Nguyễn Xuân Hoàng, nhà văn lững thững trong đời

Chúng tôi quen nhau khi cả hai cùng dạy môn Triết ở năm cuối Trung học tại trường Petrus Ký Sàigòn cuối thập niên 1960. Ngoài giờ dạy, Hoàng ít xuất hiện ở trường, anh bận bịu lo chuyện bài vở cho tờ tạp chí Văn của Nguyễn Đình Vượng ở đường Phạm Ngũ Lão, anh dạy tư nhiều nơi. Tôi rảnh rang hơn vì ngoài giờ dạy chẳng làm gì khác hơn là lo cho xong cái Cao Học mà cha Thanh Lãng luôn hối thúc phải hoàn thành. Thỉnh thoảng lái xe vô trường, ghé phòng Giáo Sư kiếm người đánh cờ tướng, tôi gặp Hoàng loáng thoáng giữa những giờ đổi lớp. Chúng tôi chào nhau, thân thiện nhưng không thân thiết.

Rồi cả lứa chúng tôi cùng đi thụ huấn quân sự chín tuần ở Quang Trung dành cho Giáo chức cấp 3, khóa 6/68 DBTĐ. Nơi đây tôi có dịp gặp Hoàng thường xuyên hơn, cũng chỉ mầy tao chuyện quân trường mà chẳng nói gì đến văn chương chữ nghĩa. Hoàng có nhiều bạn, anh có vẻ được đồng nghiệp nể trọng và thích kết thân dầu anh ít nói. Tướng cao, ốm, đẹp trai, tóc dầy bồng bềnh, anh có dáng của một nghệ sĩ với nét mặt lúc nào cũng như đăm chiêu lo lắng, có khi ngồi bên nhau cả bọn chục đứa, tôi ít nghe Hoàng nói, vậy mà sao bạn bè vẫn thích. Có lẽ từ thái độ tự tin của anh trong lời nói, trong cử chỉ vung tay hay cả trong thái độ dứt khoát đứng dậy trước, bước ra khỏi sự ồn ào của nhóm.

Sau thời gian thụ huấn quân sự, chúng tôi gần gũi nhau hơn. Thỉnh thoảng có ghé nhà Hoàng rút canh xì phé còm giữa những đồng nghiệp cùng lứa tuổi. Vài lần bạn bè rủ rê vào quán La Pagode, để nghe những nhà văn thời thượng lúc đó bàn tán chuyện văn chương Tây phương hay tình hình văn học Sàigòn. Tôi nghe mà không thấm về văn chương đương thời vì còn mãi mê với chuyện văn chương Nam Bộ 1945-1954, nên chuyện bàn luận ở đây chỉ vào tai nầy lọt qua tai kia. Công việc viết lách của Hoàng và các bạn văn buổi đó tôi đón nhận trong lơ đãng, hờ hững hờ…

*
*    *

Chúng tôi ít liên lạc từ khi tôi đổi đi trường khác. Mãi cho đến tháng tư đen quốc nạn đổ lên đầu dân Việt, bạn bè tứ tán lao đao. Trong thời xa cách đó, thỉnh thoảng tôi theo Đặng Phùng Quân đến La Pagode, thấy Hoàng đã ngồi đó với nhiều người, chỉ trao đổi bâng quơ “mầy lúc nầy khỏe không, thầy đồ Nho?” Tôi được gọi là Đồ Nho để phân biệt với các bạn văn trong nhóm của Hoàng là Đồ Tây như Huỳnh Phan Anh, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Quốc Trụ, Hoàng Ngọc Biên, và có thể thêm Nguyễn Đình Toàn. Những nhà văn đương làm mưa làm gió trên văn đàn Sàigòn lúc đó với phong cách văn chương mới theo kiểu viết của nouveaux romans hay anti roman. Họ viết với nhiều đoạn phân tích nội tâm thiệt tỉ mỉ, câu văn phá cách, không cần theo văn phạm thường, nhân vật đi vào chiều sâu tâm hồn, những sinh hoạt, hành vi của nhân vật chỉ là thứ yếu.

Tôi xa lạ với loại văn chương nầy, nói rõ hơn là tôi không thấu đáo nó nên không mấy thích khi thưởng thức, nói gì đến sáng tác kiểu đó. Và tôi đứng ngoài việc sáng tác văn nghệ, chỉ quan sát bạn bè mình vẫy vùng với bút mực. Hoàng ở trong nhóm đó trong một chừng mực nhứt định. Anh được sự chú ý của người đọc dầu viết ít, được coi là một tác giả thông minh, có chiều sâu tư tưởng.

