Chợ trời đại học và tiến sĩ Việt Nam

Chuyện đại học Việt Nam lạm phát và yếu kém, tiến sĩ dỏm, tiến sĩ giả là đề tài mà mọi người dân từ trong đến ngoài nước đều biết, bị bêu rếu từ hàng chục năm nay. Nhưng gần đây, chuyện mấy ông bà tiến sĩ bỗng dưng nổi đình nổi đám khi ông tiến sĩ Bùi Hiền đề nghị sửa đổi tiếng Việt, phá hủy kho tàng ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam đã kết tụ từ mấy thế kỷ qua, sự việc đã dấy lên một làn sóng căm phẫn và nhục mạ giới tiến sĩ vừa ngu vừa điên, chưa kể luận cứ cho rằng loại tiến sĩ như Bùi Hiền chỉ là bọn thả bong bóng cho Trung Quốc trong sách lược Hán hóa tiếng Việt.

Trước đây, chúng tôi có bài nhận định về giáo dụcđại học Việt Nam và tuy hơn 20 năm đã qua, giáo dục và đại học VN vẫn cứ trì trệ, chẳng những không cải thiện để đáp ứng nhu cầu của một quốc gia tự nhận là «tiên tiến» mà trái lại còn phát sinh thêm nhiều điều quái gở chẳng giống ai. Điều quái gở là Việt Nam hôm nay đang có thị trường mua bán trường đại học tư thục, trường đại học công lập thiếu ngân sách dự định sẽ chuyền đổi thành trường tự túc về tài chánh hay biến thành tư thục. Ngoài ra, các trường đại học ngoại quốc, chẳng những có thể mở trường tại Việt Nam mà còn có thể mở chi nhánh dạy on-line, sinh viên học tại VIệt Nam nhưng có bằng cấp «ngoại». Chợ trời đại học đang nhộn nhịp bởi lẽ Bộ Giáo Dục Đào Tạo vừa ban hành Luật Giáo Dục Đại Học ngày 19 tháng 11 năm 2018 (Luật 34/2018/QH 141) sửa đổi tu chính đạo luật 2012, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho chợ trời tư thục do đó các tập đoàn kinh doanh giáo dục, các giáo sư tiến sĩ, các đảng viên trong bộ GDĐT phải nhanh tay hành động chụp lấy thời cơ.

Bài viết cập nhật hóa và bổ túc cho các bài trước gồm hai phần:
  • Phần 1: Chợ trời đại học Việt Nam
  • Phần 2: Chợ trời tiến sĩ Việt Nam

Phần I - Chợ trời đại học Việt Nam

Đại học lạm phát

Trên thế giới, không một quốc gia nào có số đại học mới thành lập chiếm kỷ lục trong một thời gian rất ngắn như ở Việt Nam. Năm 1997, VN có 123 trường đại học và cao đẳng, năm 2005 tăng lên 276, niên khóa 2015-16 tăng lên đến 442 trường. Niên khóa 2017-18, Bộ Giáo Dục Đào Tạo (GDĐT) chỉ công bố vỏn vẹn thống kê đại học là 235 trường gồm 170 trường công lập và 65 tường tư thục, nhưng không công bố thống kê các trường cao đẳng, trong khi đó trang mạng Wikipedia cập nhật hóa ngày 13/03/2019 đầy đủ tên các trường đại học và cao đẳng với con số lên đến 783 trường. Phải chăng, Bộ GĐDT cố tình che giấu nạn lạm phát trường đại học, nhất là trường cao đẳng được xem như trường trung học cấp 3, bởi lẽ chỉ trong 20 năm (1997-2017), VN đã tăng thêm 660 cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng, chiếm ti lệ 535%. Thật là kinh khủng, lập đại học ở Việt Nam như mở quán chợ trời, chẳng giống ai.

Bảng 1- Số trường đại học và cao đẳng Việt Nam

Loại trường

1998

2005-06

2010-11

2015-16

2017-18

(Wikipedia)













Đại học



125

188

223

324

Công lập



100

138

163

259

Tư thục



25

50

60

65

Cao đẳng



151

226

219

459

Công lập



142

196

189

419

Tư thục



9

30

30

40

Tổng số

123

276

414

442

783

Công lập







352

678

Tư thục









105

  • Chú thích: Những thống kê từ năm 1998 đến 2015-16 là của Bộ GDĐT. Năm 2017-18 Bộ GĐDT công bố có 235 trường đại học, không có thống kê các trường cao đẳng, chỉ có trường cao đẳng Sư Phạm. Con số 783 trường đại học và cao đẳng là tổng kết từ danh sách các trường (và phân viện) đăng trên trang mạng Wikipedia ngày 13/03/2019.
  • Nguồn: moet.gouv.vn. Số liệu chung về đại học, cao đẳng
  • Wikipedia. Trường đại học và cao đẳng VN
Các loại trường đại học và cao đẳng

Ngày 7/6/2010, Bộ Trưởng GDĐT Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trước Quốc Hội là trong số 270 trường mới thành lập, thực sự chỉ có 94 trường tân lập hoàn toàn, số còn lại là trường nâng cấp từ trường thấp hơn (trung cấp thành cao đẳng, rồi học viện, đại học). Một vài thí dụ trong số hàng trăm « đại học nâng cấp», một sáng kiến ưu việt của các đỉnh cao trí tuệ bộ Giáo Dục Đào Tạo:
  • Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (ghi rõ: kiểm sát) trực thuộc Viện Kiểm Sát, nguyên là trường trung cấp đào tạo nhân viên cho Viện Kiểm sát nhân dân (1970) được nâng lên là Cao Đẳng (1982) rồi Đại học (2005).
  • Trường Đại học Nội Vụ Hà Nội trực thuộc Bộ Nội Vụ gốc là trường Trung học Văn Thư Lưu Trữ Trung Ương (1971) được nâng cấp là trường Cao đẳng Văn Thư Lưu Trữ (2005) rồi Đại Học Nội Vụ (2011).
  • Trường Đại học Sao Đỏ, trực thuộc Bộ Công Thương, nâng cấp từ trường Cao đẳng Công Nghiệp Sao Đỏ ở thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
  • Trường Đại học Việt-Hung: gốc là Trường Trung học hữu nghị Việt - Hung (Hung Gia Lợi) được nâng cấp thành Cao Đẳng Việt-Hung (2005) rồi Đại học Việt- Hung (2010).
  • Trường Đại học Saigon: gốc là trường Sư Phạm cấp 2 ở Chiến Khu C (quận Tịnh Biên, tỉnh Tây Ninh) thành lập năm 1972, chuyển về TP Hồ chí Minh năm 1976 và nâng cấp thành Cao đẳng Sư Phạm (1976), rồi Đại học Saigon (2007)
  • Học Viện Phụ Nữ (Hà Nội) được nâng cấp từ trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương
  • Trường Múa Việt Nam (Hà Nội) thành lập măm 1959, được nâng cấp thành trường Cao đẳng Múa Việt Nam (2001) rồi Học Viện Múa VN (03/1/2019).
Và cứ tiếp tục truy tìm lịch sử các trường Cao đẳng, Đại học, người đọc sẽ thấy Việt Nam hôm nay có gần 100 đại học, cao đẳng được nâng cấp và dĩ nhiên khi trường được nâng cấp, giáo sư cũng được nâng cấp theo lối học tại chức để có bằng Cử Nhân (đa số các anh hùng nhân dân chưa học hết Trung học) rồi Thạc Sĩ, Tiến Sĩ. Đó là một trong số những nguyên nhân khiến bằng thạc sĩ, tiến sĩ Việt Nam rẻ như bèo và sinh viên tốt nghiệp thiếu khả năng. Một cách chi tiết, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng niên khóa 2017-18 được phân chia như sau:

Đại học Công lập: 259
  • 5 đại học trọng điểm gồm 5 đại học quốc gia là Đại học Quốc Gia Hà Nội, ĐHQG Thành phố HCM, Đại học Huế, ĐH Đà Nẵng và ĐH Thái Nguyên, trực thuộc Bộ Giáo Dục Đào Tạo.
  • 5 đại học cấp vùng trực thuộc Bộ GDĐT và Ủy Ban Nhân Dân (UBND) tỉnh hay thành phố nơi đặt trụ sở đại học là: ĐH Tây Bắc (ở tỉnh Sơn La), ĐH Vinh (Nghệ An), ĐH Quy Nhơn, ĐH Tây Nguyên (ở Buôn Mê Thuôt, tỉnh Dak Lak) và ĐH Cần Thơ.
  • 116 đại học và 31 phân viện, 29 học viện và 6 phân viện trực thuộc Bộ GDĐT hay/và các bộ, ngành chuyên môn, tổ chức đoàn thể (như Đại học Công Đoàn ở Hà Nội trực thuộc Tổng Liên Đoàn Lao Động và Bộ GDĐT).
  • 29 đai học và trường cao đẳng, học viện Quân sựtrực thuộc Bộ GDĐT và Bộ Quốc Phòng.
  • 12 đại học và trường cao đẳng Công An trực thuộc Bộ Công An.
  • 22 đại học địa phương: trực thuộc Ủy Ban Nhân Dân tỉnh, thành phố, thị xã.
  • 4 đại học, dự Bị đại học Dân tộc: dành cho người thiểu số.
Cao đẳng công lập: 419

210 trường Cao đẳng chuyên nghiệp: trực thuộc Bộ GDĐT, và / hay các Bộ chuyên ngành, Ủy Ban Nhân Dân các tỉnh, thành phố
  • Trung Du và Miền Núi phía Bắc: 38
  • Đồng bằng Sông Hồng: 53
  • Bắc Trung Bộ: 16
  • Duyên hải Nam Trung Bộ: 39
  • Tây Nguyên: 10
  • Đông Nam Bộ: 28
  • Đồng Bằng Sông Cửu Long: 26.
187 trường Cao đẳng địa phương: trực thuộc Bộ GĐDT và UBND tỉnh, thành phố: 22

Cao đẳng Nghề (Cao đẳng Thực hành): trực thuộc Bộ, Ngành, Ủy Ban Nhân Dân
  • Khu vực Hà Nội: 28
  • Khu vực TPHCM: 15
  • Khu vực phía Bắc (từ Hà Tỉnh trở ra): 78
  • Khu vực phía Nam (từ Quảng Bình trở vào): 66
Trường Tư thục: tổng cộng 105

Từ sau khi có chánh sách mở cửa đầu thập niên 1990, các đại học tư thục (trước năm 2006 gọi là đại học dân lập) mọc lên như nấm. Cho đến năm 2017-18, VN có 105 trường tư thục gồm 65 đại học và 40 trường cao đẳng.

