Để tưởng nhớ nhà văn Bình Nguyên Lộc
XIN ĐƯỢC LẦN CUỐI GỌI BẰNG ANH

Nguyễn Văn Sâm
Nhà văn Bình Nguyên Lộc. (Nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh, Sàigòn, 1973).

Tin tức từ bên nhà loan truyền trong văn giới ở đây nào là nhà văn A qua đời, thi sĩ B tạ thế, ai nghe cũng nao nao tiếc. Giá những vị đó thoát được sang đây, trễ còn hơn không, góp phần vào công cuộc tạo dựng thêm vững mạnh cho nền văn chương hải ngoại. Cuộc sống của họ ở ngoài khung cũi lớn, dầu viết ít nhiều, hay chỉ tham dự vào các sinh hoạt thôi, cũng tăng thêm lòng tin cho hàng ngũ viết lách. Lớp mới vững dạ hơn về con đường lựa chọn khi nhìn lại thành phần kinh nghiệm ngày càng đông đảo, đó là chưa kể họ học hỏi được nhiều qua mạn đàm, thảo luận...

Tâm lý người viết còn ở lại Việt Nam - nhứt là những người cầm bút một, hai chục năm, sự nghiệp đã có, mục đích đã vạch, viết đọc thành nếp sinh hoạt không thể thiếu của cuộc sống - hết sức phức tạp. Tuy hiện diện trên đời nhưng phải xa lìa giấy mực, không làm chủ được đời mình, lại hằng ngày chứng kiến những điều được viết ra có hại cho thế hệ đi sau, bêu rếu dân tộc, sự hiện diện đó, họ đã coi như thừa mứa, cầm bằng như mình đã chết. Họ không khởi từ suy nghiệm tôn giáo, cũng đã trở thành thiền giả, đạt đạo đến dửng dưng với cái chết. Thơ một người bạn thơ còn kẹt lại: bây giờ sống chết cũng vậy thôi. Chết mau hay chết chậm (sống) cũng là chết. Hai đối cực của đời người không lúc nào hòa hợp nhau như lúc này.” Người ta có thể đi đến cùng một quan niệm dầu khởi từ những quan điểm đối nghịch, nhưng nhà văn đi đến hành vi coi thường cuộc đời từ sự kiện bị bắt buộc bỏ bút. Rồi tôi tự an ủi, tự đưa ra lý do để dối lòng bi thương trên giá trị ngang nhau của sự sống và sự chết trong quan điểm những người nằm xuống. Trong những người còn kẹt lại đó có nhà văn Bình Nguyên Lộc, người tôi đã đọc được tác phẩm ngay từ lúc còn ngây thơ giọc nước mỗi khi trời mưa!

Rồi có tin nhà văn Bình Nguyên Lộc được qua Mỹ. Tin này mang đến trong tôi cảm giác nôn nao thân thiết, như tìm thấy quá khứ, như tình cờ lục lại đống giấy tờ cũ, bắt gặp cuốn tập của mình ngày còn học những lớp thiệt nhỏ ở Tiểu học. Một cảm giác thân thương, vui mừng như gặp lại ngay nội tâm của mình khi đọc những tác phẩm của ông từ lâu lâu lắm.

Ông Bình Nguyên Lộc tới Mỹ với tâm trạng của người lớn tuổi, không thích hợp với cuộc sống ở đây, ông cảm thấy cô đơn, ông cảm thấy cần chia sẻ với người viết mới những suy nghĩ và kinh nghiệm của mình, nên ông liên lạc thường xuyên với nhiều người. Thơ từ đến, ông hăng hái trả lời. Điện thoại đến, ông vui vẻ nhận và tìm cách gọi lại. Chúng ta ở nước Mỹ đường xá xa xôi, chỉ có thơ từ và điện thoại, nhưng tôi biết thêm nhiều người xây đắp thêm tình cảm với ông ngoài cảm tình có sẵn vì ông đã là nhà căn của họ trong quá khứ bằng những liên lạc giao tình thân thiết đó.

