Thử tìm hiểu văn học từ bên trong và bên ngoài Tổ Quốc!

(Triều Hoa Đại phỏng vấn nhà biên khảo Nguyễn Vy Khanh)

Gặp nhau chỉ trong một thời gian quá ngắn, uống với nhau một ly café buổi sáng rồi chia tay, chúng ta đã hẹn với nhau một ngày đẹp trời nào đó sẽ dành ra một khoảng thời giờ để nói về văn chương, chữ nghĩa. Vâng thế thì còn gì hạnh phúc cho bằng, được ngồi nghe anh nói về những điều mà bấy lâu nay tôi vẫn hằng ao ước: VĂN HỌC của người Việt chúng ta ở bên trong và bên ngoài Tổ Quốc.

Hôm nay cơ may đã đến thế thì chúng ta nên bắt đầu câu chuyện được chăng?

Vậy thì thưa anh trong bốn mươi bốn năm (44) đã qua kể từ ngày chúng ta bỏ xứ mà đi ngoảnh nhìn lại quãng thời gian ấy nghĩ mà kinh, thoáng chốc bay vèo theo anh chỉ trong lãnh vực văn Học của những người làm văn chương nghệ thuật có những điểm nào để khích lệ hay không?

Nguyễn Vy Khanh: Điều đầu tiên chúng ta có thể đồng thuận, đó là gần 45 năm sau thì không còn ai còn có thể đặt nghi vấn rằng có chăng một nền văn-học hải-ngoại! Thật vậy, văn học của người Việt ở ngoài nước sau gần 45 năm đó đã và vẫn chứng tỏ sức sống và sự phong phú đa dạng nhất là về thể loại và kỹ thuật!

Nhìn chung và theo thiển ý, khi tìm hiểu về văn-học Việt-Nam hải-ngoại, có thể nói rằng thực sự có một nền văn-học hải-ngoại, và văn-học này có nhiều đặc tính và sinh động. Và cái còn lại của 45 năm văn học hải-ngoại là tính cách dân tộc, hiện đại, khai phóng và nhân-bản cũng như định nghĩa mới về hội nhập, dự phóng, mà một số tác giả đã thành công để lại qua tác-phẩm và toàn bộ tác-phẩm đã để lại trong lòng người đọc! Sau đó có thể nói đến các đặc tính khác như văn-học di dân, văn-học miền Nam nối dài, hậu hiện-đại, nhân bản, tự do sáng-tác,... Hải-ngoại tự do, dân-chủ, là đất khai phóng và là nơi thử nghiệm cái mới (thơ Tân hình-thức, hậu hiện-đại, dục-tính, nữ quyền,…).

Văn học trong nước nhờ gắn liền với đất nước có lợi thế dân số phát triển, có đa số người đọc, tưởng đã lấn át văn học ở ngoài; nhưng những năm qua lại thêm một lần chứng minh văn học sẽ chỉ phát triển tốt nếu môi trường văn hóa và nhân tố thích hợp. Văn học hải-ngoại hiện đang ở vào một tình cảnh đặc biệt: so với trong nước, hải ngoại có thể dần dần yếu thế về nhân sự - tác-giả và người đọc, nhưng nội-dung và sản-phẩm sẽ cung cấp cho người đến sau cũng như người sinh hoạt văn-học nghệ thuật trong nước những cô-đọng thành tựu, kết thành - chất xám, chất tủy văn-hóa, từ một truyền thống, một nguồn!

Nhưng rồi hải-ngoại đã và sẽ dần yếu, theo nhân sự và khuynh hướng cùng sở thích của thời thượng, bớt đa dạng và sẽ dồn về một số thể-loại trội bật hoặc còn hơi sức; ngọn đèn sẽ tỏa dịu lại, không thoi thóp thì cũng chỉ lóe ở một vài hướng gió thuận, được chờ đợi và chấp nhận như là hy-vọng, thực tại! Không ai có thể tiên đoán tương lai văn hóa ở hải ngoại đứng (vững) hay nằm (xuống)?

Dù gì thì hành trình của văn học hải-ngoại cũng là hành trình của người Việt nói chung đứng trước hiểm họa vong thân và ngoại xâm, lãnh thổ cũng như tâm hồn, đã đi từ kiếm tìm căn bản dân-tộc đến với hiện đại, nhân bản, từ cái lõi chung dân-tộc đến lõi chung của gia tài văn hóa nhân loại! Một cách dũng mãnh, năng động và tự tin!

