Nguyên Nhi: Gió chướng và ngọn hải đăng

Quái Phong! Gió chướng nổi lên giữa không gian tịnh yên của văn chương hải ngoại. Gió chướng, nhà thơ như lạc lõng giữa cuộc đời, một hoài tìm kiếm. Và ngọn hải đăng đứng ở cuối chân trời. Bên bờ biển vắng. “Đêm khơi. Nhật nguyệt vỡ. Tôi hụt hơi trong biển cuồng. Tôi chới với trên sóng bủa (... ) Tôi vốn nghĩ hoài về một ngọn hải đăng. Thầm lặng của riêng mình. Vẫn thương em như thương tiền kiếp. Vẫn nhớ em như nhớ căn phần. Đâu đó một góc trời, tôi biết, có em khắc khoải đợi chờ, mà mệnh tàu tôi lẽ đâu hoài biệt xứ?” Kiếm tìm, chờ đợi, và ông đã gặp yêu dấu, Em! “Đêm khơi. Nhật nguyệt ngộ. Tôi chấp chới trên biển đời hoan lạc. (...) Tôi dấu yêu chùm sáng diệu kỳ. Em. Trong cuộc bể dâu này tôi có thể ném tung hê tất cả. Cần gì đâu ngoài vòm sáng tình em? Nhưng, xét cho cùng, ai chẳng có cho riêng mình một ngọn hải đăng? Hãy cứ đi tìm. Quanh đời bão lộng”. Trong Khơi mở đầu hành trình thi ca, Nguyên Nhi đã viết như vậy! Em, chùm sáng diệu kỳ đã tìm thấy, bên đời bão lộng mà kiếm tìm đã trở thành số kiếp! Mãi. Hoài!

Hãy dõi theo những cơn gió chướng! Gió chướng đã thổi qua quê hương! Bão vũ. Tàn độc. Oan chướng. Đã bốn ngàn năm:

“Ngọn quái phong thổi suốt bốn ngàn năm
Thổi thông thống nửa vòng trái đất
Dừng lại đây một chiều thở mệt
Đông phương chớp bạo sấm cuồng...” (tr. 16).

Dừng lại đây, đây là Oklahoma, cũng là Em, nơi tạm dung, quê hương thứ hai. Gió bạo tàn đó đã gây bao thảm trạng, di phần. Cơn gió ác đã thổi qua bến sông Mỹ Tho, quê hương nhà thơ. “Phố xám hiu hiu cờ giặc đỏ / Nỉ non vĩ cầm chiều mênh mông” (tr. 11).

Màu ảm đạm, hiu hiu. Ngọn gió chiến tranh trong mây mù vần vũ, rừng U Minh hay hồn người không tỏ:

“Ai thổi hiu hiu ngọn gió nam non
Lòn suốt xuân ta U Minh lửa đạn
Hỏa pháo treo đầu nửa đêm tiền trạm
Bờ kia ơi mỏi mắt ngóng đuôi Vàm...” (tr. 50).

Người đuổi bắt người. Trò cút bắt chết người trên cạn, dưới sông. Chiến tranh trong rừng sâu, trên ngọn nước.

Nay phận dĩ lỡ, lưu xứ như kiếp nợ trả chưa xong. Thân nơi đây, xứ người, Oklahoma, nhưng hồn quanh quẩn bến sông Vàm, sông Mỹ, bến Rạch Miểu, v.v. Phút tĩnh lặng, nghe như tiếng mẹ hiền, dấu chân người và bóng đỗ đường quê.

“Bên đó mùa này ngọn chướng lật
Rách bươm tàu chuối sau hè
Con nhớ má đầu trần chân đất
Lò dò mấy ngõ đường quê...” (tr. 102).

Điệu Lưu Thủy, Hành Vân đã thành cố quận. Mà thơ Vân Tiên người nói hay hát thành nếp cũ, bên vách tranh thưa:

“Trưa hè treo võng hát Lục Vân Tiên
Má chỉ muốn con như người họ Lục
Cho dẫu má cứ đầu trần chân đất
Gió cứ lùa thông mái vách thưa...” (tr. 103).

“Thằng trai Nam kỳ nhớ về lục tỉnh
Tên đãng tử Mỹ Tho nhớ dòng Bảo Định
Một khoảnh đời gạo chợ nước sông /
Nha Mân tháng này con nước hỗn leo đồng
Bày cá quẩy lia chia đầu ngọn sạ (...)” (tr. 49).

Nhớ thương thì cũng chỉ ở nơi nầy, đã xa, bởi cũng vì gió chướng cuộc đời mà thân phận thua phải đỗ “bến” Oklahoma. Giữa hay cuối một kiếm tìm, có tra vấn cũng vô tình thôi.

“(Sao vậy, Okla
Sao bếp lửa không là nơi sum họp
Sao lửa chỉ kể về những kẻ đi xa?)” (tr. 17).

