Quan điểm về phụ nữ Việt Nam hải ngoại

Trước đây, khi đọc tập san Truyền Thông, phát hành tại Montreal, Canada - số 2, ra tháng 2 năm 2002, tôi đã suy nghĩ nhiều về việc làm của William Joiner Center (WJC), một cơ quan chuyên nghiên cứu về chiến tranh và hậu qủa xã hội của chiến tranh. Trung tâm này thuộc University of Massachusetts Boston (UMB), đã mời hai học giả Cộng Sản từ Việt Nam sang Mỹ để viết lại căn cước (identity) của người Việt tỵ nạn Cộng Sản trong một chương trình nghiên cứu có tầm cỡ quốc tế do Rockefeller Foundation tài trợ. Chương trình nghiên cứu này mang tên“Reconstructing Identity and Place in the Vietnamese Diaspora” do chính trung tâm này dịch ra Việt ngữ là “Diễn Trình Tái Xây Dựng Diện Mạo và Quê Hương của Người Việt ở Nước Ngoài”. Cho tới nay, sự kiện này vẫn còn nóng hổi tính thời gian vì nội dung của nó bao gồm các lãnh vực văn học, văn hoá, lịch sử, xã hôi, và chính trị đối với người Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản. Sự liên quan giữa cá nhân tôi với vấn đề này còn gần gũi hơn nữa khi Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do đã viết kháng thư gửi Tiến Sĩ Kevin Bowen, Giám Đốc Trung Tâm William Joiner vào ngày 20 tháng 10 năm 2000, để bày tỏ mối quan tâm sâu sắc của y giới Việt Nam hải ngoại đối với chương trình nghiên cứu về cộng đồng người Việt hải ngoại do trung tâm này đang tiến hành.

Thời gian nghiên cứu của chương trình này là ba năm, mỗi năm nghiên cứu những vấn đề khác nhau. Một trong những đề tài nghiên cứu của năm thứ hai là “Emerging diasporic voices: …What is the significance and impact of women’s voices (Những tiếng nói đang nổi lên trong cộng đồng …Ý nghĩa và ảnh hưởng của tiếng nói phụ nữ”[1]. Tuyệt đại đa số của cộng đồng người Việt hải ngoại là người tỵ nạn Cộng Sản đang định cư rải rác trên khắp thế giới, do đó những người phụ nữ được chương trình này nói tới phải được tiêu biểu bởi người phụ nữ tỵ nạn Cộng Sản, hay ít nhất có sự hiện diện của người phụ nữ tỵ nạn Cộng Sản trong số những người phụ nữ mà WJC lựa chọn. Nhưng, rất tiếc là WJC/UMB đã không làm như vậy.

Khi người Việt tỵ nạn Cộng Sản ồ ạt ra đi bằng cả đường bộ lẫn đường biển, Liên Hiệp Quốc và Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cũng như các quốc gia trong thế giới tự do đã mở rộng vòng tay cứu trợ và đón nhận người Việt Nam vào các quốc gia tự do với tư cách là những người tỵ nạn Cộng Sản thì sự kiện này đã trở thành một vấn đề quốc tế và cũng đã trở thành một chương quan trong trong lịch sử thế giới. Thực tế lịch sử này đã được viết bằng máu và nước mắt của ba triệu người Việt Nam phải bỏ nước ra đi, trong đó nửa triệu người đã chết trong kinh hoàng đau đớn trên đường đi tìm tự do. Vậy mà chương trình nghiên cứu về người Việt hải ngoại, WJC không những đã đi xa mục tiêu do chính họ đề ra, mà còn đi ngược lại sự thật lịch sử, đưa tiếng nói của một vài cá nhân, không đại diện cho ai ra làm tiêu biểu cho cả một cộng đồng to lớn trải rộng khắp thế giới nhằm “xây dựng lại căn cước (identity) của người Việt tỵ nạn Cộng Sản”.

Trong số 26 nghiên cứu viên được tuyển chọn cho ba năm của chương trình, có ba phụ nữ Việt Nam đó là bà Nguyễn Thị Thanh, một phụ nữ đi du học ở Canada từ trước năm 1975 và sau đó ở lại Canada; cô Kiều Linh Caroline Valverde cùng với gia đình tỵ nạn tại Hoa Kỳ lúc bốn tuổi; cô Bùi Thị Lan Hương đi du học bên Nga trước năm 1975 rồi ở lại. Những du học sinh ở lại không về nước sau biến cố 1975 có mặt trong chương trình nghiên cứu này mang tâm trạng khác hẳn với những người vượt biên, và vì thế sự tuyển lựa nghiên cứu viên của WJC đã mang nhiều thiếu sót vì đã không có sự hiện diện của một người phụ nữ nào thuộc thế hệ tỵ nạn “thực sự”. Vấn đề này cũng là trường hợp của cả ông Nguyễn Bá Chung, Giám Đốc chương trình. Chính ông Hoàng Ngọc Hiến, một trong hai học giả của chế độ Cộng Sản tại Việt Nam được tuyển viết cho năm thứ nhất, đã cho biết là ông Nguyễn Bá Chung từ miền Nam Việt Nam đi du học tại Mỹ trước năm 1975[2].

