Sau năm mươi năm. Nói chuyện với tác giả Người Yêu Nước
Nguyễn Văn Sâm
(Gởi đến nhà văn Xuân Tước)

Thẩm Thệ Hà
(1923-2009)
Đối với lịch sử văn học của một nước thì con số năm mươi năm (1954-2004) quả là không dài, nhưng đối với cuộc đời của một cá nhân nào đó, ngay cả với một tác giả đã góp phần làm nên một lịch sử văn học thì quả là dài kinh khủng. Dài đến nỗi đủ để ta nhìn lại bất cứ một vấn đề lịch sử văn học nào mà không sợ mất đi tính cách khách quan của nó ngay cả khi tiếp xúc thường xuyên với tác giả.

Sau khi viết quyển sách của mình, tôi có nhân duyên quen được với một số đông nhà văn thuộc lớp nhà văn tranh đấu của giai đoạn văn học Miền Nam 1945-1954, nhưng theo thời gian, lần lượt những người này đã nằm xuống, giờ đây hình như chỉ còn lại Bùi Nam Tử đang mù lòa, Thẩm Thệ Hà yếu đuối đang ở tuổi giửa tuổi tám mươi và một hai người nữa, nhưng họ lại là những tác giả tuy có mặt nhưng sự đóng góp thật là quá khiêm nhường vì sự sinh hoạt của họ ở giai đoạn nầy thiệt mờ nhạt. Hơn ba mươi năm trước tôi đã nhìn công trình của những nhà văn giai đoạn chống Pháp nầy, thấy những đóng góp quí báo của họ vào kho tàng văn học Việt Nam, giờ đây nhìn họ bằng xương bằng thịt tôi bỗng thấy đời hình như bỏ quên nếu không nói là bất công đối với nhà văn. Thôi thì con người tác giả chịu sự sinh hoại của luật tạo hóa, điều đáng mừng là tác phẩm của họ đã được sống lâu hơn. không dám nói vài ba trăm năm hay trường cữu vì quyết đoán như vậy e rằng thiếu căn bản thực tế.

Tác phẩm văn chương của một nước không thuộc về một chánh quyền hay phe phái nào, nó là của chung của cả dân tộc, càng đáng được trân trọng hơn nếu nó đã được hình thành bằng cái tâm chân thật của người viết, càng đáng quí hơn nếu nó đã có một thời ảnh hưởng lên tâm tư của quần chúng. Đó là chưa nói nó đã đóng góp phần lớn công nghiệp chung cho sự giành lại sự độc lập cho nước nhà, giải phóng con người khỏi sự bóc lột của ngoại nhân.

Khi nói văn chương tranh đấu Miền Nam tôi không có ý nghĩ rằng đó là sản phẩm của riêng người Miền Nam mà chỉ có ý xác định rằng nó được hình thành ra ở miền Nam thôi. Và giai đoạn văn chương tranh đấu chống Pháp nầy là gia tài chung của tất cả ai mang dòng máu Việt. Cái hay dở của nó là cái hay dở chung, không dành riêng cho người miền nào, nền văn hóa của miền nào, càng không là sở hữu của một nhóm cầm quyền nào. Mọi sự cố tình loại bỏ nó ra khỏi lịch sử văn học nói chung hay đề cao quá đáng đều là những thái độ cần phải được xét lại nếu không nói là có tội với sự thật.

Hơn năm mươi năm trước các tác giả nầy kêu gọi -- gián tiếp hay trực tiếp- người dân lên đường chống Pháp để đem độc lập về cho nước nhà. Họ vạch ra cái xấu của kẻ theo giặc, cái cao cả thiêng liêng của người yêu nước dám xả thân vì nước, quên mình và để qua một bên gánh nặng gia đình. Họ đặt ta vấn đề tại sao phải tranh đấu, tranh đấu cho ai cho tới khi nào dân tộc còn bị áp bức thì những điều họ nói vẫn còn là những điềàu có giá trị, đáng đươc nghe.

Nhưng nói về mặt văn chương thì khác. Mỗi thời thế có những cách diển tả riêng. Hình tượng nhân vật và sinh hoạt của nhân vật cũng khác cho nên một sự mô phỏng để áp dụng cho một trào lưu văn chương kháng thực mới sẽ không thành công nếu đời sống xã hội trong hoàn cảnh thực tế mới không được nhà văn nhà thơ để ý đến từng chi tiết. Chúng ta đã thấy có hai trường hợp mới áp dụng gần đây, cả hai đều thất bại về ảnh hưởng lẫn mặt văn chương, nhân vật được sáng tạo quá kệch cởm, giả tạo, vẻ ra những hình nhân giả, không phải thiêng liêng như người có trách nhiệm mong muốn do đó không tạo nên một trào lưu văn học thật sự mà chỉ làm được một cái bệ cho công tác chánh trị và tuyên truyền.

