Vài nét phác họa về một người Thầy, một nhà Thơ: Nguyễn Khắc Hoạch - Trần Hồng Châu

Nguyễn Văn Sâm

Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch đã dạy ở trường Đại Học Văn Khoa ở đường Nguyễn Trung Trực trước khi tôi vào học (1960-1961). Trường có hai lớp Dự Bị cho năm Thứ Nhứt Văn Khoa: Dự Bị Pháp và Dự Bị Việt, ông dạy cho cả hai bên. Điều nầy đối với các Giáo Sư thời đó là chuyện bình thường vì các vị nầy hầu hết đều tốt nghiệp ở Pháp. Nhưng dạy mà cả hai bên đều thích là chuyện không phải dễ. Ông được điều đó dầu ông giảng bài với giọng trầm trầm, nho nhỏ, nhiều khi xuống giọng khiến sinh viên ngồi ở cách vài ba hàng ghế thường không nghe được mấy tiếng cuối. Tôi biết ông từ năm học đầu đời làm sinh viên văn khoa với sách cầm tay. Khoảng cách thầy trò rất lớn giữa một sinh viên - dầu là sinh viên Cao Học - và một Giáo Sư hay Khoa Trưởng. Nó ngắn dần dần khi tôi được bổ về trường với ngạch Phụ khảo ban Việt Văn năm 1968… Và tình thân càng nhiều hơn khi ông trở về năm 1974 từ Mỹ sau những năm vắng mặt tại trường ở Việt Nam để dạy cho một đại học Mỹ.

Thời gian nầy VNCH đang bị chiến tranh khá nặng, ai cũng nói sao thầy/anh về lúc nầy làm chi, tình hình căng thẳng quá. Ông chỉ cười hiền như lâu nay, trả lời ít chữ nhiều ý: Gia đình, hoàn cảnh và đất nước. Với lại đi lâu cũng nhớ sinh hoạt quê hương.

Ôi sinh hoạt quê hương có sức quyến rũ để người ta bất chấp những nguy cơ có thể ụp xuống trên đầu mình để trở về sống trong lòng nó sao! Rõ là cái quyết định của một thi nhân. Rồi một năm sau, cái lưới đỏ buông xuống trùm phủ miền Nam, chúng tôi ra vào trường lơ láo, không được đứng lớp (dạy) chỉ sinh hoạt bằng những buổi được lên lớp (tẩy não) bởi những máy nói XHCN từ Bắc vào Nam như Vũ Khiêu hay những khuôn mặt khác, có thể có cả Hoàng Xuân Nhị mà lâu quá bây giờ kẻ viết bài nầy cũng đã quên. Hai năm học tập tại chỗ, bất mãn chỉ nhìn nhau thở dài, nuốt nghẹn.

Vị Giáo Sư trung niên vừa là thầy, vừa là đồng nghiệp niên trưởng thường cùng với những những đồng nghiệp môn sinh trẻ hơn hai thập kỷ như Nghiêm Hồng, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Thiên Thụ, Nguyễn Văn Đậu… thường ra ngồi trước cổng trường nhâm nha những ly cà phê đắng, phần tạp chất nhiều hơn cà phê thiệt sự, để thở dài ‘nhìn ngày tháng dần qua’ mơ mình ‘thành một cách chim’, chữ của Nguyễn Vô Kỷ.

Tôi hỏi ông:

- Thầy có tiếc không việc trở về năm trước?

Ông hóm hỉnh theo cách của LM Lê Tôn Nghiêm:

- Thằng cha nầy hỏi khó. Tiếc hay không thì làm gì được, hay chỉ để thêm đau lòng. Moi không tiếc, moi làm thơ để quên thực trạng cuộc đời trước mặt.

Tôi nhớ có lần ông tâm sự:

- Đáng lẽ moi có mặt trong mấy cuốn như Thi Nhân Việt Nam vì lúc đó moi cũng đã có mấy chục bài thơ mới như thiên hạ đồng thời, nhưng rồi phải bỏ thơ để sang Pháp học văn chương Pháp.

Phải học cho đàng hoàng nên thơ thẩn bèn gác lại. Ông nói bằng cái mỉn cười. Tôi cố tìm trên gương mặt thầy mình để khám phá một vẻ tiếc nuối gì đó được ẩn giấu, nhưng tuyệt nhiên không thấy.