Thông thường, thành lập một đại học là một biến cố giáo dục quan trọng, đem lại niềm tự hào cho một quốc gia, nhưng với VN, mở thêm một đại học là xuất hiện thêm một tập đoàn kinh doanh, mở rộng thêm một vết rạn nứt của ngôi nhà đại học cổ lỗ rêu phong. Tại nhiều quốc gia, các đại học tư thường là những tổ chức phi lợi nhuận, nhưng tại VN, lập một đại học là lập một công ty dùng giáo dục hỗ trợ cho công việc làm ăn…

Điển hình như bài giới thiệu Trường Đại học Tư Thục Quốc Tế Hồng Bàng đăng trên trang mạng của trường như sau:«Đại Học Quốc Tế HỒNG BÀNG (tên gọi tắt HIU) là trường đại học đào tạo đa ngành nghề với hơn 40 hướng chuyên sâu trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng có nhu cầu xã hội cao. Tập đoàn Nguyễn Hoàng (NHG) là chủ đầu tư của trường ĐHQT Hồng Bàng. NHG sở hữu hệ thống giáo dục khép kín từ bậc Mầm non đến Tiến sĩ với các cơ sở trải dài rộng khắp trên lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh lĩnh vực đầu tư mũi nhọn là Giáo dục-Đào tạo, NHG cũng là chủ đầu tư các hệ thống Nhà hàng – Khách sạn, Bất động sản…».

Đại học VN hôm nay chuyển nhượng như cơ sở thương mại. Năm 2018, tập đoàn Nguyễn Hoàng đã sở hữu 3 đại học là ĐH Hồng Bàng, ĐH Gia Định, ĐH Bà-Rịa Vũng Tàu, mua thêm Đại học Hoa Sen; tập đoàn Phenikaa mua lại Đại học Thành Tây (Hà Nội) đồi tên là Đại học Phenikaa, Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ IAE (Institute of American Education) mua lại Đại Học Phú Xuân (Huế) đang phá sản. Việc mua bán đại học còn diễn ra khi còn ở tình trạng dự án khi vừa được cấp giấy phép thành lập, thí dụ như dự án khu Đại học Quốc Tế tại Hốc Môn của công ty bất động sản Berjaya (Mã Lai) vừa được bán lại cho Công ty Thái Sơn. Cứ thể đại học thay tên đổi chủ, đại học Việt Nam đúng nghĩa là một chợ trời, là một cơ sở kinh doanh bởi lẽ điều kiện lập đại học tư rất dễ, chỉ cần bỏ vốn 1000 tỷ VN = 50 triệu MK, sau vài năm kinh doanh bán đi kiếm lời.

● Du học tại chỗ

Trong bối cảnh lạc hậu và bát nháo của giáo dục đại học như vậy, du học là giấc mơ cho các sinh viên Việt Nam để hi vọng đổi đời. Đối với đám con ông cháu cha và con cháu các đại gia làm ăn với chế độ, họ mong đạt được một cấp bằng hay một chứng chỉ của bất cứ một đại học nào tại bất cứ một quốc gia nào ngoài VN để hợp thức hóa các ngôi vị của cha ông truyền lại. Đối với các sinh viên trung lưu không thân thế mong được du học để trở về tìm được một chỗ làm tốt trong các xí nghiệp ngoại quốc hay may mắn hơn thoát được vĩnh viễn cái quốc gia ngự trị bởi chế độ tham nhũng độc tài. Người ít khá giả hơn, vì không có phương tiện du học đành tìm lối thoát bằng cách du học tại chỗ (một danh từ ngộ nghĩnh, nhưng ngu ngốc) trong các trường đại học tư thục ngoại quốc tại Việt Nam, hoặc do ngoại quốc đầu tư vốn 100%, hoặc do ngoại quốc hợp tác về tài chánh và đào tạo với chánh phủ Việt Nam.

Hiện nay, tại VN có ít nhứt 8 trường đại học và cao đẳng ngoại quốc: trường RMIT (Royal Melbourne Institute of Technology - Úc), trường Cao đẳng quốc tế Kent (Kent International College - Úc), Đại học Quốc Tế tại Saigon (The Saigon International University (SIV), Đại học Mỹ tại VN (American University in Vietnam - AUV) đặt tại Đà Nẵng, Đại học Y Khoa Tokyo, Đại học Fulbright tại VN (Fulbright University in Vietnam), British University VietNam (BUV đặt ở Hà Nội), University of Greenwich (đặt tại 4 cơ sở Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, TP Cần Thơ).

Ngoài ra còn có 3 đai học hỗn hợp VN và ngoại quốc như Đại học Việt-Đức (Vietnamese-German University), Đại học Việt-Nhật (Vietnamese-Japan University), Đại học Việt-Pháp (tên gọi của Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, University of Science and Technology Hanoi USTH) là những đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo Dục Đào Tạo nhưng ban giám đốc hỗn hợp, ban giảng huấn là người ngoại quốc và ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh.

Mặc dù ra rả chửi đế quốc tư bản, nhưng Cộng sản rất «háo» tư bản. Có khoảng 20 trường đại học và cao đẳng tư thục gắn thêm trong bảng hiệu chữ quốc tế (như Đại học quốc tế Hồng Bàng) hay một địa danh ngoại quốc (như Cao đẳng Y-Dược ASEAN… Một số trường đại học quảng cáo sinh viên học tại VN nhưng nhận cấp bằng hay chứng chỉ ngoại quốc: Broward College VietNam (Florida), Boston Vietnamese College, Sunderland Vietnam (Anh Quốc). Chợ trời kiểu nầy mọc lên như như nấm, không cần cơ sở qui mô, có thể học theo kiểu online, edtech. Có đại học mới mở tên Đại học Edx ở Hà Nộiquảng cáo đào tạo theo phương pháp 3359 làm trước học sau, sinh viên Edx kiếm được 12 triệu trong tháng thực tập đầu tiên… Cứ thế mà đại học tư trở nên hoành tráng, qui mô.

Đa số các trường loại nầy được xem như các trường «ăn khách» ở Việt Nam và cấp bằng của các trường nầy là một bảo đảm, thực và hư, cho giới trẻ. Dĩ nhiên, học phí (và chi phí linh tinh) các loại trường nầy vượt khỏi khả năng của giới không quyền thế: từ 5000 đến 20 000 mỹ kim một năm, trong khi học phí các đại học, cao đẳng loại nâng cấp khoảng trên dưới 2000 MK, tương đương với lương đồng niên của một công nhân. Tốt nghiệp các trường nâng cấp nầy thì may lắm mới tìm được một việc làm của một cổ xanh. Thì ra trong thiên đường cộng sản, sau 70 năm, con quan thì vẫn làm quan, con sãi ở chùa thì vẫn quét lá đa.

Đại học Việt Nam chỉ hơn Miên và Lào ở Á Châu

Còn nhớ trước 1975, không kể Nhật Bổn, các quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan, Phi Luật Tân, Singapore, Mã Lai là những quốc gia đồng đẳng hay kém hơn VN, nhưng đến nay, sau 44 năm cai trị, đảng Cộng sản VN đã đưa đất nước và giáo dục đến chỗ tụt hậu.

Trong bảng xếp hạng QS World University Rankings 2019, khảo sát dữ kiện chuẩn hóa của 4893 đại học trên thế giới để xếp hạng 1000 đại học tốt nhứt, nhiều đại học công và tư của các quốc gia vừa kể đã nằm trong top 100 các đại học thế giới.