Tôi giao thiệp với Ông trong khung cảnh như vậy. Ông là một thí dụ tốt về cách đối đãi, về lý tưởng và về mục đích ở đời, về bài học chăm chỉ làm việc vì sự gắn bó tình cảm với con đường đã vạch. Bất cứ một buổi chuyện trò nào, tôi cũng học được ở ông về điều này điều khác, tiếp chuyện với ông luôn luôn với tâm trạng sợ rằng sau này sẽ không còn dịp...

Rồi ông đột ngột từ trần. Một cảm giác bùng vỡ như giữa một bản nhạc êm dịu, người chơi cao hứng khảy ngoài nhịp cố hữu vài âm điệu chói tai, có một sợi dây nào đó bỗng nhiên đứt, xoắn lại rung rung phát ra những âm thanh lạnh người kéo dài, đâm thủng không gian. Những tiếng o-o, vù-vù náo loạn trong đầu tôi khi nhà thơ Ngu Yên đánh thức dậy nửa đêm hớt hơ hớt hải báo tin Rừng Mắm đã vĩnh viễn nằm xuống.

Câu nói của ông với tôi hôm nào, lúc đó nhà văn Vũ Khắc Khoan mất: “Ảnh còn nhỏ hơn tôi” hiện ra tức thời. Tôi nhớ tới cả giọng nói của ông, một giọng nói thật bình thường, bình tĩnh, chân phương, không chút cao điệu - biểu lộ trong tiềm thức sự mừng rỡ nào đó rằng chưa tới phiên ta, cũng không trầm giọng, cảm thức bất lực trước hình bóng lảng vảng của Thần Chết. Giọng ông có tiếc thương đó nhưng ta không tìm được tình cảm gì của ông ẩn sau câu nói.

Một người hơn 70 tuổi, nghe tin bạn mất, buồn cho bạn, nhưng không liên hệ gì hết giữa cái chết của bạn và cái chết của mình chắc chắn sẽ xảy ra trong một tương lai không xa lắm khiến tôi kính phục thái độ tri mệnh. Một hình ảnh Nguyễn Du trước khi chết với mấy tiếng tốt lắm, tốt lắm, một hình ảnh thiền sư đời Lý lúc đọc mấy câu kệ cuối đời!

Tôi còn nhớ mình đã lộng ngôn nói rằng ông còn sống hơn mười năm nữa. Lời an ủi đó có vẻ trẻ con và dư thừa. Ông nghe mà chỉ cười nhẹ. Ông không cần một ảo tưởng, ông không coi chuyện sống chết là quan trọng, ít nhứt là cho riêng ông. Khi người ta đã biết lẽ sống chết, khi người ta đã làm tròn bổn phận với cuộc sống, với chính mình thì đâu có gì quan trọng nữa kể cả sự có mặt thêm một khoảng thời gian trên đời.

Lời an ủi đã trở thành vô duyên mấy tháng sau, vô duyên như lời hứa của tôi đến thăm ông để thực hiện một cuộc phỏng vấn chi tiết về cuộc đời và văn nghiệp của mùa hè trước. Ông đã viết thơ chỉ đường rành rọt, nhưng tôi lại không thực hiện được. Trên một đại lục to rộng như nước Mỹ với cuộc sống trói buộc, bán từng giờ đời mình, hứa hẹn văn chương ít ai có thể làm tròn!

Tôi gởi đến ông tập truyện ngay khi được địa chỉ của ông, và ngày sau tôi gọi điện thoại xin hầu chuyện. Ông cảm ơn liền về quyển sách được tặng. Ông phát biểu về giá trị, về lối viết của tôi, nhiều truyện có vẻ tuỳ bút vì không có câu chuyện. Tôi dạ dạ! Bất đồng ý kiến giữa nhà văn với nhau đã có, huống hồ giữa hai người viết cách nhau quá xa! Điều đáng nói là ông đã phát biểu thành thật và đã đọc kỹ người đi sau.

