Trầm tư của người tị nạn

Vũ hịch nhật văn chinh tướng bắc,

Ngư thư bất kiến, bại quân hoàn.

                                                                             Ngô Thế Lân

 

Ngày ngày nghe chuyện quân ra trận

Tin vui biền biệt, bại quân về.

                                                                        Nguyễn Văn Sâm (dịch)

 

Nắng hắt hơi nóng vào người như muốn bóc tung lớp da chưa quen với thời tiết tính khí đàn bà bất thường của miền nam nước Mỹ, phản chiếu chói chang, đốt đôi mắt nhấp nháy buồn buồn của người lạc lõng ở vùng đất lạ còn ở trạng thái cố thích hợp với không gian. Nắng đổ lửa, man dại, vô tình như ngụ ý xua đuổi, thẳng thừng, quyết liệt như bất cần. Nắng lạnh lùng cầm chân mọi người trong bốn bức tường, tặc lưỡi với tay mở nút máy lạnh chạy trốn sự uể oải đeo đuổi mọi người trong một thành phố không bao giờ ngừng nghỉ của xứ kỷ nghệ tân tiến. Buổi sáng lúc đưa Sương tới sở, cái lạnh còn căm căm, một chút gì đó õng ẹo hơn cái lạnh êm đềm âu yếm của xứ Đà Lạt xưa, giờ đây bước ra khỏi nhà đã muốn trở vô ngay, Nằm dài trên trường kỷ, lười biếng theo dõi trận túc  cầu bản xứ, muốn duỗi cân thiệt dài, gối tai sau ót miên man theo những suy nghĩ hảy vọt từ chuyện buồn bã ở quê nhà sang chuyện sở làm bực mình tại đây, từ kỷ niệm mười, hai mươi năm xưa sang chuyện ràng ràng mới xảy ra từ phút trước.

Bước vội vào hiên sau khi cúi lượm xấp giấy dày cộm do người phát báo da đen liệng trước sân. Ngày nào cũng vậy, khoảng giờ này, anh ta với chiếc xe truck cũ kỹ chạy rề rề từ cuối đường, quăng bên này vài tờ, vòng tay thật mạnh, như cầu thủ bòng rổ lành nghề, liệng qua bên kia đường vài tờ, nét mặt như luôn luôn mỉm cười thích thú với công việc có tính cách đùa giỡn, trẻ con. Tờ báo nằm cuộn trong bao ni lông mỏng, hoặc nằm im trên cỏ, hoặc lăn vào vòng mệt mỏi trên chổ đậu xe tráng xi măng, rồi thin thít chịu đựng nhìn lên bầu trời trong vắt. Có hôm đứng nhìn anh ta liệng báo, trao đổi cái nhìn thiện cảm, anh mỉm cười lịch sự đáp lại rồi vui vẻ tiếp tục công việc. Chiếc truck tiến từ từ tới, quẹo mặt ở ngã tư sau khi phóng ra lộp bộp vài tờ báo ở cái chung cư đằng góc đường. Những cái tựa lớn nổ ran được liếc vội một cách háo hức. Xứ này tin tức lu bù, tờ báo dày như nỗi thống khổ của người tị nạn chưa an tâm với cuộc sống mới, nhạt thếch và dửng dưng trong xã hội chứa chấp mình nhưng quên bẵng người nó chứa chấp. Sport, music, fashion design, cưới hỏi địa phương… làm sao thưởng thức được? Tâm sự một kẻ mộng du thân đây nhưng hồn theo ngọn mây tần xa xa tuốt bên kia nửa địa cầu với những chuyện lo đã trở thành quá khứ thân thuộc không thể tách rời, người bạn Mỹ đứng máy tiện bên cạnh thường gọi là điên rồ, làm sao cho vào trí nổi? Cái ghế dài mời gọi, nửa lon “bia nhẹ” như một hấp dẫn khôn cưỡng kéo nằm xuống, lơ đãng. “Người ra đi trật tự càng ngày càng nhiều, tù nhân trong các trại cải tạo có thể đưa hết sang Mỹ”. Hình ảnh Diễm và Bích Châu, Bích Ngọc hiện lờ mờ trước mặt. Ba nụ cười héo úa nằm thảm hại trên những gương mặt cằn cỗi, dài ngoằng bỗng nhiên chồng lên đóa tường vi rạng rỡ của Sương đang mỉm cười trên vách. Tâm trí mơ hồ bồng bềnh chơi trò pha trộn hình ảnh đang phổ thông trên địa hạt thứ bảy gần đây. Hình Sương mờ dần rồi tan biến bọt bèo nhường chỗ cho ba mẹ con, thân thuộc trong tâm tưởng nhưng xa cách không gian. Im lặng căng tràn gian phòng, tĩnh mịch âm u đè bẹp âm thanh ồn ào của cái máy truyền hình không biết mệt mỏi trong góc. Thoáng nghe tay tê tê dưới gáy nhưng vẫn không cử động, trừng trừng nhìn phía trước để tận hưởng phút giây tương ngộ khó có. Mắt bỗng cay xè khi nhìn đôi tròng thăm thẳm buồn bã của Diễm, đôi tròng đang chớp chớp cố ngăn chận những giọt buồn tủi sắp rơi. Mí mắt nặng trĩu ướt át kéo xuống. Trong khoảnh khắc nhỏ nhoi mơ hồ có tiếng ba mẹ con Diễm thống thiết kêu gọi giúp đỡ. Rồi thôi. Tất cả trở về thể tính bình thường. Sương vẫn cười rạng rỡ trên vách. Cái cười thoáng vẻ vui tươi nhưng tiềm ẩn dưới đáy mắt nỗi buồn dịu vợi. Tự hỏi vì sao ảnh Sương trước mặt lại có thể bỗng chốc bị xóa tan để một giao cảm bất ngờ với Diễm có cơ thành tựu? Tiềm thức chăng hay sự thắng thế của nỗi ưu tư đoàn tụ? Tin tức chăng hay lòng ân hận về sự bất công trong mấy năm nay?

