Vè “Tây tới Nam kỳ”

Cách nay gần mười năm (2010) một người sưu tập tác phẩm Nôm kỳ cựu ở Sàigòn có nhường tôi vài quyển sách Nôm viết tay, trong đó có một quyển mỏng gồm 10 trang, hình như là phần còn lại của một quyển lớn hơn đã bị hư rách (?). Mười trang nầy thì hai trang cuối không quan trọng vì là những bài thơ không có gì đặc biệt. Riêng 8 trang đầu rất đáng chú ý, đó là 226 câu lục bát nói về hai đề tài gần như khác biệt:

(1) Giặc Tây tới Sơn Chà năm Đinh Tỵ (1857) và những gì họ làm sau đó trên vùng đất Nam Kỳ vừa chiếm đóng. Phần nầy người sáng tác đã nói tốt về giặc Tây hơn là nói xấu. Chuyện nầy cũng dễ hiểu:Mới tới đất lạ, chưa biết mô tê gì lại thấy có nhiều điều cần cải tiến nên họ đã cải tiến và tạo nên sự choáng ngộp, kính phục dưới mắt người dân bản địa.

(2) Chuyện bão lụt năm Giáp Thìn 1904. sự kiện đặc biệt nầy được mô tả khá tỷ mỹ nhứt là những chuyện chết chóc tang thương xảy ra cùng là những đóng góp của thân hào nhân sĩ thời đó.

Tôi coi tác phẩm nầy là phần văn chương khuyết danh của văn học Miền Nam, một phần không thể bỏ qua khi nghiên cứu văn học, văn hóa Miền Nam Kỳ Lục Tỉnh. Bài nầy giới thiệu phần 1. Tôi tạm gọi là:


Vè Tây tới, tác giả Khuyết Danh.

Cuốn sách dầy sưu tầm khá đầy đủ về Vè Nam Bộ của ông Huỳnh Ngọc Trảng ghi được mấy bài vè Bão Lụt Năm Thìn nhưng không có bài nào nói về sự kiện Tây Tới.

Về mặt từ ngữ thì cũng như các tác phẩm cùng thời ở Nam kỳ, bài Vè Tây tới có những từ ngữ đặc biệt của vùng như thốt thôi (bây giờ nói về), hội nầy (hoàn cảnh nầy), chạy sớ về kinh (dâng sớ về triều đình bằng cách hỏa tốc), những kẻ dân tình (dân chúng), chí những (cho đến), làm lộ (làm đường), chim bay khác nào (giống như chim bay), rất hay (rất giỏi, rất lẹ), đề lao (ngục, phòng giam), như mưa (nhiều lắm, đông đúc), dây thép (điện tín), máy nước (phông tên nước), dù máy (dù có thể xếp lại, khi cần thì làm cho nó bung ra), tằng sa điều đỏ (vải vóc màu sắc)…

Nhìn chung bài văn không phải là một tuyệt phẩm văn chương, chữ dùng bình thường nên tôi đồng ý với người sưu tập trước gọi đây là một bài vè, tuy nhiên nó có giá trị ở chỗ:

(1) ghi lại một số từ ngữ xưa không phải ở đâu cũng có.

(2) Quân ta tan vỡ rất mau trước sự tấn chiếm của người Pháp.

(3) cho thấy người Pháp đã mở mang xứ thuộc địa của mình bằng cách mang đến một số văn minh vật chất qua các thứ mà người Việt lúc đó gọi là máy.

(4) Người Pháp bị ghét bỏ ban đầu (bị kêu bằng giặc Tây) sau đó đã được cái nhìn thân thiện hơn khi cho rằng nhờ Người Pháp mà thiên hạ đâu đâu thái bình.

Có thể rằng tác giả bài nầy thiên vị người Pháp xâm lược vì sợ bị rắc rối, vì muốn tâng công để kiếm lợi lộc, nhưng thực tế là tác giả đã cho thấy những công trình lợi ích mà người Pháp đem lại cho nước ta khi họ mới tới xứ còn đương mê ngủ trong văn chương thi phú chịu ảnh hưởng của Trung hoa quên rằng thực tế của thế giới sự tiến bộ của văn minh cơ giới đang rầm rộ.

