Cuộc di tản 30 tháng Tư

Lâm Văn Bé

Cuộc di tản 30 tháng Tư, người tị nạn là người di dân, nhưng người di dân không phải tất nhiên là người tị nạn. Theo Hiến chương Genève của Phủ Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR United Nations High Commisioner Refugees), người tị nạn là người lo sợ một cách chính đáng bị ngược đãi, bị áp bức, hiểm nguy đến mạng sống vì lý do tôn giáo, chủng tộc, quốc tịch, vì tham gia hiệp hội hay quan điểm chính trị phải rời khỏi quốc gia thường trú và khi trở về không có bảo đảm an ninh. Theo định nghĩa nầy, chỉ những người rời khỏi biên giới của quốc gia mình đang ở để đi cư ngụ ở một quốc gia khác mới được gọi là tị nạn (refugee). Người đi lánh nạn từ một nơi nầy đến một nơi khác trong cùng một lãnh thổ không phải là người tị nạn (như cuộc di cư năm 1954) mà được gọi là di chuyển nội địa (internally displaced people).

Trong ý nghĩa ấy, khi Cộng sản tiến chiếm Saigon, một số người Việt đã bỏ nước ra đi để tránh sự trả thù của Cộng sản, và số khác, sau khi bị Cộng sản đày đọa cầm tù trong các trại cải tạo cũng phải tìm mọi cách trốn chạy. Tùy thời điểm, trạng tháicủa cuộc di cư, cuộc hành trình viễn xứnầy có thể chia làm 3 giai đoạn chính yếu:Di tản; Vượt biển vượt biên; Ra đi có trật tự. Đan xen vào 3 giai đoạn trên, chính phủ một số quốc gia tự do chấp nhận người di cư theo diện nhân đạo và đoàn tụ gia đình.

Bài viết sau đây tóm lược cuộc di tản những ngày cuối Tháng Tư

Kế hoạch di tản của Mỹ

Người Mỹ đổ quân vào VN thật nhanh và rút lui cũng thật nhanh, cả hai trường hợp đều trong hỗn loạn. Về cuộc di tản, tổng hợp từ các hồi ký của Tổng Thống Gerald Ford, Ngoại trưởng Henry Kissinger, Phụ Tá Báo Chí Của Tổng Thống là Ron Nessen và nhất là của đại sứ Mỹ cuối cùng tại VN là Graham Martin, những điểm chính yếu có thể được tóm lược như sau.

Chiến dịch Babylift

Cuộc di tản bắt đầu từ ngày 4 tháng tư năm 1975 với chiến dịch Babylift chủ yếu là một cuộc không vận quy mô để đưa trẻ con mồ cô rời khỏi VN, trong số có con lai của quân nhân Mỹ. Tuy nhiên, chuyến bay đầu tiên đã gặp một tai nạn thảm khốc khi chiếc phi cơ chở 300 người gồm trẻ con và người lớn đi theo để săn sóc, vừa cất cánh phi trường Tân Sơn Nhứt đã rơi vì phi cơ quá tải, 138 người đã tử nạn. Tính đến chuyến bay cuối cùng ngày 27 tháng 4, Babylift đã di tản được 2547 trẻ con trong số có 1945 đến Hoa Kỳ và 602 đến các quốc gia khác (Canada, Úc, Âu Châu).

Những cuộc ra đi của người Việt Nam trong suốt 20 năm sau đó mang tất cả các bản chất của chiến dịch Babylift nầy: ra đi trong khẩn cấp, phương tiện sử dụng mong manhcó thể chết trên đường đi, và nhứt là tương lai vô định.


Tổng Thống Gerald Ford đón trẻ mồ côi ở phi trường San Francisco.

Giai đoạn từ 4 đến 28 tháng tư

Trong buổi điều trần ngày 27/1/1976 trước Quốc Hội, đại sứ Graham Martin đã tiết lộ một số chi tiết như sau.

- Từ cuối tháng 3, 1975, Chính phủ Mỹ dự định di tản nhanh chóng 6000 người Mỹ và người Việt có liên hệ với số người Mỹ nầy bằng phương tiện quân sự là đưa Thủy Quân Lục Chiến vào VN để yểm trợ cuộc di tản. Martin chẳng những không đồng ý cuộc di tản theo phương pháp nầy mà còn cố ý kéo dài cuộc di tản vì theo ông thì dân chúng sẽ hoang mang bỏ chạy theo người di tản, đường phố Saigòn sẽ bị tắt nghẽn, phi trường sẽ bị tràn ngập. Sự hiện diện của quân sĩ Mỹ bảo vệ người Mỹ di tản là một hành động phản bội VN, quân đội VN sẽ đụng độ với quân đội Mỹ, 6000 người Mỹ sẽ bị bắt làm con tin. (Martin, Graham. Vietnam Evacuation: Testimony of Ambassador Graham Martin in US House of Representatives, January 27, 1976).

