Thể-loại Tự-truyện với “Chơn Cáo Tự Sự”

Nguyễn Vy Khanh

Ngay từ đầu thế kỷ XX, văn-học chữ quốc ngữ Việt-Nam đã có tự-truyện với tác-phẩm đầu tiên là Chơn Cáo Tự Sự của Michel Tính. CHƠN CÁO TỰ SỰ “La petite biographie de Michel Tinh par lui même” do nhà Phát Toán Libraire Imprimerie, 55-57-59 Rue d’Ormay Saigon xuất bản tháng Octobre 1910. Truyện dày 37 trang, cuối tập ghi là “fin du premier volume” tức hết tập đầu - nhưng thư-tịch không ghi nhận có tập sau – mà tác-giả cũng ghi ở trang 37 cuối tập “Từ đây tôi ngưng chuyện tôi, thoản như tôi còn sống lâu năm, tôi s(ẻ) chép thêm những điều xãy đến n(ử)a”.

Cũng cần ghi nhận việc tác-giả chú ở giữa trang đầu “Nếu quyển nào của tôi phát ra mà không có ký tên tôi, thì không gọi là sách thiệt của tôi” kèm theo chữ ký Michel Tính như đánh dấu bản quyền (copyright) hoặc để tránh việc in ấn mà không có sự đồng ý của ông.

Tựa là Chơn Cáo Tự Sự nghĩa là “thành thật tự thưa kể chuyện mình” (có vài tài liệu ghi sai là “Chồn Cáo Tự Sự” có thể vì liên tưởng “cáo, chồn”).

Trước khi vào tự-sự, ngay trang đầu, tác giả đã nhắn gửi độc-giả một cách khiêm tốn:

“Kính cáo:

Vẫn tôi là một học trò hèn khó hồi lúc thiếu niên; nên việc học hành còn thưa thớt. Nếu tôi có chép ra điều chi sai lỗi, xin chư vị khán quan hãy lấy lòng rộng, dung và chớ bắt bẻ tôi là đứa đã dung tài trong việc học”.

CHƠN CÁO TỰ SỰ

Tác-phẩm gồm 15 “đoạn” (chương) kể lại thời thơ ấu khốn khổ của mình, phải tự lực nhiều mới có phần nào học vấn và dám mở mặt nhìn đời; ở thì phải ở nhờ ông bà ngoại (sau khi mẹ mất), cả người dưng mà lại tốt (bà Cả, Thầy, ông Huyện, Đốc học, ông Ký, ...).

“Tự sự” này còn có thể được hiểu là một gia phả: Michel Tính kể rõ tên thật tên gọi của cha mẹ và họ hàng nội ngoại, kèm theo liên-hệ gia-đình, việc làm và chỗ ở của họ cùng ngày tháng xảy ra sự việc. Cha ông mất vợ sớm, tái giá với hai người khác; ông khắc nghiệt đánh đập bà kế đầu mà tác-giả quý mến (“rất lương thiện”), ra sao, chỉ hơn một năm là mất. Rồi bà sau nữa thì ác độc - tác-giả nghĩ là cha mình phải trả nợ “Cha tôi chịu trần gian với bà kế mẫu sau nầy năm nay đã có hơn ba mươi năm, mình dầm sương, đầu phơi nắng ghe phen khổ não mà nợ trần chưa dứt”. Viết ra điều này, ông đã xin lỗi cha mình: “Con lạy cha, con xin cha tha lỗi cho con đặng mà chỉ điều tiền nhựt cho con cái nó đặng thấy, và con ước ao cho lớp sau nó biết tu nhơn tích đức mà thế lại cho ông bà cha mẹ nó, hầu ngày sau cho thế đại vinh xương, vì Chúa Tạo-hóa càn(g) khôn, mắt xem thấu r(ỏ) gan ruột mỗi người. Bởi cha hiền lành và để đức lại nên con nay ít phải trần ai lao khổ” (tr. 7).

