Nguyễn Đình Toàn: Nhìn ra cửa sổ đo bóng nắng

(Loạn bút của Nguyễn Văn Sâm)

Lần nào chạy xe trên đường Bolsa, khúc giáp với đường Beach cũng đều hiện ra hình ảnh Toàn trong trí. Nói mình phải đến thăm Toàn, vậy mà vài ba tháng mới ghé được một lần. Nhà ở trên núi vùng sa mạc xa xăm, lâu lâu mới xuống đồi, chuyện nầy chuyện kia cần giải quyết lắm khi đành hẹn lại lần sau.

Tiếng hát văng vẳng của giọng nữ nghe nhói cả lòng khi tôi bấm nút nhạc:

Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
như giòng sông nước quẩn quanh buồn
như người đi cách mặt xa lòng
ta hỏi thầm em có nhớ không

Sài Gòn ơi! Đến những ngày ôi hè phố xôn xao
trong niềm vui tiếng hỏi câu chào
sáng đời tươi thắm vạn sắc màu
nay còn gì đâu...


Nguyễn Văn Sâm - Nguyễn đình Toàn (Jan. 2020)

Bỗng nghe khóe mắt cay xè. Chuyện nầy có thể hiểu được nhưng không phải là thường xuyên. Xe quẹo mau vô một tiệm bánh chợt mới thấy bảng hiệu. Người tài xế xe sau bấm còi hai ba tiếng giận dữ. Tôi cố quay mặt lại vẫy tay chào như một lời tạ lỗi. Tạ lỗi tôi làm anh giựt mình cũng là tạ lỗi với Sàigòn vì đã bỏ đi, dứt khoát bỏ đi, quên kỷ niệm bốn mươi năm ở đó, bỏ đi nhưng không cách mặt xa lòng, bỏ đi mà vẫn nhớ từng tên đường, từng góc phố, những rạp hát permanent tình tứ, những nhà sách nam thanh nữ tú tự nhiên đứng coi, khu thương xá Tax thanh lịch, khu Eden nhộn nhàng, Bưu Điện Sàigòn sang trọng, nhà thờ Đức Bà nghiêm trang mang hồn Saigòn từ trăm năm trước. Bờ sông ngó qua Thủ Thiêm có con đò với lời thách thức đã đi vào lịch sử văn chương… Quê hương là núm ruột chưa lìa khi ta sống với nó quá lâu. Sàigon với tôi cũng vậy, chưa bao giờ tôi xa Sàigòn một tháng. Vậy mà bao nhiêu năm nay đành đóng vai người phụ tình!

Ngừng xe bên phía sân trường học, thế nào cũng ngước mặt lên khung cửa sổ của bạn và nói thầm trong trí chắc như đinh đóng cột chàng ngồi đó lơ đãng ngó xuống đường. Ngó để mua thời gian lê thê trôi qua mà không thấy dài. Và Toàn đứng bên Khung Cửa Hẹp thiệt. Tựa lưng như tượng đá. Hai đứa thấy nhau nhưng tôi biết Toàn thấy mà không nhận ra ai. Mắt moa bên trái mù, bên mặt còn chỉ độ 30%. Thôi nhìn đời bao nhiêu đó đã đủ. Những con số về độ mù của mắt Toàn tôi được nghe vài lần nhưng không nhớ chính xác. Chỉ biết Toàn không còn nhìn rõ nữa. Đúng ra là nhìn mọi thứ trước mặt bằng nửa con mắt!

Vậy thì mình đến cho anh ta một sự ngạc nhiên.

Cánh cửa trên lầu luôn luôn đóng im. Toàn hiện ra không lâu sau khi chuông được bấm. Câu chào vừa mừng vừa trách khi tôi lên tiếng: Nguyễn văn Sâm ghé thăm bạn mình. Dễ chừng mấy tháng rồi nhỉ. Ừ hơi lâu! Thằng còn lái xe được chút đỉnh đến thăm đứa đã từ biệt chỗ ngồi sau tay lái. Tôi nắm lấy cánh tay trần của bạn. Gầy, da nhám nhưng ấm. Mừng! Chục năm trước ghé thăm nữ nghệ sĩ Phùng Há, tay chân bà lạnh ngắt dầu bà nói sang sảng và trí nhớ rất tốt, chuyện ngày xưa kể vanh vách. Khi tiễn khách ra về bà còn nhắc đi nhắc lại: Tuần sau ghé nói chuyện chơi nữa nhe! Vậy mà không có chuyện tuần sau gặp mặt. Bà đã ra đi vài ba ngày sau đó.

