Quốc Ấn và những người đi tìm sự bình đẳng

Nguyễn Văn Sâm
I.- KHÁI QUÁT

Tác phẩm đã in thành sách của Quốc Ấn gồm:

● S.O.S, truyện ngắn (Tiếng Chuông – Saigon 1949)
● Vĩ Tuyến XI, truyện ngắn (Nam Việt Saigon 1949)
● Đáp Lời Sông Núi, truyện ngắn (Đại Chúng Saigon 1949)
● Tiếng Chuông Kháng Chiến[1], truyện ngắn (Đại Chúng Saigon 1949)

Tuy nhiều, nhưng các truyện của Quốc ấn đại loại như nhau, đề tài thường giống nhau, lúc quốc gia đang trở mình, với những người con thời đại, quyết tâm hy sinh mình vì tổ quốc, hoặc có cảm tình với kháng chiến với những người khổ sở vì cảnh loạn lạc, nhà tan cửa nát, gia đình ly tán. Bối cảnh của truyện là vậy, nhưng vì ngòi bút của Quốc Ấn non tay nên kết cấu kém, dài dòng, nhiều đoạn thừa thải, kết cục gượng ép, tâm lý nhân vật không thật, người đọc nhận ra ngay ông có định kiến hướng câu chuyện mình về chiều hướng nào.

Bởi vậy, phần kỹ thuật kéo theo nội dung, làm cho tác phẩm của ông nhiều khi trơ trẻn, ngô nghê và dễ đi vào lảng quên. Tuy nhiên phần tư tưởng vẫn có, chúng tôi xin tìm hiểu sau đây.

II.- TƯ TƯỞNG

Vì có bối cảnh thời loạn, nên vấn đề ý thức cách mạng dễ đặt ra và ở Quốc Ấn, những nhân vật đều có ý thức, lúc quốc biến đều theo tiếng gọi của quê hương, để chịu khổ sở. Quan một sinh viên học ở Hà nội, “ rồi vì làm chánh trị”, sau đó bị đày đi Lao Bảo. (Đáp Lời Sông Núi, trang 11) Lệ đã thấy rõ tù nhân: một thanh niên không lạ với nàng (trang 34) đó là người tình cũ, sinh viên, từng học triết học, là một hoạ sĩ tài ba, đã dứt bỏ tất cả, bỏ Hà Thành lên một vùng mạn ngược ở Bắc Việt vì việc riêng (trang 33) việc riêng đây là đáp lời sông núi.

Hoàng mười lăm năm sống ở hải ngoại, theo quân Đồng Minh nhảy dù xuống Nam Việt để dự vào cuộc giải thoát Việt Nam khỏi tay phát xít Nhật (Vĩ Tuyến XI trang 14), nhưng sau đó thấy thanh niên, thiếu nữ Việt Nam, hành động, tin tưởng, lý luận ông đã mang đi một ý nghĩ để định đoạt cuộc đời (trang 14), đó là đứng cạnh bên anh, chị em để tranh đấu cho sự giải thoát tổ quốc (trang 13). Không ỷ lại nữa, chỉ trông cậy vào sức lực của mình và của dân mình mà thôi. Trinh một thanh niên trẻ, học cao, nhà giàu, đẹp trai, đã bỏ lại một cô vợ sắp cưới đẹp đẽ của mình, dấn thân vào chốn rừng sâu, ra hải ngoại quyết tâm hành động để đem đến cho dân tộc ấy (Việt Nam) những hy vọng thành công (trang 42).

Vi, một sinh viên năm thứ ba trường thuốc, bỏ dở mộng làm bác sĩ của mình đi về miền quê, ở đây anh lảnh công tác khá quan trọng. Chàng phải đến đó (Vị Thanh), để đưa ba mươi học sinh của lớp cán bộ đi nơi khác, vì có lẽ nội trong ngày mai, vùng ấy sẽ bị Pháp chiếm (S.O.S. trang 5) để rồi vì những nhiệm vụ tương tợ anh bị bắt và cầm tù một năm. Nhưng khi ra tù, vì lời khuyên của một người con gái, anh vẫn tiếp tục nhiệm vụ.

Vinh, một thanh niên năm thứ nhứt trường thuốc, cũng vậy, lao đầu vào cuộc chiến đấu để rồi hai tay bị trói thúc ké sau lưng. Vinh không nằm được (trang 47) nghe một tên Thổ ở ngoài nói vọng vào: “Đ. M…thằng nào mở trói cho nó, sáng cũng bị bắn như nó đa” (trang 44).