Ông kịch liệt bác bỏ cách xưng hô bác-cháu viện dẫn trong gia đình văn nghệ tất cả là anh em, gọi nhau là anh tôi ­ cho đúng truyền thống văn nghệ. Bác Cháu với người ngoài đời thôi. Tôi bối rối thiệt tình, tôi chưa đủ chuẩn bị để đón nhận một tầm tay mở rộng như vậy, tôi từ chối với lý do năm nào đó xa xưa lắm tôi và chị M. H., con gái út của ông cùng học một lớp ở Năm Dự Bị Văn Khoa Sàigòn lúc đó còn ở đường Nguyễn Trung Trực.

- Ừ! Sau đó nó đi Mỹ - Ông nói về người bạn đồng song của tôi một lúc rồi cũng trở về vấn đề - Nhưng cái đó cũng không là lý do để kêu bằng bác. Mình kêu nhau bằng anh em cho nó thân mật nhen!

Tôi thích tiếng nhen từ đó. Ông luôn chấm dứt một câu dặn dò bằng tiếng nhen. ”Mình phải viết cho hay nó nhen. Văn Nam kỳ hay lắm nếu mình nắm vững, mình phải khai thác sở trường của mình nhen. Nói không phải chia rẽ Bắc Nam nhưng người miền Nam ít viết văn, và có quan niệm là người mình viết không hay, vậy phải cố gắng viết sao cho hay, cho lột trần được bản sắc nơi mình sinh trưởng nhen. Anh em miền Bắc không hiểu nhiều về thái độ sống của con người mình... Nhiệm vụ mình là trình bày ra cho họ thấy, cho họ biết. Phải khơi dậy cái bản sắc Miền Nam nhen. Phải viết cho bảnh, viết cho chiến nhen! Quanh đi ngảnh lại mình có bao nhiêu người viết đâu. Phải cố gắng nó nhen!”

Tôi không để ý, và cũng không thể nhớ hết những điều ông nói. Tôi nắm cái đại ý phải cố gắng viết, trình bày cái đặc biệt đối với tôi là sở trường: tâm hồn -con người - ngôn ngữ Miền Nam. Tôi thường nghĩ về sở trường của mình và phát triển nó. Viết là điều tiên khởi, nhưng viết như thế nào, ngôn ngữ gì, nói lên điều gì là những điều tôi thường tự vấn mỗi khi muốn xây dựng truyện. Tôi lựa văn phong theo nhân vật, cần đi vào sự khúc mắc dằn vặt, suy tư, tôi dùng các từ chuẩn đang lưu hành, cần không khí bất cần, mộc mạc, tôi dùng những từ đã quen tai nghe, sống lúc nhỏ. Bạn bè khuyên tôi đi vào đường thứ hai, viết giọng Nam sau khi thích một vài truyện viết theo đường lối đó, nhưng thâm tâm tôi không thích: người viết thì dễ viết, người đọc dễ đọc. Tôi muốn có một sự đào xới nội tâm nhân vật, tối muốn người đọc thấy sự u uẩn của tâm hồn bằng phân tích hơn là trực giác. Điều này có thể đúng hoặc sai, nhưng đó là con đường tôi thích và tự chọn. Cho nên ông Bình Nguyên Lộc chỉ làm tôi tìm tòi cốt truyện hợp với văn Nam, những không bỏ hẳn con đường mình đã vạch. Dầu sao cái nhãn đã dán, bạn bè vẫn nhìn mình như người chỉ viết văn Nam. Nhà văn Nguyễn Xuân Hòang khi viết mấy dòng về tiểu sử tác giả “Ngày tháng bồng bềnh” ở bìa sau tập truyện đã thể hiện cái nhìn đó.

Tôi có ý định viết một bài phỏng vấn Bình Nguyên Lộc từ lâu, về những điều nảy ra bất chợt trong trí khi nói chuyện với ông qua điện thoại hay trong thơ trao đổi, nên thỉnh thoảng tôi ghi xuống giấy nội dung ý của ông, và nếu được, một vài từ đặc biệt Bình Nguyên Lộc xài trong lúc nói chuyện.

