Vy Thanh: Từ ca dao Miền Nam đến tiếng thở dài của Tấm lòng với quê hương

Tập truyện của Vy Thanh có bốn phần nằm chung khác biệt nhưng theo một trình tự hữu lý:
  1. Bắt đầu là một câu ca dao. Mà phải là câu ca dao có hương vị Miền Nam ngày xửa ngày xưa cách nay gần thế kỷ với tên một thổ sản đặc trưng như trái bần, bông bằng lăng, con cá thia thia, con cá bóng kèo, con tèng hen, con ốc bưu chẳng hạn.

    Những thứ nầy làm nền cho một truyện ngắn kế đó.

  2. Truyện ngắn đơn giản chỉ chừng 5, 6 trang đổ lại, không hơn. Có thể là chuyện xưa kéo dài đến bây giờ. Có thể là chuyện mới đây bên quê nhà nhưng chuyện nào cũng làm người đọc thấm thía chắt lưỡi: Sao mà tệ như vậy, sao mà cảnh đời oái oăm như thế. Sao chuyện xấu hết biết tới thầy chạy lại có thể xảy ra!

  3. Hình ảnh về những thổ sản nói trên. Chẳng hạn con tèng hen có hình rõ ràng nhiều khía cạnh, được mô tả hình dáng và tính chất để người không có cơ hội sống lâu ở vùng có nó nhận chân được khi gặp, hay ít ra cũng có một vài khái niệm chính xác trong kiến thức.

  4. Phần kế tiếp là thứ thổ sản đó được đưa ra chi tiết bằng Anh Ngữ mà tác giả nói là để cho người đọc thuộc thế hệ mới hiểu rõ hơn thứ thổ sản mà ông nhắc tới trong truyện.
Tùy theo cảm tính, ý thích, độc giả để ý đến phần nào trong bốn phần trên. Phần nào cũng quan trọng. Trong 21 truyện ngắn có đầu đề là những con chim (con bù cắt, con cu gáy, chim áo dà, chim vịt, tú hú, chim dòng dọc) con cá, cua tôm (con tèng hen, con ba khía, con ốc bươu, con cua đồng, cá lòng tong, cá mè rô, cá lia thia, cá lìm kìm, cá bóng kèo, cá rô đồng, cá bạc đầu, cá thòi lòi, cá bãi trầu) bông (bằng lăng) ta thấy ngay tính chất Nam Kỳ lục tỉnh trong sự lựa chọn đề tài và và tựa đề của mỗi truyện.

Là người sống 40 năm ở quê nhà, nhưng là người Sàigòn cho nên những thứ cá thứ chim nói trên tôi biết một cách mơ hồ, các câu ca dao có tên những thứ đó tôi từng nghe qua, thậm chí còn có thể đưa vào truyện của mình nhưng thiệt sự biết rành rọt thì không thể.

Chẳng hạn như câu:
Chiều chiều chim vịt kêu chiều.
Bâng khuâng nhớ bạn chín chiều ruột đau.

Thú thiệt là tôi, và chắc chắn nhiều độc giả của quyển sách, không biết nhiều về con chim vịt. Tại sao gọi là chim vịt, hình dáng và sở thích của nó, sự sinh hoạt của giống chim nầy ra sao, có gì lạ? Chúng ta lâu nay đi phớt qua câu ca dao đó. Bỏ qua cái khía cạnh cụ thể, câu ca dao trình ra trước mặt là con chim vịt, chúng ta luôn luôn nghĩ về khía cạnh trừu tượng là nhớ bạn nên buồn da diết, quên rằng sự buồn đó được gợi lên nhờ hình ảnh và tiếng kêu buổi chiều của con chim vịt. Con chim vịt được tác giả đem vào câu ca dao nhờ nó đã sống trong ruộng đồng Miền Nam, tác giả cảm hứng trước những gì đã thấy nên có tâm trạng bâng khuâng nhớ bạn tình. Cách cấu tạo nầy người ta gọi là hứng: thấy cảnh sanh tình… biết là ý nhớ bạn nhưng cũng phải biết ít nhiều về con chim vịt. Tương tợ khi học câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan: Nhớ nước đau lòng con quốc quốc, học trò ngày xưa đã được thầy giảng ít nhiều về con chim quốc với tiếng kêu buồn thảm của nó.

Câu khác:
Mẹ ơi con vịt chết chìm,
Con thò tay vớt nó con cá lìm kìm nó cắn tay con.

Cá lìm kìm như cá thòi lòi, ai cũng chê, không ăn, chúng hiện diện ở bờ sông nước cạn, bùn lầy, có thể nói là chúng sống khá an toàn… Ai đó thọc tay xuống nước không bị con nầy cắn thì bị con kia cắn thôi. Cá lìm kìm cắn là chuyện nhỏ, giựt mình chút đỉnh rồi cũng xong. Điều hơi giận là mình đương làm ơn, làm phước: vớt con vịt chết chìm. Vậy mà bị cá lìm lìm cắn tay.