- Trong một mật điện ngày 17 tháng tư, Đại sứ Martin báo cáo về Washington như sau:

Người VN sẽ cho rằng Hoa Kỳ mang TQLC vào để di tản người Mỹ và mặc kệ số phận người Việt ở đây. Đó là một hành động phản bội trắng trợn của Hoa Kỳ. Họ sẽ tin rằng Mỹ chẳng còn để ý gì đến những gì sẽ xảy ra cho họ nữa. Và từ cái cảm nhận sâu đậm đó, chỉ cần có một việc nhỏ nhặt nào xảy ra cũng có thể đưa đến một tình trạng hỗn loạn. Cứ để như tình trạng hiện tại, chúng tôi sẽ gây được cảm tình với người VN vì họ cho rằng người Mỹ còn ở lại đây cùng chịu chung số phận với họ.

Giọng văn của ông trở nên gay gắt với thượng cấp:

Thế nhưng tất cả điều này có thể đột ngột xảy ra nếu có một tên điên rồ khốn kiếp nào đó (some god-damned fool) lại thuyết phục được một trong các ông ở địa vị cao cấp lãnh đạo cho mang TQLC vào trước khi tôi yêu cầu. Có một điều tôi đoan chắc tuyệt đối (deadly certain) là nếu đưa quân đội Hoa Kỳ ào ạt vào đây thì họ sẽ phải chiến đấu với quân đội miền Nam để tìm đường tháo chạy. Nếu ta hành động một cách bình tĩnh thì ta có thể rút lui một cách êm đẹp-tôi xin nhắc lại- và chúng ta sẽ không phạm thêm một lỗi lầm ghê gớm nữa trong trăm ngàn lỗi lầm người Mỹ đã làm ở VN và về vấn đề VN”. (Newsweek 21/4/1975, tr.18, dẫn bởi Nguyện Tiến Hưng, Khi Đồng Minh tháo chạy, tr. 377-78).

Hôm sau, Kissinger trả lời Martin: Mặc dù những lo ngại như đại sứ đã thông báo cho tôi và tôi cũng đồng ý như vậy, nhưng điều quan trọng nhất là yêu cầu đại sứ xúc tiến cho nhanh việc di tản những công dân Mỹ ra khỏi VN. Chúng ta phải làm sao để vào Thứ Ba, 22 tháng tư, tất cả số công dân Mỹ chỉ còn ở lại là 2000 người mà thôi (Graham Marin, Testimony, p.543).

Như vậy, cho đến ngày 18 tháng 4, chính phủ Mỹ, mà Kissenger là người nắm nhiều quyền quyết định, không có kế hoạch nào di tản người Việt.

Cho đến ngày 25 tháng tư, Martin mới nhận được lịnh cho phép ông di tản 50 000 người Việt. Điều trần trước Quốc Hội năm 1976, ông nói: On April 25, the Embassy finally received parole authority for additional categories of relatives and up to 50 000 high-risk Vietnamese. This was 4 days before the final departure from Vietnam (Testimony, p.545).

50 000 người Việt có mức rủi ro cao độ là ai? Chỉ tiêu theo Bộ Ngoại giao Mỹ là:

  • thân nhân của công dân Mỹ
  • những người làm việc cho Mỹ và thân nhân những người nầy
  • nhân viên cao cấp của chính phủ VNCH.

Rõ ràng là trong số 50 000 người nầy không có người dân.

Bởi lẽ Martin là người có nhiều thiện cảm với dân VN (người con trai duy nhất của ông đã tử trận ở VN), ông đã cố gắng kéo dài thời gian di tản người Mỹ, vừa tránh được sự hoảng hốt của người VN để người Mỹ có thể ra đi trong dễ dàng, vừa giúp cho một số người Việt có phương tiện rời VN. Từ đầu tháng tư 1975, khi các tỉnh miền Cao nguyên và miền Trung lần lượt rơi vào tay Cộng sản, viễn ảnh Cộng sản chiếm miền Nam gần kề khiến dân chúng tìm mọi cách để tháo chạy. Một số người VN có tiền, có thế lực và nhân viên người Mỹ không tối cần thiết đã âm thầm rời khỏi VN bằng những phương tiện cá nhân (mua tàu, đi phi cơ dân sự) hay nhờ không vận Mỹ. Theo Philippe Franchini trong Les guerres d’Indochine, có 22 300 người đã rời VN nhiều ngày trước khi Cộng Sản chiếm Saigon (tr. 431).

Khi được cho phép di tản 50 000 người Việt như trên, ông Martin cho là ít quá nên ông tìm cách gia tăng bằng cách giải thích rộng rãi là 50 000 chủ gia đình, nhờ vậy mà số người di tản lên đến 130 000 người.