Cuốn sách “Nếu Đi Hết Biển” của ông Trần Văn Thủy do nhà Xuất Bản Thời Văn tại Garden Grove, California, Hoa Kỳ phát hành năm 2004. Đây là lần đầu tiên WJC/UMB cho xuất bản một tác phẩm của chương trình nghiên cứu về cộng đồng người Việt hải ngoại. Cuốn sách này được chính thức mang danh xưng “CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CỦA UNIVERSITY OF MASSACHUSETTS BOSTON” và danh xưng này được trang trọng in trên trang thứ nhất của cuốn sách. Tác giả Trần Văn Thủy là nhà đạo diễn phim ảnh của chế độ Cộng Sản tại Việt Nam, được tuyển chọn viết cho năm thứ ba của chương trình.

Cuốn “Nếu Đi Hết Biển” gồm có bốn bài đầu do tác giả Trần Văn Thủy viết, và bảy bài phỏng vấn trong đó có một bài phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hoàng Bắc, một người Mỹ gốc Việt, nguyên là cô giáo bậc trung học thời Việt Nam Cộng Hoà, được chế độ Cộng Sản lưu dụng, nhưng năm 1986 bà đã vượt biển. Tôi tự hỏi ở hải ngoại có rất nhiều nhà văn nữ nhưng tại sao bà Hoàng Bắc lại được ông Trần Văn Thủy chiếu cố.

Nhìn vào danh sách những người được phỏng vấn, độc giả có thể thấy trước được chiều hướng của những câu trả lời. Về phần bà Hoàng Bắc, bà đã từng gửi tác phẩm của bà về Việt Nam để xuất bản[3] cho nên việc bà tỏ ý chê cười cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng Sản đồng thời không tiếc lời bênh vực chế độ Cộng Sản tại Việt Nam là điều ai cũng có thể hiểu được. Theo bà Hoàng Bắc giải thích thì lý do bà bỏ nước ra đi chỉ vì mấy ông công an quá đáng mà thôi. Bà không hề nói một lời nào về tội ác khủng khiếp của Đảng và nhà nước Cộng Sản.

Tôi sẽ không bao giờ đặt vấn đề về những lời phát biểu của nhà văn nữ này, nếu đó chỉ là lời được viết ra trong một bài báo, trong một tập san nào đó, hoặc là một tác phẩm mang tên bà vân vân, vì đó là quyền tự do ngôn luận được mọi người trong đó có tôi, hoàn toàn tôn trọng. Nhưng vì đây là kết quả nghiên cứu của một chương trình do một đại học lớn thực hiện có quy mô quốc tế và được môt Foundation tài trợ. Ý nghĩa của những gì được đưa vào trong tài liệu này đã vượt thời gian và vượt tầm vóc của một cá nhân để trở thành tài liệu tham khảo có tính lịch sử. Đó chính là nguyên nhân khiến tôi phải nêu lên vấn đề đúng sai và thật giả, không phải với bà Hoàng Bắc mà với chương trình nghiên cứu của đại học Massachusetts Boston, như danh hiệu này đã được in ngay trên trang đầu tiên của cuốn sách “Nếu Đi Hết Biển”. và đối với các nhà nghiên cứu của những thế hệ sau - không còn ai biết bà Hoàng Bắc nữa mà chỉ biết đó là tiếng nói của phụ nữ Việt Nam hải ngoại.

