Trần Văn Nam: nhà thơ và lý luận văn-học


Trần Văn Nam (1939-2018)
Ông sanh ngày 18-11-1939 tại Bến Tre. Học tiểu học ở Nha Trang và Tháp Chàm. Học trung học ở Nha Trang và Sài Gòn. Tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn, khóa Việt Văn cấp tốc 1967. Tốt nghiệp Cử Nhân Giáo Khoa Triết Học Tây Phương, Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn, năm 1973. Giáo-sư Việt Văn và Triết ở các tỉnh Miền Tây (Vĩnh Long, Sa Ðéc, Kiên Giang).

Trần Văn Nam sớm có bài đăng trên Nhân Loại (thơ Phương Ấy, Về Thị Thành, Sơn Cước,...), rồi Văn, Văn-Học, Nghệ Thuật, Khai Phá, Văn Khoa, Đối Thoại, Trình Bầy, Vấn-Đề, Thời Tập,... Tác-giả tập nhận định Văn Nghệ Đã Đi Đến Đâu? Từ 1954 Đến Bây Giờ - Phụ Tập: Thơ Và Triết Học - Trường Ca Của Dòng Sông Xuyên Á (TGXB, 1966 - 32 tr.). Tư tưởng, lý luận theo khuynh-hướng hiện sinh: Tập Thơ Độc Nhất (thơ và triết học; Trình Bầy 1963) và Tập Thơ Bổ Khuyết (TGXB, 1964) - trong cả hai tập, Trần Văn Nam đã áp dụng triết-học Hiện-sinh vào thi ca và văn-chương - thi ca ở đây được xem như là phương tiện đến với triết lý đồng thời như là mục-đích của cả triết lý lẫn thi ca đồng thời ông đã thử đưa vào thi ca những ý niệm/nhận thức siêu hình về con người.

Đến Hoa-Kỳ cuối năm 1981, ban đầu ở Virginia rồi định cư ở California. Thời hải-ngoại, ông cộng tác với báo Dân Chúng (California) và các tạp-chí Hợp Lưu, Văn, Khởi Hành, Thư Quán Bản Thảo, Văn Nghệ,... và đã xuất-bản thi-phẩm Một Đêm Cho Thơ, Tình và Âm Nhạc (thơ kèm nhạc phổ; Nam Cali: NXB Đời, 1991) cùng hai biên-khảo Trong Dòng Cảm Thức Văn Học Miền Nam (sưu tầm và tiểu-luận, 64 bài; Walnut CA: TGXB, 2006, 556 tr.) và Tiếp Nối Dòng Cảm Thức Văn Học Sau Năm 1975 (tiểu-luận, cũng 64 bài; TGXB, “Amazon.com” ấn-hành, 2016, 550 tr.). Ông mất ngày 10-1-2018 tại California, sau một thời-gian bạo bệnh; một năm sau các văn hữu tuyển in tập Bốn Mươi Bài Thơ Tuyển (Nhân Ảnh, 2019).

Văn sử và lý luận văn-học

Trước năm 1975, Trần Văn Nam là một trong những người đầu tiên đưa lý luận văn-học áp-dụng vào văn-học sử Việt-Nam. Trong Văn Nghệ Đã Đi Đến Đâu? Từ 1954 Đến Bây Giờ, ông đã đặc-biệt có những quan sát và nhận định về sinh hoạt văn-học ở miền Nam: Dư vang văn-nghệ lãng-mạn tiền chiến và văn-nghệ chiến khu, Văn-nghệ khởi lên từ cuộc di cư, Văn-nghệ mới với nhóm Sáng-Tạo, Thời kỳ văn-chương và siêu hình học, Văn-nghệ sau ngày 1-11-1963 và cuối cùng, Đường đi của hơn 10 năm văn-nghệ. Ông đã sớm có cái nhìn về giá trị văn-chương của các sản phẩm xuất-bản và đã nhận định về thời 1965-66: “... văn-chương đang tìm về nghệ-thuật muôn đời, văn-chương đang tìm về ước vọng của con người ngàn năm, văn-chương đang tìm về Viễn Mơ thanh bình chứ không phải hiện thực xã-hội ...” và ông đã khẳng định rằng “không” cho câu hỏi “tác-phẩm vị nhân sinh nào tồn tại đến bây giờ?”. Và Triết học Tây phương đã và đang hướng về phía Đông, “trở về tâm giới, được coi như một cuộc hành hương trở về quê nhà”, thì nghệ-thuật cũng vậy, “sau những quyến rũ của danh nghĩa viết bằng chữ hioa; những danh từ kêu lới: Vị nhân sinh, nhân bản, Dấn thân, Đầu thế, Triết lý, Siêu hình, văn-nghệ đã trở về ngôi nhà đích thực của mình đã bỏ quên là nghệ-thuật thuần túy. Nghệ-thuật là cái Đẹp sau những phong ba của thực tế; cũng như con chim kêu ghềnh núi không hẳn là tiếng kêu thương thảng thốt mưu sinh, mà có khi là tiếng kêu ca ngợi cuộc đời. Hành trình trở về nhà của văn-nghệ không phải là một con đường vạch sẵn do một lý thuyết hướng dẫn, mà là con đường lần mò do sự kiện văn-nghệ diễn tiến phô bày lần lượt trong hơn 10 năm văn-nghệ ...” (tr. 15-16) – đó cũng là lý do mà bản đăng tạp-chí Văn Học có tựa “Văn Nghệ Đã Đi Về Đâu? Lược trình văn-học sử kể từ 1954, và viết theo lập trường vị nghệ-thuật”!