Bài văn xứng đáng được biết để ta hiểu về dân trí của người mình trong thời kỳ người Pháp mới đến Việt Nam:Thấp lắm cho nên thấy gì lạ lạ đều cho là máy cả, máy nước, máy cầu, dù máy, máy ngựa. Cách nay mấy chục năm tinh thần nầy vẫn còn ở trong các danh từ bút máy (viết máy), xe máy (xe đạp), hộp quẹt máy, máy nước

Ngoài ra đây là bản Nôm viết tay có thể không xa lắm với năm 1904 nên giá trị thời sự của nó đáng tin cậy hơn là những bài mới sưu tầm được gần đây qua lời kể của người nầy người nọ mà chắc chắn rằng tính thời sự đã mất và sự trung thực không thiên kiến không có gì chắc chắn. (CA, June 18, 2019).

Thốt thôi lại kể đời nay,
Từ năm Đinh Tỵ (1857) Tây rày mới qua,
Ban đầu vô lấy Sơn Chà (Đà Nẵng)
Năm sau Gia Định, Biên Hòa, Đồng Nai.
Quan trên thiên hạ ai ai,
Dốc đền nợ nước ra tài chiến chinh,
Quan trên chạy sớ về kinh.
Triều đình hội nghị[1] cho binh tiếp rày.
Ai ngờ Trời khiến chẳng may[2],
Nam Kỳ Lục Tỉnh mất rày còn đâu[3].
Các quan lớn nhỏ thêm rầu.
Kẻ qua nước khác người hầu về kinh.
Thấy thôi thảm thiết sự tình.
Ngùi ngùi lại tưởng phận mình thương ôi.
Bao giờ cho chúa gặp tôi.
Cho người gặp ngựa phản hồi mới xong.
Phải như Hàn Tín, Tử Phòng.
Ra đền nợ nước thời lòng mới an.
Phải chi như Tiết Đinh San[4],
Phò vua giúp nước dẹp loàn[5] chinh Tây.
Đời nay lại tới hội nầy[6],
Vì đâu nên nỗi giặc Tây[7] tới mình,
Thương thay những kẻ dân tình,
Quan quân chẳng có, một mình bơ vơ[8].
Nghe thôi nhiều nỗi ngẩn ngơ,
Quan Tây rày đã kéo cờ chiêu an (t2)
Quận châu thành thị dư ngàn,
Lương tiền chí những bạc vàng cướp thâu[9].
Tờ[10] ra khắp hết đâu đâu[11],
Đều thời làm lộ, làm cầu, khai kinh.
Tổng làng coi trát phân minh.
Làng thời bắt hết dân tình làm xâu.
Tỉnh thành chí những quận châu.
Cũng đều lập gác, xây cầu, xinh thay.
Dưới sông tàu chạy rất hay,
Trên bờ xe lửa[12] chim bay khác nào.
Rất nhiều phép lạ tài cao.
Giăng ra dây thép[13] việc nào cũng hay.
Đường đi ba bốn đêm ngày,
Ước chừng dây thép đi nay một giờ.
Ví như[14] học phép tiên cơ.
Làm ra những máy binh thơ nhiệm mầu.
Máy xe, máy ngựa, máy cầu[15],
Máy đèn, máy nước, máy dầu lạ thay.
Áo quần lại có máy may,
Gạo thời máy giã, máy xay, máy sàng.
Khắp nơi bờ cõi mở mang.
Phá cây làm ruộng lập làng, khai kinh.
Rày ra thưởng tước công bình[16].
Đều thời dạy dỗ dân tình làm ăn.
Ai mà làm dữ lung lăng[17], (t3)
Phạm vô điều luật đóng trăng[18] bỏ tù.
San đầm, phú lít[19] tuần du.
Đề lao khám tối canh tù nghiêm thay.
Gian tham trộm cướp đâu rày,
Sát nhơn hung bạo án đày chung thân.
Lập làm tòa án xử phân,
Việc hình, điền thổ có phần bẩm thưa.
Buổi hầu thiên hạ như mưa[20],
Hầu rồi ra trước, ai chưa còn hầu.
Châu thành thiên hạ đâu đâu.
Đò[21] đưa khắp xứ, đường cầu khắp nơi.
Sang giàu nhiều kẻ ăn chơi,
Hoặc là quí khách đi thời thiếu chi.
Tàu đò ghé lại một khi,
Nam thanh nữ tú khác gì tiên nga[22].
Kẻ thời mặc áo má ba[23].
Kiềng vàng, dù máy, chấn khoa đầy tàu.
Tằng sa điều đỏ[24] lao xao,
Kẻ lên người xuống chật tàu như mưa.
Nhộn nhàng xe rước xe đưa,
Kẻ đi tới trước người vừa tới sau.
Kẻ thời kiếm chỗ nghỉ ngơi.
Kẻ vô quán nước người chơi tiên lầu[25]
Xa gần khắp hết quận châu,
Nơi nơi thông thả đâu đâu thái bình[26].

