Tuồng Joseph, 1887, của nhà văn miền Nam Trương Minh Ký

Nguyễn Văn Sâm

Tuồng nầy đã được trình diễn ở họ đạo nhà thờ Chợ Quán lần đầu tiên ngày 13 tháng 07 năm 1887 trước, năm sau mới đươc in thành sách. Vậy thì thời gian ra đời thiệt sự của nó đâu chừng 1885, chớ không phải con số 1888 như sách in dầu rằng theo thông lệ con số  trên sách xuất bản được coi là chánh thức.

Tuồng Joseph không được nhiều người biết cho tới khi ông Vương Hồng Sển cho GS Nguyễn Văn Trung mượn bản mà chỉ mình ông có vì mua trước chiến tranh Thế giới lần 1, và GS NVT trình bày với học giới trước năm 1975 bằng mấy lời giới thiệu ngắn.

Tôi đánh máy lại và chú thích  một số từ khó đối với người đọc ngày nay gọi là đóng góp chút tình. Trong khi đó cũng sửa lại một số lỗi chánh tả trong bản in (mổ>mỗ, chợc>chợt, lể>lễ, vắng bặc> vắng bặt, hảy> hãy.... ) dầu rằng có người khuyên là cứ để như thế vì tác giả viết như thế...

Cũng nên nói thêm là tuồng Công Giáo rất phong phú, mỗi tác giả thường viết vài ba tuồng và được diễn ở các họ đạo, đó là trường hợp tuồng của LM Nguyễn Bá Tòng, của ông Jacques Lê Văn Đức môn đệ của ông Trương Vĩnh Ký.

Nhìn chung các tuồng đạo những thập niên 70,80, 90 của thế kỷ 19 tiến bộ xa về mặt cú pháp cũng như  bố cục so với các tuồng đạo đầu thế kỷ nầy được kết tập trong quyển sách đồ sộ Vãn và Tuồng mà người nghiên cứu văn học Công Giáo nào cũng biết..

Giai đoạn 1: Vãn và Tuồng: Các tuồng ở đây không viết theo cách viết của tuồng Nôm, không có đối cũng không dùng vãn, loạn, xướng, thán... Câu đối thoại không êm tai, không tiểu đối cũng không cần cân xứng âm điệu. Đây là giai đoạn đầu của tuồng Công Giáo.

Giai đoạn 2. Tuồng Joseph: Đã theo cách thế của tuồng Nôm bên ngoài lúc nầy rất thạnh hành.

Giai đoạn 3. Tuồng Bảy Mối Tội và những tuồng như Tuồng Thương Khó của Hồ Ngọc Cẩn, Jacques Lê Văn Đức và vài người đồng thời. Lúc nầy tuồng đã chuyển sang viết theo cách của kịch bên Âu châu, văn gần với lời nói nên dễ hiểu, khỏi cần đối, bỏ chữ Hán, bỏ điển tích nên diễn rất ăn khách, và có thể nói đó là một trong những yếu tố tạo nên sự hình thành cùng phát triển của thể loại kịch trong nền văn học Việt Nam sau nầy.

Trong khi đó thì tuồng ngoài đời – của những tác giả còn theo xưa – không có những thay đổi đáng kể trong sự tạo thành tuồng Nôm cũng như Quốc ngữ.

Để Hiểu Tuồng Joseph, ta nên đọc chuyện về cuộc đời cùa nhân vật nầy...

Joseph là con thứ 12 trong số 13 con của ông Jacob, kể luôn một người đã chết sớm. Vì Jacob yêu thương Joseph hơn những đứa khác nên những đứa nầy ganh tỵ. Chuyện ghét ghen càng mạnh hơn khi Joseph nằm chiêm bao thấy những bó lúa của các anh mình vây quanh bó lúa của Joseph và rồi các bó lúa kia rạp xuống như các anh em kia cúi đầu thần phục Joseph. Lần khác Joseph thấy mặt trời, mặt trăng và 11 ngôi sao vây quanh như là cúi chào Joseph. Mặt trời mặt trăng chỉ cha mẹ và 11 ngôi sao là các anh của Joseph. Hai lần chiêm bao nầy giải thích rằng ngày sau Joseph là người lãnh đạo gia đình.

Vô tư, Joseph kể lại hai điềm chiêm bao đó cho họ. Lòng oán hận như vậy càng tăng hơn.

Một ngày kia cả bọn – trừ Joseph – đươc cha sai đem cừu lên núi cho ăn khi thảo nguyên gần nhà đã hết cỏ. Sau mấy tháng, ông Jacob thấy các con đi hơi lâu nên sai Joseph lên núi coi sự tình ra sao. Các anh em kia khi thấy dạng Joseph liền nảy ra ý định giết anh để trả hận thù, nhưng rồi họ chỉ xô Joseph xuống giếng cạn khi người anh cả của họ giải thích can ngăn. Cuối cùng là Joseph bị bán cho nhóm thương nhân Ai Cập khi nhóm nầy đi ngang với giá là 20 đồng bạc (hình Joseph bị bán). Lúc nầy Joseph mới chỉ 17 tuổi đầu.