Trần Văn Nam đã có những bài viết đáng kể trên tạp-chí như “Văn-chương tìm về viễn mơ hay hiện thực?” (Vấn-Đề, 7, 10-1967) và sau đó, bài “Góp phần luận về văn-chương viễn mơ” (Trình Bầy, số 42, 2-9-1972) đề cao văn-chương thuần túy do cấu trúc qua Mai Thảo và Nguyễn Tuân, nêu vấn-đề văn-chương quá viễn mơ cũng như khuynh-hướng đã “mang gió bụi chiến-tranh vào văn-chương” là để nhắc nhở, cổ động cho một văn-học hiện-đại và đáp ứng nhu cầu người đọc và người viết ở thời điểm cuối thập niên 1960 - Bài đã được Thế Nguyên sử-dụng làm cái cớ chính thức đình bản tờ tạp-chí: ”chúng tôi cảm thấy không thể nào chấp nhận được bất cứ một ý định nào nhằm buộc văn chương phải lấy việc “phục vụ cái Ðẹp” làm bổn phận duy nhất. Chính vì lý do đó, mà sau số báo này, tờ Trình Bầy sẽ đình bản”). Và Thế Nguyên cũng từng trích ra bài này để dẫn chứng phản bác trong “Văn-chương trước những mưu đồ bất chính của hệ thống chiến-tranh lạnh” nói lên ước mơ quay mặt với hiện thực đen tối. Ông viết: “Chủ trương ngoài thời thế thì phải đề cao văn chương vụ hình thức. Đề cao văn chương vụ hình thức thì lấy điển hình sẽ không còn ai thể hiện rõ ràng hơn bút pháp cầu kỳ của hai nhà văn này (nếu ta nói là văn chương sang cả thì chỉ nhấn mạnh nội dung hơn hình thức). Bị ngộ nhận từ “văn chương thiên về cấu trúc mỹ cảm” thành “văn chương của đời sống giàu sang” nên mới có những bình phẩm khuynh hướng trên là “nền văn chương ngoại lai viễn mơ của các thế lực đế quốc trá hình”.

Vấn-đề văn-chương viễn mơ từng được hơn một lần nêu lên nhưng chưa thật sự có tranh luận thỏa đáng đúng nghĩa. Thật ra, có hai thứ “viễn mơ” đã được bàn tới trong giai đoạn văn-học miền Nam này, một “viễn mơ” mà nhóm Trình Bày và Đất Nước đề cập, phê phán là viễn mơ kiểu nghệ-thuật vị nghệ-thuật, là “hành trình từ hữu hạn hướng về vô hạn”, rời xa hiện thực của đất nước. Thế Nguyên, Nguyên Sa và Nguyễn Văn Trung nêu đích danh nhóm Sáng Tạo làm văn-chương viễn mơ, ‘lãng-mạn’ và không đề cập đến những vấn-đề nóng bỏng của dân-tộc và đất nước trước cuộc chiến ngày càng lan rộng (cũng như văn-chương vượt thời-gian và không-gian của nhóm Văn-Hóa Ngày Nay) đồng thời họ chủ trương văn-chương phải ‘dấn thân’, hết còn có thể ẩn núp trong ‘tháp ngà’ và lý tưởng vô thưởng vô phạt (Trong bài “Rời bỏ nền văn-chương trú ẩn” trên Đất Nước (2, 12-1967), Nguyên Sa phản bác thứ văn-chương ông gọi là “trú ẩn”, là “theo đuôi” của những Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Khắc Khoan,…). Nhóm Thái Độ cũng cùng chủ trương dấn thân, “nhà văn phải liên đới chặt chẽ với đồng loại”. Trong khi đó, Trần Văn Nam (trên Vấn Đề số 7, 10-1967, và Trình Bầy, 42, 2-9-1972) nêu vấn-đề văn-chương quá viễn mơ cũng như khuynh-hướng đã “mang gió bụi chiến-tranh vào văn-chương” là để nhắc nhở, cổ động cho một văn-học hiện-đại và đáp ứng nhu cầu người đọc và người viết ở thời điểm cuối thập niên 1960.

Và trên tuần báo Khởi Hành (số 42, 26-2-1970) qua bài “Văn chương tươi mát đã đi vào thời đại”, Trần Văn Nam xác nhận cái ý hướng muốn tách ra khỏi ảnh hưởng cửa triết lý hiện sinh chán chường và hư vô chủ nghĩa của một số tác-giả thời này. Dưới đề mục “Ðẹp, Thật, và Phê-bình Cơ cấu”, Trần Văn Nam phân tích: “Nhà văn là kẻ đăm chiêu với ngôn ngữ. Nhưng nếu không bó buộc nhà văn phải nói lên điều gì về tư tưởng, thì cũng phải hỏi nhà văn đăm chiêu với ngôn ngữ để làm gì? Có hai cách trả lời. Ðăm chiêu với ngôn ngữ để diễn tả cho thật, trình bày cho sống động một quang cảnh đời, đó là khuynh hướng của văn chương hiện thực xã hội. Và đăm chiêu với ngôn ngữ để diễn tả cho đẹp, cho rung động về mỹ cảm, đó là khuynh hướng của văn chương vị nghệ thuật. Dĩ nhiên tả thực hay tả đẹp đều đòi hỏi sự xúc cảm tâm tình của nhà văn, nếu không thì tác phẩm không có dấu ấn của bản ngã, của tâm tính người sáng tác. Sự phân chia vị nghệ thuật hay vị nhân sinh là phân chia theo hai quan điểm đối lập, còn có khuynh hướng trung dung trộn lẫn hai quan điểm như nhà thơ Nguyên Sa đã nhiều lần bày tỏ trên tạp chí “Tiếng Nói”, và còn có người nằm trong khuynh hướng này mà sử dụng chất liệu của khuynh hướng kia như nhà văn Thanh Tam Tuyền trong cuốn “Dọc đường”. Lối tả thực một cách sống động của Thanh Tâm Tuyền trong tác phẩm này không có khuynh hướng hiện thực xã hội, hiện thực phê phán. Có lẽ ông chỉ sử dụng chất liệu đời sống hàng ngày không có chút gì thơ mộng để phản ứng lại lối dùng văn nghiêng về trí thức thời Tự Lực Văn đoàn hay ước lệ sáo ngữ thời cổ điển. Ông nằm trong khuynh hướng lấy đời thường làm đối tượng; nhưng chủ đích vẫn là nghệ thuật, nghệ thuật là mục đích chứ không phải phương tiện...” [Sau này, Trần Văn Nam xuất-bản tập Trong Dòng Cảm Thức Văn Học Miền Nam - Nhận Định Thi Ca Hải Ngoại” (tr. 469) cho biết “Văn chương tìm về Viễn Mơ hay Hiện Thực” là bài của ông đã đăng trong tạp chí Vấn-Đề số 7 (1967) trước đó và đã được nhà văn Thế Nguyên trích ra dẫn chứng viết phản bác trong tiểu luận “Văn chương trước những mưu đồ bất chính của hệ thống chiến tranh lạnh”, trích ra nhưng không để tên người viết Trần Văn Nam].

