Nhà văn Trùng Dương

Tên thật là Nguyễn Thị Thái, sinh ngày 15-4-1944 tại Sơn Tây. Từ 1965, cộng tác với các báo Bách Khoa, Văn, Dân Chủ, Đời, Trình Bầy (Những Nàng Hạnh, số 5), Thần Phong, các đài VTVN, THVH, và là chủ-nhiệm nhật báo Sóng Thần từ tháng 10-1971.

Tác phẩm gồm các tập truyện ngắn Vừa Đi Vừa Ngước Nhìn (Những Tác-Phẩm Hay, 1966), Mưa Không Ướt Đất (Văn, 1967), Cơn Hồng Thủy và Bông Hoa Quỳ (Trình Bầy, 1968), Chung Cư (Tân Văn, 1971), Một Cuộc Tình (Tân Văn, 1972), Lập Đông (Văn, 1972) và hai truyện dài đăng-từng-kỳ chưa xuất-bản: Thành Trì Cuối Cùng trên báo Thần Phong và Những Người Ở Lại trên nhật báo Sóng Thần (1973).

Dịch-thuật: Ngàn Cánh Hạc (Sembazuru của Yasunari Kawabata; Trình Bầy, 1969), Người Đàn Bà Trong Cồn Cát (dịch Kobo Abé; An Tiêm, 1971) và Đường Về Trùng Khánh (Destination Tchoungking của Han Suyin qua bản tiếng Pháp của Daria Olivier, chung với Hồ Hải Nguyễn Vũ Thiện; Tổ Hợp Gió, 1973).

Vừa Đi Vừa Ngước Nhìn (1966) gồm các truyện ngắn Sao Rụng, Vừa Đi Vừa Ngước Nhìn và Miền Chân Trời. Trong Miền Chân Trời, người nữ tên Diệu?: “Tôi nghe tiếng nàng nói qua hơi thở: “Em lên anh nhé?”. Tôi khẽ gật đầu. Diệu xô nhẹ tôi nằm xuống giường và lên người tôi”. “Lên” rồi xuống, cứ loay hoay như kiếm tìm gì đó, có thể là cực khoái, có thể là thoải mái thỏa mãn thân xác, làm Hạ bực mình: “tại cô cứ cố tình phân tích! Sao không bỏ mặc nó đấy? Sao cứ khuấy mãi đống bùn lầy của cái đầu óc của cô? Sao không thản nhiên mà chấp nhận? Cô làm tôi khó chịu”. Diệu và Hạ, cả hai đều mệt mỏi, luôn tự tra hỏi, Diệu “không biết mình đến từ đâu? Tại sao lại có mình? Và sẽ đi đến đâu? Và tại sao lại đi đến đấy?”. Trong Sao Rụng, nhân-vật Ánh cũng “mệt mỏi trước thềm cuộc đời”,...

Với truyện Vừa Đi Vừa Ngước Nhìn, nhân vật nữ của Trùng Dương uống rượu và lúc nào cũng lý luận, tìm hiểu mọi sự ở đời, kể cả lúc làm tình. Dĩ nhiên ở vị trí một cô gái con nhà khá giả, không phải lao động: “Tôi còn được bố mẹ cho ăn nhờ ngày hai bữa cơm, cho ngủ nhờ và không ngớt chê bai tôi là vô dụng vì tôi chê bai cả chính tôi vì chính tôi chả là cái gì cả. Tôi thiếu một chỗ đứng, không có một chỗ đứng. Biết vậy nhưng vẫn phải sống. Biết vậy, nhưng không thể chết. Để cứ mãi chán ngán, buồn nản... Tôi không hiểu tại sao, bỗng dưng tôi lại tách rời ra khỏi lứa tuổi của tôi để bây giờ muốn trở lại nhưng không tìm thấy đường vào... cảm thấy mình trôi dạt vào một hòn đảo nhỏ xíu giữa biển sóng lớn nước mênh mông. Ở giữa đảo là một cái cây trụi lá...”. Không lo về vật chất, nhưng chưa đủ và chưa hẳn đã có hạnh-phúc. Người trẻ tuổi muốn sống cái hôm nay, khởi từ hư vô mà cũng không muốn tiếp nối những truyền thống, lý tưởng và ngay cả tình-yêu theo những thế hệ đi trước. Họ muốn sống ngoài lề, chấp nhận thân phận cô đon, lạc bầy, và rơi vào những chán chường, mệt mỏi: “Tôi không hiểu tại sao, bỗng dưng tôi lại tách rời ra khỏi lứa tuổi của tôi để bây giờ muốn trở lại nhưng không tìm thấy đường vào”. Hiển lúc nào cũng chán ngán: “Sống như mọi người: đáng chán. Sống theo đường lối do chính mình tạo ra: cũng chán. Tự tử: không đủ can đảm. Toàn là những cố gắng mệt mỏi”- mệt mỏi đã trở nên nhãn hiệu hiện sinh của những người trẻ này! Trong Theo Chân Mây, nhân-vật nữ tên Thy, vẫn hay ưu tư, mệt mỏi cho đến và sau khi thèm muốn Vũ, người nam, hơn một lần ‘cho ngủ’ hóa ra cô có tham vọng làm nhà văn nên cần hiểu biết, quan sát đời-sống bên ngoài và… nhân-vật!