Đan kể:
  • Singapore có hai đại học là National University of Singapore (NUS) đứng hạng 11, Nanyang Technological University (NTU) đứng hạng 12;
  • Hong Kong có 4 đại học: University of Hong Kong hạng 25, HK University of Science & Technology hạng 37, Chinese University of HK hạng 49, và City Uni. of HK hạng 55;
  • Hàn Quốc có Seoul National University hạng 36 và KAIST University hạng 40;
  • Taiwan có National Taiwan University hạng 77;
  • Mã Lai cũng có Universiti Malaya hạng 87;
  • Việt Nam chỉ có 1 đại học là National Universiy of Hanoi trong nhóm hạng 801 – 1000. Đây là năm đầu tiên VN có tên trong danh sách.
Trong bảng xếp hạng các đại học ở Á Châu, QS Asia University Rankings 2019 xếp hạng 500 đại học như sau:
  • Singapore có 2 đại học trong nhóm top 10: hạng 1 (NUS), hạng 3 (NTU)
  • Hong Kong có 7 đại học trong top 50
  • Hàn Quốc có 57 đại học trong đó có 20 top 100
  • Taiwan có 36 trong đó có 11 trong top 100
  • Mã Lai có 6 trong top 100
  • Phi Luật Tân: có 8 trong đó có 1 top 100
  • Thái Lan: 19 trong đó có 3 trong top 100
  • Việt Nam chẳng có đại học nào trong top 100. Có hai đại học được xem như có giá nhất là Vietnam National University of Hanoi hạng 124, Vietnam National University of Ho Chi Minh City hạng 144. Năm đại học khác được xếp cuối bảng: Hanoi University of Science &Technology (nhóm hạng 261-270), Ton Duc Thang University (nhóm hạng 291-300), CanTho University (nhóm hạng 351- 400), Hue University và University of DaNang (nhóm hạng 451-500).
Tóm lại, trong tất cả các đại học ở Á Châu, Việt Nam chỉ hơn Miên và Lào, hai đồng chí cộng sản của Việt Nam.

Quản trị đại học Việt Nam mánh mung

● Cơ cấu

Tổ chức các đại học, như trên đã nói, đặt dưới quyền quản trị chồng chéo của nhiều cơ quan lãnh đạo khác nhau. Ngoài chính phủ trung ương gồm Bộ GDĐT và nhiều bộ chuyên môn khác, các đại học địa phương, công cũng như tư, còn phải chịu sự chi phối của chính quyền tỉnh hay thành phố.

Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân (UBND) tỉnh có quyền «bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, cách chức, giáng chức vị trí người đứng đầu trường đại học, cao đẳng ở địa phương. Có quyền công nhận hay không công nhận hội đồng quản trị, hiệu trưởng các đại học tư trên địa bàn, giám sát chất lượng cơ sở đào tạo đại học đóng trên lãnh thổ…» (Tin mới VN, ngày 21/04/2010).

VN hôm nay trở lại thời kỳ thuộc địa ngu dân thuở xưa bởi lẽ các cơ sở giáo dục cao cấp ở địa phương lại đặt dưới quyền sinh sát của các chủ tịch UBND tỉnh, mà đa số là những cán bộ ít học hay thất học, chỉ vì phe cánh hay trung kiên với đảng được cất nhắc làm lãnh chúa ở các địa phương, thì thử hỏi trong một hoàn cảnh như vậy, đại học VN bảo sao mà không lạc hậu? Tuy ít học, vô học và có khi vô đạo, nhưng đa số đều có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ!

Các địa phương tranh nhau mở trường, nhiều chương trình đào tạo giống nhau, các trường tranh chấp nhau, nhiều ngành học không xứng danh đặt trong học trình đại học, hay phát triển một cách đại qui mô ở khắp các địa phương.

Ngoài ra, VN còn có 29 đại học, cao đẳng quân sự, 12 đại học công an, không kể các học viện có qui chế như trường đại học, cao đẳng, có quyền cấp văn bằng hậu đại học. Chuyên lạ trên thế giới, trường cao đẳng, đại học Công An đào tạo tiến sĩ và ngành công an ở Việt Nam có rất nhiều tiến sĩ.

Trên 63 tỉnh và thành phố của cả nước, mỗi nơi, ngay cho ở «vùng sâu, vùng xa» đều có vài trường đại học hay cao đẳng. Nhiều đại học có tên ngộ nghĩnh: Đại học Dân lập, Đại học Mở, Đại học FPT, Viện Đào Tạo Răng-Hàm-Mặt, Đại học Phòng cháy Chửa cháy, Đại học Công an nhân dân, Học viện Hậu Cần…

Tên gọi các trường lung tung

Đại học đã lạm phát, mà danh xưng các cơ sở đại học cũng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn. Theo tổ chức của Bộ GDĐT, môt Đại học có nhiều trường đại học, khoa, viện trực thuộc. Thí dụ như Đại học Đà Nẵng có 11 cơ sở trực thuộc như Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Kinh tế…, Khoa Y Dược, Viện Nghiên Cứu Đào tạo Việt-Anh… Sử dụng các danh từ bất nhất bằng các tên gọi như đại học, trường đại học, viện, học viện tạo ra những nhầm lẫn cho mọi giới, và phải chăng đó là sở trường đánh lận con đen của thế giới cộng sản. Thí dụ tại Hà Nội có ít nhứt 4 trường có tên gần giống nhau: Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội, trường Đại học Hà Nội, trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Viện Đại Học Mở Hà Nội.

Chuyện tương tự như vậy tìm thấy tại nhiều địa phương khác, tại các trường chuyên ngành, cao đẳng. Thí dụ: Trường Đại Học Sư Phạm Thể Dục Thể Thao Thành Phố HCM, Trường Đại Học Thể Dục Thể Thao Thành Phố HCM (phải để ý từng chữ mới phân biệt được).

Về danh xưng Viện cũng không thống nhứt, có khi là một cơ sở độc lập tương đương với một đại học hay một trường đại học, có khi chỉ là một đơn vị trực thuộc. Thí dụ Viện Đại Học Mở Hà Nội được xem quan trọng như Đại học Quốc Gia Hà Nội vì là đại học đã có quyền tự trị, có hơn 30 000 sinh viên các ngành, hệ đào tạo như hệ chính qui, tại chức, từ xa, với một lực lượng ban giảng huấn hùng hậu: 29 Giáo sư, 123 Phó GS, 322 tiến sĩ, 487 thạc sĩ (theo Wikipedia) trong khi tại Đại Học Quốc Gia Hà Nội, Viện chỉ là môt đơn vị phụ thuộc (có 7 viện nghiên cứu).

Danh xưng người chỉ huy cũng bất nhất:người đứng đầu đại học quốc gia được gọi là Giám đốc, đứng đầu đại học, trường đại học, phân khoa gọi là Hiệu trưởng; đứng đầu viện là Viện trưởng (nhưng viện trong đại học thì gọi là hiệu trưởng) và các học viện chuyên môn như Học Viện Biên Phòng, Học Viện Hậu Cần thì người điều khiển là Giám đốc.

● Giáo sư «rởm» tuyển chọn giáo sư «thật»

Giảng viên là danh từ gọi chung các người dạy ở đại học. Chức danh giáo sư là một học hàm hay học vị chỉ dành cho các tiến sĩ hay thạc sĩ có thẻ đảng viên, như vậy một tiến sĩ không tất nhiên là giáo sư nếu không vô đảng và không lọt qua Hội Đồng Tuyển chọn. Muốn có chức danh Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS) phải làm đơn xin ở Hội Đồng Chức Danh Giáo Sư Nhà Nước được thành lập từ năm 1976. Ngoài tiêu chuần về kiến thức, thành tích, muốn đạt được chức danh nầy phải có «lòng trung thành với tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, tinh thần phục vụ nhân dân và thực hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước» (quyết định 162/CH ngày 11/09/1976).

Trong lần phong chức đầu tiên (11/09/1976) chỉ có 29 nhà giáo, nhà khoa học được phong chức GS trong đó có nhiều vị chỉ có Tú Tài. Về Sử học có: Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Huyên, Phạm Huy Thông, Nguyễn Khánh Toàn; Về Văn học có: Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Hồ thị Phượng; Về Triết học có: Trần Đức Thảo; Về Toán học có: Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, Trần Quang Nhật; Về Y học có Đặng Chung, Hồ Đắc Duy, Vũ Công Hòe, Đỗ Xuân Hợp, Đặng Vũ Hỹ, Nguyễn Xuân Nguyên, Phạm Ngọc Thạch, Trương công Trung, Đinh Văn Thắng, Hoàng Tích Trí, Tôn Thất Tùng, Trần hữu Tước; Về Cơ khí: Trần Đại Nghĩa…

Từ năm 1989 trở về sau, ngoài yếu tố văn bằng còn có thêm các yếu tố thông thạo hai ngoại ngữ, thời gian giảng dạy, số bài nghiên cứu đăng trong tạp chí quốc tế.

Tính chung, từ năm 1980 đến 2017 có 12 850 giáo sư và phó giáo sư (khoảng 1850 GS và 11 000 PGS), đặc biệt năm 2017 số người trình diện ở Nhà Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội chiếm kỷ lục: 85 GS và 1141 PGS (Công An Nhân Dân on line/ Nghịch lý Giáo sư tiến sĩ nhiều 03/03/2018). Điều lưu ý là trong số GS tiến sĩ nầy có những tiến sĩ giấy như Trần Đại Quang, Nguyễn Phú Trọng (Chính trị), Nguyễn Thị Đoan, Nguyễn Thiện Nhân (Kinh Tế) và vô số tiến sĩ, thạc sĩ có học vị GS và PGS trong các bộ kể cả Bộ Công An, Quốc Phòng và Ủy Ban Nhân Dân tỉnh, thành phố. Từ một học hàm, chức danh GS, PGS trở thành một phẩm hàm, một phần thưởng cho các người trung thành với đảng, với phe nhóm, và sau khi nhận được chức danh, nhiều GS, PGS xao lãng việc nghiên cứu, giảng dạy, lợi dụng chức danh để làm hoạt đầu chính trị, kinh doanh thương mại.