Đó là những người trí thức thật sự, trí thức vì được học hỏi và biết thực hành nền học vấn của mình, biết câu thất phu hữu trách, không để ý đến tương lai mình, cuộc đời mình, mà vấn thân vào cuộc mạo hiểm thường xuyên bên mình, vì nghĩa của đại cuộc, vì những người không may mắn như mình.

Có ý thức tức là thực hành lý tưởng, sự nguy hiểm bên mình cho nên Quốc Ấn cũng nói về những cái chết, tuy bí mật với độc giả, nhưng nguyên nhân ai cũng hiểu, đó là hưởng ứng sự trở mình của dân tộc, khi cần vươn dậy, đòi quyền tự do lại. Tôi được biết rõ cái chết của anh cô, cái chết xứng đáng của công dân Việt Nam. (Đáp Lời Sông Núi, trang 46).

Nhưng không phải ai ai cũng có ý thức, người ta đã vui với cái đang có mà quên tất cả, nhưng với ngòi bút của Quốc Ấn, chỉ cần những tiếng chuông kháng chiến giống lên là họ chuyển mình từ một kẻ vị kỷ sống theo ngày tháng, mặc cho quốc gia oằn oại đau thương, mặc cho những người yêu nước chống chỏi, ngã ngục…ý thức được những ngày trước đây của họ là vô nghĩa, ích kỷ và quay về hướng chính nghĩa, sửa hẳn lối sống của mình, như cáo quay đầu về núi.

Một người sắp chết, bị bỏ nằm ở nhà xác, được một cô bác sĩ sắp ra trường đem về chạy chữa, đặt lại tên, lấy tên của anh mình một thanh niên cách mạng đã đền nợ nước, anh chàng nầy trước đây là một người bất tri vong quốc hận, đã tỉnh ngộ mà thốt lên những lời ái quốc cao độ… (Cô Em Gái – Đáp Lời Sông Múi).

Một Phan, thanh niên quyết thi đậu Tú Tài, để có cơ hội tiến lên, để cưới được cô con gái nhà giàu tên Xuyến, nhưng bữa đi thi, xóm anh bị bố, bị bắt cho bao bố nhìn mặt, nên lỡ cuộc thi, rôi bỏ đi nằm nhà của một người bạn viết báo, nghe bạn thuyết phục, khi gặp lại Xuyến thì Xuyến tưởng anh bỏ rơi cuộc thi vì chán cấp bằng, chán danh lợi lên đường, và Xuyến khen ngợi anh, rồi anh hứa: Phan sẽ không phụ lòng Xuyến. (Mưa Trong Vĩ Tuyến XI, trang 24).

Đó là những người, nói theo chữ của nhà Phật có đạo tâm, nhưng chưa ngộ, không thể tự mình ngộ được và phải nhờ người khác giúp sức, nhưng nếu trong mình họ, không có tí gì về sự cách biệt giữa hai hạng người ý thức và không ý thức thì họ, sẽ không thể nào giác ngộ được. Ở đây họ có chút suy tư, đã sẳn trong lòng một sự so sánh nên chỉ cần gặp dịp là họ giác ngộ, trở về giúp ích cho quốc gia, hy sinh mình, chối bỏ những ngày cũ kỹ xa xưa, mà tự thâm tâm họ chê trách.

Nhưng họ sẽ làm gì, ta không thấy tác giả nói rõ, chỉ nghe tác giả nói họ lên đường, hành động cho chánh nghĩa với những chuyện tiếp theo đó, tôi cho rằng Quốc Ấn muốn họ tranh đấu để tìm một sự bình đẳng.

Tôi muốn nói đến các truyện: Những Kẻ Nghèo, Bình Đẳng (Vĩ Tuỵến XI) Cô Em Gái Đáp Lời Sông Núi, Đám Cháy (SOS). Ở truyện Những Kẻ Nghèo tác giả kể sự tủi cực cô thế, khổ sở, khổ sở của người nghèo, lao động, sống không đủ ăn, bệnh hoạn, không tiền đóng học phí cho em, đi bán thì bị tịch thu đồ nghề, bị đá đổ đến cục vốn, chồng đi làm đại diện cho công nhân xin lên lương thì bị tố cáo vu oan đến nỗi bị bắt giam. Công lý, cơm áo, nhân đạo không có mặt ở đây vì tổ chức xã hội không hợp lý, vì người lao động không có tổ chức nghiệp đoàn để tự bênh vực mình.

“Hừ! Bọn nghèo của chúng ta không tự vệ, không một nghiệp đoàn để bênh vực quyền lợi thì người ta muốn làm gì lại không được.

…Những ngày mai đói khó hiện đến với Dư; nàng nhìn vào khoảng trống không lẩm bẩm một mình:

- Công lý…cơm áo…nhân đạo… (Vĩ Tuyến XI, trang 30,31).