THĐ: Trước tiên chúng ta nên nói sơ qua về bộ sách “44 năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại” mà mới đây đã do các anh gồm Khánh Trường, Luân Hoán và cả anh đã trình làng, đó là một công trình dài hơi, vậy thì do đâu và bởi đâu mà chúng ta có bộ sách này?

NVK: Chúng ta biết vào thời cực thịnh của sinh hoạt văn học hải ngoại, các anh Khánh Trường, Cao Xuân Huy và Trương Đình Luân đã hình thành bộ sách 20 Năm Văn Học Việt-Nam Hải Ngoại 1975-1995 do nhà Đại Nam xuất-bản. Trong ba người thì chỉ còn anh Khánh Trường là còn mặn nồng với chuyện văn học và xuất bản. Khoảng tháng Tư năm 2018, anh Khánh Trường đã liên lạc mời tôi và nhà thơ Luân Hoán cùng anh thực hiện bộ sách 44 Năm Văn Học Việt-Nam Hải Ngoại (1975-2019) cập nhật và tiếp nối bộ sách vừa kể. Tôi nhận lời vì tôi biết tình trạng sức khoẻ của anh Khánh Trường không cho phép anh làm công việc như gần 25 năm trước và ước muốn chính đáng của anh cũng có thể là của nhiều người khác: ghi nhận toàn cảnh sinh hoạt văn-học ở hải-ngoại trong 44 năm qua. Có thắc mắc tại sao 44 mà không phải 45 hay đợi đến 50 năm, chung quy vì sức khoẻ người chủ trương Khánh Trường từ gần 20 năm nay ngày càng yếu hơn.

THĐ: Thời gian chuẩn bị và hoàn tất thì ra sao?

NVK: Chúng tôi loan báo dự án “44 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (1975-2019)” sớm từ tháng 4-2018 bằng các phương tiện truyền thông (báo giấy, báo Internet) và truyền thông xã hội Facebook cũng như điện thư và điện thoại cũng như nhờ các văn hữu thông tin cho những người quen biết.

Sau hơn 8 tháng thì ngưng nhận bài, 2 tháng lên trang, dàn trang, thêm phụ bản và đến đầu năm 2019 thì bộ sách hoàn thành và khoảng tháng 3-2019 nhà Mở Nguồn ở San Jose CA xuất bản thành 7 tập.

Chúng tôi khởi đi từ số các tác-giả của bộ sách 20 Năm Văn Học Việt-Nam Hải Ngoại (giữ lại đa số các nhà văn thơ hoặc văn thơ của các văn-nghệ sĩ đa ngành), đón nhận cập nhật của các tác-giả này cùng các tác-giả mới sau khi đã kêu gọi và loan báo dự án. Cơ may nữa là nhờ tiến bộ khoa học, các anh Thành Tôn, Nguyễn Vũ đã scan toàn bộ 20 Năm Văn Học Việt-Nam Hải Ngoại gần 1580 trang và nhờ kỹ sư Tạ Quốc Quang chuyển đổi ra Word và chỉnh sửa kỹ thuật. Nhờ thành công này mà ban thực hiện cùng vài thân hữu chỉnh sửa lại thành bản cuối để có thể xuất bản được.

Đây là một công trình “mở”, ban thực hiện không quyết định con số tác-giả; tuy nhiên chúng tôi đã cố gắng khách quan trong việc lựa chọn và bổ khuyết, đặc-biệt các tác-giả mới hoặc trẻ. Ban thực hiện cũng vì tính văn-học đã phải từ chối một số người muốn tham gia. Các tác-giả gửi đến chúng tôi bài của họ, phần lớn chúng tôi giữ nguyên, phần còn lại chúng tôi đã liên lạc lại để thay bài, kể cả các tác-giả đã thành danh. Các tác-giả chúng tôi không liên lạc được hoặc đã qua đời, chúng tôi tự chọn lựa và bổ sung cũng như đã hỏi ý kiến của một vài văn hữu. Ngoài ra, chúng tôi có mời một số tác-giả tham gia nhưng những người này hoặc không hưởng ứng hoặc chỉ trả lời xuông “cảm ơn”!

THĐ: Tôi cứ thắc mắc mãi về tên của bộ sách: “44 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (1975-2019)” lẽ thường tình thì đọc giả hiểu rằng bộ sách ấy hoàn toàn là đóng góp của những người viết lưu vong nhưng lại không phải thế bởi vì có rất nhiều tác giả góp bài vẫn còn ở trong nước vậy thì sao lại gọi là HẢI NGOẠI?

