Khóc Bạn
(Cho Đặng Phùng Quân)

Nguyễn Văn Sâm


Đăng Phùng Quân
23-1-1942 – 15-7-2023

Song hành sáu mươi năm của thời gian quan trọng trong đời một người.
Lúc làm sinh viên lọng cọng ‘sách cầm tay.’
Tháng ngày ngu ngơ ở trường xưa đường Nguyễn Trung Trực.
Bạn thích ngồi ghế cao cẳng ăn bánh mì chiên xịt maggi, cinéma Lê Lợi, bát phố Lê Thánh Tôn, nghía mấy tiệm giày sang trọng, ngắm các cô bán hàng không phải học trò mình.
Bạn đóng đô ở La Pagode viết văn.
Cùng những người tài cầm bút sau nầy được ghi tên vô văn học sử,
Những Hoàng Ngọc Biên, Huỳnh Phan Anh, những Nguyễn Nhật Duật, Nguyễn Xuân Hoàng, những Nguyễn Đình Toàn và vài ba người nữ ngổ ngáo trong văn chương tôi nghĩ giờ không cần kêu tên réo họ.
Viết văn phải có bạn có bầy, cũng như bán buôn phải có phường, có phố.
Những người có thể kiếm tiền bằng ngòi bút, viết theo kỹ thuật đương thời thượng trời Tây,
Ta thỉnh thoảng ké vô nhưng chỉ ngồi một chút rồi lỉnh.
Chuyện trên trời dưới đất xa xôi,
Chuyện nhà văn bên Tây, bên Mỹ, bên Đức,
Chuyện xuất bản cuốn sách tương lai và những dự tính cho ba bốn năm kế tiếp.
Ta lạc lõng vì thiếu bặt thiệp không nhiều lời để góp,
Ngại chùng khi ôm những cuốn sách xưa cũ mòn, long bìa rách gáy, với thứ chữ đã đi vào dĩ vãng xa xôi.
Những vấn đề thuộc thế hệ cha ông Con gái phảI nội trợ tề gia, phải ý tứ khi đi khi đứng. Phải nhỏ nhẹ khi nói khi năng và hằng trăm thứ phải nên khác.
Con trai phải trung hiếu tiết nghĩa, nói lời thì giữ lấy lời.
Trường dời về đường Cường Để, mình trở thảnh những thầy giáo trẻ chưa tới ba mươi, không có bằng Tiến sĩ.
Thời loạn lạc, mọi thứ đều thiếu, chúng ta trám vô chỗ trống đợi người trở về từ Pháp từ Mỹ.
Những người may mắn bóc được tấm vé độc đắc rời nước du học khi bom đạn tưng bừng mọi lúc mọi nơi.
Bạn, Triết học với Aristote, Kant, Pascal, Descarte, Bergson cổ xưa chẳng hề ngần ngại.
Và Camus, Sartre, Hégel, Marx thời cận đại thao thao trên bục giảng.
Ta Ngô Thế Lân, Ngọc Hân Công Chúa, Trịnh Hoài Đức, Hoàng Quang, Nguyễn Cư Trinh, Mạc Thiên Tích cố tìm ý gì xưa nay chưa ai nói tới.
Mỗi người mỗi nhánh, mỗi đường.
Góp mặt với những cổ thụ Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, Lê Tôn Nghiêm, Trần Thái Đĩnh,
Lâm Ngọc Quỳnh, Kim Định, Quảng Liên, Nguyễn Văn Ba, Lê Xuân Khoa,
Thanh Lãng, Vũ Khắc Khoan, Bửu Cầm, Nghiêm Toản những bậc thầy.
Tranh đua với các bạn đồng niên trang lứa, Trần Đỗ Dũng, Nguyễn Thiên Thụ, Phạm Văn Đang, Huỳnh Minh Đức, Nguyễn Khuê, Trần Nhựt Tân những tài năng trẻ cùng thời .
Và như thế mình trở thành người thầy của thế hệ mới.
Thế hệ 70 của thế kỷ hai mươi.
Bạn được chuẩn thuận để sửa soạn lên đường du học Pháp quốc học Tiến Sĩ làm triết gia
Ta chúc mừng bạn cơ may đi đúng đường nhờ bỏ bụng chữ Pháp để thành Đồ Tây và có thể sau nầy làm một thứ Jean Paul Sartre hay Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường rạng danh đất Việt.
Súng giặc nổ đầy lan cùng khắp, nơi xa xôi nghèo khổ cũng như chỗ thành thị bạc tiền.
Pháo kích lu bù, mô đắp, mìn gài, bạn vẫn vô tư cùng ta lên xuống Tây Ninh Tòa thánh để em cháu nơi xa xôi được hưởng những rao giảng mới tinh khôi lấy ra từ tim óc.