Trên tuần báo Khởi Hành ( số 42, 26-2-1970), trong bài “Văn-chương tươi mát đã đi vào thời đại”, Trần Văn Nam bầy tỏ ý hướng muốn tách ra khỏi ảnh-hưởng của triết lý hiện sinh chán chường và hư-vô chủ nghĩa của một số tác-giả thời này: ... Mai Thảo thuộc nhóm các nhà văn đăm chiêu về việc viết văn… đăm chiêu với văn chương để làm gì, chẳng phải là đi tìm một tương quan đẹp của từ ngữ phối hợp hay sao?... Những đề tài như “Đêm Xuân Trăng Sáng”, “Kể Chuyện Trong Đêm” (của Võ Phiến) đã biểu lộ tính chất và nguồn rung cảm mỹ thuật của nhà văn sau những băn khoăn thời cuộc, những lo toan chính trị… Khi mà nhà văn Thế Nguyên của Tạp chí “Đất Nước” ca tụng giá trị thực tế của sự truyền thông bằng vệ tinh nhân tạo, nhà thơ Viên Linh của tuần báo Khởi Hành (trong số đặc biệt: Một Vừng Trăng Khác) tuyên bố từ nay thi ca xin rút chân ra khỏi thiên thể này khi khoa học đã đặt chân xuống nguyệt cầu, làm lộ liễu hành tinh ước mơ của nhân loại. Trong ngày nguyệt tận của vũ trụ, nhà thơ đi tìm một vừng trăng khác… Trong khi những nhà văn lớn đã lần lượt vượt qua thời kỳ (thời kỳ màu xám của Thanh Tâm Tuyền; màu đỏ của Võ Phiến, màu đen của Nguyễn Thị Hoàng) thì các nhà văn nhỏ hơn lại tiếp tục làm văn chương nổi loạn siêu hình của hư vô chủ nghĩa. Họ tiếp tục làm dáng văn nghệ hiện sinh với vấn đề dục tính”.

Ghi nhận thêm ở đây bài thơ văn xuôi trong “Tập Thơ Độc Nhất” xuất-bản năm 1963, đăng lại trong tạp chí Thời Tập (Westminster CA, số 3, 1990), nhan đề Nhền Nhện Và Dã Tràng:

“Một đêm đen như mực bầu trời không trăng sao, nhền nhện từ trong một góc rừng chập choạng trên con đường gió thổi, lần mò xuống bãi biển thì thầm với dã tràng như sau đây: Nó kể chuyện một đêm mon men đến gần nhà tiên tri Zarathoustra đang giảng dạy cho bọn đệ tử ngồi chung quanh một chiếc cột trụ có ghi hàng chữ “Khoảnh Khắc”đánh dấu phía sau là con đường dĩ vãng mất hút vào Vĩnh Cửu và phía trước là con đường tương lai mù mịt kéo dài đến Vô Biên.

Nhà tiên tri cho biết mọi vật khi đã đi đến đây kể cả ngài và con nhện đang chậm chạp bò dưới ánh trăng trên sườn đồi đều phải trải qua từ con đường quá khứ rồi sẽ trở về từ con đường tương lai phía trước để sống lại cuộc đời tiền kiếp nơi Cột Trụ Khoảnh Khắc này.

Dã tràng nghe kể như vậy gật gù công nhận mình cũng đã tái-hồi vĩnh-viễn sống lại cuộc đời cũ cách đây hàng triệu năm lịch sử để hoài công lặp đi lặp lại công việc xe cát tìm tòi nơi biển Đông bởi vì ngày xưa nó lỡ làm rơi một viên ngọc quý xuống đáy trùng dương vô tận.

Dã tràng cho rằng bao nhiêu loài côn trùng khác từ con muỗi đi tìm ba giọt máu đến con ve ve sống âm thầm trong lòng đất hơn mười bảy năm trời, tất cả đều đã trở về vĩnh viễn sống lại cuộc đời tiền kiếp ở nơi đây nên mãi mãi còn rỉ rả dọc theo bờ biển dài suốt một đêm không trăng sao”
(Trần Văn Nam – Thơ Và Triết học/ Văn ảnh)

Hay:

“Rồi bỗng thời-gian cũng lặng lờ
Nghe từ góc bể vẫn xa mơ
Nghe đâu dưới đáy mồ vô tận
Sương khói ngàn khơi trải vật vờ...”
(“Tập Thơ Độc Nhất”)

Nội dung siêu hình và sự đào sâu tâm lý dưới dạng văn-ảnh và huyền-truyện, đã làm nên thi tính trong triết học và Trần Văn Nam đã áp dụng tính chất văn ảnh có chất thơ ấy trong một số sáng-tác như bài Nhền Nhện Và Dã Tràng vừa trích (cũng như bài Con Sông Dài Qua Kinh Thành Cũ) – như ông cho biết muốn “diễn tả triết học qua thi ca, nhắm đưa ra một vài tư tưởng trừu tượng vào nghệ thuật gợi hình”. Phần chúng tôi gọi là “thơ văn xuôi” là nói về hình-thức, vì với tác-giả họ Trần, “văn ảnh” trong triết học thường ở dạng văn xuôi!

Mặt khác, trước sau, Trần Văn Nam vẫn chủ trì “Thơ đẹp là một vận chuyển toàn bộ” như bài ông viết trên tạp-chí Văn (“Đường bay của Nghệ Thuật, Họa và Thơ Văn”. Văn, số 142, 15-11-1969). Theo ông, cảm thức cái đẹp của thi ca xuất phát từ kinh-nghiệm sáng-tác thơ, đó là một vận chuyển từ cuộc đời và nghệ-thuật và là một vận chuyển nối kết các từ ngữ thẩm mỹ – ông đã trích dẫn thơ ông và của một số nhà thơ thời trước 1960 để luận chứng. Có thể xem đây là một thứ “thi ca tự truyện” mà mỗi con chữ, ý, tình phải “đi vào tiểu sử” người sáng-tác, độc giả mới hiểu hết được cái thẩm mỹ của văn bản thi ca.

