Vè “Bão lụt năm Thìn”

Trong cuốn Vè Nam Bộ của Huỳnh Ngọc Trảng có 4 bài (các trang 379-389) Vè Bão lụt năm Giáp Thìn do ông Trảng nghe được từ những người dân sống trong vùng quê khác nhau đọc cho, nghĩa là truyền miệngmới được khám phá gần đây thôi. Chỉ riêng bài nầy là chúng tôi có bản Nôm xưa, rất nhiều xác suất là được viết bởi người sống gần với thời gian sự kiện bão lụt xảy ra. Tài liệu gồm 8 trang chữ Nôm viết tay, khổ lớn, tất cả có 226 câu lục bát nói về hai đề tài gần như khác biệt:
  1. Giặc Tây tới Việt Nam và những gì họ làm sau đó.

  2. Chuyện bão lụt năm Giáp Thìn 1904.
Tôi coi tác phẩm nầy là phần văn chương khuyết danh của văn học Miền Nam, một phần không thể không có khi nghiên cứu văn học, văn hóa Miền Nam Kỳ Lục Tỉnh. Đã giới thiệu phần 1 gọi là Vè Tây Tới, nay xin giới thiệu phần 2 gọi là Vè Bão Lụt năm Giáp Thìn.

Đăng bài nầy, chúng tôi thấy có mấy vấn đề được đặt ra:
  1. Văn chương bình dân Miền Nam còn lưu lại trong dân gian khá nhiều, người làm văn hóa văn học cố công tìm kiếm và có cơ duyên thì sẽ gặp. Đối với bản Quốc ngữ sự khai thác tương đối dễ dàng vì chỉ cần giải thích ý nghĩa của bản văn. Đối với bản Nôm thì khó khăn hơn chút đỉnh vì cần phiên âm và nắm vững những chữ rặt ròng Nam Kỳ. Sự khai thác những tác phẩm mới sẽ giúp ta hiểu hơn về đời sống văn hóa, xã hội của dân Việt thế kỷ 18, 19 và đầu 20 mà cho tới bây giờ vẫn chưa được khám phá hết vì thiếu thốn tài liệu và sự lơ là của người làm công việc nghiên cứu.

  2. Bài Vè Bão Lụt nầy cho thấy lòng người có chức quyền lúc đó: Thương dân, chịu thương khó, chịu giúp dân với tiền của chính mình. Điều nầy tạo ảnh hưởng rất tích cực thời đó giữa người dân và chánh quyền. Dân có oán than thì oán than trời, chưa nghe tiếng oán than nhà cầm quyền vì sự khổ sở của mình. Than ôi! Đáng tiếc một thời quá khứ nay không còn!
Ghi chú: Bản phiên âm của tôi, NVS, có sự góp ý của người bạn học một thời ở trường Đại Học Văn Khoa Sàigòn (1960-1964), GS Nguyễn Hiền Tâm, để cách đọc chuẩn với tiếng Miền Nam được rặt ròng hơn. Xin cám ơn bạn đồng môn Nguyễn Hiền Tâm. NVS.

Vè Bão Lụt Giáp Thìn.

