Lục bát Huy Tưởng

Nguyễn Vy Khanh

Lục bát hay “thượng lục, hạ bát” là thể loại thơ mang tính dân tộc, xuất phát từ ca dao và đã truyền thừa từ nhiều thế kỷ. Lục bát truyền thống và “chính thể” niêm luật không nhiều ngoại lệ. Biến thể bắt đầu khi các câu thơ bị đổi cách gieo vần, hoặc chữ 6 câu trên vần với chữ thứ 4 câu dưới hoặc đổi trắc vận vào vị trí vần bằng, và liên tục được/bị thử nghiệm qua nhiều hình thức và phương tiện ngày càng nếu không độc đáo thì cũng khó hiểu, nhưng đã làm phong phú thêm thể loại! Thơ lục bát đã bị xâu xé giữa truyền thống và mỹ học mỗi thời. Lục bát cách tân dưới nhiều hình thức, biến thể tự do về chấm câu và xuống hàng trong cái khuôn tiên-thiên 6-8. Nhịp điệu đa dạng ra, câu sáu thì 1-5, 2-2-2, 2-3-1, 2-4, 3-3, câu tám thì 1-7, 2-2-2-2, 2-4-2, 3-5, 5-3, 4-4, v.v. Bình-trắc không nhất thiết phải ở những chỗ chẳn-lẽ như trước (“nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh”), âm điệu vẫn giữ hoặc không giữ, lục bát ba câu, chấm dứt ở câu sáu, v.v. Hình thức có đem lại cái mới cho con mắt và cách đọc đa dạng. Nói chung nồng cốt vẫn là lục bát!

Biến thể đã đi xa hơn, khi các câu thơ 6-8 bị cắt, xuống hàng hữu ý hữu tình hoặc vô tội vạ và có khi đã thành một bài thơ chỉ với 2 câu 6, 8. Nhiều nhà thơ đã hơn một lần sử-dụng biến thể này. Rồi lục bát biến thể của Nguyễn Tôn Nhan với những bài lục bát ngắt đoạn khổ ba câu xuất hiện trên các tạp chí Hợp Lưu, Thơ sau xuất bản trong Lục Bát Ba Câu (2014), hay “Lục bát rời” cũng 3 câu của Trần thiện Hiệp. Biến thể khi thêm gạch chéo slash / (quan niệm hoán vị / conversion concept) và câu bị cắt nát, chấm câu, xuống hàng, bỏ quên bằng trắc, nhịp thơ 6, 8 đổi theo, v.v. và bài thơ chấm dứt ở câu 6 và với dấu phẩy như lục bát Du Tử Lê (sử-dụng những dấu chấm, phẩy để cắt vụn câu thơ, cho rằng đời sống hiện nay như những mảnh vụn; Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà 1995, Thơ Tình). Lục bát Ngu Yên đến gần thơ văn xuôi và như mở đường cho Tân Hình Thức, khi viết liên tục cả khổ không xuống hàng, hoặc viết hai câu liên tục như “quên” xuống hàng hoặc câu lục và câu bát xuống hàng mỗi chữ như rơi rơi (Hoá Ra Nét Chữ Lên Đàng Quẩn Quanh, 1986). Lục bát biến thể như “lục bát Vắt dòng” còn gọi là “lục bát Tân hình thức” như của Ngu Yên, Khế Iêm, Đỗ Kh. Lục-bát có khi trở thành lục-cửu hoặc các biến thể khác của 6 và 8; có khi vì dùng chữ nước ngoài nên phải giữ số âm mà thiếu số chữ, giữ số chữ mà dư số âm, nhưng thường là âm thanh hay chữ cho hợp với lục bát đọc! Như vậy, lục bát được được tiếp tục hiện đại hóa với ngôn ngữ tân kỳ, thi-ý, hình ảnh mới hơn, bất ngờ, cũng như trong cách dùng chữ, ngắt câu.