Frequent Wind

Ngày 29 tháng 4, phi trường Tân Sơn Nhứt bị oanh tạc dữ dội, người dân bất kể hiểm nguy ùa ra phi đạo để mong được di tản, phi cơ không đáp xuống được. Tổng Thống Gerald Ford ra lịnh khởi động Chiến dịch “Frequent Wind” để khẩn cấp đưa ra khỏi VN bằng các loại trực thăng khổng lồ các nhân viêncòn lại củatòa đại sứ Mỹ và DAO (Defence AttacheOffice), các nhân viên đã cộng tác với Mỹ và các yếu nhân của chính thể VNCH. Từ sáng ngày 29, Thành phố Saigon lên cơn sốt. Trước tòa đại sứ Mỹ tràn ngập khoảng 10 000 người mong được di tản. Với phương tiện không vận giới hạn vì phi trường bị pháo kích và thời gian khẩn cấp, đại sứ Martin áp dụng phương thức người đến trước đi trước (Premier arrivé, premier servi).


Bức ảnh lịch sử do Hubert Van Es, phóng viên hãng thông tấn UPI chụp từ nóc nhà trụ sở CIA số 22, đường Gia Long chiều ngày 29/4/1975. Theo Bob Caron, một trong 2 phi công cho biết trong số 12 người trong trực thăng có ba người VN là Tướng Trần Văn Đôn, BS Trần Kim Tuyến, BS quân y Huỳnh Minh Tòng.

Chiến dịch bắt đầu lúc 3 giờ chiều ngày 29 và kết thúc lúc 7g5 sáng ngày 30 khi chiếc trực thăng Mỹ cuối cùng rời nóc tòa đại sứ chở toán Thủy quân Lục Chiến còn ở lại bảo vệ Tòa Đại Sứ. Frequent Wind đã di tản được 1373 người Mỹ, 5595 người Việt và công dân các xứ khác.

Đại sứ Martin lên trực thăng Lady Ace 09 lúc 4g58 sáng (ngày 30) để ra hàng không mẫu hạm Blue Ridge ôm theo lá cờ Mỹ cuộn lại, kết thúc một cuộc tham chiến với với những thiệt hại khổng lồ. Về nhân mạng, có 58 202 quân nhân chết, trong số có 12 tướng lãnh, 153 329 bị thương với 23 000 bị tàn tật vĩnh viễn, 1621 bị mất tích và chi phí hơn 150 tỉ mỹ kim (trị giá năm 1975). Ngoài thiệt hại về nhân mạng và tiền của, chiến tranh VN còn đem lại một thảm trạng xã hội và tâm lý dai dẳng cho những người Mỹ tham chiến. Có hơn 2.5 triệu quân nhân Hoa Kỳ đã lần lượt tham chiến ở VN từ tháng 1/1965 đến tháng 3/1973, trong số có 183 người mang cấp tướng. Số tuổi trung bình của các quân nhân tử thương và bị thương chưa quá 23 tuổi. (National Archives - Statistical Information about casualties of the Vietnam War).

Cùng lúc với cuộc di tản bằng không vận, tại bến Bạch Đằng Saigon và các địa phương ven biển, người dân chen lấn để tìm một chỗ trên các tàu hải quân, tàu buôn, tàu đánh cá đủ loại. Đệ Thất Hạm đội Hoa Kỳ với các hàng không mẫu hạm và nhiều tàu chiến khác, các thương thuyền Hoa kỳ và quốc tế cũng đã sẵn sàng ngoài hải phận để cứu những người tị nạn.

Michel Tauriac, trong VN le dossier noir du communisme đã mô tả:

… Ngày thứ Năm, 01/05/1975. Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ, ở cách bờ biển 35 dặm, đã chứng kiến một đoàn tàu nhỏ 27 chiếc ào ạt tắp đến từ đảo Phú Quốc. Tờ mờ sáng thứ Sáu, 02/05/1975, trên tàu Blue Ridge, chiến hạm chỉ huy của Hạm Đội VII với 46 đơn vị, đã có 25 ngàn người Sài Gòn trong số những người cuối cùng có thể thoát khỏi thành phố bị bao vây. Trên thành tàu, những người thủy thủ nghiêng mình nhìn xuống một cảnh tượng kinh hoàng mà họ không dám tin là sự thật, đó là trên mặt biển dầy đặc hàng ngàn chiếc ghe thuyền đủ loại đủ cỡ, từ những chiếc xà lan già nua rỉ sét cho đến những chiếc thuyền đánh cá mong manh lố nhố đầy người trên khoang thuyền. Những ký giả được tàu Blue Ridge đưa lên cho biết có khoảng 100 ngàn người, đó là con số những “thuyền nhân” đầu tiên trong lịch sử người Việt Nam tị nạn Cộng Sản. (dịch từ: Tauriac. VN, dossier noir du communisme p. 70).