Xảy đâu lại tới Giáp Thìn[1]
Trời ra điềm lạ thình lình không hay.
Tháng ba mười sáu bằng nay[2].
Mặt trời sao lại khuyết rày một bên[3]. (t4)
Nhơn dân thiên hạ[4] ngó lên,
Cũng đều thấy khuyết một bên rõ ràng.
Cỏ cây coi thấy vàng vàng[5],
Ngó ra chẳng khác dặm đàng sương sa[6].
Mặt trời vừa mới xế qua,
Mờ mờ như thể trời đà hoàng hôn,
Quan quân chí những hương thôn.
Trẻ già lớn nhỏ Càn Khôn biết gì[7].
Thiên cơ nào có ai hay,
Khổng Minh[8] thuở trước ngày rày biết chăng!
Mảng lo sự nghiệp làm ăn[9],
Phần thời lúa thóc lăng xăng ngoài đồng[10].
Trời mưa nổi nước minh mông.
Lúa dê chẳng đặng[11] vun chùn mộng ra[12].
Tới ngày mười sáu tháng ba,
Từ từ gió tới tưởng là trận giông[13].
Nặng nề tại xứ Gò Công.
Nhà thời sập hết chẳng không cái nào[14].
Dưới sông nổi sóng ba đào,
Ghe thuyền đâu mất nơi nào bặt tăm[15].
Trên bờ cây ngả ầm ầm,
Mới hay là bão, ruột tằm héo don[16].
Kẻ thời dắt vợ cõng con,
Người kêu cha mẹ hỡi còn lao xao.
Gió tuôn mưa tạt[17] ào ào.
Ôi thôi biết kiếm chỗ nào nương thân.
Xảy đâu hồng thủy rần rần,
Nước lên khắp hết, sóng thần bủa ra.
Kẻ thời lạc mẹ mất cha,
Người thời con vợ ai mà cũng trôi. (t5)
Ghe chài chiếc bự[18] chìm rồi.
Chiếc nào còn nổi thì trôi lên bờ.
Thương thay thiên hạ bơ vơ,
Biển sông nào biết bụi bờ nào hay[19].
Mười phần còn một là may.
Chín phần bị sóng xẩy tay chết rồi.
Lõa lồ thân thể thương ôi,
Linh đinh sóng dập gió dồi biết bao.
Giang hồ[20] có chỗ nào cao,
Thây trôi tấp lại biết bao nhiêu người.
Trẻ già nào biết mấy mươi,
Gò Công ra biển hết mười ba thôn.[21]
Thây thời chẳng có ai chôn,
Người còn sống lại hết hồn thất kinh,
Rạng ngày trời đã bình minh,
Ai còn thân thích thời nhìn với nhau.
Thương thay mặt mũi dàu dàu.
Tối ngày nhìn chẳng đặng quen người nào[22].
Thôi thôi biết tính làm sao!
Trở về trong dạ như bào, xót xa.
Kẻ thời thương mẹ nhớ cha,
Người thương con vợ cửa nhà sạch trơn.
Ai hoài[23] ruột thắt từ cơn.
Ròng ròng lệ nhỏ, dễ hờn trời xanh[24].
Giang sơn sự nghiệp tan tành,
Vì ai nên nỗi Trời hành tội dân.
Quan trên bố đức thi ân[25].
Truyền cho phủ huyện ân cần táng mai.
Tổng làng khó nhọc chẳng nài,
Đem dân làm phước[26] nào ai dám từ. (t6)
Có quan lớn Đốc Phủ Tư,
Vợ chồng ăn ở nhơn từ xưa nay,
Sai quân chở đệm[27] về rày,
Một người một chiếc hết nay ba ngàn[28].
Cảm thương mấy chú dân làng,
Thở hơi nực mũi[29] thảm càng xiết chi.
Một hầm năm bảy cái thi,
Đùa nhau xuống đó lấp đi cho rồi.
Dưới sông kẻ nổi người trôi.
Vớt chôn chẳng kịp, rã rời cũng xong.
Có thầy Cai Trí, Vĩnh Long.
Chức làm Cai Tổng ở trong Ba Kè.
Vợ chồng khi ấy mới nghe,
Chở tiền cùng gạo một ghe cho đầy[30].
Dốc lòng làm phước hội nầy,
Ba Kè lại có một thầy Nhiêu Ninh,
Hai người thôi mới đồng tình,
Chở tiền cùng gạo lộ trình ra đi.
Tới nơi xem thấy, sầu bi.
Trước là làm phước sau thì thương dân[31].
Ra ơn làm phước phải cần,
Trẻ già lớn nhỏ đồng phần chia nhau.
Hai người cũng tiếng sang giàu,
Nhơn từ đức hạnh ngày sau đời đời.
Quan trên ra trát khắp nơi,
Truyền cho Tổng Xã vậy thời mộ dân.
Ai mà gắng sức ân cần,
Cho làm Cai tổng hiển vang trong đời. (t7)
Rày mừng mới đặng thảnh thơi,
Hết cơn bĩ cực tới thời thái lai.
Mảng lo sự nghiệp lâu dài,
Sĩ nông công cổ ra tài làm ăn.
Đua nhau cày cấy lăng xăng.
Gặp thời gặp tiết[32] cho bằng người ta.
Tới đầu tháng chín bước qua.
Nước dâng ngập hết cửa nhà minh mông[33].
Khắp nơi chẳng chỗ nào không.
Trong vườn cũng ngập ngoài đồng láng lênh[34].
Định Tường cho đến Long Xuyên.
Vĩnh Long, Sa Đéc qua miền Cần Thơ.
Trà Vinh còn hỡi phất phơ.
Nam Kỳ Lục Tỉnh hết nhờ hết trông.
Ngó ra thấy nước minh mông.
Trầu cau hoa quả cũng không còn gì.
Dân đều than thở vân vi.
Lúa coi xuống thấp, nước thì lên cao.
Bây giờ biết tính làm sao.
Để cho Trời định lẽ nào cho dân.
Khiến nên cực khổ trăm phần.
Qua rằm tháng chín một lần bão sau.
Sóc Trăng, Vàm Tấn, Bãi Xàu,
Bạc Liêu Rạch Giá Cà Mau cũng nhiều.
Nước dâng chẳng có bao nhiêu,
Nhà thời cái sập cái xiêu chẳng còn.
Việc đời nhiều nỗi thon von[35].
Vái Trời cho đặng vuông tròn thời thôi.
Tháng mười nước dựt[36] đã rồi,
Phải lo giáng lại lần hồi kiếm ăn.
Kẻ thời mua giống ba giăng, (t8)
Người lo lúa sớm lăng xăng giữa mùa.
Kiếm tìm mắc rẻ phải mua.
Xin mua cho đặng tới mùa sẽ hay.
Ít nhiều phải có cầm tay,
Bước qua tháng chạp ngày rày mới thôi.
Giáp Thìn nay đã hết rồi.
Bước qua Ất Tỵ (1905) lần hồi sẽ hay.
Ai ngờ Trời khiến chẳng may,
Lúa thời có buội, bông rày không bông[37],
Người giàu năm bảy chục công,
Nghèo thời cấy ít ngoài đồng vàng mơ.
Việc nầy vì bởi thiên cơ,
Nạn dân ách nước bây giờ biết sao[38].
Vật gì cũng phát giá cao.
Muối đong một giạ bạc trao hai đồng,
Bạc tiền kẻ có người không,
Trầu cau chết hết ai trồng kịp đâu.
Nói ra thêm thảm thêm sầu,
Ăn cau đủng đỉnh ăn trầu vỏ bao[39].
Rễ dừa lá cách phải sao,
***[40] miếng nào cũng xong.
E khi sợ nỗi đói lòng,
Hết tiền hết lúa ai phòng cho vay!
Lo đêm rồi lại lo ngày,
Rủ nhau làm mướn đi rày các nơi[41].
Ra đi vái Phật cùng Trời,
Xin cho mạnh giỏi kịp thời làm ăn[42] (Hết)