Mưa Không Ướt Đất (đăng Bách Khoa từ số 243, 15-2-1967), Trùng Dương kể chuyện một kẻ tình phụ. Thư sống như đi dạo, không dấn thân, vô khuôn,...: “Ừ tại sao mình chưa hề một lần tham dự? Mình sống như một kẻ đi dạo vậy. Một kẻ đi dạo không mấy chút hăng hái hay thảnh thơi. Làm như thể sinh ra thì phải sống, sống cho hết cuộc sống để chết. Và sống trở thành một bổn phận. Một bổn phận?”. “Ðôi khi tôi cũng tự hỏi mình có đang bi thảm hóa cuộc sống? hay thực sự tự nó cuộc sống đã có cái vẻ bi thảm? Tôi băn khoăn và thường chọn thái độ dửng dưng. Chả ích gì. Tất cả chả ích gì”. Thư cứ nghĩ «tôi có cảm tưởng thế hệ bọn mình sinh ra để chịu một cuộc thí nghiệm...». Nhân-vật Duẩn đã đính hôn với Thục nhưng yêu Thư: “Hình như trong khi mình giễu cợt là mình ý thức rõ hơn cả về cái thân phận của mình giữa cuộc sống ồ ạt xô bồ này, giữa cuộc sống mà cá nhân chẳng nghĩa lý gì và người ta bị cưỡng bức phải làm những việc mà mình không muốn”,... Các nhân-vật đôi lúc cũng trăn trở, nhìn về lối thoát có thể ở phía trýớc, nhýng dễ mất lòng tin và nhìn cuộc sống như cơn ác mộng, như Thư “… mơ thấy tôi trôi giạt vào một hòn đảo nhỏ xíu ở giữa biển sóng lớn nước mênh mông. Ở giữa đảo là một cái cây trụi lá, lớn như một cây cổ thụ và rễ chiếm hết đảo. Tôi như không thấy mình đâu nữa. Và tôi mơ hồ lo sợ một lúc nào đó cái cây bị sóng biển đánh bật rễ và mình sẽ không còn nơi nào để bấu víu...”.