Rồi tôi bị biên chế phải rời trường thiệt sự, mất bục giảng, mất luôn cả cái chỗ gọi là cơ quan quản trị để có thể ở lại Sàigòn mà không bị dòm ngó, tôi lao mình ra biển vài ba lần cho tới khi đến được Mỹ. Chừng chục năm sau bạn bè trước ngồi ở cổng trường cà phê cà pháo rồi cũng lần lượt sang, rồi thầy mình cũng sang. Tế nhị tôi không dám hỏi ông và gia đình đến Mỹ bằng cách nào vì tôi nhận thấy chế độ mới biết giá trị của thầy nên họ có vẻ nể nang trọng vọng. Tôi khuyên thầy nên dấn thân thiệt sự vào thi ca hơn là đi vào đường nghiên cứu vốn bế tắc ở hải ngoại. Bài thơ thay lời khuyên đó được thầy cho in vào bìa sau của một tập thơ, chắc ông nghĩ rằng lời tôi nhắc có chút lý nào đó.

Tình anh long lanh nguyên khối
Lăn qua trùng trùng đại dương
Nguyên vẹn
Chuyện ngày qua
đã thấy
Dòng người vùng vẫy
đã đến
Những cánh tay em út bạn bè
đã nâng niu ngòi bút
giơ cao
Thêm một điểm sáng
Trong ngân hà lương tâm
(NVS_ Bìa sau cuốn Thành Phố Trong Hồi Tưởng của Trần hồng Châu.)



Tuần qua, Hoàng Lan, ái nữ của thầy, và gia đình đã trang nghiêm tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thầy, đó là tin trong một email của GS Đàm Trung Pháp, Chủ Biên Danh Dự TẬP SAN VIỆT HỌC gởi ra cho thân hữu, GS Pháp cũng nói thêm: Với tôi, cố Giáo Sư Nguyễn Khắc Hoạch là một giáo sư đại học lẫy lừng tên tuổi, một học giả uyên bác, một nghệ sĩ chân chính, và một hiền nhân của đất nước.

Không có nhận định nào ít lời nhiều ý bằng nhận định trên. Bao nhiêu thế hệ môn sinh của thầy rải rác trên các lục địa nầy có thể xác định điều đó.

Cũng nên ghi lại để làm tài liệu là nhân dịp nầy Hoàng Lan đưa ra cho vài thân hữu và một số môn sinh của thầy nhận định sau về thân phụ và thân mẫu mình:

Thầy Cô Hoạch có tâm đức cao quý, giữ vẹn tinh anh, luôn hòa ái, phúc đức, bao dung. Thầy Cô Hoạch thương yêu các con một cách khoa học. Các con, cháu luôn kính thương và nhớ ơn Thầy Cô Hoạch với đầy tình nghĩa gia đình.

Sự sáng tạo nghệ thuật trong các tác phẩm văn chương của Thầy Hoạch có hệ thống tư tưởng, lập trường, quan điểm, có tầm tư duy sáng chói luôn hướng đến Chân Thiện Mỹ với chủ đích thiết thực và cao đẹp của mình.

Hoàng Lan cảm nhận các tâm hồn trong tác phẩm, cũng như tiếp thu thêm cơ hội để hiểu những ý nghĩa và vẻ đẹp của tác phẩm Thầy Hoạch.

Hình ảnh Thầy Hoạch cùng các quý Thầy Cô hội kiến để thiết lập một cơ chế hoạt động cho tổ chức, xác định mục tiêu và hướng đi dựa trên quan điểm chung cho Viện Việt Học diễn ra rất thận trọng và tốt đẹp. Hình ảnh này đã phản ánh một nét đẹp trí thức rất Việt Nam.

Về thơ, thi sĩ Trần Hồng Châu viết nhiều, đeo đuổi theo nàng Thơ trong một thời gian dài, từ những năm làm tạp chí Thế Kỷ Hai Mươi (?) cho tới khi qui tiên. Nhiều tập, nhiều bài thơ hay, thường là sự tìếc nuối quá khứ, tiếc một hình ảnh người xưa, lời thơ bàng bạc chen một chút buồn nhè nhẹ - có thể gọi chăng là tương tư? - mà người đọc thoáng qua khó thể thấy. Hình ảnh ông dùng cũng ước lệ như cây cầu, như lệ nến, như sóng biển, như áo trắng biến thành bướm trắng…

Tôi đi trên những cầu kiều
Từng con phố nhỏ quạnh hiu trong lòng.

Bâng khuâng mây trắng xây thành,
Từng cơn nhung nhớ bên mành nhớ nhung.

