Bài nói chuyện ngày 26 tháng Tám năm 2018 nhân ngày ra mắt Cao Đài Học Viện USA ở CA

Kính thưa toàn thể Quí Vị quan khách.

Thật là vinh hạnh cho tôi để phát biểu hôm nay trước trước một cử tọa đông đảo và chọn lọc như thế nầy.

Để khỏi làm mất thì giờ tôi xin vào đề ngay.

Bất kỳ một tổ chức nào có tánh cách quốc gia cần phải có một hay nhiều cơ quan nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến những hoạt động của tổ chức đó để cho công việc của mình càng ngày càng thành công hơn do những cải tiến. Tên gọi có thể khác, như Viện Nghiên Cứu, như Cơ Quan Phát Triển, Cơ Sở Thông Tin, như Học Viện… nhưng tựu trung đều có mục tiêu rà soát lại những gì mình đang có, phát triển thêm những điểm mạnh của mình, giải thích mục tiêu và đường lối của mình để tìm thêm những đồng tình từ phía ngoài…

Một tôn giáo như Cao Đài Giáo chắc chắn rằng cũng muốn phổ cập giáo lý của đạo đến quần chúng, nghĩa là cần phát triển. Do đó trong thánh lịnh năm 1948 Đức Hộ Pháp đã để ý đến việc thành lập Khảo Cứu Vụ có nhiệm vụ nghiên cứu giáo lý, văn hóa và lịch sử của đạo để phát huy và truyền bá đến đồng bào Việt Nam. (Thánh Lịnh số 114 ngày 15 tháng chạp năm Đinh Hội (25-1-1948)).

Vì chiến tranh và tình thế, thánh lịnh nầy hai mươi bốn năm sau mới được cụ thể hóa bằng thánh lịnh ngày 4 tháng 5 năm Nhâm Tý (14-6-1972) của ngài Hiến Pháp Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài Trương Hữu Đức với những mục tiêu rõ ràng của Khảo Cứu Vụ:
  1. Sưu tập thánh ngôn, thánh giáo, kinh điển.
  2. Tìm hiểu nguyên lý của các tôn giáo.
  3. Nghiên cứu phổ thông triết lý Đại Đạo ra khắp năm châu hầu cứu rỗi nhân loại.
Cao Đài Học Viện được thành lập tại California do một nhóm nhân sĩ Cao Đài mà tôi được mời như một cố vấn do đã từng làm Phụ Tá Viện Trưởng cho Viện Đại Học Cao Đào trong thời gian tồn tại ngắn ngủi của Viện ở Tây Ninh (1971-1975).

Tôi hoan nghinh sự thành lập Cao Đài Học Viện – USA, tôi nghĩ là Viện nầy không mục đích gì khác hơn là tuân thủ theo thánh lịnh 1948 và 1972 nghĩa là theo đuổi ba mục tiêu nói trên mà quan trọng nhứt và có thể làm được ngay là mục tiêu 1: Sưu tập thánh ngôn, thánh lịnh, kinh điển và một phần của mục tiêu 2: Tìm hiểu nguyên lý của đạo Cao Đài.

Con đường coi vậy mà chông gai vì qua thời gian và tình cảnh ở ngoài nước, thánh ngôn thánh giáo, kinh điển có thể không còn đủ và có thể được hiểu theo nhiều cách.

Sự nghiên cứu nào cũng vậy là con đường tìm hiểu về một vấn đề nào đó, kể cả một tôn giáo. Tìm hiểu thì có thể đúng có thể sai. Cũng có trường hợp đúng mà người khác không đồng ý và đưa ra kiến giải ngược lại.

Vậy vấn đề là Cao Đài Học Viện phải coi rằng những bài nghiên cứu viết lách của mình chỉ có tính cách gợi ý, không phải là chuẩn thằng, cũng không phải là những tín điều mà người mà đồng đạo khác phải tin theo. Với sinh hoại cỡi mở, phóng khoáng như vậy, Cao Đài Học Viện và các tác giả những bài nghiên cứu sau nầy của Viện chắc chắn sẽ chấp nhận mọi sự góp ý trong hân hoan, tự giác và tình đồng đạo. Tinh thần vô tranh nói theo ngôn ngữ của Cao Đài giáo.

Cao Đài Học Viện cũng sẽ không có tham vọng cho rằng cơ quan mình là độc nhứt và chánh thức được thành lập theo thánh lịnh thành lập Khảo Cứu Vụ. Trong tương lai tôi hi vọng sẽ có những Cao Đài Học Viện khác được thành lập càng nhiều càng tốt ở những nơi có đồng đạo Cao Đài để cùng nhau góp phần tìm hiểu càng nhiều càng tốt những uẩn lý của đạo.

Công việc thiệt bề bộn, ban điều hành chắc cũng chưa biết bắt tay vào nơi nào trước.

Tôi xin đề nghị việc làm cụ thể và đơn giản trong bước đầu: Nghiên cứu và giới thiệu những gì liên quan đến từng thánh thất về ngày xây dựng, những khó khăn và những trợ lực, tiểu sử những đạo hữu có công trình ủng hộ đặc biệt, giải thích các câu đối liễn, nguồn gốc của các câu nầy vv…

Chắc nhiều người trong chúng ta còn nhớ ở Báo Quốc Từ nơi thánh thất Tây Ninh có hai câu liễn đối rất ý nghĩa:

Bảo thủ cơ đồ anh hùng dương khí phách,
Hộ trì quốc vận chí sĩ hiển oai linh.

Người làm câu đối nhấn mạnh đến ý chí bảo vệ tổ quốc bằng khí phách của người anh hùng. Và nếu anh hùng có vì thế mà từ trần thì họ cũng dùng oai linh thần thánh của mình hộ trì cho nước nhà khỏi bị nô lệ tiêu vong. Người yêu nước sẽ được vinh danh nơi Báo Quốc Từ.

Trong tình trạng nước nhà hiện tại, bảo thủ cơ đồ mỗi người làm theo cách thế của mình miễn là sao cho không thẹn với lương tâm, không mang danh bán nước cầu vinh.

Con đường hành động có thể cụ thể, hay trừu tượng. Ở hải ngoại nầy hữu lý nhứt cho tín hữu Cao Đài, ngoài việc hành đạo, còn là nghiên cứu viết lách những gì có lợi cho dân tộc nói chung và tôn giáo mà mình theo đuổi nói riêng.

Con đường của Cao Đài Học Viện là con đường của người yêu đạo theo cách thế của nhà nghiên cứu. Người yêu đạo không cần được vinh danh, người muốn phát huy đạo tôi nghĩ rằng cũng không cần được vinh danh. Một bài viết được hoàn thành, khi buông bàn máy ra, hít thở một vài hơi sảng khoái đó là hạnh phút mà mình tự thưởng, một hạnh phút quí giá vô cùng, giá trị hơn sự vinh đanh của người đời.

Với tư cách cố vấn cho Cao Đài Học Viện tôi xin vắn tắt đôi lời trong ngày ra mắt của Viện hôm nay và thành thật thân chúc Học Viện thực hiện được ít nhứt là một vài điều do hai thánh lịnh thượng dẫn nêu ra.

Xin cám ơn toàn thể quí vị.