Mẹ mất, kế mẫu tốt cũng chết, ông về ở với ông bà ngoại được thương yêu thì trong nhà có “bà mợ dâu” tàn độc với cậu nhỏ Michel Tính. Ông tả về hình trạng bà mợ (“mở”): “Người mặt trẹt, hình tích hùng lệt, bộ đi tướng đứng giống như con choắc-chòe, còn lời ăn nói như gừng với ớt, và lòng chứa đầy sâu-độc (thiệt là hữu ư trung hình ư ngoại) ”. Ngay từ những ngày đầu, “mở để riêng cho tôi ăn một cái chén mẻ miệng một miếng bằng hai ngón tay, bà ngoại tôi thấy vậy liền nổi giận mà giựt cái chén cơm đổ phứt đi, và lấy cái chén kiểu lành tốt mà cho tôi ăn...”. Và bao chuyện khác, như “đập đại cây đuốc cháy trên đầu tôi” khi cùng bà đi soi nhái đầu mùa mưa, v.v. ông đều viết tả lại tất cả, dù nhỏ để con cháu “nó nghe, vì lòng độc nhỏ mọn cũng là độc” (tr. 8), và “cho con cái tôi được biết việc tân khổ tôi hồi lúc thiếu niên, song tôi cũng rán bền lòng, vì tôi mồ côi mẹ rất sớm, vô phước nên phải chịu” (tr. 10).

Ông bị ho suyển từ nhỏ “đến nổi khòm lưng” nhưng bà mợ dâu luôn xét nét bắt làm dù là việc khó nặng nhọc. Vậy mà khi người cha tìm thăm thì ông trốn, sợ bị đưa về ở với bà mẹ kế ác kia.

Khi viết tự sự này, bà mợ dâu “cũng còn sống, tôi thấy mở mà thương hại, mang một bịnh ho lao, ho tổn, đã nhiều năm rồi, ho đêm ngày cành cạch, tiếng tăm đà gần tắc, mình mẩy gầy guộc, còn da bọc xương, mệt nhọc chẳng biết bao nhiêu. Rõ ràng vậy, chớ chẳng phải tôi trù ẻo chi...”. Ông kể mà không sợ con của câu mợ phiền, vì muốn “ngày sau nó có răn mình, và đừng bắt chươc những điều vô nhơn bất đước, vì Hoàng-thiên hữu nhãn rất công” (tr. 11).

Từ Đoạn 5 kể chuyện học của tác-giả – thời đó đi học khá cực khổ. Xin ghi lại đoạn tả: “học thì ngồi dưới đất, ngồi trên ngạch c(ữ)a, ngồi trên tấm ván tập viết nước, trừ ra có mấy anh nghe sách, thì được ngồi trên ghế.

Giấy mực sách vở hồi đó còn thốn thiếu lắm, tập viết chẳng phải dùng giấy mực mà tập, viết thì viết trên tấm lá chuối khô, viết trên tấm ván, hình như tấm thớp, với một cây cọ và một cụ(t) đất sét nắn vuôn tượng bằng cổ chưn, hể mỗi lần viết, thì phải có một chỉnh nước để một bên, nhểu nước trên t(ắ)m ván, đoạn lấy cục đất sét mài ra, rồi cầm cây cọ mà viết, hể viết một chữ, bôi qua một cái, rồi viết chữ khác, bôi hoài bôi hủy mà tập cho đến hết cái vở. Tập rồi, tay chơn, quần áo lấm mem, tay rờ tới đâu thì lấm tới đó, rò tới vở lấm vở, rờ tới áo lấm áo, dơ dáy chẳng biết bao nhiêu, dầu vậy mà ai cũng rán, miễn học cho hay chữ thì thôi. Còn đi học thì mang theo trước bụng một cục mực tòn ten, quần áo vấy mực, nếu không săn sóc thì rận sanh ra nhiều lắm, chẳng mấy khi được giặt quần áo bằng xà bong sạch s(ẻ) như bây giờ. Ngày nay quần ủi, áo ủi, chệt giặt trắng phau phau, sánh lại với lúc đó sướng cực cũng xứng nhau...” (tr. 12).

Các Đoạn 9-10, ông cũng cho biết việc theo đạo Công-giáo đã gặp nhiều trở ngại, khó khăn ngay từ trong gia-đình, “bà con thân tộc ” ra đến những người như ông Ký cho ở đậu ăn học đuổi tác-giả không lý do. Sau khi ông chịu phép rửa tội trở lại đạo Công-giáo - lúc đã hơn 14 tuổi, trở về quê “viến(g) bà con thân tộc, ai nấy đều không thèm muốn ngó mặt tôi. Bà cô tôi là bà Năm, bà nuôi em tôi là con Ý, khi trước bả yêu dấu tôi lắm, năn(g) châu cấp bạc tiền cho đặng mua sách vở viết mực, và sắm quần áo. Đến nay đam lòng hờn tôi nhiều lắm, và trách tôi sao có cả gan mà giữ đạo, đặng bỏ ông bỏ bà bỏ cha mẹ, bắt tội tôi rằng thất hiếu thất trung, ai ai cũng gọi tôi là đứa bạc.

