Giới thiệu ngắn gọn một nhà văn: Phi Vân

Sáu mươi năm cuộc đời của Phi Vân Lâm Thế Nhơn (1917 - 11/1/1977) chủ yếu là sinh hoạt báo chí hay nói theo ngôn ngữ thời đó là làm báo. Làm báo giai đoạn hòa bình tạm bợ của VNCH, 1955-1975 là coi sóc một tờ báo của một ông chủ báo nào đó sao cho tờ báo được sống và có lời cho chủ báo trong điều kiện cạnh tranh, áp lực từ phía kiểm duyệt và những đòi hỏi quyền lợi của người viết báo. Ai từng quen biết với Phi Vân sau1950 đều nhận thấy ông là người như không để ý gì đến chuyện văn nghệ, chuyện sáng tác chung quanh, chỉ chú trọng đến việc điều hành hữu hiệu với chức vụ Tổng Thư ký hay Chủ Bút hết báo nọ đến báo kia. Thế mà ông thiệt sự là nhà văn có một chỗ đứng quan trọng trong văn đàn không thể nào phủ nhận được.

Sự kiện đó là nhờ ông viết những truyện ngắn - mà ông khiêm nhường gọi là tiểu thuyết phóng sự - trong quyển Đồng Quê, chỉ cần vài nét chấm phá về sự kiện, chỉ cần cho những câu đối thoại thiệt đặc trưng, ông vẽ cho ta được hoạt cảnh u ám, bất trắc của người dân quê thời người dân sống dưới chế độ Pháp thuộc. Sau đó, khi thời cuộc tạo nên lòng yêu nước của toàn dân, ông có những sáng tác cũng liên quan đến đồng quê nhưng lồng vào đó những vấn đề nóng hổi của thời đại như Tình Quê, Dân Quê, Cô Gái Quê. Ông được mến yêu từ đó.

Ngoài đời Phi Vân là một người cao lớn, vạm vỡ nhưng thiệt hiền hòa, chưa từng làm ai giận hay giận ai. Ông nói với tôi khi hai người gặp nhau ở nhà xuất bản Lửa Thiêng, đường Đinh Tiên Hoàng khoảng 1971: ‘Trời cho mình làm người, do đó chuyện sống thì dễ rồi, nhưng sống ra sao đối với người chung quanh thiệt là khó. Tôi cố gắng sống cho ra con người’. Triết lý sống nầy phải chăng phần nào ảnh hưởng từ dòng máu của tổ tiên, người Trung Hoa sang đây lập nghiệp từ một hai thế kỷ trước?