Olivier Todd, ký giả quen thuộc với chiến trường VN, trong quyển La chute de Saigon: Cruel Avril, quyển sách được xem như trung thực nhứt viết bởi một ký giả Tây Phương về những ngày cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã ghi lại:

Chỉ trong ba ngày 28, 29, 30 tháng 4, tám chiến hạm của Đệ Thất hạm đội dưới quyền chỉ huy của tướng Richard Carey đã di tản được 29 783 người từ Vũng Tàu; 2 500 từ Phú Quốc và Côn Sơn; chiến hạm Pioneer Commander bốc được 4 669 người ở cửa sông Saigon. Ngày 29, trên không phận Saigon, trực thăng của Đệ Thất Hạm Đội, của CIA, của Air America bay rà rà trên nóc các tòa cao ốc tụ điểm được các phi cơ chiến đấu Phantom sẵn sàng can thiệp khi cần thiết. Các phi công bay trung bình 13 giờ trong ngày, có người đến 18 giờ, đó là cuộc không vận lớn nhứt trong lịch sử sau trận đổ bộ ở Dunkerque năm 1940 (Todd. Cruel Avril, p. 386).


Trực thăng chở người đền hàng không mẫu hạm rồi bị đảy xuống biển để có chỗ chứa người trên sàn tàu.

Các người tị nạn trên thuyền bè được vớt đưa lên chiến hạm, trực thăng của VNCH đổ người xuống chiến hạm, và sau đó người tị nạn được chở đến các trại tiếp cư mà quân đội Mỹ đã khẩn cấp thiết lập tại vùng Thái Bình Dương như Subic Bay (Phi Luật Tân), Guam, Wake, Clark. Sau một thời gian ngắn ở trong trại để lập hồ sơ, các người tị nạn được di chuyển bằng phi cơ đến một trong 4 trại tiếp cư trên đất Mỹ là Camp Pendleton ở California, Fort Chaffee ở Arkansas, Eglin Air Force Base ở Florida và Fort Indiantown Gap ở Pennsylvania.

Trong số người được Mỹ di tản có độ 8 000 người, thay vì định cư tại Mỹ, họ xin đi định cư ở Canada hay vài quốc gia ở Tây Âu (Pháp, Bỉ, Đức, Thụy Sĩ) để đoàn tụ với thân nhân hay vì là người Pháp thoại.


Lều trại tị nạn tiếp người di tản ở Guam. Một số trại khác ở vùngThái Bình Dương như Subic Bay, Clark, Wake.

Trong khi mọi người đều muốn ra đi tránh cộng sản, một “biến cố” khó hiểu là có một số người vừa khốn đốn ra đi lại muốn trở về. Ngày 29-09-1975, tàu Việt Nam Thương Tín, khởi hành từ Guam, mang theo 1652 người quay trở về VN. Thay vì được về nhà đoàn tụ với thân nhân hay hi vọng được chế độ mới khen thưởng trọng dụng, tất cả mọi người, trừ một đứa bé 7 tuổi, đều bị đưa thẳng vào Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang rồi vào nhà tù. Người ít nhất bị 9 tháng, người lâu nhất, trung tá Trần Đình Trụ, thuyền trưởng, 13 năm. Đó là bản án cho những nguời ngây ngô mê muội Cộng sản vào giờ thứ 25.

Ngày 30/4/1985, nhân kỷ niệm 10 năm mất Miền Nam, tờ New York Times đăng lại câu nhận định của ông đã được nhiều người nhắc đến: In the end, we simply cut and ran. The American national will had collapsed. (Rốt cuộc, chúng ta chỉ lo tháo chạy. Ý chí của dân tộc Hoa Kỳ đã sụp đổ).

Người tị nạn bị kỳ thị

Trên căn bản, chính phủ Mỹ không muốn nhận người tị nạn VN. Thăm dò dân ý của Gallup hồi đầu năm 1975 cho biết 54% người dân chống đối việc nhận người di tản, chỉ có 36% đồng ý (Time Magazine, 12/5/1975, tr. 24).

Và ngay khi người Việt đã bắt đầu đến các trại tị nạn trên đất Mỹ, sự kỳ thị của dân chúng và chính quyền Mỹ đã biểu lộ công khai vì đa số không muốn nhìn thấy “dấu vết” của một cuộc bại trận lớn nhất trong lịch sử, và hơn nữa, nước Mỹ đang lâm vào tình trạng suy thoái kinh tế trầm trọng.

Ron Nesson, Phụ tá Báo chí của Tổng Thống Ford đã kể trong quyển hồi ký của ông những lời khinh bỉ chống đối người tị nạn đại khái như: Send me your tired and hundred masses, your generals, your wealthy and privileged classes, your crooks and pimps and bar girls, yearning to breathe free (hãy gởi cho tôi những người mệt nhọc và co rúc, những tướng lãnh, những người giàu có, thế lực, những tên lưu manh, ma cô , những cô gái bán bar đang khao khát không khí tự do); bên ngoài trại tị nạn Fort Chaffee người biểu tình phản đối với khẩu hiệu Go home; ông thị trưởng một thành phố ở gần trại tị nan Eglin ở Florida lo ngại cái bãi biển của thành phố sẽ bị ô nhiểm (Ron Nessen, p.115).

