Giới thiệu sách mới: “Văn-Học Quốc-Ngữ thời đầu và miền Nam lục-tỉnh” qua vài nhận định, biên khảo của Nguyễn Vy Khanh

Nguyễn Vy Khanh

Giới thiệu sách mới:
“Văn-Học Quốc-Ngữ thời đầu và miền Nam lục-tỉnh”
qua vài nhận định, biên khảo của Nguyễn Vy Khanh

do nhà Nhân Ảnh xuất bản tháng5-2021

amazon.comlulu.com phát hành

Buổi bình-minh của văn-học chữ Quốc-ngữ đã bừng lên từ nửa cuối của thế-kỷ XIX, nay đã trở thành quá khứ nhưng đã là sỏi đá nền móng! Hơn 150 năm sau, đất nước cũng như con người Việt-Nam đã trải qua biết bao dâu bể, biến suy, chưa biết bao giờ sẽ có thể sống hòa hợp lại được như thời thịnh trị và an bình như tổ tiên xưa. Chúng tôi thiển nghĩ cần có một cái nhìn lại, “ôn cố tri tân” như thường nghe, việc vốn không dễ vì dù chấp nhận hậu sinh là kẻ “phê bình” tối hậu của mọi nền văn học đã qua, nhưng chúng ta hôm nay không thể đọc lại các tác phẩm văn học các thời trước như người thời đó. Các thời đại văn chương đã qua đi và chúng ta có nhìn lại thì mới thấy chúng chỉ là những hiện tượng xuất hiện một thời nhưng không chết, không mất, vì chúng đắp lối, dọn ngõ cho các thế hệ đến sau.

Văn-học Miền Nam trong tuyển tập này một phần được giới hạn ở tính “miền Nam lục-tỉnh”. Tìm hiểu và nêu lên những đặc-tính nhưng không so sánh và xếp loại theo nghĩa địa phương. Với biên khảo này, chúng tôi có một số nhận định như sau:

  • Văn-học chữ quốc-ngữ đã khởi đầu từ Miền Nam Lục-tỉnh (Nam kỳ, Cochinchine), từ 1869 với Gia Ðịnh Báo - là tờ báo chữ Quốc-ngữ đầu tiên ở Việt-Nam, từ ngày 15-4-1865.
  • Nền văn-học chữ quốc-ngữ này xuất hành từ báo chí: các truyện kể, truyện ngắn, thơ, vè, bút ký, nghị luận đã xuất hiện trên các báo thời đầu này trước khi được xuất bản và được gọi là tác phẩm văn học:
  • Tác phẩm văn xuôi mang tính văn học đầu tiên được xuất bản là Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký năm 1866, 74 văn bản bằng chữ Quốc-ngữ, sau đó đến tác phẩm của Trương Minh Ký và Huình Tịnh Của;
  • Tiểu-thuyết chữ Quốc-ngữ đầu tiên được xuất bản là truyện Thầy Lazaro Phiền của tác giả tiên phong Nguyễn Trọng Quản vào năm 1887;
  • Văn bản kịch nói đầu tiên được xuất bản là Tuồng Joseph của Trương Minh Ký, vào năm 1887;
  • Thể loại tự truyện xuất phát với Chơn Cáo Tự Sự (1910) của Michel Tinh.

Nhân đây cũng xin xác nhận chúng tôi không phân biệt Nam Bắc vì quan niệm muốn thông-cảm và giải quyết một số vấn nạn lịch-sử, sự hiểu biết tường tận là điểm khởi đầu thiết yếu. Văn-học là một phần quan trọng của văn-hóa và lịch sử một dân tộc và phê bình, nghiên cứu đặc tính địa lý được nhiều nhà phê bình văn học Âu Mỹ xem trọng. Cho nên khi nói đến một số nhà văn thơ – mà không là tất cả những vị đã nổi tiếng, chúng tôi làm công việc văn-học sử, mục-đích phân tích và nhận định, chớ không nhắm kỳ thị địa phương hay đề cao, hạ giá tác-giả nào cả! Tất cả các nhà văn thơ đều thuộc văn-học sử Việt-Nam.

