Tuồng Kiều ở Nam bộ: Kiều du Thanh Minh

Học giới để ý tới truyện Kiều đều biết tác phẩm nầy có nhiều phó phẩm, nào là chèo Kiều, thơ Vịnh Kiều, xử án Kiều, những bài thơ lẩy Kiều… Đặc biệt phó phẩm theo toàn bộ các sự kiện trong truyện Kiều phải kể đến tuồng Kiều. Học giới để ý đến tuồng cổ đều biết trước đây trong số các tuồng do Thư Viện Hoàng Gia Anh Quốc tặng Phủ Quốc Vụ Khanh VNCH dưới thời cụ Mai Thọ Truyền có tuồng Nôm Kim Vân Kiều gồm độ 237 trang. Tuồng nầy có tựa là Phong Tình Lục Thúy Kiều Thực Sự, gồm ba hồi. Mỗi hồi bắt đầu bằng hai câu thơ tóm lược chung cả hồi.

Chẳng hạn hồi thứ nhứt là:

Tảo mộ Thúy Kiều mộng Đạm Tiên, tự tình oan trái,
Thám Hoa Vương thị phùng Kim Trọng, đính ước lương duyên.

Nhìn chung đây là tuồng có thể là do nho sĩ Miền Bắc viết vì ta hầu như chỉ gặp các từ ngữ riêng của Miền Bắc mà không gặp các từ ngữ đặc biệt của Nam Bộ. Tuồng nầy thuộc về tuồng văn, nhiều lời và hình như chưa bao giờ được trình diễn.

Bản mà tôi dùng để phiên chuyển đây là một bản khác, một bản Kiều Nôm Nam do nho sĩ Nam kỳ viết ra. Nguyên bản còn tồn tại đến ngày nay, và do một gia đình cố cựu ở An Giang tặng Viện Đại Học An Giang thập niên đầu thế kỷ 21. Bút tích trên trang bìa tập sách cho biết người viết bản chữ Nôm là ông là Cao Đĩnh Hưng, năm 1942. Không biết đây có phải là tên tác giả hay tên người sao chép.

Ngày xưa sự in khắc khó khăn nên người yêu văn chương chữ nghĩa thường chép lại tác phẩm của người khác mà mình ưa thích để dành đọc lại hay lưu truyền cho con cháu. Sự chép qua lại nhiều tầng khiến cho tên tác giả bị mất - ngoài lý do chính tác giả cũng không muốn để tên mình trên tác phẩm vì nhiều nguyên nhân. Người chép đề tên mình thì chỉ có công chép, nhưng qua thời gian, hay qua nhiều lần chép qua chép lại, tên tác giả bị mất đi, cái tên của người chép được coi gần như là tên người viết, người sanh thành tác phẩm đó.

Ngay cả việc phiên chuyển từ bản Nôm ra quốc ngữ cũng vậy, nhiều nhà nghiên cứu liệt kê những quyển mà ông Trương Vĩnh Ký chép ra quốc ngữ dưới thể loại tác phẩm của Trương Vĩnh Ký, coi như Trương Vĩnh Ký là tác giả. Đặc biệt toàn bộ thơ bình dân do ba nhà xuất bản ở Chợ Lớn khoảng tròn một thế kỷ trước (2019) là Phạm Văn Thình, Phạm Đình Khương, và Thuận Hòa người chép ra quốc ngữ các bản Nôm xưa - có những chữ đọc, sửa tùy tiện - thường không đề tên người sáng tác mà đề tên của của mình. Chuyện xưa kẻ hậu học nầy chỉ nhắc lại sự kiện, không có ý trách cứ ai, mỗi thời có những quan niệm khác nhau về nhiều vấn đề. Mà chuyện văn chương thì quan niệm đổi thay càng nhiều.

Thời nay làm chuyện kỳ khôi nầy mới đáng trách.

Ông Cao Đĩnh Hưng chép lại hay tự sáng tác, vấn đề không còn quan trọng nữa nếu chúng ta nhìn văn chương trong toàn thể của một thời kỳ hay một vùng thay vì từng riêng rẽ mỗi người viết, mỗi cá nhân. Đối với chúng ta những tác phẩm khó định chính xác tác giả thì nên đặt vào nhóm tác phẩm của toàn dân và nó thể hiện nhiều mặt trong chính tác phẩm, như tư tưởng, ngôn ngữ, tình trạng dân trí, tình trạng thể loại tác phẩm…

  1. của dân chúng,
  2. của một thời nào đó,
  3. của một địa phương nào đó.

hơn là mất công đi tìm về một cá nhân là chuyện bên ngoài tác phẩm vì lý thuyết về ảnh hưởng của dòng dõi người sáng tác ngày nay đã bị coi là lỗi thời.

Tôi phiên âm mà không đi tìm tác giả, cũng không bận tâm chứng minh có phải ông Hưng là người viết bản tuồng Kiều nầy không.