Để nói với cha chuyện mất dạng Joseph, các anh em của nạn nhân bày mưu lấy áo của anh quẹt vô chút máu cừu, đem về nói dối là Joseph đã bị cọp vồ mất xác. (Hình bìa).

Các thương nhân mang Joseph về Ai Cập, bán qua lại, sau cùng bán làm nô lệ cho quan lớn Potiphar, một sĩ quan coi đoàn hộ vệ vua Pharaoh. Ông nầy dùng Joseph trong nhiều công việc và cho ở trong dinh thự của mình.

Bà vợ của ông Potiphar thấy chàng trai trẻ tuổi kia đẹp trai, cố gạ tình, nhưng bị chối từ, bà ta trong một lần gạ đã giựt được cái áo của Joseph khi anh cố chạy thoát. Bà tố cáo với chồng rằng Joseph đã sàm sở minh và cái áo là bằng chứng. Joseph do đó lại bị chủ nhân bỏ vô ngục. (hình). Về sau Joseph được vua thương Pharaoh trọng đãi vì đã giải mộng cho vua, nhờ đó vua cho trữ lúa để nuôi dân trong sáu năm liên tiếp mất mùa ở Ai Cập.....

Ông Trương Minh Ký chỉ viết thành tuồng giai đoạn đầu về chuyện Josepn bị các anh bán mà thôi, không viết về cuộc đời của Joseph ở Ai Cập và sự gặp lại các anh chị của ông sau nầy.

Tuồng Joseph chính văn

VAI TUỒNG.

Jacob, cha Joseph.
Lia, vợ lớn ông Jacob.
Rachel, vợ nhỏ ông Jacob (mất rồi).
Zelpha, hầu bà Lia.
Bala, hầu bà Rachel.
Ruben (1) con trai bà Lia.
Siméon (2)         » »
Lévi (3)              » »
Juda (4)              » »
Issachar (9)        » »
Zabulon (10)      » »
Dina (11) con gái bà Lia (mất rồi).
Joseph (12) con trai bà Rachel.
Benjamin (13)         » »
Gad (7) con trai bà Zelpha.
Azer (8)        » »
Dan (5) con trai bà Bala.
Nepthali (6)        » »

BỔN TUỒNG JOSEPH

JOSEPH VIẾT:

Phong điều võ thuận[1], Quốc thới dân an,
Trong vẻo nước sông vàng, Lặng trang trời biển đỏ[2].
Joseph[*] là tên mỗ[3], Quê quán ở Chanaan,[**]
Như tôi:

Thung dung rèn tới bực tài năng, Kềm thúc luyện theo đàng nhơn đức,
Thỉ chung[4] một mực, Trung hiếu hai đàng,
Hà!

Nghĩ cha già mừng được còn an. Nhớ mẹ yếu thảm thương sớm mất.
Chừ[5]cũng đà khuya rồi phải vào mà nghỉ.
(Chiêm bao thấy anh em gặt hái ngoài đồng, thấy mặt trời mặt trăng, ngôi sao v.v.)

HỰU VIẾT[6]:

Nằm ngủ thẳng cho một giấc, Chiêm bao chợt thấy hai điềm,
Rạng mai thưa lại gia nghiêm, Đến sáng chường[7] cùng huinh trưởng.

VÃN VIẾT[8]:

Đến sáng chường cùng huinh trưởng, Đặng cho tường việc trượng việc khinh[9],
Chiêm bao điềm ứng thình lình, Riêng bàn đâu hản thần nhân tỏ bày,
Mãn còn chuyển vãn hiên tây, Xây quanh rạng sáng, lày quày hừng đông[10].

JACOB VIẾT

Mùa khô trồng trỉa[11] ngoài đồng, Mưa xuống cày bừa làm ruộng,
Lạc nghiệp thú xưa yêu chuộng, An cư quê cũ mến ưa,
Ấm no thường tám tuyết bốn mùa[12], Giữ gìn vẹn muôn đời một đạo[13],
Jacob là tên lão, Trăm ba ấy tuổi già,
Con gái trai tính đặng mười ba. Vợ lớn bé kể ra chẳn bốn,

TÁN VIẾT:

(Nói với bà Lia) Mụ ôi! Nghĩ thuở tôi làm rể cũng cực khó lắm mụ à!
Của thì không tổn, Công thiệt có lao,
Một tay mình gặt hái lao đao, Bảy năm chẵn cày bừa khổ sở,
Muốn cưới Rachel làm vợ, Mụ là chị lại chưa chồng.

Cho nên ông già ổng mới nói:
Bảy năm trường chẳng lẽ về không, Một gái lớn đưa theo cho có,
Đây từng coi sách vở, Đó cũng biết thơ tuồng,
Cớ đâu,

Chị thì chưa gả lấy chồng, Mà, em lại đã ra làm vợ,
Mới cho mụ đi theo cùng mỗ, Về với già đẻ được bốn con:
Ruben với Siméon,
Lévi, Juda con thứ.