Đây là cuộc đấu tranh cho sự tồn tại của cái thật đối với cái giả và cái đúng đối với cái sai. Chế độ Cộng Sản Việt Nam với tất cả khả năng hiện có của họ, đang ra sức xóa bỏ hình ảnh, vết tích của người tỵ nạn Cộng Sản như họ đã làm từ năm năm trước trong chương trình nghiên cứu này cũng như hiện nay họ dùng tới sách lược ngoại giao để đòi hỏi Indonesia và Malaysia phải phá bỏ các mộ bia và tượng đài của Thuyền Nhân Việt Nam tại các Trại Tỵ Nạn cũ[4]. Xoá bỏ hình ảnh người tỵ nạn Cộng Sản có nghĩa là xoá bỏ tội ác của họ và trút tội lỗi trốn chạy tổ quốc lên đầu người tỵ nạn như tài liệu nghiên cứu này đã nêu lên trong trang 121 của cuốn “Nếu Đi Hết Biển”. Do đó, tôi tự thấy có trách nhiệm nói lên tiếng nói trung thực với tư cách một phụ nữ của công đồng người Việt hải ngoại để bảo vệ chính mình và bảo vệ những người tỵ nạn chân chính khác nhằm ghi lại cho hậu thế những hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam hải ngoại.

Khi đoc những câu trả lời phỏng vấn của của bà Hoàng Bắc, tôi thấy xót xa cho đất nước Việt Nam. Không biết khi liều chết ra đi bà đã mang theo tâm trạng nào, nguyện vọng gì cho một đất nước, một dân tộc khốn khổ, vì không chịu được ách thống trị tàn ác của Cộng Sản nên hàng triệu người phải lao vào cái chết để tìm tự do. Là người đã từng vượt biển Đông, thuộc thế hệ 1.5, dù không trải qua những truân chuyên khổ ải như những bà mẹ, những người chị Việt Nam trong những nổi trôi của đất nước, thế nhưng tôi vẫn nhớ những nguyên nhân đã thúc đẩy gia đình tôi ra đi…

Tôi vẫn nhớ những mẩu chuyện bi thương về thuyền nhân trong thời gian ở trại tỵ nạn, và nhiều năm sau đó. Đến bây giờ, ba mươi năm sau cuộc chiến, những điêu tàn trên đất nước, những thảm kịch đau thương vẫn còn tiếp diễn tại quê nhà. Cũng vì thế mà tôi đã mạo muội đưa ra một quan điểm về phụ nữ Việt Nam hải ngoại, và những suy tư trăn trở của bản thân - một phụ nữ Việt Nam tỵ nạn cộng sản. Và đây cũng là một tiếng nói khác với bà Hoàng Bắc - một người đi tỵ nạn Cộng Sản nhưng hình như đã tự nguyện chối bỏ căn cước tỵ nạn của chính mình

Người phụ nữ Việt Nam luôn luôn là hình ảnh đẹp và trong sáng trong văn học sử chính thống cũng như trong truyền thuyết dân gian. Trong hậu bán thế kỷ 20, do hoàn cảnh chiến tranh và xã hội, chân dung của người phụ nữ Việt Nam đã đổi mới rất nhiều. Đây là những thay đổi bắt buộc, diễn ra theo những thăng trầm của dân tộc. Trong suốt quá trình lịch sử, người đàn ông Việt Nam phải ra đi chiến đấu bảo vệ quê hương nên người đàn bà phải đảm nhận hết mọi công việc gia đình và xã hội đúng theo tinh thần hai câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm:

“Nuôi mẹ chàng, thiếp khôn làm gái,
Dạy con thơ, thiếp phải làm trai”

Sau tháng tư 1975, trong một bối cảnh xã hội nhiễu nhương, một hoàn cảnh kinh tế khánh tận, khi hàng trăm ngàn người đàn ông bị lùa vào các trại tù cải tạo, chức phận của người phụ nữ Việt càng trở nên trọng yếu. Hơn lúc nào hết, họ bị cuốn xoáy vào những thử thách cam go, gian khổ nhất do chế độ Cộng Sản tạo ra. Họ phải thay thế chồng bôn ba tìm kế sinh nhai nuôi sống gia đình, dạy dỗ con cái, phụng dưỡng cha mẹ già, đồng thời phải lặn lội thân cò nuôi chồng ở những trại tù xa xôi. Sau những năm tù đày, khi người chồng được thả về, họ lại cùng chồng hoặc một mình xoay sở tìm cách đưa gia đình đi vượt biên thoát khỏi địa ngục đỏ. Trong những hoàn cảnh gian nan ấy, người phụ nữ Việt Nam đã bộc lộ rõ đức tính cao quý của mình. Biết bao gia đình được tồn tại nhờ người vợ tháo vát, thủy chung. Cho đến nay, trong văn chương Việt Nam tại hải ngoại đã có biết bao tác phẩm thuật lại quãng đời cơ cực và tấm gương can đảm, trung kiên của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản. Thiết nghĩ trong chương trình nghiên cứu về công đồng người Việt hải ngoại của WJC có mục dành cho tiếng nói phụ nữ cũng là điều hiển nhiên, thế nhưng họ đã không đưa vào chương trình những tiếng nói trung thực, tiêu biểu cho tuyệt đại đa số phụ nữ hải ngoại là những tiếng nói của người phụ nữ thực sự tỵ nạn Cộng Sản.