Nhân vật nữ của Trùng Dương còn tiến hơn một nấc nữa, bằng cách tách rời tình yêu với tình dục, bằng chụp lấy giây phút hiện tại, họ có thể làm tình ngay đây và trước đã, cả chủ động trong việc làm tình, còn có yêu hay không sẽ tùy hoặc tính sau- đây là một cách lật ngược thế cờ đã quen, như lối thích làm tình của đàn ông vậy: “Từ trước, tôi vẫn nghĩ rằng mình ghê tởm vấn-đề sinh lý. Nhưng lầu đầu tiên tôi thấy mình thèm muốn thực sự. Tôi ngạc nhiên về sự thèm muốn ấy, nhất là tôi lại không thèm muốn anh, một người đàn ông, và là một người đàn ông tôi không yêu. (...) Trong lúc cô độc, người ta thường khao khát, đôi khi cũng không ý thức là mình khao khát, thèm muốn nữa. Đêm thứ hai nằm với anh, tôi nhận là mình cảm thấy thèm muốn. Sao không chứ? Anh đã thỏa mãn tôi. Xin lỗi anh. Anh không cho tôi sỗ sàng? Thực sự đối với tôi, sự việc ấy khá tự nhiên. Tôi ít gần đàn ông, nhưng tôi yêu con người nên tôi yêu những gì gọi là tự nhiên của con người, như những đòi hỏi của nó chẳng hạn. Tôi nhớ một nhà văn nào đó, người Ý thì phải, đã coi động tác yêu đương là một việc làm rất người, không có tuổi. Có thể anh không cùng nghĩ như tôi, cũng như sẽ có rất nhiều người quan niệm khác tôi. Nhưng anh ạ, tại sao chúng ta phải hổ thẹn khi đề cập tới việc ấy chớ? Tôi cho rằng phần lớn chúng ta đã bị thành kiến nhiễm độc rồi. Thật ra việc yêu đương đâu phải là một tội lỗi. Tôi cho rằng chỉ có những người biết yêu con người, như những nhà văn yêu thương và nâng niu những nhân vật của mình mới hiểu được ý nghĩa sâu xa của việc thụ hưởng này... Tóm lại, khi gần gũi với anh, nhất là trong lúc cô độc và bị những ý nghĩ mâu thuẫn dày vò, tôi đã trao thân cho anh và ý thức việc làm của mình. Tôi không hối hận, không xấu hổ về việc làm ấy...”. Đây là một thứ phản kháng, nổi dậy đòi quyền sống của giới trẻ thời chiến-tranh ngày càng gia tăng cường độ: “Hãy phán đoán tôi. Hãy xa lánh nếu cần. Nhưng xin cho tôi được sống chân thực” (tr. 34).

Thư tìm kiếm với một “đam mê cuồng nhiệt không tên”, cũng như thai đang mang trong bụng: “Giọt máu này cũng giống như cơn đam mê kia. Nó chưa có hình dạng, chưa có giống, chưa có tên gọi. Và chưa được nhìn nhận bởi một ai ngoài người mang nó. Và Thư nhìn nhận nó với một nỗi ngây ngất kỳ diệu. Phải chăng đó chính là cái bản năng đầy đầy nữ tính?”. Mang thai, Thư vẫn mong đợi ở Duẩn «Vào cái lúc người con gái chờ đợi nhất để sẵn sàng buông thả vào trong cơn sốt rạo rực của cơ thể, Duẩn bỗng ngừng lại, im lặng, đăm chiêu. Hơi thở anh bớt dồn dập hơn trong một cố gắng tự kìm hãm … Duẩn ngừng lại, ngơ ngẩn, chợt nghe buồn bã...» - vì Duẩn chợt cảm thấy ‘yêu em’!Thư giữ bí mật cho riêng mình, một kẻ cô đơn và dửng dưng: “Thư cảm thấy rã rời và nghe cô đơn kỳ lạ. Hình ảnh những đêm thao thức bên người đàn ông thiếp ngủ một cách thoả mãn đến trong trí nhớ. Tại sao không bao giờ mình thấy thoả mãn cả? Luôn luôn là một khoảng trống sau đó với những dày vò không nguyên do không đối tượng. Và với một biến đổi một mình mình biết một mình mình hay. Tôi bỗng cảm thấy tất cả cái cô đơn mênh mông của một Grégoire khi hóa thân thành con bọ để rồi chết khô trong sự cô đơn và bị ruồng bỏ. Tôi đã khủng khiếp khi đọc đến đoạn Grégoire tuyệt vọng nhìn xuống sự thay đổi của thân thể mình. Có lẽ tôi tuyệt vọng và bàng hoàng, nhưng tôi còn cảm thấy một-cách-không-thể-tự-kiềm-chế-được một sự rung động kỳ lạ... Tôi đang hóa thân để trở thành một người mẹ, một người đàn bà thực sự. Có lẽ tôi đang tìm về tôi, cái TÔI thực sự...?”. Trong truyện ngắn này, tác-giả đã đưa vào một số thắc mắc siêu hình và thao thức thân phận nữ nhân như khoảng trống, không đầy, hay hóa thân kiểu con bọ của Kafka vừa trích dẫn.