Nhưng vượt trên tất cả sự chống đối trên, lời sĩ nhục nặng nề nhất đối với dân tộc VN là câu nói lịch sử của Kissinger khi biết tin Đà Nẳng thất thủ và dân chúng nhốn nháo bỏ chạy về phía Nam: Sao cái bọn người nầy không chết phứt cho rồi. Điều tệ hại nhất là chúng cứ sống dai dẳng mãi= Why don’t these people die fast, the worst thing that could happen would be for them to linger on. (Ron Nessen, tr. 98)

Indochina Migration and Refugee Assistance Act

Ba tuần sau khi Saigon thất thủ và trong khi người Việt di tản lần lượt được chuyển từ các trại tiếp cư ở vùng Thái Bình Dương đến 4 trại tạm cư trên đất Mỹ (Pendleton ở California, Fort Chaffee ở Arkansas, Eglin Air Force Base ở Florida và Fort Indiantown Gap ở Pennsylvania), ngày 23 tháng 5, Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành sắc luật Indochina Migration and Refugee Assistance Act đồng ý cho 200 000 người Việt và người Miên (trong đó có 130 000 người Việt) được nhập cảnh vào Hoa Kỳ với qui chế “tạm dung” (parole) và cho phép Tổng Thống Gerald Ford sử dụng ngân khoản 455 triệu Mỹ kim để tổ chức cuộc di tản và cứu trợ người tị nạn. Năm 1976 tu chính án thêm người Lào và năm 1977 cho phép những người có qui chế “tạm dung” trở thành công dân thường trú. Đạo luật nầy cung cấp một khung pháp lý cho sự hiện diện của người Việt tị nạn và mở đầu cho những cuộc nhập cư sau đó qua các chương trình khác nhau. (theo immigrationamerica.org/607-indochina-mig).

Về số người được di tản, các tài liệu ghi những con số khác nhau từ 120000 đến 140 000 người do thời điểm và cách tính khác nhau. Thí dụ như The Encyclopedia of the Vietnam War ghi là “trong những ngày cuối tháng 4, phi cơ vận tải và trực thăng Mỹ đã bốc được 6 763 người Mỹ và 45 125 người Việt không kể 6000 người chạy bằng tàu thuyền ra khơi và liền sau khi Saigon thất thủ, còn có hơn 65 000 người dùng ghe tàu chạy ra biển được hạm đội Mỹ cứu vớt, nâng tổng số người tị nạn lên 120 000 người”.

Về điểm nầy Stephen Young tựa là "30 tháng tư, nhắc lại một biến cố về người tị nạn Cộng Sản” đăng trong báo Việt Luận (Sydney) số 2853 (24/6/2014) có những đoạn quan trọng như sau:

“Trước đây 39 năm đảng cộng sản VN xâm chiếm nước VNCH. Cường quốc Hoa Kỳ không cứu chính phủ của những người Việt muốn sống trong tự do dân chủ, tức họ phải được quyền thừa hưởng và gìn giữ di sản của tổ tiên để lại. Đồng thời, Tổng Thống Ford và Ngoại trưởng Kissinger đều không có kế hoạch cứu giúp nhân đạo người dân VN nào hết cả. Hai ông Ford và Kissinger không muốn dính líu tới miền Nam VN, chính phủ, quân đội, quan chức và cả dân tộc vô tội nữa. Thái độ của họ đối với dân Miền Nam là bỏ rơi luôn. Họ cũng muốn quên chiến tranh VN và sự hy sinh của 58 000 chiến sĩ Hoa Kỳ.

Như vậy, tại sao ngày 30 tháng tư năm 1975, Hoa Kỳ chịu đón tiếp một số người VN bỏ xứ ra đi khỏi VN tự do? Sở dĩ có cuộc đón tiếp đó là do ý chí nỗ lực của một nhóm anh em trẻ. Trong đó có tôi, Steve Young.

39 năm trước

Buổi chiều ngày 30 tháng 3, tại nhà ở Brooklyn(New York) tôi và Hòa vợ tôi đang sơn phết lại căn nhà thì được tin trên radio là Đà Nẳng rơi vào tay Cộng Sản. Cả hai chúng tôi đều giật mình, tôi nghĩ là miền Nam sẽ bị mất luôn. Chỉ có tướng Trưởng có đủ uy tín chỉ huy...

