42 NĂM SỐNG Ở NƯỚC MỸ: Được Gì, Mất Gì? của Lê Thanh Hoàng Dân

Cộng-đồng văn-hóa Việt-Nam cũng như một nền văn-học Việt-Nam hải-ngoại đã được chính thức hình thành sau biến cố ngày 30-4-1975. Nếu nhìn lại hơn bốn thập niên đó thì hồi-ký đã là một hiện tượng và là một bộ-phận nổi bật với trên dưới 50 ấn phẩm. Hồi ký là tác-phẩm của một người trong một khung cảnh lịch sử mà các sự kiện lịch sử trội bật, phân tích của tác giả quan trọng vì người này có liên hệ đến những biến cố đó, trong khi với bút ký, tác giả về đời mình hay chuyện xưa mà tác giả là nhân chứng, nhưng cái riêng mạnh hơn cái khách quan. Người viết hồi ký có thể là những nhân-vật quan trọng mà cũng có thể là bất cứ ai từng có liên hệ và kinh nghiệm xa gần với những biến cố lịch sử hoặc bên cạnh, cả nạn nhân của những biến cố đó! Các tác phẩm này nói chung giúp nhiều cho sử gia nhưng người đọc cùng thời với tác giả dễ có những phản ứng có khi đưa đến tranh luận hay chiến dịch phản công. Cái thắng thua nếu có là tình người, là tình yêu không biên giới quốc cộng, là sự sống còn, là nguyện vọng sống an cư lạc nghiệp! Mặt khác, văn-chương không thể tách rời cuộc sống và quê-hương đất nước. Với nhiều người thuộc thế hệ di dân thứ nhất, nói đến quê-hương là nói đến quá khứ, và thường là quá khứ của riêng họ.

Giáo sư LÊ THANH HOÀNG DÂN thuộc thế hệ di dân thứ nhất như vừa nói. Ông vừa đóng góp vào bộ phận hồi-ký và bút ký hải-ngoại với bộ sách 42 NĂM SỐNG Ở NƯỚC MỸ: Được Gì, Mất Gì?NƯỚC MỸ NƠI TÔI ĐANG SỐNG gồm 6 quyển. Bộ NƯỚC MỸ NƠI TÔI ĐANG SỐNG gồm các bút ký du lịch cùng tâm tình, nhận xét của tác giả về đất nước Hoa Kỳ cũng là nơi ông sinh sống và làm lại cuộc đời sau biến cố 30-4-1975.

42 NĂM SỐNG Ở NƯỚC MỸ: Được Gì, Mất Gì? theo thiển nghĩ, khác với các hồi-ký và bút ký của các tác-giả người Việt cùng thế hệ di dân như tác-giả Lê Thanh Hoàng Dân. Với 110 trang trong đó một phần ba là hình ảnh, hồi-ký của ông khá cô-đọng trong số lượng con chữ; nhưng từng con chữ là ngần ấy kỷ-niệm và trải-nghiệm, vui có, mà đau thương, khó nhăn cũng không thiếu. Trong Lời Nói Đầu, ông cho biết: “Sách này ghi lại những suy nghĩ riêng tư của một người thường dân Việt Nam do tình cờ lịch sử được sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn, gia đình con cái bị cuốn hút vô biến cố 30 tháng Tư năm 1975. Cuộc đời của tôi giống phần nào đời các bạn sau biến cố lịch sử này, bị xáo trộn, bị cuốn hút trong vòng xoáy lịch sử, bánh xe lịch sử nghiền nát, cố gắng tranh đấu để sống, và xây dựng lại cuộc đời yên bình và hạnh phúc cho mình, và vợ con. Đây không phải là một cuốn sách chánh trị”.

Gia-đình ông đã được di tản đến Hoa-Kỳ sau biến cố Tháng Tư năm 1975. Trong Phần 1 “Nỗi lòng người ra đi sau biến cố 30 tháng Tư năm 1975”, ông kể: “Tôi ra đi cũng khổ lắm. Mặc dầu nước Mỹ rộng lượng và tốt với di dân, tôi cũng phải tranh đấu nhiều năm, mới sống được vững vàng, có chân đứng vững chắc trong xã-hội mới. Điều đầu tiên cần làm là quên quá-khứ, và bắt đầu lại” (tr. 7). Vì cũng như đối với tập thể người Việt tị nạn Cộng-sản lúc bấy giờ, ông đã nghĩ “Không còn quê-hương để về, phải sống bơ vơ và cô đơn dưới đáy xã-hội, tranh đấu ngoi lên, vừa làm vừa học, mệt và chán nản vô cùng...” (tr. 17).