Một lần tôi xa gần gợi ý với ông rằng viết nhiều như ông trong hiện tại không tốt về mặt nội dung và cả hình thức. Với một nhà văn đã thành danh như ông vấn đề lượng không quan trọng nữa. Ông Bình Nguyên Lộc không tỏ ý giận lại giải thích thiệt từ tốn, như phân trần, thân mật như nói với bạn vong niên:

- Anh em mình nói với nhau nghe nhen, đâu có muốn viết nhiều, viết chậm truyện mới hay, nhưng anh em năn nỉ xin bài quá. Khó từ chối. Già rồi qua đây đâu giúp ích gì được cho con cháu. Viết nhiều vì hòan cảnh bắt buộc thôi. Viết nhiều mà lâu thiệt lâu không thấy truyện nào thiệt bảnh cũng đâu có vui.

Tôi hối hận không phải ở cách đặt vấn đề của mình mà vì giọng nói sao đó của mình có vẻ trách móc khiến ông phải biện giải. Tôi chỉ đứng trên quan điểm của người quý nhà văn, tôi bần tiện như một ông nhà giàu cứ muốn có thêm những số tiền lớn mà quên đi yếu tố thực tế. Chạm đến thực tế ai cũng bất lực. Nhà văn là Thượng Đế đối với nhân vật nhưng chỉ là hòn đất sét trong tay người đời. Ông mới qua, lớn tuổi, không được khoẻ vì bệnh áp huyết. Bà ốm đau. Mặc cảm làm tội tình con cháu. Tôi lảng sang chuyện khác, về Kiều, về ngữ học, về một vài từ rặc ròng Nam, về những nhà văn hải ngoại. Ông góp ý trao đổi, nói cảm tưởng thiệt nhiều nhưng dè dặt khi phê bình tiêu cực những cây viết hiện tại.

Gần cuối lần nói chuyện hôm đó, ông Bình Nguyên Lộc trở về vấn đề tôi đặt ra lúc đầu:

- Tôi viết mỗi tuần 1, 2 truyện, tôi viết mau lâu rồi, viết như Sâm 3, 4 tháng một truyện làm sao sống. Viết mau nhưng mà phải viết tốt, không viết bậy, không viết tục tĩu, cũng có dạy đời đó, cũng có ẩn dụ triết lý hay tâm lý vậy nhưng không có thì giờ nghĩ cho sâu, trau chuốt câu văn cho sáng sủa. Bởi vậy viết hai ba chục bài mới mong thấy được một bài khá. Nói nhỏ Sâm nghe nhen, qua đây tới giờ chỉ mới có 4 bài vừa ý.

Tôi nhắc đến một bài trong Văn, một bài trong Văn học, ông đều phủ nhận, kể cả bài mà đài BBC tuyển đọc năm ngoái “Với cái giá phải chết”.

- Hai bài đó được thôi, nghĩa là khá hơn bao nhiêu bài còn lại chút chút chứ chưa thiệt bảnh. Bốn bài tôi cho là thiệt bảnh ác hại lại được đăng ở các tờ báo ít tay để ý văn học được đọc.

Ông nhắc đến tên truyện đó và các tờ báo, tôi chỉ ghi được xuống giấy một truyện “Người hoả tinh” và một truyện đăng ở một tập san nào đó ở Âu châu, vì định bụng rằng trước sau gì mình cũng sẽ đọc và sẽ được thưởng thức khi ông cho xuất bản tập truyện viết ở Mỹ. Chắc chắn. Nếu ông không yêu cầu thì cũng có nhà xuất bản đề nghị. Lo gì. Anh Bình Nguyên Lộc, tiếc là tôi không ghi chú xuống giấy cẩn thận điều anh nói hôm đó. Tiếc quá! Bây giờ cố moi trí cũng không ra.