Trần Văn Nam ở hải-ngoại, trong bài viết ‘‘Nhân Có Tập Văn Đưa Triết Học Vào Sáng Tác, Nhớ Lại Đặc Điểm Một Thời Kỳ’’ cho rằng: “Có thể nói thời ấy là thời của bốn nguồn tư tưởng lớn. Thứ nhất, Triết học Karl Marx, phát huy do chính thể miền Bắc, nhưng chính quyền miền Nam đối lập nên đã là nguồn bàn luận lai vãng gây lưu ý cho giới sáng tác. Thứ hai, Triết lý Thần Học Thiên Chúa Giáo, phát huy dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm thành Chủ Nghĩa Nhân Vị. Thứ ba, Triết Học Phật Giáo, phát huy sau năm 1963 lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, đem đến luồng cảm hứng sáng tác đồng điệu với những diệu vợi của Thiền Tông trong Văn chương Nhật Bản; và huyền ảo từ kinh sách Ấn Độ và Tây Tạng. Thứ tư, Triết học Hiện Sinh, luồng tư tưởng được đề cập đến nhiều trong giới văn nghệ với hai ngành Hiện Sinh Hữu Thần của các triết gia Gabriel Marcel, Karl Jaspers; và Hiện Sinh Vô Thần với Sartre, Heidegger (có thể thêm: nguồn sâu thẳm do từ những cuốn sách phân tích tinh vi kỳ diệu Hiện Tượng Luận của Husserl và Merleau Ponty; và nguồn tìm thấy lại những tương đồng đã viễn kiến từ lâu của Nietzsche)” (Tiếp Nối Dòng Cảm Thức..., tr. 14).

Người làm nghệ-thuật từ nay khởi đi từ thân phận con người, từ những kinh qua, bão táp cuộc đời, tiếng hót từ nay sẽ lánh lót hơn mà cũng gần gũi hơn! Như văn học phản chiến trước 1975 nói chung và phần nào đã là những phẩn uất của trí thức nhưng không tiếng nói, những người dấn thân chính trị nhưng không có đất đứng. Xã hội điêu tàn, giá trị văn hóa đảo lộn, người miền Nam nạn nhân của chiến-tranh nhưng kêu gọi tình huynh-đệ và (vô tình) đòi giải quyết chiến-tranh và chuẩn bị hòa-bình. Về phía chính quyền và các cơ quan văn-hóa miền Nam thì nhắm mục-đích thông tin và tác chiến tinh thần hơn là tuyên truyền! Văn chương chống cộng trở nên quen thuộc, mất dần thị hiếu trên thị trường chữ nghĩa, trong khi đó văn học hiện sinh, ‘tiểu thuyết mới’ với bao phụ tùng khác ngày càng bành trướng. Phía các nhà văn từng chống Cộng triệt để, có người từ bỏ cuộc chiến đó, như Trần Văn Nam đã nhận xét: ‘‘Từ bỏ cuộc chiến khác với phản chiến. Phản chiến là thái độ ở phía chống đối chiến tranh. Còn đây là thái độ trước ở phía chủ chiến, nhưng sau từ bỏ vì một lý do nào đó’’ (‘‘Thơ Lúc Từ Bỏ Cuộc Chiến’’. Khởi Hành CA, số 12, 10-1997) - tiếc là họ Trần không trích và nêu tên nhà văn thơ Việt nào.

Như vậy, với Trần Văn Nam, văn-chương phải chạm đến cõi siêu hình nhưng đồng thời phải mang các chất hiện thực và thẩm mỹ tính! Và ông đã liên tục đi tìm cách-thế nghệ-thuật thể hiện sáng-tác cho riêng mình và giải mã tinh túy văn-học nói chung, thi ca cách riêng. Trần Văn Nam và các chủ biên các tập san Văn Chương, Chủ Đề,... đã cổ võ cái mới, cái “hiện-đại”, nhưng chưa đủ thời-gian cho có các tác-phẩm chín tới thì đã xảy ra biến cố 30-4-1975.

Từ năm 1981, lưu vong, sống xa đất nước, Trần Văn Nam tiếp tục làm văn thơ và suy nghĩ về thi-ca, văn-học, với các bài nhận định, phân tích các tác-giả và tác-phẩm Việt-Nam trước sau 1975, các tác-giả ngoại quốc cùng các khuynh-hướng, phong trào văn-chương mới hoặc xa lại đối với người Việt. Tuyển tập Trong Dòng Cảm Thức Văn-Học Miền Nam – Phân Định Thi Ca Hải-Ngoại “sưu tầm và tiểu luận” (2006) tập hợp các bài viết về các vấn-đề, biến cố và thể-loại văn-học thuộc giai đoạn Văn-học Miền Nam và Văn-học Hải-ngoại – trong đó có một ít bài viết đã đăng tạp-chí văn-học trước 1975. Tháng 2-2016, ông xuất-bản tiếp tuyển tập tiểu luận Tiếp Nối Dòng Cảm Thức Văn Học Sau Năm 1975. Ở Trần Văn Nam, đó là những nhận định chuẩn xác, những cảm nhận tinh tế về thi ca và văn-chương, văn-học, đối với một thành phần độc giả có kiến thức và trong cuộc. Ông tiếp tục nhận định, phân tích các sinh hoạt văn-chương, các phong trào, khuynh-hướng, các tác-giả và tác-phẩm gửi đăng trên các tạp-chí và diễn đàn Internet cho đến ngày ông mất, 10-1-2018. [Chúng tôi đã từng được ông ưu ái viết cho một bài nhận định sâu sắc về bộ biên-khảo Văn Học Miền Nam 1954-1975 ngay sau khi vừa xuất-bản vào mùa Thu 2016 – bài viết đã được đăng trên một số tạp-chí hải-ngoại và các trang mạng Internet, bài “Văn Học Miền Nam 1954-1975 của Nguyễn Vy Khanh: động cơ thực Hiện công trình và ý thức hạn chế”].

- Về văn-học hải-ngoại, qua hai tuyển tập biên-khảo, tiểu luận đã xuất-bản, ông đã nhiều lần nói đến, như các bài “Văn-học hải-ngoại như một món quà cho quê-hương”, “Văn-học hải-ngoại có gì lạ cho quê-hương”“Văn Học Hải Ngoại, Những Dấu Hiệu Hiện-Đại-Hóa Trong Thơ”, “Văn-học Hải-ngoại: Hồi ức các dữ liệu ở Little Sài-Gòn ...”, …

Trong “Văn-học hải-ngoại như một món quà cho quê-hương”, ông nhận ra văn-học người Việt ở ngoài đã là những món quà phục vụ chính-trị, món quà văn-chương hiện thực đời-sống, món quà thuần túy văn-chương, món quà ngôn-ngữ tinh luyện, món quà của truyền thống dân-tộc, và đi đến kết luận mong đợi nhiều ở các “thế hệ thứ hai, thứ ba tốt nghiệp từ các trường đại học ở hải-ngoại”!

