Trần Văn Nam, nhà thơ chân đất tay níu quê hương

Nguyễn Văn Sâm
Trần Văn Nam
1939-2018

Biết nhau những năm đầu của thập niên 60, học cùng trường nhưng chúng tôi không phải là bạn thân. Một lần trong thư viện trường - lúc nầy ở đường Nguyễn Trung Trực, kế bên Thư viện thành phố bây giờ - tôi và Trần Lam Giang đương nói chuyện gì đó, hình như là chuyện bầu cử Ban Đại Diện trường, cây quạt máy trên đầu quay tít do Giang vặn lớn vì chúng tôi mới từ ngoài vào. Thư viện rất nhỏ, không bao nhiêu bàn, cái quạt ảnh hưởng lên mọi người trong phòng. Một anh sinh viên đứng lên đến tắt, có thể vì anh bị lạnh hay gió bay sách làm anh khó chịu. Tôi đứng lên bật lại, anh chàng nầy đến tắt lần nữa. Tôi bật lại, vài phút sau người đó lại tắt. Trần Lam Giang lúc này mới đứng lên đến mở lại và ngó anh ta bằng con mắt của võ sĩ. Anh sinh viên nầy không phản đối, ngồi yên đọc sách, ngó tôi cười hiền. Cho đến lúc nầy chúng tôi không biết tên anh.

Chuyện dễ thương và đáng nhớ là tuần sau, người sinh viên kia đem đến tặng tôi tập thơ của anh. Chúng tôi không ai nhắc gì về sự kiện xảy ra tuần trước. Ngạc nhiên cầm món quà văn nghệ, tôi mới biết đó là Trần văn Nam, người thi sĩ vừa mới in ‘Tập Thơ Độc Nhất’, một trong ba tập thơ sinh viên đình đám lúc đó. Hai người kia là Hữu Phương (hiện đang ở San Jose, CA, thơ loại phá thể, khó nắm bắt thi sĩ nói gì.) và Hải Phương một quân nhân Hải quân, thơ cảm hứng nhiều về biển, lúc in thơ nghe nói đã là Hải quân Đại Úy, sau nầy có cấp bậc cao. (Hình như nay thi sĩ đã qua đời!)

Về sau, khi nhâm nhi tập thơ tôi thỉnh thoảng lang mang liên tưởng về sự kiện cũ và mỉm cười một mình! Tập thơ có đề tài độc đáo. Mỗi bài dùng một câu đặc biệt của một triết gia làm tiêu đề. Và Trần Văn Nam đã diễn giải từng tư tưởng gợi từ câu đó theo ý mình bằng một bài thơ xuôi uẩn áo và thi vị. Tôi thích nhứt bài về đạo của Lão tử khi nhắc đến cái phóng khoáng bỏ đời của ông cởi trâu đi biền biệt...

Chúng tôi quen nhau từ đó. Quen nhưng không kịp làm bạn thân, tôi rất ít đến trường. Cả tháng mới đến, hỏi đáp hai ba điều với cha Thanh Lãng về cái luận văn Cao học rồi biến về Mỹ tho dạy học. Trần văn Nam tới trường thường xuyên hơn, Nam đương hoàn tất chương trình cử nhân giáo khoa triết Tây. Thỉnh thoảng gặp nhau ở trường, cùng ngồi trên hàng rào sắt, ngắm ông đi qua bà đi lại, nói chuyện văn chương thì ít, bù khú chuyện bông Hồng thì nhiều. Sinh viên trẻ ai mà chẳng vậy, dầu đang có bồ hay chưa…

Sau đó, một lần gặp nhau, tôi đùa: Đã gọi là Tập Thơ Độc Nhất thì tại sao còn Tập Thơ Bổ Khuyết tiếp theo. Nam cười hiền và lúng túng giải thích. Thiệt ra lời giải thích đã không cần thiết khi Tập Thơ Bổ Khuyết xuất hiện với đề tài khác, không còn diễn giải triết học bằng thơ xuôi nữa. Trong thơ có triết hay trong triết có thơ đều chấp nhận được và đáng hoan nghinh, nhưng thơ là Triết hay Triết là Thơ thì cho tới giờ đây sự biểu đồng tình còn cần rất nhiều thời gian. Trần Văn Nam biết điều đó nên mỗi lần được nhắc về Tập thơ Độc Nhất, Nam đều làm lơ, chuyển đề tài. Và thiệt sự thơ anh sau nầy chuyển qua nhiều đề tài rất khác biệt như nói về vật lý vũ trụ, nói về âm nhạc, về cuộc đời của mình và của người trên quê hương thứ hai…

Rồi chúng tôi, như những con chim bay ra khắp nẻo đường, hòa mình vào hệ thống giáo dục đương thời, mỗi người mỗi trường, chưa bao giờ nghe tin tức nhau.