Hình ảnh vợ con bị đánh bật ra khỏi tâm trí trong thời gian quần quật mưu sinh nhưng tiềm thức đã nhớ về và bây giờ đang đòi hỏi giải pháp thích hợp. Trò chơi vợ chồng với Sương không triệt tiêu được nỗi nhức nhối mặc cảm phản bội với Diễm và hai con. Những buổi họp mặt cộng đồng nhìn con gái của bạn bè mà đau nhói. Chắc Bích Châu, Bích Ngọc giờ đây cao bằng này? Chúng giống mẹ nên hẵn cao và gầy? Đôi mắt tròn, khuôn mặt bụ bẫm ngây thơ kia biết con mình có được? Tiếc cho tuổi trẻ của chúng. Xa cha và ngập chìm trong giả trá, đầu độc. Chỉ có lợi độc nhất là chưa quên tiếng Việt. Thế thôi. Điều an ủi nhỏ nhoi đó không đền bù được khoảng cách nghìn trùng thiệt thòi giữa hai bên. Diễm cũng vậy. Làm sao sống và cáng đáng được gia đình? Muôn thú rình rập. Sài lang hoành hành mọi nơi. Quê hương khô cạn, kiệt quệ với sự tận thu và vô đáy. Thật thà, chưa từng giao thiệp với đời, trước giờ chỉ sống trong sự che chở của chồng, đủ chăng nàng bản lĩnh lách mình để tự tồn?

Mái ấm gia đình xưa và sự xốn xang lương tâm lắm lúc ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình mới. Căn phòng nhỏ hẹp này nhiều khi là thảm địa do bóng hình người vắng mặt. Nhưng biết sao? Một lần hạnh phúc là một đời để tưởng nhớ. Một lần có mái ấm gia đình, tất cả những lần khác chỉ như một cuộc rong chơi phiêu lãng phải có ngày về. Sương bên cạnh người chồng lãng du tâm trí nên phải chịu thiệt thòi. Ráng chịu đựng tình trạng vắng mặt trong sự hiện diện, lãnh cảm trong sự nồng nàn, thờ ơ trong sự ân cần. Nàng chậm cân nên không có chỗ đứng trong từng sâu tâm hồn người chồng tiếp nối. Nàng chỉ lấp đầy thời gian hiện tại, nhưng bất lực với quá khứ. Vậy mà rồi đây có lúc nàng sẽ bị thế chỗ. Tim đau như có người chích bằng một cây kim dài…

 

*  *  *

 