NVK: Trong lời Tựa bộ sách, chúng tôi đã trình bày: “Tuyển tập 43 Năm Văn Học Việt-Nam Hải Ngoại được thực hiện với mục-đích ghi dấu lịch sử và những thăng trầm, biến đổi của dòng văn học Việt-Nam vì hoàn cảnh đã phải thiên cư ra khỏi nước. Dòng văn-học này với nội dung cá biệt và những nhân tố rõ rệt, đã góp phần gìn giữ văn hóa Việt Nam. Chúng tôi đã có những tiêu chuẩn khi thực hiện tuyển tập văn học này. Các nhà văn thơ góp mặt là những người đã từng hoặc đang sinh hoạt văn học nghệ thuật ở hải ngoại và một phần những vị sinh sống ở trong nước nhưng đã cộng tác, đăng bài hoặc xuất bản tác phẩm ở ngoài nước. Vì trọng tâm của Tuyển tập là văn học hải ngoại nên mảng văn học quốc nội sẽ chỉ nhỏ, rất nhỏ, hoàn toàn không mang tính tiêu biểu”. “Ngay từ thập niên đầu của văn-học hải-ngoại đã có những tác-phẩm của nhà văn thơ sống trong nước được kín đáo chuyển ra xuất-bản ở hải-ngoại và dĩ nhiên đổi danh tánh như Đi (1982) của Hồ Khanh tức Doãn Quốc Sỹ, một số thơ của Trần Kha tức Thanh Tâm Tuyền, Hoàng Hải Thủy, Tạ Chí Đại Trường, Nguyễn Thụy Long, v.v. Trong số đó nhiều người sau này được ra đi qua các chương trình H.O và đoàn tụ gia-đình. Các nhà văn trưởng thành trong chế độ cộng-sản cũng bí mật gởi tác-phẩm in ở ngoài nước. Đến đầu thiên niên kỷ mới, việc chuyển tác-phẩm ra xuất-bản ở hải-ngoại bình thường hơn”.

Thưa anh, những Hồ Khanh - Doãn Quốc Sỹ, Trần Kha - Thanh Tâm Tuyền, Hoàng Hải Thủy, Tạ Chí Đại Trường, Cung Tích Biền và một số khác như Bùi Ngọc Tấn, Dương Nghiễm Mậu, Khoa Hữu, Khuất Đầu, Nguyên Minh, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Lệ Uyên, Nguyễn Thụy Long, Nguyễn Viện, Phạm Ngọc Lư, Phùng Cung, Tiêu Dao Bảo Cự, Trần Dzạ Lữ, Trần Mạnh Hảo, Trần Thị Ng.H., Trần Vàng Sao, Văn Quang, v.v. trong tập 7 theo ban chủ trương đều có những đóng góp hoặc hòa nhịp với “tiếng nói” của văn học nghệ thuật ở hải ngoại nếu không muốn nói đến việc cùng “chính nghĩa” với cộng đồng ngưởi Việt lưu vong và di tản hải ngoại. Vài văn hữu còn lại đáp ứng định nghĩa có cộng tác với các truyền thông báo chí và xuất bản ở ngoài nước. Tóm lại, gần 50 tác-giả trong nước (tập 7) đều đã xuất-bản hoặc đăng bài ở hải-ngoại, có người đã từ lâu, có người mới hơn.

THĐ: Như anh đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn thì:” …quá trình hình thành và phát triển của văn học này trong 44 năm, sẽ thấy đã có nhiều giai đọan: Di tản, lưu vong “ rồi thì” hợp lưu, hoài niệm và rồi thì sau cùng là lão hoá” thế thì mắc mớ chi đến những người viết ở trong nước vì rằng họ có DI TẢN và LƯU VONG như chúng ta đâu để mà HOÀI NIỆM?

