Nguyễn Vy Khanh: Đã từng có một nền Văn Học Việt Nam Cộng Hòa

Nguyễn Văn Sâm

Độ một phần tư thế kỷ gần đây, ở hải ngoại nầy, Nguyễn Vy Khanh (NVK) là người làm nhiều công việc tương tợ với Vũ Ngọc Phan (VNP) thời tiền chiến nhứt. Bộ Nhà Văn Hiện Đại (NVHĐ) của ông Phan được hoan nghinh từ Bắc xuống Nam bao nhiêu năm không có bộ nào thay thế được. Ông Phan viết như là để xác định rằng có một giai đoạn văn học mà ông gọi là Văn Học Hiện Đại, lúc đó là vào những năm 1920 tới 1945.

Vũ Ngọc Phan xưa đọc tác phẩm nhà văn mình muốn giới thiệu rồi phân tích hay dỡ, tuy có đôi chút chủ quan nhưng cung cấp cho người đọc đời sau nhiều tư liệu khó tìm. NVHĐ là tác phẩm viết vì cảm thức văn hóa của ông VNP.

Nguyễn Vy Khanh đi xa hơn, ông cho thấy luôn sinh hoạt văn nghệ của nơi chốn và thời gian nó xuất hiện, đâu vào đó, đầy đủ tới nỗi có thể nói là cho độc giả bội thực luôn. NVK có lợi thế là gần gũi những nơi hình như là chứa hầu hết sách báo của Miền Nam trước đây và sách báo xuất bản ở hải ngoại sau 1975. Nhưng đó chỉ là điều kiện bên ngoài, điều kiện cần, NVK còn phải có một quyết tâm thiệt lớn quyết viết thiệt là đầy đủ mới chịu khó lục lọi trong hàng tấn sách báo để cung cấp nhiều thông tin cho chúng ta mà người trong cuộc cũng không thể nhớ hết những chi tiết như vậy.

Sau VNP, các ông Dương Quảng Hàm (DQH), Nghiêm Toản, (NT), Hà Như Chi (HNC), Phạm Văn Diêu (PVD), Phạm Thế Ngũ (PTN)... và vài ba người khác có viết sách liên quan tới lịch sử văn học của Việt Nam, hoặc toàn phần, hoặc một giai đoạn nào đó, nhưng hầu như người viết đều viết tác phẩm mình theo chương trình giáo dục bậc Trung học đương thời, nghĩa là nhắm tới phục vụ cho nhu cầu trường ốc giai đoạn tác phẩm sẽ được xuất hiện. Đó không phải là ý hướng của VNP và NVK.

Các nhà nghiên cứu nói trên là người viết văn học sử, chia thời kỳ, chia trường phái, tìm ảnh hưởng của nhà văn A, B lên nhà văn C, D... khi cần thì giới thiệu tác phẩm để cung cấp cho học trình của thời nó xuất hiện. VNP và NVK không viết văn học sử mà viết về hiện trạng văn chương một giai đoạn, một thời kỳ. Mỗi người nhắm một mục tiêu khi cất bút. Bộ Việt Nam Thi Văn Giảng Luận của Hà Như Chi, bộ Văn Học Việt Nam của Phạm Văn Diêu thì do tài hoa của người viết, có giá trị của giai đoạn nhưng hai tác giả trên không viết thêm những vấn đề mà vì khuôn khổ của quyển sách mình không cho phép khai triển để người đọc có được thêm những kiến thức văn học về một vấn đề lớn nào đó. Mấy mươi năm ở hải ngoại cũng có một số tác giả đặt bút viết những cuốn sách dính dáng tới văn học Việt Nam nói chung hay văn học một thời kỳ nào đó nói riêng, như Võ Phiến, Du Tử Lê hay Trần Bích San, nhưng nhìn chung các công trình của những vị nầy chưa đi sâu vào vấn đề gì, có mặt nhưng không được bao nhiêu giá trị thực tế để có sự chào đón của giới chuyên môn. Họ, hoặc do thiếu thốn tài liệu mặc dầu là nhà văn, là thi sĩ, nhưng không phải là người được đào tạo để sống trong dòng sông văn học sử để nắm bắt vấn đề một cách toàn diện.