- Khoẻ không?

Vài cái lắc đầu:

- Tụi mình tuổi nầy còn gặp nhau là mừng. Khỏe thì không khỏe nhưng chưa đến nỗi nằm bẹp dí một nơi.

Hộp bánh được trao tay. Bạn không ngó xuống, cũng không nói lời khách sáo, chỉ nhẹ nhàng đặt xuống chỗ nào đó rồi nhích ghế ra cho chỗ rộng thêm chút ít để khách ngồi, lặng lẽ đi châm nước sôi pha cà phê gói có sẵn.

Có nói chuyện với Huỳnh Phan Anh gần đây không? Moi cũng chẳng buồn gọi cho nó. Cũng chỉ là những lời than thở buồn và bệnh hoạn. Mà mình thì nghe những thứ đó đến chán chẳng muốn nói bịnh hoạn của mình với ai. Mà cũng chẳng muốn nghe lời than bệnh của ai.

Tôi hiểu câu nói dài bất thường của bạn. Những lời than thở chỉ làm cho người nghe yếu hơn thôi, cuộc đối diện sẽ nhạt. Tốt hơn là nói chuyện trời mưa nắng, có thể có đồng cảm ngày xưa chuyện văn chương thì tốt hơn. Dầu lần trước đã nói với nhau cũng bao nhiêu đó rồi.

Chắc tối nay tôi gọi thăm Huỳnh Phan Anh. Lần nào gần cuối cuộc chuyện trò nó vẫn nhắn nhe là nên gọi nhau thường xuyên. Tự tiện gọi bất kể giờ giấc. Anh em còn có bao nhiêu đâu! Tôi cười chấm câu: Chữ đâu của nó nghe thảm não lắm!

- Cho moi gởi lời thăm hắn nha, nếu toa có gọi hắn.

Rồi hai người ngồi nhìn nhau thiệt lâu, chừng mười phút không nói gì. Chưa kịp rả đông sự vắng mặt nhau lâu mới gặp lại. Bỗng Toàn hỏi như lần trước:

- Nhà có máy nghe nhạc đĩa không?

Tôi gật.

Và chủ nhân quay ra sau lục lọi lấy mấy đĩa nhạc, lật ra ký tên.

- Có mấy đĩa nhạc tặng toa.

Tôi nháy mắt với vợ, làm thinh. Lần trước Toàn đã tặng rồi. Không nên nói điều đó sợ bạn hụt hẫng vì trí nhớ của mình, rồi lần nào cũng chụp với nhau vài tấm ảnh. Hình hôm qua chắc gì giống hôm nay. Và khách nắm tay chị Toàn, thân thiện khi chị quơ tay, cười nói vô hồn như trẻ thơ.

Vậy đó, bởi vậy đi đâu cũng không để bà ấy ở nhà được, nhỡ thằng con có việc phải đi thì khổ.

Tôi nói:

- Lần tới mình đi ăn trưa, moi se ghé rước toi.

Chủ ngó khách dò hỏi như là việc đó khó quá.

- Chúng tôi sẽ đến bất kỳ. Nếu bạn đi được thì mình đi, không đi được thì lần khác nữa.

- Đồng ý.

Toàn vặn máy, tiếng hát quen thuộc của một giọng khàn cố hữu cất lên:

Sài Gòn ơi! Thôi hết rồi những ngày hát nhớ nhau
Nhớ Phạm Duy với tình ca sầu
mắt lệ rơi khóc thuở ban đầu
Còn gì đâu

Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
mất từng con phố đổi tên đường
khi hẹn nhau ta lạc lối tìm
ôi tình buồn như đã sống thêm

Nhắp một ngụn cà phê nho nhỏ, anh chép miệng:

- Con bé ngày xưa mình chỉnh sửa từng tiếng một! Giờ thì hát tới quá!