Nói chuyện với Bình Nguyên Lộc, tôi thường hỏi để hiểu rõ hơn về ông. Một lần tôi ngỏ ý rằng mình rất thích các truyện ngắn đầy hương vị đồng quê của ông đăng mỗi kỳ 1 truyện trong tạp chí Hương Quê (hay Sáng dội Miền Nam?), Bình Nguyên Lộc cho biết ông ký khế ước với tờ báo nầy 2 năm, đó là tờ báo được tài trợ nhưng họ bảo viết:

  1. Không chống Cộng.
  2. Viết về miền quê, không viết về chuyện thị thành.

Và ông đã dùng những điều đã thấy đã nghe trước đây để cấu tạo truyện. Các truyện này theo ông đã thành công đối với người dân quê. Họ rất thích. Bằng cớ là ba người viết ở mục này trước sau, Bình Nguyên Lộc đã viết lâu nhứt (2 năm) trong khi đó Sơn Nam chỉ viết được 1 năm rưỡi. Triệu Công Minh chỉ được ký có 6 tháng.

- Tuy là viết theo khế ước, nhưng mình được viết tự do. Nói thiệt nhen, nếu mà họ bắt buộc mình viết theo ý họ để mình mất hết tự do thì tôi đâu có cộng tác lâu. Nhà văn, họ đưa ra con đường đại cương mình theo đã là mất tự do rồi.

Tuy vậy được hỏi họ có sửa chữa và từ chối truyện nào không, ông Bình Nguyên Lộc đã nói đại ý là viết về miền quê ông cảm thấy mình viết thiệt tình (ý ông muốn nói không có làm văn chương?)

- Không cảm thấy gượng ép và họ cũng không có ý gì chống, trừ một truyện ngắn viết về phân hoá học, họ có bôi bỏ vài hàng vì nghĩ rằng bất lợi cho việc canh nông lúc đó vốn dùng nhiều phân hoá học. “Nghĩ cũng phải!”.

Tôi thương mấy tiếng đó của ông, thái độ dung dị, khoan hòa biết điều gì thuộc về mình và điều gì thuộc về người. Một thái độ đạt nhân và hiền hòa lắm mới như vậy đối với văn của mình, bị gạt bỏ không vì lý do văn chương!

Được hỏi về các tác giả hải ngoại, Bình Nguyên Lộc tránh né:

- Nói thì tui nói, mình nghe với nhau thôi nhen, viết ra nói ông Bình Nguyên Lộc chê người này người kia thì... không tốt.

Tôi không muốn ghi lại đoạn đó. Riêng về đoạn ông khen, ông nhắc đến hai nhà văn, một nam một nữ:

- Kiệt Tấn viết hay lắm. Truyện “Đêm Cỏ Tuyết” rất xúc động và rất thiệt. Kiệt Tấn chịu khó một chút nữa thì truyện sẽ tuyệt vời, bỏ đi đoạn thằng anh vô làm bậy với cô Tuyết. Truyện phải làm cho độc giả thương nhân vật từ đầu đến cuối, cho nhân vật có cái to, lớn. Chuyện Tuyết không phản đối thằng anh làm cho độc giả hơi mất cảm tình với cô ta, không nổi bật được sự to lớn của Tuyết trong tình yêu.

- Trần Diệu Hằng: Cô này thì tài quá. Truyện nào của cô ta cũng hay, truyện “tầm bậy” của cô ta cũng hay. Chữ tầm bậy tôi hiểu Bình Nguyên Lộc muốn nói đến cốt truyện không có gì đặc sắc, ý tưởng không có gì mới lạ.

Xa hơn, Bình Nguyên Lộc nói thêm Lệ Hằng trước đây, truyện thì tầm bậy nhưng văn quá hay, vì vậy văn – ông muốn nói là tài sử dụng văn, là ngòi bút và ngôn ngữ dùng nói chung- cũng là yếu tố quan trọng như nội dung.

- Marcel Proust: tư tưởng của ông ta không đáng kể nhưng văn thiệt là hay, ông ta là một vĩ nhân, một nhà văn lớn nhứt thế giới, nhờ ở văn của ông một phần chánh.

- Truyện Kiều của chúng ta phần nghệ thuật mới quan trọng chớ tư tưởng tài mệnh tương đố là tư tưởng ai cũng biết, đâu có gì lạ.

