Đến với Sơn Khanh một giờ

Người làm văn nghệ sau 1950 ít người biết đến nhà văn Sơn Khanh. Lý do vì sau 1950 ông gần như giã từ việc viết lách văn nghệ để đi vào cuộc sống chuyên môn và chánh trị. Như Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy ít được biết đến như nhà thơ Đằng Phương. Luật sư Nguyễn Văn Lộc chỉ biết đến như một chính trị gia từng làm chủ tịch Hội Đồng Dân Quân, Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa, Viện Trưởng Viện Đại Học Cao Đài, nhưng ít ai biết đến như một nhà văn nhà thơ có tác phẩm ảnh hưởng một thời. Lý do vì giai đoạn sinh hoạt văn nghệ của ông quá ngắn và sự nghiệp chánh trị của ông quá nổi bật. Thế những tác phẩm của ông đã có, đã gây được tiếng vang lúc xuất hiện vì vậy không ai có thể phủ nhận được. Tại sao ông viết, tại sao ông ngưng viết, quan niệm của ông về viết lách những điều hiểu biết của ông về những người cầm bút đồng thời với ông cung cấp cho chúng ta những dữ kiện tốt để tìm hiểu về nhà văn Việt Nam và về văn học Việt Nam. Cuộc phỏng vấn của toà soạn Giao Chỉ nằm trong chiều hướng đó.

Cũng nên nhắc lại Sơn Khanh thuộc lớp nhà văn trong Nam. Ở thành, đóng góp tác phẩm của mình như một cách thế góp phần chống thực dân Pháp theo đường lối khác với người Cộng sản đồng thời, chống Pháp vì sự cần thiết phải lật đổ chế độ thực dân đang đè đầu dân tộc Việt chớ không vì ý thức giai cấp đấu tranh, đại đồng, ý thức hệ…

Ông góp phần mình bằng việc lập nhà xuất bản Sống Chung bằng ba truyện dài:
  • Giai Cấp (1949)
  • Tàn Binh (1949)
  • Loạn (1950)
Đó là chưa kể tập thơ Tiếng Lòng (1942) góp mặt rất sớm vào trường phái thi ca lãng mạn tiền chiến và truyện dài Nước Độc (1972) xuất hiện trễ tràng vì hoàn cảnh và vì sự kiểm duyệt khó khăn của giai đoạn tác phẩm này hoàn thành.

Trong 5, 6 nhà văn Nam Bộ viết văn chống Pháp có thế giá thời ấy như Vũ Anh Khanh – Lý Văn Sâm – Dương Tử Giang – Hồ Hữu Tường – Thẩm Thệ Hà – Sơn Khanh thì Sơn Khanh là người độc nhất có mặt với chúng ta ở hải ngoại này. Đó cũng là một điều cho chúng ta trân trọng về những gì Sơn Khanh phát biểu.

Nguyễn Văn Sâm

________


Giao Chỉ: Xin anh cho biết sơ lược về những hoạt động văn nghệ của anh.

Sơn Khanh: Tôi bắt đầu làm báo lúc học lớp nhất ở trường tỉnh Trà Vinh. Tôi làm một tờ báo viết tay tên là Đường Mới, một tờ nguyệt san lưu hành trong nội bộ học sinh của trường. Ngoài ra lúc đó trong trường còn có các tờ khác, một của anh Trần Minh, bút hiệu lúc đó là Nguyễn Duy Hinh, sau này là Cổ Việt Tử, một tờ khác nữa của thi sĩ Khổng Dương.

Đó chỉ là tập sự làm báo lúc còn quá trẻ.

Khi qua trung học Cần Thơ, tôi có thực hiện một tờ nguyệt san, viết tay khác, in xu xoa, của anh em trong trường. Ngoài ra còn gửi bài cho tờ Dân Báo ở Sài Gòn, tôi viết về kịch ảnh chớ không viết những chuyện lớn.

Trong thời gian đi kháng chiến tôi có trông coi một vài tờ báo của cơ quan.