Ngày hôm sau, tôi đi Washington để thuyết phục mấy anh bạn đang làm việc cho Bộ Ngoại Giao và Tòa Bạch Ốc để đề nghị họ tổ chức một chương trình đón người VN di tản. Đó là những người sẽ bỏ quê hương đi tìm tự do. Tôi gọi điện thoại cho Parker Borg, lúc đó làm phụ tá cho Ngoại Trưởng Kissenger. Hồi trước ở VN, tôi và Parker học tiếng Việt chung một lớp tại Vietnam Training Center. Tôi làm cố vấn ở Vĩnh Long rồi sau đó đổi về văn phòng trung ương CORDS tại Saigon, còn Parker làm cố vấn tại Bình Định và sau cũng về CORDS.

Tôi tha thiết khẩn khoản: “Parker, tôi cần sự giúp đỡ để tổ chức một chương trình di tản cho người VN”.

Parker trả lời: “Tôi không giúp gì được. Tôi mới từ chức phụ tá cho Kissinger. Ông ta không phải là người tốt, không có đạo đức lương tâm, một người rất là mưu sĩ và gian xảo”.

Tôi nói tiếp: “Sắp mất VN. Chúng ta đừng quên có nhiều người VN tin ở sức mạnh, thiện chí, sự cương quyết của Hoa Kỳ giúp VN và đã chống cộng sản. Sau khi Hà Nội lấy miền Nam, họ sẽ bị trả thù, gia đình họ sẽ bị chế độ cộng sản Hà Nội ngược đãi đời đời. Cộng sản sẽ giết ngay một số và sẽ cho một số khác đi tù lâu lắm. Chúng ta không thể nào bỏ rơi những người đồng minh của quốc gia Hoa Kỳ của chúng ta được”. Parker trả lời: “Cả Kissenger và TT Ford bây giờ không muốn để ý một chút nào về VN nữa. Họ chỉ muốn rửa tay, quên đi càng sớm càng tốt cái chiến tranh đầu tiên mà Hoa Kỳ không thắng được. Họ không muốn có ý kiến nào về một chương trình đón người VN di tản định cư ở Hoa Kỳ”.

Tôi cảm thấy sự giận dữ tràn lên trong lòng. Ông Ford, ông Kissenger là loại người thế nào mà không thấy động lòng để nghĩ cách cứu giúp người dân là nạn nhân của quốc gia đã từng đồng minh với mình?”

Sau đó, Stephen Young quyết liệt vận động thêm với những người bạn khác như Lionel Rosenblatt (vừa thay Parker), Ken Quinn, Al Adams, Jean Sauvageot để cuối cùng đạt được thắng lợi. Parker được bổ nhiệm làm chủ tịch chương trình di cư, Lionel vận động với Phó Chủ tịch Thượng Viện là Ted Kennedy đồng ý cho số người VN vào Hoa Kỳ bằng với số người Cuba được phép vào Hoa Kỳ năm 1965, tức là 150 000 người.

Stephen (Stevens) Young kết luận: “Không ai có thể ngờ định mệnh của một số người Việt quốc gia vào đầu tháng 4 năm 1975 lại nằm trong tay một số anh em trẻ. Thật may mắn là số người trẻ nầy sáng suốt và có đủ can đảm để nhận lấy trách nhiệm và cũng nhờ tài vận động khéo léo với bộ máy hành chánh Hoa Kỳ mà thành công trong việc tổ chức chương trình cứu trợ người quốc gia đồng minh. Phải chăng đó là định mệnh hay duyên nghiệp? Trong nhóm người Mỹ nầy tình cờ có 3 người lấy vợ VN trong thời gian làm việc cho Chương Trình Xây Dựng Nông Thôn ở VN là Kim Quinn, Al Adams và Steve Young”.

Ngoài ra, 40 năm sau, năm 2015, Stephen Young đã nói rõ hơn tại sao ông và các bạn ông đã nỗ lực vận động mặc dủ trong hoàn cảnh gần như tuyệt vọng để chánh phủ Ford chấp nhận ban hành đạo luật Indochina Migration Act trong bài viết về cảm tưởng của ông nhân khi đọc quyển sách “Giá Tự Do” của tác giả bài viết nầy (xem phụ lục).

Lâm Văn Bé

Montréal, ngày 25 tháng 4, 2015

(để nhớ lại ngày nầy 40 năm trước)

Thư mục chính yếu:

  • Gerald Ford. A Time to Heal.- New York: Harper &Row, 1979.
  • Philippe Franchini. Les guerres d’Indochine. V.2 – Paris: Pygmalion, 1988.
  • Henry Kissinger. Ending the Vietnam War. – New York: Simon&Schuster, 2003.
  • Graham Martin. Vietnamese Evacuation: Testimony of Ambassador Graham Martin in USHouse of Representatives, Hearing Before the Special Sub Committee on Investigations. Washington DC: US Government Printing Office, 1976.
  • Nguyễn Tiến Hưng. Khi Đồng Minh tháo chạy. - San José: Hứa Chấn Minh, 2005.
  • Ron Nessen. It Sure Looks Different from the Inside. – Chicago: Play Boy Press, 1978.
  • Michel Tauriac. Viet Nam, le dossier noir du communisme.- Paris:Plon, 2002.
  • Olivier Todd. La chute de Saigon, Cruel d’Avril. – Paris: Robert Laffont,2005.