Nguyễn Vy Khanh có lợi thế mà những người đi trước không có: Ông đủ thời giờ, tài liệu, nhiệt tâm và kiến thức để viết những bộ sách dầy có tánh cách như văn học sử hay những cuốn sách khai triển những vấn đề nho nhỏ của văn học sử nhưng là vấn đề lớn khi nó đứng ngoài với tư cách là vần đề văn chương hay triết học trong một cuốn sách riêng.

Các cuốn nói trên là:

  1. Bốn Mươi Nam Văn Học Chiến Tranh (1957-1997) (Grendale CA: Đại Nam 1997) khai thác về vấn đề chiến tranh mà những nhà văn thời nầy, 57-97 chấp bút.
  2. Văn Học và Thời Gian (Westminster CA: Văn Nghệ 2000, khai thác về những đề tài của cùng một cây viết nhưng với thời gian khác thì đề tài họ nhấn mạnh cũng khá là khác.
  3. Văn Học Việt Nam thế kỷ XX: Một số hiện tượng và thể loại (Grendale CA: Đại Nam 2004).
  4. Ba Mươi Ba Nhà Văn Nhà Thơ Hải Ngoại (Montreal, TGXB, 2008).
  5. Văn Học Quốc Ngữ Thời Đầu & Miền Nam Lục Tỉnh (Nhân Ảnh, 2021).

Tôi chú trọng tới bộ Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Toronto, Nguyễn 2016) vì đó là tác phẩm quan trọng nhứt của NVK, cho chúng ta có cái nhìn toàn diện về một nền văn học đã bị phủ nhận bởi nhà cầm quyền mới trong nước: Văn Học Miền Nam 1954-1975 hay là Văn Học Việt Nam Cộng Hòa (theo ý nghĩ của tôi, NVS).

Nền văn học nầy như vậy đi đã qua gần nửa thế kỷ rồi, những người lớn lên từ năm 1960 về sau chắc là không có dịp để biết nó. NVK đã thực hiện công trình nầy hết sức công phu, giá trị và khoa học. Công phu ở chỗ ông để mắt hầu hết các tác phẩm thời nầy – do có dịp gần gũi các thư viện nơi đã chứa những tư liệu quí giá đó. Giá trị ở chỗ ông đưa ra đầy đủ tư liệu, chi tiết để tạo thêm xác tín cho những điều mình nói (Xin xem phần nhập đề của ông về tạp chí Sáng Tạo khi ông viết về Doãn Quốc Sỹ, trong cuốn Hành Trình của dòng sông - Thư Quán Bản Thảo số 102, tháng 11-2022). Về tính khoa học ta có thể thấy ở bất cứ chương nào trong sách nào của NVK.

Tôi không thấy sự sai lầm nào trong tất cả các công trình nặng ký của NVK, toàn bộ là một sự chính xác, hoàn hảo vì NVK là người được đào tạo chánh quy, của thế hệ sinh viên – dầu là cuối cùng - trước 1975 (Tốt nghiệp thủ khoa Đại Học Sư Phạm ban Việt Hán khóa 13 năm 1974, và Cao học Triết Tây, 1975.) Ở ông không có điểm sai, dầu nhỏ mọn như có người mới đây viết rằng “Việt Pháp Tự Điển của Paulus Của là một bộ tự điển mà gần đây cả người Bắc lẫn người Nam vẫn còn dùng” (!)

Tôi biết những gì NVK viết ra là ông đã nghiên cứu tư liệu và có trong tay hay trước mắt cuốn sách mà ông nói về, chứ không phải chép đi chép lại những gì được người khác nói mà không kiểm chứng.