Nếu cô thiếu nữ kia vớt con vịt chết chìm. Nó được vớt lên rồi thì quay lại cắn thì ta nghĩ sao? Đau đớn tức tối? Đó là câu chuyện tiếp theo hai câu ca dao kia theo lời kể chuyện-truyện ngắn của Vy Thanh.

Lam, một cô gái đóng tiền cho người tổ chức mua bãi để vượt biên. Bị giới chức quyền tráo trở đòi thêm tiền, gởi thêm người v…v... rồi nhóm tổ chức cuối cùng cũng ra khơi được. Cực khổ ói mửa trên biển, Lam đến được trại Hồng Kông. Nơi đây Lam phát hiện là hồ sơ mình trục trặc không được đi định cư, đành phải ghép phom với một anh chệt già để được đi Úc châu. Trong thời gian chờ đợi lên đường Lam chịu trận hắn dày vò thân xác mình hằng đêm. Cúi đầu cắn răng chịu Lam coi như bị hãm hiếp trên đất liền tương tợ như những người khác xui xẻo bị hãm hiếp trên biển.

Sau khi đến Úc, sống với tên Tàu già một thời gian thì Lam bỏ trốn và lập gia đình mới. Ở quê hương thứ hai nầy trong 10 năm Lam dành giụm được một số tiền, nhớ ba người em còn lại chắc là cực khổ nơi quê nhà nên Lam xin phép chồng cho về VN thăm các em. Để giúp những người em máu mủ nghèo khó, để cứu con vịt chết chìm.

Và sự kiện đau lòng xảy ra. Cô em út xin chị một số tiền lớn không được bèn lập mưu giấu passport và giấy máy bay của chị rồi giả cách nói là công an lượm được đòi tiền chuộc. Số tiền cao ngất ngưỡng Lam không thể có. Con vịt đã quay lại cắn người vớt nó… Đau đớn là ở chỗ đó. Kết thúc chuyện của Vy Thanh còn có cái happy ending là Lam tình cờ thấy các giấy tờ nầy dưới chân đèn bàn thờ mẹ nên thoát nạn một vụ dàn cảnh tống tiền của chính người em ruột mình. Chuyện thật ở ngoài đời còn nhiều trường hợp bi đát hơn, bị tống tiền phải lo nạp đủ, bị mất nhà vì em út sang đoạt, mất mạng vì bị té lầu tại nhà bà con sau khi cãi cọ về sở hữu nhà đất bị tiếm dụng do nhờ đứng tên trên giấy tờ… Cá lìm kìm cắn tay không tức bằng con vịt quay ra mổ cắn người cứu nó..

Cái hay của Vy Thanh là từ một câu ca dao, ông cho ta một mẩu chuyện đời. Chuyện đời sau cơn hồng thủy. Chuyện đời khiến ta thở dài não nuột, buột miệng than trời. Chẳng hạn như câu ca dao ai cũng biết:

Chim quyên ăn trái nhãn lồng,
Thia thia quen chậu vợ chồng quen hơi.

Vợ chồng quen hơi nên con Mai Đầm Dơi chờ chồng 20 năm sẵn sàng và vui vẻ ăn nằm với Bảy Rùa khi anh nầy trở về sau thời gian tập kết ngoài đó. Bi thương ở chỗ là Bảy Rùa đã nhiễm tánh xấu của những năm ở ngoài kia nên lập kế cho vợ làm giấy tờ sang hết tài sản nhà cửa lại cho anh và rồi đang tâm giết hại người vợ đã quen hơi chồng, đã ra công chờ chồng đăng đẳng trong thời gian xa cách.

Ta có thể nói truyện nào của Vy Thanh cũng là một mẩu đời xấu của xã hội mới, cũng là tiếng than của sự suy đồi, cũng là tiếng nấc nghẹn của người thuộc phe thất trận… Và chuyện nào cũng cảm hứng từ sản phẩm địa phương Miền Nam hay từ một câu ca dao Miền Nam.

Những sản phẩm địa phương đó ngày nay đã gần tuyệt vì nhiều lý do trong đó có nguyên nhân đào kinh thủy lợi không khoa học, sự nghèo khổ của người dân nên ăn tận giết tuyệt, quơ quào chút nào hay chút nấy, được con nào dầu nhỏ lớn gì cũng ham, thòi lòi cũng được, lòng tong cũng xong để cải thiện bữa cơm. Những con chim chìa vôi, cá bãi trầu, chim tu hú, chim áo dà… đương tuyệt chủng nhưng những câu chuyện đời người khốn khổ lấy ý từ những con vật kia hình như càng ngày càng nhiều…

Vy Thanh than cho những con vật nho nhỏ tượng trưng cho môi trường đồng quê Miền Nam không còn nữa, đồng thời Vy Thanh cũng than cho nỗi khổ của dân Nam càng lúc càng nhiều.

Ông không kết tội nhưng người đọc sẽ buông tiếng thở dài.