

Ai cũng biết nhà văn Mai Thảo cũng ra đi thôi. Bảy mươi tính ngày, anh thêm bệnh yếu. Kiệt lực. Con người anh hai năm gần đây như ngọn đèn leo lét hết dầu lại lung linh trước gió, nếu có bùng sáng lên chút nào, sự bùng sáng nầy không kéo dài lâu mà càng làm ngắn hơn thời gian leo lét phải có. Vậy mà sao phần lớn chúng ta, những người viết văn và thưởng thức văn chương trong vòng nửa thế kỷ nay lại luyến tiếc ngậm ngùi? Đó là vì cuộc đời anh. Cách sống anh. Thái độ anh. Cách hành xử ngòi bút của anh. Nói tắt, con người anh làm cho chúng ta thấy rằng mình bị mất mát. Mất mát trong văn chương chữ nghĩa và riêng tư trong tình thân thiết bạn bè

Về sách vở, những người ở vào trường hợp tôi, gần gần sáu mươi, ở trong nam, lớn lên bằng văn Tự Lực Văn Đoàn và những tác phẩm đồng thời ở bắc như Trần Tiêu, Bùi Hiển, Đoàn Phú Tứ… Trong nam thì là những nhà văn thuộc thế hệ 45 – 54 tranh đấu chống Pháp bằng văn chương, có hay không điều khiển bởi đảng CS. Với nhóm trước tôi biết và thân thuộc với đời sống nông thôn vùng đất quê hương trên đồng bằng sông Hồng một mặt nghèo nàn vì chế độ hương lý lỗi thời một mặt lại có được những mối tình quá đẹp, những hành vi quá cao thượng, đáng mến.

Như những bông hồng sắc sảo, như những giọt sương mai lóng lánh, như những ngôi sao huyền ảo. Tôi quyến luyến đất nước mình một phần bằng những dòng sữa đó. Với những nhà văn tranh đấu của Nam Bộ tôi kính yêu hành vi cách mạng và phẩn uất trước những bất công. Họ cho tôi những hình ảnh người hùng cao thượng. Như chim đại bàng đỉnh núi, như cá kình biển đông, như rồng bay trên trời bao la. Tôi thấy cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi con người dám làm những điều gì không đem lợi lộc về mình, về gia đình mình. Cả hai nguồn văn chương trên ảnh hưởng lên tôi hai mặt tình cảm và lý trí. Nhưng vẫn có điều gì trong tôi cho thấy, ngay lúc đó, rằng đây là những tác phẩm văn chương, đây không phải là cuộc đời dù là cuộc đời trong văn chương. Nói cách khác, tính cách văn chương tuy còn mà tính thời đại trong hai nhóm viết văn nói trên không còn nữa, đã trở thành đồ cổ, của quá khứ. Với tạp chí Sáng Tạo, với Mai Thảo, tôi được thưởng thức văn chương gắn liền với cuộc đời. Văn chương đã bước vào Sài gòn thời tôi đang sống, đang lớn. Nhưng câu chuyện trong đó càng gần gũi hơn. Cuộc đời đã thật sự có mặt trong văn chương ở những gì Sáng Tạo cho trình làng. Ta không đọc văn để hiểu đời mà đọc văn lúc nầy là hội nhập vào chính cuộc sống trước mặt. Tôi hưởng của Sáng Tạo điều đó. Tôi có tạp chí Sáng Tạo như một trong những hành trang cần thiết vào đời.

Hồi đó tôi đang học Đệ thất, Đệ lục trường Petrus Ký. Mỗi ngày đi bộ lên nhà xuất bản Ban Mai trên Tân Định để mua tại nhà in nầy mấy xấp truyện của Phi Long, Cồ Việt Tử… Những ngày gần cuối tháng thì lại đi bộ lên đường Ký Con hỏi mua tạp chí Sáng Tạo. Mua ở đây có khi sớm hơn ở sạp báo cả tuần. Lần nào tôi cũng nhìn những người đi đi lại lại, nói nói cười cười trong đó với một niềm kính phục vô bờ. Họ là những tác giả tôi ngưỡng mộ đó. Họ là những người cho tôi nguồn sữa văn chương mới, khác với hai thứ tôi đã được bồi dưỡng hồi nhỏ. Không dám lại gần, không dám hỏi, không biết ông nào là ông nào. Nhưng dưới mắt tôi đó là những tác giả sống thật, thấy được ngoài đời, nói năng, cười cợt, đi lại, hút thuốc, uống cà phê… Tôi đoán và gán ghép theo trí tưởng tượng của mình, ông này là Mai Thảo, ông nọ là Thanh Tâm Tuyền, ông nọ là Duy Thanh, là Lý Hoàng Phong, là Nguyễn Sỹ Tế, là Doãn Quốc Sĩ, là Nguyên Sa, là Quách Thoại…Đoán thôi, không cần trúng trật và không cần giải đáp.

