Khánh Trường - như con sóng xô bờ

Nguyễn Văn Sâm

Trong 30 năm nay thế giới văn chương Việt Nam hải ngoại chứng kiến một hiện tượng lạ là sự xuất hiện tác phẩm thường xuyên của nhà văn Khánh Trường, người chủ trương tờ Hợp Lưu với tiêu chí đăng tác phẩm của những người viết trong nước, miễn là tác phẩm của họ hay, nói lên được vấn đề quan trọng của thời đại, đây cũng là một chủ trương táo bạo vào những thập niên sáu mươi của thế kỷ trước.

Ngoài ra anh cũng viết khá nhiều những tiểu phẩm, các truyện ngắn, truyện dài thường xuyên xuất hiện trên văn đàn hải ngoại. Không chỉ dừng ở đó, Khánh Trường cùng với Nguyễn Vy Khanh và Luân Hoán chủ trương sưu tập những tác phẩm văn học có bề dày đồ sộ làm kinh ngạc mọi người và gần đây lại cho trình làng một loạt truyện dài mà mỗi cuốn có thể nói là một tác phẩm quan trọng của đời sống văn hóa hải ngoại, không những vậy anh còn vẽ tranh, vẽ mau và vẽ đẹp để tặng bạn bè, trình bày bìa sách giúp cho anh em văn nghệ.

Sự đa tài của Khánh Trường đã khiến bạn bè ngưỡng mộ, nhưng càng khâm phục hơn khi nhìn một Khánh Truờng gầy guộc, lọc máu 3 ngày trong tuần, mỗi lần như vậy phải nằm im chịu đựng 2 giờ trên giường bệnh với cây kim to tổ bố đâm vô thịt, trên đường xe trở về thân xác mệt đừ như sắp tắt thở...

Trước đây tôi không phải là bạn bè thân thiết để nhậu nhẹt bù khú với Khánh Trường hay qua lại hơn 30 năm trước khi còn ở bên Texas, mà chỉ giao tình với anh qua phone khi cần góp ý bài vở gì đó trong tờ tạp chí Hợp Lưu mà anh phụ trách.

Khánh Trường không khỏe nhưng sức viết của anh thì khỏi nói, miệt mài sáng tác không mệt mỏi, trong khi bạn văn cùng thời, trạc tuổi với anh hầu hết đều buông tay hàng mươi năm trước, có người cuốn gói về Trời còn nhanh chân hơn anh.

Sở trường sở đoản của anh đều đủ cả. Anh vừa vẽ vừa viết như một đam mê bất tận, mà đâu phải các sáng tác của anh là vô hồn vô nghĩa, nó luôn hừng hực sức sáng tạo trong đó, có lẽ điều này giữ anh lại lâu hơn chăng, khi bệnh tật mỗi ngày một bào mòn thân thể vốn gầy yếu của anh từ hơn chục năm nay.

Nhưng rồi 10 năm gần đây tôi di chuyển qua California, từ đó mới có dịp gặp Khánh Truờng thường xuyên hơn và những cuộc thăm viếng của người ở một thành phố nhỏ tới Orange County đã tạo nên sự thân tình giữa hai chúng tôi từ đó, tôi đọc anh nhiều hơn và theo dõi anh trên Facebook của anh, đọc những suy nghĩ chân thành mà tôi rất quý trọng, có nhiều lúc tôi đến thăm anh sau khi anh đi lọc thận về, một người nén đau để tiếp chuyện với khách, một người cảm thương sự nén đau đó khiến chúng tôi ít nói với nhau nhưng thông cảm qua sự yên lặng của hai bên, nụ cười hiền lành toát ra từ gương mặt xanh xao của anh tạo sự ngạc nhiên trong tôi mỗi lần đến và khi ra về tôi luôn mang theo hình ảnh nụ cười đó suốt trên đoạn đường xa.

Khánh Trường thường viết ngắn gọn trên Facebook của mình về những suy nghĩ tuy không bi quan nhưng phải sống trong điều kiện bất như ý, sự giới hạn của bàn tay chỉ gõ được 1 ngón, loay hoay ngồi không thoải mái trên chiếc xe lăn, ra vào trong không gian chật hẹp cuả cánh cửa luôn khép kín. Chắc bạn bè cũng có cảm nhận như tôi khi đọc về những dòng ngắn tâm tình trên Facebook của anh.