Tháng tư 1975 khởi đầu cho một cuộc di tản vĩ đại và bi đát nhất trong lịch sử đấu tranh của nhân loại, hàng triệu người đã liều chết phó thác sinh mạng mình trong những con thuyền nhỏ nhoi trên biển cả, bất kể phong ba bão tố để đi tìm tự do, trong đó có tới nửa triệu người đã chìm dưới đáy biển hoặc táng thây trong rừng sâu, “nếu có ba người vượt biên thì chỉ có một người đến bến an toàn, một người chết trên biển vì bảo tố, đói khát và hải tặc và một người sẽ bị bắt lại và đi tù”[5]. Vậy thì vì lý do gì mà gần ba triệu người phải bỏ nước ra đi trong khi bản chất của người Việt Nam là gắn bó với gia tiên đất tổ. Thảm trạng lịch sử đó đã trở thành bản cáo trạng đanh thép để tố giác tội ác của chế độ Cộng Sản tại Việt Nam trước sự phán xét của nhân loại. Và cũng trong bối cảnh đau thương đó, Cộng Đồng người Việt hải ngoại được hình thành, trong đó có những phụ nữ mà chương trình nghiên cứu của WJC/UMB nêu lên trên danh nghĩa, nhưng hoàn toàn không có trên thực tế.

Cộng đồng người Việt hải ngoại có lập trường chống cộng rất rõ ràng, lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu hiện ước muốn tự do dân chủ và cũng là biểu tượng của truyền thống văn hoá của người Việt tỵ nạn Cộng Sản trên khắp thế giới. Trong cộng đồng người Việt, lực lượng phụ nữ khá đông đảo so với các nhóm di dân khác. Năm 1990, tại Hoa Kỳ tỉ lệ nam nữ là 113 người nam cho 100 người nữ[6]. Người phụ nữ giữ một chỗ đứng quan trọng trong cộng đồng người Việt với nhiều thay đổi trong môi trường mới. Qua những thử thách gian khổ hiểm nghèo của chặng đường dài trên biển cả, những tháng năm dài trong trại tỵ nạn và những thời gian đầu hội nhập với xã hội mới, người phụ nữ Việt Nam hải ngoại đã phải thay đổi để thích nghi với nền văn hoá mới. Có thể nói truyền thống luân lý và quá khứ gian khổ đã tôi luyện người phụ nữ Việt Nam thành những người có khả năng thích ứng rất cao. Thêm vào đó trào lưu nữ quyền ở xã hội Tây Phương đề cao quyền lợi người nữ, sự hội nhập của họ trong các quốc gia mới khá dễ dàng so với nam giới. Tuy không chủ tâm nhưng họ đã biến đổi, địa vị họ được thăng tiến, họ đã tiến lần đến mức bình quyền với nam giới. Trước tháng tư 1975, phần lớn phụ nữ còn bị giới hạn trong khuôn khổ gia đình, họ là những nội tướng đảm đang, chu toàn việc tề gia nội trợ. Qua đến đất nước lưu cư, vì hoàn cảnh, rất nhiều người đã phải dấn thân ra ngoài xã hội hoặc để nuôi gia đình trong thời gian người chồng đi học lại, hoặc để cùng chồng đóng góp vào ngân quỹ gia đình. Con đường học vấn tại xứ người là yếu tố thăng tiến quan trọng của người phụ nữ Việt Nam. So với khi còn ở trong nước, tỉ số phụ nữ hải ngoại đi học đông hơn, học đủ mọi ngành và học đến nơi đến chốn. Đời sống ở xứ người cho họ nhiều khả năng chọn lựa, và họ ý thức được con đường tiến thân hữu hiệu nhất mở đầu bằng cách bước chân ra ngoài xã hội đi học, đi làm.

