Tôi đi dự lễ phát giải “Viết về nước Mỹ”

Tôi đi dự lễ trao giải thưởng cho cuộc thi viết văn của nhật báo Việt Báo về đề tài Viết Về Nước Mỹ lần nầy là lần thứ ba, trong 19 lần tổ chức. Mỗi năm mỗi khác, sự thay đổi ở mặt tiến lên, vui hơn và thâm tình hơn. Thâm tình giữa người viết và khách tham dự do một số nội dung bài viết và đời sống của tác giả được nhắc đến ít nhiều.

Không cần nói đến thành phần khách tham dự, cũng bình thường như những cuộc lễ lạc lớn, có đại diện dân cử, có giới kinh doanh và những người thành đạt trên thương trường cũng như các ngành nghề chuyên môn. Đặc biệt các khuôn mặt văn nghệ sĩ trong vùng hình như có đủ.

Tôi muốn nhắc đến thành phần người viết: giáo chức đại học, trung học, tiểu học đều có đủ. Kỹ sư, bác sĩ cũng từng thấy, cựu quân nhân và những bà nội trợ đều góp mặt, ở các năm trước hay ngay cả ở năm 2018 nầy.

Tại sao vậy?

Vấn đề nằm ở đề tài thực tế. Người viết hầu hết đều viết những gì có thật. Chuyện của chính mình, của bè bạn được nghe, được kể, chuyện mình từng chứng kiến hay do quan sát… Một chút văn chương thêm vào như gia vị, văn trơn tru là được, không nhứt thiết phải ngôn từ hoa mỹ, không cần dấu mối cắt đoạn thách đố trí thông minh của độc giả. Chỉ cần chi thiết thực, gợi cảm và tấm lòng người viết. Tóm lại viết về đời thường chung quanh cuộc sống của người Việt trên đất Mỹ là được. Dĩ nhiên một chút quá khứ cũng không sao.

Tôi gọi những cây viết của giải Viết Về Nước Mỹ là những người ghi lại lịch sử di dân Việt Nam về các vấn đề mà các nhà xã hội học cần biết: tại sao đến, cuộc sống ra sao, tình cảm thế nào đối với cộng đồng, tâm tư với gia đình, bạn bè con cái… Người viết càng mở tấm lòng mình ra với cộng đồng Việt, cộng đồng Mỹ, càng quan sát thực tế chung quanh, biết ghi nhận những nét bắt mắt. Dĩ nhiên thêm một chút văn chương thì dễ dàng đoạt giải.

Tôi rất tâm đắc khi nghe lời phát biểu của một nhân vật địa phương khi ông nhắc đi nhắc lại là tất cả các bài viết Viết Về Nước Mỹ sẽ được lưu trữ ở thư viện Quốc Hội để người sau hiểu hơn về di dân Việt sống như thế nào khi đến đất nước đa chủng nầy.

Chắc chắn rằng các cộng đồng khác cũng có những bài viết tương tợ. Người Nhật đã có bài nói về đời làm nông, trồng bông của cha mẹ họ, đời sống khi phải tập trung ở trại trong thế chiến thứ 2. Người Trung Hoa đã có bài nói về cha chú họ mở tiệm hàng xén,… nhưng tôi biết chắc chắn rằng không có di dân nào viết về nhiều mặt của cộng đồng mình như dân Việt. Và họ viết như một phong trào, như một thúc đẩy từ bên trong của lòng uẩn ức, hãnh diện, nhẫn nại. Họ viết như một sứ mệnh để lại cho con cháu đời sau, những thế hệ kế tiếp hiểu hơn về họ, những người ra đi không phải vì miếng cơm, vì muốn liếm gót giày của ai hết, họ ra đi để giương cao ngọn cờ chính nghĩa. Người ta không cần phải điều tra, quan sát nhiều nơi có người Việt sinh sống để hiểu người Việt. Người ta chỉ cần đọc hết những tuyển tập xuất bản mỗi năm thì sẽ hiểu, sẽ nắm vững về di dân Việt.

Dĩ nhiên mặt tốt thì nhiều, mặt xấu của tình người ở đây ít khi được nói đến. Người mình không thích vạch áo cho người xem lưng, chuyện cũng đúng thôi về mặt tình tự dân tộc, nhưng đúng chăng về mặt xã hội, nhứt là mặt trái của một xã hội di dân mới đến đất mới? Chuyện nầy tôi biết không phải lỗi của ban giám khảo, chắc chắn rằng cảm thức e dè tự nhiên đến với các tác giả , một cách vô thức họ không muốn chạm đến những chuyện nầy. Họ tránh né mà hầu như không tự biết.

Hình như những chuyện xưa, chuyện trước khi đến Mỹ, có mặt rất phong phú, những chuyện có tính cách chánh trị và chia rẽ được các tác giả để qua một bên (những cộng đồng Việt đại gia mới sang sống biệt lập, những du sinh bắc cầu cho cha mẹ mình đến xứ tự do sau khi làm giàu ở trong nước vvv..)

Tóm lại, đề tài còn rất nhiều, tôi biết chắc rằng dần dần những ‘cấm ky tự đặt’ của người viết sẽ được tháo gỡ và người sau sẽ hiểu hơn di dân Việt về mặt tích cực cũng như tiêu cực.

Cuốn lịch sử di dân ngàn người viết có được, và có được bằng phong thái nhẹ nhàng, dễ đọc sở dĩ có được là nhờ ý kiến thiết lập giải thường và đưa ra đề tài của nhà thơ Trần Dạ Từ và nhà văn Nhã Ca. Ôi một ý kiến thiệt là ích lợi, đáng ca ngợi.

Và cũng đáng ca ngợi là những cây bút chưa bao giờ viết truyện đã mạnh dạn cầm bút kể chuyện để chúng ta có những bài đọc đầy xúc động và đáng tin.

Tôi dự những lần phát giải, lần nào đi về trên đường xa lộ vắng của đêm bắt đầu khuya với một cảm thức thiệt là vui. Và tôi mỉm cười sau tay lái, quên đi đường xa mệt nhọc của một ngày dài.