Cả bốn người yên lặng. Kẻ thả hồn thưởng thức tiếng ca, kẻ theo dõi chiều sâu của câu nói có vẽ bình thường kia.

Mỗi người có một định mệnh. Cô ấy thành công là nhờ định mệnh cho có tiếng ca vẫn tròn đầy qua bao nhiêu năm tháng.

Tôi nhớ đến cái định mệnh căn bệnh lao phổi của bạn những ngày còn ở Việt Nam:

- Mừng là toa hết được bịnh phổi trước đó. Nghe nói là nặng lắm.

Toàn đổi thế ngồi:

- Ờ nặng lắm toa, nôn ra máu nhiều lần. Tưởng đi đứt rồi! May quá. Nếu ở bên đó lâu hơn chắc chết rồi! Câu nói hai nghĩa, mừng cho mình mà cũng trách cái đất nước kỳ cục.

Tôi cười: Như vậy đâu có ‘Bông Hồng Tạ Ơn!’ cho anh em!

- Ờ! Làm sao có được. Moa viết cuốn đó bằng trí nhớ không đấy. Lúc đó làm gì có computer.

Tôi nói thầm trong trí: Phục anh ta có trí nhớ tuyệt vời.

Và cũng không có bài hát não nùng về Sàigòn.

Cao hứng bèn ca i ỉ:

Ai đã xa nhớ hàng me già, thu công viên hoa vàng tượng đá
thôi hết rồi mộng ước xa xôi, theo giòng đời trôi...

Sài Gòn ơi! Đâu những ngày mưa mùa khoác áo đi
tay cầm tay nói nhỏ câu gì
Những quầy hoa quán nhạc đêm về
Còn rộn ràng giọng hát Khánh Ly.

Người vợ cười chữa thẹn cho chồng, Hát thế mà cũng có can đảm hát trước mặt tác giả.

Lại có giọng cười hiền thiệt là nho nhỏ của Toàn. Chị Toàn thì cười lớn ngô nghê và vỗ nhịp hai tay rất hăng hái.

Thấy chị thì tôi nhớ thầy Tốn, giám thị của trường tôi hồi đó. Sau nầy ông đi chiếc xe Honda ba bánh có vòm che độc đáo mà Sàigon không ai có.

Cả Việt Nam, mà cả thế giới nữa, không đâu có. Chép miệng: Ông ấy có cái hay là vô tư với mọi điều, nhưng lại sợ chết và nói rằng mình lánh xa thần chết… thế mà Thần chết vẫn đến gần ông ta.

Tôi dùng lại một chữ của Toàn vừa xài khi nãy:

- Cái định mệnh không thoát của con người là chết. Thần chết đến với ai đó chậm hay mau thôi.

Không khí coi bộ có mòi u ám, khách vô tình lật mở một quyển tập dầy đóng bìa cứng, đọc thoáng thấy mấy chữ: Khi bố sắp mất thì các con… Chủ nhân chồm tay với đóng quyển sách lại, sửa sang những thứ trên bàn cho có trật tự hơn, không nói gì cũng không thay đồi sắc mặt.

Tôi chuyển đề tài:

- Nhạc của bạn thì tôi không có nhiều kỷ niệm. Chỉ nhớ nhiều lần, nhiều lắm. Mình nghe Chương trình Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn và nghe giọng bạn êm ái nhẹ nhàng quyến rũ cách gì tới bây giờ vẫn còn văng vẳng bên tai.

Mắt bạn sáng lên:

- Biết bao nhiêu người thích chương trình đó. Biết bao nhiêu người thành danh gián tiếp từ chương trình đó… Nghĩ lại lúc trẻ mình hăng hái và làm được quá nhiều việc, viết lách cũng nhiều.

Gần đây có một người đến thú nhận rằng ngày xưa cô ấy thích chương trình đó đến nỗi phát yêu Nguyễn Đình Toàn dù chưa bao giờ gặp.