Nơi có những buổi sáng “bàng hoàng gặp thoáng nắng vàng lục tỉnh” (tr. 27). Và có những đêm. “Đêm nằm trăn trở. Biển sông xa” (tr. 97). Ừ nhỉ, “khất khưỡng chiều say trên xứ lạ” mà mơ hồ thấy lại chiến hạm xưa. Giữa huynh đệ chi binh, còn có thể nào “vỗ mạn tàu mà ca”?

“Sóng tự nguồn xanh lăn với suối
Hai mươi năm nở một ngọn phiêu bồng
Cám ơn người đã thương ta như sống
Hèn chi đời ngợp sóng
Cám ơn ai đã yêu ta như biển
Nên ngậm sóng trong lòng (...)” (tr. 94).

Đành “Thôi, vỗ vào ký ức mà ca / Có hạt mưa nào vừa bay qua khóe mắt” (tr. 96).

Buồn. Nhất, với ngọn gió tháng Tư tàn khốc. Gợi nhớ một “tháng Tư đưa cơn bão rớt âm thầm”:

“Nhỏ rời ta như bỏ chiếc răng đau
Tháng tư thổi dốc cầu xưa rờn rợn
Ngày tắt muộn và cơn mưa đến sớm
Bâng khuâng rơi ướt cánh phượng đầu mùa...” (tr. 26).

Có những ngọn gió đời đem tình yêu đến. Mùa Thu buồn xa xứ, có lá đỏ bay. Em, và nụ cười, bên vành nón, ánh mắt nào!

“Bốn mùa tôi nhỏ dấu nơi đâu
Mà nụ cười dấu ở khăn tay
Mà ánh mắt dấu sau vành nón
Mà lời người dấu trong gió bay...” (tr. 48).

Có Em thì “hình như mọi sự chỉ mới bắt đầu” (tr. 136). Có tiếng người yêu dấu. Nhẹ nhàng gió có lên lúc nhớ Em.

“Lúc nhớ em tôi hay nghĩ về rừng
Thu và gió và bầy chim xao xác
Tôi đã bảo với ngàn cây tan tác
Có thể nào cũng đừng trách em...” (tr. 33).

Gió đó lay động tóc đuôi gà. Và tình yêu. Dù có mưa:

“Đêm nằm mưa Oklahoma
Mưa bên ấy, mưa bên này biển lớn
Hạt lất phất trong ta dòng bất tận
Gió không lay sao lộng tóc đuôi gà...” (tr. 69).

Gió có liên hồi, vực gió, đám bạn bè, chai rượu, tiếng cười nói, cứ như Bá-Nha Tử-Kỳ! Bên góc rừng:

“Lá từ vực gió theo người
Vèo qua cửa hẹp vào chơi chỗ nằm
Chiều hôm nhặt lá quanh phòng
Thấy trên tờ nhỏ dâu chân bạn bè” (tr. 64).

Và ngọn hải đăng tìm thấy!

Không giản đơn, ngọn hải đăng! Có một hải đăng buồn. Đơn độc. Tuy vững như bàn thạch. Giữa bão táp, lửa loạn. Ngọn hải đăng, một chỗ để về, để nhung nhớ:

“Lúc nhớ em tôi hay nghĩ về biển
Nơi cổ sơ tôi bước lạc cõi người...” (tr. 34).

Ngọn đèn biển. Kiếp dõi bóng và rọi sáng, sáng trong tâm tưởng. Mỗi khi nhớ, là một Mỹ Tho yêu dấu.

“Mặt trời qua xích đạo chói chang
Ngọn đèn biển kiêu căng đón gió đấu ghềnh
Chú ốc mắc cạn ngủ vùi bên kè đá
Chập chờn mơ giấc đai dương xanh...” (tr. 56).

Đông đang về, đành phải cập bến thôi.

“Chào, cúi chào những bông tuyết đầu mùa
Chàng thủy thủ cuối cùng rồi cặp bến
Trả giống tố cho mịt mùng biển lớn
Trả nắng cho boong, trả gió cho buồm...” (tr. 76).

Phần hai tập thơ là những lời tình với hải đăng, với yêu dấu, ở nhiều khung cảnh (tháng tám sinh nhật, ngày hè, tháng ba, ngày giáng sinh,...), ở nhiều tình cảnh và trên hết trãi rộng lời tâm sự, tỏ bày, nài nỉ ‘ngập ngừng chi lắm, hải đăng”, “hãy nói rằng ta vẫn còn em”, “nhiều đêm thế đấy, hải đăng”, những mong “cùng ai đốt lửa”, “trang trải” khi chớp bể mưa nguồn,...

“Cũng có khi bắt gặp một tấm lòng
Bỗng hãi sợ tự tiền căn oan khốc
Lăn về đâu, cổ xe già kiệt, dốc
Tình về đâu, cứ hỏi gió về đâu” (tr. 21).

Cũng vì hải đăng mà “anh mê miết về phương xanh ngơ ngác / ngày bay dài bỗng rớt buổi chi lan” (tr. 126)., một buổi xế chiều, cành hoa nở vội! “Nhớ em nghĩa cũng trăm đường hỗn mang” (tr. 123). Vì đã quyết”Tôi ôm đẹp tình gần” (Khơi). Tình khơi dậy nguồn thơ, nguồn sống. Khởi từ một hương đời “Hương lạ giữa tro tàn”!.

