Cuộc xử đền ân oán của Kiều theo một tuồng Nôm Nam Bộ (1941)

     Trong một lần trao đổi tài liệu Nôm với một du sinh TS ở Đài Loan tôi có được bản Nôm, dạng PDF nguyên quyển Tuồng Kiều, bản viết tay 1941. Tuồng độ 140 trang chữ viết đẹp và bay bướm. Nôm có thể nói là thuần túy Miền Nam với những chữ dùng chỉ cần âm, không cần nghĩa. Rất khó đọc chính xác đối với người chuyên môn nghiên cứu Nôm Bắc. Tôi bắt đầu đọc liền từ đầu đến cuối trong tháng 12- 2019 nầy. Thấy một đoạn dài ở hồi 3 rất hay cần được giới thiệu liền. Đó là khúc Kiều báo ân báo oán. Khúc nầy bắt đầu từ ‘Lời truyền thị -- kiểu truyền thị của Tôn Thọ Tường - của Kiều với quân sĩ cũng như dân chúng đặc biệt là những lời biện minh, và thái độ của những ai dính dáng nhiều đến cuộc đời Kiều.

Chỗ nầy ngoài ý nghĩa nội dung là xử án - phần văn chương cũng như ở nhiều chỗ khác, có ưu điểm là đưa ra được những cách nói, những câu tục ngữ, thành ngữ Nam Kỳ rặt. Phần khác, những chỗ cần đối tác giả hiểu lộng tài mình bằng cách sử dụng chữ đồng âm nhưng khác nghĩa hay ho một cách khó ngờ.

Đặc biệt thái độ của Thúc Sinh và lời biện hộ rất hay của Hoạn Thư càng đọc lại nhiều lần càng thấy thích thú.

Mở đầu với Thệ Súy Văn, tôi coi như Lời Truyển Thị:

Tượng mắng:
Phước lành, họa dữ,
Lời ở cũng công minh,
Lẽ thường oán trả ơn đền,
Phép dám đâu tư vị.
Thiếp nay Vương thị,
Tên gọi Thúy Kiều,
Bán mình chuộc lấy cơn nghèo.
Đền ơn sanh dục.
Trở mặt mua nhằm lòng độc,
Gặp bước lưu ly.
Đường Vô Tích, nẻo Lâm Chuy,
Ong rời bướm rã,
Kẻ tham tàn người gian trá
Lửa nóng nước sâu
Kiếp đọa đày người đã đáo đầu,
Duyên gặp gỡ người cho đoạn thủ.
Thiếp nay:
Trộm mượn Đại vương uy vũ,
Đặng đền tiện thiếp ân thù.
Tướng sĩ ngươi:
Đội trời đạp đất làm người,
Ghét thương phải biết,
Vực nước phò vua thủ tiết.
Tha giết đừng sai,
Một tiếng tỏ bày,
Ba quân nghe hết.

Ý Thúy Kiều nằm ở chỗ phải biết thương biết ghét cho đúng. Từ căn bản đấy việc giết tha không sai bởi vì đó là làm đúng công tâm. Tiếp theo lời truyền thị là chuyện xử án.

Bị cáo không cần nghe kể tội. Đứng trước quan tòa họ chỉ cần biện bạch tại sao mình đã làm như thế như thế là đủ.

Thúc Sinh là bị cáo đầu tiên. Thiệt ra Kiều đã kết tội anh chàng nầy nhu nhược, sợ vợ bậc nhứt trên đời ngay từ lúc mình bị Hoạn Thư hành hạ thể xác và tinh thần những lần dâng rượu cho vợ chồng y thị. Bây giờ Kiều nói lại lần nữa:

Sợ vợ lắm nên chàng thúc thủ,
Trả chồng cho (ai) thiếp phải cất mình…

Thật ra đây là anh chàng giở Nho sĩ, giở thương buôn. Ham vui sướng nhưng sợ trách nhiệm, nhứt là sợ chết. Hãy coi thái độ của Thúc Sinh trước người vợ bé ngày xưa bây giờ là bà tướng:

Mổ hôi tuôn ướt áo,
Con mắt nhắm lộn thinh.
Mừng cho ai sợ lỗi tới mình…

Tuy vậy, vì là tình tri kỷ, có công khó chuộc cho Kiều hoàn lương, cũng biết đau lòng khi thấy phận liễu bồ bị hành hạ nên tội sợ vợ lớn bỏ xuôi vợ bé chềnh chòng được tha và còn được trả ơn một số tiền. Trong cách nói của Kiều ta thấy lờ mờ những lời phân bua tình tứ:

Miệng cả chào chàng Thúc,
Mắt xem hãn nàng Kiều.
Bởi vì ai chẳng vẹn chỉ điều,
Há tại thiếp vội lơi tơ đỏ!...
… Bấy nhiêu ngày cũng nặng vì tình,
Chừng ấy của gọi là lấy thảo!

Hú hồn! Thúc Sinh ra đi mà không biết chắc là mình còn sống!

Giác Duyên thì là chuyện không gì lớn. Người thi ơn nho nhỏ trong đời Kiều không thiếu. Họ Chung trong nha sở ở huyện. Cô kỷ nữ già khuyên người con gái lạc động yêu nên tùy thời hơn là cứng đầu chịu đòn đến chết. Ơn nhỏ, biết ơn hay quên cũng là bình thường trong đời người, huống chi đời Kiều quá nhiều biến động. Kiều nhớ ơn Giác Duyên vì nàng là người tình nghĩa. Cúng dường vàng bạc bậc tu hành Kiều nói rất hay: Dùng cho việc đèn nhang, chay lạt:

Vội mừng sư trưởng,
Thỉnh nhập hoa diên.
Khi lỡ bước tới ở am thiền,
Cơn ẩn mặt gởi qua nhà bạc.
Cơm Phiếu mẫu một ngày còn tạc,
Vàng Vương tôn ngàn lượng dễ đền.
Vàng ngàn thoi giúp việc nhang đèn,
Gấm trăm quyển đền khi dưa muối.

Hoạn Thư là chuyện đặc biệt. Án chết nắm chắc trong tay mà nhờ lẻo miệng được thay bằng án mấy chục roi đòn, được coi là nhẹ. Lời đối đáp giữa đôi bên đáng kể về mặt tình, lý. Bắt đầu là giọng có gì đó đay nghiến người dưới cơ mình lúc nầy nguyên trước đã hành xử quyền chủ nhơn hơi quá đáng:

Chào Hoạn gia ái nữ,
Biết tỉ tất Hoa Nô là ta đây hay không?
Mưu sâu thì họa cũng sâu,
Miệng tốt mà lòng không tốt.
Đừng cậy thuở ba bà chấp một.
Cũng có khi hai chín chống nhau.
Lòn mái nên phải cúi đầu,
Răn cả chợ làm cho biết mặt.

Lời nói nhẹ nhàng nhưng có tính buộc tội trước khi nhắc đến thành ngữ ‘mưu sâu thì họa cũng sâu, miệng tốt mà lòng không’ tốt, kiểu khẩu Phật tâm xà, ỷ tài ỷ tận, và nhứt là câu cuối nghe như sắt máu: ‘Răn cả chợ làm cho biết mặt’.

Hoạn Thư cũng không phải tay vừa. Y thị đã viện dẫn nhiều điều đáng cho ta suy ngẫm:

Trước nhứt cô ta gom Thúy Kiều về phe với mình: Đàn bà. Mà đàn bà thì ‘sở hữu’ mặc dầu không muốn: cái tật khó chừa:

Ghen tuông cũng bụng đàn bà,
Độc hiểm chi lòng con gái.

Rồi lại thêm bằng những điều mà ả coi như chân lý:

Chồng mình mấy kẻ chịu chồng chung,
Vợ lớn nào ai thương vợ bé.

