Loạn bút về Thanh Nam

Nhà văn Thanh Nam hoàn tất hành trình trên con đường văn nghệ hơn ba mươi năm trời. Thời đủ xây dựng một số công trình và tiếng tăm trong văn giới và độc giả. Trong ba mươi năm nhập cuộc với ông chỉ có văn nghệ. Những hoạt động khác đều trở nên thứ yếu. Văn nghệ là cuộc sống, là cuộc đời của Thanh Nam. Văn nghệ, khu rừng ông đến, thưởng thức, trồng thêm cây và cất nhà ở đó, khác với một số đông ghé qua, thoáng qua một cái nhìn rồi trở về nhà riêng, lâu lâu trở lại để có mặt nhưng sự ràng buộc thật lỏng lẻo…

Trong nhịp sáng tác Thanh Nam từ từ đi, không vội vàng, không chễnh mãng, tác phẩm xuất hiện không ào ạt, nhưng gần như năm nào cũng có. Con đường viết riêng, không thắc mắc khó khăn (Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Thị Hoàng…) cũng không lè tè dễ dãi (Ngọc Linh, An Khê, Lê Xuyên). Thái độ trung dung của ông – hay nhu cầu đề ra của các chủ báo khiến Thanh Nam không vượt lên được trên số ít oi những cây viết nổi bật của giai đoạn Việt Nam Cộng Hòa.

Nói chung ông không có tác phẩm lớn làm đổi bước đi của lịch sử văn học hay đánh dấu một đoạn đường đặc biệt nào đó trong tiến trình văn chương Việt. Ông chỉ để lại một vài vết tích nhỏ trên con sông văn chương Việt bát ngát mà ai từng đi dọc dòng sông đó cũng đều nhận ra ngay. Đó không là những thác cao, những cù lao lớn, những hòn dài, những mảng đất bao la chẻ sông ra làm hai, làm ba, làm chín. Đó chỉ là vài mũi đất, cái voi, cái vịnh, nhưng nó có và người ta nhận ngay ra những doi vịnh Thanh Nam.

Tôi không muốn đặt vấn đề địa vị nhà văn cao thấp ở đây. Sự đánh giá bất kỳ nhà văn nào cũng đều không tránh khỏi được sự chủ quan và trong tình trạng đặc biệt của viết lách hải ngoại, sự xếp đặt vị trí này nọ là chuyện khôi hài. Điều quan trọng là tác giả có đóng góp hay không vào kho tàng văn chương Việt. Với thời gian, mỗi người một vài tác phẩm, dân tộc chúng ta có nền văn học riêng. Chiếu trên, chiếu dưới, đỉnh cao, ngọn núi chỉ là những lời trơ trẽn, chỉ có giá trị rao hàng. Vì vậy tôi chỉ muốn nhân dịp này phóng bút nói những điều thật chủ quan về Thanh Nam.

Cách đây một phần tư thế kỷ, trong một bài viết cho tờ báo sinh viên của trường, tờ Văn Khoa (hay Đối Thoại?) do con ông chủ nhà sách Việt Hương, anh Phạm Trường Thiên chủ trương, viết về tình hình văn chương Việt Nam trong năm 1961 tôi có nhắc đến sự thành công của Thanh Nam trong “Buồn Ga Nhỏ” sau khi nhận xét rằng “Người Viễn Khách Thứ Mười” của Nghiêm Xuân Hồng cũng xuất hiện năm đó là tác phẩm trội nhất trong năm.

Với tôi lúc đó Buồn Ga Nhỏ đặc biệt đã nói lên được một tâm trạng, một mối tình. Tâm trạng thiếu phụ chấp nhận đời mình đứng lại như một sân ga. Người đến, người đi, tàu dừng, tàu chạy, riêng mình ở lại chờ sự tàn phá của thời gian, không ai buồn chú ý. Vì sao? – Hoàn cảnh. Một người chồng già, tầm thường, vô học, không có một điểm nhỏ điều kiện nào để vươn lên. Tâm trạng đó lại đau đớn hơn, lại được làm cho sắc nét hơn khi người xưa trở lại hé cho thấy một mối tình, một sự tiếc rẻ. Văn trong truyện thật đơn sơ, sự kiện mô tả thật giản dị nhưng hình ảnh đã tạo được xúc động trong tôi lúc đó, đến giờ đọc lại vẫn còn cảm giác, ấn tượng tương tợ.

Tôi ưa đặt vấn đề phía sau của tác phẩm? Tôi muốn truyện ngắn phải chuyên chở một nội dung? Tôi để lòng mình trôi theo thân phận của nhân vật? Không rõ. Chỉ biết Buồn Ga Nhỏ đã đem đến cho tôi trạng thái lâng lâng, cái lâng lâng kéo dài hơn hai mươi lăm năm và chắc chắn sẽ còn kéo dài nữa sau này nếu có dịp đọc lại.