Mới đây Khánh Truờng đưa lên vài tiêu chuẩn của anh khi nói rằng viết văn phải có những điều gì để được người đọc chú ý, còn áp dụng như thế nào mới là điều quan trọng để thu hút độc giả.

Về những truyện ngắn truyện dài của Khánh Trường thì nội dung rất phong phú, tha hồ cho người đọc tưởng tượng theo từng cảm xúc, có thể gặp vài đoạn phải nhăn mặt vì những mô tả quá gợi cảm của anh, nhưng nói chung nó không phải là những đoạn dâm thư mà là những mô tả anh bắt buộc phải có để độc giả khoái lạc thăng hoa trong phút chốc ảo tưởng, thật ra điều đó cũng bình thường vì chính tác giả cũng rất giới hạn trong từ ngữ, cũng như sự mô tả chi tiết, có người sẽ nói đó là phản ứng của người mất đi một điều quan trọng của nhân sinh, và phần tâm thức thúc đẩy anh viết lên những điều đó, sự giải thích nào cũng có vẻ đúng nhưng chưa chắc đã đúng hoàn toàn, tôi nghĩ những chi tiết gợi cảm trên của Khánh Trường là một kỹ thuật như chút đường chút muối chút tiêu gia vị làm đậm đà thêm câu chuyện, đó là sự nhận xét của tôi về những đoạn văn gợi cảm của anh.

Cuốn sách “Nắng Qua Đèo” có lẽ mới tinh trong mùa dịch bệnh này, tập tiểu thuyết mà tôi đọc xong vẫn thấy như tác giả chưa viết xong câu chuyện đang hồi bế tắc, nhân vật chánh là anh chàng lãng tử, biết mình mắc bệnh nan y nhưng bất chấp, thích đi lang thang ngao du sơn thủy trước khi từ giã cõi đời, anh chấp nhận cái chết đang đến gần trong tư thế của sự an nhiên theo thuyết nhà Phật, Anh chọn cuộc hành trình cuối đời bằng những chuyến xe từ Nam ra Bắc, trên dọc đường gió bụi đó, anh biết được thêm những con người tuy gặp qua thoáng chốc, được nghe những câu chuyện vui buồn rất đời thường của họ, như cuốn phim ngắn lướt nhanh nhưng đã làm xao động trái tim của độc giả, cái lồng ghép khéo léo của tác giả là ở chỗ này, truyện dài mà như truyện ngắn, có phân đoạn, có tình tiết bất ngờ khiến người đọc tò mò muốn biết đoạn cuối, nhưng tác giả đã kết thúc bằng một nút gài của cái vòng tròn sinh tử. Anh chàng Nhân đã chết dọc đường trong thành phố heo hút nào đó ngoài Trung, ước mơ đi hết chiều dài đất nước của anh đã không thực hiện được…

Đã đoc nhiều cuốn tiểu thuyết của Khánh Trường trước đây, nhưng cuốn Nắng Qua Đèo này, anh tả chân về đàn bà con gái, về các cuộc tình có mây mưa cuồng nhiệt trong đó thì tôi thấy là hiền nhất so với các cuốn khác. Hay là anh mệt!

Xin trích dẫn một đoạn “Đa phần các nhà văn nhà thơ đều thua thiệt một điều gì đó, khiến cho họ muốn bù đắp bằng ước mơ chữ nghĩa”.

Khánh Trường đã làm điều đó, anh dựng lên một nhân vật bệnh hoạn yếu ớt giống anh, rồi cho họ đi lang thang theo trí tưởng tượng, cho họ yêu, cho họ sống thật với chính tâm trạng của mình.

Khánh Trường đã để cảm xúc của mình bay bổng theo từng nét vẽ, từng con chữ mông mênh…

Đằng sau chân dung của một Khánh Trường hình như là mạnh mẽ đó qua các tác phẩm, các công việc anh làm là nổi đau thương tột cùng của một kiếp người phải sống chung với cơn bệnh thập tử, dòng chữ tuôn ra tạo thành tác phẩm mà anh đã khiêm nhường nói là viết cho khuây buồn, anh không coi đó là những bài viết quan trọng nhưng người đọc thấy sự giá trị của tác phẩm vì nó được xuất phát từ con tim chân thành, từ tiếng kêu của một con chim biết mình sắp chết nhưng không cất lên tiếng kêu bi thương mà cất lên tiếng nói thành thật, có giá trị trong văn chương, đây mới đúng là thái độ cần có của người cầm bút, bất chấp cơn sóng đời xô đẩy ngả nghiêng.