Đó là những lời tố cáo của xã hội, xã hội vô tổ chức, nên còn người khổ; còn kẻ dựa trên thế lực của tiền bạc vu cáo người, không công nhận người công nhân nghèo khổ có quyền ngang hàng với mình để thảo luận sòng phẳng về quyền lợi của họ.

Xã hội như vậy, người có lòng yêu nước, yêu dân lên đường là phải, vì lên đường không khác gì hơn là đòi những quyền lợi đáng hưởng của người dân, đòi quyền bình đẳng giữa người giàu, người nghèo, giữa người bị trị và người cai trị. Tổng quát hơn giữa người và người. Đó là ý Quốc Ấn diễn tả trong truyện Bình Đẳng.

Trúc có người yêu là Germaine, một cô gái Pháp, con của thương gia giàu có nhưng “Trúc rút lui ra khỏi Saigon đến một cách bất ngờ. Trúc chỉ kịp gói ghém theo vài món cần dùng. Đối với vị hôn thê của Trúc… viết vài hàng từ giả nhét vào của sổ nhà cô ta. (Vĩ Tuyến XI, trang 73) và khi nhận được lời thăm của Germaine, Trúc vẫn không về, vì cách chào cờ ở đây, vì bài ca hùng hồn quá, gợi anh nhiều ý nghĩa nhất là ý nghĩ về bình đẳng. Giữa anh và Germaine có thể bình đẳng hay vấn đề không cần đặt ra, nhưng giữa hai dân tộc, đó là vấn đề chánh, anh phải ở lại để tranh đấu cho sự ngang hàng giữa hai giống người. Đó là tình tự quốc gia thật sự, nó có vẻ xa vời, lành mạnh, nhưng cũng đặt trúng vấn đề, ít nhất cũng về mặt nhân sự, quốc tế. Người ta có nhiều lý do đi chiến đấu thì người ta cũng có nhiều lý lẻ để biện hộ cho những lý do nầy[2].

Một truyện khác cũng liên hệ đến bình đẳng, nhưng bình đẳng về giá trị nội tại của con người đó là truyện Cô Em Gái. Thanh niên sau khi được cô bác sĩ cứu sống lấy tên anh mình đặt cho, đã long trọng hứa là từ nay mình sẽ xứng đáng với tên của người trước đó mang tên nầy, và xứng đáng là người anh của Cô Bác Sĩ. Nghĩa là từ nay thanh niên sẽ thực hành sứ mạng của người anh trai. Anh hứa và sẽ thực hiện – vì anh thấy rằng trong khi thực hiện, anh sẽ ngang hàng với người đã chết về tinh thần và ngang hàng với “cô em” của mình. Quá khứ và hiện nay anh thấp hơn vì anh chỉ là một người bỏ đi, tinh thần lụn bại, không xứng đáng gì hết, không thể ngang hàng với những người đã có can đảm hy sinh, đã có một lòng nhân đạo cao xa, một lương tâm nghề nghiệp sáng chói.

Một truyện khác cũng khá hay, có thể đặt trong hệ thống tư tưởng nầy, là chuyện Một Đám Cháy. Hạnh và Phong đi nghe nhạc hoà tấu, Phong bận việc sẽ đón vợ về khi cuộc hoà tấu xong, nhưng nghe có đám cháy, anh nóng ruột đi đón, đúng là cháy nơi vợ anh đến nghe nhạc, anh lo sợ không biết vợ có bề gì không. Nhưng rồi người vợ về không hay biết gì về đám cháy hết. nghi ngờ vợ ngoại tình nên xô đuổi. Hôm sau có lính xét nhà vì được tin Hạnh liên lạc với cách mạng, và Phong nhận được bức thư của vợ bảo rằng “Anh đã hiểu lầm em… Em tin rằng, rồi anh sẽ tìm em…Bao giờ. Em cũng vẫn là của Anh, của Đất Nước. (S.O.S., trang 29-30) Phong thấy sung sướng, những u ám cũ đã qua. Không phải Phong hân hoan vì biết vợ mình vẫn là của mình mà vì biết rằng vợ mình là người của Đất Nước. Trạng thái tâm hồn đó nâng cao con người Phong lên, đáng lẻ anh ngại ngùng, lo sợ vì những rắc rối sẽ xảy ra, vì sự xa cách giữa hai người nhưng trái lại, anh thấy gần gủi, bởi vì anh đã có sẳn trong tiềm thức một sự xác định giá trị hành động của con người, anh đã có sẵn trong lòng sự thiện cảm và một ý thôi thúc phải làm một việc gì. Việc đó bây giờ rõ ràng: như vợ anh đã làm. Từ đó Phong sẽ không còn thấy vợ mình là một người đáng đuổi đi nữa vì không xứng đáng với anh, cũng như anh cũng sẽ không có mặc cảm với Hạnh vì anh chỉ là một người xa lìa thực tại, quên đi chung quanh để thoả mãn lòng tò mò, tha thiết có tính cách riêng tư đối với cá nhân anh.