Mà ý mần răng không biết, tôi cũng cứ tôi thương Rachel hoài:
Duyên không trả, đòi là thiệt nợ, Nợ chẳng đòi, trả thiệt là duyên,
Cho hay phú quí tại thiên, Còn nhơn duyên do nguyệt lão.

Ông già ổng thấy vậy ổng mới biểu tôi:
Bảy năm nữa ở cho trọn thảo, Rachel kia rồi sẽ vầy duyên.

Bởi vậy cho nên:

Cực bề nào cam chịu chẳng phiền, Khổ cho mấy đành ưng không sợ,
Xin cho hai vợ, Lại có vài hầu,
Bala đây là hầu Rachel đẻ được thằng Dan, thằng Nepthali, còn Zelpha đây là hầu mụ đẻ được thằng Gad, thằng Azer.— Mụ lại đẻ thêm thằng Issachar, thằng Zabulon với con Dina.
Cách đó một ít lâu, Thì Rachel nằm bếp[14],
Bèn đẻ ra Joseph,
Sau kế Benjamin.
Đó rồi mới, xán bịnh[15] đau bỏ uống bỏ ăn,
Lo hết sức chạy thầy chạy thuốc,

Chung cuộc[16] mụ đà đi trước,
Mãn phần lão sẽ về sau.

LIA VIẾT:

Ông nhớ con em tôi, ông nhắc nó, làm cho tôi phát thương phát tiếc[17]:
Em mụ ở đâu, Người ta mến đó,
Kính vì thì có, Ghen ghét vốn không,
Theo chìu chị một chồng, Không phiền ông nhiều vợ,
Thấy nghèo khó thì hay giúp đỡ. Đến giàu sang không chịu a dua,
Ở đời lòng khéo nhịn thua, Có việc bụng hay chịu thiệt[18],
Nghe lời bậy tai như kẻ điếc, Thấy vật kì mắt tợ người mù,
Nhơn từ quá kẻ đi tu, Đức hạnh hơn người có đạo,
Đã ngay lại thảo, Trọn trước vẹn sau[[19].

HỰU VIẾT:

Mắc nói chuyện với ông, mà trời sáng không hay,
Cha mẹ già thức dậy đã lâu,
Các con trẻ đi đâu vắng bặt[20]? vậy kìa[21],

CHÚNG TỬ VIẾT[22]:

Dạ dám thưa cha:

Các con ra chường mặt, Hầu cha dạy phép lòng,
Giấc nồng chẳng biết yên không, Thấy mặt mới là phỉ dạ, cho mờ.

JOSEPH VIẾT:

Dám thưa cha cùng các anh:

Ban đêm thấy điềm kia lạ quá, Tảng sáng bàn sự ấy sợ hung,
Thấy anh em gặt hái ngoài đồng, Còn cha đứng trông nơi trước cửa,
Bó lúa con dựng lên chính giữa, Của các anh nằm xuống chung quanh.

Rồi cái vía[23] con lại thấy:
Mười một vì tinh tú vận hành, Cùng mặt trời mặt trăng luân chuyển,
Nghe tiếng con thì đà khiếp diện, Thấy dạng hình thôi lại kinh tâm,
Phụ tử tình thâm, Đệ huinh ngãi trọng,
Nên con phải:

Thưa ra cho chóng, Chẳng dám di trì.[24]

JACOB VIẾT:

Con! con còn nhỏ dại, con buông lời xúc phạm các anh con đó:
Con khờ vụt nói chẳng suy, Trẻ dại buông lời không nghỉ,
Chiêm bao mộng mị, Điềm ứng mật mờ[25],
Rún biển sâu khôn lẽ tay dò, Lòng trời kín khó cho mắt thấu,
Sự tiền định sự kia dễ lậu, Việc hậu lai việc ấy khó thông.

HỰU VIẾT:

Các con:

Chừ trời đã hừng đông,
Vậy nên phải,

đem chiên lên hướng bắc,
Cho ăn uống lùa trong chỗ chắc, Có thả ra cũng nội nơi đồng,

Dặm dài con trẻ thẳng xông, Nhà vắng cha già ở lại.

VÃN VIẾT:

Nhà vắng cha già ở lại, Vái trời cho con cái bình an,
Con đi cha ở hai đàng, Cuộc đời cay đắng gian nan nhiều bề.

(Joseph, Benjamin ở lại với ông Jacob).

RUBEN VIẾT:

Chừ cha đà quày gót trở về, Âu ta kíp thanh sơn trực khứ.

VÃN VIẾT:

Ta kíp thanh sơn trực khứ[26], Ngõ lo bề chăn giữ bầy chiên,
Con em cả thảy đặng hiền, Đàng anh đẹp dạ bề trên vui lòng.

SIMÉON VÃN VIẾT:

Buồn vì cha ở chẳng công, Thương thằng Joseph ẵm bồng trên tay.

LÉVI VÃN VIẾT:

Cha già lúc tỉnh lúc say, Làm cho em út không hay khiêm nhường.

JUDA VÃN VIẾT:

Đất hay sanh cỏ là thường, Tuổi già sanh tật biết phương nào trừ.

DAN VỚI NEPTHALI VÃN VIẾT:

Trời công đâu có lý tư, Trên hay thương xuống trẻ khờ biết chi.