- Alphonse Daudet: tư tưởng thủ cựu nhưng văn hay, trái lại Guy Maupassant thì câu chuyện lại hay.

Văn chương nó có cái lạ lắm. Mình đọc của người khác thấy cách dùng chữ bất ngờ của họ hay quá làm mình giựt mình. Chẳng hạn như Nguyễn Du “Nửa năm hương lửa... động lòng bốn phương. Các chữ “động lòng bốn phương” là mình phải ngạc nhiên và thán phục. Ngày xưa người viết có thời giờ gò từng chữ từng câu. Đời nay muốn gò cũng không có thời giờ gò. Bây giờ mọi việc đều phải vội vàng.

Tập truyện Nhốt gió (1951) của Bình Nguyên Lộc tạo thắc mắc trong tôi một thời, (khoảng 1959) khi tôi bắt đầu để ý giai đoạn văn chương tranh đấu ở Nam Bộ khoảng 1945-1950. Nhốt Gió dẫn người đọc đến kết luận có những việc biết khó, không làm được, có vẻ lấp trời vá biển (làm sao nhốt gió lại được) vậy mà người ta vẫn làm. Thái độ không chịu thua hòan cảnh đó liên quan gì đến chuyện lên đường chống Pháp? Truyện “Lò chén chòm sao” đưa độc giả đến nỗi xao xuyến bâng khuâng về một vùng quê hương trong tâm tưởng, cái quên hương lưu thông trong huyết quản ta, có thể ta chưa gặp đó (quê ngoại/quê cha?) nhưng thân thiết vô cùng. Người thợ Minh hương vẽ trang trí trên chén trong một lò hầm chén, một hôm nhớ quê mẹ ở tận phương trời xa nên trút hết lòng nhớ quê trên nét vẽ một chòm sao. Truyện tiên đoán (?) tâm trạng con cháu chúng ta sau nầy bỗng một ngày nào đó ngồi trong xưởng nhớ về đất tổ quê cha chỉ nghe nói nhưng chưa bao giờ đặt chưn tới.

Những tình tự này cổ võ lòng yêu nước chăng? Muốn nhắn nhủ chăng người đọc về một sự dứt bỏ hết những ràng buộc áo cơm để ra đi bảo vệ quê hương, chống nhau với thực dân Pháp lúc đó chăng?

Đặt vấn đề như vậy vì sau 1950 giai đoạn văn chương chống Pháp ở trong Nam đã chấm dứt. Trong giai đoạn nền văn chương nầy cực thịnh (1945-1950) nhà văn viết thẳng, viết rõ, ngụ ý nếu có cũng không xa đến vậy. Điều Bình Nguyên Lộc viết ra là một nỗi lòng, một tình cảm nội tại khác với lòng yêu nước là một tình cảm có được do những chứng kiến chuyện xảy ra bên ngoài cá nhân. Có thể Nhốt Gió là hình thức văn chương chống Pháp biến dạng, tình tự dân tộc được nhắc đến nhưng xa lần những điều được trình bày mấy năm trước đó bởi các nhà văn thời nầy: Vũ Anh Khanh - Lý Văn Sâm,... Một tư trào văn nghệ đã qua, lác đác một vài tác phẩm cuối mùa không nằm trong con đường chánh cũng là điều dễ hiểu. Xét con đường dài viết lách trong toàn bộ sự nghiệp của Bình Nguyên Lộc, tổng quan ta thấy tác giả khai triển một thái độ tâm lý, một cảm giác, một tình cảm. Man mác trong đó đoạn đầu (1950) và cuối (1986) các tình cảm nầy liên hệ xa gần đến dân tộc quê hương nhưng không phải là lời buộc tội bọn đã làm ta mất nước.