Khi về Sài Gòn, ở chung một nhà với anh Dương Tử Giang, anh này viết cho nhiều tờ báo lúc đó. Tôi, theo sự thúc đẩy của anh Giang gia nhập vào chuyện viết lách thật sự - viết tiểu thuyết.

Sau đó vì bị theo dõi quá vì chuyện đã có thời gian theo kháng chiến của mình, nên tôi phải qua Pháp. Để dùng thì giờ cho hữu ích, tôi theo học luật ở đây và đậu cử nhân luật năm 1955.

Thấy T.T. Ngô Đình Diệm lúc này đã dẹp xong những phe nhóm chính trị, tôi về lại Việt Nam nghĩ rằng làm luật sư một thời gian xem sao…

Giao Chỉ: Trong khoảng thời gian anh quen biết Dương Tử Giang, anh cho biết Dương Tử Giang có khuynh hướng Cộng sản nhiều hay không?

Sơn Khanh: Anh Dương Tử Giang thật ra không phải là Cộng sản, nhưng thời đó đấu tranh, Cộng sản là nòng cốt thành ra dần dần họ đẩy anh em khác vào trong khuôn khổ của họ.

Giao Chỉ: Anh có nhận chỉ thị từ bên trong lúc viết hay không và những người viết có nhận được hay không hay chỉ viết theo làng mà thôi.

Sơn Khanh: Anh em viết cứ viết chứ không theo đường hướng gì hết. Nhưng sau khi hai anh Đinh Xuân Tiếu và Nam Quốc Cang bị ám sát chết, sau khi dự đám tang ở Gò Vấp trở về, chúng tôi có họp tại một quán ăn ở Phú Nhuận. Các anh Phi Vân – Chúc Tri và một số khác bàn luận việc viết phải theo chiều hướng khơi động việc tranh đấu của nhân dân để chống thực dân Pháp.

Lần họp quan trọng sau đó ở nhà kiếng của Trần Quốc Bửu, anh em bàn luận về cách viết thế nào, lúc đó không có gì rõ ràng là phải viết theo khuynh hướng Cộng sản hết. Về sau có sự thành hình một số nhà xuất bản.

Nhà xuất bản Nam Việt do Đinh Xuân Hòa, trụ cột là mấy anh Tam Ích, Thiên Gian – Thê Húc – Mai Văn Bộ.

Nhà xuất bản do anh Nam Cường chủ trương tức nhà xuất bản Tân Việt Nam, có các anh Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà.

Nhà Xuất bản Sống Chung của tôi chủ trương: in các tác phẩm của Lý Văn Sâm – Hồ Hữu Tường và Sơn Khanh.

Của Hồ Hữu Tường tôi in được bộ Gái Nước Nam Là Gì Ngàn Năm Một Thuở - tức Phi Lạc Sang Tầu.

Khi xin phép in cuốn Phi Lạc Sang Nga thì bị theo dõi quá, tôi sang Pháp. Sau này quyển này in ở Pháp.

Giao Chỉ: Anh có thấy tình cảm anh em, tình cảm bạn bè của Lý Văn Sâm với anh, sau một khoảng thời gian xa cách, gặp lại sau 1975 có gì thay đổi không?

Sơn Khanh: Trên mặt tình cảm chỉ như trước nhưng đường lối chính trị thì ở vị trí khác nhau. Tôi có hỏi: Sách của anh đã xuất bản anh ấy thấy như thế nào. Lý Văn Sâm trả lời có nhiều chỗ “anh em ngoài đó” không đồng ý nhưng tôi, Lý Văn Sâm không muốn viết lại, cho nên cứ để như vậy thôi, (không sửa) không xuất bản lại.

Giao Chỉ: Trường Trung học Cần Thơ có sinh hoạt văn nghệ nào lúc anh đang học? Có những vấn đề chống Pháp đặt ra hay không?

Sơn Khanh: Lúc đó báo chí trong trường có các tờ báo của Lý Thanh Thân (em của Lý Thanh Cần): cổ võ đi theo phe đệ tứ quốc tế của Tạ Thu Thâu, thần tượng của anh. Tờ của tôi chỉ làm văn nghệ theo tình trạng anh em trong trường mà thôi, chớ không muốn vượt khỏi đó đi về phía chính trị.