Về nội dung, lục bát xưa nay chủ yếu là thơ tình theo nghĩa rộng. Nay lại có lục bát biến thể “tản thần” như lục bát Nguyễn Hàn Chung, lục bát cứu rỗi như với Trần Hoài Thư (Vịn Vào Lục Bát, 2017), lục bát phải trường ca mới nói hết được tâm ý như Nguyễn Đức BạtNgàn (Giữa Triền Hạn Reo) hoặc lại bị lột trần như Lục Bát Khỏa Thân – Trăng mật (2002) của Ngô Tịnh Yên. Như vậy, thể loại lục bát truyền thống còn có chỗ đứng vì còn có khả năng chuyển tải thi ca, còn có thể sử-dụng cho hôm nay. Vấn đề là ở người làm thơ có thành công, có tay, có thả được hồn vào thơ không; có thành thơ lục bát và thơ lục bát đó có ngôn ngữ riêng hay chỉ mang hình thức 6-8!

Suy nghĩ đó đưa chúng tôi đi vào thơ lục bát Huy Tưởng. Từ thời trước 1975 cho đến nay, nhà thơ đã liên tục suy nghĩ lục bát, làm mới và đa dạng hóa câu thơ lục bát. Từ những bài hình thức “cổ điển” nhưng đã nhen nhúm suy tưởng, như bài Kể Từ Vạn Đại:

“Sương là nước ở chân như
Động cành thủy lục nên thu thân ngồi
Đêm là máu của mặt trời
Theo huyền lâm dẫn xuống đồi thiền môn
Rằng trong tột đỉnh càn khôn
Tôi nguyên hình chúa của hôn phối trùng
Tạc hình mây dựng trung dung
Ca từ cựu ước đến vùng kim cang

(Văn, số 96, 15-12-1967)

Với người xưa nhưng là Nguyễn Du, Huy Tưởng có chùm thơ Trăm Năm Trong Cõi Người Ta, trên tập san Tư Tưởng, xin trích 2 đoạn Dưới Trăng Câm và Dâng Từ Ngọn Cỏ:

- “Cầm tay em dưới trăng câm
Tôi nghe lá cỏ âm thầm chết theo
Tóc bay đụn bóng tàn xiêu
Thôi em tình đã quá nhiều mây bay…”

- “Dâng từ một ngọn cỏ thôi
Mầu trăng xuống bệnh vỡ ngời tiếng chim
Tôi choàng dậy, đất trời im
Máu hồng nghẹn thở cùng đêm mất rồi!”
(số 17, 1-12-1970, tr. 12, 13)

Huy Tưởng lạc vào cõi tình, có con trăng chứng giám, trong chùm thơ Ảo Nguyệt Ca (Tư Tưởng, số 19 , 15-4-1971). Tiểu thư, giai nhân như đến từ một thế giới liêu trai, qua Gót Lục Tiểu Thư:

“Xé đau mảnh áo ngô đồng
Tiểu thư gót lục băng sông sương mờ
Vén tầm tả nửa trang thơ
Gieo thu nguyệt mộng lót tờ kinh xanh
Lá đêm trùng ngọn buông cành
Gào mây vô ảnh dặm thành cố vong”
(tr. 51)

Cùng những hứa hẹn trong Và Nghìn Năm Cùng Lá Cỏ:

“Ồ tiểu thư, ngọn bông chiều
Để anh hái tặng em triều sóng hương
Mai về bóng lệch tà dương
Hồn xiêu phách lạc ngậm hường nhớ nhau
Lưu ly tơ cỏ nghiêng mầu
Nghìn câu vắng lặng dâng sầu xé hoa.
Ồ tiểu thư, giọt mù sa
Xin em xuống mộng đêm ngà ngà say
Anh về triệu bước mây bay
Quên thân sinh tử bụi đầy áo trăng…”
(tr 54)

Lá cỏ khó rời thơ Huy Tưởng, lá cỏ trở về trong thi phẩm Một Mùa Tóc Mộ xuất bản năm 1970, trong chùm thơ Mười phương tố vọng, xin trích Phương Lá Cỏ, 1 trong 10 bài:

“Khuya mê động bước trên đồi
Nghiêng u hiển lá tỏ lời đi hoang
Mái sương bỏ vắng canh vàng
Về im rũ mộng bẽ bàng nhựa khô
Gieo cành bóng cuốn cơn mơ
Mầu trăng thiên cổ hững hờ giọt hư
Khuya mê động bước thanh từ
Ôi ghê lạnh chút hoang vu bến hồng...”