Về sau Vai Phụ cũng gảy vào cung bậc đó trong tôi. Thân phận kẻ không tên bất hạnh trong cuộc đời, sẵn sàng đem tấm lòng mình, tài năng mình dàn trải ra cho người đời nhưng không ai nhận, người đời chỉ đi theo những bóng đèn sáng đã được chấp nhận, ngoảnh mặt lại với những tài năng mới mà vì hoàn cảnh chưa có khả năng phát huy. Truyện viết ra từ năm 1959 nhưng sau này tôi mới được đọc và tự hỏi nếu trước đây được đọc, tôi có chăng sự xúc cảm đó về số phận của “con người bất hạnh cô đơn”, một con người luôn luôn đứng trong bóng tối, luôn luôn giữ “Vai Phụ”?

Thanh Nam chỉ đến với tôi bằng hai truyện ngắn đó (Nhiều nhà văn khác cũng ảnh hưởng lên tâm hồn tôi bằng một vài truyện ngắn mà thôi. Bình Nguyên Lộc: Lò Chén Chòm Sao, Nhốt Gió, Ba Con Cáo, Rừng Mắm; Hồ Hữu Tường: Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp; Thạch Lam: Sợi Tóc. Phạm Duy Tốn: Câu Chuyện Một Tối Tân Hôn…Nhiều người chỉ là một câu ngắn: Thanh Tịnh: Ngày Khai Trường…). Hai truyện, quá ít nhưng đủ để tôi thấy Thanh Nam có đủ khả năng đặt vấn đề thân phận con người bị lọt vào trong hoàn cảnh hẩm hiu. Các truyện dài của Thanh Nam trái lại qua lòng tôi không để lại dấu vết, đi qua như những bữa cơm bình thường hằng ngày, về sau có nhớ cũng không thể nói cảm nghĩ mình bữa đó.

Có lẽ vì văn trong truyện dài của Thanh Nam, kỹ thuật dựng truyện của ông và không khí trong truyện tương tợ với bạn bè ông lúc đó: Văn Quang, Hoàng Hải Thủy… (và cả Viên Linh?).

Tôi chỉ nhớ Thanh Nam có vài bài thơ rải rác đó đây. Những bài thơ tình, đủ để gọi là thi sĩ nhưng chưa vượt lên được trên đỉnh cao nghệ thuật, với những bản sắc riêng như Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Vũ Hoàng Chương, hay đặc biệt như Trần Dạ Từ, Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư.

Trong dịp ra mắt tập thơ của Thanh Nam (do Mai Thảo đại diện) cùng với tập truyện Tan Theo Ngày Nắng Vội của Du Tử Lê ở Houston hai năm trước đây, được mời phát biểu trước độc giả, tôi đã nói đại khái Đất Khách là tâm trạng của chúng ta, những người ly hương suốt đời hoài vọng về khung trời cũ, suốt đời cảm nhận chúng ta đã đánh mất quê hương. Ở xứ người thành công hay thất bại một cảm thức đau đớn cũng luôn dày xéo hồn ta, nhắc nhở rằng ta đang ở ngoài quê hương, ở trọ, sống nhờ, ghé chơi, và ước mong được trở về quê cũ, một quê cũ nghìn trùng xa mà trong sâu thảm của tâm thức, ta lờ mờ thấy rằng khó đạt…

Thanh Nam với một bài thơ thôi, với vài hình ảnh thật gợi xúc động đã giúp ta kéo dài thời gian trở về ngày cũ, đem không gian nghìn trùng của quê nhà về cho ta nơi Đất Khách. Ông sống với quá khứ, với Saigon, ông phủ nhận thời gian và không gian bây giờ, ông diễn tả hộ ta tâm sự tư cố hương, ông trình bày với đời hoài cảm vọng minh nguyệt giùm cho thế hệ ly hương thứ nhất bằng những từ ngữ chững chạc, đứng đắn, với một thái độ thật trầm tĩnh, nghiêm túc, rất phù hợp với thơ.

