Giới thiệu sách mới xuất-bản:
Trương Vĩnh Ký: tinh-hoa nước Việt của Nguyễn Vy Khanh


Toronto: Nguyễn Publishings, 2-2018. 414 trang; amazon.com phát hành, US $25.
ISBN: 978-0-9736748-3-5




Chương I:

  • Thân thế

Chương II:

  • Tác-phẩm

Chương III:

  • Tác-phẩm văn xuôi tiền phong

Chương IV:

  • Sự nghiệp văn-hóa
  • Nhà văn-hóa học tiên khởi
  • Phương-pháp nghiên-cứu
  • Trương Vĩnh Ký, nhà ngôn-ngữ học
  • Văn-hóa dân-tộc
  • Chữ quốc-ngữ
  • Vai-trò của chữ quốc-ngữ
  • Trương Vĩnh Ký và thể-loại tiểu-thuyết
  • Sự nghiệp báo-chí
  • Trương Vĩnh Ký và cây trái, canh nông

Chương V:

  • Cuốn Sổ Bình Sanh
  • Trương Vĩnh Ký sống đạo người Việt
  • Trương Vĩnh Ký và chuyến Âu du 1863-1864

Chương kết:

  • Nỗi lòng Trương Vĩnh Ký và hậu-sinh

Trương-Vĩnh-Ký là một nhà giáo và là một học giả, một nhà ngôn ngữ học và Việt-Nam học đặc-biệt của Việt-Nam vào nửa cuối thế kỷ XIX. Ông thiết tha với nền văn học Quốc ngữ và được coi là người đặt nền móng cho báo chí quốc ngữ Việt Nam - là tổng biên tập tờ báo quốc ngữ đầu tiên (Gia Định Báo) và là cây bút chủ chốt của vài tờ báo khác. Ông còn là một trong số những nhà văn tiên phong của nền văn-học chữ quốc-ngữ. Thật vậy, Trương Vĩnh Ký là một trong những người đi tiên phong viết văn bằng chữ quốc ngữ, với ngôn ngữ, tiếng nói của người Việt miền Nam vào nửa bán cuối thế kỷ XIX, do đó ngoài những tác phẩm có tính cách biên-khảo và từ-điển, ông còn biên soạn các sách về giáo dục, lý thuyết và thực hành ngôn ngữ, nhân chủng, địa lý, v.v. thường không dài hơi, ít trang. Người thời nay, ở cuối thế kỷ XX đầu XIX, thời của thông tin có sẵn trên các hệ thống thư viện và thông tin toàn cầu, liên mạng, ebook, … nếu chỉ xét đến bề dày của tác phẩm và phê bình rằng tác phẩm của Trương Vĩnh Ký “không công phu, giá trị”, lời phê đó quá dễ dãi, nông cạn và thiên vị! Khổng Tử ngày xưa cũng đâu cần nhiều lời mà cũng đã nói lên hết những gì cần nói cho môn sinh, cho đời và hậu-thế!

Trương Vĩnh Ký là một người miền Nam lục-tỉnh sống vào buổi giao thời nước Việt-Nam phải tiếp xúc với phương Tây qua súng đạn xâm lược và chính-trị thực dân, và từ 150 năm nay, ông đã từng bị hiểu lầm, từng bị huyền thoại hóa theo âm mưu của thực dân, từng bị khen chê theo yêu ghét cá nhân, theo xu hướng chính trị và thời cuộc; trong khi lời khen ông không được nghe hay tôn trọng thì tiếng chê ông xuất phát từ nhiều nguồn gốc, âm mưu lại được nâng cao tần số và không ngưng nghỉ, và bằng những hành động có tổ-chức, có “tư tưởng” khi phế bỏ tượng đài ông cũng như xóa bỏ tên trường học mang tên ông!

Những năm cuối thế kỷ XX kéo dài đến đầu thế kỷ sau và không biết đến bao giờ, có một hiện tượng tiêu cực và đặc biệt ngày càng trầm trọng, đó là việc các nhân vật lịch sử và văn hóa Việt Nam liên tục bị hạ bệ, vẽ trấu. Có khi là những nỗ lực đi tìm sự thực lịch sử, có khi là những đánh giá lại, có khi trực tiếp biện minh cho một chế độ, một ý-thức-hệ, có khi gián tiếp chửi bới một chế độ, phe nhóm, có khi vì kỳ thị tôn giáo, địa phương hay vì mặc cảm, dị ứng, biến ứng, có người riêng rẻ, lại có những tổ chức qui mô... Sự kiện 30-4-1975 đã chứng minh vai trò của “hoả mù” tuyên truyền, phản thông tin trong cuộc chiến tranh đó! Trong một tình cảnh chung của người Việt lúc này sống chết với... lịch sử, với hiện tượng hồi ký tạp loại, nhất là tiểu thuyết lịch sử, dã sử và “hoả mù” cứ thế mà tiếp tục! Dĩ nhiên, Trương Vĩnh Ký không thoát những đòn hỏa mù đó! Từ ngày ông qua đời đến nay và qua nhiều cuộc đổi đời, đã có nhiều công trình biên khảo và nghiên cứu về ông, khen có chê có.

Năm 2000, chúng tôi đã viết bài với chủ ý đặt lại một số vấn đề nghiên cứu căn bản, do đó chỉ xin nêu ra một số sai lầm và nghi vấn về con người và sự nghiệp Trương Vĩnh Ký, một người Việt Nam-kỳ, theo đạo Thiên chúa, làm việc cho Pháp và là người mở đường báo chí và văn học chữ quốc ngữ ở hậu bán thế kỷ XIX. Ông sống đồng thời với Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đình Chiểu, Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị, ... nhưng mỗi người một cuộc sống và định hướng khác nhau, đại diện cho các khuynh hướng người Việt lúc bấy giờ đối với thực dân Pháp vừa thôn tính Nam-kỳ. Nay, nhân kỷ niệm năm thứ 180 ngày sinh của Trương Vĩnh Ký, chúng tôi cho xuất-bản tập biên-khảo này về thân thế và sự nghiệp của ông, một văn-hào và nhân-sĩ, tóm, một tinh-hoa nước Việt. Chúng tôi trình bày lại những vấn-đề mà chúng tôi đã phổ biến trong thời-gian qua: bài đầu tiên “Về Trương Vĩnh Ký và vấn đề văn bản, lối nhìn,...” vào tháng 5-2000, bài 2 “Trương Vĩnh Ký sống đạo người Việt” tháng 11-2004 và bài 3 “Trương Vĩnh Ký và chuyến Âu du 1863-64” tháng 1-2009; nay chúng tôi hiệu đính và bổ túc thêm với những tài-liệu và ấn phẩm mới tìm được hoặc xuất-bản sau này. Trình bày của chúng tôi chú trọng toàn diện đến thân thế, sự nghiệp và gia tài tác-phẩm cùng tư tưởng, mục-đích của Trương Vĩnh Ký, và luôn với quan niệm: “Kiến thức cũng như nghề nghiệp chính thức và nghiệp dư, sau nhiều thập niên hoạt động, cho chúng tôi tâm niệm và ý chí, trong khả năng khiêm tốn và khả thể, đi tìm sự thực và ghi lại cho các thế hệ sau, với hy vọng rằng chỉ có thống nhất nhân tâm và địa lý khi nào những khúc mắc và vấn nạn lịch sử đã được nhìn nhận và giải tỏa”.