Cũng văn-học hải-ngoại, ông có nhiều nhận định, khám phá về thơ văn của các tác-giả lọt vào “mắt xanh” Trần Văn Nam như Giang Hữu Tuyên (Hai bài thơ trong thời-cuộc mà như đứng ngoài; Nhà thơ Hải quân nhưng tâm hồn hướng về châu thổ hơn là về Đại dương), Nguyễn Văn Sâm, Thái Tú Hạp, Mai Thảo, Lâm Hảo Dũng, Thảo Trường, Nguyễn Mạnh Trinh, Luân Hoán, Viên Linh, Lữ Quỳnh, Đặng Phú Phong,… hoặc còn ở trong nước như Khuất Đầu, Phù Hư, Lê Văn Trung,...

- Thể-loại, đề tài, văn ảnh mới hoặc qua cái nhìn mới, ‘hải-ngoại’:

  • Thơ với đề-tài vật lý vũ trụ;
  • Việt Ngữ tương giao Văn Học và Triết Học viết từ năm 1950 của G.S. Trần Đức Thảo
  • Chất Thơ Trong Triết Học;
  • Chất Thơ và Thi hóa;
  • Ma lực ngôn-ngữ;
  • Thơ tình phổ quát và Thơ tình hải-ngoại;
  • Thơ siêu-hình muôn thuở, Thơ siêu-hình hải-ngoại;
  • Thơ Vắt Dòng, một hiện-tượng thi ca hải-ngoại;
  • Thơ Hậu-hiện-đại Hoa-Kỳ và Thơ Tân Hình-Thức;
  • Ba lối hội nhập đất mới trong thơ hải-ngoại;
  • Thơ Đẹp là một vận chuyển toàn bộ;
  • Những văn-ảnh có chất Thơ trong Triết học;
  • Thể cách Lục Bát Tập Trung (Nguyễn Đức Sơn) và thể cách Thơ Đối Thoại (Hoàng Cầm, Thanh Tịnh, Huyền Kiêu)
  • Nghĩ về Thơ Biểu Cảm và Thơ Biện Luận (qua thơ của Thành Tôn);
  • Thơ Tình Huyền diệu pha lẫn Phàm tục, so với thơ Tình thuần chất huyền diệu (qua thơ Trần Yên Hòa);
  • Vai-trò của ẩn dụ mỹ cảm;
  • Quy tụ thơ hoài hương vào những vùng trọng điểm;
  • Định kiến, cơ duyên, và ước nguyện: vài cảm nghĩ về văn-chương-Blog;
  • Văn chương bên lề cuộc chiến và thơ lúc từ bỏ cuộc chiến;

- Đặc-biệt, Trần Văn Nam khá vấn vương các lãnh vực thơ-nhạc, phim ảnh:

  • Những truyện ngắn Việt-Nam làm liên tưởng đến Điện ảnh;
  • Văn-học và Âm nhạc: có nên đề cập tới tính văn-chương trong nhạc thời chiến ở miền Nam?
  • Tại sao ta ít nhớ thơ-nhạc thời mới khởi phát chiến-tranh?
  • Một thời kỷ niệm những ấn loát phẩm Thơ-Họa-Nhạc;
  • Thử phân biệt bài hát có tính truyện, lời thơ bâng khuâng, và ca từ huyền diệu;
  • Đôi dòng thơ nhạc kỷ niệm Sài Gòn khiến ta tìm dến những di tích cổ;
  • Bắt gặp những chi tiết hiếm quý trong ký sự phim ảnh;
  • Văn Học Và Âm Nhạc: Có Nên Đề Cập Tới Tính Văn Chương Trong Nhạc Thời Chiến ở Miền Nam?
  • Có hay không sự chuyển đổi tình cảm trong thơ phổ nhạc?
  • Lịch sử và địa lý trong văn chương (Thấy hiện-thể qua ký-sự phim ảnh)

- Trở lại thời văn-học trước 1975, với cảm nhận mới:

  • Ca dao miền Nam, có phải Lâm-Vị-Thủy đã làm thơ phóng tác ?
  • Dẫn khởi từ thơ Đinh Hùng, nghĩ về nhạc Schubert với hai lời Việt;
  • Ghi lại chất thơ của Huy Phương sáu mươi năm trước;
  • Nhạc-tính vần trắc của Thanh Tâm Tuyền và Từ ngữ ma lực của Tô Thùy Yên;
  • Nghĩ về di-cảo mấy ngàn trang của một nhà thơ yểu mệnh (Nh. Tay Ngàn);
  • Dương Nghiễm Mậu, Thử xét giới hạn ba lối viết trong ba thời kỳ;
  • Những chi tiết mới về văn-học qua phỏng vấn của Nguiễn Ngu Í; v.v.

Ở trên, chúng tôi ghi lại một số tựa bài viết của Trần Văn Nam nhất là về văn-học hải-ngoại đặc-biệt về thi-ca. Ông còn là một nhà thơ đặc-biệt với những thi-văn ảnh và đề tài độc đáo của riêng ông.

Nhà thơ Trần Văn Nam

Trong thời văn-học trước biến cố 30-4-1975, triết lý đã là văn-chương; triết lý ảnh-hưởng đến văn-chương và ngược lại, văn-chương cũng ảnh-hưởng lên triết lý. Như thi ca của những Holderlin, Rainer M. Rilke và M. Heidegger, hay tác-phẩm văn-chương của J-P Sartre, ... (bên cạnh những Saint John Perse, Péguy, Lamartine, Claudel, ...). Người ta thường xếp vào loại văn-chương triết lý các nhà văn Nhất Hạnh, Phổ Đức, Hoài Khanh, Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn (Vọng 1972), hoặc Nguyễn Thị Hoàng, Trần Thị Ng.H. Khuynh-hướng triết lý đã thực sự với những Nguyễn Xuân Hoàng, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Nhật Duật, Trần Nhựt Tân, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, ...

