Về một Thiền hữu và bốn chữ Vô Thường Thị Thường


Vô Thường Thị Thường
(Thư pháp: HT Thích Nguyên Tâm, Nam CA.)

Giới văn học nghệ thuật cũng như giới tu học thường đọc sách về đạo Phật, ít nhứt là ở Mỹ, đều biết một người viết lách rất khiêm cung và thiệt là đặc biệt: đó là nhà thơ Phan Tấn Hải.

Phan Tấn Hải đầu tiên bước vào làng văn bằng thi ca nên người đời gọi anh là thi sĩ. Cái danh vị đó theo anh, dính luôn dầu sau nầy anh viết văn xuôi nhiều hơn, hay những năm gần đây anh cống hiến cho đời nhiều đầu sách về những vấn đề của Phật học, của kinh điển, những vấn đề mà nhiều vị thượng tọa, hòa thượng có nhiều năm tu tập chưa chắc đã thấu hiểu hay trình bày mạch lạc như anh.

Tôi nói anh đặc biệt vì ngoài đời anh nho nhã, khiêm nhượng, đối với ai cũng hết lòng thân thiết, giúp đỡ chân tình nếu có dịp. Trong sách vở anh viết cả chục cuốn sách về đạo Phật mà quyển nào quyển nấy cũng hình thành do sự tham khảo nhiều nguồn sách về vấn đề sẽ trình bày và đều được ký tên một cách khiêm nhường: Nguyên Giác, không có chữ gì trước đó hay sau đó.

Trước đây chúng ta có Thiền sư Nghiêm Xuân Hồng – chữ Thiền sư tôi dùng cho nhà văn Nghiêm Xuân Hồng với sự trân trọng từ đáy lòng – cũng viết nhiều sách về Phật đạo. Trước nữa có các học giả Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Tố, Phan Văn Hùm, Phạm Công Thiện cũng viết, đã đi sâu vào những vấn đề căn bản của đạo như: Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Trung Quán luận, Tánh Không. Đó là chưa kể sách của những vị Hòa Thượng suốt đời nghiên cứu kinh kệ, kể ra bao nhiêu vẫn còn là thiếu.

Nhưng phải đợi đến Thiền hữu Nguyên Giác chúng ta mới đọc được những bàn luận sâu sắc về các vấn đề nho nhỏ, chi li của đạo như Thiền đốn ngộ, Thiền tập, Thiền tập trong đời thường, Thiền Tông Qua bờ bên kia, Kinh Pháp Cú Tây Tạng…

Đọc những quyển sách nầy, thú thiệt chỉ đọc sơ qua vì chạm tới tuổi 80, tôi không dám và cũng không có thời giờ mở ra một khía cạnh mới về chữ nghĩa và kiến thức, đành xài bao nhiêu phần đã thâu lượm được từ mấy mươi năm trước đó ở những quyển sách nhập môn của các ông Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Phan Văn Hùm xa xưa cũ, không còn phù hợp được bao nhiêu. Đã thiếu mà chiều sâu lại không có nhiều.

Với những quyển sách về chuyên môn, với những bài viết rải rác có chủ đề nghiên cứu lý thuyết của đạo Phật của anh, tôi thấy rằng nhà thơ Phan Tấn Hải đã đi quá tốt trong việc tìm hiểu đạo Phật, tìm để giới thiệu và giải thích cho cư sĩ, về những vấn đề thuộc về đạo, về hạnh, không thuộc về tu, về hành, thuộc về triết lý, không thuộc về mê tín dị đoan hay cái gọi là đạo Phật bình dân, đạo Phật đại chúng hóa.

Tôi thấy mình thua người bạn trẻ nầy – trẻ hơn mình một con giáp – anh gọi tôi bằng thầy một cách thân tình và kính trọng, nhưng về mặt triết lý đạo tôi chưa đáng là trò của anh. Con đường kiến thức mênh mông, người ta ai cũng có những lổ trống kiến thức dầu thuộc ngành chuyên môn của mình, huống chi mình chỉ là người ngoại đạo đối với vấn đề Phật đạo chuyên sâu.

Với cái nhìn biết ơn đó, tôi không gọi Nguyên Giác là cư sĩ Phật giáo, tôi gọi anh bằng từ ngữ kính trọng hơn: Thiền hữu. Ta có văn hữu, thi hữu, đạo hữu, sao không có Thiền hữu? Nguyên Giác hiện tại không ly gia cát ái sống toàn thời gian trong chùa, chưa đủ đạo hạnh cao siêu, và không có cái cao ngạo tự xưng nên tôi chỉ xin được gọi là Thiền hữu thôi.

Chữ Thiền chỉ cuộc sống hiện tại và những công nghiệp đối với đời về mặt đạo của ai đó. Chữ hữu chỉ sự thân thiết, gần gũi, ngang hàng dễ học hỏi lẫn nhau của ta với nhân vật đó. Bạn đạo, bạn yêu đạo, chứ không phải thầy, không phải Sư (phụ).

Vậy tôi học được gì từ Thiền hữu Nguyên Giác?

Nhiều lắm, nhiều lắm. Ngoài đời là cách cư xử của Thiền hữu. Trong sách vở là sự bao dung và mở rộng tầm tay của anh. Anh viết về người bạn Thăng Long văn sĩ Nguyễn Huy Quang, về người bạn thời trai trẻ sau nầy làm thơ vừa mới mất ở VN tuy rằng mấy chục năm không gặp lại và rất có thể khuynh hướng hai người đã trở nên khác biệt, về nhà thơ Mộc Đạc ít người biết đến…

Tôi học gián tiếp từ Thiền hữu Nguyên Giác nguyên lý hư không khi đọc các sách của anh và suy ra được rằng cuộc đời nầy được vận hành bằng nguyên tăc ‘Vô Thường Thị Thường’. Vâng, đời nầy, vũ trụ nầy là một thể hiện của sự Vô thường. Mọi có không, được mất, hạnh phúc đau khổ, vinh quang tủi nhục, sống chết… đều là vô thường.

Cái vô thường đó tồn tại vĩnh viễn đến trở thành bình thường.

Và tôi sống với nguyên lý đó một cách bình thường để khi gặp những trạng huống đau lòng trong đời sống đều đón nhận với sự bình thường dửng dưng. Và tôi cám ơn Thiền hữu Nguyên Giác với những Thiền hữu khác trong tương lai đã khơi dậy trong tôi cái nguyên lý quan trọng đó…