Một con giáp sau, 1977, mười giờ khuya, tôi gặp lại Trần Văn Nam bên kia cầu bến đò Rạch Miểu (Bến Tre) sau khi thất thơ trên chuyến xe đò chót chạy qua vùng Kinh Thứ. Lúc nầy trời đã tối, người bán hàng thưa thớt, ghe thuyền lên đèn sáng cả một dãi sông. Xe cộ trể tràng đương xếp hàng dài chờ ngày mai đi chuyến sớm.

Thời giao thoa nầy người ta rất ngại gặp lại người quen cũ lâu ngày không gặp, nhứt là khi trời đã tối. Câu đầu tiên Nam hỏi tôi, hai nghĩa:

‘Sao anh còn ở đây giờ nầy?’

Tôi ởm ờ:

‘Chậm chân nên vậy đó!’

Tôi kéo hai mép áo lại kín hơn, cái áo ấm dầy cui, dài quá bắp chưn dùng để dễ chà lết trên đường xa bất trắc. Áo đương kẹp trong đó cái giỏ xách được may giấu dọc theo vành mấy lượng vàng, tính đem tới Rạch Giá giao cho người tổ chức vượt biên. Công việc không thành, tôi thất vọng mang vàng về. Tới bến bac thì trời đã khuya, xe lớn không được phép qua, bac về ụ. Chuyến chót chỉ chở người qua như là thông cảm.

Nam ngó vô chỗ tay tôi lúc nầy vẫn ở bên trong cái áo khoát, nói:

‘Hết xe về Sàigòn rồi, anh tìm chỗ ngủ bên nầy thì tốt hơn. Bên kia lộn xộn lắm. Khó lòng!’ Tiếng khó lòng dường như đuợc nhấn mạnh.

Tôi hoang mang, đưa câu hỏi, hi vọng anh quăng ra một cái phao:

‘Sao bạn lại đứng đây giờ nầy?’

‘Quê tôi ở đây, dạy trường Trung học Tân Thạch.’ Anh vừa nói vừa quay về phía ngược với cầu bac đầy bóng đêm. Tôi biết trường Tân Thạch, chỉ cách bến bac chừng cây số ngàn.

Anh trầm ngâm ngó tôi không nói gì thêm. Tôi quăng tiếp câu dò xét mới:

‘Quê ở đây, chắc nhà rộng rãi?’

Trần văn Nam ngó xa xa, trầm ngâm một lúc hèn lâu mới thốt, giọng trầm nhỏ như bao giờ:

‘Bến phà chừng một giờ nữa thì vắng, anh kiếm nhà nào mướn chỗ ngủ qua đêm. Chừng 3 giờ sáng thức dậy được rồi, lúc đó bộ hành đã rộn rịp, không còn sợ trộm cướp nữa.’

Tôi hiều ý anh nên hỏi qua chuyện khác:

‘Quê nhà anh ở Tân Thạch sao anh nói giọng Nha Trang?’

‘Ba tôi làm công chức, đổi ra Nha Trang khi tôi còn rất nhỏ, đâu cở 2, 3 tuổi gì đó.’

Anh lại ngó cái tay tôi ẩn dấu trong áo lần nữa, như ngầm nói nên cẩn thận.

Vây đó, chúng tôi trao đổi mấy câu sau hơn mười năm không gặp. Trước khi quay lưng đi anh ngó tôi với thái độ như khó giải quyết một chuyện quan trọng.

Thời buổi khó khăn, tai mắt cường quyền đầy nghẹt, ai cũng muốn giới hạn những rủi ro cho mình càng nhiều càng tốt, nhứt là đã có ý định ra đi. Tôi hiểu như vậy, và ánh mắt áy náy của Nam đeo đuối tôi suốt đêm trăn trở để thấm thía cái lạnh gió từ sông Tiền giang thổi về.

Không biết năm nào sau đó chúng tôi gặp nhau lại ở thủ đô tỵ nạn khi tôi từ Texas qua diễn thuyết cho Viện Việt Học và Trần Văn Nam đương là thi sĩ được coi là cột trụ của tờ Khởi Hành. Hai người nối lại sự quen biết từ đó. Anh gởi bài cho trang mạng namkyluctinh.org, tôi thỉnh thoảng bàn với thi sĩ Viên Linh về bài thơ của Trần Văn Nam đăng trên tạp chí Khởi Hành số mới nhứt. Viên Linh lúc nào cũng xít xoa: ‘Thơ Trần Văn Nam khá lắm toa, tiếc là hắn hiền quá, ít giao tế, gặp ai cũng cười nhẹ không nói gì thành ra chẳng có bao nhiêu bạn thân…’