Rồi tôi lật ra đọc ngấu nghiến bài của những người mà tôi nghĩ mình đã thấy trong tòa soạn. Nếu kỳ nào không thấy tác giả nào thì hình như tôi hơi thất vọng, không đọc liền mà nhẩn nha đứng lại quan sát mấy đứa nhỏ chơi đùa, giởn hớt trong Hội Dục Anh tại căn nhà cạnh bên tòa soạn. Tôi đứng lại đấy khá lâu cũng như sẽ đứng lại lâu chỗ nào có thể nghe rõ tiếng đọc bài inh ỏi, ồm vang của đám học trò tàu trong những lớp ở trên lầu đường Nguyễn Công Trứ. Đứng nhởn nhơ lâu lắm mới chịu về, vừa đi vừa đọc, từ các truyện ngắn, tới các bài biên khảo và những đoạn của nhiều người viết ngắn về sinh hoạt văn nghệ…

Và tôi lớn lên bằng Sáng Tạo, Hiện Đại và những tác phẩm của những người viết cộng tác với hai nhóm đó. Nhưng Sáng Tạo là phần lớn.

Rồi năm nào đó, khoảng đầu 70 hay cuối 60, không còn nhớ rõ, tôi được mời đến dự buổi thuyết trình của nhóm Mai Thảo – nhóm sinh viên Đại Học Sư Phạm ban Việt Hán thích văn của nhà văn Mai Thảo – dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Lê Hữu Mục. Buổi hội thảo có sự tham dự của nhà văn Mai Thảo. Tôi được biết tận mặt Mai Thảo, tác giả mình ngưỡng mộ đây là lần đầu tiên. Cái bắt tay của anh bình thường lơ là, anh không hỏi gì tôi mặc dầu đã được giới thiệu bằng những từ ngữ, chức vị thật phồng to của người bạn đứng mời. Tôi hỏi một hai câu chỉ được trả lời ậm ờ nên buồn tình không muốn hỏi gỉ thêm. Các sinh viên nam nữ trình bày, mổ xẻ mặt tư tưởng và văn phong của Mai Thảo. Hầu hết đều thích, đều khen, đều phục, đều thấy cả cái hay trong từng chi tiết nhỏ nhặt. Tác giả ngồi đó, điếu thuốc trên tay, dáng dấp thật tuấn tú, cao ráo, không thay đổi sắc mặt, không một lời cám ơn khiêm tốn, không thuyết minh thêm, cũng không tỏ ra chút gì bối rối… Khi tan cuộc hội thảo, chúng tôi có chụp hình, hoặc chung với sinh viên, hoặc riêng với nhà văn. Hơn mười năm sau, khi đã quen thân với anh, một lần nào đó, tại California, tôi nhắc lại chuyện thuyết trình của nhóm Mai Thảo, anh gạt đi! “…Vả lại, tôi đã quên hết rồi!” Chuyện cũ. Ta uống rượu thì cứ uống rượu, nhắc làm gì chuyện đó”.

Tánh Mai Thảo như vậy đó, không thích được đề cao, cũng như không thích làm quen thêm với những người không ở trong văn chương. Thái độ dửng dưng của anh, tạo sự khác biệt giữa anh và người chung quanh.