Giao Chỉ: Nhà xuất bản Sống Chung xuất bản sách của Lý Văn Sâm và Hồ Hữu Tường, hai xu hướng chánh trị khác nhau rõ rệt. Anh em ở trong nhà xuất bản có ý kiến gì phản đối hay không về chuyện này?

Sơn Khanh: Lý Văn Sâm là người quốc gia lúc ban đầu, không có khuynh hướng gì Cộng sản hết. Chính Tam Ích luôn luôn chê Lý Văn Sâm là loại thanh niên bê tha không định hướng. Tam Ích lúc nãy chịu ảnh hưởng của Bách Việt.

Trong thời gian kháng chiến, tại Miền Tây tôi có coi: Tờ Dân Nguyện, tuần báo, ra được 4,5 số, khi Tây tới tôi phải di chuyển cũng khắp các tỉnh ở Miền Tây.

Tôi còn làm Chủ bút tờ báo khác nữa tờ Việt Minh, Chủ nhiệm là Hồ Bá Phúc, sau một thời gian, xuất bản độ mười mấy số, lúc này có áp lực của Đảng có kêu tôi và anh Phúc lên Tổng Hành Dinh ở Khu 9 và nói với chúng tôi:

- Nhiệm vụ tuyên truyền của các anh đã hết.

- Đã đến lúc phải chú trọng hơn công việc kháng chiến nên tờ báo phải tổ chức lại nhằm về kháng chiến hơn tuyên truyền. Vũ Đức giao tờ Việt Minh lại cho Ngô Sĩ Hùng, một cán bộ Cộng sản từ Côn Đảo trở về, Ngô Sĩ Hùng lúc đó đang làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Giết Giặc.

Giao Chỉ: Lúc đó đã có Đề Cương Văn Hóa của Trường Chinh rồi anh có nhớ rằng họ có tuyên truyền đề cương văn hóa hay chỉ thị của họ hay không?

Sơn Khanh: Không có rõ ràng. Chỉ là những thảo luận giữa anh em trong tờ báo để được viết theo một đường lối chung. Đó không phải là sự chỉ huy mà chỉ là sự thảo luận. Tôi cho rằng nếu có chỉ thị thì anh em sẽ bất mãn.

Giao Chỉ: Anh em chịu ảnh hưởng lẫn nhau hay vì cảm hứng trước thời thế, trước xã hội mà có những tác phẩm lúc đó, như cuốn Giai Cấp của anh chẳng hạn.

Sơn Khanh: Tùy theo sự suy nghĩ của mỗi người. Có những lời khuyên răn của anh em, nhưng cũng tùy theo mỗi người.

Riêng tôi, không theo họ ráo riết, bằng cớ là tôi đã trở về, trở về vì bịnh mà cũng là lý do để tôi trở về. Thêm vào đó họ muốn mưu làm cái gì chặt chẽ là điều tôi không thể chịu được. Muốn chống Pháp để giành độc lập lại thôi còn xây dựng một con đường theo Cộng sản là điều tôi không muốn.

Giao Chỉ: Tác phẩm đầu của anh ở 1942, giai đoạn đó Tự Lực Văn Đoàn vẫn còn ảnh hưởng ở Bắc. Có sự trao đổi gì giữa anh em văn nghệ trong Nam và văn nghệ ngoài Bắc?

Sơn Khanh: Có nhiều anh em thường họp thảo luận phải viết như thế nào do sự đề xướng của các anh Lê Trang Kiều – Tam Ích.

Nhưng nói chung anh nào muốn viết gì thì viết, chỉ tôn trọng đường lối chung là chống Pháp để giành độc lập mà thôi.

Giao Chỉ: Khi sáng tác tập thơ Tiếng Lòng (1942), anh có nghe nói gì về văn chương Miền Bắc, Tự Lực Văn Đoàn hay có chịu ảnh hưởng của Tự Lực Văn Đoàn không?