Thực ra, từ căn bản, chuyện tuyển chọn chức danh GS, PGS đã có nhiều điều không ổn mà giới trí thức có tâm và có tầm đã lên tiếng phản đối nhưng chỉ là chuyện đàn gảy tai trâu. Trước tiên là các thành viên trong Hội Đồng không đủ khả năng để tuyển chọn mà báo giới gọi là Giáo sư «rởm» xét ứng viên giáo sư «thật».Sau đó là những tiêu chuẩn máy móc, không minh bạch của Hội Đồng Tuyển Chọn dễ đưa đến quyết định chủ quan, thiên vị. Những tiêu chuẩn để chấm điểm là: bài báo + sách + hướng dẫn Nghiên cứu sinh + Số giờ giảng dạy + Thâm niên giảng dạy + Tỷ lệ phiếu yêu/ghét.

Điều hi hữu chỉ có ở đại học Việt Nam: được gọi là công trình khoa học gồm cả thư mục tài liệu tham khảo, giáo trình, sách hướng dẫn nghiên cứu sinh và chấm điểm theo thang điểm: monography: 0-4 điểm, sách giáo khoa: 0-3 điểm, bài báo: 0-1 điểm… Và cái tiêu chuẩn chết người là: Tỷ lệ yêu /ghét.

Lễ trao văn bản chức danh GS, PGS cho càc giảng viên đại học quân sự. Năm nầy cũng có 4 GS, PGS Học Viện Công An

GS Hoàng Tụy, nhà toán học số một của VN, đã góp phần vào việc nghiên cứu thuyết Tối ưu toàn cục (Global optimization), được nhiều đại học quốc tế mời làm giám khảo trong các kỳ thi tiến sĩ về Toán, nhà giáo được cả nước kính nể, đã viết nhiều bài chỉ trích cái tệ nạn tham nhũng, bất tài của Hội đồng tuyển chọn. Ông viết:

«… Oái ăm nhất là việc xét duyệt danh sách đề cử GS, PGS ở mấy cơ quan lớn như Bộ Giáo dục, Bộ Y tế, Viện Khoa học VN (ngày nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ), đều do phòng tổ chức ở đấy quyết định mà phụ trách phòng này ở cả ba cơ quan không may đều là cán bộ chính trị trình độ học vấn chỉ đến cấp hai phổ thông… Ngay cả nhiều lãnh đạo cấp cao của hai ngành giáo dục, khoa học khi được trao quyền xét duyệt thì cũng tự cho mình hiểu biết hơn người, cho nên đặt ra nhiều tiêu chuẩn định lượng có vẻ chặt chẽ chính xác mà thật ra máy móc đến ấu trĩ. Đã thế Hội đồng xét duyệt lại bị lãnh đạo bởi những người chẳng những yếu kém chuyên môn mà còn thiếu cả công tâm.

Tôi nhớ có một trường hợp có bằng tiến sĩ ở Pháp, chuyên về Tối ưu, đã giảng dạy mấy năm ở đại học, có nhiều công bố quốc tế được các chuyên gia Tối ưu ở Viện Toán đánh giá cao, nên khi đưa ra xét để phong PGS thì toàn Hội đồng cơ sở nhất trí ủng hộ, thế mà đưa lên Hội đồng ngành thì bị bác chỉ vì một thành viên Hội đồng Chức danh Nhà nước nhất quyết chống lại, vì cho rằng chưa đạt một vài tiểu chuẩn vớ vẩn. Đó là xét PGS cho một trường hợp về Tối ưu, mà ý kiến ủng hộ của cả một tập thể gồm những chuyên gia Tối ưu hàng đầu cả nước vẫn không có giá trị gì trước ý kiến một cá nhân chẳng hiểu tí gì về Tối ưu. Chuyện phi lý bất công như vậy nhưng hệ thống cứng nhắc đến mức dù nhiều nhà khoa học hàng đầu có ý kiến vẫn không sao thay đổi được.Có một thực tế đáng buồn là một số người, kể cả những người có chức có quyền cũng cố gắng «vơ» cho mình một chức danh GS, PGS để cho «oai» và để đánh bóng cái lý lịch cá nhân… (Hoàng Tụy. Tiêu chuẩn GS, PGS. Tiền Phong 24/04/2017)

Nói tóm lại, chức danh giáo sư, trên nguyên tắc, chỉ dành cho những nhà nghiên cứu uyên thâm một lãnh vực, có công khám phá được những sự việc, học thuyết mới mà những sáng tạo nầy được truyền dạy cho môn sinh hay các giới thẩm quyền để ứng dụng cho công ích, thì trái lại, tại Việt Nam chức danh giáo sư, phó giáo sư là một tước phẩm được kèn cựa mua bán. Đó là lý do khiến đại học Việt Nam mục nát, dẫy đầy các tiến sĩ già nua, bất tài, bất xứng làm rào cản các tài năng trẻ, thành tâm phục vụ đất nước nhưng không chịu theo đảng để làm chuyện ruồi bu.

Cái háo danh GS, PGS-tiến sĩ tại Việt Nam hôm nay lại còn bành trướng trong các ngành nghề như GS-TS-Kỹ sư, đặc biệt trong Y giới. Có gì quái lạ, ngu xuẩn hơn khi ông bác sĩ thật lại đi mua bằng tiến sĩ giả để được xưng tụng và trong các nhà thương nhan nhản xuất hiện trên túi áo, trên danh thiếp những chữ tắt dài dòng kịch cỡm đại khái như: PGS-TS-BS Hồ Đại Ngu và dưới mắt đương sự cùng với dân gian, ông phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ «oai» hơn và giỏi hơn ông bác sĩ không có tiến sĩ. Quả tình, chế độ cộng sản làm ngu dân và dạy người dân lường gạt lẫn nhau. Ông bác sĩ bỏ ra vài ngàn mỹ kim mua bằng tiến sĩ giả, ông chạy được chức PGS, ông kiếm được một chức vụ trong nhà thương hay trong một cơ quan, ông «chém» bịnh nhân gấp 5-7 lần hơn đồng nghiệp không có bằng tiến sĩ giả. Còn ông TS-Kỹ sư có bằng tiến sĩ giả chạy được chức Trưởng sở Xây Dựng (Công chánh), ăn ciment cốt sắt xây cầu vừa khánh thành thì cầu sập. Cứ thế mà tiến sĩ ở VN đông như bọ xít.

● Giảng viên Cử nhân dạy sinh viên Cử nhân

Niên học 2015-16, tổng số sinh viên là 2,2 triệu gồm 1,750 000 sinh viên đại học (80%) và 450 000 sinh viên cao đẳng (20%). Số sinh viên học theo 3 hệ thống: chính quy (đi học ở trường đầy đủ theo học trình), vừa làm vừa học (học từ phân nửa học trình đến tượng trưng vài tuần), đào tạo từ xa (học on-line).

Số sinh viên trên được đào tạo bởi 93 851 giảng viên gồm 14 231 tiến sĩ (15%), 52 791 thạc sĩ (56%), 25 407 cử nhân (27%) và 1 422 trình độ linh tinh (2%). Số giảng viên trên chia ra 80% dạy ở trường công lập và 20% trường tư thục.

Bảng 2- Thống kê sinh viên và giảng viên

Số liệu

2015-16

2017-18



đại học và cao đẳng

chỉ đại học

Sinh viên





Đại học

1 753 174 (80%)

1 707 025

Công lập

1 520 807

1 479 495

Tư thục

232 367

267 530

Cao đẳng

449 558 (20%)



Công lập

392 025



Tư thục

57 533



Tổng cộng ĐH+CĐ

2 202 732



Công lập

1 912 732 (87%)



Tư thục

289 900 (13%)









Hệ đào tạo (ĐH+CD)





Chính quy

82%

83%

Vừa làm vừa học

14%

13%

Đào tạo từ xa

4%

4%







Tốt nghiệp

503 640



Đại học

352 789 (87%)

320 578

Cao đẳng

150 851 (13%)



Chính quy

80%

78%

Vừa làm vừa học + từ xa

20%

22%







Giảng viên

93 851

74 991

Đại học

69 591

74 991

Cao đẳng

24 260



Tiền sĩ

14 231 (15%)



Đại học

13 598

20 198 (27%)

Cao đẳng

633



Thạc sĩ

52 791 (56%)



Đại học

40 426

44 634 (60%)

Cao đẳng

12 365



Cử nhân+linh tinh

26 829 (29%)



Đại học

15 567

10 159 (13%)

Cao đẳng

11 262



Tỉ lệ giảng viên /sinh viên




Đại học

1/ 25

1/23

Cao đẳng

1/18.5



Chung (ĐH+CĐ)

1/23.5



Nguồn: Bộ GĐDT. Thống kê đại học (2015-16, 2017-18). Cao đẳng (2015-16)
(không kể các trường thuộc khối An ninh, Quốc phòng).

Trong số sinh viên trên, khoảng 25% tốt nghiệp (503 640 sinh viên) gồm 87% từ trường đại học và 13% trường cao đẳng. Nếu tính theo hệ thống học, thì có 82% theo hệ chính quy và 18% theo hệ vừa làm vừa học và đào tạo từ xa (cách đây 5 năm thì số sinh viên loại vừa làm vừa học đến 25%).