Thái độ đó đã làm khó chịu rất nhiều người, kể cả độc giả ái mộ, Người khó tánh bảo anh lấc xấc Làm cao. Hay cà khịa. Tôi cho rằng anh chỉ muốn thu mình lại cho cuộc sống nội tâm. Không dàn trãi đời mình ra thêm với người mới vì rằng không cần thiết. Tôi đã thấy anh làm thinh trong suốt buổi uống rượu khi được xếp ngồi bên cạnh nhân vật lớn địa phương mà anh chưa từng quen biết. Tôi từng nghe anh nhắc đến từ những kẻ ngoại đạo khi trong bàn rượu có chen lẫn vào những người thích bàn, thích nghe chuyện văn chương nhưng chưa bao giờ đọc văn thơ. Tôi từng chứng kiến vài sự nổi giận của những vị nầy, nổi giận vì thái độ mục hạ vô nhân của nhà văn Mai Thảo.

Trong bất cứ trường hợp nào Mai Thảo vẫn bình tĩnh, thản nhiên, tiếp tục cuộc rượu của mình. Với bạn. Vậy mà anh trân trọng với nhà văn. Thân mật với những người có bài trên Văn hay trên những tờ báo khác mà anh biết được. Anh thấy có một thanh ứng với người làm chuyện về chữ nghĩa? Anh thấy mình qua những người đó? Anh lân mẫn cho họ? Tôi khó thấy lời giải thích nào ổn, và cũng không muốn giải thích vì biết rằng chỉ sẽ đưa ra nhưng giả thuyết mà thôi.

Tôi khám phá thêm một đặc tính khác của Mai Thảo, Người của anh đầy ắp thơ. Cuả Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Bùi Giáng… cận đại. Cuả Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trong Lư tiền chiến. Anh có thể nói rất hấp dẫn và chi tiết về bất cứ đề tài nào trong thơ, với những dẫn chứng thuyết phục bằng cách ứng khẩu. Ai theo anh nhiều, có trí nhớ tốt, dễ dàng viết một quyển sách về thơ với phong phú nhận xét độc đáo. Anh là một thi sĩ hơn là một nhà văn. Anh sống với thơ, nhập tâm thơ. Biết cái hay cái dở của từng bài thơ, từng câu thơ, từng chữ dùng. Vậy mà anh phải làm nhà văn. Cái hay cũng là nỗi bất hạnh của anh là chỗ đó.

Còn biết bao chuyện nữa về Mai Thảo. Dật sử về con người ngoại hạng nầy phải viết cả ngàn trương. Văn chương chữ nghĩa của người suốt đời ở trong vườn văn viết cầu đầy mấy quyển sách. Tôi chỉ muốn nhân anh nằm xuống viết vài điều để tỏ một cái tình của người đi sau đối với một bậc đàn anh thân mến.

Sống anh có thể làm phiền lòng mình, nhưng không mấy ai nỡ giận anh. Nằm xuống, anh để lại sự luyến tiếc và nỗi ngậm ngùi cho bất kỳ ai người từng hít thở văn chương của anh, của bạn anh.

… Không ai biết chắc chuyện gì sẽ xảy ra đối với chỗ đứng của nhà văn Mai Thảo trong văn chương sau nầy. Nhưng tôi chắc một điều. Hậu nhân sau khi đọc tiểu sử của Mai Thảo sẽ mến phục anh ở chỗ đã hùng dũng ở trong sự hệ lụy của văn chương suốt cuộc sinh tồn. Bạn đời là những tờ báo do anh trách nhiệm. Là những bài viết của mình và của bạn bè. Chính tờ báo và những tác phẩm làm lẽ sống cho anh chớ không phải những gì sanh ra từ những thứ đó. Sự trọng vọng và bạc tiền lại là hai thứ không có giá trị nào đối với anh. Họ cũng sẽ mến phục anh vì không thấy dấu vết của những khều móc nhỏ mọn. Của những tranh giành bêu xấu ti tiện.

Cái tình của anh đối với văn chương thấy được trong từng chữ viết. Cái lòng của anh đối với bạn bè có thể nhận ra trong từng câu văn.

Giá trị lâu dài của con người Mai Thảo là ở chỗ đó.

Sống ở đời có thể múa may, nhưng phải làm tốt cho đời. Anh đã làm tốt cho đời.

Anh ra đi không gì vướng bận. Thôi anh yên nghỉ, anh Mai Thảo.