Quách Vĩnh Thiện và giấc mơ phổ nhạc nhiều hơn nữa tác phẩm cổ Việt Nam


Quách Vĩnh Thiện _ Nguyễn Văn Sâm_ Paris, Quận 13, 2017.

Ngày 13 tháng 9 năm 2019 nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện mất ở Paris. Cái chết của bất kỳ ai mà tôi có thời gian quen biết và thấy vẫn đương khỏe đều làm tôi bàng hoàng, thường lên tiếng than thảng thốt khi nghe tin (như trường hợp nghe tin về thi sĩ Nguyễn Mạnh Trinh gần đây.)

Với Quách Vĩnh Thiện còn hơn vậy, nỗi bàng hoàng kéo dài lâu hơn. Anh là một nghệ sĩ, một nhạc sĩ, một cựu học sinh Petrus Ký, sanh năm 1943, Vô Petrus Ký sau tôi chừng ba bốn năm nhưng đã thành công trên đường sự nghiệp ở Paris khá lâu cả về nghề nghiệp chuyên môn lẫn văn hóa. Trong đời, dầu tôi chỉ gặp anh có hai lần, đều cùng ăn món Việt Nam ở nhà hàng Ba Miền trong quận 13. Nhớ câu trả lời của anh khi tôi thắc mắc tại sao lại cứ Ba Miền: ‘Tôi chẳng thích gì cách tiếp đãi của bồi bàn ở đây nhưng không thích đi vào tiệm Tàu.’ Câu nói bình thường nhưng có vẻ gì đó xác định lằn ranh khiến tôi thấy gần gũi anh hơn.

Hai bữa ăn ngoài chuyện trời trăng mây nước thì Quách Vĩnh Thiện bày tỏ ước mơ của anh là mong có đủ thời giờ và hứng thú để phổ nhạc thêm nữa từ các truyện thơ VN, xác định rõ ràng hơn là từ những tác phẩm đã có ảnh hưởng lên tâm hồn người VN một thời trước đây hằng cả hai thế kỷ của chữ Nôm lớn mạnh và truyện thơ lục bát.

Tôi nói rằng mình đã cho chạy để nghe vài bài trong loạt bài phổ nhạc Kiều từng đoạn từng đoạn cho đến hết cuốn Kiều thành 77 bài tân nhạc của anh, mà nói thiệt, nhạc lý tôi không biết nhưng nghe cái air giống nhau quá đến nỗi cảm giác chỉ cần nghe vài bài là được, mấy chục bài nó phí đi công sức sáng tác của nhạc sĩ đi.

Người nhạc sĩ trước mặt tôi hơi khựng lại một chút rồi từ tốn trả lời đại khái là Cái air trong suốt truyện Kiều nó trầm trần ở nhiều bài như thế vì tất cả đều ở nguồn lục bát mà anh không muốn đổi chữ dùng của Nguyễn Du’, anh nhấn mạnh ‘Ở Kiều khi tả tiếng đờn nhẹ nhàng thanh thoát thì tác giả viết: Tiếng nghe như gió thoảng ngoài, khi tả tiếng đàn mau lẹ, mạnh mẽ thì là Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa, khiến ta hiểu cái nghĩa tiếng đàn nó nhẹ nhàng hay mạnh mẽ. Chữ nghĩa nó thay đổi điệu đờn của Kiều chớ điệu nhạc của câu văn không thay đổi, không mạnh, không cho thấy tính cách ào ào tựa mưa gió sầm sập, hoặc nhè nhẹ, thoang thoảng tựa gió nhẹ heo may thổi từ ngoài hơi xa xa được. Âm nhạc bổ xung sự thiếu xót đó của chữ nghĩa. Bởi vậy tôi mới tạo thành những bản đờn. Tác phẩm Kiều dài nên phải có những đoạn mình không muốn mà cái air tương tợ nhau như anh đã nói….’

Không muốn làm phiền lòng người bạn mới quen, và cũng thấy tác giả có chút hữu lý, tôi vớt vát nói rằng giá anh chọn vài ba đoạn và thay đổi air của nhạc như ông Lê Thương viết Hòn Vọng Phu hay trường Ca Con Đường Cái Quan của nhạc sĩ Phạm Duy thì đỡ tốn công anh..

Quách vĩnh Thiện nói chắc nịch: ‘Tôi còn muốn làm như vậy vài ba tác phẩm trường thiên Việt Nam nữa như Nhị Độ Mai, như Cung Oán Ngâm Khúc, như Phan Trần… Anh nhấn mạnh sau khi hớp một hớp bia: Từ đầu đến cuối, vâng từ đầu đến cuối.’

Tôi đọc được sự quyết tâm và lòng hãnh diện của người nhạc sĩ trước mặt.

Thôi thì mỗi người mỗi ý. Với người nhạc sĩ trước mặt, tôi chỉ là người thợ giày, chẳng nên phê bình quá hơn bàn chân của ai.

Tại sao tôi, Nguyễn Văn Sâm, suốt đời cứ chạy theo chuyện phiên âm từ bản Nôm toàn quyển truyện thơ nầy, tuồng hát bội kia cho mất thời giờ mà không lựa vài ba đoạn xuất sắc, vừa ý người phiên và gợi lòng tò mò người đọc? Phiên âm chi nguyên cuốn để thiên hạ ngán ngẩm cả việc cất vào tủ sách trong nhà vì sợ chật tủ.

Vậy đó mỗi người đều nhìn công trình ôm ấp của mình có sự hữu dụng, hữu lý nào đó.

Tiếc là Quách Vĩnh Thiện đã mất khi anh mới 76 tuổi, lúc sức sáng tác còn mạnh, lúc nhìn đời và hiểu chữ nghĩa có thể coi là đã đến mức nhuần nhuyễn, có thể phổ thêm nhiều bài nữa… Tiếc thay! Giờ có ai đi theo con đường của anh chăng? Công việc hao sức sáng tác, coi thiệt là vô ích nhưng biết đâu có cái hữu ích vô hình mà chúng ta hiện giờ chưa thấy rõ?

Muốn biết thêm về công trình và cuộc đời của Quách Vĩnh Thiện bạn đọc có thể vô tự điển mở wikipedia hay Google để nghe nhạc của anh về Kiều, về Chinh Phụ Ngâm.