Riêng nhà thơ Trần Văn Nam đã đưa nhận thức siêu hình vào thi ca,... khởi với tập Tập Thơ Độc Nhất gổm 3 phần Thơ và Triết học - Thơ và Giai đoạn - Thơ và Thơ. Trong phần đầu, nhà thơ cho biết “diễn tả triết học qua thi ca, nhắm đưa ra một vài tư tưởng trừu tượng vào nghệ-thuật gợi hình” và ông đã đưa các triết gia vào thơ hay nói khác, viết thành thơ nhân nói về Hegel, Husserl, Sartre, Jean Wahl, Nietzsche, Feuerbach, Schopenhauer và Lão Tử. Thơ cảm thức ở đây có chiều dài và chiều sâu chữ nghĩa, mang nhạc tính và hình ảnh đời thường. Trong khí đó ở 2 phần sau, nhà thơ sử-dụng những thể-loại cổ đã quen với những hình ảnh và tâm tình nhẹ nhàng, Thơ và Giai đoạn 6 bài, Thơ và Thơ cũng 6 bài mà bài đầu hình tượng thơ như sau:

“Từ thuở dừng chân ở lại đây
Biển xanh giải rộng vào chân mây
Chiều hôm cát bãi dài xa thẳm
Từng vũng hoàng hôn phủ xuống đầy
Muôn thuở trùng dương chẳng nói gì
Trông vời sương bạc phủ ngang mi
Người xa biết đến bao giờ lại
Người ở khi nào mới bỏ đi”
(Niềm Im Lặng Của Trùng Dương)

Một bài khác, Con Sông Dài Qua Kinh Thành Cũ ghi ở đầu bài “Chính con người tạo ra thời-gian mặc cho ngoại giới một ý nghĩa. Theo Husserl” – có thể là khơi nguồn cảm hứng cho nhà thơ:

“Chiều hôm qua cũng như chiều nay có một người đàn ông mặc đồ nỉ xám ra bến tàu nhìn hằng giờ trên dòng sông vẫn miên man trôi về nơi vô tận,
Đóm lửa xòe lên qua điếu thuốc nằm trễ dài trên đôi môi mím chặt vẽ u hoài của nét mặt trầm ngâm...
Dăm cầu tàu quạnh quẽ nhớ nhung dài theo cuộc hành trình sáng hôm qua đã ra miền trùng dương cao rộng,
Những con tàu còn lại đây sao nằm im lìm trong hơi nước hay sương mù của cơn mưa vừa tạnh giữa chiều nay.
Dòng sông đã trôi qua miền bình nguyên bao la để đem đêm về đây, bên kinh thành vẫn huy hoàng trong điệu nhạc Valse muôn đời kỳ ảo,
Sao người vẫn u buồn nhìn dòng nước thời-gian đi từ nguồn quá-khứ dang hiện-tại là nơi đây để ngày mai về miền biển cả ngàn khơi.
Người ơi! Thực ra dòng nước vô tri ngàn năm vẫn chỉ là hiện-tại không bao giờ có dĩ vãng cũng không về với nghìn sau ảo tưởng,
Chính vì người đang mơ màng một cuộc hành trình xa xăm bỏ lại nơi kinh thành quen thuộc mà u hoài trên bến nước thời-gian”.

Đúng là thơ triết lý nhưng thi tính vẫn tròn đầy, và Trần Văn Nam đã là một trong những nhà thơ xuôi của đầu thập niên 1960 (Xin để ý các dấu chấm câu). Đầu tập thơ, tác-giả ghi chú: “sau khi xuất-bản tập thơ này tác-giả tự nguyện sẽ vĩnh viễn không bao giờ làm thơ nữa” (TGXB, 1963) nhưng/cho nên có thêm Tập Thơ Bổ Khuyết (TGXB, 1963) – gồm 20 bài thơ chia làm 2 phần thơ triết học và thơ cũ và chuyện tình đầu.

Thi ca Trần Văn Nam khởi đi với nội dung siêu hình và sự đào sâu tâm lý dưới dạng văn-ảnh và huyền-truyện cho nên thơ ông mang những cảnh sắc khác với các nhà thơ đồng thời. Nhà thơ lại có chủ-đích muốn sáng tác “văn-ảnh theo thể thơ-văn-xuôi” sau khi chung đụng với triết học, không nghiêng nhiều về tư tưởng, như qua các bài Về Thị Thành, Đại Lộ Hoàng Hôn, Niềm Im Lặng Của Trùng Dương, Tiếng Sáo Trương Chi,... Trần Văn Nam từng muốn thi ca hòa đồng với thiên nhiên, như mời gọi sống an nhiên, tâm thức như chủ động rời xa chiến-tranh – một cách siêu hình luận. Trường Ca Á Châu đã mở bài như sau:

“Dòng sông không phải bắt nguồn từ không gian
Của bình nguyên truyết trắng
Qua rừng núi bạt ngàn
Dòng sông đã bắt nguồn từ thời-gian
Do tình thương quá-khứ
Do muôn trùng kỷ niệm miên man
Dòng nước ra đi từ đất lành
Vang xa tiếng hát ru con của quê-hương thời tuổi mộng
Bên cầu tàu Mỹ-tho đèn lu đèn tỏ
Nhớ về Saigon đèn ngọn đỏ ngọn xanh (…)”

Dòng sông trở nên Á châu len lỏi / hùng vĩ khắp vùng Đông Nam Á, cũng là nơi con người tranh chấp lãnh thổ, quyền lực. Và bài kết thúc:

“(…) Xứ của mai rừng ẩn sĩ
Người của chiến quốc lao lung
Nước chảy vào đây tìm đường kết hợp
Nối những trời mây Đại-Đông-Á muôn trùng
Bởi vì đâu mà tranh chấp
Sao chẳng hòa đồng hát bản tình chung
Việt-Nam là cửa biển / Ai-Lao Cam-bốt là miền Trung
Miến-Điện Thái-Lan biên bờ xanh mát
Gió không nhà trên rừng bụi cây rung
Dòng Mékong trườn đi thông suốt
Đại-dương-ca trên sông biếc chập chùng”


(Nghệ Thuật, số Xuân Bính Ngọ 1966, tr. 14. Sau này, Trần Văn Nam đổi tựa thành Ngược Dòng Vạn Dặm Trường Giang).