Thời cuộc đẩy chúng tôi đi xa hơn vào dòng xoáy đảo điên của đất nước, tôi vượt biên qua Mỹ và Hoàng cũng lững thững sau đó vài năm, định cư ở miền Đông với gia đình, tôi gởi thơ chia vui với bạn và mách nước người viết như Hoàng nên đến vùng Sàigòn Nhỏ của CA, nơi đó anh sẽ có dịp phát triển tài năng bằng viết lách hay làm việc liên quan xa gần đến báo chí. Và bạn tôi đã về làm việc suốt thời gian dài cho công ty Người Việt, một thời gian mà sau nầy tôi nghĩ là uổng phí đối với một nhà văn vì phải bận bịu những chuyện chuyên môn ngoài văn chương. Thời gian nầy Hoàng chẳng in được bao nhiêu quyển. Tâm sự với tôi, Hoàng cũng tỏ ra là tiếc mình bỏ lỡ đi những tháng ngày đáng lẽ nên viết vì còn nhiều sức sáng tạo. Bây giờ thì hết rồi. Tao muốn buông thả hết mọi chuyện, kể cả đời sống nầy.

Câu nói như tiếng thở dài, tôi nghe mà thương bạn quá. Tôi không hiểu tại sao bạn mình lại thả dốc nhanh đến như vậy? Tôi hỏi gặng “Chán đời à?” Không, tao vẫn vậy, vẫn sống và làm việc của đời, nhưng không coi trọng cái đời của mình, chẳng quí nó nữa”. Anh hờ hững nhấn mạnh. Nếu bây giờ ngã ra chết liền, tao vẫn không có gì phàn nàn, không tiếc rằng đã bỏ cuộc đời quá sớm. Đời sống có những cái kỳ hoặc của nó. Giải quyết cách nào cũng làm cho mình đau lòng vì không bao giờ mình vừa ý.” Hình như Hoàng triết lý ngay cả trong đời sống thường nhật. Và rất nhạy cảm. Tôi nhìn dáng đi của anh, lững thững, nhận ra ngay được trong đám đông với cái áo thun và quần Jean xanh muôn thuở.

Nhìn mái tóc bạc trắng của bạn gần đây, bạc như những nhà hiền triết nhưng vẫn còn bồng bềnh như một nghệ sĩ, dáng gầy gò hơn trong chiếc ghế rộng thinh, tôi cảm giác Hoàng cô đơn ngay với chính mình!

Trong một truyện ngắn mới đây, truyện Vô Đề, in trong tập “Quê Hương Vụn Vỡ” tôi đã lấy hình ảnh và những phát biểu của Hoàng, nhào nặn với hình ảnh một nhà văn khác để tạo nên nhân vật Ngữ. Thế giới chung quanh cung cấp cho ta muôn ngàn hình ảnh, nhà văn nào dùng nó nên cám ơn đời và cám ơn nhân vật cụ thể đã cho ta chi tiết đó.

Trong số năm mươi truyện ngắn của tôi chỉ có một truyện viết cách nay hơn hai mươi năm tôi có lời đề tặng ba người bạn mình là Đặng Phùng Quân, Viên Linh, Nguyễn Xuân Hoàng. Những người bạn văn thân thiết cho tôi tấm gương đã đi hết đời mình với văn chương. Với sự chân thành tha thiết, không lợi dụng văn chương, coi nó là phương tiện áo cơm, buông thả.

Truyện của Hoàng khó đọc, ta không thể nuốt trơn tru một mạch như những tác phẩm lem nhem, làm bội thực người đọc. Các nhân vật tiêu biểu trong ngòi viết của anh cũng khó mà nhận dạng được ở ngoài đời. Đó là những con người lững thững như tác giả của nó, đứng trong đời nhưng bất cần đời, giải quyết những vấn đề coi như thiệt là quan trọng nhưng với cử chỉ hững hờ, như bất cần…

*
*    *

Tác phẩm văn chương lúc nào cũng nằm một trong hai đối cực: loại khó nuốt và loại dễ tiêu. Loại dễ tiêu thường xuyên được đương thời nhắc đến, luôn luôn là đa số, kể về độc giả lẫn số lượng in ấn.

Nhưng loại khó nuốt bao lâu nay được giới nghiên cứu coi chính nó là tác nhân của sự tiến bộ văn hóa của dân tộc.

Bạn tôi là cây viết loại đó. Viết với thái độ nghiêm chỉnh thận trọng, nhưng với tâm trạng lững thững, như anh đã lững thững trong cõi đời…