Chiến tranh cắt đoạn tình yêu nồng nàn tuổi trẻ của hai đứa. Luật chơi thời chiến tàn bạo khỏa lấp mộng mơ tuổi học trò. Thời gian vui với binh nghiệp chỉ cho những phút ngắn ngủi bên gia đình, ngăn chận một cách tự nguyện mọi cuộc du hành tâm lý về phía sau cuộc đời. Nhiều khi lái chiếc xe jeep trên đường đến trại, tránh một cô honda áo trắng có cái cặp nhỏ bỏ trong cái giỏ phía trước, khoảng gần chùa Xá Lợi, chợt xót xa nghĩ đến người tình xưa, nhưng rồi cũng chỉ biết chép miệng thương hại và tự hỏi không biết bây giờ nàng ở đâu. Thế thôi. Chiến tranh càng khốc liệt, mọi người càng bận bịu với công tác, thời gian cho vợ con cũng ít, còn đâu rảnh rỗi để mộng mơ cuộc tình thời trẻ? Bóng hình xưa theo năm tháng mờ dần trong lòng người tình lỡ lính chiến muốn sống cho mình nhưng không đủ thời gian. Vùng đất tự do đang trên nguy cơ suy sụp, quá khứ và kỷ niệm mọi người có thể bị xóa nhòa nay mai, làm sao có thể thờ ơ với công tác? Căn nhà từ đường ở miền Nam thuộc về tất cả mọi người dân ở đây, đâu chỉ riêng ai thiệt thòi? Mọi sự sửa chữa cách này hay cách khác, những biểu lộ chánh kiến từ mọi giới phải được cái nhìn thiện cảm. Sàigòn nhiều lúc tràn đầy đám đông xuống đường vì xúc động, vì không thể chấp nhận những hư hỏng xấu xa của giới cầm quyền. Lương tâm mọi người được nói hộ, quyền phản kháng của người dân được sử dụng. Nên mừng. Nghẽn đường, chiếc xe jeep bụi đời được lái vòng qua ngã khác. Cay mắt, một vài câu đùa cợt được tuôn ra để quên. Hình ảnh thời trẻ của hai đứa gần một thập niên trước hiện ra trong đám đông nhiệt tình, cương quyết và dũng mãnh nắm tay nhau dẫn đầu những trận cam go dưới rừng vũ khí đàn áp. ước hà, dân tộc trầm luân trong sự khinh bỉ của ngoại bang hay được nể trọng hơn chính nhờ ở những phản kháng biểu lộ ý chí bất chấp đàn áp ngục tù như vậy. Tuổi trẻ phát động, các giới khác tiếp hơi. Tuổi trẻ chính đáng ngay trong hành động bất cần xuất phát từ thiên lương. Sàigòn. Hán Thành, Manila, Bangkok, khắp mọi nơi chẳng phải người trẻ lên tiếng trước sao?

Nhưng lắm lúc, sau khi trở về từ vùng xôi đậu, sau khi vượt qua những đoạn đường có những tên du kích căm thù đu đưa trên ngọn dừa chăm chăm bắn sẻ, chợt xót xa nghĩ đến hai mặt của vấn đề. Xuống đường như một cách thế tẩy trừ ô uế xã hội và xuống đường như một hiện tượng tạo ung thối cho chế độ. Nghe như có tiếng thở dài ngán ngẫm cố nén, tiếng thở dài không muốn cuối cùng cũng bật ra vì điều dự kiến. Buồn. Những chống đỡ của lớp người ít quyền thế trong hai mươi năm chỉ cần một vài hành vi sai trái của người có quyền cũng đủ trôi theo dòng nước. Như muốn khóc. Tiền tuyến có những người lính anh hùng, hậu phương lại có cảnh tạo nên hậu quả tiêu cực. Mâu thuẫn. Đau xót và đáng tức giận. Nhưng lỗi chắc chắn không phải ở mấy người xuống đường đó. Lỗi ở một đa số tuyệt đối lâu nay đã lánh nặng tìm nhẹ, đã mặc nhiên công nhận tiền tuyến _ hậu phương.

Thời gian rộn rịp với những công tác hy vọng chống đỡ căn nhà dân tộc ra khỏi nguy cơ bớt đi những lần phân tâm nghĩ đến Sương khi chạy ngang những tà áo trắng trên chiếc honda dame, bớt nhớ về vợ con trong những lúc hành quân xa thành phố. Có nhiều vấn đề quan trọng hơn một vài giờ êm đềm tình cảm. Tiếng hịch sang sảng, hùng hồn của Trần Hưng Đạo còn đó, những câu kêu gọi xoáy tim chiêu hồn nước còn kia. Mấy câu thơ Vũ nhật hịch văn chinh tướng bắc. Ngư thư bất kiến, bại quân hoàn xót xa mỗi khi nhớ tới. Tin thắng trận không thấy đâu, chỉ rặt thấy đoàn quân tan tác trở về. Nghẹn ngào. Ngơ ngác. Bực bội. Mất Quãng Trị. mất Huế. Mất Đà Nẵng. Rồi còn mất bao nhiêu phần đất thân yêu nữa?