Cũng vì thế mà phụ nữ Việt Nam hải ngoại đã đạt được địa vị khả quan hơn ngày trước. Họ là những người đàn bà cặm cụi làm việc trong các hãng xưởng, họ là những nữ bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, y tá, kỹ sư, khoa học gia, giáo sư, chính khách, nữ sinh… Chân dung người phụ nữ Việt Nam hải ngoại thật đa dạng. Nhìn chung, đa số phụ nữ lưu vong vẫn bảo tồn giá trị của nền văn hóa cổ truyền, họ lại biết dung hòa những tinh túy của văn hóa xứ người để tạo nên nét đặc thù của người Việt hải ngoại. Đó là những người đàn bà có tinh thần tự lập, có óc sáng tạo, nhiều người đã gây dựng được sự nghiệp vững vàng trong xã hội mới, nhưng vẫn đặt giá trị quan yếu trên nền tảng gia đình, do đó chức năng đầu tiên của họ là giúp đỡ chồng con, quán xuyến gia đình. Từ những tiềm năng này chúng ta dễ dàng hình dung được vai trò quan trọng của người phụ nữ trong cộng đồng người Việt tỵ nạn trên mọi địa hạt.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã mở rộng vòng tay đón nhận những người tỵ nạn từ “trận bão đỏ” tháng tư 1975 vì lòng nhân đạo. Nhưng không bao lâu sau đó, đại đa số những người tỵ nạn này đã trở thành những công dân tốt trong xã hội mới. Họ đi làm và đóng góp vào việc xây dựng quê hương mới. Họ là những thành viên thông minh, chăm chỉ, tự trọng. Người phụ nữ Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả trong môi trường mới, họ có mặt khắp nơi, trong nhiều lãnh vực. Báo chí tại Mỹ thường đăng những tấm gương thành công của phụ nữ gốc Việt. Có người là phụ tá Thống Đốc, có người vừa đắc cử vào Hội Đồng Giáo Dục một học khu lớn ở miền Nam Cali, có người tốt nghiệp ưu hạng Trường Võ Bị Westpoint, có người là khoa học gia phát minh vũ khí mới cho quân lực Mỹ, có người đang là nữ chánh án Hoa Kỳ, nhiều phụ nữ Việt Nam điều hành các cơ sở thương mại lớn trong những thành phố sầm uất của Hoa Kỳ… Nét phác họa trên đây về người phụ nữ Việt Nam hải ngoại thật khác với sự mô tả của ông Nguyễn Ngọc Hà, một nhà trí thức ở trong nước, theo ông số người Việt di tản mắc bệnh tâm thần lên tới tỷ số bốn mươi lăm phần trăm[7].

Vai trò hệ trọng nhất của phụ nữ trong cộng đồng người Việt hải ngoại là việc dưỡng dục con cái, lớp người của ngày mai. Nhiều phụ nữ thuộc thế hệ tỵ nạn, ra đời làm việc với vốn sinh ngữ nghèo nàn hoặc không có, hoặc tuổi tác cao, không có điều kiện đi học, phải lam lũ cả ngày trong các hãng may hoặc công việc làm bằng tay, chân mà không đòi hỏi khả năng kỹ thuật để nuôi con ăn học. Đã có bao nhiêu người mẹ, mắt long lanh lệ khi dự lễ ra trường của con cái nay đã thành đạt trên đường học vấn. Họ đã khóc vì sung sướng khi thấy sự hy sinh của mình đã đơm trái. Bằng những việc làm đơn giản, nhỏ bé, họ đã góp phần lớn lao trong việc đào tạo trí tuệ cho quê hương thứ hai của họ. Tới nay, trong số 2,700,000 người tỵ nạn có đến hơn 300,000 chuyên viên kỹ thuật trên các nước tự do và con số này sẽ còn tăng lên mãi trong tương lai[8]. Đây cũng là một hình thức đền ân, trả nghiã của công đồng người Việt hải ngoại đối với quốc gia đã đón nhận gia đình họ. Mối ưu tư lớn của người Việt hải ngoại hay nói riêng là của những bà mẹ Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản là dạy dỗ thế hệ con cháu biết duy trì tình cảm dân tộc nhằm bảo vệ cái vốn văn hoá cổ truyền để giữ vững căn cước Việt Nam của mình, từ đó mới có thể nghĩ tới việc góp phần kiến thiết quê cha đất tổ khi tình hình chung cho phép. Vấn đề này đã mở ra cho phụ nữ hải ngoại trọng trách dạy con nói tiếng mẹ đẻ và nuôi dưỡng tình tự dân tộc và những hiểu biết về quê cha đất tổ. Phụ nữ hải ngoại đã có nhiều cố gắng để thực hiện trọng trách này, một điển hình là các bà mẹ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đóng góp vào việc phát triển các lớp dạy Việt ngữ, truyền bá văn hoá Việt. Đó chính là hình ảnh và tiếng nói của phụ nữ Việt Nam hải ngoại. Vì sao WJC phải tốn công đem đảng viên trung kiên của đảng Cộng Sản từ Việt Nam sang Mỹ để tìm gặp một phụ nữ như bà Hoàng Bắc, người đã tự thú nhận ngay trong câu trả lời phỏng vấn là bà không hề tham dự sinh hoạt cộng đồng, các con của bà tuy đã trưởng thành nhưng “lại càng không (sic!) sinh hoạt cộng đồng?”[9].

