Có một nơi xa lắm

Nguyễn văn Sâm

Chúng tôi đi thơ thẩn bên dòng sông Seine, ngắm cảnh thì ít mà hưởng gió mát thì nhiều, đoạn sông ở vùng ngoại ô, không nhiều du khách tấp nập như đoạn gần tháp Eiffel, vì gần nhà nên chúng tôi thường đi bộ ra đây, ngắm con sông nổi tiếng bao đời đã đi vào văn học của nước Pháp, để nhớ về con sông Sài Gòn, sông Vàm Cống, Soài Rạp hay sông Trèm Trẹm ở quê mình.

Thật ra con sông nào cũng giống nhau, bởi dòng chảy luôn hiền hòa êm ả, sở dĩ nó được tôn vinh đi vào văn học sử vì nó gắn bó với kỷ niệm trong quá khứ, hay có một dấu ấn quan trọng mà người ta muốn nhắc tới ở tương lai. Và tôi cũng vậy, ngắm sông Seine với cảm xúc của kẻ tha hương nên thấy nó thật gần gũi, quen thuộc.

Anh chàng chắc cũng chừng ngoài 50, cao to khệnh khạng, đeo máy chụp hình trước ngực, dắt xe đạp đi song song với chúng tôi, trông anh ta cũng thong thả, không có vẻ vội vàng của tay săn ảnh chuyên nghiệp tìm những góc độ bất ngờ, anh nhìn chúng tôi vài giây rồi mỉm cười hỏi: “Hai bác là người Việt Nam?” Câu này nghe rất quen, ai cũng nhập đề trực khởi như vậy khi thấy “người mình”, nó vừa xác định lý lịch của chính họ lại vừa thay lời chào hỏi. Chúng tôi ngồi xuống băng ghế ngay sát bờ sông để trò chuyện.

Má anh là người Pháp và ba anh người Việt, hai dòng máu pha trộn để anh có mái tóc vàng nâu và đôi mắt xanh lơ, nhưng bù lại anh có màu da ngăm của người Châu Á, sóng mũi không cao nhọn và giọng nói của người chịu khó phát âm cho giống miền Tây, anh kể là cha mẹ anh gặp nhau ở Paris, bà theo ông về Mỹ Tho, làng Điều Hòa làm dâu trong một gia đình khá giả, nhưng sướng như tiên vì thời đó còn người ăn kẻ ở đầy nhà. Sau 75 gia đình ông bà bị đánh tư sản, nhà cửa bị tịch thu, ông bà Nội phẩn uất đau buồn mà chết, ba anh đi tù và Má anh nhờ có quốc tịch Pháp nên mang anh trở về cố quốc, lúc đó anh chừng 5 tuổi, ba anh bị mấy năm lao lý nên khi được trả tự do ông cũng bỏ nước ra đi, thề không bao giờ trở lại.

Câu chuyện của anh ta cũng giống như bao hoàn cảnh tang thương khác của Miền Nam sau cái ngày đau buồn đó.....

Bằng cái giọng trầm trầm, nói tiếng Việt cũng không trôi chảy lắm, anh kể lại chuyến về quê của mình sau 45 năm biệt xứ:

“Tôi xúc động nhiều tới chảy nước mắt khi đứng trước căn nhà đó, căn nhà ba tôi dặn đi dặn lại nhiều lần trước khi tôi lên đường về thăm quê hương là khi về tới phải ghé nhìn nó, hay nếu có thể thì xin vô trong đi từ trước ra sau, nhìn ngó những vật trong đó, chúng tuy tầm thường nhưng chắc chắn sẽ cho con những cảm giác khó có, không dễ gì kiếm được trong những năm ở ngoài nầy, tuy sung sướng về vật chất nhưng thiếu tình hàng xóm, và khó mà tìm thấy lại được kỷ niệm xưa...