__________________________________

[1] Giáp Thìn: 1904.

[2] Tháng ba mười sáu tức là…. qua Tết Giáp Thìn hơn một tháng bởi vì người xưa dùng âm lịch.

[3] Viết Nôm giọng Nam nên chữ khuyết 缺 được viết theo âm quyết 决. Chắc là nhật thực bán phần.

[4] Nhơn dân thiên hạ: Dân chúng, người ta.

[5] Ánh sáng vàng vàng tức là ánh sang của nhựt thực.

[6] Cảnh mờ mờ như người đi trong sương mù, mặc dầu không có sương mù.

[7] Lúc đó chưa có đài Thiên Văn hay đài Khí Tượng nên chuyện nhựt thực đối với họ là chuyện đáng kinh sợ, lạ lùng, ngoài sự hiểu biết của dân chúng. Dân chúng không thể biết chuyện của Trời Đất, thiên nhiên. Cũng có thể đọc càng không biết gì: Càng chẳng biết chuyện gì đã và đương xảy ra.

[8] Lại tin tưởng rằng mọi chuyện thiên văn địa lý Khổng Minh đều biết. tin tưởng như thế mất nước là phải.

[9] Người dân cắm cúi lo chuyện làm ăn sanh sống nên không biết chuyện gì xảy ra của thiên nhiên.

[10] Công việc đồng áng bận rộn. Chữ thóc Nôm dư nét nên khó đọc cho suông.