Sự quen biết của chúng tôi không giảm nhưng không đủ điều kiện để sâu đậm hơn. Hai đứa ở quá xa nhau, vài năm gần đây hơn mươi lần gặp nhau ở cà phê Factory thì toàn là tình cờ. Nam thường trầm ngâm, lọt thỏm giữa đám nghệ nhân đầy sinh lực, có quá nhiều điều chia sẻ với bạn bè nhưng quá ít thời gian cùng ngồi uống nước tâm tình…

Lần nào đó Trần văn Nam khều tôi ra xe, rụt rè – xin lỗi, tôi chưa tìm được chữ nào đúng tình trạng nầy mà không có vẽ hổn hào với vong linh bạn – cử chỉ đặc trưng của Nam, viết cho tôi đường dẫn đưa đến bài anh viết về Nguyễn Văn Sâm, nhà văn của Sàigòn những năm tháng mới tạo thành.

Cảm động tôi hứa với bạn rằng mình sẽ viết về Trần Văn Nam, anh cười chấp nhận và với bản tánh ít nói, anh không hối thúc gì những năm tháng dài sau đó.

Thời gian lại bay qua mau lần nữa, tôi chưa chấp bút được về Trần Văn Nam thì anh mất. Nghe nhà biên khảo Nguyễn Vy-Khanh báo tin tôi không cầm được xúc cảm, bạn thân sơ dầu ít liên lạc, dầu không liên lạc, vẫn biết họ còn sống, khi bỗng nhiên nghe họ chết ai chẳng có chút gì hụt hẫng trong lòng, tôi thảng thốt hét lên vì thương cảm một bạn văn hiền đã ra đi, tôi nhớ tới món nợ tinh thần mình hứa bao nhiêu năm rồi vẫn chưa trả được…

Trên mạng ta thấy mấy bài viết về bạn mình. Vài bài quan trọng. Thi sĩ Trần Yên Hòa viết đôn hậu, tình cảm chân thành nhắc lại cái ước muốn cuối đời của Nam, bài của nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh lý trí, sâu sắc đi vào trong mọi ngang ngách cõi thơ của Nam, bài của nhà biên khảo Nguyễn Vy-Khanh nhiều tư liệu - đã in từ lâu trong quyển sách quan trọng của anh - bài của thi sĩ Nguyên Sa có nhiều nhận xét độc đáo xuất hiện từ lâu. Tôi quyết định viết về Trần văn Nam với cách của một người bạn viết về một người bạn dầu Nam đã là thi sĩ có thế giá.

Tại sao không?

Trần Yên Hòa nhắc đến nguyện vọng của Trần Văn Nam, dễ thương vì nghĩ đến những bạn văn khác, không phải cho riêng anh:

‘Bây giờ thì nhà thơ Trần Văn Nam đã ra đi, và ước nguyện của anh chưa thành, tôi nghĩ những ngày sau này tôi sẽ cố thực hiện tiếp ý nguyện của anh, là thành lập nhà xuất bản Bạn Văn, in sách trên Amazon, cho các tác giả có nhu cầu muốn in tác phẩm của mình, với điều kiện thuận lợi nhất.

Bản tính anh Trần Văn Nam rất hiền lành, chân thật. Nhiều lúc có vấn đề gì đó chúng tôi hay nói đùa vui với anh, mà anh cứ tưởng là thật, hỏi đi hỏi lại mãi. Quê anh ở Bến Tre, nhưng tuổi thơ anh sống nhiều ở Nha Trang, có lẽ nhờ đất đai hiền hòa của hai quê này cộng lại, tạo nên một Trần Văn Nam hiền hòa.

Tôi yêu mến anh, và chúng tôi, những người bạn, yêu mến nhau, có lẽ cũng vì những điều hiền lành, chân thật đó.’

Gần đây tôi thích những bài thơ có vết tích về quê hương của Trần Văn Nam, mặc dầu thời trẻ nhiều lần ngâm nga thơ triết học của anh, người sinh viên dấn thân vào vùng đất mới của thi ca: Thơ dính liền với triết học.