Những vật dụng kia nếu còn, chúng là bạn thời trẻ của con đó. Mấy cái cột gỗ lim là chỗ con thường bị đụng đầu khi chạy chơi quá mau, Má con phải làm bộ đánh nó con mới hết khóc nhè. Còn mấy cục đá tảng nữa, con thường ngồi nghỉ mệt trên đó, lại còn đứng trên đó để nói con cao gần bằng ba rồi. Chúng là chứng tích thời trẻ của con mà những năm bị bó gối trên núi rừng Việt Bắc ba nhìn qua đó trong trí tưởng tượng để thấy con, đứa con đương cách xa mình qua thời gian và không gian. Có một cái thẻ bài của ba sau ngày hồng thủy đó, con còn nhớ không khi cha con mình bắt thang đóng nó tuốt luốt trên cao của cây cột cái rồi lấy sơn quẹt lên cho nó cũ giống in những chỗ gỗ chung quanh. Chỗ đó ba có đóng một cây đinh rồi treo lên cái niệt con từng mang bao nhiêu năm. Hi vọng chúng nó còn. Cao quá mà. Ai để ý làm gì.

Tôi liếc qua Má tôi, bà không nói gì nhưng khoé mắt như nhắn nhủ rằng sau nầy rồi sẽ biết. Sau nầy thiệt vậy, khi tiễn tôi ra phi trường, Má hé cho tôi biểt rằng đó cũng là nơi tôi chào đời - Má tôi đẻ rớt - và sống trong đó năm năm đầu của cuộc sống thiệt thanh bình hạnh phúc. Và tôi mang nỗi xúc động về cái tin nầy suốt đoạn đường dài mười tiếng đồng hồ ngồi trên phi cơ liên lục địa Âu Á, khiến mỗi khi chợp mắt lại thấy mình là thằng nhỏ đỏ hỏn sanh ra trong căn nhà bình thường của một tư gia chắc chắn là thiếu thốn mọi phương tiện cho việc sanh sản và kiến thức vệ sinh, chứ không phải trong nhà thương tân tiến như các con, các cháu tôi ở đây... Chúng sung sướng cha đời.

Tôi đi qua đi lại nhiều lần, mắt cứ lom lom ngó vô sâu bên trong như là một tay gián điệp hạng bét rồi ngó lên tấm bảng đỏ có mấy chữ thiệt lớn ‘Cong An Phương X’ mà thiệt tình không hiểu nghĩa, ngó như là người ta muốn soi mói chuyện gì. Vài chiếc xe Honda cố tình chạy sát vô tôi gần đụng rồi mới lãng ra. Có ánh mắt lo ngại, khuyên lơn, có những cái lắc đầu thiệt lẹ rồi ngoái ra xa như kêu thôi đừng vây vào, nguy hiểm chết người... Ngày chưa đến nỗi trưa mà đã nóng hừng hực... Chùi mồ hôi tay vô sợi dây đeo máy chụp hình như để nhắc rằng mình là ngoại kiều dầu gì cũng chẳng tới nỗi nào. Vậy mà... Tim tôi nhảy thình thịch.

Sau cùng thì hai người bận đồ xanh, đi ra với một người trẻ, áo trắng làm thông dịch hỏi tôi muốn gì, đừng ngó như gián điệp vì đây là cơ quan quân sự. Tôi giả vờ ngây thơ thắc mắc là nước nầy hòa bình gần nửa thế kỷ rồi sao lại có cơ quan quân sự ở ngay trong thành phố. Sau khi nghe thông dịch người có vẻ là sếp nhún vai không trả lời. Nhớ lời ba tôi dặn là phải luôn luôn nhún nhường với họ, nhứt là không nên cãi lý, tôi nói rằng căn nhà nầy trước đây gia đình tôi sống và tôi đã sanh ra trong căn nhà đó. Tôi đã có thời gian êm đềm tuổi trẻ ở đây, giờ sau mấy chục năm sống xa quê, tôi muốn được phép vô thăm lại nơi chốn chứa chất kỷ niệm của mình. Người thông ngôn nói nhỏ là trong đó không còn gì đâu. Tôi nói cám ơn và tiếp tục đi về phía cửa vô.

Hai người áo xanh thô bạo chận tôi lại, trao đổi ý với nhau lâu lắm, và sau nhiều cú điện thoại tới lui, họ cho phép tôi vô.