Những chữ coi ra không quan trọng nhưng có giá trị giúp Hoạn Thư khỏi chết là mấy kẻ, nào ai… chỉ rằng mình cũng như bao nhiêu người khác thôi, ở trong cái luật nguyên thủy của tạo hóa rồi, không làm khác hơn được.

Biện hộ rồi thì họ Hoạn nói rằng mình đã thi ơn lớn với Kiều:

  1. Đối xử rất phải đạo khi cho ở Quan Âm Các, ngụ ý rằng mình có thể hành hạ thêm nữa nhưng đã để cho yên:

    Khi ở gác để cho tử tế.

  2. Không cho người theo bắt khi nàng ‘cầm nhầm’ chuông vàng khánh bạc lúc trốn ra đi. Hoạn Thư khôn ngoan tuyệt cùng khi dùng những chữ chỉ người trong cuộc mới hiểu cái xấu xa, cái trật sách của mình. Chữ ‘ra đường’ được dùng thay vì ‘trốn chạy’ trong đêm tối. Chữ ‘nào có kiếm tìm’, ngụ ý tôi đã tha, đã bao dung nàng khi cố tình làm lơ chẳng cho người theo bắt lại. Nếu tôi xấu thì đâu đã bỏ qua chuyện đó:

    Lúc ra đường nào có kiếm tìm.
    Lòng hại đâu đi để im lìm…

  3. Lý do làm cho Kiều mềm lòng tha chết cho họ Hoạn là câu nói rất tình cảm: làm chuyện nầy nọ của tôi với bà chẳng qua là ‘buộc lòng thôi’, làm thì cũng nhẹ tay, biết bà chịu đựng được, chớ lòng tôi đâu có hiểm sâu mà kiếm chuyện vô cớ:

    Cực chẳng đã phải rung cây nhát khỉ,
    Có đâu điều vạch lá tìm sâu!

Với lý luận rõ ràng, với lời kể công, với cách nói không làm người đối diện mất mặt mà còn cảm thấy thương hại của Hoạn Thư, ai trong trường hợp Kiều cũng mềm lòng thôi. Mềm lòng nhưng nghĩ lại cũng ức. Chưa gặp mặt thì muốn băm dầm cho nát thây, nghe nó nói thì không đành đoạn. Mình cũng đàn bà như nó mà! Ghen tuông thì cũng người ta thường tình!

Và Kiều thở dài, buông con dao xuống, cầm cây roi lên. Đánh mấy chục roi, trả thù vặt ngày xưa hún hiếp.

Kiều thú nhận mình thua HoạnThư chỗ nầy. Họ Hoạn nói hay quá, chí lý quá, cảm động quá.

Khôn quỷ rất ngoan cái miệng,
Nói ma cũng phải lỗ tai.

Nhưng mà nàng đã hành hạ tôi tới nỗi tôi bị trầm cảm, tới chán đời, tới chịu nổi sự cô độc cả năm trong các. Thôi thì giải pháp trung dung vì không có cách khác. Tha thì tức, mà hành hình thì mang tiếng xấu:

Tha ra thì cũng may đời,
Làm nữa lại mang hẹp lượng.

Và Kiều đã phạt roi họ Hoạn, phạt nhưng cho ả tồn sinh.

Các tội phạm khác thì chẳng có gì đáng nói ngoài chuyện đổ văn thừa. Tôi bị ham tiền, tôi bị người ta cầm cốt… Tại và tại bởi mồi ngon hiện ra trước mặt…

Mã Giám Sinh trước đây ngon lành bao nhiêu giờ trước mặt quan tòa tỏ ra hèn hạ bấy nhiêu:

Anh ta than thở để may ra kiếm được chút thương hại làm vốn:

Quỳ đà xụm cẳng,
Cúi đã khòm lưng.
Tội tôi giết chẳng ưng,
Giết tôi thời cũng uổng.

Đổ vấy tội cho người khác, lập lờ chẳng nhắc tới tội mình đã gian dối trong mục tiêu mua bán, đã hưởng nước nhứt phũ phàng, đã trấn nàng vô miệng rắn, hùm:

Tại mụ thấy tiền thời muốn,
Khiến tôi đem bạc đi mua.
Tôi có biết chi mô,
Xin bắt người cầm cốt.