Nhự cầu hữu khách đồ huy lệ

Thức nhục hà nhân vị giải nhan?

Cỏ rau có kẻ thầm rơi lệ

Thịt cá nào ai mất nét vui?

Người thấp cổ mới biết thương nước vì nước là của họ, thân thiết gắn liền với thân phận họ chớ không phải như một phương tiện để nhởn nhơ. Cơn dầu sôi lửa bỏng của dân tộc cồn cào ruột gan. Rừng người tràn ngập tòa Đại sứ quặn thắt tâm hồn. Tàu sắp chìm, ai nhanh chân sẽ có cơ may sống sót, nhưng hỗn loạn rời tàu chỉ khiến tình trạng bi đát thêm thôi. Chuyện đội đá vá trời, nước thì một gáo lửa muôn xe của những người ôm giữ trách nhiệm có ích lợi gì trong hoàn cảnh như vậy? Xuống Dương Đông thực hiện công tác cứu trợ đồng bào di tản từ miền Trung mà giật mình. Lộn xộn, chán chường và mất cả niềm tin. Bệnh đã vào trong xương tủy, con bệnh đã chết dần từ chân lên bụng, trái tim chỉ còn thoi thóp đập những nhịp rã rời.

Ngày 30-4 trên đài phát thanh, lời chúc dữ cho nhân dân miền Nam được tuôn ra. Muốn xé nát bầu trời, muốn thét lên tiếng  căm hờn, nhưng đành ngồi yên lặng nuốt giận tức về một sự bội phản.

 

*  *  *

Hoàn cảnh xã hội tạm dung với những vấn đề mới đã giết chết con người trách nhiệm với đời từng ấp ủ từ ngày có trí khôn. Bỗng chốc nhìn lại, thấy giờ đây là một người hoàn toàn khác. Bộ quần áo lao động bẩn thỉu. Ăn vội vàng buổi trưa nửa giờ. Tính thầm trong bụng số tiền được lãnh cuối tuần. Đón nhận những sai vặt bần tiện bảo vệ túi tiền cho hãng của tên cai với sự chua xót không phản kháng. Một năm. Hai năm. Ba năm. Ngày quần quật qua mau, đêm mệt nhoài nhắm mắt giết chết sự suy tư thói quen cố hữu. Lắm lúc soi gương, ngượng ngùng nhìn người trong ảnh. Biết sao? Trước mặt là cơm áo, là sự sống, là sự mòn mỏi sức khỏe theo thời gian, là sự biến thể từ từ nhưng chắc chắn. Hiện tại là chán chường, là mặc cảm, là lạc lõng trong rừng sự kiện cần được tiếp thu điều chỉnh. Quá khứ gạt không thương tiếc trong quên lãng. Ván cờ đã được xóa, các quân cờ không còn qui ước xã hội nữa, trở về vị trí nguyên thủy, niếng gỗ vụn. Đau nhức cho quá khứ, thống trách đời hay khó hội nhập đều được coi như những biểu lộ bịnh hoạn của tình trạng dị ứng với xã hội mới. Nửa đời còn lại cần phải được tiêu diệt cách này cách khác với biện minh tự dối: trang sử đã được lật qua, phải sống và tiếp hơi cho vợ con bên kia. Thời gian nghĩ về người vắng mặt càng lúc càng ít trong sinh hoạt thường nhựt. Thỉnh thoảng một đêm chán chường nằm mở mắt trao tráo, trí bay bổng với những ray rứt không cùng về sự khổ sở của người thân, nhưng rồi một cái tặc lưỡi cố quên được viện dẫn để có sức quần quật cho ngày kế tiếp. Lắm lúc nhìn sự phè phỡn của những người nhanh tay ở nước nhà, nhanh chân trong sự tháo chạy mà xót xa, mà tự hỏi những cố gắng ngày xưa phải chăng thừa thãi, không tưởng, và rồi cảm thương cho Diễm, cho Bích Châu, Bích Ngọc, người chồng người cha của họ đã sử dụng một cách lơ đãng cuộc đời của ông ta kéo theo sự cực nhọc của cuộc sống. Mặc cảm và tự hào tranh đấu, cấu xé nội tâm như cây cột  chôn dưới đất, ẩm mục tán khoét dưới chân, mối mục đục đẽo bên trong, chờ ngày quỵ xuống dưới một cái đẩy nhẹ. Cái đẩy nhẹ một ngày nào đó sẽ đến bằng tin vui _ hay tin buồn _ của người vắng mặt đang chịu khổ hình bên kia trời.