GAD VỚI AZER VĂN VIẾT:

Anh em không lẽ phân bì, Lo nuôi cha mẹ quản gì đến thân.

ISSACHAR VỚI ZABULON VÃN VIẾT:

Những là trò chuyện dần lân[27], Phút đâu ngó thấy mình gần non xanh.

JACOB[28] VIẾT:

Chạnh niềm tây chẳng biết dữ lành, Ngùi mặt bắc luống trông tin tức,
Joseph!

Con tua chịu cực[29], Lòng chớ có buồn,
Muốn biết chừng mau khá dời chơn, Đi thăm thử đặng cho hản dạ,
Trên núi non trẻ vương chi lạ.

Cho nên mới khiến,
Trong lòng già áy náy cũng kỳ,
Thời! Anh em mười đứa ra đi, Sao không thấy một thằng trở lại,
Cho tường lợi hại, Ngỏ khỏi hồ nghi.

JOSEPH VIẾT:

Dạ! Vưng lời, con trẻ ra đi, Từ giả cha già ở lại.

VÃN VIẾT:

Từ giã cha già ở lại, Đất trời đâu nỡ hại người ngay[30],
Phải chi đi đặng như bay, Cho mau mau tới, cho hay hay rồi,
Và đi và chạy một hồi, Đau chơn ngồi lại, lại ngồi chơn đau.

HỰU[31] VIẾT:

Chừ thôi thời:

Gượng bước tới cho mau, Rán chạy lia như chóng,
Uý-a!

Ngó ngoái sau lưng đồng rộng, Xem ngay trước mặt non xanh.

LOẠN VIẾT[32]:

Non xanh cùng khắp chạy tìm anh, Chẳng nại đàng xà khúc quẹo quanh,
Miễn được vui lòng đền ngãi trọng, Ngày sau ắt có phước trời dành.

RUBEN VIẾT:

Nơi triền núi vắng tanh, Chỗ đàng truông quạnh quẽ,

Thời, từ lên đây cho tới nay:
Anh em mạnh thấy đều sức khoẻ, Cha ở nhà cũng được bình an.

SIMÉON, LÉVI, ĐỒNG VIẾT:

Ủa nầy!

Xa xem coi giống dạng chú chàng, Gần ngó thấy quả hình Joseph,
Chớ trách ta lượng hẹp, Cũng tại đó chí cao.

Bộ nó đi thất thơ thất thưởng, có khi nó chiêm bao, nó thấy ta lạy nó phải chơi gì.
Bộ mơ màng chú nghĩ[33] chiêm bao, Tướng thơ thẩn chàng va thấy chết,
Đàng bụi đỏ đi đà mỏi mệt, Chốn suối vàng cho nó nghỉ ngơi.

RUBEN VIẾT:

Bay cừu hềm[34] nói chẳng liệu lời, Nó em út giết sao cho đáng,

JOSEPH VIẾT:

Ôi anh ôi!

Chuyện chi chưa hãn, Xin nói cho tường,
Cúi xin anh cả lòng thương, Trăm lạy thảy đều bụng tưởng.

LÉVI VIẾT:

Giết đặng rồi đời dính cướng[35], Làm cho hết kiếp kỳ cào[36].

(Lévi, Juda chạy lại, kẻ lột áo, người đâm Joseph v. v.)

JOSEPH VIẾT:

(Ruben đứng dẹp lại mà nói, còn Siméon, Lévi, Juda và đánh và trói Joseph).
Ôi trời! hởi trời!

Thấy mấy anh chưa kịp hỏi chào, Kế bị giết tội chi không rõ.

RUBEN VIẾT:

Khoan giết nó! khoan giết nó!
Phải nghe anh! Phải nghe anh!
Tội kiêu căng tội ấy đã đành, Nhưng mà, tình cốt nhục tình kia nên thứ,
Để cho anh xử, Chớ khá làm ngang,
Tuy lòng bay chẳng tưởng chẳng màng, Chớ dạ mỗ cúng ngao cũng ngán,
Chừ thôi thời!

Trói nó quăn[37] vào giếng cạn, Có phải khỏi, tay mình làm đứt tay mình chăng!

(Nói riêng một mình).
Thấy dữ dằng[38] ai chẳng thất kinh, Nghĩ thương hại lo phương giúp đỡ.
Để đi hết cứu lên khỏi đó, Chừ còn phải chịu phép đây.

Thời sách có chữ rằng: Mãnh hổ bất năng địch quần hổ, nó hùa với nhau, mà tôi biết mần mần răn cho lại.

SIMÉON, LÉVI, JUDA ĐỒNG VIẾT;

Trói rồi ta phải ra tay, Rinh nó đặng quăn vào giếng.

JOSEPH VIẾT:

(Ở dưới giếng cạn).

Thương hại é!

Nói lên đây vả miệng, Quăn xuống đụng lỗ đầu,
Nghĩ thôi dễ ngớt cơn sầu, Tưởng tới khôn cùng đoạn thảm.

