Vài cảm nghĩ về Đông Hồ

1. Có những người ở cạnh nhà mình một thời gian dài mà ta không có duyên để được chuyện trò. Có những người ta biết tiếng nhiều, nếu được đối mặt là một hân hạnh vậy mà ta nay lần mai lữa để cho cơ hội đi qua. Tôi tiếc thương cho thi sĩ Đông Hồ khi nghe ông mất, tôi tiếc cho mình đã thiếu một điều trong đời là hội kiến với nhà thơ nổi tiếng này khi ông còn sinh thời.

Độ bốn mươi năm trước, lúc còn là một học sinh bé nhỏ ở trường tiểu học Trương Minh Ký Sài Gòn (sau này là trường Nguyễn Thái Học) ở đường Kitchener tôi thường tò mò vào nhà sách Yiểm-Yiểm thư trang đối diện với trường để đọc ké những cuốn sách lúc đó tôi thích mà không có tiền mua, mấy tập truyện của Lý Văn Sâm, Vũ Anh Khanh, cuốn Truyện Cổ Việt Nam của Giáo sư Nguyễn Duy Oanh, cuốn Việt Nam Văn hóa Sử cương của Đào Duy Anh…, một ông già mặc áo đài khăn đống rất ư cổ kính loáng thoáng trong căn phòng chưng nhiều liễn, câu đối viết chữ Việt bằng bút lông luôn luôn là kích thích tố mời gọi tôi với một tâm trạng vừa kính sợ vừa muốn ngắm nhìn. Tôi như quen với hình ảnh ông trong hai năm ở trường tiểu học nọ và cũng làm quen với nền văn chương tranh đấu chống Pháp trong khoảng thời gian này.

Sau này, khi thi đậu vào trường Pétrus Ký, biết về nhà thơ Đông Hồ, đã có bài trong Nam Phong tạp chí, được đọc bài thơ Khóc Vợ, được thưởng thức bài thơ Mua Áo của ông, trong đó tình cảm, tính chất lãng mạn tràn đầy trong từng chữ một khiến tôi một thời muốn được ông vuốt đầu chỉ cách làm thơ! Nhưng khi đọc bài thơ của ông trong tuyển tập Thơ Mùa Giải Phóng, do nhà văn Sơn Khanh lúc đó thực hiện, ký Đại Ẩn Am, một đứa bạn lớn tuổi, cùng trường mách, tôi mất đi tình cảm kính phục, gần gũi ngày trước. Có lẽ tôi đã biến chuyển theo thời gian, có thể bài thơ của ông không làm rung động được hồn tôi bằng bài thơ của bà Mộng Tuyết cùng tập, bài thơ Chữ Thập Hồng, ký dưới bút hiệu Bân Bân nữ sĩ hay Tha La của Vũ Anh Khanh hoặc Vọng Hướng Sao Rơi của Hoàng Tố Nguyên… Có thể thơ xa gần tranh đấu, mặc dầu chỉ là hơi hướm của thời thế, không phù hợp với tâm hồn họ Lâm, có thể mức cảm chưa đến, nhà thơ chưa đưa người đọc đến sự rung động sâu xa, có thể có những lý do khác… Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa biết rằng, suốt trong khoảng thời gian Trung học và Đại học, tôi gần như quên đi nhà thơ hiền hòa của xứ Hà Tiên này. Ông hiện diện, ông hoạt động văn hóa, ông làm thơ, viết sách, tôi chỉ loáng thoáng nhớ đến hình ảnh ông ở nhà sách Yiểm-Yiểm thư trang và bài thơ Mua Áo, nhưng không bao giờ có ý muốn đến gặp…

2. Năm nào đó, khoảng 70-72, Trung tâm Văn Bút Việt Nam có mở một cuộc diễn thuyết thật long trọng về thi sĩ Đông Hồ ở trụ sở đường Đoàn Thị Điểm, diễn giả gồm tất cả tám người, có L.M Thanh Lãng, Giáo sư Phạm Việt Tuyền, thi sĩ Vũ Hoàng Chương, kịch tác gia Vi Huyền Đắc… mấy vị nữa và tôi, lúc đó đang phụ trách vài giảng khóa ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Tôi nhập đề bằng cách nhắc lại Đông Hồ được biết đến như một người làm thơ khóc vợ trên báo Nam Phong, như một người viết biên khảo về chuyện cầu cơ, nhưng ít ai nhắc đến Đông Hồ như người đã công bố với học giới lần đầu tiên tác phẩm của một tác gia thật quan trọng của nền văn học đàng trong lúc Trịnh Nguyễn phân tranh là Nguyễn Hữu Hào với cuốn truyện dài Song Tinh Bất Dạ.