Những ngày chờ đợi trôi qua lặng lẽ, u tịch. Chiếc bóng trầm ngâm chống cằm xuất hiện trên vách thường xuyên thi đua với những chương trình trễ của mấy đài truyền hình ở xa. Ly cà phê đang cầu kỳ nhỏ giọt đen thẵm như đời xuống đáy cốc mỗi đêm. Thuốc lá nóng bõng kẻ tay châm điếu này sang điếu khác, đốt dần từng phút đời.

Tiếng chuông điện thoại reo vang. Em đây. Em mệt quá. Em vừa xin được nghĩ hai giờ buổi chiều. Con nó đạp làm em vừa đau bụng vừa chóng mặt.

_ Tội nghiệp em. Sáng nay anh đã bảo trông em không khỏe mà em cứ cãi, cứ cố. Anh sẽ lái xe ngay đến rước em về.

_ Không sao, em sẽ kêu tắc xi hay xe buýt đi về. Anh nghĩ ở nhà cho khỏe. Ngoài trời nóng lắm. Hôm nay anh có “ca” đêm mà… Anh cứ ở nhà đợi em về.

Sương thế đó. Lo lắng cho chồng, không đòi hỏi gì hơn tình yêu muộn màng trong nỗi lo âu tình trạng một trong hai thay đổi. Nàng vui cái vui của đứa trẻ hí hửng trong ngày tết thầm vái cho mặt trời đừng lặn, của một thiếu nữ vuốt cành hoa đẹp, mong cánh hoa đừng chóng rụng tàn. Tâm trạng chung hai đứa hiểu nhau nhưng không ai lên tiếng trước. Mà chi? Bóng đêm chia ly ám ảnh nhưng chưa che khuất được mặn nồng đáng lẽ có từ lâu, lâu lắm, lúc còn ở quê nhà, lúc thời gian qua thật chậm thật ngọt ngào chứ không vùn vụt lướt trôi và chua xót như ở đây, bây giờ…

Nhiều khi thở dài cho người vắng mặt trước sự săn sóc và cái cười rạng rỡ của Sương. Tâm trạng đứa trẻ trốn nhà theo bạn rủ rê, biết sẽ bị cha trừng phạt nhưng vẫn bị trò chơi lôi cuốn. Mối tình ngày xưa và hình hài nàng bây giờ như một từ trường mãnh liệt đẩy mạnh những lo âu của ngày mai. Sự dở dang của nàng, cuộc tình thời trẻ hai đứa, mấy ai cùng trường hợp có thể làm khác hơn? Nhìn lại lòng, cảm thấy như trái tim mình mở khép tùy hoàn cảnh. Xấu hổ, tự trách theo đuổi tháng ngày.Tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Cố gắng nối kết vô vọng một sự dở dang để thắt thêm vòng dây oan nghiệt? Rồi mai kia, người thừa sẽ khổ, người đầu tư nhiều tình cảm sẽ bị thiệt thòi. Bị bứng ra khỏi quê hương, quẳng vào vùng đất lạ nối kết vụng về hai mảnh vỡ, chắc chắn sẽ lại đổ vỡ lần nữa chóng chầy…

Tiếng chó sủa ồn ào ở hàng xóm báo tin người phát thư sẽ đi qua. Nỗi mừng nhỏ nhoi mỗi ngày. Thơ được trông chờ, từ bất cứ người nào, thân sơ, dài ngắn, miễn là đến từ Việt Nam. Thư nhà, đem không gian và thời gian quá khứ trở về, xóa bỏ cái hiện tại èo uột và mong manh. Thư trải dài ra trước mắt khung cảnh Việt Nam mến yêu xa cách. Thư chứng tỏ người nhận vẫn không xóa trong lòng người ở lại…

Tiếng gõ cửa. Một tờ điện tín được trao. Bao thư giấy kiếng được xé vội vàng, bồi hồi. “Em và hai con đã đến Mã Lai. Thư sau. Diễm”