(Trích từ Tư Tưởng, số 15, 1-10-1970, tr 37)

Huy Tưởng đã nhập thế giới Thiền, vui cùng thiên nhiên cây cỏ, trăng đêm, và đã đẩy thử nghiệm đi xa hơn, sáng tác những bài thơ 14 chữ tức gồm hai câu lục bát nhưng mang hình thức thơ tự do như muốn nội dung hài-cú với 14 âm-tiết - Hai-ku của truyền thống Nhật 17 âm-tiết, qua tập Hỏi Đường Cùng Mây Trắng (1996) xuất bản ở trong nước và xuất hiện trên tạp chí Hợp Lưu.

Trong Hỏi Đường Cùng Mây Trắng, không chỉ mỗi màu trắng mà đã nhiều sắc màu, một mình hoặc đã pha trộn cho bức tranh lạ lẫm hơn, độc đáo hơn, hình ảnh của thi-tứ đậm đà nét quyến rủ, của kín đáo thiền-thi. Như màu “nhã xanh” trong Bài Đêm, Tôi Đắm, Mắt Như Thuyền:

“Đêm chuyền giọt
Đêm nhã xanh
Đêm lững thững, lá
Đêm lanh lảnh, huyền”

Hay màu vàng pha:

“Im hờn
nắng thú hình hoa
bóng di
hoen lá
vàng
pha phách người…”

(Trừu Tượng)

Hay màu trắng trong Ngập Ngừng Chiều Xuống Còn Đâu:

“Nắng lên
Xô trắng giàn mây
Cào cào
Búng nhảy
Trên vai địa cầu…”

Năm 2018, Huy Tưởng phát hành tập Những Màu Âm Xô Giạt đặc trị thơ Tự-do và đã sử dụng cách chấm câu cùng khắp – và viết tiếp không khoảng cách (space), như con chữ bị … xô giạt. Hai năm sau, Huy Tưởng trở lại với thơ Lục-bát, với Đêm Vang Hình Tiếng Chuông (Văn Học Press, 2020) với 197 bài thơ của nhà thơ Huy Tưởng (và 10 họa phẩm của họa sĩ Trương Đình Uyên khá ăn ý với thơ, giúp liên tưởng, gợi hình). Tất cả đều là lục bát biến thể, cách tân, với cách ngắt dòng, chấm câu và xuống hàng theo độc đáo riêng. Đa số là lục bát 4 dòng, có khi ngắt dòng câu lục hay câu bát để thành các dòng hai chữ hay bốn chữ. Mỗi bài thường vỏn vẹn gói trong 4 câu lục bát dù nhảy/kéo dài đến 8, 10, 12 câu – 10 như bài 197-Tiếng Lời Ít Ỏi với hai đoạn:

“vốn tôi
ít chữ.vụng lời
trí tâm chưa đủ như người tài hoa
nuôi lòng
tát cạn bao la
lay thức tịch lặng.âm ba đất trời!
đành thôi.
ít ỏi tiếng lời
đường mây trắng sẽ tuyệt vời
lãng du…”

Dấu chấm giữa dòng - có khi hơn một lần, phải chăng để nhấn mạnh sự cắt đứt, phân lìa hoặc dứt khoát của tư duy, tâm tưởng? Câu thơ đọc lên như âm thanh tắc nghẹn:

“chiều.không nguôi cơn sốt trắng
tôi nằm nghe.đêm lắng một màu âm
hoa.trút lời câm dã thú
tiếng chim gù.vần vụ mỗi tàn phai...”
(Lời Câm Dã Thú-bài 29)

Không hẳn, vì bài 38-Bóng Chiều Vơi Cạn, các dấu chấm khiến người thưởng thức có thể tùy tiện ngưng giây lát, nhưng theo thiển ý, khác với dấu chấm chính tả, các dấu chấm ở đây không ảnh hưởng gì đến toàn bộ thi-bản, như những … hạt bụi trên màn ảnh bản in!

Ngày vừa rộ bóng.gióng hoa
tiếng xanh ngần ngật.chim sa lưng trời
lạc trong cảnh giới.mình tôi
thân cô chiết liễu.chiều vơi cạn.dần...