NVK: Tiếp câu trả lời kể trên, chúng tôi có thể nói đa số các nhà văn trong Tập 7-Trong nước nếu không mang tính “lưu vong” ngay trên đất nước mình thì cũng “hoài niệm” những nếp văn hóa, xã hội và chính trị nay không còn trên đất nước Việt Nam. Thí dụ nhà văn Cung Tích Biền đã có những tác phẩm viết sau biến cố 1975 trình bày khá rõ tâm trạng và ý thức này, thưa anh. Dĩ nhiên các đặc tính anh vừa nhắc nhở áp dụng sát hơn khi phân chia các thời kỳ của văn học hải ngoại. Vả lại, biên giới địa lý trong-ngoài trãi qua gần 45 năm đã có những thay đổi: một số tác-giả mới định cư sau này đã xuất-bản ở hải-ngoại trước khi rời Việt-Nam. Các tác-giả trong nước khác đã phải xuất-bản, đăng báo ở ngoài trước rồi mới được xuất-bản chính thức trong nước, trong khi có người (hoặc tác-phẩm) vẫn tiếp tục bị cấm đoán.

THĐ: Sau khi “44 NĂM VĂN HỌC VIỆT NAM HẢI NGOẠI” được gửi đi kết quả thu về thì ra sao, ý tôi muốn đề cập đến cách đón nhận và phản ứng từ phía người đọc?

NVK: Tình hình xuất bản ở hải ngoại từ những năm gần đây không được khả quan cho lắm. Trong tình cảnh đó, có thể xem bộ 44 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (1975-2019) gồm 7 tập, như một thành công về số sách bán được dù giá bán không nhẹ. Phản ứng tích cực vẫn nhiều hơn phê phán tiêu cực. Chúng tôi đã cố gắng và đã cống hiến cho độc giả người Việt và văn học sử công trình đó. Dĩ nhiên, chúng ta vẫn cần những công trình văn hóa khác, những việc lúc nào cũng đáng được hoan nghênh tiếp nhận, cho tập thể người Việt nói chung.

THĐ: Thế rồi, sau 1954 khi chiến tranh đã “tạm thời” ngưng nghỉ, hơn một triệu đồng bào đã bồng bế nhau từ miền Bắc di cư vào Nam sản nghiệp không còn gì, may mắn thay là chỉ còn lại một bó rau và một sợi giây thừng ( từ Bắc vô Nam tay cầm bó rau/ tay kia cầm sợi giây để bắt con cầy) ấy vậy mà trong số một triệu người di cư ngày ấy đã có biết bao nhà văn, nhà thơ lẫy lừng họ đã đóng góp rất nhiều cho Văn Học miền Nam, theo anh giai đoạn này sự đóng góp ấy có đáng kể ít, nhiều hay không? Và rồi thời kỳ tiếp theo ngót nghét gần hai mươi năm những nhà văn, nhà thơ, nghiên cứu văn học..v…v.. họ đã làm được những gì?

NVK: Sự đóng góp ấy khá đặc biệt và đáng kể chứ anh. Biến cố 20-7-1954 với Hiệp định Geneve, Cộng-sản Hà-Nội và các cường quốc thực dân chia đôi đất nước, đã đẩy đưa nhiều văn-nghệ sĩ miền Bắc di cư vào Nam tìm tự do đưa đến việc nơi vùng đất mới này nảy sinh những thử nghiệm mới, những lên đường mới, ngày càng vững mạnh trong tin tưởng và quyết tâm. Từ những Người Việt, Sáng Tạo, Hiện-Đại, Thế Kỷ Hai Mươi, v.v. đến những Văn, Văn Học, Nghệ Thuật của thế giới văn-chương, rồi những dấn thân đối đầu với chiến-tranh của những Hành Trình, Trình Bầy, Vấn-Đề, Ý Thức,… chứng minh sự dấn thân can đảm của người làm cũng như người thưởng thức văn-nghệ, mở đường cho văn-học nghệ-thuật mới, hiện đại, cập nhật với thời đại và con người. Suốt gần 21 năm của giai đoạn, văn-chương luôn có mục-đích hoặc làm phương tiện cho vấn nạn về con người, thời-gian đầu sau 1954 là con người thần tính, chuyển sang con người hiện sinh và kế đó là con người dấn thân, sống động một cách hiện thực nhất khi chiến-tranh vượt quá những suy tính và sức chịu đựng của con người!