Sự lo lắng về sức khỏe của Sương được quên đi trước niềm vui lớn. Hình tượng mới thấy trên vách phút trước ngỡ là ảo ảnh giờ còn cách nhau trong gang tấc. Con quái vật đỏ đã thất bại trong việc ngoạm nuốt ba mẹ con. Lạy Chúa. Lạy Phật. Cám ơn Chúa. Cám ơn Phật. Tất cả vàng bạc trên cõi đời này thu góp lại cũng không có giá trị bằng nội dung tờ điện tín đó. Mặc cảm phản bội sẽ được giải thoát. Ray rứt bao phủ bấy lâu nay sẽ được trút bỏ. Niềm vui sẽ tới. Những đêm đối bóng sẽ không còn. Tự do toàn vẹn chỉ có khi người thân yêu được tự do. Một chút gì đó ích kỷ, nhưng thực tế và có tính chất con người.

*  *  *

Tiếng chuông điện thoại ngân vang từng chập, từng chập trong phòng vắng. Tôi ngồi đó đắm chìm trong nguồn vui, chểnh mảng ngó cái vòng quay có những con số trên đó. Tôi muốn được yên tĩnh để nhớ về, để tưởng tượng. Mọi sự chia xẻ với ai cũng đều vô ích. Lời chia mừng, khen may, chỉ hời hợt, chóng quên, chiếu lệ, không xứng đáng với niềm vui to lớn tôi đang có, không xứng đáng với nỗi khổ trên bước đường vượt thoát của nàng và hai con. Họ phải được phần thưởng là tôi đã sống thật sự trong nỗi vui vẻ sự thoát hiểm của họ. Trước đây là bổn phận, là mặc cảm, giờ mới thật là tình cảm vì họ.

Chuông vẫn ngân đều, réo gọi, cấp thúc, thống trách. Tôi hửng hờ giở lên. Tiếng Sương. Tim lại nhói lên. Sương với cái bụng u tròn.

_ Anh đến gấp. Cái thai hành quá. Em đi không được. Nằm tạm trong phòng y tá.

Thực tế phủ trùm như ngày xưa lần đầu thực tập, tôi vụng về để lá dù phủ kín mình. Rồi đây Sương sẽ như thế nào? Nàng tế nhị và can đảm, chắc chắn rồi sẽ ôm bụng trốn đi thôi. Giấu nàng ngày một ngày hai, một tháng hai tháng, tôi đâu đủ can đảm giấu nàng cho đến ngày mẹ con Diễm bước chân sang. Nhưng nói ra chắc chắn một sáng nào đó, thức dậy tôi sẽ thấy giường bên trống lạnh. Tôi rùng mình như máy lạnh được mở quá độ. Thà như vậy, không thể nào hai đứa nén lệ mỉm cười chia tay…

Vợ nào chẳng vợ? Con nào chẳng con? Thoát chăng tôi sự ray rứt gậm mòn thân thể mấy năm qua? Hay chỉ là một sự đổi thay mặc cảm khác.

Tôi gác điện thoại, cầm tờ điện tín đọc lại lần nữa không biết mình đang vui hay buồn.

Đâu đây tiếng hát của người nghệ sĩ tài danh rót mật vào tai câu nức nở “Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa, cho tôi về đường cũ nên thơ, cho tôi gặp người xưa ước mơ…”

Hương xưa của người vợ hiền sẽ có, nhưng hương xưa của người tình lỡ hai lần chắc chắn sẽ đeo đuổi suốt đời. Tôi ngã mình trên ghế, thừ người nhìn lên trần nhà giờ đây như đang từ từ thu hẹp lại, hạ xuống, bóp chặt lấy mọi vật bên trong, tôi ở trong đó vô phương vùng vẫy.

Trước mặt, trên cái bàn nhỏ thấp, cạnh lon bia, tờ điện tín lớn dần, phân ra làm hai, những dòng chữ ứa lệ vui mừng và cào xé ruột tôi đang chập chờn nhảy xấn xả vào nhau như những kiếm sĩ trong một trận tranh hùng: “Em và hai con đã đến Mã Lai…”; “Xin trả anh về với chị ấy và hai con. Em đau khổ nhiều rồi, đã quen. Xin được giữ con, kết quả tình yêu ngọc ngà với em nhưng là tạm bợ lo lắng với anh.”