_____________________

[1] Bốn chữ này xưa thường nói là đình nghị.

[2] Chẳng phải Trời khiến mà vì triều đình cổ hủ không theo kịp nền văn minh thế giới nên thua về mặt súng đạn binh bị, chiến thuật…

[3] Quân ta chưa kịp đánh gì thì đã mất đất Nam Kỳ trong thời gian không bao lâu.

[4] Với những cái tên như Hàn Tín, Tử Phòng, Tiết Đinh San ăn sâu vô tâm não của người dân thì việc mất nước chỉ là vấn đề thời gian.

[5] Giọng Nam Bộ rặt ròng khi cho loàn - đọc thổ âm là làn - hợp vận với san ở câu trên.

[6] Tới hội nầy:Cách nói xưa nghĩa là lâm vào hoàn cảnh nầy.

[7] Tôi biết rằng người thời tác phẩm nầy xuất hiện - người dân rất thích mấy chữ giặc Tây, chia cách rạch ròi giữa kẻ tới chinh phục và dân bị hinh phục:Không có một sự ưỡm ờ nào ở đây.

[8] Quân ta bị đánh tan nát nên dân không còn đưọc ai bảo vệ.

[9] Một sự tố cáo trực tiếp hành vi của quân xâm lăng Pháp.

[10] Thông cáo của chánh phủ thuộc địa, người chủ mới.

[11] Từ đây là phần nói về những điều tốt của người Pháp đã thực hiện ở Việt Nam trong lúc ban đầu.

[12] Không chắc lắm, nhưng tôi nghĩ có lẽ xe lửa là tiếng sau nầy gọi là xe hơi, xe con. Những năm đầu của sự thuộc địa xe lửa chắc chắn là chưa thể có. Xin nhường cho những vị giỏi về địa lý, nhân văn…

[13] Dây thép:Truyền tin bằng mã Morse.

[14] Ví như:Giống với, tương tợ như, chẳng khác nào…

[15] Máy ngựa (?), máy cầu là các cầu quay hay cầu có thể trục lên ở giữa để tàu bè qua lại.

[16] Khen thưởng công bình, không thiên vị. Ôi , thời ngoại thuộc mà được như vầy sao! Đáng thương cho thời nay!

[17] Lung lăng:lộn xộn, quậy phá, làm giặc. Huình Tịnh Của định nghĩa Lung lăng là Hung hăng, không thuần tính, Lung dữ, ngang tàng. Thơ Lục Vân Tiên:Thấy Đổng Trác lung lăng trong nhà Hán.

[18] Đóng trăng:một loại cùm thời xưa.

[19] Âm Việt của gendarme, police, chỉ cảnh sát, hay công an ngày nay, nhưng nhiệm vụ thì khác ngày nay nhiều..

[20] Thiên hạ như mưa:Người ta rất đông. Lúc nầy giao thời lộn xộn kiện tụng lung tung nên người đến công sở đông.

[21] Đò đây là ghe có máy nổ chạy bằng hơi nước.

[22] Người trẻ bắt đầu tin tưởng để đi tàu đò nên ngó vô thì thấy người thanh lịch trên đó nhiều. Điều nầy chứng tỏ sự cai trị đã ổn định.

[23] Sau nầy trở thành áo bà ba chăng? Bài văn ngắn mà có tới vài ba từ người phiên âm chưa hiểu được. Xin giúp.

[24] Tằng sa, điều đỏ:Vải vóc màu sắc đẹp đẽ.

[25] Tiên lầu 仙楼:Nhà hàng. Xưa tiệm nước là nhà hàng bình dân chỉ có một từng trệt, tiên lầu là nhà hàng cho khách sang có hai từng.

[26] Cũng là giọng khen nhà nước Pháp.