Những ngày đánh vật với bệnh trạng ở Seattle, Thanh Nam vẫn thiết tha cùng văn nghệ như thuở nào. Ông viết hồi ký. Ông kể những kỷ niệm về nhà văn kháng chiến chống Pháp của giai đoạn 45-50, ông nói về Lý Văn Sâm, Vũ Anh Khanh… Hình như ông đã lờ mờ muốn đặt vấn đề đem đến một sự công bằng cho những nhà văn không may viết và sống trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt về chính trị và văn học này. Ở phạm vi bài này tôi không thể đi sâu vào vấn đề đó. Đại khái các nhà văn kháng chiến chống Pháp đã bị người CS loại ra khỏi các cuốn sách viết về văn học đấu tranh mà họ gọi là văn học cách mạng Việt Nam vì những người nầy không được chỉ thị khi viết mà tự động viết từ một ý thức tự phát. Trong khi đó sách vở miền Nam cũng rất ít nói đến, do sự thiếu thốn tài liệu và ngại ngùng những hiểu lầm. Trong suốt hai chục năm của nền Cộng Hòa, chúng ta chỉ có mấy cuốn của Thế Phong và tôi, Nguyễn Văn Sâm. Qua thời gian vấn đề tài liệu càng trầm trọng hơn và nếu tình trạng này kéo dài, vài mươi năm nữa chắc sẽ không ai biết gì về những người đã đánh Pháp bằng ngòi bút, bằng suy luận, bằng tư tưởng như Hồ Hữu Tường, Thẩm Thệ Hà (đã mất), Sơn Khanh, Thê Húc (hiện ở một tiểu bang miền Bắc), Nguyễn Đạt Thịnh (ở Hawaii). Đặng Thị Thanh Phương (tức nhà văn nữ Thanh Phương ở Pháp) và bọn CS sẽ mặc tình nói rằng lúc đó chỉ có những nhà văn CS mới dám đặt vấn đề chống thực dân Pháp, chỉ có nhà văn CS mới yêu nước!

Sẵn đây cũng nên nói thêm để chứng tỏ sự trầm trọng của vấn đề tài liệu.

1. Bài phỏng vấn nhà văn Xuân Vũ của Nguyễn Mộng Giác đăng trên Văn Học số 4 ngày 5/86, Xuân Vũ có câu “Vũ Anh Khanh của Nửa Bồ Xương Khô, Trắc Bá Diệp và những bài thơ nổi tiếng khác…” Thật ra Vũ Anh Khanh không có viết bài thơ nào tên Trắc Bá Diệp, Nửa Bồ Xương Khô là tên truyện dài trong đó, ở quyển 2, Vũ Anh Khanh đã vụng về tuyên truyền cho chế độ CS– Sau này ông đã trả cái giá sai lầm của mình bằng cái chết khi toan vượt sông Bến Hải vào năm 1957 – và Cây Ná Trắc (không phải Trắc Bá Diệp) là tên tập truyện ngắn ca tụng sự Kháng chiến không có một chút hơi hướm nào của CS trong đó. Cũng nên nhắc lại Vũ Anh Khanh đã cống hiến cho chúng ta bài thơ Tha La (đã được phổ nhạc từ lâu) nổi tiếng như Màu Tím Hoa Sim hay Đôi Mắt Người Sơn Tây ở Bắc cùng giai đoạn.

2. Báo Làng Văn số tháng 5/86 trong bài phỏng vấn Cựu Thủ Tướng Nguyễn Văn Lộc, tức nhà văn Sơn Khanh ngươi phỏng vấn cho biết Sơn Khanh có viết cuốn Toàn Binh (1950). Thật ra Tàn Binh (không phải Toàn Binh) là một cuốn tiểu thuyết rất khá của Sơn Khanh diễn tả tâm trạng của một người vì hoàn cảnh, bỏ chiến đấu trở về thành nhưng không lúc nào nguôi được mặc cảm đã không làm tròn bổn phận với tổ quốc…

Trở về chuyện Thanh Nam, điều làm tôi chú ý và suy nghĩ, đó là tình thương vô bờ của đa số bạn văn đối với ông. Khi ông nằm xuống, rất nhiều người viết về ông, về tình bạn, về kỷ niệm, về lòng mến tiếc. Mới đây bài của Phan Lạc Tiếp cũng rất xúc động, mấy câu thơ của Vĩnh Lộc (Quãng đường tri kỷ thoáng qua. Trạm buồn ga nhỏ còn ta ngậm ngùi) cũng rất…ngậm ngùi. Tại sao? Không hẳn vì Thanh Nam đã cầm bút. Hồng Liên Lê Xuân Giáo mới mất, Xuân Hiến đã từ trần sao không được một sự bày tỏ thân tình rộng rãi như vậy?

Phải chăng nhờ một thứ tình bằng hữu tốt đẹp như Thanh Nam đối với bạn bè văn giới? Phải chăng vì tư cách của ông trong suốt cuộc đời? Phải chăng vì tính phóng khoáng của nhà thơ, khi đánh canh bạc đời?

Chỉ có thể giải thích và đưa ra lời đáp từ các thân hữu của Thanh Nam, kẻ viết bài này rất tiếc trong suốt đời mình chưa bao giờ được hân hạnh gặp ông. Đó là một sự thiệt thòi, một điều quá uổng bởi vì được gặp, được tiếp chuyện với nhà văn mà tác phẩm của họ đã tạo được ấn tượng sâu đậm trong lòng mình lúc còn trẻ là một điều rất đáng thú vị.

Biết đâu được sự gặp gỡ đó tôi đã có thể thêm vào bài loạn bút này vài dật sử về ông để đỡ nhạt.

(Vài tháng sau ngày Thanh Nam từ trần)