Lập Đông (1972) gồm các truyện ngắn Lập Đông, Mặt Trời Tháng Tư, Giáng Sinh Bên Kia Sông, Qua Cơn Nắng Lửa, và Hai Người Bạn, tiếp nối những tâm tình nổi loạn, phản kháng đòi hỏi bình đẳng của người nữ, những tìm kiếm hạnh-phúc cá nhân, tiếp nối nhưng đã bắt đầu mất nồng độ của những truyện ngắn đầu tiên. Chiến-tranh đã xen kẽ vào, với những biến cố, cảnh tượng của xã-hội hiện thực, với những người bạn, người tình, kẻ ở hậu phương, người đi lính, hoạt động,... Trong Mặt Trời Tháng Tư, nhân-vật không có tên gọi, chỉ là những người đàn ông, đàn bà, những gã, nàng. Cuộc kiếm tìm (có thể là hạnh-phúc!) của nàng, nhân-vật chính, phải qua những trao đổi thường tình như bản nháp: “Cũng vẫn nụ hôn nàng trao đổi với những người con trai khác. Cũng vẫn niềm rạo rực cơ thể ấy bên dưới những vuốt ve. Nàng ngạc nhiên về chính vẻ không ngạc nhiên gì của mình, về cái liên hệ thật xa lạ và thật thân thiết đó. Nàng cũng ngạc nhiên về cái cảm giác bao giờ cũng sẵn sàng sống dậy và được gọi tên, được lặp lại nhiều lần. Và nàng ngạc nhiên về sự giống nhau của thân thể những người đàn ông đã đến với nàng. Nàng chỉ không chịu được sự hung bạo quá đáng, và ngược lại, sự vụng về, sự thiếu tế nhị quá đáng. Thế thôi”. Những nụ hôn cho bao chàng Cóc trước khi đặt được trên môi Hoàng từ. Những kiếm tìm của mùa Đông bình thường thế nào thì đến Tháng Tư mặt trời đã nóng, Nàng kèo mời gã người nam vào phòng có máy lạnh, nhưng cái nóng thực sự vẫn đã xâm nhập cô nàng: “Thực ra chưa có năm nào tôi ý thức là tôi thèm muốn bằng mùa nóng năm nay – thèm muốn một thân thể đàn ông trẻ, rắn chắc, đầy sinh lực và bền bỉ, nhất là bền bỉ”!

Trong Qua Cơn Nắng Lửa, nhân-vật nữ viết thư cho người nam đang tại ngũ: “Em tưởng tượng nếu những ngày này ở đây được sống với anh, chắc chẳng còn gì hạnh phúc hơn và đó phải là tuyệt đỉnh hạnh phúc của một trong những cuộc tình em đã trải qua – cuộc tình của anh và em, cuộc tình đã chẳng được nói nên lời, đã được thời gian và lòng cảm mến, kính trọng đúc kết nên, và em tin đó phải là một cuộc tình vĩnh cửu. Nhưng bởi cái ý nghĩ về một thứ hạnh phúc kia đã thức dậy trong em một niềm lo âu. Bởi vì sau cái tột đỉnh đó là gì? Em đứng dừng lại. Cùng một lúc em muốn được hưởng với anh những ngày cuối cùng còn lại trước khi anh lên đường nhập ngũ, sống với một số dự tính anh lập ra và đối với em là lý tưởng, để cho em có với anh một kỷ niệm tuyệt vời trước khi đi thật xa, cũng như cho anh có một kỷ niệm của chúng mình để nghĩ đến ở một nơi đèo heo hút gió nào đó sau những ngày ở quân trường; đồng thời, cùng với ý nghĩ trên, em lại cũng muốn sống với anh để giải tỏa phần nào những ẩn ức trong em trước một mối tình chưa một lời được ngỏ. Hai người yêu nhau dù chưa nói và dù những câu chuyện thuộc đủ loại đề tài đã được đề cập đến, sống trong một căn phòng nhỏ, phía trước là cửa sổ ngó ra mặt biển và buổi chiều, và một chút rượu, một chút can đảm… Dù vậy, mình đã không thực hiện. Em sợ. Không thể hiểu vì sao. Dường như hình ảnh của anh quá đẹp đối với em. Dường như nếp sống của một y sĩ điều độ trầm tĩnh và nặng suy tư của anh quá lý tưởng đối với em. Đến độ em nghĩ chắc gì anh có những đòi hỏi bình thường của một con đực trước một con cái, hay có chăng chỉ là một việc làm có tính cách vệ sinh, để giữ thăng bằng cho cuộc sống sinh lý. Và điều đó em lại không chấp nhận được, nhất là với anh, người em yêu. Và em đã ra đây một mình, vẫn với ý tưởng – hết sức tinh thần – là em ra đây với anh, là em đang nằm dài trên cát với anh, đang cùng giỡn sóng với anh, đang cùng tắm nước ngọt với anh, đang cùng băng qua khoảng sân khách sạn có những tàn cây bàng vĩ đại với anh, đang đợi anh lấy chìa khóa phòng ở bàn quản lý, đang cùng bước lên cầu thang với anh, đang cùng vào phòng với anh – căn phòng tuần trăng mật của hai đứa mình – đang cùng với anh ngắm cảnh hoàng hôn trên bãi bể, đang cùng nói chuyện với anh và cuối cùng yêu anh và được anh yêu để rồi ngủ trong vòng tay anh…”. Để ngừng lại với Tuân: “Nhưng thà như vậy còn hơn. Bởi vì em sợ một cuộc sống chung trong đó hai người cùng giữ miếng với nhau, không phải vì cố tình như vậy, mà vì hoàn cảnh, vì mặc cảm, vì không đủ can đảm nói lên, nói thật. Không, hôn nhân không thể như vậy được. Nó sẽ trở thành một thứ địa ngục. Nó sẽ chôn sống tình yêu. Nó sẽ làm chúng ta hủy diệt lẫn nhau. Nó sẽ chứa trong nó sự thất bại mà bố mẹ đã lãnh và để bọn anh chị em em chịu mọi hậu quả. Sống với Tuân, yêu quý và cảm phục Tuân, giúp đỡ và đem lại cho Tuân những gì mà em có thể đem lại được; nhưng em vẫn nghĩ về anh như người tình cuối cùng. Tình đó sẽ chẳng thể nhạt phai, mà chỉ có thể lắng xuống. Và em không cảm thấy em đã phản bội một ai, trong hai người, anh và Tuân”.