Lục bát xưa tượng hình qua hình ảnh hay ẩn dụ khéo dùng, nay Huy Tưởng qua hình thể của bài thơ: các câu, dòng, dài ngắn bất thường cùng chấm câu đã tạo thành “hình tiếng chuông” như tựa thi tập. Tài tình cấu trúc nên hình cái chuông - không, hình tiếng chuông, tức là cái được nhà thơ sáng tạo nên vừa là âm thanh vừa là hình ảnh như cái chuông. Xin đan cử một vài:

“tiếng chim.tát cạn câu thơ
ngoài khung cửa cũng bất ngờ.tắt hoa
tôi từ mông muội.bước ra
đưa tay hái lọn trăng tà.lau đêm…”
(Tiếng Chim, bài 166)

“Hình tiếng chuông” cũng đa dạng, đủ cung bậc và hình dạng, tùy cảnh vật và tâm trạng của nhà thơ. Nghĩa là có khi đơn thuần một cái chuông, có khi thành hình nhiều tầng như âm vang tiếng chuông. Đây là điểm son của thơ lục bát trong tập. Bài Tiếng Lời Ít Ỏi trích ở trên gợi hình ảnh đa-tầng của sự vật. Bài 66-Cảm Thán cái chuông rõ nét hình – chuông thật ra là hình ảnh trừu tượng, dáng vẻ vô định:

“trên cao
tắt một đọt màu
chiều nghiêng trầm lắng
gió lau hồi còi
cỏ cây.giun dế.con người
ra đi
sao cứ lắng lời
xa nhau
!?

“Hình tiếng chuông” xoay ngược khi Chàng “Sơn Núi” Đã Lặng Lẽ Ra Đi, cũng là tựa bài 78:

“đá im khàn giọng.chim rừng
sơn núi lặng chết.như từng lặng thinh
lặng thinh
trần trụi riêng mình
phất tay
nện một chày kinh.
bỏ về...”

Lục bát Huy Tưởng ở đây còn mang những sắc màu cho “hình tiếng chuông”. Thi ca như hội họa biểu diễn trực tuyến. Màu ở đây sinh động, chuyển hóa, theo vị trí, tầm nhìn hoặc tâm trạng. Như “trong trầm tích những mầu âm / quạ kêu một tiếng / sập lam cả chiều“ (Bài 51-Tiếng Quạ Kêu,). Như “Tiếng Màu Còn Vang” hay Tím Ngát Hồi Chuông-bài 74:

“lá nghiêng.nắng chếch lưng đồi
vành khuyên cất tiếng.trĩu lời tà dương
bất ngờ
tím ngát hồi chuông
gió mưa dồn vách.mây trườn dặm khuya...”

Còn hoàng hôn nào đẹp hơn “hoàng hôn” được nêng niu chạm trổ:

“một mai
trái đất có chìm
xin em
cố giữ trăng im trong hồn
anh sẽ
chạm trổ hoàng hôn
chiều lam tất tả.đêm dồn dập.xanh...”

Khác với Thơ cụ-thể với những bài thơ tạo hình đến với người thưởng ngoạn bằng âm thanh hoặc bằng thị giác thay vì bằng tâm thức, lục bát “hình tiếng chuông” của Huy Tưởng tượng hình cùng với âm thanh và tâm thức: con chữ vang tiếng thơ, chạm đến tâm hồn và vận động trí tưởng, ba yếu tố tạo thành “hình tiếng chuông”. Cách thể hiện tượng hình – cái chuông, cũng là cách tượng hình của chữ Hán, như chữ nữ nếu cần có thể vẽ thon nhỏ hoặc rộng khổ, khiến người đọc chữ thảo hình dung được.