[11] Dê lúa: Huỳnh Tịnh Của: Xúc lúa, giơ lên cao mà đổ rải xuống, cho gió bay trấu bụi lộn vào trong ấy. Lúa dê chẳng đặng: gió quá mạnh không làm chuyện dê lúa được vì thóc sẽ bay theo những thứ khác. Chúng tôi đọc dê theo Huỳnh Tịnh Của trong khi người nông dân thường nói rê.

[12] Không thể dê lúa được nên người ta gặt đem về để đó lâu ngày mọc mộng không còn dùng được nữa.

[13] Thiên hạ tưởng dông gió nhẹ bình thường thôi, ai ngờ…

[14] Sự tàn phá của vùng Gò Công là nặng nhứt có lẽ vì Gò Công gần cửa biển..

[15] Nước cao sóng dữ nên ghe tàu chìm mất dạng.

[16] Héo don: Khô héo, buồn thảm. Nay bị biết thinh thành héo hon, chữ mà tự de diễn cách nay một thế kỷ không có.

[17] Chữ tạt 悉  hay 拶, Nôm Nam dùng chữ tạc .

[18] Bự: lớn xộn. Lớn quá.

[19] Nước ngập minh mông không thấy bờ bến.

[20] Giang hồ đây có nghĩa là chỗ sông nước.

[21] Đất sạt lở nhà cửa người vật trôi ra biển. Than ôi!

[22] Kiếm suốt ngày mà chẳng nhìn được người thân nào của mình. Chữ quen tạm đọc vì mờ, thiếu nét….

[23] Ai hoài: Buồn bã lắm.

[24] Dễ hờn trời xanh: Trách trời trách đất đã gây thảm trạng.

[25] Bố đức thi ân 布徳施㤙: Ban bố ơn đức, giúp đỡ. Chữ đức bản Nôm viết lộn nét.

[26] Chữ mất không đọc được, tạm thế bằng chữ phước.

[27] Đệm: Thứ chiếu, đương bằng lát, thông dụng thời đó. Ở trường hợp nầy dùng để bó thây.

[28] Ít nhứt ba ngàn thây thi chết trôi, chết đuối…

[29] Nực mũi: Thúi quá khó chịu lắm.

[30] Lúc đó còn xài tiền đồng tiền chì ngoài tiền giấy là lớn chỉ nên chở tiền, gạo bằng ghe.

[31] Phân tích nầy chính xác: Bỏ tiền ra cho người mắc khổ nạn là lấy phước cho mình, nhưng trong đó cũng có lòng thương người. Còn ăn chận ăn bớt tiền phát cho dân là làm ác và không thương dân mà coi dân như cái kho để mình kiếm cách moi tiền. Nghe sao không giống thời mạt pháp!

[32] Gặp thời gặp tiết: thuận mùa. Chữ tiết, bản Nôm viết bằng giọng Nam: tuyết.

[33] Lại thêm một trận lụt nữa tiếp theo.

[34] Láng lênh: Lênh láng, linh láng, tức nước ngập minh mông.

[35] Thon von: Buồn khổ lắm.

[36] Nước dựt: Nước rút xuống, không còn ngập tràn nữa.

[37] Lúa mọc tốt tươi, xum xuê nhưng không có hột.

[38] Biết sao: tiếng than cam phận. Bản Nôm viết biết chi, tạm đọc biết sao để cho vần, ý không thay đổi.

[39] Ăn trầu cau phải thế bằng thứ khác: Vỏ trái đủng đĩnh làm cau, lá vỏ bao làm trầu. chúng tôi giải thích theo bản văn, chớ cũng không biết là vỏ bao ra làm sao.

[40] Không đọc được xin chờ cao nhân chỉ giáo.

[41] Tha phương cầu thực để sống qua ngày bằng sức lao động của mình, thay vì ở lại làm ruộng rẫy như từ trước đến giờ.

[42] Tới câu 225 thì hết. Bản Nôm còn mấy bài thơ chép liền theo, lại không hay: Hổ với Trời xanh thẹn nước non. Công linh bồi đắp chẳng vuông tròn. Vầy vui một tiệc ví tày voi. Chức cả câu trên rất hẳn hòi. So le tiếng nói nào sai chạy…