Cả và bà con bên ngoại tôi đều không ưa tôi (…). Tức muốn bể mặt bể tim vì lòng không bạc sao gọi rằng bạc, cũng như không lỗi mà phải bị gia hình, trái tim tôi muốn rướm máu mà cũng can tâm chịu chữ bạc (…).

Trở về đây coi thế ít kẻ ưa, người này nhạo đạo Đ.C.G. một tiếng, người khác nhạo một tiếng nói những đ(i)ều sỉ nhục Đ.C.G. Lạy Đ.C.G. Tôi xin chia cùng Chúa những đ(i)ều người ngoại đạo khinh khi đạo Chúa.

Lòng tôi khi ấy chua xót biết bao nhiêu nhưng mà cảm ơn Chúa chí từ rất linh chẳng có phụ tôi là kẻ mới làm con Chúa, kẻ mới được vào số binh lính Chúa...” (tr. 22-23).

Đoạn 15 kể chuyện công thành danh toại, bỏ làm thông ngôn kinh lý (piqueur interprète) ở Mỹ Tho, lập gia-đình riêng và làm quản lý cửa hàng (“clerc de commerce”) rồi lên làm “đại lý nhơn” thay chủ người Đức làm việc với sở Quan thuế xuất nhập cảng, “Từ khi ấy tôi được bình an, chẳng còn bị hiếp đáp, hoạn nạn như buổi ở với một bà mợ dâu tôi” (tr. 32).

Hiện thực: Michel Tình là nhà văn tả chân hiện thực vào những năm đầu thế kỷ 20. Ông tiếp nối con đường đã được mở bởi nhà tiểu-thuyết tiền phong Nguyễn Trọng Quản. Trước đó văn-học truyền thống chỉ có kỹ thuật miêu tả theo lối chấm phá hoặc tham chiếu. Từ nay, tả thực đã là một thành tố quan trọng của quan niệm về tiểu thuyết. Với phương Tây, tiểu thuyết hiện đại đi đôi với kỹ thuật miêu tả và tả thực. Tả thực còn có nghĩa là đối lập với những gì hoang đường, dị đoan thường bắt gặp trong các chuyện kể thần thoại và trong các truyện dịch từ chữ Hán.

Trong tự thuật đời mình, qua người thật, việc thật từng xảy ra, Michel Tính đã cho biết về sinh hoạt của người nông dân ven biển của miền Nam vào cuối thế kỷ 19 như công việc đồng áng, đời-sống gia-đình và gia tộc, các đám tang (mẹ và bà ngoại tác-giả), đám cưới (và mai mối, của chính tác-giả), bên cạnh những hủ tục chồng đánh vợ, dì ghẻ hà khắc với con riêng của chồng, mợ dâu, v.v. Việc học chữ ở nhà quê (năm tuổi, học từ sách “Huấn mông”, học thầy lớp, hình phạt đeo “gông bẹn” bằng bẹ chuối tươi đi diểu hành từ đầu làng cuối làng, thưởng thì được “c(ữ) lên làm Giám, làm Biện, làm Thủ, có tiếng tung hô”,...), theo tác-giả mà lên quận rồi tỉnh thành, việc học tiếng Pháp (Lang-sa) cùng các sinh hoạt buôn bán, công ty, giao tiếp xã-hội ở các thành phố.

Nhìn chung, dù theo tây học và đạo Công-giáo, nhưng tác-giả vẫn chứng tỏ chịu ảnh hưởng nặng đạo-lý ông bà tổ tiên và tư tưởng nho giáo. Ông tin vào triết lý ân đền oán trả cũng như làm lành sẽ được đền bù, làm ác sẽ bị Trời phạt và ở đời thịnh-suy có lúc, ... Ông đề cao ân-nghĩa ở đời và lòng biết ơn nhất đối với những người thầy đã dạy học trò những điều nhân nghĩa, phải trái và đặc-biệt đem chính bản thân mình mà nêu gương đạo lý. Như sau một lần Michel Tính trốn học bị thầy cho học trò tìm bắt đưa về trường lớp, ông bị phạt “đóng trăn(g)” bằng giây - sau này ông nói với con cháu: “Ớ các con cái tôi, và mấy em út, bây giờ, nếu thầy có đánh hay là có sai đi bắt các con cái, hay là em út, thì phải cám ơn thầy cho lắm, vì thầy muốn làm ơn cho con cái, và em út đặng nên người và ở đời vơi thiên-hạ. Chớ chắng phải, bắt mà làm ích chi cho thầy (...)

Bụi khỏa lắp chôn cây ngọc đi rất sớm, thiệt tôi rất thương tiếc thầy và cảm ơn thầy, gần một năm rưởi thầy đã công lao cùng tôi mà dạy dỗ tôi, không có ăn tiền” (tr. 17, 18).