Viết tới đây, hôm nay là khoảng hai tuần lễ sau cơn bão Katrina. Trận bão này đã có độ tàn phá khốc liệt nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ. Chính phủ liên bang phải ban hành lệnh cấp cứu khẩn cấp trong ba tiểu bang Louisiana, Mississippy, Alabama; trong đó, vùng New Orleans thuộc tiểu bang Louisiana bị tổn thất nặng nề nhất. New Orleans có một phần lãnh thổ thấp hơn mực nước biển nên cả thành phố chìm dưới nước trong nhiều ngày, nhà cửa hầu như bị tàn phá hoàn toàn, tỷ số thương vong lên tới hàng chục ngàn và dân cư trong vùng phải đi tỵ nạn tại nhiều thành phố lân cận. Hoạt động cứu trợ của chính quyền liên bang, tiểu bang và thành phố đã được tiến hành rất chu đáo. Nhưng trong mấy ngày đầu, hàng trăm ngàn người dân cứ ồ ạt chạy ra khỏi thành phố, việc cứu trợ cấp thời bị ứ đọng. Đây là lúc tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam đối với đồng hương Việt Nam bộc phát một cách đáng thán phục.

Các gia đình tỵ nạn bão Katrina đều bỏ lại nhà cửa, tài sản, ra đi với chiếc xe hơi và hai bàn tay trắng tới thành phố xa lạ. Tổ chức cộng đồng tại các địa phương đã kịp thời tổ chức tương trợ. Nhưng chưa đợi tới cơ quan cấp cứu của chính quyền, người Việt tại vùng an toàn mang xe đón người Việt lâm nạn về nhà mình dầu chẳng quen biết họ hàng gì. Ban chấp hành cộng đồng người Việt tại Louisiana là những người tự nguyện phục vụ đồng bào, nhà cửa của những vị này cũng đang nằm dưới đáy nước, vậy mà các vị đó cũng đã xin chính quyền sở tại của vùng an toàn tạm cấp cho một nơi làm văn phòng liên lạc để ban chấp hành cộng đồng lo giúp đỡ đồng bào tỵ nạn, xin học cho các cháu, lo đủ loại giấy tờ cho các gia đình tỵ nạn, tìm kiếm thân nhân bị thất lạc, đón nhận cứu tề để phân phối. Cộng đồng người Việt từ những tiểu bang khác quyên góp để yểm trợ cho đồng bào. Nhiều hãng buôn, và một vị dân biểu tiểu bang là người gốc Việt đã dùng hết khả năng mình để cứu trợ đồng bào Việt Nam. Nhiều gia đình Việt Nam đã khóc nghẹn ngào vì cảm động khi kể lại mối tình đồng hương trong cơn hoạn nạn... Radio và các đài truyền hình Mỹ cũng như của cộng đồng người Việt liên tục truyền đi những hình ảnh và lời phát biểu đầy xúc động qua nước mắt của các nạn nhân thiên tai khủng khiếp khi nhắc tới tình đồng bào...

WJC/UMB nghĩ sao về những lời miệt thị đối với cộng đồng được ghi trong tài liệu nghiên cứu của họ qua lời nói của một phụ nữ do họ cố ý lựa chọn để tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam hải ngoại. Nếu WJC/UMB có can đảm hỏi những người phụ nữ trong cơn hoạn nạn này thì họ sẽ nói gì về cộng đồng người Mỹ gốc Việt? Một chương trình nghiên cứu như thế, tự nó có xứng đáng tồn tại hay không? Ngoài ra, người phụ nữ tỵ nạn cũng đã và đang góp phần trực tiếp trong việc xây dựng lại quê hương Việt Nam. Khoảng ba tỷ Mỹ kim mà người Việt gửi về nước hàng năm trong đó có sự đóng góp đáng kể của phụ nữ, vừa đi làm cùng chồng vừa giỏi tính toán trong chi tiêu để dành dụm tiền gửi về quê nhà giúp đỡ thân quyến, thương phế binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, hoặc làm công tác từ thiện, hoặc xây dựng trường học cho những điạ phương nghèo khó tại quê nhà. Chính số ngoại tệ khổng lồ này đã bao năm qua đưa quê hương lầm than ra khỏi cảnh khánh kiệt.