Người Yêu Nước cô đơn trong cái nhà nhỏ.


Nhiều lần tôi đến thăm nhà văn Thẩm Thệ Hà ở trong một căn nhà như là tận cùng của một con hẻm nhỏ ở đường Đoàn Văn Bơ, Sàigòn. Căn nhà hai vợ chồng ông sống hơn bốn chục năm nay, trong xóm nghèo, phức tạp, có nhiều thanh niên ken (xì-ke) tụ tập mỗi đêm, xe Honda vào tận nơi hơi khó khăn, và cả khu đang ở trong tình trạng chờ giải tỏa nên không gia chủ nào buồn sửa sang cho khang trang hơn.

Nhà văn người cao, ốm, gương mặt của người già ăn uống kham khổ để lại nhiều nét nhăn nhúm, xanh xao tuy vẫn phảng phất nét hào hoa, đẹp trai của thời xa xưa hơn nửa thế kỷ trước. Ông ít nói, thái độ của người quá tám mươi tôi nghĩ, ai cũng vậy mà thôi, thích trầm tư trong ý nghĩ của mình hơn phát biểu. Trong trao đổi tôi thấy thái độ an nhiên của ông. Người ta nể mình, nhưng không gần. Không đề cao, nhưng cũng không muốn mình được nói đến nhiều. Một vài bài nho nhỏ của những tác giả mới vào nghề viết giới thiệu mình thì người ta cũng cho đăng. Vậy là tốt rồi. Không thể đòi hỏi gì hơn.

Tôi để ý đến chữ người ta được dùng nhiều lần, không biết đó là thói quen hay là một sự nhấn mạnh, nhưng không tiện hỏi, vì có hỏi chắc nhà văn cũng chỉ cười mà không trả lời gì rõ ràng hơn. Người thời đại nầy phần nhiều là thế, sống với tâm lý phòng thủ, e dè nên ngôn từ cũng e dè theo.

Ông than vãn bạn bè trang lứa đã mất mát hết, như Lý Văn Sâm, Hoàng Tấn, Thanh Việt Thanh, Tô Nguyệt Đình, ông nhận xét là thiên hạ, những người mới quen, thường hay đến năn nỉ xin mượn sách nhưng thường là ít trả lại, có người đi mất tiêu về ngoãi luôn, tôi chỉ biết chấm câu bằng mấy chữ tình đời!

Sau nhiều lần nói chuyện tôi được tác giả Người Yêu Nước nhắc đi nhắc lại là mình viết truyện dài nầy hoàn toàn do sự suy nghĩ của mình, không bàn luận với ai, không được ai gợi ý gì hết. Nó là một tác phẩm mở màn cho loại văn chương chống Tây, nhưng chỉ do cá nhân tác giả với những sự thôi thúc bên trong lòng mình tạo thành mà thôi.

Tôi hỏi, nhưng tình hình chiến sự thời đó chắc là có ảnh hưởng trên sự suy tư và cấu tạo tác phẩm chứ, ông mỉm cười ôn hậu, thời thế nó làm mình cồn cào ruột gan nên miệt mài viết thôi, không ai chỉ biểu mình phải viết như thế nào, những vấn đề gì nên viết, những chuyện gì cấm kỵ đừng nên đụng tới. Vả lại họ có biểu mình viết dâu, họ cũng đâu bit mình sắp viết mà bày mưu độc xử...

Tôi hỏi, sao anh lại đặt ra số phận thất bại bi đát của cô Phượng, người yêu nước, anh có nghĩ rằng như vậy là làm chùn bước của người dân trước sự kháng thực, giải thực hay không?

Cầm tách nước trà nhỏ, do người vợ tri kỷ vừa mới rót, đưa lên môi thưởng thức, nhà văn trả lời dể dàng, không suy nghĩ, như là vấn đề nầy đã được nhiều người hỏi trước đây.

Tiểu thuyết thì phải được viết ra theo sự diễn biến của câu chuyện của tiểu thuyết. Tiểu thuyết mà muốn cho nó hướng dẫn con người thực tế thì tiểu thuyết không còn là tiểu thuyết nữa. Cô Phượng trong truyện thất bại, nhưng không chắc là cô Phượng ngoài đời thất bại. Cô Phượng thất bại, nhưng công cuộc kháng Pháp được một sự góp phần. Cả ngàn cả triệu cô Phượng như vậy sẽ tạo nên sự thành công của dân tộc, tạo thành bước đi lịch sử của chung cho cả nòi giống.