Tú Bà nói mình làm lỗi vì ham tiền, bỏ qua cái chuyện hành hạ, bày mưu để đẩy Kiều vô vùng nhớp nhúa. Chuyện quá rõ ràng, không thể đổ cho ai ngoài thằng Tiền.

Đầy mình mọc ốc.
Khắp mặt đổ chàm.
Xưa kia thấy lợi thì ham,
Nay phải cắn răng mà chịu!

Sở Khanh thì hèn hạ trước cái chết sắp đến. Run en phát rét và đổ tội cho Tú Bà bày mưu thiết kế. Sở Khanh quên rằng mình đã dùng giọng kèn tiếng quyển dụ Kiều để nàng phải bị lăn thân vô vũng bùn nhớp nhúa:

Nghĩ chết ruột gan thắt thẻo,
Sợ đòn mặt mũi xụi lơ.
Vì Tú bà xui giục ngày xưa,
Tôi chẳng dám lăng nhăng chuyện ấy.

Nhìn lại câu nói của họ Sở khi bỏ lại Kiều để nàng bị bắt mới thấy cái đểu của Sở Khanh.

Khuyển Ưng thì cũng một đảng cậy mạnh hiếp yếu. Cậy đông hiếp người cô đơn. Làm xấu vì tiền nhưng khi thất thế thì đổ thừa nầy nọ. Một đảng chuyên làm cho người ta chết nhưng khi mình đối diện với cái chết thì run en lập cập:

Ngày xưa tôi làm quái,
Ấy tại chủ sai tôi,
Tôi khác thể thiên lôi,
Chỉ đâu thời đánh đó!

Bạc Bà thì cũng thế. Một phường giả bộ ngây thơ. Em vô tội, tại thằng nầy thằng kia. Nhớ lại gần đây có ‘ông tòa’, xử tử hình người vô tội rồi phủi tay nhắn với mẹ người tử tội – là bạn học với mình- đừng trách tui, hãy trách người biểu tôi xử như vậy.

Nào phải tôi mắc mỏ,
Tại thằng Hạnh làm nhăn,
Gã cho tưởng để làm ăn,
Tham lắm đem đi cầm cố!

Bạc Hạnh! Như cái tên Tiền định, tên ấy đem vợ bán vô động lấy tiền xài. Hắn quên câu thiệu của giới giang hồ: Không ai lấy vợ cho đi làm đỉ. Bán vợ kiếm chút tiền, vợ có thế nào thì cũng mặc. Đó là bợm hết xài, lương tâm không bằng cái giẻ rách. Vậy mà cũng mở miệng đổ lỗi cho người đã làm ơn cho mình:

Xưa tưởng đà khỏi lỗ,
Nay nói thiệt không lời.
Tại cô trước đem mồi,
Làm tôi nay mắc bẫy.

Nói chung, trong tất cả trường hợp đổ thừa nầy nọ, chẳng qua vì tham tiền mà hành động bất nhân. Tôi phạm khi bào chữa bỏ qua lỗi chánh của mình, chỉ nhắc đến lỗi nhỏ: Tại tui dại khờ…

Ôi, đời trước cũng thế a!

Bản Nôm cho thấy tác giả viết rất đạt. Tuy xuất phát từ truyện Kiều, nhưng thỉnh thoảng có đoạn đọc lại - loại khó đọc khó hiểu như tuồng hát bội lại viết bằng chữ Nôm chưa ai giới thiệu ra chữ Quốc ngữ dầu là chỉ một vài đoạn ngăn ngắn - vẫn tạo được sự rung cảm nhứt là về mặt trí tuệ như đoạn nầy.

Tác phẩm Miền Nam còn trong bóng tối của thời gian và hoàn cảnh rất cần những khám phá để đem lại giá trị văn hóa của miền đất mới chỉ vừa được chừng 3, 4 thế kỷ, còn rất trẻ so với các vùng khác.