THÁN VIẾT:

Trời cao thẳm thẳm, Đất rộng minh minh!
Chẳng hay mỗ hiếu trung ghi dạ, Đâu biết tôi khiêm nhượng hết tình!
Chính giữa non xanh, Trời thấy mấy anh làm việc dữ!
Chung quanh thú lạ, Ai đem tin tức thấu cha lành!

HỰU VIẾT:

Thời nguời lành được phước đành rành, Sao đứa dữ đem lòng thầng cự,
Thác đặng trọn niềm hiếu tử, sống lo vẹn nghĩa từ thân,
Mắc phải đây bởi tại mau chân, Rủi ro ấy cũng vì nhạy miệng[39],
Chiêm bao kia khiến, Số hệ nọ xui,
Nhớ cha già lụy nhỏ sụt sùi, Tưởng anh cả chân roi đòi trận,
Thời sức!

Chó cắn lộn thấy còn phát giận, Mình hại nhau sao lại đi đành[40]!

RUBEN VIÊT:

(Ruben bỏ Siméon, Juda ở lại chỗ giếng, mà đuổi chiên đi một mình v. v.)
Chừ ta phải mau chơn bước tránh. Đặng cho, chúng nó vầy nối gót đi theo,
Đuổi chiên lùa thẳng qua đèo, Rồi sẽ, lập thế giải tha Joseph.

VÃN VIẾT:

Lập thế giải tha Joseph, Ra khỏi vòng chật hẹp ấy thôi,
Nghe than bức tức bồi hồi[41], Làm sao cứu đặng mới ngồi được an,
Mãng còn lo sợ mọi đàng, Không hay đã tới đã sang đèo rồi.

SIMÉON VIẾT:

(Day lại thấy Ruben lùa chiên đi đã xa rồi).
Lẩn bẩn[42] đây kẻ đứng người ngồi, Dong ruỗi đó anh lùa chiên chạy.

Vậy thời mấy ta phải,
Mau chơn qua bên ấy, Nhẹ gót lánh chốn nầy.

LÉVI VIẾT:

(Ngó thấy mấy người buôn bán đi ngang qua đó).
Uý lạ nầy!
Ai ở đâu đi kéo cả bầy, Tưởng có lẽ là ăn cướp cạn.

JUDA VIẾT:

Xem qua thấy giống người buôn bán, Ngó lại coi hãn kẻ bộ hành.

Tôi tính đem thằng Joseph mà bán cho họ thì hay hơn.
Lòng ta ai nấy như đành, Dạ họ có người cũng chịu,
Bán Joseph mặc đây định liệu, Lấy bạc tiền rồi hãy[43] chia nhau.

SIMÉON, LÉVI ĐỒNG VIẾT:

Vậy thì:

Kêu họ lại mau mau, Kéo nó lên lẹ lẹ,

(Chạy đem Joseph lên).

JUDA VIẾT.

Bớ các chú kia!

Tôi có đứa em tuổi trẻ, Ai mua thì bán rẻ cho.

THƯƠNG NHƠN VIẾT:

Cái thằng coi bộ buồn xo, Chú nghĩ[44] ra tuồng hư đọa.

Vậy chớ chú bán mấy?

JUDA VIẾT:

Mặc lòng chú trả, Chẳng đợi tôi đòi;

Trả phải giá[45] thì tôi bán cho thê!

THƯƠNG NHƠN VIẾT:

Hai mươi đồng bạc tốt[46] đó coi, Trả một tiếng lời xin khá nói.

Vậy có ưng bán hay không?

JUDA VIẾT:

Thằng em tôi là thằng giỏi, Cực chẳng đã mới bán đi.

Thôi chú ở đó với nó, tôi đi đây một chút!

JOSEPH VIẾT:

Nhìn các anh dạ mỗ sầu bi, Nhớ cha yếu lòng tôi thảm thiết.

VÃN VIẾT;

Thảm thiết thương cha già yếu, Biết bao chừ báo hiếu được vay!
Hễ là con thảo tôi ngay, Lâm chưng hung dữ, gặp tay hiền lành.

THƯƠNG NHƠN VIẾT:

Cái nghề buôn bán phải trề nhún[47] đặng mà mua cho rẻ chớ!
Coi thằng nầy ăn nói khôn lanh, Đến chợ nọ bán buôn đắc lợi,
Thời:

Nền phú hậu thích tình xông tới,

Còn:

Bực tài danh tùy ý tháo lui,
Như tôi là:

Việc bán buôn nói ngược ra xuôi, Bề tính toán cộng đi trừ lại.

VÃN VIẾT:

Trừ lại thử coi lời lỗ, May gặp chầu[48] nhờ tổ giàu to.
Bán buôn thì phải so đo, Kéo cưa quan tám, dặt dò quan tư,
Mãng lo tiền thiếu bạc dư, Phút đâu lố thấy kinh sư hầu gần.

RUBEN VIẾT:

Mấy em đi quá đổi chậm chân, Để anh đợi cũng đà xót dạ,
Nước uống đựng bằng chén đá, Đồ ăn để tại thúng mây,
Trên che đã có tàn cây, Dưới trải sẵn sàng nệm cỏ.