Sơn Khanh: Chịu ảnh hưởng rất nhiều Tự Lực Văn Đoàn – vì lúc đó trong Nam chỉ đọc các tác phẩm ở Miền Bắc như các tạp chí Phong Hóa, Ngày Nay, các tiểu thuyết của Lê Văn Trương, Phổ Thông bán nguyệt san…

Giao Chỉ: Trong khoảng 1944-1946 ở Hà Nội đã có sự phân ranh giới một cách rõ rệt chẳng hạn như Khái Hưng – Hoàng Đạo có cơ quan của Quốc Dân Đảng viết báo chống Việt Minh, trong Nam tình trạng đó có không?

Sơn Khanh: Không. Bởi vì anh em viết văn thấy đối thủ chánh của mình là Pháp còn chuyện Việt Minh là chuyện xây dựng đất nước sẽ tính sau. Bây giờ dồn hết nỗ lực chống Pháp. Thành ra nhiều khi ta thấy có những người cộng sản muốn áp đặt khuynh hướng của họ nhưng anh em trong Nam không theo, họ kháng chiến vì chống Pháp mà thôi.

Giao Chỉ: 1945-1954 có năm nào là cao độ của trào lưu văn chương chống Pháp?

Sơn Khanh: 1956-1950 là thời gian cao độ. Lúc tôi sang Pháp, thì mấy anh em văn nghệ lúc đó như Dương Tử Giang, Lý Văn Sâm, Vũ Anh Khanh bỏ đi vô Khu hết.

Giao Chỉ: Lúc anh làm báo viết tay thì làm sao phổ biến?

Sơn Khanh: Vài ba bản, do các anh em có hoa tay viết vẽ chép lại. để cho khỏi rách, dơ, chúng tôi lấy đèn cầy sáptrét lên. Phương tiện như vậy vì lúc đó chúng tôi còn đi học.

Giao Chỉ: Tác phẩm chót nhất của anh là…

Sơn Khanh: “Nước Độc”, tác phẩm này vẫn là ở trong thời gian 46-50 phải sửa tựa lại ba lần mà vẫn không xuất bản được. Sau này 1971 nhà Nam Cương mới cho in được.

Giao Chỉ: Tương lai anh định viết lại hay không?

Sơn Khanh: Tôi thấy mình nên làm chuyện gì thực tế hơn. Ta làm sao chống Cộng cho người Quốc gia đương trở lại Việt Nam. Tôi thỉnh thoảng vẫn viết nhưng mà là những lên tiếng khi anh em cần chứ không chuyên chú vào chuyện viết lách văn nghệ nữa. Gần đây tôi bắt đầu viết hồi ký từ Đệ Nhị Cộng Hòa về sau kể cả thời gian bị cầm tù ở Bắc và chuyện vượt thoát của tôi.

Giao Chỉ: Trong Thơ Mùa Giải Phóng của anh xuất bản có vài nhà văn phụ nữ ở Bắc, anh có thấy trong Nam lúc đó có nhà văn nữ nào viết theo khuynh hướng tranh đấu hay không?

Sơn Khanh: Lúc đó có một vài vị như Mộng Tuyết, chịu ảnh hưởng của Đông Hồ nên không phải thuộc loại nhà văn viết tranh đấu. Ngoài ra chị Ái Lan, vợ của Ngô Công Minh có tập thơ Trên Đường có cảm hứng đấu tranh.

Giao Chỉ: Cộng sản phủ nhận những nhà văn tranh đấu trong thành từ 1950-1954, theo anh, ta có làm cách gì để phục hồi lại hay không?

Sơn Khanh:
Cộng sản đã làm chủ nước nhà, anh em đã di tản mất hết. Ta không có hoàn cảnh để làm.

Giao Chỉ: Sau 1954 anh có theo dõi các cuộc sinh hoạt văn nghệ không? Anh có thấy sự khác biệt, sự chuyển biến văn chương của thời sau 1954 và thời gian trường đó hay không?