Trong lãnh vực văn học, sự đóng góp đông đảo của nữ giới đã làm cho nền văn học hải ngoại thêm phần phong phú. “Tiếng nói đang lên của phụ nữ hải ngoại” xuất hiện dưới hình thức đa thể: Văn, thơ, khảo cứu, dịch thuật, tùy bút… Văn học phản ánh đời sống của một tập thể hay một xã hội. Với người Việt tỵ nạn, nền văn học lưu vong biểu hiện quyết tâm bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam tại hải ngoại. Đó là tiếng nói dân tộc, là tình hoài hương, là nỗi khát khao tự do, nhân quyền cho nước nhà. Nền văn học lưu vong biểu hiện ý chí chống cộng của những người tỵ nạn đối với chế độ độc tài đảng trị ở trong nước và cũng là ngọn lửa thiêng để nung đúc tinh thần yêu nước, ước muốn đoàn kết giữa những người Việt sống rải rác khắp nơi trên thế giới như nhận định của ông Nguyễn Ngọc Hà, một đảng viên Cộng Sản, đã viết: “Trừ một số sáng tác rất lẻ tẻ, hầu như toàn bộ sáng tác văn học ở nước ngoài đều bị bao trùm phủ kín bởi không khí chống Cộng dày đặc vừa gay gắt, vừa thâm độc…”[10].

Sự hiện diện đông đảo của nữ giới trong văn học hải ngoại phải chăng đã biểu lộ hoài bão tranh đấu cho tự do dân chủ của người phụ nữ tỵ nạn?

Từ bao năm qua, phụ nữ luôn luôn hiện diện trong các sinh hoạt cộng đồng: tranh đấu cho nhân quyền, cứu trợ người tỵ nạn, tham dự các phong trào đấu tranh cho tự do và dân chủ ở trong nước… Nhiều khuôn mặt phụ nữ của cả thế hệ “đang lên” lẫn thế hệ tiền bối của người Việt hải ngoại xuất hiện như những ngôi sao sáng. Nói tóm lại, phụ nữ Việt Nam hải ngoại ngày nay là một tiềm lực năng động đang phát triển về nhiều phương diện, sẵn sàng đón nhận công cuộc xây dựng lại quê hương khi thời cơ cho phép.

Đất nước hiện tại vẫn đang oằn oại trong gọng kềm Cộng sản. Những thảm trạng xã hội luôn tiếp diễn trên quê hương dấu yêu. Niềm tự hào về bốn ngàn năm văn hiến đang có nguy cơ tan loãng trong tim của các thế hệ sanh sau, Việt Nam vào thiên niên kỷ mới đang trở về thời nguyên thủy sơ khai dưới sự thống trị của đảng Cộng Sản. Định mệnh dân tộc hay tội ác của nhà cầm quyền đương thời, đã đẩy hàng chục ngàn thiếu nữ, trẻ em ở Việt Nam vào cuộc hành trình oan trái nơi xứ người, nơi mà các nhụy xanh Việt Nam trở thành những món hàng giải trí rẻ tiền cho đàn ông tứ xứ. Trách nhiệm thuộc về ai khi trí tuệ, lý tưởng của tuổi trẻ quốc nội đang bị mai một giữa những nghèo đói, những băng hoại xã hội. Đã bao năm rồi, đất nước không còn chiến tranh, nhưng sao vẫn nghẹn ngào trong niềm đau chậm tiến. Những người phụ nữ Việt Nam, nhất là những người thuộc thế hệ của chúng tôi không qua sông với con thuyền quá khứ trĩu nặng hận thù. Nhưng chúng tôi có trí óc phán xét, nhìn lại lịch sử, đối diện hiện tại để phán đoán về tương lai. Chúng tôi không muốn để lại di sản cho thế hệ con em nỗi nhục làm người dân của một trong những nước lạc hậu nhất thế giới. Trong thâm tâm của tất cả những người Việt tỵ nạn còn ý hướng dân tộc đều ấp ủ nguyện vọng đóng góp một chút gì cho quê hương. Nhà cầm quyền Cộng Sản rất thấu hiểu điều này nên đang ra sức sử dụng những thủ đoạn gian trá dưới những danh xưng hòa hợp, hòa giải hầu có thể khai thác triệt để những tài lực của CĐNVHN. Tìm hiểu lịch sử qua các kinh nghiệm kinh hoàng đẫm máu của các chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm, Mùa Xuân Mậu Thân Huế, chính sách tù cải tạo, vùng kinh tế mới vv…; để nhận rõ bộ mặt bạo tàn của chế độ Cộng Sản, giới phụ nữ hải ngoại không thể vướng mắc vào cạm bẫy hoà hợp hoà giải một chiều đang được WJC/UMB nỗ lực tô son điểm phấn qua những tài liệu quá lộ liễu như cuốn “Nếu Đi Hết Biển” của nghiên cứu viên Trần Văn Thủy, một đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Ba mươi năm sau cơn “hồng thủy” tháng tư 1975, những người thuộc thế hệ một rưỡi và thế hệ thứ hai của cộng đồng người Việt hải ngoại đã trưởng thành trong không khí tự do dân chủ ở hải ngoại. Xa quê hương đã lâu, có những chuyện xưa đã bị phai mờ trong trí nhớ. Nhưng hình ảnh ngôi trường cổ kính ngày xưa với bao tà áo trắng bay lượn trong ánh nắng hanh vàng của những chiều tan học vẫn còn in dấu rất đậm nét trong tâm khảm tôi. Song song vào đó là ký ức về những tư lự, những ngậm ngùi trước tuổi của chúng tôi về một ngày mai vô định, một tương lai tăm tối trên đất nước thân yêu của mình; chúng tôi là thành phần con cháu ngụy quân, sân trường đại học sẽ không bao giờ in dấu chân chúng tôi. Giữa những khắc khoải đó, tôi đã ra đi và may mắn đến được bến bờ tự do. Tựa như con chim bị giam hãm, tôi đã tung bay trong bầu trời rộng mở. Nhìn về quê hương, nhớ về trường cũ bạn xưa, lòng bồi hồi nỗi thương cảm, phẫn uất cho bạn cũ, những người cùng ôm ấp những ước vọng tương lai như tôi đã phải nhìn mơ ước của mình tan như như bọt sóng biển. Và đến bây giờ họ lại phải nhìn những bọt sóng oan khiên nơi các thế hệ sau. Chế độ Cộng sản đã hy sinh bao nhiêu thế hệ đi lên, đã vùi dập bao giấc mơ rất chân chính của tuổi học trò để đưa đến một hệ quả tai hại ngày nay: đạo đức và dân trí suy đồi, đất nước tụt hậu.