Cho đến ngày nay, mười lăm năm qua, thời cuộc biến thiên, tôi vẫn chưa có thêm tài liệu gì về Song Tinh Bất Dạ nên xin nhắc lại một vài ý kiến của mình lúc đó.

Song Tinh Bất Dạ là một truyện thơ lục bát dài cỡ truyện Kiều, nhưng xuất hiện trước đó cả thế kỷ và học giả không ai có được bản Nôm, chỉ thấy nhắc tựa đề trong các sách văn, sử mà thôi. Ông Đông Hồ có được bản Nôm do người bác của ông để lại, trong đó ông thấy có nhiều chỗ sửa chữa, có cả một vài chỗ phiên âm quốc ngữ cạnh bên các chữ Nôm. Đông Hồ công bố với sự dè dặt rằng bản quốc ngữ này không chắc là đúng với nguyên văn vì có sự sửa chữa của người bác ông.

Đọc kỹ bản quốc ngữ, tôi thấy rằng sự nhúng tay của người sau phải là một phần rất lớn vì văn chương của tác phẩm nầy rất trội, nhiều câu tuyệt diệu bất ngờ, tác phẩm nói chung nhiều hơi hướm Đoạn Trường Tân Thanh.

Nhắc lại, Song Tinh Bất Dạ xuất hiện trước Đoạn Trường Tân Thanh cả thế kỷ ở đàng trong – có nhiều câu thấy ngay là người sau sửa lại theo Đoạn Trường Tân Thanh. Mất đi điểm căn bản nguyên tác để xác định giá trị văn chương, người sau nếu muốn nghiên cứu cũng chỉ có thể nhận định trên các khía cạnh khác văn chương, ở ngoài văn chương, Song Tinh Bất Dạ vì vậy đối với tôi như một cô gái đẹp có cái cằm sửa, mũi độn, mắt cắt, đẹp thì đẹp đấy, nhưng tính cách tự nhiên nguyên thủy đã không còn! Trong quyển Văn học Nam Hà tôi né tránh nói đến kỹ thuật của Nguyễn Hữu Hào cũng vì lẽ đó.

Buổi diễn thuyết tương đối thành công, một phần vì nhiều diễn giả, mỗi người nhìn nhà thơ trên một mặt, nói về điều chuyên môn của mình, phần khác thi sĩ Đông Hồ có một số đông sinh viên và nhiều người ngưỡng mộ. Tiếc rằng vấn đề tôi đưa ra thuộc chuyện cần phải thảo luận, người có thẩm quyền nhất – để trả lời đã hạc nội mấy ngàn, điều tôi nói đã không được một tiếng vọng trở lại nào từ đó đến nay. Quyển Song Tinh Bất Dạ, do thi sĩ Đông Hồ công bố vĩnh viễn không ai có thể xác định được độ chính xác đến mức nào, tôi cho rằng đó là một mất mát lớn của gia tài văn hóa Việt, một lần nữa tôi lại tiếc và tự trách, nếu trước kia đừng chểnh mảng, tìm một dịp hội kiến, biết đâu tôi đã có dịp bàn thảo vấn đề này với thi sĩ, có thể thi sĩ đã soi sáng cho tôi thêm ngoài điều ông đã công bố trong lời dẫn nhập khi cho in Song Tinh Bất Dạ. Tuổi trẻ nhiều lầm lỗi, khi nghĩ đến vấn đề này, tôi luôn luôn cho rằng phần lầm lỗi phân chia người quá khứ và người thời đại của tôi lúc đó là một lầm lẫn đáng chê trách.