Hải đăng là Em. Là yêu dấu, vì có lúc tha nhân không là địa ngục. Chiếc vỏ chai thả trôi năm xưa đã đỗ bến. Dù “chiều biển lạ chửa tàn cơn mộng dữ / Ngập ngừng chi lắm, hải đăng?”:

“Ta dong buồm đơn độc suốt trăng
Trôi đi, trôi đi cuồng lưu ký ức
Bão nổi lên rồi, đạo suy đời tận
Yêu em, hải đăng...” (tr. 109).

Hải đăng hỡi, “về đâu chiều lạnh” khi “mọi sự đều mong manh thế, hải đăng”. Thôi, “tìm ai chiều lạnh, hải đằng”, Chúa thì ở xa, cao, tìm chi nữa, “mệnh số này, cầm lấy, hải đăng”! tình yêu như ám ảnh. “Em đâu đó chập chờn làm con sóng / Vỗ loanh quanh nỗi nhớ bức không rời” (tr. 113).

Vô tri hải đăng như chứng nhân câm nín của tìm kiếm, bất hạnh, những người đàn bà ra đi tất tả / cùng những lời chúc lành”. Đã chúc lành sao lại bỏ đi? Đã ra đi sao còn gian dối đa ngôn?

Ngọn đèn có tỏ có lu, nhưng muôn thuở ngóng đợi những bầy hải âu biệt xứ, những người con bỏ xứ bỏ quê. “cái thuở người xa tàu mất biển” (tr. 113), “mười lăm năm luân lạc, quên, hải đăng...” (tr. 114)..

Và hạnh phúc tìm thấy, Tập thơ kết đoạn ở biển bờ Tây Bắc, ở ngọn hải đăng hạnh phúc. “Triều lên triều lên thành sóng dựng / Hạnh phúc lớn lên như triều dâng”. Hạnh phúc, sau cơn “hụt hơi réo gọi những hồn tàu / Ta đến đây như trở lại từ đầu / Thả chiếc neo giữa lòng em độ lượng...”:

“Hỡi những ngọn đèn biển bờ Tây Bắc
Lặng lẽ vươn vai soi rọi đời tình
Soi hoài công mấy hồn tàu lưu lạc
Trôi trắng cuộc nhân sinh”


Chân lý giản đơn tìm thấy:

“Hạnh phúc có khi đơn giản vậy, hải đăng
Nên đêm lưu xứ bỗng vui ngút mắt
Hỡi những ngọn đèn biển bờ Tây Bắc
Thênh thang ta đã có một phương về” (tr. 152).

* * *

Một năm sau tập truyện Con Gái Người Gác Đèn Biển, Nguyên Nhi trình làng tập thơ 158 trang: Quái Phong (Văn học Nghệ thuật Liên mạng, 2000). Đọc thơ Nguyên Nhi như xem lại phận mình. Mỗi người. Nguyên Nhi chỉ còn là cái cớ. Nếu phải cần cớ. Như tiềm thức trở về. Như tiếc nuối. Như đã nguồn cơn, đau và khổ ải cuộc đời! “Chuông gọi dục hồn ai cố xứ / Hướng dương gục nhập màu vai áo cũ” (tr. 137). Người làm thơ, “như tráng sĩ mạt thời đêm đêm ngắm trang mài kiếm / để tự cắt đầu mình” (tr. 20)! Thơ Nguyên Nhi như mở một phạm trù, dù rướm máu vết thương tiềm thức! Thơ cô đơn trước Em, người tình vừa kiếp nào đưa đến, như tặng phẩm, như dịu êm. Có Em, tóc đuôi gà, nhưng gió chướng vẫn thổi qua, bên ngọn hải đăng của ký vãng, của tưởng đã quên, đã xa...

Con nước đã kiệt, cỗ xe già dừng bên ngọn hải đăng, bên những con hải âu
xao xác mặt trời chìm”, những con dế gáy và những con “dã tràng buồn hiu lại thức giấc”. Xa những Ngã Ba Lộ Tẻ của cõi mù tăm hay u minh nhân thế; mặt trời ám mà thiên địa cũng ám tối! Oklahoma, chốn cỏ bồng dừng chân hay vĩnh viễn an cư? Cứ xem như đã thật xa những cơn gió cuốn, những trận bão cuồng, “ngọn quái phong thổi suốt bốn ngàn năm...”! Xa những con dốc đời. “Con dốc xưa tôi đặt tên dốc Đợi / ... Con dốc nay đìu hiu con dốc Nhớ ...” (tr. 39). Giữa rừng Thu, ngàn cây tan tác, những bầy chim xao xác...! Trầm buồn, buồn lớn, giữa những reo vui, thiết nghĩ, thơ đã lắng đọng nơi con người lưu thân xa xứ. Và không nơi nào đẹp hơn quê hương, sách đồng ấu năm xưa đã nhắc nhở!

Nguyễn Vy Khanh
23-8-2000