Niên học 2017-18, tổng số sinh viên đại học là 1.7 triệu gồm 1,430 000 sinh viên công lập và 270 000 sinh viên tư thục. Số sinh viên nầy học theo 3 hệ thống: chính quy (83%), vừa làm vừa học (13%), đào tạo từ xa (4%). Số sinh viên trên được đào tạo bởi 74 991 giảng viên gồm 20 198 tiến sĩ (27%), 44 634 thạc sĩ (60%), 10 166 cử nhân và trình độ linh tinh (13%). Số giảng viên trên chia ra 79% dạy ở trường công lập và 21% trường tư thục. Thống kê về cấp cao đẳng chưa công bố.

Dưới đây, bảng thống kê niên khóa 2015-16 liên quan đầy đủ đến cấp đại học và cao đẳng, còn bảng thống kê mới nhứt niên khóa 2017-18 chỉ liên quan đến cấp đại học. Tất cả các thống kê công bố không có số liệu liên quan đến khối Công an và Quốc phòng.

Từ bảng thống kê trên và một số nhận định của những chuyên gia, chúng tôi có mấy nhận định tổng quát như sau:
  • Giáo sư không có trình độ
Hơn phân nửa giảng viên chỉ có trình độ thạc sĩ (cao học), và trầm trọng hơn, từ 20-30% số giảng viên có cử nhân hay trình độ thấp hơn, nhất là giảng viên trường cao đẳng. Số giảng viên có tiến sĩ đã ít, mà số giảng viên thực sự giảng dạy còn ít hơn vì các tiến sĩ làm chuyện quản trị hành chánh, chỉ huy. Ngoài ra, giá trị cấp bằng của các tiến sĩ đào tạo trong nước đáng nghi ngờ.

Tiến sĩ Vũ Quang Việt, trước khi về VN phục vụ, là chuyên viên thống kê của Liên Hiệp Quốc và cố vấn cho nhiều ngân hàng quốc tế như World Bank, ADB…) đã có nhận định như sau về tiến sĩ VN:

“Có một thời gian những người học ở bên Liên Xô gọi là nghiên cứu sinh, PhD Candidates, đang học để lấy bằng tiến sĩ thì Việt Nam coi họ tương đương với tiến sĩ của Mỹ. Ở Việt Nam thì lúc đầu tiên người ta gọi là phó tiến sĩ, sau đó thành tiến sĩ hết, mà những phó tiến sĩ ấy đã chắc gì có những công trình đàng hoàng, so với Mỹ chỉ là bằng Master tức bằng Cao Học. Rồi những tiến sĩ đó bây giờ được dạy học và hướng dẫn cho những người làm tiến sĩ khác. Thế thì vấn đề nằm ở chỗ Việt Nam có nhiều tiến sĩ vì họ cho rất dễ dàng. Những người đó làm gì có khả năng nghiên cứu? Họ hướng dẫn sinh viên như vậy thì họ sẽ đẻ ra những người cũng không có khả năng mà chỉ có cái bằng thôi."

Nghi ngờ về phẩm chất mà còn cả số thống kê giảng viên. Hãy nhìn lại số thống kê thạc sĩ và tiến sĩ trong ban giảng huấn các trường đại học (không kể cao đẳng) ba niên khóa 2015-16, 2016-17, 2017-18 để thấy sự gia tăng bất bình thường số giảng viên tiến sĩ.

Bảng 3- Giảng viên Thạc sĩ và Tiến sĩ các niên khóa 2015, 2016, 2017

Cấp bằng

2015-16

2016-17

2017-18

Gia tăng 2015-18

Thạc sĩ

40 426

43 127

44 634

4 208 = 10.5%

Tiến sĩ

13 598

16 514

20 198

6 600 = 48.5%

Nguồn: Bộ GDĐT. Số liệu chung về đại học các niên khóa trên

Tiến sĩ được «hấp» từ lò nào mà tăng nhanh như thế. Trang mạng điện tử Tiền Phong của chính phủ viết: «Theo báo cáo của Bộ GDĐT, tính bình quân, mỗi năm cả nước đào tạo được khoảng hơn 1000 tiến sĩ, trong đó giảng viên các trường ĐH, CĐ chỉ chiếm 1/3. Ngoài ra, năm 2010, Bộ GDĐT có dự án 911 cấp học bổng cho nghiên cứu sinh đào tạo 23 000 tiến sĩ trong 10 năm (2010-2020) trong nước và ngoài nước… Cũng bài báo nầy viết: «…Đề án 911 đã và đang đào tạo 3 819 nghiên cứu sinh, chỉ đạt 16,6%, trong đó có 800 người đã tốt nghiệp trở về nước cộng tác tại các trường ĐH,CĐ…» (Toàn cảnh bức tranh tiến sĩ VN/Tiền Phong 29/11/2017).

Tính theo báo cáo nầy, trong ba năm, trong số 3000 tiến sĩ tốt nghiệp trong nước có khoảng 1000 người làm công tác giáo dục cộng thêm 800 người tốt nghiệp ở ngoại quốc trở về (giả sử như tất cả đều trở về nước dạy học) thì trong 3 năm chỉ có tăng thêm 1800 tiến sĩ, vậy mà thống kê của Bộ GDĐT công bố con số 6 600. Chỉ một chuyện hiển nhiên như vậy mà còn báo cáo láo, thì phải hiểu rắng trong thế giới cộng sản, chuyện gian dối là sách lược.
  • Tỉ lệ sinh viên / giảng viên
Ngoài yếu tố căn bản về học lực giảng viên đại học phải có văn bằng tiến sĩ, tỉ lệ số sinh viên cho một giảng viên còn là thước đo phẩm chất của giáo dục đại học. Tại các quốc gia phát triển, một giảng viên thường phụ trách dưới 15 sinh viên, các đại học uy tín của Mỹ thường dưới 10. Tính theo thống kê của Bộ GDĐT thì 1 giảng viên (gồm tiến sĩ, cao học, cử nhân) cho 25 sinh viên, nếu kể là giảng viên tiến sĩ thì tỉ lệ nầy đến 1/128 (13 588 tiến sĩ / 1 753 174 sinh viên)

Theo bảng thống kê chuẩn hoá của UNESCO năm 2015, tỉ lệ SV/GV của một số quốc gia như sau: Nhựt: 7; Đức, Canada: 7.5; Singapore: 11; Hàn Quốc: 14; Mã Lai: 16; Pháp: 19; Thái Lan: 23 Phi Luật Tân: 24; Indonésia: 25; Việt Nam: 27, Soudan:49.

(Nguồn: UNESCO. Ratio élèves/enseignant dans l’enseignement supérieur).

● Phương pháp giảng dạy

Tuy những năm gần đây, một số đại học có uy tín, với ban giảng huấn tốt nghiệp từ Âu Mỹ đã áp dụng lối giảng dạy theo phương pháp khai phóng mà Việt Nam Cộng Hòa đã áp dụng từ năm 1958 (kiến thức chuyên môn và bao quát, liên ngành, khả năng phê bình, phân tích, giao tiếp …), nhưng đa số các trường đại học, nhất là cao đẳng VN vẫn giảng dạy theo kiểu thầy đọc trò chép, chưa kể chương trình giảng dạy không ứng dụng vào đời sống, thi nhập học và thi tốt nghiệp bằng hối lộ và tham nhũng. Tất cả các tệ hại nầy đã đưa đến hậu quả tất nhiên là «có những sinh viên tốt nghiệp đại học mà vẫn chưa biết tra cứu một quyển sách chuyên đề hay tra tự điển. Những kiến thức sinh viên nhận được đều lấy từ sách vở và do giáo viên cung cấp, sinh viên không biết tự tìm tòi, nghiên cứu». (Giáo duc đại hoc. www.tgvn.com.vn 16/3/2010).

Điều cũng dễ hiểu, các sinh viên nhập học là những học sinh trung học kém, được đào tạo từ một hệ thống giáo dục lạc hậu, nói theo chữ nghĩa cộng sản thì nếu «đầu vào» kém thì «đầu ra» ắt phải kém hơn. Hột giống xấu thì nếu cây có mọc được cũng không có trái hay trái thúi. Các trường học thường chia sinh viên thành 3 nhóm: nhóm thứ nhứt khoảng 20% là các sinh viên chăm chỉ học tập, nhóm thứ 2 khoảng 30% là các sinh viên học bình thường, nhóm thứ 3 khoảng 50% là sinh viên học cầm chừng, lười biếng. Thế nhưng kết quả một số ngành luôn có hơn 50% tốt nghiệp bởi lẽ trường sợ đánh rớt thì sinh viên bỏ học, mất thu nhập, trường mất uy tín.

Hậu quả là sinh viên có bằng nhưng không khả năng nên không tìm được việc làm thích ứng đành phải đi làm cổ xanh mà cũng không có khả năng làm một cổ xanh. Ngoài ra còn có các sinh viên theo hệ thống vừa làm vừa học, học từ xa (on-line) chỉ học phân nửa học trình của hệ chính quy hay vài tuần (hệ chính quy: cử nhân phải học 4 năm hay 180 tín chỉ, cao đẳng 3 năm hay 120 tín chỉ) thì cũng được cấp phát văn bằng. Một nền giáo dục đại học chợ trời như vậy chỉ sản xuất được những người nửa thầy nửa thợ. Thống kê của Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã hội cho biết hồi tháng 12 năm 2017, VN có 225 000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp trong tổng số 1.1 triệu người dân không có việc làm.