Phụ lục

Vài cảm nghĩ riêng nhân đọc quyển sách
“Giá Tự Do” của Gs Lâm Vĩnh Bình
Stephen B. Young

Tôi đọc qua cuốn sách Giá Tự Do của Gs Lâm Vĩnh Bình không thể nào không có những cảm động đặc biệt. Chính vì “Tự Do” có giá trị đặc biệt mà tôi dám lên tiếng hồi tháng 3 năm 1975 để một số bạn trẻ cùng trang lứa đang làm việc cho Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao tại Hoa Thạnh Đốn cố gắng xin phép Tổng thống Ford mở cửa đón nhận những người Việt Nam phải rời bỏ quê hương để được nhập cư ở Mỹ, tìm lại cho mình đời sống trong một xã hội với nền kinh tế, chính trị tự do.

Lúc ấy tôi không suy nghĩ rằng người Việt Nam đi tìm tự do sẽ thành công tới mức nào ở 40 năm sau. Tôi không đoán được tương lai của họ sẽ tốt đẹp tới mức nào, hay cơ cực tới mức nào. Tôi biết con cháu của họ sẽ trở thành những người mới của xứ tôi, sẽ trở thành công dân Mỹ, nói giỏi tiếng Anh và, trái lại, không nói được tiếng Việt nhiều. Người Mỹ gốc Việt tương lai sẽ giống các sắc dân khác tới Mỹ với tư cách tị nạn hay di dân để trở thành quốc dân Mỹ và đóng góp nhiều ít cho quê hương thứ hai do họ đã lựa chọn.

Công của Gs Lâm Vĩnh Bình rất lớn. Ông nghiên cứu rất khoa học nhờ đó ông giúp người đọc thấy rõ đời sống của bà con người Việt Nam dưới nhiều mặt như nuôi dạy con cái thành tài, gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc là sự Tự do theo tinh thần Phật giáo và Lão giáo của tổ tiên Việt tộc. Họ cương quyết từ khước, bằng cả mạng sống, cái kiếp sống phải nhẫn nhục dưới một chế độ ác ôn cộng sản là những người không biết tôn trọng đạo đức dân tộc Việt Nam mà theo tôi, đó là những giá trị tinh thần lớn và quan trọng.

Đọc qua những tài liệu dẫn chứng, những nhận xét riêng của tác giả, tôi thấy thêm yên lòng hơn rằng việc tôi tự ý khởi xướng hồi năm 1975 đã đem lại kết quả nào đó tốt cho một bộ phận không nhỏ của dân tộc Việt nam phải sống rời xa quê hương.

Ngày Thứ Hai, 1 tháng 4 / 1975, lúc tôi lên máy bay đi từ New York xuống Hoa Thạnh Đốn để thuyết phục anh em, tôi có 4 lý do muốn Hoa Kỳ đón người Việt Nam lúc bấy giờ đi tìm tự do.

Thứ nhất là danh dự của nước tôi. Tôi không phải là kiểu người Mỹ có thể bỏ rơi đồng minh. Theo tôi thì Hoa Kỳ phải là nước có đạo đức, có lương tâm, có danh dự đối với lịch sử nhân loại. Tổ tiên tôi có công trong cuộc cách mạng chống vua George III và lấy quyền tự trị đem lại cho các Tiểu bang Hoa Kỳ. Bên nội, ông Winthrop Young là lính Tiểu bang New Hampshire. Hai vị bên ngoại – Lewis Morris và Gouverneur Morris – đứng trong số ít người lập quốc Hoa Kỳ. Lewis Morris đã ký Tuyên ngôn Độc lập (Declaration of Independence) và em là Gouverneur Morris đã ký bản Hiến pháp. Ông ngoại tôi là Chủ tịch Luật sư đoàn Hoa Kỳ. Ông bố tôi đã chủ trương năm 1954 và 1955 chánh sách Hoa Kỳ nhằm giúp Việt Nam chống lại sự xâm lăng của ý thức hệ cộng sản từ Miền Bắc vào...