Thời hải-ngoại, Trần Văn Nam đã cố gắng tìm một lối sáng tác thơ riêng. Thơ vượt mặt đất để đến với vũ trụ bao la, xa xôi, đưa con người và thi ca nhập hồn vũ trụ – vũ trụ với ông nay như không còn là “văn ảnh” hay thế-giới mơ hồ của thi nhân từ nhiều ngàn năm, như ông bình luận trong bài “Vật lý kỳ diệu chưa phải là thơ”: “Kỳ diệu của vật lý hạch tâm, kỳ diệu của vật lý vũ trụ, kỳ diệu của cái nhìn y khoa về cơ thể con người, đó chưa phải là thơ. Nếu đồng hóa, chính là vì tác giả quá cảm kích, tưởng kỳ diệu khoa học đã là thơ. Ví dụ kỳ diệu của trọng lực khủng khiếp nơi vực trời Black Hole, có người đồng hóa điều đó với thơ…” (Trong Dòng Cảm Thức..., tr. 6).

Trần Văn Nam đã khởi đi với những bài như Vành Ðai Tro Bụi:

“Quá giải Ngân Hà bãi ngọc trai
Một vì sao nổ chói vành đai
Vành ngoài tro bụi hào quang tụ
Sóng đến ta mất ba tháng dài
Vành trong tia chớp đến ta lâu
Hơn một năm sau tới địa cầu
Sai biệt thời gian vành ánh sáng
Tính cùng tốc độ thành chiều sâu
Sai biệt làm đơn vị xa xôi
Làm thời gian đo đạc pha phôi
Ngân Hà chín vạn năm qua giáp
Sao khuất nào triệu triệu dặm soi
Vùng tối Tinh Vân nơi hóa sinh
Thoát hình sao mới từ u minh
Bụi hơi cuồn cuộn nguồn quang tuyến
Trọng lực kết tinh sao chuyển mình
Thiên thể vần xoay kết tụ bè
Thiên hà vào quỹ đạo hôn mê
Rải trời ngàn bãi sao lênh láng
Trái đất tìm đo sóng dội về.
Viễn vọng thăm dò cuối giải sao
Nghe mà tưởng tượng mình tiêu dao
Tưởng chừng trái đất gần nhau lắm
Quê cũ đâu đây biển sóng gào”.

Và ông còn sáng-tác 9 bài thơ với đề tài Vật lý vũ trụ: Viễn Khách Ngàn Năm, Lốc Xoáy, Tháng Tám Nhiều Sao Băng, Sử Ghi Từ Đời Tống, Hố Đen Black Hole Có Thật, Lửa Tập Trung, Vô Tuyến Từ Giải Ngân Hà, Quái Vật Vũ Trụ, Quần Tụ Rải Rác. Xin ghi lại ba bài:

“Tần số chu kỳ ánh sáng xaĐến từ thăm thẳm những thiên hà
Mỗi đêm thưa bớt vòng truyền sóng
Vì vũ trụ này giãn nở ra.

Vang động Ngân Hà trên cõi cao
Đang vào cơn trốt chuyển, lao đao
Lực gì khiến thiên hà xoáy lốc
Lực của Rún Trời mạnh xiết bao.

Ta lắng tai nghe vô bến bờ
Bên thềm khuya khoắt đêm xanh lơ
Đem lòng phơi trải vào cao rộng
Khi phố buồn yên lặng ngủ mơ.

Hình như có hạt bụi chơi vơi
Có giọt sương khuya xuống rạc rời
Sinh vật hành trình vào số kiếp
Đến rồi đi, một cuộc rong chơi.

Ếch ngồi đáy giếng đoán trời mưa
Con kiến truyền tin gió đổi mùa
Nhân thế phóng tâm dò vũ trụ
Biết mà chơi, biết mấy cho vừa.

Trăng sáng đầu giường vọng cố hương
Bên kia giờ ngọ, đây đêm trường
Vòm sao còn ở tầm trông thấy
Thì bán cầu nào phải viễn phương” (Lốc Xoáy).

“Tháng tám trời khuya quẹt lửa diêm
Sao băng từng chập rọi vô biên
Có đêm liên tục rồi thưa hẳn
Như một định ngày tự cõi thiên.

Bởi Địa Cầu xoay tới điểm giao
Gặp dòng thiên thạch vút lao đao
Đá trời, vụn mảnh, bay rầm rập
Sức mạnh vận hành, vũ trụ chao.

Những tảng dị hình muôn cổ sơ
Tuân theo quỹ đạo tự bao giờ
Vụn từ tan rã hành tinh đụng
Trên cõi ngàn năm như nhởn nhơ.

Trái Đất hút, nguồn lực chứa chan
Đá vào khí quyển, cháy tro than
Cả đêm, sao xẹt rừng thông lớn
Những đốm tàn hơi xuống bãi ngàn.

Cổ đại nghìn thu đá trước thềm
Còn là quá trẻ với tầng trên
Đá này đá nọ bao nhiêu tuổi
Ở với đời người mấy kiếp thêm”
(Tháng Tám Nhiều Sao Băng)

“Viễn-vọng-kính phóng lên thượng tầng
Hướng về chi chít giải sao giăng
Giữa Thiên Hà, Vực Trời xoay chuyển
Vòng xoáy ngoài, ngàn tia phát quang.

Trước khi hút xuống vũng-càn-khôn
Vẩn thạch, hành tinh, chạy dập dồn
Tia cực tím khó vào Trái Đất
Chính từ vực thẳm bắn ra luôn.

Đo tia cực tím xuyên qua trời
Gần miệng vực, càng rải khắp nơi
Quả có Vực Trời đang hiện diện
Lực vào sức hút biệt tăm hơi.

Nhìn trời tự hỏi ta nơi đâu
Dù ở Đông hay Tây bán cầu
Dù nắng quê là đêm viễn xứ
Địa Cầu xanh nhỏ biển năm châu.

Trăng lặn phương nào ở chốn xa
Cuối đêm mọc sáng giải Ngân Hà
Nhìn Thiên Hà giữa lòng cao thẳm
Mà thấy thế gian chỉ một nhà.

Vạn niên ánh sáng, muôn trời sâu
So với cuộc đời khoảnh khắc mau
Trái Đất ta đang vòng quỹ đạo
Xứ người, quê cũ, khác gì nhau.