● Tự trị đại học

Đại học VN đã mất quyền tự trị, đặc tính truyền thống của tổ chức đại học. Đảng Cộng Sản nắm quyền đại học ở mọi cấp: tất cả quyết định về đường lối quản trị, chương trình giảng dạy đều phải có sự chấp thuận của Bí thư đảng ủy, ban giảng huấn lệ thuộc vào Công đoàn và tất cả sinh hoạt của sinh viên được huy động bởi Ban Bí thư Đoàn Thanh niên.

Trong một báo cáo tháng 11/2008 của Trường Lãnh đạo Kennedy thuộc Đại Học Harvard (Harvard Kennedy School, ASH Institute) tựa là Vietnamese Higher education: crisis and response đã viết:

“Nguyên nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng đại học VN ngày nay là sự thất bại nghiêm trọng trong vấn đề quản lý. Trước hết là vấn đề tự trị đại học. Các đại học VN vẫn chịu một sự quản lý tập trung cao độ. Chính phủ trung ương quyết định số sinh viên được tuyển, tiền lương của giáo sư, ngay cả việc thiết lập hội đồng khoa và việc điều hành.

Tham nhũng là phổ quát và ai ai cũng biết là bằng cấp, học hàm, học vị đều có thể mua bán. Hệ thống tổ chức nhân sự không rõ rệt, việc bổ nhiệm thăng thưởng dựa trên những tiêu chuẩn phi học thuật (non-scholastic) như thâm niên, lý lịch gia đình và chính trị, và các liên hệ cá nhân. Các người lãnh đạo thường là các người đã tốt nghiệp từ Liên Sô hay Đông Âu, không nói được tiếng Anh và không có thiện cảm với những người được đào tạo từ các đại học Tây phương.” (Memorandum Higher Education Task Force / Thomas J. Valley & Ben Wilkinson, p.3-4).

«Báo cáo cập nhật hóa đại học Việt Nam» của Vietnam Education Foundation gồm một số chuyên viên Việt- Mỹ (người ký tên báo cáo là Tiến sĩ Isaac F. Silvera, giáo sư danh dự Đại học Harvard) công bố vào tháng 07/2014 cũng có những nhận định tương tự (có thể đọc online).

Ngoài việc giáo sư thiếu khả năng, chương trình giảng dạy phải rập theo đường lối của đảng, giáo dục hoàn toàn bị chính trị hóa mà việc học tập lý thuyết Cộng Sản và tư tưởng Hồ Chí Minh đứng hàng đầu trong các môn học, ngành học. Tất cả sinh viên mọi ngành đều phải học từ 20 đến 30 đơn vị học trình về 5 môn chính trị:
  • Triết học Mác-Lênin
  • Kinh tế chính trị Mác-Lênin
  • Chủ nghĩa xã hội khoa học
  • Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tính chung, trong khoảng 2200 giờ học của 4 năm học trình Cử nhân, số giờ học linh tinh về chính trị, sinh hoạt tập thể trong nhiều ngành có thể chiếm đến 1 năm. So với 4 năm cử nhân ở Hoa Kỳ là 1380 giờ, sinh viên VN không có thời giờ tự học, tự nghiên cứu, tham gia các hoạt động xã hội.

Nói tóm lại, trừ các lãnh đạo đảng viên cao cấp trong bộ Giáo Dục, không một ai, không một tờ báo nào trong nước không chế nhạo, thán oán bộ Giáo Dục.


Phần II - Chợ trời tiến sĩ Việt Nam

Tiến sĩ dỏm, tiến sĩ giả

Một hiện tượng ngộ nghĩnh rất phổ quát ở VN là chế độ vừa làm vừa họchọc từ xa. Có khoảng 20% người có bằng mà chẳng phải học đủ chương trình. Con số trên đã phơi bày một thực trạng yếu kém của cấp bằng và của bộ máy công quyền bởi lẽ với gần một triệu cán bộ công chức vừa đi học, vừa đi làm, thời thời giờ đâu để làm việc phục vụ dân chúng và thời giờ đâu để học có cấp bằng. Bằng cấp không tương xứng với học trình, đó là bằng cấp dỏm.

Tệ hại hơn, nhiều người không đi học mà vẫn có bằng, thường là thạc sĩ, tiến sĩ. Chuyện lạ mà có thật ở VN. Báo chí VN tường thuật Ông Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc Sở Văn hóa Thể Thao tỉnh Phú Thọ đậu bằng tiến sĩ do một trường đại học ở Mỹ cấp, dù ông không nói được tiếng Mỹ và chẳng bao giờ đi học. Ông cho biết là ông tốn 17 000 mỹ kim để đi Hawaï 2 tuần để nhận bằng từ đại học South Pacific University là một đại học đã bị tòa án tiểu bang Hawaï đóng cửa từ năm 2003 nhưng vẫn tiếp tục hoạt động để bán văn bằng. Cũng cần biết là số tiền 17 000 mỹ kim là do ngân sách của tỉnh Phú Thọ «hỗ trợ».

Chuyện ông tiến sĩ có bằng Mỹ không biết tiếng Mỹ đã phơi bày một bi hài kịch về học vị tiến sĩ ở VN. Nhiều trưởng cơ quan, đảng viên cao cấp đã có bằng tiến sĩ hay thạc sĩ theo kiểu học cho có lệ tại sở làm để rồi được các đại học VN cấp văn bằng dưới áp lực chính trị, tình cảm hay mua văn bằng của đại học ngoại quốc. Chuyện ông tiến sĩ giấy lại phơi bày thêm một khía cạnh đạo đức của xã hội VN vì có tờ báo cho là bằng cấp của ông Ân là bằng thật chớ không phải bằng giả bởi không phải do ông ngụy tạo ra, ông có đến Mỹ trình luận án của ông tựa là «Bảo tồn văn hóa phẩm tỉnh Phú Thọ» qua một thông dịch viên, đại học Mỹ đã cấp văn bằng tiến sĩ và chỉ có chánh phủ Mỹ mới có quyền hủy bỏ văn bằng. Như vậy, cùng lắm có thể nói bằng tiến sĩ của ông Ân là tiến sĩ dỏm chớ không phải là tiến sĩ giả. Đó là thứ ngôn ngữ và lý luận lật lọng điển hình của Bộ Giáo dục nói riêng và cả guồng máy cai trị đảng cộng sản nói chung. Chuyện tranh cãi tương tự cũng xảy ra với trường hợp ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Yên Bái cũng có bằng tiến sĩ tuy không đi học, không biết tiếng Mỹ, sau 6 tháng nhận trợ cấp của chánh phủ 74 triệu đồng. Ông cũng cho biết có 10 đồng chí của ông nhận được bằng tiến sĩ của đại học ma nầy. Ông «tiến sĩ 6 tháng» nầy sau đó được bổ nhiệm chức Phó Bí Thư Đảng ủy Doanh nghiệp Trung ương (tương đương với Thứ Trưởng).

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ Trưởng GDĐT tuyên bố: «Từ 2001 đến 2004, Bộ cũng đã tiến hành rà soát trên cả nước và phát hiện hơn 10 000 trường hợp quan chức có bằng cấp giả» (Blog Mai Thanh Hải). Qua những tin tức phát xuất từ báo chí và cơ quan nhà nước vì đại nạn bằng giả bằng dỏm không còn giấu diếm được, chúng tôi nghĩ là từ sau khi chiếm miền Nam đến nay, có ít nhất phân nửa cán bộ nhà nước, đặc biệt là các cấp lãnh đạo sử dụng văn bằng đại học giả hay dỏm.

Lò đào tạo tiến sĩ

Ở Việt Nam có một lò đào tạo tiến sĩ đang bị điều tra là Học Viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã Hội, mỗi năm đào tạo trung bình 350 tiến sĩ. Bị tai tiếng từ lâu vì nhiều sai phạm chưa từng thấy trong bất cứ đại học nào trên thế giới, nhưng mãi đến năm 2017, Bộ Giáo Dục Đào Tạo mới buộc lòng cử thanh tra đến khui