Ông không kêu gọi lên đường làm một cái gì, ông không vẽ ra điều xấu của địch. Ông nói về tâm trạng của ta, của dân. Do đó tác phẩm của Bình Nguyên Lộc năm 1950 và năm 1986 đều thuần tuý văn chương. So sánh với văn chương hải ngoại, Bình Nguyên Lộc về ý tưởng nằm gần Mai Thảo, ông không ở lớp chống Cộng như Nhật Tiến, Nguyễn Ngọc Ngạn, Võ Kỳ Điền, Nguyễn Văn Sâm, Đặng Phùng Quân,... ông không ở cực đối nghịch kiểu Mặc Đỗ, Hồ Trường An, Huyền Châu, thời thế chiếm phần quá ít trong tác phẩm. Ta gặp kiểu “Lò chén chùm sao” của Bình Nguyên Lộc ở Mỹ qua “Cái giá phải chết”, thế thôi, một tâm trạng người xa xứ không buộc tội ai, không chế giễu ai, không vạch trần lỗi ai...

Tôi nghĩ nhà văn hải ngoại ai cũng lấy đề tài xa gần từ những hòan cảnh, nghịch cảnh mà chính họ là nhơn vật hay từng chứng kiến để viết, để diển tả tâm trạng của nhơn vật. Nhưng (1). có nhà văn viết và coi như bài viết của mình như một phương tiện đấu tranh chánh trị của người lưu vong. Và (2) những nhà văn coi tác phẩ, của mình như một cách thế diễn tả văn chương.

Mỗi nhà văn một cách viết, một cách chọn đề tài, không có vấn đề đúng sai - về mặt văn chương - của sự lựa chọn nầy.

Từ 1951-1975 Bình Nguyên Lộc vẫn đi theo lộ trình ông vạch sẵn: Mô tả tâm lý người đời, phản ứng con người trước hòan cảnh. Những truyện hay của ông nằm trong dạng đó: Mối tình đầu, Rừng mắm , Ba con cáo, Pí-Bế Hán, Đò dọc,...

Bình Nguyên Lộc viết thật nhiều, nhưng không thành công ở truyện dài. Truyện dài của ông đầy rẫy đối thoại, vết tích còn lại của những truyện đăng báo từng kỳ. Ông lại mắc phải điều hay giải thích nầy nọ để hướng dẫn độc giả (xem Tì vết tâm linh), trong truyện dài ông giải thích quá nhiều lần nên độc giả dễ chán, người ta đọc tưởng mình đọc sách học hơn là đang thưởng thức một tác phẩm. Truyện ngắn của ông thành công hơn, nhưng tỷ số truyện thành công và truyện trung bình quá nhỏ có lẽ vì ông viết mau và chủ trương viết nhiều. Tập “Tâm trạng hồng” có nhiều truyện ý hay không kém Ba con cáo, Rừng mắm nhưng đã bị đi vào lãng quên vì văn bình thường và nhiều dẫn giải lê thê.

Một đời người viết văn để lại vài ba truyện trở thành cổ điển, tôi cho rằng như vậy là được rồi, lâu đài văn học không phải một vài người mà xây được. Mỗi người góp phần mình vài ba hòn đá, vài ba viên gạch. Điều quan yếu là cái tình của người viết với văn chương, coi chuyện viết, chuyện đọc là lẽ sống, là con đường mình chịu và nhứt quyết theo đuổi. Bình Nguyên Lộc để lại cho chúng ta độ 10 truyện ngắn tới, nhưng thái độ sống của ông đã là tấm gương sáng cho tôi.

Trả lời một thắc mắc của tôi về đời sống thực tế và chuyện viết văn, ông đã nói, thật chân thành:

- Tui nói anh nghe nhen. Biết rằng không ai có thể trở lại cuộc đời mình lần nữa, nhưng mà nếu làm được chuyện đó, tôi vẫn chọn viết văn. Tôi biết anh còn trẻ nên băn khoăn về tương lai. Làm gì làm nhen, cũng không nên bỏ chuyện viết văn.

Vâng thưa anh Bình Nguyên Lộc, biết rằng Anh đã là người của văn học, của lịch sử Việt Nam, nhưng xin được một lần chót gọi bằng Anh, tôi xin thưa: “Làm gì thì làm tôi cũng không bỏ chuyện viết văn. Khi nào buồn chán tôi sẽ nhìn lại Anh như là một gương sáng, viết cho đến ngày chót đời mình”.