Giờ đây, trên đất nước người, sinh sống bằng một nghề xa lạ với văn chương Việt, ở một vùng không thể thấy được tài liệu nghiên cứu của Việt Nam, bài này được viết ra như một tiếng thở dài, thở dài cho mình một thời ham vui đã không biết áp dụng câu tục ngữ “ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ” trong việc nghiên cứu văn học, con đường dài phải đi tôi tự chọn như một trả nợ cho sách vở với người xưa…

3. Khoảng giữa năm 78, tôi gặp bà Mộng Tuyết một vài lần, lúc tại tư thất của bà gần Lăng Cha Cả, lúc tại trụ sở Ủy ban Khoa Học Xã Hội Miền Nam, chỗ Trung Tâm Ngữ Học Mùa Hè cũ, dường như bà đến để bán một số sách quý do Đông Hồ để lại. Vợ một nhà thơ, chính mình đã từng làm thơ và viết lách, việc bán sách kỷ niệm của người chồng quá vãng của bà khiến tôi nghĩ rằng bà Mộng Tuyết cũng như một mình đang sửa soạn cho một cuộc đi xa khỏi đất nước đang xảy ra quá nhiều điều nghịch lý. Tôi từng trầm trồ những quyển sách đóng bìa rất đẹp hầu hết đều có chữ ký tặng của tác giả, giá ai đó biết quý sách và quyết tâm ở lại mua hết tủ sách đó ít ra chúng cũng về một mối hơn là về tay nhà nước rồi sẽ tản mát đi, mỗi người đem một quyển về làm của riêng không còn ai thấy để mà đọc mà nghiên cứu!

Tôi bóng gió nói ý nghĩ của mình, bà chỉ cười. Có lần bà cho tôi xem bài viết của bà trên tờ Nghiên Cứu Văn Học xuất bản ở Hà Nội, số đặc biệt do các cây bút nữ lưu viết bài khảo cứu. Tôi đã đọc bài đó, không một chút gì đề cao chế độ, không viết theo lăng kính và phương pháp của người thắng trận. Tôi kính phục thái độ của bà và thấy dường như họ có chiến dịch mời gọi những người có thế giá về với họ. Vấn đề là những người này có giữ được tính cách độc lập của mình và có tự trọng hay không, một hai bài viết trên các báo nhà nước về vấn đề chuyên môn, được viết bởi một người biết giữ phẩm giá, vẫn là một điều không có gì đáng chê trách.

Tôi thấy buồn buồn – thêm một chút khinh dễ, nghĩ đến một người dạy cùng trường, vào trường được độ một năm trước ngày Miền Nam bị cưỡng chiếm đã cậy cục để được đăng một bài trên tạp chí Nghiên Cứu Văn Học và anh ta tỏ ra hãnh diện khoe về những điều hai bên “trao đổi” với nhau trước khi bài được chấp thuận đăng, ác hại thay những việc trao đổi này không thuộc trên lãnh vực chuyên môn mà là phương pháp và lập trường! Bi hài ở chỗ người ta có thể chấp nhận hi sinh lòng tự trọng của mình để đổi lấy cái phao cứu nguy sự bất ổn của cuộc sống, trong khi cái phao đó thật nhiều khi tỏ rằng không hữu hiệu…

Bà Mộng Tuyết cũng cho tôi xem tập thơ của bà in thật đẹp do nhà in của Thi Vũ in ở Paris khoảng 1973 – dường như lúc bà sang Pháp – tập thơ trình bày thật đẹp, thật sang trọng “Gầy Hoa Cúc” tôi ước ao mình có được tập thơ in đẹp như vậy của mình. Cho đến nay, cả chục năm trời qua tôi vẫn chưa có một tập thơ nào, huống chi một tập thơ in đẹp! Đời biến chuyển, thi hứng cạn, việc nghiên cứu đi vào ngã bí tài liệu, áo cơm… tôi chỉ còn trả nợ sách vở bằng một số truyện ngắn mà chính mình cũng không mấy gì hài lòng…

Năm 1980, sau vài tháng ở Mỹ, tôi được tin qua nhà thơ Phương Hà rằng nữ sĩ Mộng Tuyết đã sang được Pháp. Mừng, thêm một người Việt nữa được thoát khỏi vòng vây hãm của con bạch tuộc đỏ. Cảm giác đó sau này tôi cũng có tương tợ khi được tin những người Việt khác tôi chưa từng hân hạnh gặp như Nguyễn Thị Vinh, Đặng Thị Thanh Phương, Tạ Ty, Thế Uyên, Luân Hoán… đến được xứ tự do, vấn đề đầu tiên là có tự do, chuyện viết lách rồi theo ngày tháng người cầm viết sẽ có lúc cầm viết trở lại. Sự thôi thúc bên trong luôn luôn là một thôi thúc khôn cưỡng. Cơm áo, sức khỏe, hoàn cảnh chỉ ngăn trở một thời gian, cái nghiệp không phải dễ dàng thoát ra được.