Ôi căn nhà chỗ tôi sanh ra cách nay nửa thế kỷ. Mấy cây cột gỗ lim đã không còn. Tôi tỏ ý thất vọng thì người thông ngôn nói nhỏ là những năm gần đây các tỉnh phía ngoài có phong trào cất lại những ngôi nhà xưa bằng cách thu mua bất cứ phần nào của mấy nhà xưa như gạch ngói, cột kèo, đá lót cột, ngay cả phên vách... Chắc là những thứ ông muốn thấy đã được cạy gỡ đem đi trước khi chúng tôi về đây.

Thôi thì không có từng vật dụng xưa, tôi cố gắng tìm thấy lại tuổi trẻ của mình qua không gian của căn nhà vậy. Một sự thay thế tàm tạm gọi là. Và tôi xin được họ dẫn cho đi một vòng trong nhà với lời hứa là không chụp hình cũng như không thu thanh lời nói chuyện giữa hai bên.

Lại mất nửa giờ chờ đợi những cú điện thoại trao đổi.

Chợt thấy vài ba vệt máu mờ mờ trong một vài góc tường, mà bằng cặp mắt chuyên môn tôi nhận ra tức khắc. Ngay lúc đó, nghe văng vẳng tiếng rên từ một phòng nào đó cuối nhà, tôi liền đổi ý, quày quả bỏ đi.

Căn nhà tôi sanh ra giờ đã biến dạng, đổi chủ thì thăm thú làm gì cho nó tủi thân. Và mình thất vọng. Giống như ta từng có người tình đẹp đẽ, tươi mát ngây thơ ngày nào. Mình yêu em hết lòng bằng sự trong trắng của cả hai phía, bây giờ gặp lại em đương đứng đường đón khách ở vườn hoa Lạc Hồng hay đường Tú Xương, Thống Nhất thì thà rằng đừng gặp còn hơn...

Người đàn ông ấy nói với tôi bằng một thứ tiếng Anh chen tiếng Pháp lộn xộn, chắc họ cũng không đoán được tôi là ai.

Tiếc quá, phải chi ba má tôi đừng cho tôi biết về căn nhà đó để tôi ôm ấp trong lòng rằng nơi sanh của mình vẫn còn là nơi đẹp đẽ, thỉnh thoảng tưởng tượng chút cũng vui...”

Và anh ta mỉm cười gượng gạo.

Tôi, người kể lại câu chuyện nầy, triết lý vụn:

- Thôi thì kỷ niệm thời trẻ mất đi, nhưng cậu và gia đình cũng may hơn biết bao nhiêu người là có tương lai trước mặt, có cuộc sống ổn định ở xứ người.

Anh ta chủ động đưa tay ra bắt, chào từ biệt:

- Xin chào, cám ơn đã lắng nghe câu chuyện, xin lỗi có chút riêng tư.
- Không sao, chúng tôi cũng cám ơn cậu đã cho nghe một câu chuyện làm phong phú tâm hồn chúng tôi.

Ngó theo dáng đi của anh ta, nghiêng nghiêng trong nắng chiều,tôi thấy như buồn buồn.

Đó là một người tuy ở xa quê hương nhưng lòng yêu quê hương luôn ẩn chứa trong tâm hồn họ.

Bất giác trong trí lại hiện ra hai câu thơ của thi sĩ Kiên Giang đã đọc cho chúng tôi nghe trong lần ghé thăm năm nào:

                                              “Dầu xa cách mấy trùng dương,
                                        Đi đâu cũng có quê hương trong lòng”.

Quê hương có thể là căn nhà nơi ta sanh ra, một bến sông, bụi tre, dáng núi, đồi cát, bờ biển, con thuyền câu, tiếng trống trường giờ tan học, tiếng chuông thong thả sáng sớm hay một chút khói lam chiều... bất cứ thứ gì miễn là dính dáng tới nước Việt mình, mà chỉ có người đi xa mới cảm nhận được.

Mong rằng những đứa trẻ gốc Việt, nhưng lớn lên ở xứ người, còn một chút băn khoăn về đất nước, có một tấm lòng thiết tha khi nghĩ về nơi sinh ra của mình, để có một lần trở lại dù thất vọng hụt hẫng nhưng vẫn nhận đó quê hương, là nơi mình đã chào đời giống như nỗi lòng của anh chàng này. Mong lắm thay!