Tôi tiếp thiệt mau: Quá chậm cho nàng…, thời cuộc biến chuyển nhanh không ngờ!’

Cả hai cùng cười buồn vui lẫn lộn.

Nói chuyện viết lách, bạn có một cuốn viết dang dở.

- Mình có nhiều cuốn viết dang dở lắm.

- Cuốn nầy đặc biệt, bạn không nhớ đâu.

- Truyện dài feuilleton bạn viết cho tờ Tân Dân từ số đầu đến số 35 tờ báo đóng cửa.

- Quên rồi!

Lúc đó Huỳnh Phan Anh giới thiệu bạn với tôi trong vai trò Tổng Thư Ký tờ Tân Dân của cụ Nguyễn Bá Lương. Tờ báo chết yểu vì mình không có bao nhiêu kinh nghiệm làm báo của thời nhiễu nhương đó.

Có những đứa con sanh ra èo uột sống dở chết dở, cha mẹ thương lắm nhưng mà theo thời gian rồi cũng quên khi nó quá lâu không còn trên cõi đời…

Bạn viết nhiều, nhưng tôi chỉ có thể để ý mấy quyển như: Chị em Hải 1961, Con Đường 1965, Áo Mơ Phai 1972, Những Kẻ Đứng Bên Lề 1974, quyển sau nầy có thể gọi là cuối cuộc chiến, nhưng tôi thích nhất là truyện dài Mộ Khúc, 1973.

Tác giả mở mắt tròn hào hứng chờ nghe tiếp.

Tôi phục bạn phân tích quá tinh tế khi tả tâm trạng của cô gái tên Khánh lúc ra về sau khi đến chơi với cặp vợ chồng người tình cũ. Khi cô ta trên đường bước về từ phòng khách ra tới cửa tác giả đào sâu cái tâm trạng rắc rối của cô ta, lừng khừng, tự trách mình sao lại đến đây, trong khi bước đi thiệt chậm và suy nghĩ mông lung. Người đọc muốn biết thêm coi cô ta nghĩ gì mà ngẩn ngơ thế… Khó nói lắm tôi chỉ còn nhớ mang máng.

Chia tay ra về khách thấy mình vẫn chưa hiểu nhiều về con người mảnh mai mà đa tài nầy. Nhạc cũng hay, văn cũng nhiều, thơ kịch cũng có. Mà thứ nào cũng có thể nói là vượt trội và đứng trong nhóm đầu của thời gian xuất hiện. Và bây giờ tuổi già, ngồi bên cửa sổ ngó ra đường đo bóng nắng. Không ca tụng sự nghiệp đã qua của mình để quên hiện tại như kiểu ăn mày quá khứ, đặc biệt là không chắc lưỡi phàn nàn trách móc số phận.

Tôi nhớ đến câu nói của bạn rất thực tế mà cũng rất bi thương:

Mình ngó xuống đường nhưng không trông ngóng bạn bè đến thăm. Cười. Chúng nó chết gần hết rồi. Những thằng còn lại thì hoặc ở xa, hoặc đang bịnh hoạn không đi đâu được. Ngồi nhìn trẻ con bên kia trường học trững giỡn để quên thời gian…

Lên xe mở máy nghe tiếp bản nhạc dang dở hồi nãy để cám ơn người nhạc sĩ và thổn thức lòng nhớ về một thành phố đã đổi tên đổi dạng:

Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
như hàng cây lá đỏ trông tìm
Mắt trời trong cánh nhỏ chim hiền
Đã ngậm sầu ngang môi lắng im

Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
như mộ bia đá lạnh hương nguyền
Như trời sâu đã bỏ đất sầu.
Còn gì đâu...

Tôi muốn gọi Toàn bây giờ là người nhạc sĩ ngồi nhìn ra cửa sổ đo bóng nắng, như câu nói rất buồn rất thực mang hơi hướm triết lý của bạn “Sống để coi ngày mai sẽ chết như thế nào.” Mấy ai an nhiên tự tại như ông bạn già đa tài thân thương của tôi.