Trước khi viết về tác giả Mặc Nhân TVC - Nhìn lại văn phong miền Nam, Nam Kỳ, Nam Bộ

Văn miền Nam trong văn Việt Nam, riêng về văn truyện, văn tiểu thuyết, văn truyện ngắn, văn hồi ký, văn ký sự (mà thôi), trong thế kỷ qua, có lối hành văn đôi phần khác so với loại hành văn nầy đối với phần còn lại của đất nước vì tính địa phương đặc thù của nó.

Văn phong, văn thể được các nhà văn miền Nam, gốc miền Nam sử dụng một cách tự nhiên như lời nói phát ra từ đáy lòng được ghi lại thành dọng văn tuy chất phác mà thấm đậm, chớ không uốn nắn gọt giũa thành những hạt ngọc lưu ly. Lối sử dụng văn liệu cũng vậy chỉ cần đưa ra những câu nói lượm lặt trong dân gian nôm na, mộc mạc, quê mùa mà nghe sao gần gũi ân tình.

Không biết có phải đó là văn phái của miền Nam hay không, chắc là không, nhưng có một điều là các nhà văn miền Nam, không phân biệt tư tưởng, chính kiến, đều có một điểm chung là có một văn phong tương tự. (Viết đến đây, một thoáng nhớ đến nhà thơ miền Nam, cụ Nguyễn Đình Chiểu, trước đây hàng thế kỷ, qua tác phẩm “Lục Vân Tiên” đã nêu tấm gương trung thực nhất cho văn thơ miền Nam chăng?)

Tiêu biểu cho các nhà văn miền Nam từ đầu thế kỷ XX, ta có: Nguyễn Chánh Sắt, Phú Đức, Tân Dân Tử, Hổ Biểu Chánh, Bà Bút Trà v.v.... (trong v.v...nầy không có nhà thơ nhà văn Đông Hồ). Từ thập niên 1940 về sau ta có Hồ Hữu Tường, Phi Vân, Lý Văn Sâm, Nguyễn Văn Sâm, Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, Đoàn Giỏi, Dương Tử Giang, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, bà Tùng Long, Lê Xuyên v.v.....và đương đại ở đầu thế kỷ XXI nầy có Nguyễn Ngọc Tư v.v...

Suốt thời gian dài, các nhà văn miền Nam vẫn trung thành chân thật thể hiện lời văn qua bản chất mộc mạc, dung dị, chất phác xuất phát từ tình cảm của con tim, qua từng thế hệ, qua từng bối cảnh lịch sử có thể có một vài thay đổi tất yếu, nhưng bản chất vẫn mãi mãi là bản chất văn miền Nam.

Nếu cách nay gần tròn thế kỷ những nhà văn đã quá cố nhưng cũng là những nhà văn tiên phong như Nguyễn Chánh Sắt, Phú Đức, Tân Dân Tử, Hồ Biểu Chánh... có một lối văn dung dị, mộc mạc như một lối kể chuyện tuy nhiên vẫn lôi cuốn, hấp dẫn thì gần đây trong thời cận đại những nhà văn như Phi Vân, Lý Văn Sâm, Vũ Anh Khanh, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc...và một số nêu trên đã có công hoàn chỉnh văn miền Nam một cách khoa học hơn...nhưng nhất nhất vẫn còn giữ được tính dung dị, mộc mạc, chân tình và không thể thiếu tính dí dỏm, hóm hỉnh cố hữu của người miền Nam hời hợt, chân tình.

Tuy vậy trong văn miền Nam, ngoài bản chất nêu trên, còn có một dị biệt nhỏ giữa vùng nầy và vùng kia mang tính địa phương tất yếu, mà phải là người miền Nam chánh hiệu mới cảm nhận được điều nầy.

Chẳng hạn ta đọc Hồ Biểu Chánh ta cảm tiếng gà gáy trưa bên bụi tre giữa cánh đồng nắng cháy ở Chơ Dinh, vùng Gò Công. Ta đọc Sơn Nam ta khoái chí khi nghe kể chuyện cọp ngồi coi hát bội, hay tay không trói sấu như trói gà ở miệt Năm Căn hay vào rừng U Minh hút thuốc rê phà khói lấy mật ong.... Ta đọc Bình Nguyên Lộc ta nhớ đến vùng Đất Đỏ miền Đông, vùng Tân Uyên với những chiếc xe bò lọc cọc, và cũng không quên bốn cô gái ế chồng trên xa lộ Biên Hoà... Ta đọc Phi Vân sao ta như sống lại vùng Chắc cà đao hiu hắt, vùng Bảy Núi linh thiêng. Ta đọc Vũ Anh Khanh, ôi sao thấm đậm tiếng chuông nhà thờ của Tha La xóm đạo đất núi Tây Ninh và giọng chính khí ca hào hùng của một tráng sĩ ra đi không hẹn ngày về...