Michel Tính cuối sách cho biết có mục đích khi viết tập hồi-ký này là “có ý nhắc tích để lại cho con cái tôi, nó được biết điều tân khổ của cha nó đã chịu mà cũng bền lòng gắn(g) chí, lo học hành cho đến nay, làm việc kiếm tiền được mà nuôi lại nó, cho ăn, đi học. Bởi có chịu sự khó nhọc, bởi có uống sự cay đắng, nên mới có được chú(c) đĩnh ngọt ngào. Vã lại tôi tưởng chẳng có chi bằng sự bền lòng, bền chí, và ăn ngay ở thật. Vậy các con tôi, r(ũ)i như cha mẹ có thác sớm, thì các con hãy rán bền lòng bền chí, dầu cho có tân tan hoạn nạn, đi nữa, cũng rán mà chịu và ra công học hành cho được thì sau các con chắc s(ẻ) được bình an hoan lạc ” (tr. 36).

Như vậy, đây là một sách luân-lý, đạo nghĩa gia-đình, tác-giả ghi lại cuộc đời gian nan của chính ông để truyền dạy con cháu và độc giả người ngoài có thể noi theo hoặc rút kinh-nghiệm từ cuộc-đời và những việc đã xảy ra cho ông, - vì đó là thời văn-hóa xã-hội Nam-kỳ thuộc địa đầy dẫy va chạm Đông-Tây, ngoài-trong đó.

Ngôn-ngữ ở tập tự-sự đầu tiên này là tiếng nói của đời-sống thường ngày ở miền Nam lục-tỉnh thời bấy giờ, trong số có những tiếng nay không còn được sử-dụng như “hảng thật” (tr. 6), “thoản như” (tr. 37), “khoe khoan(g) thinh giá” (danh giá, tr. 36),... Và chữ Hán được sử-dụng khi cần đến như: “ba mươi đời lạc diệp thì qui căn” (lá rụng về cội, tr. 23), “lương duơn” (lương duyên, tr. 29), v.v.

Nói chung, Chơn Cáo Tự Sự đã là bước đầu của thể-loại tự truyện, hồi-ký. Dù câu văn nhiều phương ngữ của thời đại, nhưng tác-giả đã thành công trong bước tiền phong của mình. Gần 20 năm sau, Tản Đà có những tập văn xuôi tự sự như Giấc Mộng Lớn kể chuyện lận đận thi cử, nợ nần, v.v. Nhà thơ Tản Đà cũng đã đóng góp mở đường cho tiểu thuyết văn xuôi, dù ở ông, văn vẫn còn nhiều biền ngẫu và gần với thi ca. Giấc Mộng Lớn (1929) đã đến gần thể tiểu thuyết dù tính chất tự truyện vẫn là chính. Ông viết trong Lời Tựa tập sau cùng:

“Vậy thời Giấc Mộng Lớn là một tập ký thực chăng. Hoặc có người hỏi như thế, tác giả thực khó trả lời. Đã gọi là mộng thời sao gọi là kỳ thực. Vậy thời giấc mộng lớn là một cuốn tiểu thuyết chăng? Hoặc có người hỏi chơi như thế, tác giả lại càng khó trả lời. Có sự thực mới chép, thời không phải là tiểu thuyết. Thôi thời ký thực hay tiểu thuyết, tự độc giả muốn cho sao thời là sao. Tác giả chỉ cứ theo sự thực chiêm bao mà tùy ý chép ra không có mạch lạc, không có quy tắc, không kể việc khinh việc trọng, không hiềm cái dở cái hay muốn lược thời lược, muốn tường thời tường, chẳng qua là một cuốn văn chơi, tưởng cũng không quan hệ đến những sự phẩm bình của các bậc đại nhã cao nhân vậy”[1].

Sau đó, văn-học tiền chiến sẽ có tự truyện Những Ngày Thơ Ấu (1938) của Nguyên Hồng, Dã Tràng (1939) của Thiết Can. Lan Khai có tự truyện Mực Mài Nước Mắt[2] qua nhân-vật nhà văn tên Khải. Năm 1942, Vũ Bằng đã đăng từng kỳ trên báo Trung Bắc chủ nhật rồi hai năm sau, 1944, xuất bản cuốn tự truyện Cai gây sôi nổi ở Hà-Nội một thời: văn tự truyện ở đây đi sâu vào đời sống cá nhân riêng tư, cho người đọc biết những góc khuất buồn vui cuộc đời của nhà văn [sau tái bản đổi tựa là Phù Dung Ơi, Vĩnh Biệt!]. Tô Hoài có bộ tự truyện gồm bốn tập Cỏ Dại, Tự Truyện, Những Gương Mặt, Cát Bụi Chân Ai xuất bản từ 1944 đến 1988 nhưng tập đầu đáng kể hơn cả!