Về ngâm nga thì ca dao, Đoạn Trường Tân Thanh hay Lục Vân Tiên đều có thể ngâm – và cả theo âm điệu địa phương; nhưng lục bát ở Đêm Vang Hình Tiếng Chuông, chủ yếu là đọc và đọc bằng mắt, hơn là ngâm nga... Tuy vậy, Huy Tưởng đã khá thành công tượng hình, tượng thanh qua bài Bài 145-Ca Dao Nam Bộ:

“bìm bịp kêu nước.giọng khàn
ca dao nam bộ nồng nàn.vì đâu
chiều qua.bậu mớm đôi câu
hôm sau ta đẩy ghe bầu.hái trăng!…”

Bài 147-Thác Ngàn Datanla Khản Giọng nếu đọc lên cũng không xa cách ngắt câu lục bát đã quen:

“thác ngàn khản giọng trong đêm
đá vang rêu phủ tiếng bìm bịp.kêu
hồn em.giục giã trong chiều
truông ngàn sập bóng.đêm liều lĩnh.buông”

Và cứ thế, 197 bài lục bát tượng-hình tiếng chuông, vang lên trong đêm, lúc hoàng hôn, của thiên nhiên và tâm thức. Từ những “vách đêm rêu quạnh”, “tiếng rằm lênh đênh”, “tiếng đêm tách hạt” đến “cỏ hoa ướm lời” và (tạm!) kết thúc lúc “trĩu nặng tà dương”, bốn phần phân biệt rõ cái không thể chia phân, đó là cõi thơ của bóng đêm, của những hình tượng chuông, âm thanh và màu sắc của bóng xế và chìm khuất. Những tựa thơ với dấu phẩy (,) như mời gọi đi tiếp thi-ca vào đêm, vào u minh nhân thế và cõi nghệ thuật của Huy Tưởng; người thưởng ngoạn thơ cũng có thể đi tiếp đến dấu chấm câu gặp đầu tiên. Cùng những thi-tứ của người xưa, những chuyện thần thoại, cổ điển (Giả Đào, Lý Bạch, Hạ Tri Chương, Hoàng Hạc Lâu,...). Tất nhiên, thiên nhiên, cảnh trí – hùng vĩ có, nhỏ nhoi quê mùa có, ở quê nhà Việt-Nam cũng như nước Úc tạm dung cũng ắp đầy trí tưởng thi nhân và nhập vào thơ.

Thể loại lục bát đến Đêm Vang Hình Tiếng Chuông thiển nghĩ là đã sở đắc một thứ ngôn ngữ tiềm lắng cần được nắm bắt một cách nghệ thuật qua âm vang và hình ảnh! Tự thi-bản thơ đã là một vũ trụ, một khối tự lập hình thành từ nhiều cấu trúc, yếu tố, và một khi đã thành, trở nên một ngôn ngữ riêng biệt! Thi-bản / văn-bản phân phối lại Lời / Ngôn ngữ, nhưng ngôn ngữ cũng phân phối lại văn bản: những câu lục bát bị cắt, chấm câu, xuống hàng và viết hoa theo nhịp điệu, ý thơ, cụ thể tượng hình cái chuông hoặc gì khác đã đến với người thưởng thức như một văn bản mới và như một ngôn ngữ thơ lục bát mới, khác. Thơ cần hình thức để dễ nhận diện, đó là lý do tại sao Tân Hình Thức vẫn giữ hình thức thơ. Nhưng theo thiển ý hình thức thơ chưa đủ, đã là thơ thì phải có tính-thơ - có thi-tính, thơ mới đạt được cảm xúc, có cảm xúc mới đi đến vấn đề khái niệm hóa và từ đó mới có lý thuyết, lý luận thi ca! Thơ là để cảm (tự cảm), tìm đồng cảm, đánh động tâm linh, tâm thức – mình cũng như người. Sáng tạo trong thơ là tác động cá nhân, riêng tư, như Thiền tịnh, nhưng một khi đăng báo, xuất bản, thơ mang thêm ý nghĩa xã hội, văn hóa rồi - trước khi trở thành một lý thuyết, trường phái. Canh tân, làm mới, phải có ý thức mỹ học trước rồi đưa đến tiêu hóa sau mới ra đời thành nghệ thuật! Thơ hôm nay đòi hỏi độc giả “mới” nhưng hình như giới này thu hẹp, chia phân! Và như thế, dù ở thể-loại nào thì thơ cũng đang ở nhiều ngã ba đường! Huy Tưởng là một trong những nhà thơ đã làm cho lục bát tiến xa hơn thời đại. Chúc mừng!