Trong cùng thời gian đó, văn học miền Bắc đã có thành quả gì để so sánh? Sau khi đàn áp những văn nghệ sĩ chân chính của Nhân Văn và những vị không chịu bẻ cong ngòi bút theo chỉ thị và quyền lực, các “văn nghệ sĩ” của Đảng Cộng sản đã phát triễn một nền “văn học” dựa theo lý thuyết “văn nghệ tập thể chuyên chính vô sản” rồi thuyết “chiến tranh chống tư bản và chống “chiến lược hoàn cầu” của thực dân Mỹ” và chủ thuyết “dân tộc” để chiếm miền Nam, đã sản sinh ra nhiều sản phẩm văn thơ ngang ngữa đồng loại. Ở miền Bắc – cũng như cả nước sau này, không hề có “trường phái”, “nhóm văn nghệ” và văn nghệ sĩ... độc lập! Có chăng là “những kiếp hoa dại”, nói như Vương Trí Nhàn, một nhà phê bình văn nghệ trong nước khi tổng quát hóa văn học cộng sản chỉ là “những kiếp hoa dại” điều động bởi những người lang chạ.

THĐ: Như anh đã nói” Nhìn lại cuộc chiến cuối cùng đã xảy ra trên đất nước Việt Nam khởi từ 1957 cho đến nay (1997), đạn bom chiến trường đã tạm ngưng nhưng trong VĂN CHƯƠNG tiếng đạn và khói súng vẫn còn âm ỷ” là bởi ví sao có phải vì chúng ta “quá thủ cựu,” khép kín và một đôi khi quá tự mãn, hoặc quá tự ti?

NVK: Đó chỉ là hậu quả đương nhiên, về tâm lý cũng như chính trị. Hải ngoại chưa yên tiếng súng khi nào vẫn còn tập đoàn cưỡng chiếm miền Nam, do mưu lược và thời cơ, chiếm xong, xóa con cờ MTGPMN, ra tay xóa bỏ văn hóa, văn học miền Nam, và tiếp tục đàn áp, bóc lột người dân trong nước. Trong nước thì súng lúc nào cũng lên nòng (văn nghệ chỉ huy, có tướng có lính và luôn có “lính gác”!), có thể vì nếu chấp nhận buông súng, “hỗn loạn” và “thành tích” sẽ lung lay tất cả chăng?

Tuy vậy, trong giới văn nghệ sĩ, đã có những thay đổi. Sau 1975, ngoài thứ văn học của chính quyền và tập đoàn chủ trì chiến tranh, đã có những tác giả trong cũng như ngoài nước để tâm hồn nhìn lại cuộc chiến đó. Người đọc bớt phải tìm thấy thắng thua trong bộ phận văn học mới này. Các nhà văn thơ sau này thường nói đến những cay đắng thua thiệt của con người vì chiến tranh. Cái thắng thua nếu có là tình người, là tình yêu không biên giới quốc cộng, là sự sống còn, là nguyện vọng sống bình an, thanh thản.

THĐ: Rồi thì sau 1957 cho mãi tận đến bây giờ theo anh cái nền văn chương Việt Nam cả trong lẫn bên ngoài Tổ Quốc tiến triển ra sao, mức độ tiến triển ấy nhanh, chậm ở khoảng thời gian nào?

NVK: Văn học Việt Nam trong-ngoài đã có những thời kỳ đặc sắc, trăm hoa đua nở mỗi khi có biến cố quan trọng cho đất nước, dân tộc. Ngay sau 1954, văn học miền Nam khởi sắc, đa dạng hơn trước đó với sự có mặt của các văn nghệ sĩ di cư tham gia văn nghệ với các nhà văn miền Nam như đã vừa trình bày. Rồi sau 1964, thời hậu đảo chánh, xuất hiện một thế hệ trẻ hơn như Thảo Trường, Dương Nghiễm Mậu, Duyên Anh, Văn Quang, Phan Nhật Nam, Tuấn Huy, Nguyễn Thị Hoàng, Thế Nguyên, Thế Uyên, Ngô Thế Vinh, Nhất Hạnh,...

Trong nước thì có thời “Cởi trói” từ 1987 văn nghệ khởi sắc dù không kéo dài, với những Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Trần Mạnh Hảo, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khắc Trường,...

Hải ngoại cũng có thời văn học cực thịnh, những năm 1980 đến 1992. Hiện nay, hải ngoại đã “lão hóa” nhưng đang có những dấu hiệu tích cực với cách xuất bản và phát hành qua Internet. Một số nhà văn sáng tác trở lại hoặc thử nghiệm một số cách tân văn chương hậu-hiện-đại, tân-hình-thức, v.v. Tạp chí văn học giấy cũng lần lượt xuất hiện.

THĐ: Nghe đâu anh đã soạn xong một biên khảo về văn học Việt Nam hải ngoại nhưng vì một lý do nào đó anh đã “ngần ngại” chưa cho xuất bản vậy thì vì lý do gì mà anh lại “ngần ngại”?