Tàu vũ trụ về Trái Đất quen
Báo tin tìm thấy Vực Trời đen
Nghe như bốn biển vòng quanh nhỏ
Và nghĩ quê mình chỉ kế bên”
(Hố Đen Black Hole Có Thật)

Từ đời-sống hiện thực, từ những sinh hoạt, quan sát, nhà thơ đã có những cảm nghiệm thành thơ, như những bài Thiết Lộ Khuất, Tiếng Cúc-Cu Trên Thành Phố Walnut, Con Đường Mang Tên Đại-tá Grimaud, Lả Trắng Hoa Bay, Cây Xăng 24 Giờ, Parking Lot Ở Trên Cao, Chuyến Tàu Và Dĩ Vãng Đan Chen,... Ngoài ra ông còn có những bài lục-bát “thi hóa những cảnh vật đời thường, hoặc cảnh vật đô thị”. Xin trích bài Chuyến Xe Lửa Trong Đêm Nguyệt Thực:

“Quá nửa khuya rồi đó
Trăng đang ngã về Tây
Tôi ra ngoài hóng mát
Có nguyệt thực đêm nay.

Vang tiếng còi xe lửa
Lúc nguyệt thực đến giờ
Nửa vầng trăng cuối tháng
Mất hẳn trong huyền mơ.

Mười lăm phút biệt dạng
Hiện lại bóng nguyệt tà
Nhưng bây giờ, trăng thấp
Dưới rặng cây mờ xa.

Như có điều phối hợp
Hội tụ về nơi đây
Nếu nửa giờ chậm lại
Nguyệt thực khuất ngàn cây.

Chậm lại, làm sao thấy
Hiện tượng của đất trời
Tôi ngồi đây khuya khoắt
Cũng là điều hiếm hoi.

Nguyệt thực giờ trăng lặn
Tiếng còi gợi hứng thơ
Một đêm ngoài hiên vắng
Những liên kết tình cờ”
(8-2009)

Các bộ môn nghệ-thuật cũng đưa tác-giả trở lại với thơ – cũng như với lý luận văn-học qua một số nhận định. Tiêu biểu thơ loại này là bài Ảo Giác Trong Bản Đàn Độc Tấu:

“Ngón tay bấm, và ngón rung, ngón vuốt
Mưa âm thanh trên mấy sợi tơ đồng
Đường giây đàn thành đại lộ mênh mông
Có bóng em cùng anh đi chung bước
Những dấu nhạc ký âm qua lướt thướt
Cũng biến thành hoa đẹp áo em bay
Trên đường xưa, vạt áo em tròn xoay
Đã gói trọn hồn anh thời tuổi trẻ
Anh gõ nhịp trên thân đàn nhè nhẹ
Lại thấy em nhảy múa điệu tình ca
Tiếng vỗ xập xình là nhịp đập tim ta
Gót chân em dặt dìu trong xa vắng
Duy chỉ có tiếng em là im lặng
Không nghe gì trong hiện tại cô đơn
Vì em đi đã cách mấy năm tròn
Bỏ lại anh những chiều buồn độc tấu”.

Thơ tình ở Trần Văn Nam từ tư riêng, nặng lòng, đi xa hơn, chạm đến tình quê-hương, đất nước khi tác-giả đi qua, trở lại những nơi chốn nhiều chứng tích cuộc-đời. Như khi trở về Bên Bờ Kinh Tàu-Hủ, không gian này đưa nhà thơ trở lại một thời quá vãng:

“Thời chiến tranh, thời nhiều người lánh nạn
Tôi vào đại học, tự túc gian lao
Đêm về muộn, đèn phố mưa xanh xao
Vườn Tao Đàn, những trưa hè dỗ giấc.

Đời cũng đẹp khi chiều về hoàn tất
Sáng ngồi lâu một góc quán cà phê
Không khỏi cô đơn kiếp sống đi về
Tay còn trắng, mọi ngỏ lời ái ngại.

Đến khi tốt nghiệp, lên đường tăng phái
Phải xa Sài Gòn, gấp rút cuối năm
Sợ phải một mình ở chốn xa xăm
Tìm ai cùng đi lấp đời trống vắng.

Mới quen nàng phía bờ kinh yên lặng
Bên nay là Chợ Quán, bến lô nhô
Ôi người từ nê-địa đến thành đô
Từ Lục Tỉnh, từ Miền Trung tan nát.

Nhưng đời bôn ba đã ngừng trôi giạt
Phù sa tắp bờ, từ giã nước sông
Nàng có nghiệp nghề, cũng sắp lấy chồng
Những dò la đã sai lầm nghe thấy.

Đi cô đơn, bến Miền Tây thức dậy
Hành trình về rộng lớn hai dòng sông
Ngược đường phù sa lìa cội mênh mông
Hạt ra biển, hạt tắp bờ đô hội.

Chợt thấu hiểu những dịch xê hoán đổi
Cho mọi nẩy mầm san sẻ nơi nơi
Tụ lại, chia xa, có số phận đời
Những phiêu linh dệt nên hồn đất nước”
(9-2008)

Hoặc như “Cầu Mỹ Thuận, Cảm Tạ Ngày Đi Qua”:

“Từ bờ Mỹ Thuận mênh mông
Nhìn qua Sa Ðéc cánh đồng Ðức Tôn *
Trường nào dọi nắng hoàng hôn
Những tà áo trắng lớn khôn với đời
Cầu treo giăng một góc trời
Cám ơn thông suốt, đó lời phù sa
Cầu thế kỷ, tiếng lòng ta
Cám ơn mãn-nhiệm bến phà trăm năm”.
(4-2011 [* Ðức-Tôn trở lại tên cũ là Cái-Tàu-Hạ sau năm 1975])

Có những tiếc nuối nhưng làm gì khác hơn là nhìn những đổi thay theo thời-gian và nhu cầu sinh sống của con người , qua những bài Kinh Xà-No, Viễn Tượng Thủy Lộ Quốc Tế, Tôi Chứng Kiến Những Mất Dấu Ở Sài Gòn, v.v.

Ngoài ra, Trần Văn Nam còn có 10 văn ảnh sáng tác theo thể loại thơ văn xuôi đã đăng trên tạp chí Khởi Hành (số Mùa Xuân 2008) là những sáng tác áp dụng Chất Thơ Trong Triết Học.

Trong sinh hoạt văn-học ở hải-ngoại, Trần Văn Nam đã có một vị thế đặc-biệt, với những quan điểm, nhận xét không ngừng đổi mới, luôn cập nhật và với những sáng-tác độc-đáo, rất riêng. Tiếc thay, ông đã mất khi hãy còn nhiều dự định về sáng-tác cũng như biên-khảo, nhận định văn-học!