Bạt cho “Một Vợ Một Chồng” của Nguyễn Tấn Hưng

Có những quyển truyện ta chỉ đọc được vài tờ rồi nghỉ mệt, xếp lại, để cho trí óc tự do lơ mơ một thời gian rồi mới tiếp tục thêm được. Có những cuốn sách ta đọc nửa chừng rồi bỏ cuộc luôn vì lý do nầy hay lý do khác, thuộc về đề tài, kỹ thuật hay văn phong; nếu có tiếp tục đọc trở lại thì cũng phải lâu lâu lắm. Có truyện dài thật dài ta lại đọc ngấu nghiến, đọc cho kỳ hết để coi diễn biến ra sao, nhân vật chánh cuối cùng rồi sẽ giải quyết như thế nào trong tình huống anh đã bước vào... Truyện Nguyễn Tấn Hưng ở vào loại đó. Ta không thể buông sách xuống khi chưa đến trang chót. Luôn luôn có cái gì đó mời gọi, thách thức ta bỏ thêm chút thì giờ để nghiền ngẫm từng trạng thái tâm lý và từng dòng suy nghĩ ưu tư cũng như thưởng thức từng câu nói của nhân vật. Sự mời gọi, thách thức đó, tôi gọi là cái duyên trong truyện của Nguyễn Tấn Hưng.

Cái duyên được kết hợp do nhiều yếu tố: dục tình của nhân vật chánh - cái dục tình mà Réné de Balzac nói là khi sáng tác mình đẩy mạnh hơn xa hơn để có được nhân vật đặc biệt - và sự thuần lương ngây thơ của những nhân vật phụ chung quanh, kiểu nhân vật của Leon Tolstoi khi về già. Hai trạng thái tương phản nhưng không đối kháng nầy hiện diện để làm nên sự bi-đát-sung-sướng của cuộc đời mà chính cá nhân nhân vật chánh tạo nên. Tác giả không có ý nhắc đến chữ nghiệp. Có thể tác giả còn muốn người đọc đưa ra tiếng chửi rủa “đồ cà chớn” khi thấy vai chính tạo ra những ràng buộc, vướng vít rồi tự chun vào trong cái kén gai góc đó mà than khổ thở dài. Không có cái định mạng, cũng như hoàn cảnh nghiệt ngã gây nên thảm trạng trong truyện. Chỉ có lòng người với những ham muốn và sự buông xuôi cho hoàn cảnh. Tôi yêu khía cạnh đó của truyện Nguyễn Tấn Hưng. Ðó là điển hình thật của con người, không cường điệu hóa, không công thức hóa, không vẽ ra con người lý tưởng vì những nhu cầu chính trị hay văn hóa gì gì hết. Tác giả mô tả chơi chơi. Nhân vật lừng lững nói năng giỡn hớt. Tự tiện tán tỉnh nhau. Tất cả như là đùa. Ðể đi tìm sự sung sướng, sự thỏa mản tình cảm hay thân xác. Nhưng rồi cái nghiệp của họ mang theo sau đó là cái nghiệp thật, một chuyện nghiêm chỉnh: nỗi buồn cưu mang không thể gỡ cho chính mình và cho người mình vương víu đến.

Thầy giáo Hiếu đã có vợ, hiện đang liên lạc thơ tình kể lể nỗi nhớ thương với một cô bạn tình cũ ở xa đang có chồng có con, lại yêu thích cái trẻ dại thơ ngây của một cô học trò ở gần. Tự mình vương dài ra ba cánh tay níu kéo vào lòng mình ba người đàn bà nên Hiếu bị dằn vật, lúng túng, khổ sở triền miên mặc dầu anh có những thời gian hạnh phúc sung sướng khi được viết thơ, được nghe điện thoại, hay được ôm vào lòng cô học trò trẻ. Bổn phận và mặc cảm sai trái với vợ. Tâm trạng được thương hờ và tội lỗi phá nát gia cang người khác. Mặc cảm già và không xứng lứa. Ba người đàn bà đều thương Hiếu nhưng đều đưa đến những trạng thái nội tâm không dễ dàng gì cho Hiếu ăn ngon ngủ kỹ để nhấm nháp những tình thương kia. Và Hiếu ngụp lặn trong hai mặt đau khổ sung sướng đó cho đến một ngày anh bừng tỉnh trở về với con người thật sự của mình: một người lo lắng cho hạnh phúc của vợ con. Phần này kết thúc bằng chuyến đi chơi Vũng Tàu của gia đình Hiếu.

Nguyễn Tấn Hưng muốn viết một truyện trường thiên, vì vậy truyện sẽ không chấm dứt ở đó. Ta không biết được thầy giáo bị nhiều cám dỗ Hiếu sẽ còn làm những gì nữa sau đó. Anh sẽ để các người đàn bà chung quanh dẫn dắc anh đi đâu, ta không biết được. Con người là nạn nhân của hành động và tánh khí của mình, tôi biết chắc rằng Hiếu sẽ còn khổ nhiều nếu không là thân xác thì cũng là nội tâm ở những phần tiếp theo của tác phẩm.

Mỗi ngòi bút có những đặc thù riêng. Cái đặc thù ưu điểm của Nguyễn Tấn Hưng ai cũng nhìn thấy là văn chương ngọt ngào, dễ dãi. Những khúc mắc của ngôn từ hay triết lý vắng bóng trong câu văn của anh - nhưng không phải vì vậy mà truyện không mang hơi hướm triết lý về cuộc sống nhân sinh. Thêm vào là những câu thơ câu hát hò của đồng ruộng xa xưa, của đô thành những năm 60-70. Ôi hai thứ đáng yêu mà không phải ai ai cũng được thấy được nghe và có cơ may thưởng thức bằng tuổi hoa niên của mình. Giải thích sự nhớ từng chi tiết nhỏ nhặt của các khung cảnh sinh hoạt trong truyện của Nguyễn Tấn Hưng, tôi cho rằng anh đã cưu mang một niềm lân mẫn vô cùng về sự đổi thay tang thương trên đất nước nói chung và trên các vùng Mỹ Tho, Kiến Hòa, Sài Gòn nói riêng. Sự lân mẫn đó khiến anh vận dụng tất cả trí nhớ của mình để vẽ lại những nét đặc biệt đáng yêu của từng địa phương, một ưu điểm mà không phải nhà văn nào cũng có. Tôi cho rằng sau này những miêu tả của Nguyễn Tấn Hưng sẽ được coi như những vết tích quá khứ rất quý không bao giờ còn tìm thấy được, như trường hợp Nguyễn Tuân trước đây với Vang Bóng Một Thời.

Sống bằng lòng yêu mến văn chương tột độ, viết bằng một trí tuệ minh mẫn để điều khiển hợp lý nhân vật của mình, Nguyễn Tấn Hưng chắc chắn trong tương lai sẽ cống hiến cho chúng ta nhiều tác phẩm độc đáo hơn nữa.

Tết Kỷ Mão, 1999, mồng sáu.