Đến vào giai đoạn cuối thế kỷ XX mới thật sự bành trướng thể loại tự truyện nhưng vẫn tương đối ít tác phẩm lớn vì đa phần chỉ là những hồi ký nhẹ tính văn chương. Có thể cái Tôi không đủ hấp dẫn bằng những đề tài thời sự, xã hội nóng bỏng suốt cả thế kỷ (chế độ thực dân, những phong trào chống Pháp, cách mạng, hai thế chiến rồi chiến tranh liên tục đến 1975, cuối thế kỷ là chống Cộng dưới hình thức mới, nhân sự mới,...), cũng như ảnh hưởng đời sống mới với truyền hình, phim ảnh,... Cái Tôi vẫn còn đây nhưng phần Tôi cao cả - tôn giáo, chính trị, phải hư hao mất.

Cái Tôi vào cuối thế kỷ XX này dù vậy là cái Tôi của sự thật, là công cụ cho sự thật dù có sự thật mất lòng, đau lòng... như phản bội, vô luân,... Làm như muốn đụng tới sự thật, làm nhân chứng, tự truyện, động tác kể truyện trở thành thú tội với người đọc - một hành động được xem là can đảm, thành thật. Một cái Tôi loại mới. Thế Uyên trong Không Một Vòng Hoa Cho Người Chiến Bại [3] có nhiều tính tự truyện khi viết lại những tình cảm, bản năng bên cạnh những ý thức, tư duy văn hóa của những nhân vật có nhiệt huyết phản kháng lại những hư nát và dấn thân đổi mới xã hội.

Có sự khác-biệt giữa hai loại tự-sự tiểu-thuyết và tự-sự hồi-ký khi tự-sự tiểu-thuyết mang tính văn-chương, trong khi tự-sự hồi-ký mang tính thông tin. Loại đầu tiểu thuyết hóa cái Tôi, tiểu thuyết đời sống và con người tác giả; nghĩa là vay mượn dù chỉ phần nào. Tác giả chủ động trong vai người kể chuyện và là nhân vật chính thường xưng “tôi” mà cũng có thể ngôi thứ ba hay mang tên một nhân-vật. Người Nhật vốn có truyền thống trân quý thể loại tự truyện, nhật ký, du ký. Ở Việt Nam thời lịch triều, các nhà Nho thường dùng truyện xưa tích cũ – thường là xa xôi bên Tàu và tự thuở xưa nào, để gửi gấm, nói lên tâm sự và thường dùng ngôi thứ ba. Nguyễn Gia Thiều mượn tâm sự cung nữ, Nguyễn Du mượn chuyện đoạn trường của nàng Kiều thời Gia Tĩnh nhà Minh bên Trung quốc để nói lên tân thanh của riêng ông.

Gần suốt cả thế kỷ XX và phần đầu thế kỷ XXI, dù vậy cũng ít tác giả Việt-Nam đưa cái Tôi thật vào văn chương, có chăng cũng phải văn chương hóa, tiểu thuyết hóa – gần suốt vì sau biến cố 30-4-1975, đã có khá nhiều hồi-ký về tù “cải tạo”, đời-sống lưu vong hay phản kháng, v.v. Một thể-loại đòi hỏi người viết vượt được dư luận và thành thật nếu muốn thành công hấp dẫn người đọc và sống lâu cùng văn-học sử! Chơn Cáo Tự Sự ngay từ năm 1910 đã có được những đặc tính thiết yếu đó, chỉ tiếc là tự truyện này đã không được văn học sử ghi công và do đó đã phần nào rơi vào quên lãng!

_____________

Chú-thích

Chúng tôi sử-dụng văn bản gốc: Michel Tính. Chơn Cáo Tự Sự “La petite biographie de Michel Tinh par lui même” (Saigon: Phát Toán Libraire Imprimerie, Octobre 1910). Và chúng tôi ghi trong ngoặc đơn những phương ngữ và chữ dùng xưa.

[1] Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Giấc Mộng Lớn (Hải Phòng: Tản Đà Thư-cục, 1929), tr. 6.

[2] Lan Khai. Mực Mài Nước Mắt (Hà-Nội: Đời Mới, 1941).

[3] Thế Uyên. Không Một Vòng Hoa Cho Người Chiến Bại (Los Alamitos CA: Xuân Thu, 1999).