NVK: Thưa anh, chúng tôi đã bắt đầu nghiên cứu từ những năm 1995 và đã soạn biên-khảo về văn-học Việt-Nam hải-ngoại từ sau biến cố 30-4-1975, khởi đầu với tổng quan “Nhìn lại 30 Năm Văn học Hải ngoại” đăng trên tạp-chí Văn Học (số 225) năm 2005 và tập biên-khảo đã xem như hoàn thành, nhưng chúng tôi hãy còn ngần ngại xuất-bản. Ngần ngại vì - chúng tôi cảm nhận có những biến chuyển cần thời gian để có thể suy xét thêm, cũng như về một số nhà văn thơ đang sinh hoạt và... chuyển hướng, và cuối cùng có một số hiện tượng chúng tôi nghĩ có can thiệp của “âm mưu” nào đó, cũng cần thời gian để “nhận chân”. Chúng tôi nghĩ có thể khi văn học hải ngoại được 50 năm, biên khảo ấy có thể xuất bản. Tuy vậy, chúng tôi cũng đã phổ biến một số chương đoạn trên các tạp chí và trong những ngày sắp tới, nhà Nhân Ảnh sẽ xuất bản Quyển Hạ của biên khảo khoảng 800 trang với 73 tác giả: Nhà Văn Việt Nam Hải Ngoại.

THĐ: Cái ngần ngại ấy (nếu có) phải chăng như lời của Phạm Đức tóm lược trong những “ con đường đau khổ” mà một tác phẩm văn học phải trải qua để đến được với quần chúng….mỗi quyển sách ra được ra đời đều đã qua khá nhiều “cửa ải” vậy thì những nhà văn hải ngoại nói chung và riêng với anh thì đó những cửa ải nào?

NVK: Tôi nghĩ “cửa ải” đầu tiên là chính tác phẩm đã sẵn sàng, xứng đáng để xuất bản chưa, cũng có nghĩa là đã có “độc giả” sẵn sàng chưa. Còn trong thực tế thì hiện nay, với việc xuất bản theo cách book-on-demand của các công ty như amazon, lulu, barnes&noble, v.v. “cửa ải” không còn bao nhiêu, chỉ việc trả toll là sách báo đã có thể in, không phải bỏ vốn nhiều như trước.

THĐ: Giữa CHÍNH TRỊ và VĂN HỌC theo anh những người làm chính trị chuyên nghiệp nên hay không nên “lấn sân” vào một lãnh vực mà họ chẳng mấy am tường và cũng thế những nhà văn, nhà thơ hay nói đúng ra những người làm nghệ thuật cũng chẳng nên “dấn thân” vào lãnh” địa gió tanh mưa máu” là chính trị, ý kiến của anh về vấn đề này?

NVK: Hai lãnh vực có lúc liên quan, có lúc không, và việc ai nấy làm, nhưng người Việt Nam làm văn hóa nên thường trực đề cao cảnh giác.

THĐ: Anh thì cho rằng:” Hai lãnh vực (chính trị & văn học) có liên quan”, và “việc ai nấy làm”, thế nhưng theo Phan Khôi thì:” đành rằng văn nghệ phục vụ chính trị, cho nên chính trị phải lãnh đạo văn nghệ” nhưng” trả lời cho thành thật, e rằng chính trị phải vỗ vai văn nghệ mà nói rằng:” Sở dĩ tao tha thiết đến mày là tao muốn lợi dụng cái nghệ thuật của mày”, ý kiến của anh ra sao về việc này?

NVK: Tôi cũng hiểu tại sao Phan Khôi nói như vậy và cũng biết những chuyện như vậy đã từng xảy ra ở Việt Nam trước nay. Vỗ vai chưa hết, còn chuyện sờ gáy nữa anh!

Tuy nhiên, khi trả lời như vậy, ý tôi muốn vạch lằn ranh giữa việc chính trị và công việc của người làm văn học. Có văn học bị sử dụng như là phương tiện cho chính trị, nhưng cũng có văn học thuần văn chương của con người sống trong một hoàn cảnh chính trị. Ý tôi muốn nói những nhà văn này nhập cuộc khi làm văn học (chứ không làm chính trị), cũng có nghĩa là không làm văn chương viễn mơ, xa lìa thực tại.