Chẳng hạn chương 7 về Báo chí Miền Nam, chắc rằng cho tới sau nầy vài ba chục năm, hay cả thế kỷ nữa - cũng khó thể có tác giả nào đầy đủ tài liệu mà trình bày gọn gàng như NVK để nói về các báo và tạp chí của thời 54-75 ở Miền Nam bằng NVK. Chương nầy dài gần trăm trang (487- 572) chữ nhỏ khổ sách lớn với hầu như đầy đủ các tạp chí quan trọng xuất hiện của thời nầy, nếu in thành một tác phẩm về báo chí cũng còn được. Nói như vậy vì NVK khi kể tên tạp chí thường cho biết tạp chí đó có bài gì quan trọng, ông phân tích và giới thiệu các bài quan trọng khi có dịp khiến người đọc dễ nằm bắt, dầu là một cách tổng quan về tạp chí đó.

Nhìn chung các sách của NVK nhất quán, liên kết trong chủ đề văn học Việt Nam.

NVK in, phát hành những công trình của mình, không tuyên bố gì hết, có thể ông không chú ý tới tác dụng gián tiếp của chúng là chống lại sự phủ nhận hay bêu xấu nền Văn học Việt Nam Cộng Hòa.

Ta hãy ngó lại chút ít lịch sử của chuyện nầy, một cách đơn giản qua hai quyển sách dầy nặng của tác giả Trần Hữu Tá với cuốn Nhìn lại một chặng đường Văn Học (NXB TP HCMinh, 1999) và tác giả Trần Trọng Đăng Đàn với cuốn sách đình đám: Văn Hóa, Văn Nghệ Nam Việt Nam 1954-1975. Hai tác giả nầy, Trần Hữu Tá thì ôm hết những người viết có chút gì đó nói lên sự bất bình của mình với thời đại – dầu người viết đó chống Pháp hơn là chống VNCH - là những tiếng nói phản kháng sự bất công, là khuynh hướng yêu nước, cách mạng ở các thành thị Miền Nam thời VNCH. Từ lý luận đó Trần Hữu Tá không thấy có nền văn học của nước Việt Nam Cộng Hòa mà chỉ có loại văn học chống đối ở vùng đất nầy của người dân bị áp bức. Trần Trọng Đăng Đàn thì ngó đâu cũng thấy một thứ văn nghệ sa đọa, dơ dáy kết quả của chế độ nô dịch, sản phẩm của thực dân mới Mỹ Ngụy, nghĩa là không có loại văn học đúng nghĩa của Miền Nam trong những năm 1954-1975.

Nguyễn Vy Khanh không dao to búa lớn nhưng việc làm của ông cho thấy lòng yêu văn chương đúng nghĩa của một bậc trí thức và lòng yêu sự thật, không bị chỉ thị chánh trị hướng dẫn. Tác phẩm của NVK xác định rằng có một thời gian trước đây ở Miền Nam nước Việt đã hiện hữu một thứ văn chương tạo nên nền văn học Miền Nam, xứng đáng là văn học. Đó là điểm son, và đó là những gì người đọc tác phẩm của ông có thể trả lời thật ngắn và chính xác khi được hỏi cảm tưởng sau khi đọc NVK.

Nguyễn Vy Khanh là một trong 5 người chủ trương trang mạng namkyluctinh.org. Chúng tôi thân thiết vì làm việc chung trên mạng nhưng chỉ có dịp gặp nhau chừng 1, 2 lần do sống ở hai quốc gia khác nhau: Mỹ và Canada. Tôi nhớ hoài hình ảnh anh, lần sau cùng gặp nhau thân thiết trong quán cà phê ấm cúng bên Toronto, Canada, cùng với thi sĩ Bắc Phong. NVK, một người bạn trẻ - so với chúng tôi - nhưng công việc anh dành cho văn học thì già dặn hơn với bề dầy đầy kinh nghiệm của người chấp bút cần mẫn để tạo nên những quyển biên khảo nặng ký.