Do đó, tôi tạm gọi Quốc Ấn là nhà văn muốn nói về những người ý thức cố đi tranh đấu để tìm một sự bình đẳng, bình đẳng giữa hai giai cấp, hai hạng người, hai giống người.

III.- KẾT LUẬN

Trong khi đi tìm tính chất đặc biệt để thẩm định giá trị tư tưởng của Quốc Ấn tôi thấy khó khăn. Ở ông cũng có người ý thức, nhưng không rõ ràng, cũng có người cách mạng, nhưng mơ hồ, lờ mờ không cho biết rõ tại sao mình làm cách mạng, cũng có sự khổ sở của người dân, nhưng phần nhiều khổ vì chiến tranh, mà chiến tranh nào lại chẳng đem đến sự tan cửa nát nhà, chớ không cho thấy rõ ràng khổ vì cơ cấu xã hội, khổ vì lòng người chạy theo vật chất, ảo vọng nhất thời. Mỗi người có một lối viết, một nhận định, một kỷ thuật. Lối viết của ông là cắt xén, kéo dài những đoạn tâm lý vô ích, những mô tả vô tích sự, những kiến thức về khoa học, về triết học, không hợp thời. Nhận định của ông là những đoạn văn hời hợt, chưa có chiều sâu, chưa đủ kích thích lôi người, làm cho người đọc phấn khởi vì hành động cao cả, hiển hách, hùng tráng của người chiến sĩ hay làm cho người đọc đau buồn, uất ức vì sự thất bại, người cách mạng để tạo một sự căm hờn, chí. Ông thiếu tất cả… Kỷ thuật của ông là kết cấu vụng về làm cho truyện dài dòng nặng nề, ở đây có những sự gặp gở kỳ dị, không ai ngờ được, những cuộc tình duyên cũng vậy, như duyên kỳ ngộ, những người trở về với cách mạng có một nguyên do lạ lùng như sanh ra từ sự tưởng tượng phong phú, vì những nguyên nhân đó khó thể xảy ra trong đời này, khó thể có thật, chỉ có thật, chỉ có thể có được với chữ giả dụ như con khỉ đánh máy chữ tình cờ đánh chữ thứ nhứt là chữ đầu của một tác phẩm của Shakespeare, chữ thứ nhì cũng thế, chữ thứ ba… nghĩa là chuyện khó tin…

Tóm lại sự kiện xa vời, không thực, ý thức về cách mạng không được đào sâu nên, những hành động ngôn từ của nhân vật không đi vào lòng người lúc ấy nên, với họ ông chỉ là một nhà văn lãng mạng mang màu sắc cách mạng, với những nhân vật xa vời trên cao, ngăn cách…

Dù sao, Quốc Ấn vẫn có những chuyện trội cho thấy ông vẫn có tư tưởng đáng khen, nhiều cái nhìn thấu đáo, hiểu rõ vấn đề, nghĩa là tư tưởng của Quốc Ấn vẫn có, nhưng nghệ thuật của ông, làm mất đi nhiều thiện cảm của người đọc. Một vài truyện hay như đã kể ở trên chưa đủ để ông có một chỗ ngồi cao trọng trên văn đàn Nam Bộ lúc nầy (1949-1950).

_________________________

[1] Chúng tôi bỏ qua quyển nầy vì đây là tập sách nhỏ trong loại sách Đại Chúng, như loại sách Bạn Trẻ của Nhà Nam Việt hay Thần Đồng của nhà Tân Việt Nam và đây chỉ là truyện dịch của Guy De Maupassant, dẫu là đề tài kháng chiến cũng chỉ là phản ảnh tinh thần dân tộc Pháp và tư tưởng của Guy De Maupassant. Chúng tôi muốn nói lên những gì thật sự của tác giả, của dân tộc Việt.

Truyện in chung với Tiếng Chuông Kháng Chiến là Người Thiếu Niên Thành Tây Đô một truyện lịch sử thời Lê Lợi Kháng Minh, không quan trọng lắm, tứ cũ kỹ, ngòi bút dễ dãi.

[2] Tuy nhiên về kỷ thuật, Bình Đẳng của Quốc Ấn thua xa Vực Thẳm của Lý Văn Sâm, Trên Thái Bình Dương (ở quyển Sông Máu) của Vũ Anh Khanh.