Quê hương đối với Trần văn Nam không phải là cảnh trí, chẳng phải là hình tượng núi sông cụ thể im lìm, mà là nơi chứa chất kỷ niệm, chan hòa tình thương, nơi ôm ấp tâm tình mỗi người chúng ta. Quê hương có thể là dòng sông, có thể là rừng núi mỗi người mang trong mình những mảnh nhỏ đó do kỷ niệm mình gắn vào. Quê hương như vậy tùy theo tâm tình mỗi con người chúng ta. Nói rốt lại, quê hương tùy theo mỗi người, là cái chỗ ta nhớ về với những kỷ niệm ở đó chớ không phải là nhớ chỗ đó. Kỷ niệm của chúng ta cần phải có hình tượng cụ thể để được nhớ về, bởi vậy nói chung mỗi người có một mảnh quê hương trong lòng. Thơ quê hương của Trần Văn Nam như vậy vẫn có chút gì đó phần suy nghĩ triết học anh đã thẩm thấu từ lâu:

Dòng sông không phải bắt nguồn từ không gian
Của bình nguyên tuyết trắng
Qua rừng núi bạt ngàn
Dòng sông đã bắt nguồn từ thời gian
Do tình thương quá khứ
Do muôn trùng kỷ niệm miên man.
Phải, dòng nước tâm tư ra đi từ đất lành
Vang xa tiếng hát ru con của quê hương thời tuổi mộng
Bên cầu tàu Mỹ Tho đèn lu đèn tỏ
Nhớ về Sài Gòn đèn ngọn đỏ ngọn xanh
Phải, ngọn nguồn sẽ khởi hành từ quê hương
Tất cả sẽ được kể từ dĩ vãng
Câu chuyện một dòng sông sẽ không đi về cửa biển
Chín Con Rồng sẽ bơi ngược tạm biệt trùng dương…
Dẫn khởi kể từ quê tôi có hàng dừa xanh trường cửu
Những đồng bằng cũng rợp bóng cò bay.

Một bài khác, cái mảnh nhỏ quê hương đó nằm trong chút gì dính dáng tới từng cá nhân chúng ta, như Trần văn Nam nhớ tới cây xoài (nhà ông), con két (ông nuôi), con đường làng quen thuộc…

‘Độ chừng bốn chục năm xưa
Cây xoài con két buổi trưa đường làng
Thôn Phong Thạnh, vùng Nha Trang
Xa xôi như đã qua sang cõi nào
Kêu trong vòm lá xanh cao
Bóng chim biền biệt bay vào hư không’

Quá khứ hiện về do vài hình ảnh xưa được gợi lại, cái mảnh nhỏ của quê hương mà chúng ta gọi là quê nhà tái hiện trong trí gợi cảm xúc cách khác. Nó cụ thể và da diết, da diết nhưng thân mến biết bao nhiêu.

Quê hương vì vậy ám ảnh thi sĩ, anh thấy nó hoài hủy trong suốt cuộc đời mình. Cái đau đớn tâm hồn anh là không quên được kỷ niệm nơi quê nhà – làng Tân Thạch với bến phà, với sông nước:

suốt cuộc đời vẫn thấy nước trường giang,
chuyến phà quanh co, bãi cồn bát ngát,

Dĩ nhiên đất mới chưa dính chưn, đất cũ chưa buông tay, người thi sĩ sẽ ngơ ngác trước thực tế. Tôi gọi Trần văn Nam là người thi sĩ níu quê hương là vì lẽ đó. Quê hương ông không quên suốt đời mình. Như đã nói, quê hương với anh là kỷ niệm, mà kỷ niệm thì không bao giờ thấy lại được nữa, càng cố níu bằng hồi ức, càng thấy thiếu thốn càng đau lòng thôi. Bi kịch là ở chỗ đó. Cái vẽ rụt rè, ngơ ngác mà Viên Linh gọi là hiền quá, tôi nghĩ cũng là từ tâm trạng nầy sanh ra.

Nhưng thơ quê hương của Trần văn Nam chỉ là một trong nhiều mặt văn nghiệp của anh mà mỗi người chúng ta hợp với một thứ. Thi sĩ Nguyễn Mạnh Trinh thấy rõ giá trị của Trần Văn Nam khi kết luận bài viết của mình bằng đoạn văn sau:

Đọc toàn bộ sáng tác của Trần Văn Nam, chúng ta có nhận định thế nào? Một nhà thơ…một nhà nghiên cứu văn học… hay một nhà biên khảo…

Riêng tôi vẫn có ý nghĩ đó là chân dung thi sĩ có nhiều cá tính. Ông rất muốn có nét sáng tạo trong văn chương của mình nên không ngại phiêu lưu vào những lãnh vực đầy dẫy gay go khó khăn. Ông viết biên khảo dù về triết học hay khám phá khoa học về vũ trụ mênh mông, cũng chỉ là để cho những bài thơ của mình.

…đọc lại những bài thơ, để nhớ tới một người thơ có nụ cười hiền, với đôi mắt như muốn cười theo… Bây giờ đã đi xa vào cõi trời của không gian vô tận…

Tôi nghĩ đó cũng là điều tôi muốn nói với anh, anh Trần văn Nam ơi!

web counter