Bài “Hịch con quạ”: Phải chăng Trương Vĩnh Ký nói chuyện đánh Tây?



Năm 1883, nghĩa là cách nay hơn 130 năm, ông Trương Vĩnh Ký có cho in một tác phẩm mỏng: gồm tám (08) trang, nhưng thiệt ra bài chỉ có bốn (04) trang mà thôi, đó là bản phiên âm: Bài Hịch Con Quạ. Bản in Nhà Hàng[1] C. Guilland & Matinon, Saigon, 1883.

Tác phẩm ngắn, chưa ai để ý, người viết sách nói về Trương Vĩnh Ký khi liệt kê tác phẩm của ông thường kê ra coi như đây là sáng tác của Trương Vĩnh Ký mà không đưa ra bản văn, có lẽ vì chính những vị nầy đã không thấy tác phẩm đó.

Tôi may mắn mua được bản sao của Thư viện Pháp ở Paris những năm gần đây, đọc thấy lạ lạ bèn giới thiệu hôm nay.

Ông Trương nói rằng mình (chỉ là người) chép ra quốc ngữ bản văn nầy. Chữ chép ra quốc ngữ ta hiểu là ông phiên âm một tác phẩm của ai đó được viết bằng chữ Nôm vốn thạnh hành ở nước ta mấy trăm năm trước thời ông, bấy giờ tuy còn nhưng le lói thoi thóp. Vậy thì cái tư tưởng, ý tại ngôn ngoại gì đó ở trong bài văn Hịch Con Quạ ông Trương chỉ trình bày của ai đó không phải của ông và đương nhiên ông không chịu trách nhiệm.

Ông nói ở lời Dẫn[2]:

Hịch con quạ, cũng như hịch con chuột là bài văn người-ta, không biết là ai cho chắc, làm ra, mượn để mà răn ta, có ý dái[3] kẻ có lòng xấu, hay kiếm phương làm-hại, phá-phách kẻ khác, cũng như con quạ, con chuột làm-vậy.

Vậy thì như những tác phẩm phiên âm khác của ông Trương mà bản Nôm ngày nay còn lại như Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều, Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca giá trị tư tưởng cũng như giá trị văn chương không thuộc về Trương Vĩnh Ký.

Chỉ có một điều là bài văn nói về những cái xấu của con quạ, như mổ lưng trâu ghẻ, ăn thịt rắn lột da, phá trái hoa, cây lá, cắn lôi cu con mới ra ràng, bắt xớt gà con, vạc đồng cũng sợ, còng cọc cũng e… đó là nói về thiên nhiên. Ngay đến sinh hoạt loài người con quạ cũng không tha: Lục nồi cơn trã cá, cuớp đồ ăn của con nít, bắt cá của người nôm đôm, mổ ghè tương của sãi, nước con nít tắm nó cũng bơi cũng giọc… làm ta suy tưởng.

Sau khi kể xấu con quạ rồi thì bài văn đi đến ước mong:

Phải chi:

Ấn dầu[4] ban, gươm dầu phú, chém đầu ngươi răn thói gian tà.
Cung dầu nấy, tên dầu trao[5], bắn quách gã, buông oai giáo hóa.

Uớc ao như vậy để chi?

Như vậy thì:

Dân đen nhuần nhã, nơi nơi con đỏ thảnh thơi.
Tánh quỉ biết chừa, tượng bởi[6] bút thần linh tả.

Đọc bài Hịch Con Quạ nầy tôi nghĩ đến bài Hịch Đánh Trịnh trước đó, Hịch Con Chuột mà Trương Vĩnh Ký vừa nhắc, những tác giả thiệt sự khi phóng bút ra chắc chắn là đã có dụng ý bởi vì người ta làm hịch để kêu gọi gọi dân chúng theo để làm điều gì đó, thường là một cuộc nổi dậy, một sự binh biến.

Và tôi đi đến giả thuyết gồm hai phần:
  1. Bài Hịch Con Quạ là của Trương Vĩnh Ký, ông ẩn danh vì sự an nguy của mình.
  2. Con quạ là Tây thực dân lúc đó mà tác giả buộc lòng phải nói gần xa bóng gió.
Giả thuyết đặt ra công luận tùy nghi phẩm luận.
_______________________

[1] Nhà hàng: Nay nói là nhà in.

[2] Dẫn: Ta hiểu như Lời Tựa, Lời Nói Đầu, Dẫn Nhập… theo tiếng ngày nay.

[3] Dái: Cách viết khác của giái, tức giới, giới răn theo cách nói ngày nay.

[4] Dầu: Nếu mà. Nấy: Đưa cho.

[5] Ban, phú, nấy, trao: Các chữ nầy đều có nghĩa là đưa cho, trao cho.

[6] Tượng bởi: Vì bởi.