*

Trùng Dương có thực tài văn-nghệ khi viết những điều sống thực, những trải nghiệm bản thân, bằng chữ nghĩa. Bà tự lột trần quá khứ, tự mổ xẻ bản thân và phơi bầy ra tất cả những gì liên quan đến thân phận người nữ “hôm nay”, kể cả những điều thầm kín nhưng cấp thiết – như khúc mắc, khủng hoảng tâm sinh lý, như sự không thể ép mình vào hoàn cảnh và tha nhân là người nam thường xuât hiện như kẻ đồng hành, như cộng sự viên và lúc khác sẽ như là “địa ngục” không cần thiết cho hạnh-phúc kiếm tìm, cho dục vọng ban đầu! Nhiều quan sát tâm lý, ý thức, nhưng văn Trùng Dương không có quan sát, miêu tả hấp dẫn, nhân-vật chính làm đàn bà vừa làm tình vừa triết lý, suy tưởng và ưa đối đầu lý luận, đòi hỏi biện minh. Bởi thế các tác phẩm của Trùng Dương không được đông đảo quần chúng thưởng ngoạn, như với Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ. Xưa kia nhà văn nam viết, phân tích tâm lý mọi người thì nay các nhà văn nữ muốn phân tâm đàn ông và tự phân tâm! Một loại “văn hóa” mới, năng động và cách tân-phái-tính. Họ không ngừng ở thể loại nhật ký, thi ca, tiểu thuyết , mà đi xa hơn, làm chủ cơ quan văn nghệ, lên tiếng phỏng vấn, thuyết trình. Nhưng chính với văn chương, với tiểu thuyết và thi ca như phương tiện, mà người nữ lên tiếng, phát biểu, làm chứng.

Nói chung, sự nghiệp văn-chương của Trùng Dương là ở các truyện ngắn, nơi đó bà thả suy-tư về con người, cuộc hiện sinh và về đồng loại, khởi đi từ tầm nhìn của người sinh viên thời hiện-đại. Những truyện ngắn buổi đầu đặc sắc nhờ vào nhân sinh quan mới về nữ quyền, về cuộc đời, tựu trung ra ngoài khuôn đã sẵn có. Về sau, văn-chương bà vẫn năng nổ nhưng chín hơn, thêm bề sâu tư duy, và phản kháng, đấu tranh cũng theo chiến lược, chiến thuật hơn là chống để mà chống!