Để tuổi trẻ quốc nội vẫn còn những ước mơ trong sáng, để thanh thiếu niên hải ngoại không có mặc cảm về một quê mẹ chậm tiến, nghèo nàn, chúng tôi không có sự lựa chọn nào hơn là tiếp tục con đường cha anh đã đi, tranh đấu chống độc tài đảng trị Cộng sản. Hy vọng rằng ý nghĩa trọng đại của công cuộc đấu tranh này sẽ giúp chúng tôi vượt qua được những tỵ hiềm, những khác biệt cá nhân gây nên sức mạnh đoàn kết hầu tiến bước đến thắng lợi.

Gần ba mươi năm sau, tôi cảm nhận rằng mình vẫn là thuyền nhân. Lần này, con thuyền cưu mang cả 80 triệu người dân Việt Nam. Mong sao toàn dân Việt sẽ khéo tay chèo lái để đưa được con thuyền dân tộc đến bến bờ Tự do, Dân chủ.


______________________________

GHI CHÚ:

[1] University of Masachusetts Boston, “Rockefeller Foundation Humanities Fellowship - UMass Boston Program Plan”, 1999 p. 3

[2] Hoàng Ngọc Hiến, “Hợp Lưu” số 32, Tháng 1 năm 1997 , Fountain Valley, California, trang 32

[3] Trần Văn Thuỷ “Nếu đi Hết Biển” Thời Văn, Garden Grove - California, 2004, trang 83

[4] Bản tin Việt ngữ và hình của đài phát thanh BBC,
       http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/06/050615_vietnammemorial.shtml
       http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2005/06/050615_boatpeoplemonument.shtml

[5] The State of the World’s Refugees 2000: 50 Years of Humanitarian Action

[6] Trần Minh Tùng, “Trải qua những cuộc bể dâu: Di cư và người phụ nữ Việt Nam hải ngoại” Định Hướng số 19 , Westminster , Hè 1999, trang 106

[7] Nguyễn Ngọc Hà, “Về Người Việt Nam Định Cư Ở Nước Ngoài” Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, 1990, trang 28

[8] Nguyễn Châu và Nhóm Ngiên Cứu Lịch Sử Việt Nam Cận và Hiện Dại, Việt Nam, “Cộng Dồng Người Việt Tỵ Nạn trên thế giới”, Santa Clara, California , 2004, trang 39-63

[9] Trần Văn Thuỷ “Nếu đi Hết Biển” Thời Văn, Garden Grove – California , 2004, trang 91

[10] Nguyễn Ngọc Hà, “Về Người Việt Nam Định Cư Ở Nước Ngoài” Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, 1990