Một tác giả quan trọng của tỉnh Bến Tre: Nguyễn Duy Oanh

Nguyễn Văn Sâm

Nguyễn Duy Oanh là người con tạo nên danh tiếng cho tỉnh Bến Tre những năm cuối thế kỷ 20. Ông sanh ở đây và sống suốt đời ở đây. Là người của thế hệ của hai thập niên đầu thế kỷ 20, sanh năm 1919 mất đầu thế kỷ 21, năm 2004 khi được 85 tuổi.

Xuất thân là thầy giáo, phục vụ trong tỉnh nhà qua các thời kỳ chánh trị rất khác biệt. Ông thường kể chuyện mình là bạn thân của quí ông Lê Thọ Xuân, Tăng Văn Hỷ, từng kết bạn văn giao tình thân mật với những nhà văn thời danh như Trang Thế Hy, Khổng Dương, Sơn Nam...

Người ta biết những quyển sách xuất bản tới lui về những đề tài chống Pháp của người dân miền Nam Việt Nam không thể chịu đựng được sự nô lệ để đứng lên chống thực dân như:

  1. Quân Dân Nam Ký Kháng Pháp trên mặt trận quân sự và văn chương (1859-1885)
  2. Tỉnh Bến Tre trong lịch sử 1757-1945
  3. Tỉnh Bến Tre trong lịch sử 1957-1945

Quan trọng nhứt là cuốn:

Phan Thanh Giản, Cuộc Đời và Tác Phẩm. Đây là Luận Văn Cao Học Sử của ông, một luận văn có nhiều tiếng vang thời đó nói về cuộc đời của quan đại thần Phan Thanh Giản, công nghiệp của ông và hoàn cảnh khắc nghiệt khi ông phải dâng thành cho quân xâm lược Pháp.

Nhưng ít ai biết ông bắt đầu bằng cuốn Truyện Cổ Việt Nam (Người viết không nhớ chính xác cái tựa sách nầy), 1951 do nhà xuất bản Bốn Phương của thi sĩ Đông Hồ in và phát hành. Lúc đó ông Nguyễn Duy Oanh ký là Nguyễn Duy. Thời nầy quyển sách trên dầu nội dung không có gì lạ, chỉ là những gom góp một số truyện đời xưa nhưng cũng đã được ủng hộ nhiều vì phù hợp với nhu cầu của học sinh Tiểu học Miền Nam đương cần.

Năm 1945, khi cuộc chiến giữa Việt Minh và thực dân Pháp nổ ra, ông cũng như nhiều nhà yêu nước khác bỏ việc dạy học vô khu chiến nghĩ rằng mình đi về phía lẽ phải: chống thực dân áp bức. Ông hoạt động trong vùng Giồng Trôm, Mỏ Cày, Cái Cối về mặt tuyên truyền và mở mang dân trí.

Lúc nầy, ông có viết truyện vừa: Cầu Hòa Trường Hận, lấy bối cảnh là quân Pháp càn vô đây gom dân chúng ra giết già trẻ độ 400 người. Quyển nầy phù hợp với nhu cầu chống Pháp của giai đoạn nên đươc giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu ở đây (1946).

Cùng năm đó ông cho in truyện ngắn Sóng Gợn Hồn Quê là một truyện tình cảm đồng quê mà nhơn vật chánh là một người thầy giáo yêu một cô gái quê nhưng tình duyên không trọn.

Năm 1949 Nguyễn Duy Oanh bỏ khu chiến vì những lý do riêng về thành phố Bến Tre tiếp tục dạy học và nghiên cứu sử như nhiều người thức thời khác.

Mặc dầu việc học Đại học dang dở do chiến tranh và hoàn cảnh, Nguyễn Duy Oanh đã ghi tên học lại ban Sử tại trường Đại Học Văn Khoa Sài gòn những năm đầu của thập niên 60 khi ông đã bước qua khỏi tuổi bốn mươi.

Luận văn Cao học Sử của ông được đánh giá cao như đã nói ở trên. Chức vụ hành chánh cuối cùng của ông là Phó Chánh Sở Học Chánh Kiến Hòa cho tới năm 1975.

Từ năm 1980 ông ở nhà viết sách, nghe nói ông còn một số bản thảo gần hoàn thành. Tiếc thay! Con cái ông nhiều người thành đạt, có người hiện đương lập nghiệp ở Hoa Kỳ.