Thứ hai tôi muốn cứu những người ái quốc thật sự, yêu nước thật sự, tranh đấu cho lý tưởng dân chủ, nhân quyền thật sự, tranh đấu cho dân tộc Việt Nam thật sự. Tôi biết rằng họ là những người có niềm tin tưởng tốt đẹp, có hành động anh hùng, có hy sinh và đóng góp cao cả, có lòng trung thành với Tổ quốc và Tổ tiên, thì thế nào họ cũng sẽ bị cộng sản giết hay bỏ tù nhiều năm hay trù dập con cái và gia đình của họ. Tôi đã học bài học lịch sử qua những hành động của đảng cộng sản nên biết quá rõ ý muốn và cách làm việc của cộng sản. Nhất là cộng sản Tàu và cộng sản Hà nội. Cộng sản Hồ chí Minh và những người kế nghiệp chủ trương giết hết mọi người yêu nước lương thiện, những nhà cách mạng chống thực dân như Trương Tử Anh, Lý Đông A, Phạm Quỳnh, Tạ Thu Thâu, Hồ văn Ngà, Trần văn Thạch, Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ… Nguyễn văn Bông (một người bạn của tôi) và bao nhìêu mạng người khác nữa, nếu được cai trị miền Nam Việt Nam thì làm sao họ không tiếp tục những hành động vô lương tâm,vô nhân đạo ấy nữa?

Thứ ba, tôi muốn dân tộc Việt Nam có lãnh đạo chính trị, biết trọng văn hóa, tổ chức đời sống tự do để giữ truyền thống Việt tộc và đạo lý Việt tộc. Tôi học bài học lịch sử của dân Do thái. Từ lúc lập quốc, họ nhờ một số lãnh đạo tinh thần (rabbis) và các lễ nghi gia đình mà giữ được những giá trị văn hóa, tập tục, và nếp sống của tổ tiên. Tôi tin rằng nếu Việt Nam có nhiều người có lòng như Gs Lâm Vĩnh Bình sẽ thoát khỏi sự đàn áp của cộng sản và được sống tự do thì họ cũng sẽ bảo vệ được truyền thống tốt đẹp của Việt Nam như vậy.

Một trường hợp làm cho tôi rất vui mừng là một số học giả Việt Nam ở hải ngoại làm tự điển chữ Hán, một công việc mà trong nước không làm. Hơn nữa, bao nhiêu sách viết và in ở hải ngoại đã đưa ra cho thiên hạ thấy rõ sự chết chóc của phong trào vượt biển, sự thật của cộng sản cai trị Việt Nam, vẫn có ảnh hưởng phá vở sự nghiệp chính trị của đảng cộng sản và đánh mất lòng tin của cán bộ vào đảng.

Một trường hợp nữa là tiểu thuyết Đỉnh Cao Chói Lọi của Bà Dương Thu Hương nói lên ít nhiều sự thật về Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Cả hai người, thật ra đều không phải như tuyên truyền. Cả hai đều là con người rất bình thường, không phải nhơn tài và còn thiếu lương thiện cần thiết. Sách được phổ biến ỏ Pháp và Mỹ – hai xã hội có tự do tương đương. Chắc chắn sách này sẽ không bao giờ đượcc in tại Việt Nam dưới sự kiểm soát gắt gao của công an văn hóa.

Thứ tư, tôi muốn tạo cơ hội cho các lãnh đạo Quốc gia, như cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy,để tiếp tục tranh đấu chống cộng sản đề cao chính nghĩa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.Tôi biết lúc đó chính nghĩa của dân tộc Việt nam còn bị hoàn cảnh phức tạp của lịch sử Việt Nam chi phối mạnh.Tại sao tôi không đoán được? Đó là việc của Trời Đất đem lại cho người Việt Nam phải chịu nạn và người Mỹ phải thua trận một cách vô lý.Nhưng trước các biến cố đó, tôi vẫn tin mãi chính nghĩa của Việt Nam sẽ thắng và chế độ phi nhân cộng sản sẽ sụp đổ mất, như “ qua cầu gió bay”.

Nhưng, các lãnh đạo của dân phải có một hậu phương, một căn cứ an toàn, để phổ biến sự thật về cộng sản và làm những gì đáng phải làm để đưa lên tinh thần tranh đấu của toàn thể đại gia đình Việt Nam ở hải ngoại và trong nước nữa.

Năm nay 2014, đảng cộng sản vẫn có quyền thế. Nhưng số đóng góp của người Việt hải ngoại đã trở thành ngày thêm quan trọng sẽ có tác dụng phá vở uy tín và sự tin tưởng vào đảng của các đảng viên. Ai không nghĩ rằng con cái của đảng viên sẽ không đem đánh đổi sự nghiệp chính trị văn hóa của bố mẹ để lại mà lấy đời sống tự do?

Thời cơ của Tự do sẽ tới cho Việt Nam một năm không xa. Lúc đó, cả dân tộc sẽ được hưởng thật sự Giá Tự do.

Stephen B. Young
July 1, 2014

(Trích từ tác phẩm “Giá Tự Do” của Lâm Vĩnh Bình, tác phẩm đã được Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do trao giải biên khảo 2014 nhân kỳ Đại Hội Nha-Y-Dược VN năm 2014 tại Melbourne).