Cầu xưa vua đắp còn đây
Cầu em dải yếm cũng gầy tương tư

Tôi đi trên những cầu kiều
Từng nơi hò hẹn tiêu điều dấu chân
Ngậm ngùi vạt áo Hà Ðông
Một con bướm trắng bên sông hững hờ

Cầu xưa lá rụng tơi bời
Cầu tôi đuôi mắt mấy trời đam mê

Tôi đi trên những cầu kiều
Từng hồn thu cũ bóng chiều chưa phai.
(Hạt Cát Biển Ðông thi tập, trang 34)

Hay:

Em đi nhanh nón nhỏ gót hồng son
Bỗng hoa lá chập chờn trong vắng lặng
Hồn bâng khuâng rực rỡ ánh lưu ly
Bước ngập ngừng vân vi mi chớp nhẹ
Tình mang mang hò hẹn mái đò xưa
Mộng thanh xuân tuổi ngọc về đây nhé
Về đây nhé bướm trắng mộng thanh xuân.
(Bướm Trắng)

hoặc:

Từ muôn kiếp sóng vẫn dạt dào tâm sự
Từ muôn kiếp sóng vẫn bạc đầu nhấp nhô
Cánh hải âu chập chờn có phân vân
Vầng trăng xưa có gọi hải triều âm?
Biển vẫn đêm đêm hò hẹn mình các trắng
Nước tràn trề vào lòng cát đê mê
Mặn mà tình đôi lứa
Ngàn năm xin vẹn giữ lời thề!
……………………………..
(Ngủ Ngon Đi Nhé Biển Tuyệt Vời)

Khi nói về biển, ông đi đến những ước mơ - như những con chim khi thi sĩ nói chuyện trước đây với những môn sinh đồng cảnh ngộ- xa gần rằng mình là con tàu, con tàu tự do ngoài biển để được đi xa, tới hay không tới đích đó là chuyện của tương lai, của số phận đã được định trước bởi thiên lực bí ẩn nào đó… nhưng chuyện ra khơi thì vẫn ra khơi. Tôi nghĩ những dòng thơ muốn được hóa thân nầy là những ước vọng thầm kín của thi sĩ do những năm tháng bị túng tíu ở bên nhà sau cơn hồng thủy 1975.

Tôi là con tầu lênh đênh sóng vỗ
Lắc lư say theo nhịp hải hành
Về những thương cảng buồm thuyền như bướm lượn
Về những chân trời lộng gió biển mù khơi
Hay con tầu là tôi ngoài biển đời nhấp nhô
Nổi trôi theo định mệnh sợi chỉ bàn tay
………………………………………..
(Ở Biển Về Ngòi)

Đi tìm căn bản tư tưởng của thi nhân nào cũng là con đường nhiêu khê vì thơ càng nhiều thì ý tưởng càng rộng, càng chi tiết, tôi chỉ dám vẽ ra rằng trong đám mây mù thi phẩm của Trần Hồng Châu có ước mơ thoát ra khỏi cuộc đời tú túng thời bị bó gối sau 1975, có tình yêu như thể là bước tiến về, có sự an ủi tự vạch ra đề sống.

Tôi tâm đắc vớI thi sĩ ở mấy câu thơ có tính lãng mạng sau:

Mười phương quán gió đời ly loạn,
Ta vẫn ngồi đây mộng vẫn xây
Nửa đêm trừ tịch cờ dăm ván
Trà thanh vị đắng ngát giang hồ.

Và tôi vẫn cho rằng ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương rất có lý khi chọn bài Nửa Khuya Giấy Trắng của thi sĩ để đưa vô tuyển tập Thơ Tình Chọn Lọc do Khai Trí California xuất bản năm 1993, trang 185.

Xin trích ra mấy câu thơ cuối rất đặc sắc:

Vắng em hồn mộng đỗ quyên,
Nước non hiu hắt tiếng huyền bâng khuâng.
Ly tao dòng cạn khơi vần,
Mưa đan đan mãi gợi nhầu ý thơ
Cỏ vong ưu khói lam mờ,
Nửa ly mai lộ nguyệt hờ tắm suông.
Bút say vọng tưởng dòng Tương.
Mực say áo mộng \lạc đường héo hon.
Ngỡ ngàng giấy trắng lòng son
Tuyết rơi rơi mãi gói tròn thương đau
(Nửa Khuya Giấy Trắng)