Sài gòn thất thủ, cả nước cuống cuồng tan tát, mọi thứ tầy huầy, chúng mình ngồi thở dài nơi nhà Lửa Thiêng tiếc cho những cuốn sách chưa ra đời đã bị xé bán ve chai do chủ nhơn e ngại.
Những tháng ngày trắng đục Thầy không còn được đứng lớp, sinh viên bị nhồi sọ lý thuyết ngoại lai.
Hai năm,
Hai năm dài sáng nghe người bên tê nói dóc, chiều vảnh tai nghe người cùng bọn nhi nhô.
Trường Đại Học Văn Khoa xưa thành trì của văn hóa Cộng Hòa nay thành ổ của những anh Quân Quản hãnh tiến tham ô, súng lục kè kè bên hông muốn làm ông kẹ.
Mình. Bạn và ta tiếc sách quí cùng những tự điển vô tội bị nạn phần thư. Sách cháy ngoài cầu thang như lửa đốt tâm can hai đứa.
Ta bị đuổi về vườn, bạn (may chăng?) được lưu dụng chỉ để làm kiểng không bao giờ cho đứng lớp để nói về những kiến thức ngày xưa, những kiến thức họ không ưa, không hiểu.
Bạn ta gặp nhau để thở dài nín thở qua sông, cố sống sót qua thời hồng hoang ngọc thạch câu phần đợi ngư thư đưa tin tàn quân trở lại.
Bốn năm,
Bốn năm dài mắt mở đau đáu chờ tin vui từ bờ kia của đại dương xa tắp,
Không có gì,
Một tin nhỏ cũng không.
Sài gòn im ắng quá.
Chúng bóp nghẹt vô cùng chắc, những vẫy vùng chẳng có cơ may
Ta thất vọng bơi thuyền nhỏ qua đại dương tới lần thứ n mới thoát.
Tiếc cho bạn chí cốt còn kẹt lại nơi quê nhà.
Sống nơi đất mới ta ủ ê vì thiếu kẻ đồng tâm.
Mừng như bắt được vàng khi nghe tin bạn dẫn ái nữ lội rừng, đi xuyên qua vùng mìn chông, đất của giao tranh Pol Pot, của tiếng đập đầu bụp bụp nửa khuya đến được xứ tự do, với người bạn tâm giao Đào Phú Thọ.
Ta phục bạn gan lì chịu đi vô tử địa tìm đường sống cho ra con người để ngòi bút sau nầy có cơ phát triển,
Và những truyện ngắn về đường bộ, về chuyện tình ở Chang Mai.
Ta may đời bốc được chân dạy học sống cầm hơi,
Bạn qua sau, cứng âm, tiếng Mỹ giọng Parisien, chật vật với những job gọi là tạm bợ, lâm thời.
Buồn chán bạn cúi đầu vào những cuốn sách khó khăn, tiêu hao nhân lực: Tự điển triết học và tập tành làm Lý Trích Tiên ngày đôi ba cử tối thưởng thức một vài ly.
Ta khuyên bạn cử kiêng chỉ nhận được tiếng cười bất cần khinh bạc: Xin cám ơn Bác sĩ, tôi sống theo cách thế của tôi.
Và luận về cái chết rất triết gia khắc kỷ đời xưa:
Cái chết là điều không đáng sợ.
Điều đáng sợ là con người sợ chết.
Điều đáng sợ kế tiếp là sự tham sống của con người.
Biện luận rằng phải được sống thêm để hoàn thành công kia việc nọ.
Tham vật chất, của cải trên đời bao lâu tom góp quơ quào nay phải bỏ hết mà ra đi: Một chút danh thơm và bao nhiêu lời khen, lời kính mến.
Ngay cả cái tên mình bỏ đi cũng rất tiếc.
Bạn ta đã trả lời khúc chiết về cái tận cùng của đời người..
Vấn đề không phải sống bao lâu, chết như thế nào mà là trong thời gian tại thế người đó làm được gì lợi ích cho nhân quần, xã hội.
Vấn đề kế tiếp là chết như thế nào, thoải mái hay đau khổ tinh thần.
Vậy có thơ rằng:

Bạn ta hiểu lẽ tồn sinh/
Quí gì hạt bụi tạo mình nhỏ nhoi /
Trăm năm rồi cũng thế thôi/
Bỏ buông thanh thản khẩy cười ra đi/
Thân hình: chiếc áo dị kỳ
Thời gian tác động biến di hủy tàn/
Kiếp sau áo mới huy hoàng/
Vui cùng vũ trụ hân hoan tiếp đời/
Tử sinh sinh hóa mà thôi/
Đời nào rồi cũng loay hoay vui buồn/