Tôi hỏi, tất cả nhà văn thời kháng chiến Nam Bộ đều đặt nặng vấn đề tranh thủ độc lập mà đặt nhẹ chuyện xây dựng đất nước theo cách thức nào, mô hình nào sau đó, phải chăng đây là vấn đề cấm kỵ của giai đoạn?

Cũng vẫn giọng nhẹ nhàng, Thẩm Thệ Hà đáp, cấm kỵ thì không ai trực tiếp nói với mình là cấm kỵ nhưng anh em nhà văn với nhau khi ngồi uống cà-phê thường cãi nhau về hướng tương lai của đất nước, cho nên tốt nhứt là không nên đem chuyện nầy ra bàn trên giấy trắng mực đen. Với lại mình bàn cũng không ích lợi gì. Chỉ gây hoang mang và chia rẻ nhau mà thôi. Tùy theo người có quyền sau nầy và có thể nói là để cho tình hình thế giới sau nầy quyết định. Nhà văn mình, như anh biết đó, không nên có ảo tưởng là biết hết mọi sự để xía vô chuyên thực tế cai trị, điều khiển đất nước sau nầy.

Tôi hỏi, khi viết quyển Việt Nam Trên Đường Cách Mạng Tân Văn Hoá anh hình như không tin tác dụng của khuynh hướng tả chân xã hội mà tin tưởng ở khuynh hướng lãng mạng cách mạng.

Tác giả thần tượng của tôi thời mới lớn gật đầu, không biết sao mà lúc đó mình quá khích như vậy. Có thể lúc đó mình thấy rằng vạch ra cái xấu không cần thiết bằng làm sao cho người ta vui vẻ lên đường, xếp bút nghiên lên đường tranh đấu, thanh thản, tươi vui đón những hệ lụy của sự ra đi. Người bạn thân chia xẻ với tôi quan điểm nầy là tác giả Nửa Bồ Xương Khô. Tiếc rằng sau đó anh đi hơi quá xa để không thể vòng trở về được nữa.

Chữ hơi quá xa gợi ra nhiều vấn đề nhưng nói chuyện với một nhà văn thì biết đến bao giờ mới rõ ràng từng vấn đề được, tôi im lặng, trầm ngâm uống trà và quan sát chung quanh. Căn nhà, chật hẹp nhưng ấm cúng, có võng đong đưa cạnh ghế xích đu, có tủ sách thật lâu đời lích lũy, có sách báo mới hằng ngày, có máy vi tính tuy rằng đã cũ do con tặng biếu… Chỉ tiếc là trong xóm đông đúc, tiếng gây gổ, chưởi bới, tiếng ca hát, tiếng máy Honda nổ vang vang hầu như thường xuyên làm mất đi phần nào tính chất nồng ấm, thiêng liêng của đời sống riêng tư.

Tôi hỏi đưa đẩy, không dính dáng gì đến văn nghệ: Anh có thường xuyên đi thăm bạn bè hay đi Sàigòn không?

Ít lắm anh, có khi mấy năm không đi đâu. Không có chuyện gì phải đi, cũng không thích đi. Mình có tuổi, chưn cẳng yếu, chuyện đi lại khó khăn. Thiên hạ quên mình, thì mình cũng đừng quên rằng mình già rồi. Trầm ngâm một chút, tác giả Người Yêu Nước nói thêm. Nhưng có nhiều khi mình mong được một người bạn nào đó, một người học trò nào đó, bỗng nhiên nhớ đến mình, viết cho mình một lá thơ. Mong thiệt là mong.

Trầm ngâm một hồi lâu, ông nói: Cũng như thằng con mình đi cả tháng không ghé về, mình mong nó vậy mà! Tình cảm tự nhiên thôi, ai lại chẳng muốn ấm lòng, ai lại chẳng muốn mở lòng lo cho người thân thuộc.

Tôi thông cảm với câu nói của ông. Tuổi già thấy quyến luyến với nhiều điều, nhiều thứ thuộc về tình cảm. Những bức thư mong đợi chỉ là biểu hiệu một sự thiếu thốn tình cảm, một biến thái hay là cảm nhận mù mờ rằng mình đã đến giai đoạn bị đời bỏ quên.

Bất giác tôi nhìn ra một vũng lớn nước mưa đen đục trước nhà, và thở dài. Xóm lao động che lấp đời một nhà văn lớn cuả môt gian đoạn văn chương đặc biệt!