«hũ mắm thúi» nầy. Sau đây là một vài sai phạm động trời trong cả khối sai phạm mà ban thanh tra đã công bố liên quan đến việc tuyển sinh viên thạc sĩ, nghiên cứu sinh tiến sĩ, chương trình giảng dạy, phân công giáo sư hướng dẫn và cấp phát văn bằng.
  • Thí sinh không có đủ trình độ để theo học trình. Điển hình: Những người có thạc sĩ các ngành Chánh Trị, Hành Chánh, Chủ nghĩa Xã Hội được xét học Tiến sĩ cả 4 ngành Luật: Luật hiến pháp, Luật hình sự, Luật kinh tế, Luật tội phạm.
  • Giáo sư hướng dẫn không có kiến thức của ngành, môn hướng dẫn. Thí dụ: GS Kinh tế hướng dẫn nghiên cứu sinh ngành Quản lý Giáo dục, GS ngành Nhân học hướng dẫn nghiên cứu sinh ngành Dân Tộc học.
  • GS hướng dẫn quá nhiều học viên: thí dụ một vị hướng dẫn 44 học viên thạc sĩ thuộc 3 ngành khác nhau (29 ngành Luật, 10 ngành Chính sách công, 5 ngành Công tác Xã hội). Theo quy định, một giáo sư được quyền hướng dẫn cùng lúc không quá 5 NCS, Phó giáo sư không quá 4, và tiến sĩ không quá 3.
  • Chương trình đào tạo không bảo đảm kiến thức tối thiểu cho học viên: từ 2015 đến 2017, Học Viện đã tuyển hơn 1100 nghiên cứu sinh tiến sĩ nhưng chương trình đào tạo chưa hoàn tất nội dung. Một số chương trình cấu trúc để áp dụng đồng loạt cho nhiều ngành đào tạo khác nhau.
  • Hội đồng giám khảo có người không cùng ngành chuyên môn với sinh viên trình luận án, luận văn.
  • Khai gian số giáo sư hướng dẫn.
  • Bôi sửa văn bằng: từ năm 2016, Học Viện tự in phôi bằng. Số phôi bằng được in năm 2016 là 400 phôi bằng tiến sĩ và 1700 phôi bằng thạc sĩ. Kiểm tra số cấp phát văn bằng cho thấy có hiện tượng bôi xóa, sửa chữa trên số, nhiều mục chưa có đầy đủ thông tin theo quy định.
Theo thông tin công bố trên trang mạng chính thức của Học Viện, trung bình mỗi ngày Học Viện ra lò một tiến sĩ (đọc tập hồ sơ Thông tin lò đào tạo tiến sĩ giấy gây xôn xao/VNExpress ngày 13/1/2018) độc giả sẽ còn phát hiện nhiều điều kinh tởm hơn).

Phải hiểu rằng trong chế độ bưng bít và gian dối Cộng Sản, cuộc điều tra nầy là chuyện chẳng đằng đừng và báo cáo chỉ trình bày một phần sự thật. Không phải chỉ tại Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội mà trên cả nước có gần 100 trường sản xuất thạc sĩ, tiến sĩ mà số lượng và phẩm chất những cấp bằng những năm gần đây rẻ như bèo.

● Luận án tiến sĩ không xứng danh

Đọc qua tựa hay bài tóm tắt 5392 luận án tiến sĩ đã được chấp nhận từ năm 2010 đến tháng 01/2018, (nguồn: moet.gov.vn. Giáo dục Đại học. Luận văn Tiến sĩ) người viết kinh ngạc về trình độ thấp kém, nghèo nàn, kịch cỡm của các luận án tiến sĩ Việt Nam. Trang giấy có hạn, chúng tôi chỉ có thể nêu lên một số nhận định tổng quát như vậy và kết luận là đại đa số các luận án tiến sĩ về các khoa học nhân văn, xã hội, chính tri, kinh tế không xứng danh là luận án tiến sĩ. Rất nhiều luận án có đề tài vụn vặt với những cái tựa ngộ nghĩnh điển hình như:
  • Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã,
  • Ghi-ta trong đời sống giới trẻ hiện nay tại Hà Nội
  • Hành vi nịnh trong tiếng Việt
  • Hành vi ngôn ngữ chửi thề trong tiếng Việt
  • Lịch sự trong Phỏng vấn báo chí
  • Phát huy tục chơi Diều ở đồng bằng Bắc bộ
  • Sử dụng cà phê hòa tan của người tiêu dùng VN
  • Pháp luật về thi đua, khen thưởng ở VN hiện nay
  • Hứng thú rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên cao đẳng sư phạm
  • Sự thích ứng với hoạt động dạy học của giáo viên tiểu học mới vào nghề
  • Câu «bị động» trong tiếng Anh và các phương thức dịch sang tiếng Việt

Những «nghiên cứu» trên trích từ các lãnh vực sau đây: (chữ nghiêng là tựa của luận án)

Kinh tế - Quản Lý: 1483 luận án xoay quanh các hoạt động, quản trị kinh tế, tài chánh, hành chánh, luật pháp các cơ quan công và tư, từ trung ương đế địa phương (tận cùng đến xã).

Những luận án thường bắt đầu hay trong tựa có những chữ như: Nâng cao chất lượng, Hoàn thiện, Giải quyết, Quản lý rủi ro, Thủ tục, Dịch vụ, Tác động... Những tựa sau đây là điển hình của hàng chục đến hàng trăm luận án có đề tài tương tự:
  • Phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp (khoảng 20 luận án các địa phương từ vùng, tỉnh trên khắp nước.
  • Rủi ro trong chăn nuôi lợn của nông dân tỉnh Hưng Yên (khoảng 100 luận án về chăn nuôi lợn, ngựa, thủy hải sản,… trồng lúa, ngô, mía, tiêu, chè, cao su…. Phát triển và rủi ro thị trường các sản phẩm nầy từ trung ương đến các địa phương…)
  • Nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động ở tỉnh Nghệ An (khoảng 20 luận án về đề tài nầy)
  • Tác động thuế tài nguyên của tỉnh Ninh Bình (và hàng chục tỉnh, thị xã, công ty….)
  • Sinh kế các hộ nông dân tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên (và các địa phương khác từ vùng, miền, đến tỉnh, huyện, xã…)
  • Hệ thống bán lẻ trên địa bàn TP Đà Nẵng (và các công ty bán sỉ, bán lẻ các ngành, các địa phương, ngoại thương…)
  • Sử dụng nguồn tài chinh trong các cơ sở giáo dục đại học công lập ở VN (và các cơ quan chính phủ từ trung ương đến địa phương)
  • Quản lý ngân sách xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương (và các cơ quan lớn nhỏ khắp nước)
  • Thủ tục xét hỏi tố tụng và tranh luận tại Tòa Sơ thẩm ở VN
  • Cơ quan cảnh sát điều tra trong luật hình sự ở VN (và cách tổ chức, quản trị các cơ quan luật pháp. tôi phạm các loại, nhưng chỉ có vài luận án về trưng dụng đất đai, nhà cửa, tham nhũng, nhưng tuyệt nhiên không có luận án nào về tự do báo chí, nhân quyền….)
Qua vài tựa và chủ đề kể trên, tuy số lượng luận án nhiều nhứt so với các lãnh vực khác, nhưng các luận án không xứng đáng gọi là nghiên cứu. Giá trị các luận án vô thưởng vô phạt, và có khi tai hại khi sử dụng tài liệu sai và lập luận theo bác và đảng. Có những luận án mang cái tựa khó hiểu thí dụ như: Tác động của văn hóa tổ chức lên hệ thống thù lao khuyến khích trong doanh nghiệp (văn hóa tổ chức là cái gì?) hay những luận án không bảo đảm sự chính xác như Quan hệ thương mại Canada-Mỹ trong 2 thập niên đầu thế kỷ XXI. Tác giả có biết đọc tài liệu nào thích đáng (pertinent) bằng Anh Pháp ngữ trong khối tài liệu khổng lồ của các tác giả chuyên gia của hai nước nầy.

Khoa học Xã Hội: 997 luận án thuộc các lãnh vực:
  • Ngữ Văn, Văn học: 224
  • Giáo dục, Sư Phạm: 352
  • Lịch sử, Văn hóa: 282
  • Thể dục thể thao: 75
  • Tâm lý: 64
Đây là lãnh vực ưu thế nhứt mà cũng có vấn đề nhiều nhứt về giá trị các bằng tiến sĩ của các đỉnh cao trí tuệ cộng sản mà đa số các tiến sĩ nầy xuất thân từ cái lò đạo tạo tiến sĩ bị chính Bộ Giáo Dục Đào Tạo, cơ quan chủ quản hỏi tội. Chúng tôi đặc biệt chú ý các luận án về lịch sử bởi bản chất thiên lệch và gian dối trong việc sử dụng tài liệu và lý luận của các tác giả, đặc biệt những luận án liên quan đến giai đoạn 1945-1975 (thí dụ như: Mặt trận Đường 9-Khe Sanh trong Xuân Hè 1968; Lực lượng tăng thiết giáp trong trận tấn công và nổi dậy Mùa Xuân 1975...). Có ít nhứt 50 luận án về lịch sử và hoạt động của đảng cộng sản từ trung ương đến mỗi tỉnh (thí dụ: Đảng bộ tỉnh Thái Bình, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc…), hoạt động của những lãnh đạo, kể cả đảng cộng sản Nga-Tàu.

Y tế- Sức khỏe: 928 luận án

Bởi lẽ hơn phân nửa giới Y-Nha-Dược VN được đào tạo từ Trường Y Khoa Hà Nội và Saigon đã rời VN sau 1975, ngành y khoa Việt Cộng được đào tạo từ Liên Sô, Đông Âu và trong các chiến khu vẫn còn mang bản chất của y khoa dã chiến trong hàng mươi năm nên không mong đợi gì những luận án tiến sĩ giá trị trong lãnh vực nầy có mặt trong các tạp chí nghiên cứu chuyên ngành trên thế giới. Các luận án xoay quanh cách điều trị, báo cáo các hoạt động của các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương, tình trạng bịnh nhân và một số «triển khai» theo kiểu đọc sách rồi chép lại hay từ những trường hợp đặc thù rồi vẽ vời thêm.