Ngồi lại mà ăn, anh đợi mấy em dám đói lủi đi đó.

CHƯ ĐỆ VIẾT:

Số là anh chưa rõ, Em nói lại cho tường,
Khi anh dời gót lên đường, Phút có thương nhơn đi tới,
Các em kêu họ lợi, Bắt Joseph bán đi.

RUBEN VIẾT:

Ôi thôi!

Cha già hay đặng còn gì, Phiền não ắt là sanh bịnh,
Dầu em dại buông lời thất kỉnh, Thì bây khôn cũng phải rộng dong[49],
Có đâu đành dạ đành lòng, Sao nỡ cắt gan cắt ruột.

JUDA VIẾT:

Thôi thôi! không hề gì đâu mà hòng ngại.

Đã bày mưu trước, Phải lập kế sau,
Số dầu chia chưa mất đi đâu, Vận xui vậy rồi còn gặp đó.

Chừ tôi tính mần răng[50]:
Lấy máu chiên rơi vào áo nó[51], Dối lời rằng về thấy dọc đường.
Có phải:

Một tin thú dữ nhai xương, Hai tưởng loài hung ăn thịt.

CHƯ Đệ VIẾT:

Mưu quỉ thiệt, mưu quỉ thiệt! Kế thần hay, kế thần hay!
Nhỏ dại có người bày, Lớn khôn nhờ kẻ biểu.

HỰU VIẾT:

Ăn đồ nọ coi đà thốn thiếu, Trú non nầy nghĩ cũng lâu rồi[52].
Anh em ta sắm sửa phản hồi, Kẻo, cha già cả ngày đêm trông đợi.

VÃN VIẾT:

Trông đợi trở về thấy mặt, Phỉ tấm lòng cha rất thương con,
Chúc cho cha sống như non, Cháu dường tinh tú hãy còn thấy ông,
Người đời chẳng khác ngọn sông, Khi qua thiềng thị[53], lúc vòng rừng non,
Rồi ra kẻ mất người còn, Mất còn còn mất, quay tròn tròn quay.

HỰU VIẾT:

Đi một hồi bóng ác về tây, Âu ta kiếp mau chơn lẹ gót.

LOẠN VIẾT:

Mau chơn lẹ gót chạy như bay, Tới chỗ quê nhà khỏi chỗ nầy,
Ăn uống nghỉ ngơi vui phận trẻ, Tỏ bày tự sự đặng cha hay.

JACOB VIẾT:

Nhờ ơn trên no ấm hằng ngày, Cậy sức dưới an vui mọi bữa,
Đông tới lúa đà sẵn chứa, Hạ sang giống vốn có trồng,
Đắp đổi thường xuân hạ thâu đông, Chống chỏi đủ đông tây nam bắc.

HỰU VIẾT:

Mụ ôi! mấy đứa con nó đi lâu về, tôi bắt[54] nhớ lắm mụ!
Con đi vắng mặt, Cha bắt buồn lòng,
Benjamin tuổi hãy trẻ trong, Còn Joseph ấy thì nhỏ dại.

Từ sai nó đi cho tới nay,
Sao lòng hằng nghi ngại, Dạ vẫn sầu bi,
Có khi nó mắc việc chi, Nên khiến dạ thêm hồi hộp.

CHÚNG TỬ VIẾT:

Dạ dám thưa cha:

Con về tới gần nơi hang cọp, Thấy một manh áo trắng còn đây.

Chẳng hay hai đứa em ở nhà nó có đi đâu không?

JACOB VIẾT:

(Nhìn đi nhìn lại cái áo của Joseph).

Ôi con! Con ôi!

Cha già đâu tưởng làm vầy, Con trẻ không dè ra vậy[55]!

CHÚNG TỬ VIẾT:

Ối em ôi!

Thôi đà hết thấy, Khôn lẽ còn trông!

JACOB CHÚNG TỬ ĐỒNG THÁN VIẾT:

Biển vùn dậy sóng[56]! Trời phút nổi dông!
Cuộc đời còn mất dường như mộng, Người thấy nở tàn dát thể bông[57]!
Vừa mới non xanh, Vẫn lại trăm nhành đều đủ có,
Còn đang tươi tốt, Phút đâu một trận hóa ra không!

HỰU VIẾT:

Chúc thái bình nam bắc tây đông, Nguyền yên phận sĩ nông công cổ[58],

Sự Joseph tồn vong chưa rõ, Coi hạ hồi phân giải mới hay[59].

NGÂM VIẾT:

Lời nói nghe coi cũng khó thay, Hoặc là rủi đó hoặc là may,
Nghĩ tình cốt nhục còn xa cách, Nên phải tính lời mới được vay.

Chợ-lớn, ngày 20 tháng 9 năm Đinh-hợi, 5 novembre 1887.

Chú thích của nguyên bản từ tác giả Trương Minh Ký.

[*] Ông Joseph sanh năm 2113 trước Đức Chúa Jésus, mất năm 2003, sống được 110 năm. Năm nay là năm 1887 sau Đức Chúa Jésus, vậy việc ông ấy đã quá 3.000 năm rồi.