Gần đây một hiện tượng, hiện tượng Nguyễn Ngọc Tư – tôi không nói về số lượng và chất lượng của tác phẩm, mà tôi chỉ nói về lối hành văn đặc biệt miền Nam theo chủ đề - thì quả thật Nguyễn Ngọc Tư đã cho ta “ngửi thấy cái mùi của Cà Mau, của Năm Căn, của Đất Mũi mùi xa, cái mùi của bùn sình, của phân trâu và cả “mùi của người đàn bà bán thân nuôi miệng” qua lối văn tả chân kiểu người miến Nam đến “nổi cợm” lên, làm cho người đọc phải “mọc ốc”, “nổi gai”, “rợn da gà”.....

Tóm lại mỗi nhà văn miền Nam có một góc trời của riêng mình để nhớ để thương, để viết, để thể hiện và thể hiện một cách tài tình cái “ta” trong đó, và cái “ta” đó lại là cái “ta chung đáng nhớ đáng thương của những người cùng nguồn cội”. Từ đó nếu là người miền Nam đọc văn miền Nam do những nhà văn miền Nam viết lại địa phương mình với lối hành văn đặc biệt miền Nam như vậy, thì người đọc không khỏi bồi hồi xúc động nhớ thương vì nỗi hoài cổ bâng khuâng, hay nỗi hoài hương ray rứt. Tôi đã từng khóc như vậy!

* * *

Và cũng từ sự ngưỡng mộ trên, xin phép cho tôi được nêu ra đây, có thể chủ quan một chút, một tác giả (chưa hẳn là một nhà văn), một ngòi viết không chuyên, viết văn miền Nam hiện tại. Ông khởi đầu sự nghiệp văn chương vào tuổi xế chiều. Chỉ trong thời gian ngắn ngủi, tác giả đã xuất bản 4 đầu sách và còn lại 5 bản thảo có thể được ra mắt nếu...có tiền. Trong số sách đã phát hành xin nêu: “Tuổi Thơ...Xa Rồi” truyện ngắn, “Lược sử Cầu Rạch Miễu”, sưu khảo, và “Mỹ Tho xưa Trong Nam kỳ Lục tỉnh 1861-1945” cũng trong loại hồi ký-sưu khảo.

Cũng noi theo con đường của những nhà văn miền Nam tiêu biểu trên, lại nữa tác giả vốn là người con của vùng đất hai bên bờ sông Tiền nghĩa là con người của sông nước, một bên là Mỹ Tho cây lành trái ngọt, một bên là Bến Tre tóc quyện dừa cao vạn thuở xanh nên đọc văn của tác giả chúng ta bắt gặp những câu hò tình tứ, những câu vọng cổ thê lương, những câu thơ Lục Vân Tiên mộc mạc mà ân tình, những người con gái má miếng bầu, tóc mướt rượt dầu dừa, bơi xuồng ba lá, hai bên là bông bần rụng trắng bờ sông, ta có thể nghe lại tiếng bìm bịp gọi nước lớn nước ròng, con quốc lẻ bạn khắc khoải cầm canh bên vàm sông vắng...

Dù đã lớn tuổi (sinh 1926) nhưng chậm bước hơn trong đường “văn vẻ” nhưng tác giả cũng đã không phụ lòng độc giả qua các tác phẩm mà tác giả đã thể hiện trọn vẹn được cái đặc thù đáng yêu của lối văn miền Nam của những người đi trước.

Đó là Mặc Nhân TVC, đó là thầy giáo Tân Văn Công, sinh năm 1926 tại vùng RạchMiễu Mỹ Tho ngày xưa, Bến Tre ngày nay, Ngoài viết văn ra, ông còn là tác giả của3 tập thơ và cũng là soạn giả của hơn 50 nhạc khúc và một số bài ca vọng cổ, ngoài ra cũng là tác giả của một số ảnh nghệ thuật có ít nhiều giá trị.

Cũng như trong văn, tất cả tác phẩm văn học nghệ thuật khác mà tác giả đã tập tễnh sáng tác (tác giả tự xác định mình như vậy) đều mang dấu ấn và cả hình ảnh không phai của miền Tây sông nước, chẳng hạn tác giả đã nhắc lại:

Giọng hát đưa em:

Ví dầu tình bậu muốn thôi.
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra
Bậu ra bậu lấy ông câu.
Bậu câu cá bóng chặt đầu kho tiêu.
Kho tiêu kho ớt kho hành.
Kho ba lượng thịt để dành em ăn.

Hoặc là:

Má ơi! Đừng đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau má nhờ.

Thật sự, giờ đây đọc lại những câu hát đưa em ngô nghê, quê mùa, chất phác, mộc mạc đầy ân tình đó của Mặc Nhân viết lại, tôi không cầm được nước mắt.