Phần 2, “Nước Mỹ tuyệt vời với di dân và người tỵ nạn”, ông nhớ và kể lại những bước đầu hội-nhập khó khăn: “Tôi đến đây với hai bàn tay trắng, và quyết tâm làm việc xây dựng cuộc đời mới. Nước Mỹ là miền đất hứa của di dân. Ai bị đất nước họ ruồng bỏ, không sống được ở quê hương của họ cũng có thể đến đây tìm cuộc đời mới, giấc mơ Mỹ. Sống dưới đáy xã hội, tôi vẫn còn chút kiêu hãnh dân tộc, không muốn thua chủng tộc khác đến đây trước tôi. Phải sống ra hồn, tôi là một người Việt Nam, tôi không thua ai, họ làm được tôi làm được... Tôi thường xuyên tâm niệm phải sống cho ra hồn, xứng đáng, sống cuộc đời đáng sống, sống cho thế giới nể phục người Việt Nam Cộng Sản rêu rao là Ngụy, xấu, không cho sống cuộc đời đáng sống, xứng đáng. Sống ra hồn. Sống cho thế giới nể phục người Việt Nam. Định nghĩa thế nào là người Mỹ gốc Việt. Nói thì dễ. Làm rất khó.” (tr. 37). Ông tâm sự với độc giả, cách riêng với giới trẻ: “Suốt 42 năm nay, tôi hình như có hai con người, với hai bậc thang giá trị khác nhau, chưa hội nhập hoàn toàn vô xã-hội Mỹ được” (tr. 53). Đây không phải chỉ riêng đối với tác-giả mà còn là “định mệnh”, là “bản ngã nhị trùng” của nhiều người Việt tị nạn trong các thập niên qua.

Trong phần cuối “Nhìn Về Tương Lai”, ông xác nhận: “mục-đích tôi viết loạt bài này là để nhớ lại một vài chuyện đã xảy ra trong 42 năm sống ở Mỹ. Nếu lần này tôi không nhớ được, quá-khứ và cuộc-đời của tôi ở đây sẽ bị chìm trong lãng quên. Những khó khăn hội nhập của tôi. Thảm kịch gia-đình tôi, hậu quả của cuộc chiến, sẽ biến mất như mây khói. Bài học và những trải nghiệm của tôi sẽ coi như vô nghĩa, không giúp ích cho ai cả” (tr. 94). Vậy, sau 42 năm, ông và gia-đình đã mất gì và được gì? Ông tâm sự: “Mất nhiều lắm. Mất con gái lớn [“bị một người Mỹ khùng điên giết”]. Mất cả quá-khứ sống ý nghĩa. Đó là khoảng đời tôi sống vì lý tưởng, làm những việc tôi yêu thích, đóng góp thật sự cho đất nước...”. Và được gì? Đó là “được một đời-sống tự do, không sợ hãi. Được sự yên bình và bảo đảm tài sản tôi có, sẽ không có ai đến tịch thu (...) Được tương lai tươi sáng cho con cháu, mặc dầu gốc Việt-Nam, nhưng bây giờ là công dân Mỹ, sẽ sống cuộc-đời của một công dân Mỹ, không bị Tàu, hay Nga gì bắt nạt gì cả...” (tr. 95-96).

Gập sách lại, sẽ có độc giả chưa hài lòng vì tác-giả khiêm tốn, đơn sơ và có thể an nhiên, đã không kể nhiều hơn, chi tiết hơn, sống động hơn nữa. Cái Tôi của tác-giả không được nhiều nét như với ở phần lớn các hồi-ký khác; dù vậy ở ông, đó là những nét thật dù chỉ là phác thảo. Trước 1975, Lê Thanh Hoàng Dân đã là giáo-sư ở các trường trung học rồi đại-học và công chức cao cấp ở Trung tâm Học-liệu thuộc bộ Giáo dục. Bên cạnh đó, ông còn làm nhà xuất-bản Trẻ và đã cho ra đời nhiều tác-phẩm về triết lý, giáo dục và văn-học. Nhưng đây là lựa chọn của tác-giả, cũng như ông đã quyết tâm từ bỏ, quên đi quá-khứ và các tác-phẩm đã từng xuất-bản, để sống qua 42 năm đó!

Cộng-đồng người Việt hải-ngoại xuất phát từ biến cố lịch-sử đau thương của dân-tộc Việt-Nam, đã lớn mạnh và đồng thời đóng góp tích cực cho xã hội bản xứ về nhiều lãnh vực và qua nhiều thế hệ tiếp nối. Lịch sử cộng đồng hải ngoại cần được ghi chép và bởi nhiều người từ nhiều quốc gia, bộ sách của giáo sư Lê Thanh Hoàng Dân sẽ là một đóng góp quý báu cho công trình tập thể này!

Xin trân trọng giới thiệu 42 NĂM SỐNG Ở NƯỚC MỸ: Được Gì, Mất Gì? của giáo-sư Lê Thanh Hoàng Dân.