[**] Chanaan là tên khi xưa kêu xứ Palestine, với xứ Phénicie. Chỗ nầy Đức Chúa Trời hứa cho dân Hébreux, mà qua năm 1605 trước Chúa Jésus thì Josué mới đem dân ấy vào ở chỗ đó.



________________

[1] Phong điều võ thuận: Mưa thuận gió hòa. Để ý các sách xuất bản thời cuối thế kỷ 19, đầu 20 sự sai chánh tả thường xảy ra. TMK, vỏ: vũ (mưa).

[2] Biển đỏ đối với sông vàng mà cũng có nghĩa là Biển Đỏ (Red Sea).

[3] Mỗ: Tiếng để chỉ mình, xưa nghĩa bình thường như tiếng tôi, không có ý tự cao tự đại, ngang tàng như nghĩa từ nầy ngày nay. TMK, mổ: mỗ. Tự điển Hùinh Tịnh Của (HTC) Mỗ (c.): Tôi, min, tên nọ, tên kia, (chỉ trổng).

[4] Thỉ chung: Tức từ thủy chung sau nầy: Trước sau, luôn luôn

[5] Chừ: Bây giờ. Tuồng Nôm hay quốc ngữ, thường những tiếng đưa đẩy dùng từ của Miền Trung như một mặc định người viết tuồng nào cũng theo.

[6] Hựu viết: Lại nói, Từ đặc biệt của tuồng, cho biết nhân vật nói trước đó lúc nầy ở chỗ khác, nói trong hoàn cảnh khác nghĩa là đã qua lớp khác.

[7] Chường: Trình, trình bày, thưa với. Tiếng tỏ ý kính trọng.

[8] Vãn viết: Cũng gọi là Nam xướng là đoạn thơ 6/8, tóm lược chuyện cũ để chuyển sang cảnh mới.

[9] Việc trượng việc khinh: Chuyện quan trọng hay không.

[10] Lẩn quẩn một chút thì trời đã sáng rồi. Để ý những từ bình dị xây quanhlày quày. Tuồng đạo đi vào dân chúng Việt là nhờ những từ bình dân như thế nầy, trong khi tuồng thường dẫu là Nôm hay Quốc Ngữ (QN) vẫn còn chịu ảnh hưởng của văn chương xưa, ít từ ngữ thường nhật mà đầy rẫy ngôn từ bác học!

[11] Trồng trỉa: HTC, Trồng trỉa: Trồng, (tiếng đôi), Trồng cây, gieo giống. Nay, 2000, thường nghe dân chúng nói trồng tỉa. Có lẽ họ nghĩ rằng chữ tỉa có nghĩa hơn chữ trỉa.

[12] Tám tuyết bốn mùa: Quanh năm. Một năm lịch Tàu chia làm tám tiểt. Ông TMK viết chữ tiết theo cách nói của dân chúng trong Nam, dùng lẫn lộn chữ tiết và tuyết nên chắc chắn là khó hiểu với người đọc ngày nay

[13] Đao Da Tô.

[14] Nằm bếp : Sanh con, xưa đàn bà sanh con được cho nằm trên giường dưới có bếp than cho ấm người nên kêu là nằm bếp (than).

[15] Xán bịnh: Bị bịnh nặng thình lình. Cách nói đặc biệt nầy có thể thấy trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh.

[16] Chung cuộc: Cuối cùng.

[17] Những chữ phát thương, phát tiếc, tìm bở hơi cũng không thấy trong tác phẩm nào khác. Đó là viên ngọc quí vì ghi lại cách nói đặc biệt của Miền, của thời kỳ...

[18] Hai câu nầy hay quá trong cách ở đời.

[19] Cả đoạn cũng hay! : Ở đây nghĩa là bậy bạ, trái luân thường hay là xấu xa trong xã hội.

[20] Vắng bặt: Vắng lắm, vắng tanh, không có ai hết. HTC, Vắng bặt: Vắng vẻ, vắng lạnh. TMK viết bặc, HTC viết bặt.

[21] Cách bỏ dấu hỏi (?), dấu than (!) kiểu nầy (để những tiếng đưa đẩy ra ngoài sau câu chánh) nay không còn dùng nữa, các dấu nói trên được đem ra cuối câu.

[22] Chúng tử: Các con.

[23] Cái vía: Khi chiêm bao thấy mình làm gì, bị tai nạn gì thì không phải là người mình thiệt mà là cái vía của mình thôi.

[24] Di trì: để cho chậm trễ. Thấy chiêm bao lạ thì sáng ra nói liền.

[25] Mật mờ : Nay nói mập mờ, không rõ ràng theo. HTC, Mập mờ: Nhắp nhem, không tỏ rõ.

[26] Thanh sơn trực khứ: Đi về phía núi (để cho chiên ăn cỏ).

[27] Trò chuyện dần lân: Nói chuyện dông dài.

[28] Đã qua lớp khác, lớp ông Jacop ở nhà nghĩ lo cho các con cực khổ, nguy hiểm...

[29] Tua chịu cực : Phải chịu cực khổ. Tua : phải, nên.