Mộng Tuyết chưa cầm bút lại nhưng tôi biết chắc chắn một ngày nào đó bà lại sẽ ngồi vào bàn viết, với bút hiệu mới có thể, nhưng chắc chắn rằng bà sẽ không đứng ngoài đám đông cầm viết kiêu dũng hiện nay.

Lần đầu tiên có một quyển sách văn học sử nghiên cứu về một địa phương, quyển Văn Học Hà Tiên của Giáo sư Đông Hồ được học giới chú ý vì nhiều tài liệu mới một phần, vì uy tín của tác giả một phần. Tuy nhiên vấn đề quan trọng nằm ở chỗ địa phương Hà Tiên phải chăng là chỗ có truyền thống văn học, hay chỉ nở rộ thời Mạc Thiên Tích thôi? Vả chăng một mình họ Mạc không thể tạo nên một vùng văn học vì những thi sĩ ở trong thi đàn của vị vương giã nầy hầu như tất cả chỉ ghé Phương Thành một thời gian ngắn rồi trở về lại Trung Quốc, không có liên hệ gì với người dân Hà Tiên cũng như không tạo một ảnh hưởng gì lên người dân Hà Tiên về văn học cũng như xã hội.

Ta nghĩ sao nếu một người nào đó viết Văn Học Cố Đô chỉ để nói thơ Tùng Thiện Vương họa với Tuy Lúy Vương và các Vương tôn Công tử đồng thời? Dầu không đủ sức thuyết phục, quyển Văn Học Hà Tiên, theo tôi cũng đã mở đường cho những công trình đi sau, như Văn Học Miền Nam của Phạm Việt Tuyền, Văn Học Nam Hà của Nguyễn Văn Sâm sau đó. Ở những điều suy nghĩ của tác giả và ở tài liệu ông công bố. Tôi cho rằng linh mục Thanh Lãng đã có lý để mời thi sĩ Đông Hồ phụ trách môn này ở trường Đại Học Văn Khoa độ nọ.

Nếu công trình nghiên cứu của Đông Hồ có giá trị khiêm nhường thì trái lại thơ của ông trong Nam Phong ngày trước là cả một sự đóng góp lớn lao vào văn học Việt. Chính những bài thơ này đã khơi mào trào lưu lãng mạn sau này. Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Tình Già của Phan Khôi bắt rễ sâu xa từ đây để rồi nở rộ bằng giai đoạn văn chương lãng mạn tiền chiến…

Cũng có thể nói thêm rằng chính cuộc sống của Đông Hồ là cuộc sống của người thơ ảnh hưởng Nho Giáo, xa biến động của xã hội, bình tĩnh trước cuộc đời, thân thiết với bạn bè (trường hợp thi sĩ Vũ Hoàng Chương), từ tốn trong cách xử thế tiếp vật…

Đông Hồ đã có một thời gian sống bên cạnh văn chương, thơ của ông không theo kịp trào lưu, ông lạc lõng giữa những người mới như Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, ông như Nhất Linh của thời Văn Hóa Ngày Nay, chỉ còn là cái lọ cổ đặt ngoài sau cái bình mới Sáng Tạo, Hiện Đại, nhưng điều đó không phải lỗi ở Đông Hồ hay Nhất Linh mà chính vì bước tiến của Văn Học Việt Nam quá mau sau thế chiến. Biết bao nhiêu nhà văn nhà thơ lớp trước cũng đã lâm vào cảnh tương tợ, một Tương Phố nằm im trên Đà Lạt, một Nguyễn Đức Quỳnh chỉ còn thuyết mà khả năng sáng tác không còn, một Khuông Việt bặt im, một Thẩm Thệ Hà loay hoay với mấy cuốn sách giáo khoa Trung học và vài cuốn tiểu thuyết mỏng không tạo được tiếng vang nào.

Cuộc sống của người văn chương cần để lại một cái gì đó cho hậu thế. Ngày nay ta nhắc đến Đông Hồ như một người đã đi vào thơ Việt thật sớm, đã nói về tình cảm mình trong những năm mà con tim còn bị bắt buộc phải giấu kín tiếng lòng. Ông đã nghiễm nhiên làm chuyện cách mạng tình cảm và đã được tiếp đón như kẻ tiên phong.

Công của Đông Hồ ở đó, điểm đặc biệt của Đông Hồ cũng ở đó.

(1995)