Sơn Khanh: Tôi không theo dõi tường tận như các anh. Nhưng tôi nghĩ sau 1954 các anh em ở ngoài Bắc vào đã sinh đẻ một nền văn chương mới ở trong Nam. Thật ra là vì sau này bận bịu cuộc sống nên không còn chuyên về văn nghệ nữa. Anh em văn nghệ tôi có thỉnh thoảng gặp nhưng không biết rõ nhựng hoạt động của họ.

Giao Chỉ: Anh có gặp Thanh Nam và anh có biết Thanh Nam không?

Sơn Khanh: Không. Tôi cũng không biết anh Thanh Nam lúc làm văn nghệ tranh đấu.

Giao Chỉ: Lúc đó sách vở in ra có bị kiểm duyệt không?

Sơn Khanh: Kiểm duyệt nặng lắm, nhưng may là anh phụ trách kiểm duyệt là anh em nhà nên khi cần anh ta báo cho biết đoạn nào phải viết lại. Tuy vậy anh ta cũng giữ phận vụ mình nên mới có chuyện sách in ra lại bị lỗ chỗ. Riêng cuốn Loạn của tôi bị bỏ mất m ấy chương.

Giao Chỉ: Lúc trước anh ở nhà viết văn chương chống Pháp để mong cứu vãn dân tộc Việt Nam, lúc này chúng tôi ở hải ngoại viết văn chương chống cộng cũng mong cứu vãn dân tộc Việt Nam. Anh có thấy cái giống nhau giữa hai chuyện này?

Sơn Khanh: Khác. Anh viết chống Cộng mà không bị áp lực gì hết. Thời đó chúng tôi phải nương lắm, nếu không thì không có quyển nào xuất bản được.

Phải nói lấp lửng để nó (Pháp) cho xuất bản. Thành thử có thể nói là phần đông dưới cặp mắt của người Cộng sản.

Giao Chỉ: Sau năm 1954 anh có thấy Hồ Hữu Tường và Tam Ích có chuyển hướng trong tư tưởng hay không? Chuyện từ bỏ hệ thống tư tưởng Mac-xit chẳng hạn.

Sơn Khanh: Hồ Hữu Tường thì có, lúc anh Tường ở Pháp 1949 có gửi cho tôi một bài tựa là “Tu trong tù” anh viết cho số Xuân của nhà in Sống Chung. Anh Tường đưa ra đường hướng hơi tự do…

Giao Chỉ: Anh cho biết vài chi tiết về thi sĩ Hoàng Tố Nguyên.

Sơn Khanh: Lúc ở trong tù ngoài Bắc, tụi Cộng sản có cho phát thanh một bài về Hoàng Tố Nguyên, lúc Hoàng Tố Nguyên chết, cho anh em trong tù nghe.

Hoàng Tố Nguyên, thơ hay nhưng tôi không có. Bài thơ Hoàng Tố Nguyên do Lý Văn Sâm đưa lại khi tôi cho in tập Thơ Mùa Giải Phóng.

Giao Chỉ: Bài Ngậm Ngùi của Thâm Tâm ít người biết đến, trường hợp nào anh có để đăng trong tập Thơ Mùa Giải Phóng?

Sơn Khanh: Bài thơ của Thâm Tâm do Trúc Khanh đưa cho tôi. Sau đó tôi không gặp Trúc Khanh nữa.

Giao Chỉ: Hoàng Tố Nguyên là ngườ độc nhất khoảng 1945-1950 được Cộng sản nói đến trong các quyển văn học sử của họ. Anh cho độc giả Giao Chỉ biết thêm về con người đặc biệt này.

Sơn Khanh: Hoàng Tố Nguyên tôi không gặp, tôi chỉ biết anh ta là người Bắc, quê đó chớ không biết gì hơn.

Có thể chuyện anh vừa nói (độc nhất là người được Cộng sản cho vào văn học) do Hoàng Tố Nguyên là người của đảng. Nhưng chắc rằng Hoàng Tố Nguyên theo kháng chiến rất sớm.