[30] Nói thêm về vãn trong tuồng: Tạo thành do một đoạn thơ Nôm 6/8 mà câu 6 là lấy từ câu nói trước đó của nhơn vật. Vãn biểu hiện của một sự đi, chạy của nhơn vật. Sau vãn là lớp khác. Ở đoạn nầy là lớp các anh em của Joseph đương chăn bầy chiên trên núi thì Joseph tới.

[31] Lớp mới : Joseph chạy đi tìm các anh...

[32] Loạn là đoạn văn diễn tả cảm xúc mạnh của nhơn vật, còn gọi là Bắc xướng, trong tuồng Nôm trước đây, hay cả tuồng QN sau nầy của nhóm nhà văn không theo đạo Da Tô, đều dùng thể thơ Đường, chữ Hán. Ông TMK dùng chữ Nôm không mà thôi. Đó là một sự cải lương có giá trị cố gắng đem tuồng tới gần khán giả hơn. Và điều nầy là một cải tiến rất thành công và già trị.

[33] Chú nghĩ: Anh ta, anh ấy, từ đối với chữ chàng va câu dưới. Từ chú nghĩ được dùng nhiều trong tuồng ở Miền Nam, không phải là từ của riêng vùng Thanh Nghệ như nhiều nhà nghiên cứu xác định trước đây.

[34] Cừu hềm: Mang trong lòng sự thù hiềm, ghét bỏ. TVK viết hềm, HTC viết hiềm.

[35] Dính cướng: Tạo nên rắc rối, gây tỵ hiềm cho người chung quanh. HTC, Dính cứng: Khắn chặt gỡ không ra.

[36] Kiếp kỳ cào: đời kẻ gây nên lộn xộn trong nhóm chung. HTC, Kỳ cú: Bộ lạ thường; khác thường : Ăn nói kỳ cú.

[37] Quăng: Liệng, vứt. Ông Trương viết quăn, ông HTC viết quăng! (có g!)

[38] Dữ dằng: HTC, Độc địa, hung ác, ngoài ra còn có nghĩa: tiếng chỉ bậc quá lắm, tiếng lấy làm lạ.

[39] Nhạy miệng: Nói khi không cần thiết.

[40] Như đành: Như là đã chịu, đã đồng ý. Đành, chịu, đồng ý. CD: Em đành mà cha mẹ không đành. Nhà anh đi hỏi, em đứng trong mành mắt đỏ hoe.

[41] Bức tức bồi hồi: Buồn bực. Trong lòng áy náy không vui.

[42] Lẩn bẩn: Lẩn quẩn, xúm xít một chỗ. HTC, Lẩn bẩn: Bộ xẩn bẩn, lanh quanh, không chịu rời xa. Lẩn bẩn chung quanh bếp.

[43] Hãy, Nguyên bản hảy.

[44] Chú nghĩ: Nó, tiếng xưa.

[45] Trả phải giá: Trả đúng giá. Trả giá vừa ý người bán.

[46] Đồng bạc tốt: Đồng tiền thiệt, như trong Ca Dao: Một quan tiền tốt mang đi. Nàng mua những gì mà tính chẳng ra....

[47] Trề nhún: Chê tới chê lui để ghìm giá.

[48] Gặp chầu: Gặp lúc, gặp dịp. Nay còn nghe nói chầu rượu.

[49] Rộng dong: Xin khoan dung, rộng lòng tha thứ lỗi.

[50] Hơi lạ chữ khi mần răng được xài ở đây. Phải là mần ri mới đúng.

[51] Chữ rơi đây có nghĩa là quệt vô, chế vô, rót vô, làm cho dính vô.

[52] Cả câu: Thức ăn đã cạn, ở đây cũng lâu rồi.

[53] Thiềng thị, tức thành thị theo cách nói một vài vùng Nam Phần, chỉ nơi đô hội.

[54] Chú ý chữ bắt dùng ngày xưa trong tuồng Joseph: Bắt nhớ, bắt buồn lòng. Ngày nay còn nghe chữ bắt nầy theo nghĩa trên: Bắt ớn lạnh, bắt ho, bắt ớn, bắt mệt, bắt ho... HTC, có cụm từ Nhà bắt vần cũng khá lạ, đưa ra để cống hiến bạn đọc phiên bản Tuồng Joseph của chúng tôi. Nhà bắt vần: Nhà năm căn hai chái, có cột hàng tư. Hoặc: Đọc bắt vần: Lấy vận kia nối theo vận nọ, cứ một âm một vận mà đọc nối theo; (như vần thơ tuồng).

[55] Đâu tưởng, không dè, chỉ sự tình xảy ra ngoài dự đoán, một sự thất vọng lớn lao.

[56] Biển vùn dậy sóng: Biển thình lình nổi phong ba. Vùn: Bất thình lình.

[57] Dát thể: Như là, giống như. HTC viết Giác thể: Nói tỉ, nói ví xa gần, nói giác đều hơn sự thiệt.

[58] Cổ : Nghề buôn bán. Như từ cổ trong tựa tờ tuần báo đầu thế kỷ 20: Nông cổ Mín Đàm.

[59] Vậy còn tiếp mà ông TMK chưa viết.