Ta từ lâu chấp nhận ca dao, tục ngữ, chuyện kể, chuyện khôi hài, ca trù, nhạc chế, lời châm chọc phê phán (kiểu Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu công lý, Đồng Khởi ra đời mất tự Do…) thuộc về toàn dân, là tiếng nói chung của thời đại thì tại sao lại bận tâm đi tìm tác giả trong những trường hợp quá khó khăn trong việc minh chứng?

Kiều du Thanh Minh

Vương Quan:
Bắc Kinh là quê ngụ,
Vương Quan ấy tên ta.
Thung huyên còn hai cụm diềm dà[1],
Hoa ngạc[2] lại ba cành tươi tốt.

Lại nói:
Như ta:
Duyên lành chửa gặp nơi phượng bốc.[3].
Nghiệp nhà còn noi dấu thư hương.
Thang mây đợi hội văn trường.
Áng tuyết gia công nghề cũ[4] chớ!

Nay:
Thanh minh tiết tới chừng tảo mộ.
Du xuân người[5] giục bước đạp thanh (6) đây mà!
Vâng nghiêm đường tế lễ sắm sanh[6],

Âu là:
Trình thân tỉ[7] hợp vầy du ngoạn a!

Thúy Kiều, xướng:
Thâm khuê tịch mịch chính hoài xuân,
Băng ngọc hồn vô bán điểm trần.
Thượng uyển danh hoa khoa phú quí,
Đông tường điệp sứ uổng lao thần[8].

Lại nói:
Thiếp Thúy Kiều trộm dự hồng quần,
Nhà Vương thị sớm roi giai lệ.

Như ta:
Thượng uyển hoa còn chính nhụy,
Ngự câu lá chửa đề thơ[9].
Sắc hổ trang lạc nhạn trầm ngư,
Tài ví kẻ phún châu thổ ngọc[10].
Ca vịnh đủ nghề âm nhạc,

lại:
Tân thanh nổi tiếng Hồ cầm.
Tác cập kê xấp xỉ trăng rằm,
Nết trinh tĩnh trau dồi giá ngọc.

Thúy Vân nói:
Thưa chị!
Như em:
Trịnh, Vệ chi màng thói bạc,
Mạnh, Tào dốc đúc gương trong.
Tường đông ai đem dạ bướm (7) ong,
Mái Tây cũng mặc người trăng gió[11] thôi mà!

Vương Quan:
Thưa hai chị!
Rày tới thường lề tảo mộ,
Người đều kết bạn chơi xuân.
Cha mẹ đà xuống lịnh ân cần,
Chị em khá hợp đoàn du ngoạn hè!

Thúy Kiều:
Một sắc thiều quang tỏ rạng,
Đòi cành[12] mai liễu đua tươi.
Trời xuân cảnh vật chào người.

Chi nữa!
Nội tử[13] chị em tách dặm. Xong!

Vãn:
Nội tử chị em tách dặm,
Cảnh vật nhìn vẻ gấm càng tươi.

Thúy Vân, vãn:
Thiều quang vừa ngoại sáu mươi,
Đầy đường giai cảnh lắm người đạp thanh.

Vương Quan, vãn:
Trời thanh chói vẻ xuân xanh,
Mộ tiền tế tảo, phỉ tình cửu u[14] .

_____________________

[1] Diềm dà 閻 𦓅: Xanh tươi, rậm rạp. Đây nói cha mẹ còn khỏe. Chữ BN viết già, giọng Nam.

[2] Hoa ngạc 花 蕚: Anh chị em…

[3] Phượng bốc: Dịch chữ bói phượng. Bói về chuyện nhân duyên.

[4] Lo học để chờ ngày thi đậu. Thang mây 湯𩅹: Dịch chữ vân thê 雲 棲, ý là thi đậu cao.

[5] BN. Nhân.

[6] Cha mẹ biểu lo sắm lễ vật để cúng kiến khi đi tảo mộ.

[7] Trình thân tỉ 裎 親 姉: Thưa với (các) chị.

[8] Đại ý: Đêm khuya mình nhớ nhung vẩn vơ về tình yêu, nhưng mà mình là viên ngọc đẹp không tì vết, trong vườn khoe sắc nhiều hoa nhưng bướm ong chỉ mất công thôi!

[9] Chưa có duyên tình với ai. Ngự câu 御 溝: Dòng suối nhỏ nơi cung cấm. Điển tích thả lá đề thơ.

[10] Tài sắc đều giỏi dang. Phún châu thổ ngọc 噴 珠 吐 玉: Làm thơ rất hay!

[11] Thúy Vân nói mình cũng vậy, chẳng lả lơi trăng gió với ai.

[12] Đòi cành: Nhiều cành. Đòi, tiếng xưa nghĩa là nhiều.

[13] Nội tử 內 子: Đồng cỏ.

[14] Cúng vái trước mộ thì người thân nơi chín suối được vui lòng.