Mặt khác, những ảnh-hưởng lên văn-học Việt-Nam nếu có cũng cần được nghiên cứu, ví dụ như nếu Anh quốc hay Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha xâm chiếm, đô hộ miền Nam rồi cả nước thay vì thực dân Pháp, thì sinh hoạt văn-hóa và việc nghiên cứu văn-học đã khác chăng? Văn-học dân gian (folklore/oral literature) sẽ được chú tâm hơn? Và ảnh-hưởng trên văn-học bác học?

Những bài viết trong tập sách đánh dấu một quãng thời gian viết của chúng tôi. Một cố gắng chủ quan, rời rạc, về một số vấn đề của văn-học bầng chữ Quốc-ngữ thời đầu và miền Nam lục-tỉnh, không hẳn có tính cách hệ thống. Bài Miền Nam Khai Phóng là bài đầu tiên đánh dấu sự quan tâm và nghiên cứu của chúng tôi với quan niệm “Kiến thức cũng như nghề nghiệp chính thức và nghiệp dư, sau nhiều thập niên hoạt động, cho chúng tôi tâm niệm và ý chí, trong khả năng khiêm tốn và khả thể, đi tìm sự thực và ghi lại cho các thế hệ sau, với hy vọng rằng chỉ có thống nhất nhân tâm và địa lý khi nào những khúc mắc và vấn nạn lịch sử đã được nhìn nhận và giải tỏa”. Bài đã gây tiếng vang về vấn đề, từ khi được xuất hiện trong tuyển tập 1 Văn-Học Nghệ-Thuật Liên Mạng (1996). Một số bài trong tập đã được in trong các tuyển tập biên khảo và một số đã được phổ biến trên các tạp chí cũng như các trang liên-mạng internet. Chúng tôi giới hạn thời gian văn học từ năm 1865 đến 1954, tuy trong vài bài, vì mạch văn hoặc muốn đầy đủ, chúng tôi đi qua lằn ranh thời gian đó, hoặc lặp lại một số chi tiết, sự kiện.

Chúng tôi quyết định xuất-bản tuyển tập biên-khảo vào lúc này, dù chúng tôi vẫn muốn cập nhật và đặt lại một số vấn-đề, nguồn cơn. Trong thời gian biên soạn, tập nhận định và biên khảo này, đã được quí thân hữu và văn hữu góp ý và phê phán. Chúng tôi mong tiếp tục được quí độc giả chỉ giáo những sai lầm và thiếu sót cũng như sẵn sàng thảo luận về những quan điểm đưa ra trong tập sách.

(NVK)

Sách gồm 20 tiểu luận và biên khảo mới hoặc đã được cập nhật:

  • Văn-Học chữ quốc-ngữ thời đầu
  • Miền Nam khai phóng
  • Miền Nam đạo lý
  • Văn-học yêu nước
  • Tiếng Việt qua một số tác-phẩm chữ quốc-ngữ thời đầu
  • Báo-chí từ thời bình minh văn-học chữ quốc-ngữ đến buổi qua phân 1954
  • Về Nguyễn Đình Chiểu và lý-luận văn-học
  • Trương Vĩnh Ký và các tác-phẩm văn xuôi tiền-phong
  • Huình Tịnh Paulus Của
  • Trương Minh Ký
  • Nguyễn Trọng Quản, Hồ Biểu-Chánh và Ảnh hưởng Âu-Tây trong thể-loại tiểu-thuyết thời đầu
  • Thể-loại Tự truyện với Chơn Cáo Tự Sự
  • Lê Hoằng Mưu, nhà tiểu-thuyết tiền phong
  • Nhìn lại sự-nghiệp hiện-đại hóa của Nguyễn Văn Vĩnh
  • Nỗ lực hiện đại hóa tiểu-thuyết của Hồ Biểu-Chánh
  • Ngôn-ngữ của tiểu-thuyết Hồ Biểu Chánh
  • Nguyễn Thị Manh-Manh
  • Hồ Văn Hảo và Thơ Mới hiện-thực
  • Thi ca yêu nước của Vũ Anh Khanh
  • Đôi nét về Văn-học Công Giáo Việt Nam

Mua sách:

Liên lạc NXB Nhân Ảnh:

Ông Lê Hân
han.le3359@gmail.com - (408) 722-5626

Mua online qua amazon:

Bìa mềm $40: https://www.amazon.com/dp/1667100106/

Bìa cứng $45: https://www.amazon.com/dp/1483499448/