THĐ: Trong một cuộc phỏng vấn cũng khá lâu mà tôi đọc được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã phát biểu như sau:” Tôi thấy văn học Việt Nam hải ngoại giữ gìn được tiếng nói dân tộc. Và cũng làm giầu thêm cho đời sống tinh thần của người Việt, trong và ngoài nước” anh nghĩ sao về lời phát biểu này?

NVK: Người Việt cũng như đa phần các dân tộc, vì hoàn cảnh phải thiên cư, di cư, đem theo ngôn ngữ và văn hóa gốc nguồn, như người tộc Việt ở đảo Hải Nam và ở Thái Lan, tuy vậy yếu tố thời gian nhiều thế-kỷ và hội nhập đã khiến cho hai nhóm này ngày nay không còn giữ được nhiều di sản Việt. Người Việt hiện đại sau biến cố 30-4-1975, đã phải di tản, vượt biên, vượt biển, từ vài ngàn người ban đầu sau lên đến khoảng 3 triệu người ngày nay ở khắp năm châu. Chúng ta khi rời bỏ đất nước đã mang theo và tiếp tục gìn giữ tiếng Việt cũng như văn hóa của tổ tiên, từ đó mà hình thành một nền Văn học hải ngoại. Tiếng nói, chữ viết chúng ta mang theo là ngôn ngữ của miền Nam lúc đó đã là một tổng hợp Nam-Trung-Bắc và là một hình thành từ nhiều thế kỷ di dân Đàng Trong - Đàng Ngoài.

Anh thử tưởng tượng nếu năm 1975 và sau đó, tất cả người Việt ở lại chịu trận hết thì ngày nay ai cũng phải ăn nói như “bên thắng” nghĩa là một thứ tiếng Việt ít Việt-tính nhất vì phải du nhập chữ dùng và suy nghĩ (vì con chữ ảnh hưởng đến suy luận và diễn tả, hành văn!) của Trung Cộng và đó là một thứ tiếng Việt lai căng, không hồn Việt, vì đã bị bóp méo, nội dung con chữ bị ép nhận một ý cưỡng bách, sai lạc. Như từ “tuyên truyền” bị xem như đồng nghĩa với “thông tin” của người Việt không Cộng sản, cái xấu đã trở nên đồng nghĩa với cái hay cái tốt.

THĐ: Và như vậy thì:” Hai nền văn học trong và ngoài nước cần liên hệ với nhau để có được tiến bộ trong nước” cứ theo như nhận định ấy thì hoá ra chúng ta những người làm văn hoá ở hải ngoại này chắc là phải có “bổn phận” mang đến sự “tiến bộ” cho trong nước, và nếu như vậy thì chúng ta có vui lòng làm cái công chuyện này không, chúng ta đã sẫn sàng chưa?

NVK: Vô tình chúng ta đã làm việc này khi hình thành một nền văn học nhân bản, không cộng sản và đã thành công trong gần 45 năm nay. Người hải ngoại làm cho chính họ sinh sống ở ngoài và thời gian đã cho thấy chúng ta đã làm đúng cho sự trường tồn của dân tộc, của văn học và văn hóa cội nguồn.

Trong Văn Học Miền Nam 1954-1975, chúng tôi có nói rằng: “Toàn bộ của hơn 20 năm dù vẫn là gia tài văn-hóa dân-tộc, nhưng nay tiếc thay vẫn phải xem là di sản văn-hóa văn-học của miền Nam và của cả nước Việt Nam!”. Nền văn học đó cũng như văn học hải ngoại sẽ phải là của cả dân tộc, đã, sẽ vẫn và phải là của nước Việt Nam. Tuy nhiên trong hiện tình, chính quyền trong nước vì cố chấp và ảo tưởng, vẫn chưa chính thức và công khai chấp nhận hai nền Văn học miền Nam và Văn học hải ngoại, đã vậy còn đang mưu đồ tìm cách “định nghĩa” hai chữ “hải ngoại” theo dân số bỏ đi trở về gốc XHCN của họ!

THĐ: Anh có cho rằng với đọc giả họ là nguồn cảm hứng và là nguồn động viên cho người sáng tác hay không, và nhà văn thông qua tác phẩm là nỗi động viên vô hạn với bản thân bởi vì nếu mất đi “tiếng nói” của chữ nghĩa thì đời sống này sẽ trở thành vô nghĩa, chúng ta sống đâu chỉ cần có cơm để ăn và có áo để mặc phải thế không thưa anh?