Tôi nghĩ nhiều bậc thức giả, tuy không nói ra nhưng thật lòng ngưỡng mộ và trân trọng công việc thầm lặng của anh, người đã cố công lôi kéo quá khứ Văn Học của Miền Nam Việt Nam, đã bị quên lãng vì thời cuộc suốt nửa thế kỷ ra vùng ánh sáng hiện nay, cho lớp hậu bối sau này có cơ hội tìm hiểu và tôn vinh một nền văn học đầy giá trị, sản xuất từ một thể chế dân chủ bị bức tử do sự xắp xếp không thuận lợi và bất công cho Miền Nam của những nước lớn khi chơi bàn cờ thế giới.

NVK và NVS, tuổi đời cách nhau một con giáp. Quá trình được đào tạo gần như giống nhau: NVK tốt nghiệp Văn Chương Việt Hán, Cao Học Triết Tây, NVS tốt nghiệp Cử nhơn Giáo Khoa Triết học Tây Phương, Cao Học Văn Chương VN, cho nên đọc và hiểu nhau dễ dàng. Tôi tâm đắc với một đoạn dài NVK phóng bút luận về ý hướng sáng tạo của Doãn Quốc Sỹ trong bài viết về nhà văn thời danh nầy. Xin trích lại hầu độc giả dầu hơi dài... Mà những đoạn luận hay như thế nầy không thiếu trong các sách của NVK:

“Doãn Quốc Sỹ đã hơn một lần nổ lực làm mới văn-chương, nghệ-thuật, nhưng không như một số đồng hành của ở tạp chí Sáng Tạo, mà ở lõi ý tưởng chuyên chở, ở ý hướng đóng góp, đưa đến cái mới, kể cả khi viết đoản văn, tùy bút, tạp bút hay tiểu-thuyết, truyện thần thoại. Doãn Quốc Sỹ thuần túy là một nhà văn- nhà giáo, hay có thể thâu tóm gọi ông là một nhà nho thời đại mới, thời mà đã là hiền giả thì không thể không trở nên lạc lõng. Nhưng ông đáng quí vì tính nhân hậu, mà bên trong còn là một con người tâm hồn phản kháng, cứng rắn và kiên trung khi cần phải đương đầu với bạo quyền, bền gan tiếp tục đề cao chân thiện mỹ và ngợi ca những nét đẹp tinh thần và thực tế của dân tộc, cũng như vạch ra cái gian cái ác của bầy yêu ma quái quỷ vẫn còn đang thống trị trên quê hương”.

Cái ác của quá-khứ ai cũng mong không có chỗ đứng mai sau, nhưng cái ác vốn không tự hủy, không tàn lụi, nếu con người không ý thức và ra tay! Tác-phẩm của Doãn Quốc Sỹ đã ra tay! Viết như một người có lý tưởng và như một nhà giáo, đầy lòng nhân hậu, kiên nhẫn, nhưng ông giáo cũng chờ đợi ở những cải đổi và ở chân thiện mỹ! F. Nietzche ở thế-kỷ XIX đã lớn tiếng khai tử Thượng đế, con người được tự hào đề cao, đến thế-kỷ XX thì một mặt chủ nghĩa cộng-sản tận diệt con người như một chủ thể tự do thì ở thế-giới gọi là không cộng-sản, người ta cứ thi đua phát triển kỹ thuật, văn minh có vẻ vô cùng tận, dù có phải hy sinh môi trường sống, thì rồi người ta cũng nhận ra con người đã chết! Nhà văn Doãn Quốc Sỹ ngược lại, lúc nào cũng đề cao con người và kinh-nghiệm văn-chương của Doãn Quốc Sỹ đồng thời và rốt cùng cũng là kinh-nghiệm làm người Việt Nam ở thế-kỷ XX!.