Khoa học các ngành: 1984 luận án gồm:
  • Khoa học Tự nhiên 864 luận án được xem là lãnh vực có những luận văn đúng nghĩa của nghiên cứu.
  • Các ngành khoa học khác:Tổng cộng gồm 1120 luận án chia ra: Kỹ nghệ thông tin (64); Điện (192); Cơ Khí (128); Giao thông Vận Tải (128); Sinh học (32); địa chất (64); môi tường (64); Nông Lâm Súc (448).
Tiến sĩ giấy

Giá trị bằng tiến sĩ nói riêng và đại học nói chung là sự sáng tạo, kết quả của những nghiên cứu nghiêm túc với sự hướng dẫn của những người đã có kinh nghiệm và kiến thức uyên bác trong lãnh vực, và những tân tiến sĩ sẽ tiếp tục theo truyền thống nầy để đào tạo những thế hệ tiến sĩ tiếp nối. Tại VN, vì óc khoa cử, tự tôn, háo danh, và tham nhũng, cuộc chạy đua lấy bằng tiến sĩ đã tạo nên một phá sản của ngành nghiên cứu khoa học, đưa đất nước đến chỗ tụt hậu.

Cái não trạng học tiến sĩ để làm thầy, làm quan thay vì như tại các quốc gia kỹ nghệ, họ tham gia vào các công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật để kỹ nghệ hóa xứ sở, tạo nên sự phú cường cho quốc gia. Từ 20 năm nay, viện trợ kinh tế và các quỹ ODA, FDI đã đổ vào VN hàng trăm tỉ mỹ kim, nhưng cho đến nay, VN vẫn chưa sản xuất được những vật dụng cần thiết cho đời sống. Cao Miên, một quốc gia kém xa VN trước 1975 thì nay đã sản xuất được chiếc xe con Anglor EV 2013 trong khi hơn 90 triệu dân VN vẫn tiếp tục xài những xe gắn máy của Trung Quốc, Nhật, Đại Hàn. Việt Nam hôm nay vẫn làm thợ lắp ráp, thợ «vịn», các công trình hạ tầng cơ sở, cao ốc đều do kỹ sư ngoại quốc thực hiện. Bảng thống kê sau đây về sự tham gia của các nghiên cứu sinh tiến sĩ trong 3 lãnh vực: xí nghiệp kỹ thuật, giảng dạy đại học, và công chức chính phủ cho thấy hiện tượng «tiến sĩ văn phòng» của VN.

Bảng 4 -Tỉ lệ tham gia của nghiên cứu sinh Tiến sĩ trong 3 lãnh vực: Xí nghiệp, dạy Đại học và làm công chức

Quốc gia

Xí nghiệp

Đại học

Công chức

Hàn Quốc

77%

14%

7%

Nhật Bổn

75

19

5

Trung Quốc

62

19

19

Singapore

52

43

5

Phi Luật Tân

39

33

28

Indonesia

36

30

35

Lào

30

34

36

Thái Lan

30

54

16

Mã Lai

12

81

5

Việt Nam

10

32

57

Nguồn: Unesco. Higher Education in Asia, 2014. p. 80

Bảng thống kê trên cho thấy tại 4 quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bổn, Trung Quốc và Singapore, tiến sĩ phục vụ nhiều trong lãnh vực nghiên cứu kỹ nghệ, trái lại tại VN, chỉ có 10% tiến sĩ tham gia vào lãnh vực xí nghiệp, kỹ thuật, phần còn lại đi dạy học và làm công chức. Điều nầy biểu hiện rõ trong số bài nghiên cứu khoa học đăng trong tạp chí quốc tế của VN rất yếu kém về lượng và phẩm so với các quốc gia trong vùng

Bảng 5. Số đại học có thành tích nghiên cứu, bài nghiên cứu đăng trong tạp chí khoa học quốc tế (Scopus) và số lần trung bình được trích dẫn tại các quốc gia trong vùng (1996-2016)

Quốc gia

ĐH có thành tích nghiên cứu

Hạng theo

Scimago*

Số bài đăng

(Cìtable doc)

Số lần trích dẫn

(trung bình)

Trung Quốc

387

2

4 525 851

7.16

Nhật Bổn

173

4

2 367 997

14.98

Hàn Quốc

78

12

887 739

11.75

Đài Loan

66

17

556 749

11.97

Singapore

18

32

224 763

16.98

Hong Kong

7

33

223 890

18.19

Mã Lai

29

34

207 498

6.05

Thái Lan

17

43

132 845

10.81

Indonésia

10

55

51 665

7.03

Việt Nam

3

62

33 937

9.80

Phi Luật Tân

3

69

21 861

14.29

Cambốt



123

2 964

15.90

Brunei



132

2 679

7.23

Lào



137

1 937

12.89







Nguồn: Scimago Journal & Country Rankings (1996 -2016) - All subjects Area

Qua bảng thống kê trên, về các nghiên cứu đăng trong các tạp chí quốc tế được trích dẫn, VN chỉ đứng trên Phi Luật Tân, Brunei (một vương quốc nhỏ chỉ có 5 700 km2 diện tích và 436 000 dân), Miên và Lào. Trung bình mỗi năm chỉ độ 1650 bài (năm 1996: 295, năm 2000:383; năm 2010: 2065; năm 2016: 5287). Ba đại học VN được xếp hạng thuộc đại học có nhiều nghiên cứu là Đại học Quốc Gia TPHCM (596 bài), Đại học Quốc Gia Hà Nội (600 bài) và Trường Đại học Khoa Học và Công Nghệ Hà Nội (622 bài).

* Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Tấn Đại, Tiến sĩ Khoa học Giáo Dục Đại học Strasbourg (Pháp) thì số tiến sĩ VN giảng dạy ở đại học cũng như số bài bài đăng trên các tạp chí khoa học của Institute for Scientific Information (ISI) quá ít so với các đại học trong vùng và thế giới.

Bảng 6 - Số giảng viên tiến sĩ và bài báo đăng trên ISI của Việt Nam

Năm

Số tiến sĩ

ĐH

Số bài báo ISI

2000

4 378

403

2001

4 454

433

2002

4 812

438

2003

5 286

558

2004

5 179

587

2005

5 977

684

2006

5 744

810

2007

5 666

1 008

2008

5 643

1 314

2009

5 879

1 474

2010

6 448

1 632

2011

7 338

1 778

2012

8 519

2 359

2013

8 869

3 124

2014

9 653

3 468

2015

10 424

4 291

2016

13 598

5 346

Nguồn: Nguyễn Tấn Đại. Đào tạo tiến sĩ.

Chất lượng và năng lực công bố / Người đô thị. 01/12/2017

Ngoài ra, với cái tựa «Nghịch lý giáo sư, tiến sĩ nhiều nhưng ít công trình công bố quốc tế» trên báo điện tử Công An Nhân Dân on-line.» ngày 03/03/2018 cho biết: «Theo thống kê của Bộ GDĐT, đến năm 2017, cả nước có 24 500 tiến sĩ trong đó có 16 5000 TS đang làm việc trong các trường đại học và cao đẳng… Phải nói rằng, số lượng tiến sĩ so với các nước trong khu vực Đông Nam Á ta không thua kém, thậm chí còn cao hơn Thái Lan, Philippines, nhưng số lượng công trình khoa học hằng năm được công bố trên các tạp chí đạt chuẩn ISI/Scopus của VN còn rất thấp. Chỉ tính năm 2016, VN có 3 814 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế thì Thái Lan có 8 847 bài, Malaysia có 14 129 bài và Singapore có 14 120 bài… Do hội chứng bằng cấp, buông lỏng kiểm tra giám sát mà suốt thời gian qua, không ít cơ sở giáo dục đào tạo tổ chức đào tạo tràn lan thạc sĩ và tiến sĩ. Đào tạo không chuyên ngành, người hướng dẫn trái ngành và vượt qui định. Cung cấp đào tạo kiểu ấy lấy đâu ra chất lượng. Điều đó dẫn đến hệ lụy là VN có số lượng GS và PGS hàng đầu ASEAN nhưng chưa có một trường đại học nào được xếp hạng lọt top 300 châu Á, trong khi Singapore, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc có hàng chục trường….».

Đó là những thông tin không tìm thấy trên trang mạng điện tử của Bộ GDĐT mà lại xuất hiện trên trang mạng của Bộ Công An. Điều nầy chứng minh rõ rệt là bộ Giáo Dục VN là bộ Vô Giáo Dục, lãnh đạo bởi những đảng viên vô học, vô đạo, và ngành Công An ngự trị trên mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực văn hóa giáo dục.

Kết luận

Tình trạng sa sút của nền giáo dục Việt Nam, đặc biệt cấp đại học có nhiều nguyên nhân khách quan, do đất nước nghèo, đầu tư không đủ, do trình độ non yếu của thầy cô giáo, do ý thức người dân lạc hậu… Đương nhiên tất cả những nguyên nhân nầy đều đúng. Song muốn lay chuyển tình hình phải thừa nhận nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, đó là lãnh đạo, quản lý bất cập, bất cập cả tâm lẫn tầm, và từ trên xuống dưới… (Hoàng Tụy. Xin cho tôi nói thẳng).

Đã 44 năm từ khi đảng cộng sản chiếm Miền Nam, không phải chỉ có giáo dục sa sút mà cả nước Việt Nam sa sút, yếu kém toàn diện. GS Hoàng Tụy đã nhận rõ nguyên nhân của tình trạng sa sút là lãnh đạo, tức là đảng cộng sản Việt Nam. Muốn giải quyết vấn đề, người viết cũng xin được nói thẳng là không còn giải pháp nào khác hơn là phải thay thế lãnh đạo, giải thể chế độ cộng sản Việt Nam để người dân trong và ngoài nước xây dựng lại nước Việt Nam từ đầu.