NVK: Nơi không có nước thì con cá không thể sống còn, người sáng tác cũng vậy. Có thể vẫn có những “tiếng nói trong sa mạc” nhưng có đến được ai đó thì thiển nghĩ vẫn là hơn. Còn chuyện đồng cảm, tri âm nữa...

THĐ: Câu hỏi tiếp theo mà tôi xin gửi đến anh ( câu hỏi này tôi đã hỏi một văn hữu khác để xem ý kiến khác biệt của các vị về vấn đề này ra sao) Giữa đọc giả và nhà văn ( nói chung) ai CẦN ai hơn ai? Lấy một ví dụ: Có sông, có biển thì người ta mới đóng tàu bè để qua lại nhưng giả dụ tàu bè thì có đấy nhưng không có nước, hoặc nước bị cạn dòng thì sao? Thuyền bè đi lại bằng cách nào?. Từ đó cho phép tôi nghĩ rằng: Có người đọc thì có nhà văn, nhưng nếu chỉ có nhà văn với nhau mà không có người đọc thì chuyện gì xảy ra. Và, có người đọc mà không có nhà văn thì chuyện sẽ ra sao đây?

NVK: Theo tôi thì cà hai cần đến nhau, nhưng không như mua bán; văn chương cần người tiếp nhận, đồng điệu. Ngoài ra cũng nên có những nhà có thẩm quyền về thưởng thức văn chương, về văn hóa, để can thiệp, khi cần, như ở miền Nam trước 1975. Như thẩm định về làm mới, tổng kết, điểm sách cuối năm. Sống là “sống với” vẫn vui và đáng sống hơn, tôi vẫn nghĩ vậy!

THĐ: Ở phần trả lời ở trên anh có đề cập đến một vài tạp chí ở hải ngoại hiện nay, nhân đây xin anh làm ơn “BÓI” cho một quẻ là trong tương lai rồi ra số phận của những tạp chí này sẽ đi đến đâu và về đâu?

NVK: Điều này tùy ở người viết ngày nào còn sáng tác được và độc giả có thích đọc và ủng hộ hay không. Bản thân tôi thì không lạc quan lắm, hy vọng là tôi sai.

THĐ: Là một người theo sát về lãnh vực văn học chắc anh hiểu rõ về những người viết ở bên ngoài tổ quốc ngày nay, viết lách cùng những sinh hoạt của họ ra sao lúc này LÊN, XUỐNG có đều tay không, những nhà văn nữ như: Miêng, Mai Ninh, Phan Thị Trọng Tuyến, Lê Minh Hà, Lê Thị Thấm Vân v…v… giờ này “em ở nơi đâu” sao mà im ắng quá, tại sao và vì sao?

NVK: Phan Thị Trọng Tuyến vừa có tập truyện Hồng Đăng tại Amsterdam do Văn Học Press xuất bản tại Quận Cam CA năm ngoái, 2018. Lê Thị Thấm Vân thì tiếp tục làm mới tiểu thuyết và khai phóng tình dục với Thời Hậu Chiến (Mở Nguồn, 2019); tôi có viết về tác phẩm hậu-hiện-đại này trong cuốn Nhà Văn Việt Nam Hải Ngoại sắp phát hành. Lê Minh Hà những năm gần đây xuất bản và tái bản trên 10 tập truyện và “tản văn” ở trong nước. Miêng, Mai Ninh thì tôi không rõ.

THĐ: Trước khi chia tay anh có cần góp thêm ý kiến gì không cho buổi nói chuyện hôm nay giữa hai chúng ta?

Về phần tôi nghĩ mình đã làm phiền và mất thì giờ của anh nhiều quá, rất mong được đánh chữ đại xá cho, xin anh nhận nơi đây lòng biết ơn và lời cầu chúc của tôi xin gửi đến anh và gia quyến vạn sự như ý, bắt chước người xưa xin cầu chúc anh chị: Đầu năm sinh con trai, cuối năm sinh con gái cho nó vui cửa vui nhà.

NVK: Chúng tôi phải cảm ơn anh Triều Hoa Đại đã cho cơ hội để trình bày về một số công trình biên khảo và đóng góp ý kiến về một số đề tài văn học. Lời chúc thì đã về hưu nên chỉ có khả năng lai rai vài đứa con tinh thần đóng góp với người cho vui thôi mà anh. Thân kính chúc anh chị và gia đình luôn bình an và hạnh phúc!